Y pháp thương tích do hỏa khí

2013-03-29 08:55 AM

Ðể có thể giải đáp được những thương tích và dấu vết do hỏa khí để lại, giám định viên cần vận dụng thêm những kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, hóa học y pháp (hóa pháp) trong công tác giám định.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Đại cương

Thương tích do hỏa khí là chấn thương cơ giới do hiện tượng đạn thoát ra khỏi nòng súng hoặc hiện tượng phát nổ của một số loại vũ khí như: Bom, mìn, lựu đạn, đạn đại bác... Thương tích do hỏa khí là loại thương tích thường gặp trong Y pháp bởi đất nước ta vừa thoát khỏi chiến tranh nên các loại vũ khí còn tồn đọng rất nhiều trong dân chúng với nhiều loại vũ khí khác nhau, kể cả của các nước Xã hội chủ nghĩa cũng như của các nước Tư bản chủ nghĩa.

Thương tích do hỏa khí thường đa dạng và phức tạp, những thương tích và dấu vết để lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Loại súng, lượng và loại thuốc nổ, tầm bắn... Tuy nhiên các loại vũ khí chúng ta thường gặp là thương tích do các loại vũ khí nhỏ như súng ngắn, súng trường, lựu đạn, mìn...

Ðể có thể giải đáp được những thương tích và dấu vết do hỏa khí để lại, giám  định viên cần vận dụng thêm những kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, hóa học y pháp (hóa pháp) trong công tác giám định. 

Súng đạn thường gặp

Súng

Súng quân dụng:

Có nhiều loại với tên gọi khác nhau:

Súng ngắn: Súng pháo hiệu, K54, K59, Rouleau, Colt45... 

Súng dài (súng trường): K44, CKC, AK, Carbine, AR15, AR18... 

Cấu tạo chung của súng gồm: Báng súng, nòng súng, kim hỏa, ổ lắp đạn...

Ở các loại súng hiện đại, mặt trong của nòng súng có đường xoắn ốc, còn gọi là rãnh (đường) khương tuyến. Rãnh khương tuyến có tác dụng giữ cho đường đạn (đạn bay) ổn định và đầu đạn chuyển động xoay quanh trục của nó. Chính hai tác dụng này làm tăng độ xa và tăng sức xuyên của đầu đạn, súng của các nước Xã hội chủ nghĩa có bốn rãnh, súng của các nước Tư bản chủ nghĩa thường có sáu rãnh, có thể gặp loại tám rãnh nhưng rất hiếm. Dựa vào đường kính mặt trong của nòng súng, người ta chia súng quân dụng thành ba cỡ nòng:    

Cỡ nhỏ:  Dưới 5,66mm.

Cỡ vừa:  6,35mm ;  7,62mm ;  9mm .

Cỡ lớn:  Trên 10mm .

Súng dân dụng:

Súng bắn đinh, súng săn công nghiệp có thuốc nổ hoặc không có thuốc nổ (súng hơi), súng săn tự tạo như: Súng hỏa mai, súng kíp... 

Ðối với súng dân dụng (súng đạn ghém) cỡ nòng được quy định ngược lại, số cỡ nòng nhỏ thì đường kính nòng súng lại lớn và người ta chia thành 5 cỡ nòng:

Cỡ nòng số 10:  19,30 - 19,70mm.

Cỡ nòng số 12:  18,20 - 18,60mm.

Cỡ nòng số 16:  16,80 - 17,20mm.

Cỡ nòng số 20:  15,60 - 16,10mm.

Cỡ nòng số 32:  12,40 - 13,10mm.

Nhưng có hai cỡ nòng thường được sử dụng làì cỡ số 12 và cỡ số 16. Ðiều chú ý nhất là mặt trong nòng súng không có rãnh khương tuyến và khi bắn các viên chì đi theo hình tháp mà đỉnh tháp là đầu nòng súng.

Ðạn

Mỗi loại súng sử dụng một loại đạn riêng. Tuy nhiên, để thuận tiện trong chiến đấu, người ta thường chế tạo một loại đạn có thể sử dụng được vài loại súng như CKC, AK, K63, trung liên dùng chung một loại đạn.

Ðạn quân dụng:

Mỗi viên đạn được cấu tạo bởi 4 thành phần: Vỏ đạn, kíp nổ (hạt nổ), thuốc súng và đầu đạn:

Vỏ đạn: Là kim loại thường bằng hợp kim.

