Chết trong chất lỏng

2013-03-28 02:19 PM

Các trường hợp đặc biệt như chết trong bể nước, chum vại gặp trường hợp những người đang thiếu máu hoặc trẻ em. Chết trên vũng nước gặp ở người động kinh khi lên cơn ngã úp xuống vũng nước.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Ðịnh nghĩa

Chết trong chất lỏng là hình thái chết do chất lỏng đột nhập vào cơ quan hô hấp gây ngạt thở.

Chết trong chất lỏng có thể xảy ra trong nước, trong bể rựơu, bể xăng dầu, trong các thùng hóa chất lỏng như acid, kiềm... nhưng đa số các trường hợp chết trong chất lỏng là ở trong nước ao hồ, sông, biển.   

Hoàn cảnh xảy ra

Tai nạn: Là nguyên nhân chiếm hàng đầu như chìm thuyền, gãy cầu, tai nạn khi bơi, khi rửa chân tay.

Tự tử: Là nguyên nhân tiếp theo, thường gặp ở nữ giới và những người không biết bơi.

Án mạng: Ít xảy ra nhưng cũng có thể gặp như nhiều người dìm một người, trói chân tay xô xuống nước hoặc bất thình lình xô người xuống nước hoặc có thể ném xác người xuống nước để phi tang.

Các trường hợp đặc biệt như chết trong bể nước, chum vại gặp trường hợp những người đang thiếu máu hoặc trẻ em. Chết trên vũng nước gặp ở người động kinh khi lên cơn ngã úp xuống vũng nước.

Quá trình diễn biến chết trong chất lỏng

Thực nghiệm dìm chó xuống nước xảy ra theo 3 giai đoạn

Giai đoạn 1 (Chìm trong nước):  Chó vẫn thở từ  10 - 30 giây, sau đó ngừng thở 1 phút, huyết áp giảm, tim đập chậm.

Giai đoạn 2 (Hô hấp trở lại): Từ 1 - 2 phút,  chó luôn luôn ngoi đầu lên rồi hít vào rất mạnh và nhanh, rồi co giật, tim đập không đều và chết (chết giả), nếu vớt lên cứu chữa chó sống lại.

Giai đoạn 3: Chó ngưng cử động, tê liệt hô hấp, tim ngừng đập hoàn toàn.

Ở người khi bị dìm xuống nước thì ngưng thở khoảng 1 phút vì các cơ hô hấp co lại, trung tâm thần kinh phế vị bị kích thích, sau đó thở nhanh rồi ngừng thở, hôn mê, co giật rồi chết (chết giả). Nếu kiên trì cứu chữa có thể sống lại được.

Cơ chế chết trong chất lỏng

Có 3 cơ chế chết trong chất lỏng

Nước tràn vào toàn bộ cơ quan hô hấp gây ngạt thở.

Nước đi vào khí, phế quản đến phế nang và gây ngạt. Khi ngạt nạn nhân có phản xạ thở sâu và mạnh, đồng thời áp lực của nước cao khiến nước vào nhiều hơn gây rách phế nang và vỡ huyết quản, làm ngạt tăng lên và chết, đồng thời nước đi vào máu làm loãng máu, vỡ hồng cầu, ức chế hệ tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ.

Do phản xạ thần kinh: Khi rơi xuống nước, nước đập vào mặt, mũi, gáy hoặc do nạn nhân quá sợ hãi khi rơi quá cao, gây ức chế trung tâm hô hấp ở hành tủy làm ngừng thở ngay trước khi cơ thể chìm trong nước. Trong trường hợp này, không có dấu hiệu chết trong nước mà chỉ thấy mặt trắng bợt gọi là chết đuối trắng.

Những dấu hiệu chết trong chất lỏng

Dấu hiệu bên ngoài

Khi tử thi còn tươi:

Cơ thể nạn nhân mềm, có bọt hồng sùi ra ở mũi miệng, nhất là khi ấn tay vào lồng ngực, gọi là nấm bọt. Nấm bọt được hình thành khi nước vào phế nang làm rách phế nang và huyết quản, hồng cầu kết hợp với huyết tương cùng với không khí của nhịp thở xáo trộn tạo thành nhiều bọt nhỏ ở khí, phế quản và dần dần được đẩy ra mũi miệng. Ðặc tính của nấm bọt là nhiều bọt nhỏ, dai, dính và không tan trong nước, và chỉ khi có sự sống (hô hấp) trong nước mới hình thành nên nấm bọt.

Mặt môi tím, có các chấm chảy máu dưới niêm mạc, hoen tử thi xuất hiện nhanh, sớm và lan rộng. Da lòng bàn tay, bàn chân trắng bợt và nhăn nheo (dấu hiệu của sự ngâm nước). Móng tay, móng chân có bùn, đất, rong rêu giắt vào, do lúc bị ngạt nạn nhân giẫy giụa, quờ quạng vào bờ sông, ao, đáy giếng...

