- Trang chủ
- Sách y học
- Y pháp trong y học
- Y pháp chấn thương
Y pháp chấn thương
Tất cả những tổn thương ở phần cứng và phần mềm đều do các vật gây nên. Mỗi loại vật tác dụng trên cơ thể tạo nên những tổn thương có đặc điểm riêng của nó, chính những đặc điểm này giúp cho giám định viên phán đoán được loại hung khí gây nên.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Chấn thương bao gồm mọi tổn thương do các vật bên ngoài tác động vào cơ thể. Hình thái của tổn thương phụ thuộc vào loại vật tác động, trọng lượng, áp lực của vật và vị trí giải phẫu.
Thương tích do các vật gây nên là bằng chứng thực thể mà giám định viên dựa vào để đánh giá mức độ tác hại đối với cơ thể nạn nhân, giúp cơ quan pháp luật định đúng mức án đối với hung thủ.
Tổn thương cơ bản của thương tích
Tổn thương phần mềm
Mức độ tổn thương của phần mềm phụ thuộc vào vật, lực tác động vì vậy tổn thương ở phần mềm có các mức độ khác nhau.
Vết xây xát:
Tổn thương này có thể thấy ở ngoài da hoặc trong phủ tạng, dưới hình thức vết hoặc mảng xây xát, là tổn thương làm mất một phần biểu bì da, thanh mạc hoặc vỏ bao các phủ tạng. Lúc đầu, vết xây xát đỏ rướm máu hoặc không, có màu hơi sẫm, có vảy khô che phủ, cứng. Qua kính hiển vi
thấy đọng hồng cầu, phía trên phủ một lớp huyết tương, từ 7 đến 12 ngày vảy bong.
Bầm máu:
Tổn thương này làm vỡ các mạch máu nhỏ dưới da hoặc trong phủ tạng. Ðặc điểm của vết bầm máu là nơi tổn thương vẫn bằng phẳng, có màu tím nhạt hoặc sẫm. Sự hiện diện của vết bầm máu chứng tỏ thương tích này xảy ra khi còn sống. Tổn thương này cần phân biệt với hoen tử thi hay vết xuất huyết của một số bệnh về máu như bệnh ưa chảy máu (hemophilie), bệnh bạch cầu (leucemie). Dựa vào sự thay đổi màu sắc của vết bầm máu (mảng bầm máu trên 1cm2), ta có thể ước đoán được thời gian xảy ra thương tích:
Màu tím: Tổn thương xảy ra khoảng một vài giờ.
Màu đen: Tổn thương xảy ra khoảng 2 đến 3 ngày.
Màu xanh đậm:Tổn thương xảy ra khoảng 3 đến 6 ngày.
Màu xanh lá mạ: Tổn thương xảy ra khoảng 7 đến 12 ngày.
Màu vàng: Tổn thương xảy ra khoảng 13 đến 25 ngày.
Sau 25 ngày, thương tích mất dấu vết.
Sự thay đổi màu sắc này là do hiện tượng thoái hóa của huyết sắc tố.
Tụ máu:
Tổn thương này làm dập vỡ các mạch máu vừa hoặc lớn, làm máu tràn vào tổ chức, tạo nên các cục máu đông. Ðặc điểm là nơi tổn thương gồ cao lên, màu tím và tổn thương này chỉ xảy ra khi còn sống.
Vết thủng:
Tổn thương này được tạo nên bởi các loại vật nhọn. Ðặc điểm của tổn thương là hình khe hoặc lỗ thủng với đường hầm tụ máu. Nếu tổn thương ở ngực, bụng thì kèm theo tổn thương ở nội tạng.
Vết cắt hoặc vết đứt:
Tổn thương này làm mất tính liên tục của tổ chức, tổ chức bị tách rời ra nhưng không mất đi. Ðặc điểm của tổn thương là:
Mép vết đứt sắc gọn, có thể nham nhở nếu hung khí cùn.
Tổ chức vết thương bầm máu nhẹ, không tụ máu ở mép vết đứt mặc dù xảy ra khi nạn nhân còn sống.
Vết thương hở miệng.
Vết chém hoặc băm bổ:
Tổn thương được tạo nên do các vật có diện rộng, trọng lượng lớn, tác dụng mạnh vào cơ thể như dao rựa, rìu, búa... với các đặc điểm của tổn thương là:
Vết thương dài, diện rộng và nông.
Xung quanh mép vết thương có các vết xước da.
Nếu vết thương sâu, ở đáy thường thấy có cầu nối tổ chức hoặc vết mẻ xương.
Nếu hung khí cùn thì thương tích tạo nên vừa có dạng vật chém vừa có dạng vật tày.