Hạt nổ: Ở trung tâm đáy của vỏ đạn, hạt nổ chứa một hỗn hợp Fulminate thủy ngân, Antimony  sulfide , Potassium  chlorate và bột thủy tinh.

Thuốc súng: Có rất nhiều loại, mỗi loại có công dụng riêng của nó, nhưng có hai loại thường dùng nhất là thuốc đen và thuốc trắng.

Thuốc đen (có khói) thành phần gồm:

Nitrate kali  75 % hoặc  Sulfate 18 %.

Lưu huỳnh   13 % hoặc  Salpêtre 70 %.

Than 12 % hoặc  Than 12 %.

Ðây là loại thuốc cháy không hoàn toàn, sức đẩy yếu, khi cháy tạo nhiều khói và muội than. Hiện nay ở những vùng rừng núi vẫn sử dụng loại thuốc này để chế tạo đạn săn bắn. Thuốc có dạng hạt tròn màu đen nhánh.

Thuốc trắng (không có khói): Loại này gồm nhiều loại khác nhau như T, T bis, J, M... Trong thành phần có Nitrocellulose hoặc Nitroglycerine, là loại thuốc cháy hoàn toàn, tạo sức đẩy mạnh, không sinh khói và để lại rất ít chất cặn bã (muội). Thuốc thường được sản xuất dưới dạng hình trụ, hình ống, nghiền nhỏ, có khi các hạt thuốc được bao chất chống ẩm.

Ðầu đạn: Có 2 phần, phần vỏ được bao bọc bằng đồng, phần ruột có thể đúc bằng chì, thép hoặc bằng hợp kim kết hợp với antimon. Ðầu đạn có thể tròn hoặc nhọn, có trọng lượng trung bình từ 12 - 15 gam. Ngoài ra còn có các loại đầu đạn đặc biệt như: Ðầu đạn cháy, đầu đạn đum - đum (nổ 2 lần)... 

Ðạn dân dụng (đạn ghém):

Mỗi viên đạn ghém được cấu tạo bởi 5 thành phần:

Vỏ đạn: Có thể bằng hợp kim, nhựa hoặc giấy có bọc hợp kim ở phần đáy.

Hạt nổ : Cấu tạo như đạn súng trận.

Thuốc súng: Thường dùng loại thuốc trắng.

Giấy hoặc bông đệm.

Các viên chì: Tùy theo mục đích sử dụng mà có nhiều cỡ chì khác nhau. Có hai loại viên chì, loại nhỏ có đường kính từ 1,75 mm đến 5,25 mm  và loại lớn có đường kính từ 2,00 mm đến 5,5 mm, trong đó mỗi loại có 8 cỡ khác nhau mỗi cỡ cách nhau là 0,5 mm. Vì vậy số lượng các viên chì (đầu đạn) có thể nhiều hoặc ít. Trong thương tích do đạn ghém, ngoài đầu đạn và thuốc súng thường gặp ở bề mặt vết thương người ta còn có thể thấy giấy hoặc bông đệm.

Thương tích do đạn thẳng

Xác định tầm bắn

Khái niệm tầm bắn:

Tầm bắn là khoảng cách từ tiết diện của đầu nòng súng đến bề mặt tiếp xúc mục tiêu. Khi bắn sẽ có 2 thành phần thoát ra khỏi nóng súng: Thành phần chính là đầu đạn và thành phần phụ là hơi, khói, lửa, mảnh thuốc súng... sẽ đi sau thành phần chính. Thành phần chính là yếu tố đi xa nhất còn các yếu tố phụ chỉ đi được trong một khoảng cách nào đó. Dựa vào các dấu vết của các yếu tố phụ để lại trên bề mặt mục tiêu khác nhau mà người ta xác định được các tầm bắn khác nhau, căn cứ vào đó người ta chia làm 3 loại tầm bắn: Tầm kề, tầm gần và tầm xa.

Tầm kề:

Có thể gặp một trong 3 loại tầm kề sau:

Tầm kề hoàn toàn:

Ðầu nòng súng áp sát và vuông góc với mục tiêu, khi ấy đầu nòng súng sẽ ăn sâu trực tiếp với rãnh xuyên của vết thương.

