- Trang chủ
- Sách y học
- Phương pháp viết báo trong nghiên cứu y học
- Đặt vấn đề trong nghiên cứu y học
Đặt vấn đề trong nghiên cứu y học
Như vậy, tất cả những độc giả khi đọc phần đặt vấn đề phải hiểu tại sao công trình được thực hiện và mục đích của nó là gì và họ phải muốn đọc tiếp phần tiếp sau của bài báo.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Phần đặt vấn đề có hai mục đích: mục đích thứ nhất là thông tin. Nó tạo ra một cầu nối giữa những hiểu biết của tác giả và người đọc. Đạt được mục đích đầu tiên này, nghĩa là đã đạt được việc đưa tới cho người đọc một ý tưởng rõ ràng và súc tích về vấn đề đề cập đến nhằm làm cho họ hiểu tại sao công trình được thực hiện. Mục đích thứ hai của phần này là nêu ra lợi ích của công trình giúp cho người đọc muốn đọc tiếp toàn bộ bài báo.
Chọn phần đặt vấn đề phù hợp
Mục đích thông tin của phần đặt vấn đề chỉ rõ rằng chỉ có thể viết phần này sau khi đã xác định sẽ gửi đăng ở tạp chí nào. Trong thực tế phần đặt vấn đề mang lại cho người đọc những yếu tố cần và đủ để hiểu về công trình nghiên cứu. Phần này khác nhau tuỳ theo đối tượng mà nó hướng tới: nội dung của phần đặt vấn đề phải phù hợp với tạp chí sẽ đăng và với độc giả thường xuyên của tạp chí đó. Lượng thông tin trong phần đặt vấn đề cần bố trí tỷ lệ nghịch với mức độ hiểu biết giả định của độc giả. Nói chung, phần đặt vấn đề của một bài đăng công trình nghiên cứu ở một tạp chí không chuyên ngành phải dài hơn của một bài đăng trong một tạp chí chuyên ngành. Khi phần đặt vấn đề không đầy đủ, người đọc không hiểu được hoàn cảnh thực hiện công trình cũng như tại sao công trình được thực hiện. Sự cần thiết của việc xác định rõ như vậy đã được minh hoạ trong một bài báo đăng trong tạp chí Bristish Medical Journal nói về thiểu năng cơ. Các tác giả đã viết rằng mỗi bệnh nhân có các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng và các bất thường về điện cơ cổ điển của bệnh này.
Một tháng sau, báo Bristish Medical Journal đăng lá thư của một độc giả phản đối việc các tác giả đã không giải thích đầy đủ trong phần đặt vấn đề của mình về thế nào gọi là các dấu hiệu điển hình và các rối loạn điện cơ kinh điển của bệnh thiểu năng cơ. Độc giả này viết "Tạp chí Bristish Medical Journal là một trong số ít các tạp chí tiếng Anh vẫn còn chưa chuyên khoa hoá. Vì vậy nó được cả những thầy thuốc ở trường đại học cũng như các thầy thuốc thực hành đọc... Từ đó tôi đi đến suy nghĩ rằng các tác giả cho rằng chúng tôi đã biết hết hay buộc phải biết hết những đặc điểm lâm sàng của loại bệnh ít gặp này".
Nguy cơ ngược lại cũng có thể xảy ra nếu như trong một tạp chí chuyên ngành, phần đặt vấn đề đưa ra những kiến thức quá sơ đẳng, người đọc có nguy cơ nghĩ rằng phần còn lại của bài báo cũng chứa những thông tin tầm thường mà họ không mong đợi đọc trong một bài nghiên cứu của một tạp chí chuyên ngành.
Phần đặt vấn đề của cùng một bài báo phải khác nhau khi đăng ở các tạp chí khác nhau. Ví dụ một bài báo về "Nghiên cứu di truyền của bệnh viêm đa khớp dạng thấp bằng phương pháp ức chế men của acid deoxyribonucleique" có thể đăng trong một tạp chí về bệnh thấp, trong một tạp chí về di truyền hay một tạp chí y học đại cương. Tại 3 khả năng này, phần mở đầu phải khác nhau tuỳ theo đăng bài ở tạp chí nào. Với tạp chí khớp học, cần nhấn mạnh về phương pháp men ức chế, nhưng sẽ vô ích nếu lại nhấn mạnh về bệnh viêm khớp dạng thấp trong số các bệnh thấp khác. Trong tạp chí di truyền học, quá trình ngược lại là cần thiết.