Dập nát:
Tổn thương này gây nên do lực đè ép biểu hiện rách da, tụ máu. Tụ máu phần mềm dưới da, tổ chức cơ và các phủ tạng. Loại tổn thương này do vật tày gây nên như: giày xéo, vùi lấp, ngã cao...
Tổn thương phần cứng
Khác với tổn thương ở phần mềm, tổn thương ở phần cứng tồn tại được rất lâu và không bị quá trình hư thối xóa mờ dấu vết. Các hình thái tổn thương xương có thể gặp là:
Rạn xương:
Là tổn thương thường gặp, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau:
Ðường rạn đơn độc ngắn hoặc dài.
Ðường rạn tỏa nhánh hình nan hoa hay nan quạt.
Nhiều đường rạn bắt chéo nhau.
Ðường rạn kèm theo vỡ và lún xương.
Lún xương:
Gồm một hoặc nhiều mảnh xương vỡ bị đẩy vào phía trong, thường gặp trong chấn thương xương sọ.
Thủng xương:
Thường do các vật nhọn tạo nên như: Ðường đạn, mũi giáo, tuốc - ne - vít (tournevis)... Thủng xương ít khi đơn độc mà có kèm theo rạn xương hoặc vỡ xương.
Gãy xương:
Thường gặp ở các xương dài, là tổn thương làm mất tính liên tục của xương, có thể bị gãy làm hai hoặc nhiều mảnh, tách rời hoặc dính liền nhau.
Có hai loại gãy xương là gãy xương trực tiếp và gãy xương gián tiếp.
Vỡ xương:
Tổn thương do lực tác dụng mạnh tạo nên nhiều mảnh xương.
Trật khớp:
Là đầu xương bị trật ra khỏi ổ khớp đối với xương dài hoặc các mảnh xương chồng lên nhau đối với xương dẹt.
Vật gây thương tích
Tất cả những tổn thương ở phần cứng và phần mềm đều do các vật gây nên. Mỗi loại vật tác dụng trên cơ thể tạo nên những tổn thương có đặc điểm riêng của nó, chính những đặc điểm này giúp cho giám định viên phán đoán được loại hung khí gây nên. Trong Y pháp, người ta phân biệt 3 nhóm vật gây nên thương tích là: Vật tày, vật sắc và vật nhọn.
Vật tày
Trong các loại hung khí, vật tày rất đa dạng như: Nắm tay, khuỷu tay, gót chân, hòn đá, mặt đường, nền nhà, bức tường, gậy... Mỗi loại vật tày có thể gây nên nhiều loại tổn thương khác nhau
Những tổn thương do vật tày:
Phần mềm: Xây xát, bầm máu, tụ máu, dập nát.
Phần cứng: Rạn xương, lún xương, gãy xương, vỡ xương và trật khớp xương.
Ðặc điểm tổn thương do vật tày:
Tổ chức vết thương dập nát, bầm, tụ máu.
Bờ vết thương nham nhở.
Vết thương có thể có cầu nối tổ chức.
Vật sắc
Là những vật có lưỡi như: Lưỡi dao lam, dao nhíp, dao phay... hoặc có bản mỏng như: Cật tre nứa, mảnh thủy tinh... tác động bằng cách: Cắt, chém, bổ... Thương tích được hình thành do sự đè ép và lướt đi trên bề mặt cơ thể.
Thương tích tạo nên do vật sắc:
Ðối với phần mềm: Vết cắt, vết chém.
Ðối với phần cứng: Vết đứt xương, mẻ xương.
Ðặc điểm thương tích do vật sắc:
Vết thương dài và nông.
Mép vết thương phẳng gọn, không dập nát, ít bầm máu.
Ðuôi vết thương nhọn (dạng đuôi chuột) tận cùng nông ở trên biểu bì.
Vết thương hở miệng: Nếu vết thương dài, sâu và tổ chức da căng thì hở càng lớn.
Vết thương có đầy đủ tổ chức khi phục hồi.
Sự biến dạng của thương tích do vật sắc:
Sự biến dạng của thương tích phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Ðặc điểm của vật sắc, phương thức gây nên và vị trí giải phẫu nơi tổn thương.
Vết cắt: Lưỡi dao đi nghiêng, thương tích có mảnh hoặc vạt da.
Thương tích thẳng hay cong là do nơi bị thương phẳng hay tròn, hoặc do nạn nhân thay đổi tư thế.
Lưỡi hung khí mẻ hoặc cùn tạo nên vết thương nham nhở.