Lỗ vào tròn: Trường hợp điển hình này ít gặp, thấy dấu ấn của một nòng súng  hoặc có thể thấy dấu ấn của hai nòng do ghì súng không chặt, đó là vết xước da, vết dầu lau súng...  trên da hoặc áo quần.

Rãnh xuyên: Ðầu nòng súng nối thông với rãnh xuyên nên các yếu tố phụ sẽ lùa theo đầu đạn phá bục da làm bờ vết thương nham nhở có thể lớn hơn cỡ đạn.

Hầm phá là trường hợp điển hình gặp trong loại tầm này, hầm phá chỉ xảy ra ở tổ chức phần mềm, nó được hình thành do áp lực hơi. Hầm phá có thể có khói thuốc xạm đen, các mảnh thuốc súng còn sót lại. Tổ chức dập nát ở hầm phá có màu hồng tươi do sắc tố cơ (myoglobine) và huyết sắc tố (hemoglobine) gắn với oxide cacbon (CO).

Lỗ ra thường lớn hơn lỗ vào.

Tầm kề không hoàn toàn:

Là tầm mà đầu nòng súng chỉ chạm vào nhưng không áp sát mục tiêu, do đó tổn thương có những đặc điểm như sau: Khi súng nổ, một phần khói thuốc súng và hơi tỏa ra trên bề mặt da và phá ngay trên bề mặt da nên tổn thương da rộng và thường có hình chữ thập, đồng thời tạo nên quầng khói quanh miệng vết thương và phía dưới không có hầm phá. Ở vết thương có ám khói và mảnh thuốc súng.

Tầm kề nghiêng:

Là tầm mà đầu nòng súng chạm vào mục tiêu nhưng để nghiêng. Tổn thương giống như tầm kề không hoàn toàn chỉ khác là đầu nòng súng hướng về nơi nào thì nơi ấy có ám khói hình bán nguyệt và vết rách da dài về cùng phía. Ở vết thương có mảnh thuốc súng sót lại.

Tóm lại: Trong 3 loại tầm trên thuộc tầm kề bao giờ cũng có ám khói và mảnh thuốc súng còn sót lại trên vết thương. Ðể kiểm tra xem có phải mảnh thuốc súng không người ta dùng que diêm hoặc que sắt nung đỏ ấn vào các mảnh đó nếu đúng nó sẽ bùng cháy.

Tầm gần:

Ðịnh nghĩa:

Tầm gần là tầm nằm trong giới hạn tác động của các yếu tố phụ. Ðối với các loại súng chiến đấu tầm hoạt động của các yếu tố phụ trong khoảng 1 mét và đối với các loại súng săn khả năng hoạt động của nó khoảng 2 mét. Dựa vào sự có mặt của từng loại yếu tố phụ trên bề mặt vết thương có thể xác định được tầm bắn.

Xác định các yếu tố phụ:

Vết cháy (vết bỏng): Sau khi đầu đạn thoát ra khỏi nòng súng, sẽ có một vệt lửa đi theo sau do thuốc súng cháy, thường thấy trong phạm vi từ 20 - 25cm đối với thuốc đen và 10cm đối với thuốc trắng hoặc đôi khi chỉ thấy trên bề mặt mục tiêu vết xám nhẹ.

Vết khói: Thấy ở khoảng cách 15 - 30cm. Từ  25 - 30cm biểu hiện rất nhẹ, có thể không thấy. Trong một số trường hợp không rõ nhưng muốn xác định, người ta phải chụp bề mặt mục tiêu bằng tia hồng ngoại, càng ra xa vết khói càng nhạt rồi mất hẳn.

Mảnh thuốc súng: Mảnh thuốc súng không cháy hết văng ra tạo thành hình chóp có đỉnh là đầu nòng. Ðối với súng ngắn mảnh thuốc súng cách đầu nòng 50-60cm đối với súng dài khoảng cách này là 100cm và đây là yếu tố phụ đi xa nhất. Mảnh thuốc súng găm vào biểu bì da, có khi cả lớp trung bì, dấu hiệu này cũng thấy ở áo quần hoặc vật che chắn. Mảnh thuốc súng được biểu hiện bởi các vết lấm chấm đen quanh miệng lỗ vào.