Trong tạp chí dành cho các bác sĩ đa khoa hay nội khoa, cả 2 lĩnh vực trên đều phải đề cập. Cuối cùng, cần viết phần đặt vấn đề phù hợp với thói quen của các tạp chí. Thói quen này thường không được ghi rõ trong phần yêu cầu với tác giả. Phải đọc nhiều bài đăng trong tạp chí đó để nhận biết. Những tạp chí như American Journal of Medicine đăng những bài báo với phần đặt vấn đề tương đối dài và chi tiết. Một số tạp chí khác chỉ quen với phần đặt vấn đề ngắn gọn. Ví dụ tạp chí Bristish Journal of Surgery chỉ đăng những bài với phần đặt vấn đề ngắn gọn, súc tích, tuy nhiên phải chứa đựng tất cả những thông tin cần và đủ cho độc giả là các bác sỹ ngoại không chuyên khoa. Một trong những vai trò của ban biên tập là đảm bảo rằng phần đặt vấn đề của các bài báo mà họ chấp nhận cho đăng phải phù hợp với độc giả của bài báo.
Xây dựng một phần đặt vấn đề
Đoạn đầu của phần đặt vấn đề nên trình bày một cách khái quát về chủ đề. Nó tương đương với việc tóm lược các hiểu biết với nghĩa đen của thuật ngữ này dành cho các độc giả không biết về chủ đề nghiên cứu. Đó là phần duy nhất trong một bài báo đăng công trình nghiên cứu có bao hàm tính giảng dạy. Nó phải đưa đến cho người đọc những yếu tố cho phép họ có thể hiểu bài báo mà không làm cho họ quá mệt óc. Cần phải luôn nhớ rằng mình chỉ đang viết phần mở đầu của một bài báo đăng công trình nghiên cứu. Khi bài báo định đăng trong một tạp chí chuyên ngành, phần này có thể rút gọn trong hai hay ba câu văn.
Đoạn thứ hai của phần đặt vấn đề phải tập trung vào yếu tố riêng biệt được đề cập tới trong công trình nghiên cứu bằng cách giải thích vấn đề mà nó đặt ra: các kết quả trái ngược với các công trình đã đăng, vấn đề chưa được ai đề cập đến, sử dụng những biện pháp chẩn đoán hay điều trị cải tiến.... Trong phần thứ hai này tác giả tạo ra lợi ích cho người đọc. Nó dẫn người đọc hiểu một cách tự nhiên phần 3 và cũng là phần cuối của phần đặt vấn đề.
Đoạn thứ ba nêu gọn trong một hay hai câu mục đích của công trình: ví dụ làm sáng tỏ một mặt còn tranh cãi của vấn đề, bổ khuyết một lỗ hổng trong kiến thức hay thử nghiệm một giả thuyết. Phần thứ 3 này có thể bắt đầu bằng những câu như "mục đích đề tài của chúng tôi là..." hay "Mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi là..."
Nếu phần đặt vấn đề được viết tốt, câu này phải là kết quả hợp lý của những phần trước đó. Với tác giả, nó là cọc tiêu của cả công trình. Với người đọc, nếu mục đích của nghiên cứu không được chỉ rõ bởi tác giả ở cuối phần đặt vấn đề, thì không cần thiết phải đọc tiếp nữa. Khả năng rất cao là sẽ không rút ra được ích lợi gì từ bài báo đó.
Như vậy, tất cả những độc giả khi đọc phần đặt vấn đề phải hiểu tại sao công trình được thực hiện và mục đích của nó là gì và họ phải muốn đọc tiếp phần tiếp sau của bài báo.
Các nguy cơ tiềm ẩn
Một phần lịch sử quá dài
Trong phần đặt vấn đề, tác giả trình bày ý nghĩa và lợi ích của công trình mà mình tiến hành, từ đó đưa ra các kết quả để nêu lên quá trình tiến triển hiểu biết về đề tài nghiên cứu. Sự nhắc lại như vậy được gọi là phần lịch sử là cần thiết cho sự hiểu biết về đề tài và đánh giá đề tài. Phần này cần ngắn gọn, súc tích, thậm chí có thể sơ đồ hoá. Nguy cơ là viết cả lịch sử của vấn đề hay biến phần đặt vấn đề thành một bản tóm lược thực sự. Nếu như sự trình bày dài là thích đáng, nếu các kết quả hay quan điểm trước đây là cần thiết cho sự hiểu biết về đề tài nghiên cứu thì chỗ đứng đúng của những cái đó phải ở phần Bàn luận.