Những tình huống xảy ra thương tích do vật sắc:
Do nạn nhân gây nên: Thương tích thường gặp ở những vùng mà tay nạn nhân dễ dàng tạo ra như: Cổ, ngực, bụng, cổ tay. Ðặc điểm thương tích tự gây nên là nông và nhiều vết chạy song song.
Do nạn nhân tự bảo vệ: Các thương tích này thường gặp ở bàn tay, cẳng tay là do động tác chống đỡ, né tránh hung khí.
Do người khác gây nên: Thương tích có thể gặp mọi nơi trên cơ thể.
Vật nhọn
Vật nhọn là những vật có đầu nhọn hoặc mũi nhọn.
Phân loại vật nhọn:
Vật nhọn không lưỡi (vật nhọn thông thường): Là những vật chỉ có đầu nhọn như dùi, kim, đinh, đầu đạn...
Vật nhọn có lưỡi: Bao gồm.
Vật nhọn có 1 lưỡi như dao mổ, dao nhíp, dao bầu...
Vật nhọn có 2 lưỡi như dao găm, lưỡi lê...
Thương tích tạo nên:
Phần mềm: Tạo nên các vết thủng đơn thuần hoặc vết thủng kèm theo vết cắt.
Phần cứng: Tạo nên vết thủng xương.
Ðặc điểm thương tích:
Miệng vết thương hình bầu dục, hình khe, có độ sâu lớn, rãnh xuyên, có lỗ vào và có thể có lỗ ra.
Kích thước của vết thương ở trên da nhỏ hơn kích thước của hung khí do sự đàn hồi của da.
Xung quanh lỗ đâm có thể thấy vòng xước da nếu bề mặt của vật đâm thô ráp.
Vết thương do vật nhọn có lưỡi sắc:
Ðặc điểm thương tích của loại vật này là vừa tạo nên lỗ thủng vừa tạo nên vết cắt.
Có hình khe: Với vật nhọn 1 lưỡi thì có một đầu tù và một đầu nhọn, đầu tù nhiều hay ít là do sống dao dày hay mỏng. Với vật nhọn 2 lưỡi thì hai đầu vết thương đều nhọn.
Mép vết thương bằng phẳng, không bầm máu hoặc rất ít bầm máu.
Rãnh xuyên có thể có cả lỗ ra. Thông thường, rãnh xuyên có chiều dài ngắn hơn chiều dài của vật gây thương tích, nhưng cũng có trường hợp chiều dài của rãnh xuyên dài hơn vật gây thương tích, gặp khi hung thủ đâm mạnh và dao có chắn, trường hợp này thường có ấn của chắn dao.
Miệng lỗ vào chính có thể có vết rách phụ do tác động rút dao gây nên.
Chiều dài của miệng lỗ vào phụ thuộc vào góc đâm của hung khí so với bề mặt da. Nếu đâm thẳng góc, kích thước của vết đâm bằng kích thước của hung khí. Nếu đâm chéo góc thì kích thước của vết thương lớn hơn kích thước của hung khí (bản dao).
Nguyên tắc giám định pháp y chấn thương
Xác định loại vật gây thương tích
Bao giờ cũng rửa sạch vết thương để đánh giá, phân loại tổn thương nhưng không làm biến dạng thương tích.
Xác định vị trí của thương tích.
Ðo các kích thước của vết thương.
Mô tả màu sắc, tính chất của thương tích.
Mô tả kỹ bờ (miệng) vết thương.
Mô tả hướng của thương tích.
Phân biệt thương tích có trước khi chết hay sau khi chết
Nguyên tắc chung: Tất cả các thương tích, dù nặng hay nhẹ, xảy ra ở một cơ thể sống đều có bầm máu và có sự co kéo tổ chức.
Phải rửa sạch vết thương:
Nếu bầm máu, tổ chức rửa không mất màu, đó là tổn thương trước chết và ngược lại là tổn thương sau chết. Ðây là dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt vết thương xảy ra khi còn sống hay khi đã chết. Mảnh tổ chức học của tổn thương bầm máu sẽ có hồng cầu trong tổ chức đệm.
Quan sát kỹ miệng vết thương:
Thường rõ nhất là vết thương do vật sắc. Vết thương do vật sắc ở người sống bao giờ cũng hở miệng do các sợi chun dưới da sau khi bị đứt co lại tạo nên hình ảnh này, còn đối với những miệng vết thương gây ra sau khi chết, bao giờ cũng gần như khép kín, bởi các sợi chun đã mất tính đàn hồi.
Tổ chức học:
Nhuộm các sợi chun của tổ chức dưới da ở vết thương bằng orcéine, nếu các sợi chun co lại thì thương tích xảy ra trước chết nếu sợi chun giãn thẳng là thương tích xảy ra sau khi chết.