Vành quệt (vành lau, chùi): Những chất bám ở xung quanh vỏ đầu đạn như: Bụi khói, muội than, bụi bẩn, dầu lau súng...  khi đầu đạn đi vào cơ thể, miệng lỗ vào và phần đầu của rãnh xuyên như một chiếc giẻ lau làm sạch đầu đạn. Vì vậy tại đó để lại một vòng xạm đen, lớp xạm đem đó là vành quệt.

Tầm xa:

Tầm xa là tầm mà trên bề mặt mục tiêu không còn thấy dấu tích của các yếu tố phụ mà chỉ thấy đầu đạn sát thương. Khi khám nghiệm không thấy dấu tích của các yếu tố phụ, giám định viên không nên khẳng định là tầm xa mà nên kết luận không thấy dấu vết của tầm gần. Sở dĩ như vậy vì mặc dù nạn nhân bị bắn ở tầm gần nhưng trước khi vào cơ thể đạn đã đi qua vật cản như: Chăn màn, áo quần...

Xác định hướng bắn

Khi bắn, đầu đạn có thể đi nhiều hướng khác nhau: Hướng ngang, hướng chếch, hướng lên cao (tà dương), hướng xuống thấp (tà âm)... Việc xác định hướng bắn có thể phán đoán tư thế của người bắn và tư thế của nạn nhân khi đầu đạn xuyên. Ðể xác định hướng bắn người ta dựa vào 3 thành phần của vết thương: Lỗ vào, rãnh xuyên và lỗ ra.

Lỗ vào:

Ðầu đạn khi bắn vào người sẽ ấn lõm da tạo thành hình phễu đồng thời làm căng lớp hạ bì và miết chặt vào mặt ngoài của lớp biểu bì da tạo thành các hiện tượng:

Lỗ mất da hình tròn hoặc hình bầu dục.

Có vành trượt (trầy) da quanh mép vết thương.

Có vành quệt, nếu đầu đạn dính các chất bẩn, sẽ để lại trên áo quần một vòng bẩn xung quanh bờ lỗ vào và phần đầu của rãnh xuyên.

Ðối với tầm kề và tầm gần, việc xác định lỗ vào tương đối thuận lợi nhờ sự hiện diện của các yếu tố phụ.

Rãnh xuyên:

Là một đường dài kín hoặc hở khi đầu đạn đi qua cơ thể. Có hai loại rãnh xuyên:

Rãnh xuyên hoàn toàn, là đường hầm nối thông giữa lỗ vào và lỗ ra.

Rãnh xuyên không hoàn toàn (vết thương chột) là đường hầm tận cùng nằm trong cơ thể, hay chỉ có lỗ vào mà không có lỗ ra.

Những điểm cần lưu ý trong rãnh xuyên là:

Không phải khi nào nó cũng là đường thẳng nối giữa lỗ vào và lỗ ra, mà nó có thể là đường cong, gãy khúc vì đạn gặp thớ cơ chắc hoặc xương thì sẽ đổi hướng.

Rãnh xuyên ở phổi khó phát hiện vì nhu mô phổi xốp.

Rãnh xuyên ở tạng đặc thường kèm theo các tia rạn nứt.

Ðối với vết thương chột do đầu đạn đi hết lực, cần khám kỹ để tìm đầu đạn (rất quan trọng), nó có thể nằm trong mạch máu lớn, xoang tim, bàng quang, ống tiêu hóa, các hốc tự nhiên...

Trong rãnh xuyên có thể tìm thấy dị vật như mảnh áo quần, xương, đất cát... 

Lỗ ra:

Lỗ đạn đi ra không quan trọng như lỗ đạn đi vào, bởi nhiều khi đạn hết tầm thì không có lỗ ra nữa. Lỗ đạn ra thường đa dạng, có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn lỗ vào, hình tròn, hình sao... nó phụ thuộc vào loại đạn và loại súng. Nhưng nguyên tắc chính là không bao giờ có vành trượt và vành quệt. Ở lỗ ra có thể thấy tổ chức, các thớ cơ hoặc bao cơ bị đẩy ra ngoài.

Trong trường hợp tử thi hư thối, muốn xác định lỗ vào và lỗ ra của đạn, cần làm các xét nghiệm mô học hoặc sinh, hóa học để phân biệt. Ðể tìm thuốc súng có gốc nitro, người ta tìm chất có phản ứng với nitro để nhuộm tổ chức.