Một ví dụ phần đặt vấn đề cấu trúc tốt , rõ ràng, súc tích.
Bệnh lý của động mạch dưới đòn ở người trẻ.
Bệnh lý tắc mạch dưới đòn do mảng xơ vữa khá thường gặp* ở người già. Nó thường biểu hiện* bằng tiếng thổi tâm thu ở vùng dưới đòn (tài liệu tham khảo). ở những người trẻ, các bệnh lý của động mạch dưới đòn thường hay gặp hơn* do vòng nhẫn vùng cổ hoặc do một nguyên nhân khác gây ra đè ép cơ học vào động mạch khi nó chui ra khỏi lồng ngực (dẫn tài liệu tham khảo).
Các nhiễm trùng động mạch, dù do cục máu đông nhiễm trùng từ tim hay do viêm động mạch nhiễm trùng nguyên phát thường rất hiếm gặp ở mạch dưới đòn (dẫn tài liệu tham khảo). Tuy nhiên có những nguyên nhân khác gây hẹp động mạch dưới đòn nhưng không đáp ứng với những tiêu chí đó có thể là nguyên nhân của bệnh lý viêm động mạch.
Công trình này có mục đích mô tả kinh nghiệm trong 10 năm với 5 trường hợp viêm động mạch không nhiễm trùng và một trường hợp loạn sản lớp xơ cơ gặp ở người trẻ.
Trong phần đầu, khung cảnh chung của vấn đề được nhắc lại. Trong phần thứ hai, chỉ rõ chỗ riêng biệt sẽ đề cập tới.
Phần cuối cùng đưa ra mục đích của nghiên cứu.
*Những tính từ và đại từ có tính chủ quan này có thể chấp nhận trong phần đăt vấn đề nếu nó dựa trên và phải dựa vào các tài liệu tham khảo.
Lạc đề
Giống như tất cả các phần khác của bài báo nghiên cứu, tác giả cần tập trung vào những yếu tố liên quan tới công trình, tránh tán rộng và trình bày những hiểu biết chung về vấn đề đặt ra. Phần đặt vấn đề phải cho phép hiểu rõ về vấn đề gợi lên đề tài nghiên cứu. Phần đặt vấn đề là phần duy nhất trong bài báo đăng kết quả nghiên cứu có tính sư phạm. Việc nhắc lại những kiến thức làm người đọc hiểu tại sao đề tài được thực hiện không được làm người đọc đi chệch hướng hay lạc đường. Đó là một cái cây mà người ta dõi theo thân cây từ gốc đến ngọn (mục đích của đề tài) và do đó có thể lược bớt tất cả các cành ngang.
Quá nhiều hoặc ít tài liệu tham khảo
Tất cả những điều khẳng định trong phần đặt vấn đề phải dựa trên một hay nhiều tài liệu tham khảo, ngay cả khi khẳng định đó nói chung đã được chấp nhận. Một câu như "có những dạng viêm đa khớp dạng thấp có tính gia đình" phải được ghi nhận bởi một tài liệu tham khảo. Nhưng phải tránh đưa quá nhiều tài liệu tham khảo.
Tác giả phải chọn lựa tài liệu nào xác đáng nhất, mới nhất và có thể tìm để tham khảo dễ nhất theo thứ tự quan trọng tăng dần.
Sử dụng không đúng thì của động từ
Giống như trong phần còn lại của bài đăng công trình nghiên cứu thì của động từ phải để ở hiện taị để trình bày những hiện tượng đã được chấp nhận hay đã được chứng minh trong khoa học (với tài liệu tham khảo) "Có tồn tại những dạng bệnh có tính gia đình của bệnh viêm da khớp dạng thấp”. Cần sử dụng thì quá khứ khi trích dẫn một tác giả khác trong phần bài báo: " Steere và cộng sự đã chứng minh rằng có tồn tại những dạng có tính gia đình của bệnh viêm đa khớp dạng thấp”.
Có lên đưa kết quả vào phần đặt vấn đề?
Một số tác giả cho rằng nên đưa ngay vào phần đạt vấn đề một cái nhìn bao quát về các kết quả (6). Họ đưa ra ý kiến này vì cho rằng bài báo khoa học không phải là một cuốn tiểu thuyết "gây hồi hộp" và không có lợi ích gì mà phải chậm công bố các kết quả chính.