Phân biệt vết bầm máu và hoen tử thi
Hoen tử thi bao giờ cũng nằm ở phần thấp của cơ thể, rạch da tại nơi đó và rửa ngay sẽ bị mất màu đối với vết hoen sớm và nhạt màu đối với vết hoen muộn. Bầm máu có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, và khi rạch tổ chức rửa nước sẽ không bị nhạt hoặc mất màu. Mảnh tổ chức học của vết hoen không thấy hồng cầu trong tổ chức đệm.
Phân biệt vết tự gây án và án mạng
Ðây là vấn đề rất khó khăn, đòi hỏi phải kết hợp nhiều yếu tố mới có thể phân biệt được và có thể dựa vào những yếu tố sau:
Những dấu hiệu ở hiện trường.
Xem xét yếu tố thuận tay của nạn nhân.
Những vết thương đó mà diện tay nạn nhân có với tới không.
Những điểm bất hợp lý trên tử thi.
Phân biệt dấu vết côn trùng, súc vật ăn tử thi với các thương tích do vật gây nên
Các vết thương do súc vật, côn trùng ăn thường không có hình thù nhất định và thường gặp ở tổ chức nông. Quan sát kỹ có thể thấy vết cào, xé, rỉa và điều đặc biệt là tổn thương không bao giờ bầm máu.
Giám định xương
Nguyên tắc là phải bóc sạch màng xương, gõ từng vùng để so sánh âm thanh, rọi qua ánh sáng để kiểm tra tổn thương rạn xương, đối với những xương cũ, cần phải cưa xương để xem có dấu hiệu bầm máu tủy xương không.
Giám định máu
Xác định xem đó có phải là vết máu hay không, phân biệt máu người và máu súc vật, phân loại nhóm máu... Tuy nhiên đây là lĩnh vực chuyên khoa sâu.
Bài viết cùng chuyên mục
Y pháp độc chất
Trong cuộc sống hàng ngày xung quanh chúng ta có rất nhiều những chất gây độc, từ cây cỏ tự nhiên đến các sản phẩm hóa học, hóa dược, nên người ta thường dễ kiếm, dễ sử dụng và tình trạng trúng độc ngày càng tăng.
Chết ngạt do oxide carbon
Như vậy nếu nồng độ oxide carbon là 0,07% thì tất cả hemoglobin sẽ bất động và dẫn đến ngộ độc oxide carbon. Nếu nồng độ oxide carbon thấp hơn 0,07% thì chỉ một phần hemoglobin bất động và gây nên ngộ độc nhẹ hoặc kinh niên.
Chết chẹn cổ trong y pháp
Chẹn cổ thường gặp trong án mạng đối với trẻ em, phụ nữ, người già yếu vì những đối tượng này chống cự yếu ớt hoặc không có khả năng chống đỡ. Tự tử hoặc tai nạn thường hiếm gặp.
Chết trong chất lỏng
Các trường hợp đặc biệt như chết trong bể nước, chum vại gặp trường hợp những người đang thiếu máu hoặc trẻ em. Chết trên vũng nước gặp ở người động kinh khi lên cơn ngã úp xuống vũng nước.
Tử thi học y pháp
Người ta xác định được rằng sau khi chết, nước ở tử thi sẽ mất dần qua bốc hơi ở bề mặt tử thi, khiến trọng lượng của tử thi giảm đi. Trung bình trọng lượng giảm 1kg mỗi ngày.
Y pháp thương tích do hỏa khí
Ðể có thể giải đáp được những thương tích và dấu vết do hỏa khí để lại, giám định viên cần vận dụng thêm những kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, hóa học y pháp (hóa pháp) trong công tác giám định.
Đại cương về chết ngạt
Bình thường máu trong động mạch gần bão hòa hết oxygen chỉ còn 5% lượng hemoglobin là không bão hòa. Máu trong tĩnh mạch có lượng lớn hemoglobin không bão hòa oxygen chiếm 30%.
Chết treo cổ trong y pháp
Rãnh treo là dấu hiệu đặc thù để xác định chết treo, vì thế khi khám nghiệm cần quan sát và mô tả kỹ về hình dáng, màu sắc, kích thước, vị trí, tính chất và đặc điểm của rãnh treo.
Cưỡng dâm, hiếp dâm, hãm dâm và y pháp sinh dục
Người bị hiếp dâm có thể xảy ra khi đang làm việc bình thường, đang ngủ, say rượu, gây mê chưa tỉnh, bị thôi miên hoặc mắc bệnh rối loạn tâm thần