Diphenylamine acid sulfuric + Nitro ------> Mầu xanh

Tìm  lỗ đạn vào và ra đôi khi không phải là dễ dàng, có khi chỉ thấy lỗ vào mà không thấy lỗ ra (vết thương chột), hoặc chỉ thấy lỗ ra mà không thấy lỗ vào do đạn bắn qua miệng, lỗ tai, hậu môn...    

Một số điểm cần chú ý khi kết luận

Khi tiến hành giám định thương tích do hỏa khí, ngoài việc kết luận về nguyên nhân, hoàn cảnh, thời gian, thể loại chết.. thì giám định viên cần giải đáp được một số vấn đề khác đối với hỏa khí như:

Xác định được loại hỏa khí gì, hỏa khí phát nổ có mảnh hay không có mảnh.

Xác định nạn nhân bị bắn bởi loại súng gì, súng trận hay súng đạn ghém. 

Xác định được nạn nhân bị bắn mấy viên, cỡ đạn bao nhiêu.

Xác định được tầm bắn.

Xác định được hướng bắn.

Muốn vậy giám định viên phải xác định kích thước, đặc tính của vết thương, tìm kiếm được mảnh hoặc đầu đạn. Tất cả những yếu tố trên nhằm giúp cơ quan điều tra sớm có hướng giải quyết những vấn đề tiếp theo liên quan đến tính mạng của nạn nhân.

Bài viết cùng chuyên mục

Tử thi học y pháp

Người ta xác định được rằng sau khi chết, nước ở tử thi sẽ mất dần qua bốc hơi ở bề mặt tử thi, khiến trọng lượng của tử thi giảm đi. Trung bình trọng lượng giảm 1kg mỗi ngày.

Cưỡng dâm, hiếp dâm, hãm dâm và y pháp sinh dục

Người bị hiếp dâm có thể xảy ra khi đang làm việc bình thường, đang ngủ, say rượu, gây mê chưa tỉnh, bị thôi miên hoặc mắc bệnh rối loạn tâm thần

Chết trong chất lỏng

Các trường hợp đặc biệt như chết trong bể nước, chum vại gặp trường hợp những người đang thiếu máu hoặc trẻ em. Chết trên vũng nước gặp ở người động kinh khi lên cơn ngã úp xuống vũng nước.

Chết chẹn cổ trong y pháp

Chẹn cổ thường gặp trong án mạng đối với trẻ em, phụ nữ, người già yếu vì những đối tượng này chống cự yếu ớt hoặc không có khả năng chống đỡ. Tự tử hoặc tai nạn thường hiếm gặp.

Y pháp độc chất

Trong cuộc sống hàng ngày xung quanh chúng ta có rất nhiều những chất gây độc, từ cây cỏ tự nhiên đến các sản phẩm hóa học, hóa dược, nên người ta thường dễ kiếm, dễ sử dụng và tình trạng trúng độc ngày càng tăng.

Đại cương về chết ngạt

Bình thường máu trong động mạch gần bão hòa hết oxygen chỉ còn 5% lượng hemoglobin là không bão hòa. Máu trong tĩnh mạch có lượng lớn hemoglobin không bão hòa oxygen chiếm 30%.

Y pháp chấn thương

Tất cả những tổn thương ở phần cứng và phần mềm đều do các vật gây nên. Mỗi loại vật tác dụng trên cơ thể tạo nên những tổn thương có đặc điểm riêng của nó, chính những đặc điểm này giúp cho giám định viên phán đoán được loại hung khí gây nên.

Chết ngạt do oxide carbon

Như vậy nếu nồng độ oxide carbon là 0,07% thì tất cả hemoglobin sẽ bất động và dẫn đến ngộ độc oxide carbon. Nếu nồng độ oxide carbon thấp hơn 0,07% thì chỉ một phần hemoglobin bất động và gây nên ngộ độc nhẹ hoặc kinh niên.

Chết treo cổ trong y pháp

Rãnh treo là dấu hiệu đặc thù để xác định chết treo, vì thế khi khám nghiệm cần quan sát và mô tả kỹ về hình dáng, màu sắc, kích thước, vị trí, tính chất và đặc điểm của rãnh treo.