Các thương tích kèm theo: Thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể xảy ra các trường hợp sau

Thương tích do án mạng: Có thể thấy các vết xây xát da, bầm máu, dấu lằn tay, vết trói chân tay hoặc các tổn thương khác xảy ra trước chết hoặc tổn thương gây chết cho nạn nhân.

Thương tích do va đập: Trong quá trình nhảy, ngã xuống nước hoặc bị dòng nước mạnh cuốn trôi cũng tạo nên các thương tích do va phải đá ngầm, cọc, thành giếng... có thể thấy gãy xương, rách da, bầm tụ máu. Vì vậy trong khi giám định cần kiểm tra kỹ yếu tố hiện trường để xem xét và đánh gíá.

Thương tích xảy ra sau chết: Thường do tôm, cua, cá cắn rỉa nên các tổn thương nông và thường ở những nơi không được che phủ, tổn thương không bao giờ bầm máu.

Khi tử thi đã thối:

Tử thi nổi sau 24 giờ hoặc vài ngày. Thời gian nổi này tương đương thời gian bắt đầu thối rữa, lúc này tử thi căng nhẹ, tỷ trọng thấp hơn nước (bình thường tỷ trọng cơ thể  1,02 - 1,10) kể cả một số trường hợp nạn nhân tự hoặc bị đeo đá. Thời gian nổi xác còn phụ thuộc vào thời tiết nóng hoặc lạnh, môi trường nước, thể trạng nạn nhân thường đàn ông nổi sấp còn đàn bà nổi ngửa.

Khi chìm dưới nước tử thi nhợt nhạt, nhưng khi nổi lên những chỗ tiếp xúc với không khí, ánh sáng và nhiệt độ thì chuyển nhanh sang màu xanh lục và nâu đen. Tử thi căng phồng, mắt lồi, môi trễ và bong da giấy. Nấm bọt có thể còn hoặc đã mất hẳn, thay vào đó là dịch hồng chảy ra ở hốc tự nhiên, móng tay móng chân có thể thấy dị vật.

Sau 2 - 4 ngày biểu bì gan bàn tay, bàn chân bong ra từng mảng. Sau 5 - 10 ngày tay có hiện tượng lột găng, chân có hiện tượng lột bí tất.

Sau 10 - 15 ngày lông, tóc, móng, da đầu bong ra trơ xương sọ. Trong qúa trình trôi nổi có thể xảy ra một số thương tích sau chết như: Va phải cây cối, cọc, đá hoặc bị chân vịt tàu thuyền gây nên.

Dấu hiệu bên trong

Khi tử thi còn tươi:

Bộ máy hô hấp:

Hệ thống khí phế quản chứa đầy bọt hồng hoặc trắng khó tan trong nước. Có thể thấy dị vật (đất, cát, rong rêu...) ở tận sâu trong các nhánh phế quản đây là dấu hiệu rất quan trọng.

Phổi phù căng chứa đầy cả lồng ngực, nặng và có vẻ như lớn hơn cả lồng ngực, màu trắng xám, bờ phổi phù tròn có thể thấy vết hằn xương sườn trên bề mặt phổi, bề mặt có các chấm chảy máu nhỏ đặc biệt có thể thấy dấu hiệu Paltauf là những ổ tụ máu ở dưới màng phổi có màu xanh lợt, dấu hiệu này lớn hơn vết Tardieu và thường nằm ở bề mặt phổi, nhất là các ngăn phổi do sự căng phồng vỡ các phế nang khi nạn nhân thở mạnh. Phổi chìm lơ lửng trong nước, qua diện cắt phổi có nhiều dịch bọt hồng dính chảy ra.

Bộ máy tuần hoàn:

Máu tử thi bị pha loãng bởi nước nên có màu đỏ nhạt và ít dính, máu này không có cục huyết đông.

Tim và mạch máu: Vì có sự cản trở ở phổi nên máu bị ứ  ở tim và làm cho tim phải lớn, tĩnh mạch gan phồng.

Bộ máy tiêu hóa:

Dạ dày, tá tràng có thể có nước hoặc không, nếu có nước ở tá tràng là dấu hiệu có giá trị vì chứng tỏ nạn nhân uống quá nhiều nước và khi đó dạ dày còn co bóp.

Gan lớn ứ đầy máu có màu tím sẫm, qua diện cắt gan trào ra nhiều máu loãng.

Các cơ quan khác: Khi bị ngạt nạn nhân thở rất mạnh làm cho nước đi qua ống tai - mũi (vòi Eustache) vào bên trong. Vì vậy có thể thấy nước ở trong hòm nhĩ, trong xương sọ và thường gặp nhất là xương bướm. Ðây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán bởi có sự hô hấp ở trong nước.

Khi tử thi đã thối:

Các dấu hiệu điển hình đã mất. Khí phế quản có thể thấy dị vật, phổi xẹp do nước thoát ra lồng ngực. Khoang ngực chứa dịch màu hồng, nếu lượng dịch trên 100ml thì có giá trị chẩn đoán.