Ví dụ: Khi ta điều trị một bệnh X bằng penixilin tiêm tĩnh mạch, phần cuối của phần đặt vấn đề có thể là" Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu tiến cứu về điều trị 20 bệnh nhân bị bệnh X với liệu pháp tiêm penixilin đường tĩnh mạch, liều 20 triệu đơn vị mỗi ngày trong 10 ngày" và thêm vào "điều đó mang lại kết quả chữa khỏi cho tất cả số bệnh nhân". Cách viết như vậy còn đang được tranh luận (1). Nếu độc giả muốn biết nhanh các kết quả chính thì chỉ cần họ đọc phần tóm tắt. Nguy cơ của cách làm này là làm đơn giản hoá giả tạo hay làm phát triển quá dài các kết quả. Chúng tôi cũng không khuyên đưa kết quả vào ngay phần đặt vấn đề mà mà chuyển phần nhận xét kết quả xuống đoạn đầu của phần bàn luận.
Phần đặt vấn đề phải (trong thứ tự này)
1) Trình bày những kiến thức chung về vấn đề nghiên cứu (đôi khi chỉ cần một đến hai câu là đủ).
2) Xác định rõ điểm đặc biệt của vấn đề được đề cập trong đề tài. Hai phần này phải phù hợp với độc giả của từng tạp chí.
3) Trình bày rõ ràng mục đích của đề tài, lợi ích hoặc đánh giá về câu trả lời mong đợi với câu hỏi đặt ra.
4) Tính toán đến thói quen của tạp chí đặc biệt là về độ dài của phần đặt vấn đề.
Một phần đặt vấn đề được coi là viết tốt
Là một cầu nối thực sự giữa hiểu biết tiềm tàng của độc giả với kiến thức của tác giả. Nó phải cho phép độc giả theo dõi phần tiếp theo của bài báo mà không phải tìm thêm những kiến thức bổ sung ở nơi khác. Đó là phần duy nhất của bài báo nghiên cứu mà ý nghĩa mở rộng của tính sư phạm có lợi ích và do đó được chấp nhận.
Chỉ rõ tại sao công trình được thực hiện. Trong phần này tác giả chỉ rõ vấn đề đặt ra và nêu ra lợi ích củg người đọc.
Không chứa đựng những kiến thức vô ích cho hiểu biết về mục đích của đề tài.
Phần đặt vấn đề không đạt
Nhắc lại quá mức cần thiết về lịch sử của vấn đề.
Đưa ra một số lượng tài liệu tham khảo quá nhiều hay quá rộng.
Đưa những lời khẳng định mà không được xác nhận bằng một hay một số tài liệu tham khảo.
Bài viết cùng chuyên mục
Các dạng bài viết và bài báo trong y học
Cấu trúc một bài báo nghiên cứu là sự lặp lại một cách máy móc vì nó là kết quả của logic khoa học. Phần Đặt vấn đề phải nói rõ tại sao công trình được thực hiện.
Tác giả công trình nghiên cứu y học
Tác giả ở vị trí thứ nhất là người thực hiện phần chính của công trình hay là người chỉ đạo thực hiện nghiên cứu. Đó là người viết bản thảo bài báo.
Tư liệu và phương pháp nghiên cứu y học
Đặc điểm lâm sàng của nhóm nghiên cứu đặt trước các xét nghiệm điện quang hay sinh học, các yếu tố đánh giá kết quả sớm trước các yếu tố lâu dài.
Văn phong một bài báo khoa học y học
Tính logic khoa học đòi hỏi sử dụng thì quá khứ cho tất cả những hiện tượng đã xảy ra trong quá khứ và chỉ sử dụng thì hiện tại trong những trường hợp được xác định.
Kết quả nghiên cứu y học
Chương Kết quả nghiên cứu không được có bất kỳ một sự bình luận, giải thích nào, cũng không có bất kỳ sự so sánh nào với các công trình khác.
Phương pháp viết báo khoa học y học
Mục đích đặc trưng của việc viết báo y học là truyền đạt một thông điệp khoa học mà thể thức thường gặp là bài báo đăng kết quả nghiên cứu hay là Bản báo cáo nghiên cứu.
Đầu đề bài báo y học
Nên tham khảo một vài số của một tạp chí để quen với cách sử dụng đầu đề của tạp chí đó. Cũng nên tham khảo phần lời khuyên cho các tác giả trong đó đôi khi giới hạn số lượng từ hay phong cách của đầu đề.