Ruột non có thể có nước từ dạ dày, tá tràng đưa xuống.

Các xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm tổ chức học

Phổi: Phổi phù rất mạnh, các phế nang giãn rộng, các vách rách nát ở nhiều nơi, mao mạch dãn, chảy máu xung quanh cuống phổi.

Gan: Các xoang mạch, tĩnh mạch trung tâm giãn rất rộng, ít hồng cầu, khoang cửa phù nề, các huyết quản xung huyết.

Xét nghiệm khác

Muốn chứng minh chết trong nước ở những trường hợp tử thi đã thối rữa, ta phải tìm sinh vật nổi, nấm rong (diatom) trong máu, trong phủ tạng, ở tủy xương dài (khai quật). Khuê tảo là sinh vật nhỏ sống lơ lửng ở trong nước, có vỏ bọc bằng silicate, không bị quá trình hư thối làm phân hủy, sự có mặt của khuê tảo trong phủ tạng, tủy xương... chứng tỏ có sự xâm nhập của nước vào trong cơ thể khi còn sống.

Tìm sự thay đổi băng điểm của máu giúp ta xác định đúng hiện trường như chết trong nước ngọt hay chết trong nước mặn (biển). Bình thường băng điểm của máu là: âm 0,560 (-0,560), nhưng sự chênh lệch phải từ 10% - 100% của 1 độ mới có giá trị (băng điểm người chết trong nước ngọt là - 0,640 đối với máu tim phải và - 0,470 đối với tim trái). Người chết trong nước mặn thì muối sẽ thấm vào trong máu làm băng điểm tăng.

Ðứng trước một tử thi ở trong chất lỏng, vấn đề đặt ra cho giám định viên là phải xác định tung tích của nạn nhân, nạn nhân có phải chết trong chất lỏng hay không, chết do tai nạn hay trong một trường hợp án mạng... ? Vì vậy, trong quá trình khám nghiệm đòi hỏi giám định viên cần xem xét kỹ các thương tích, đồng thời đánh giá đúng và đầy đủ các dấu vết hiện có tìm được ở bên ngoài cũng như ở bên trong.

Bài viết cùng chuyên mục

Cưỡng dâm, hiếp dâm, hãm dâm và y pháp sinh dục

Người bị hiếp dâm có thể xảy ra khi đang làm việc bình thường, đang ngủ, say rượu, gây mê chưa tỉnh, bị thôi miên hoặc mắc bệnh rối loạn tâm thần

Chết ngạt do oxide carbon

Như vậy nếu nồng độ oxide carbon là 0,07% thì tất cả hemoglobin sẽ bất động và dẫn đến ngộ độc oxide carbon. Nếu nồng độ oxide carbon thấp hơn 0,07% thì chỉ một phần hemoglobin bất động và gây nên ngộ độc nhẹ hoặc kinh niên.

Chết treo cổ trong y pháp

Rãnh treo là dấu hiệu đặc thù để xác định chết treo, vì thế khi khám nghiệm cần quan sát và mô tả kỹ về hình dáng, màu sắc, kích thước, vị trí, tính chất và đặc điểm của rãnh treo.

Tử thi học y pháp

Người ta xác định được rằng sau khi chết, nước ở tử thi sẽ mất dần qua bốc hơi ở bề mặt tử thi, khiến trọng lượng của tử thi giảm đi. Trung bình trọng lượng giảm 1kg mỗi ngày.

Đại cương về chết ngạt

Bình thường máu trong động mạch gần bão hòa hết oxygen chỉ còn 5% lượng hemoglobin là không bão hòa. Máu trong tĩnh mạch có lượng lớn hemoglobin không bão hòa oxygen chiếm 30%.

Y pháp độc chất

Trong cuộc sống hàng ngày xung quanh chúng ta có rất nhiều những chất gây độc, từ cây cỏ tự nhiên đến các sản phẩm hóa học, hóa dược, nên người ta thường dễ kiếm, dễ sử dụng và tình trạng trúng độc ngày càng tăng.

Y pháp chấn thương

Tất cả những tổn thương ở phần cứng và phần mềm đều do các vật gây nên. Mỗi loại vật tác dụng trên cơ thể tạo nên những tổn thương có đặc điểm riêng của nó, chính những đặc điểm này giúp cho giám định viên phán đoán được loại hung khí gây nên.

Y pháp thương tích do hỏa khí

Ðể có thể giải đáp được những thương tích và dấu vết do hỏa khí để lại, giám định viên cần vận dụng thêm những kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, hóa học y pháp (hóa pháp) trong công tác giám định.

Chết chẹn cổ trong y pháp

Chẹn cổ thường gặp trong án mạng đối với trẻ em, phụ nữ, người già yếu vì những đối tượng này chống cự yếu ớt hoặc không có khả năng chống đỡ. Tự tử hoặc tai nạn thường hiếm gặp.