- Trang chủ
- Sách y học
- Triệu chứng học ngoại khoa
- Khám chấn thương vết thương ngực
Khám chấn thương vết thương ngực
Chấn thương, vết thương ngực là một nhóm cấp cứu ngoại khoa thường gặp tuỳ theo cơ sở ngoại khoa, chiếm khoảng 10, 15 phần trăm
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Khái niệm về chấn thương, vết thương ngực
Chấn thương ngực (hay chấn thương ngực kín): Là chấn thương vào ngực nhưng thành ngực vẫn kín, tức là khoang màng phổi không thông với không khí bên ngoài.
Vết thương ngực (hay vết thương ngực hở): Là chấn thương vào ngực gây thủng thành ngực, tức là khoang màng phổi bị thông thương với không khí bên ngoài.
Chấn thương, vết thương ngực là một nhóm cấp cứu ngoại khoa thường gặp (tuỳ theo cơ sở ngoại khoa), chiếm khoảng 10 – 15 % số mổ cấp cứu tại BV Việt Đức (trung tâm ngoại khoa lớn, có chuyên khoa sâu về phẫu thuật lồng ngực - tổng kết dựa trên số mổ cấp cứu 6 tháng cuối năm 2003). Do chấn thương gây ảnh hưởng trực tiếp đến bộ máy hô hấp tuần hoàn, nên có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong, vì vậy đây là loại cấp cứu được ưu tiên số 1 trong chẩn đoán, vận chuyển và xử lý.
Nguyên nhân gây chấn thương ngực thường do tai nạn giao thông, ngã cao, tai nạn lao động. Tuổi gặp nhiều nhất từ 20 – 50 tuổi, chủ yếu ở nam giới (trên 90 %). Có thể kèm theo thương tổn của các cơ quan khác, nên khi thăm khám phải luôn tôn trọng nguyên tắc khám toàn diện tránh bỏ sót thương tổn.
Nguyên nhân gây vết thương ngực thường do dao, vật nhọn đâm hay do hoả khí nên dễ gây thương tổn các tạng trong ngực như tim, cơ hoành, mạch máu. Tuổi gặp nhiều nhất từ 20 – 40 tuổi, đại đa số là nam giới (trên 90 %).
Nhắc lại giải phẫu lồng ngực và sinh lý hô hấp
Một số điểm nhắc lại về giải phẫu và sinh lý dưới đây có vai trò ứng dụng rất quan trọng trong triệu chứng học, chẩn đoán và điều trị chấn thương, vết thương ngực.
Giải phẫu lồng ngực:
Thành ngực:
Khung xương cứng: Xương ức ở phía trước, cột sống ở phía sau, nối với nhau bằng các xương sườn. Phía ngoài xương sườn có các cơ và da che phủ, sát mặt trong có lá thành màng phổi.
Cơ hoành: Ngăn cách giữa ngực - bụng . Bên phải cao hơn trái từ 0,5 – 1, 5 cm. Đỉnh vòm hoành lên đến khoang liên sườn 5 đường nách giữa.
Các cơ quan bên trong:
Hai bên có 2 phổi, mặt ngoài phổi được phủ bởi lá tạng màng phổi nằm sát lá thành tạo một khoang ảo có áp lực âm (- 5 đến – 10 cmH2O). Phổi không có cơ nên không thể tự co giãn, nhưng có nhiều sợi đàn hồi làm phổi luôn có xu hướng co nhỏ lại về phía rốn phổi.
Tim: Nằm ngay sau xương ức và các sụn sườn bên trái.
Trung thất giữa – trên có các mạch máu lớn, khí phế quản gốc.
Trung thất sau có động mạch chủ ngực và thực quản.
Và chứa đựng các thành phần quan trong nhất của bộ máy hô hấp, tuần hoàn.
Sinh lý hô hấp:
Hoạt động hít vào - thở ra nhờ vào các cơ hô hấp, tính đàn hồi của ngực - phổi, và dựa trên nguyên lý không khí đi từ nơi áp suất cao đến nơi áp suất thấp. Áp suất trong phế nang luôn gần bằng áp suất khí quyển. Bình thường, cơ hoành đảm bảo 70 % dung tích hô hấp. Cụ thể:
Thì hít vào à ngực nở ra, cơ hoành hạ xuống à kéo phổi nở theo à giảm áp suất phế nang à không khí đi vào phổi.
Thì thở ra à ngực xẹp xuống, cơ hoành đẩy lên à làm phổi xẹp theo à tăng áp suất phế nang à không khí đi ra ngoài.
Qua đó có thể thấy việc đảm bảo áp lực âm tính trong khoang màng phổi, sự toàn vẹn của lồng ngực, và sự thông thoáng của đường hô hấp đóng vai trò rất quan trọng trong sinh lí hô hấp.
Khi có các thương tổn giải phẫu trong chấn thương vết thương ngực như gãy xương sườn, thủng khoang màng phổi, hoặc tắc nghẽn đường hô hấp do máu, dị vật, đờm dãi sẽ dẫn đến rối loạn sinh lý hô hấp và suy hô hấp.
Các thương tổn giải phẫu bệnh chính
Thương tổn thành ngực
Bao gồm một số thương tổn chính sau
Thủng thành ngực:
Thành ngực bị xuyên thủng từ ngoài da vào khoang màng phổi do các vật nhọn đâm vào, gây ra vết thương ngực , dẫn đến hậu quả chung là tràn máu– tràn khí khoang màng phổi. Lỗ thủng ở thành ngực lớn hay nhỏ tuỳ theo tác nhân gây chấn thương. Ngoài rách - thủng phần mềm, thì xương sườn có thể bị đứt – gãy, nếu vết thương đi qua bờ dưới xương sườn thì thường làm đứt bó mạch liên sườn, gay chảy máu rất nhiều vào khoang màng phổi. Thương tổn nội tạng trong ngực, ngoài rách nhu mô phổi trong vết thương ngực đơn thuần, còn có thể bị vết thương tim, thủng cơ hoành, rách các mạch máu - phế quản lớn… tạo nên các thể bệnh khác nhau của vết thương ngực.
Cùng với mảng sườn di động, vết thương ngực còn đang hở (vết thương lớn, không tự bịt kín hoặc chưa được sơ cứu, khoang màng phổi thông thương tự do với bên ngoài) là 2 thương tổn rất nặng trong chấn thương ngực, do các rối loạn sinh lý bệnh trầm trọng mà đặc trưng là 2 hội chứng hô hấp đảo ngược và trung thất lắc lư:
Hô hấp đảo ngược: Là hiện tượng đảo ngược sinh lý hô hấp bên phổi tổn thương. Khi hít vào, thay vì phổi nở ra thì không khí sẽ qua vết thương ngực vào khoang màng phổi, làm phổi bên tổn thương co xẹp lại, đẩy một phần không khí cặn sang bên lành. Khi thở ra, không khí trong khoang màng phổi sẽ ra ngoài qua vết thương, gây ra hiện tượng ngược lại, tức làm một phần không khí cặn từ phổi lành đi vào tổn thương. Sự đảo ngược chiều hô hấp này sẽ dẫn đến thiếu oxy nghiêm trọng.
Trung thất lắc lư: Khi 2 khoang màng phổi còn áp lực âm tính thì trung thất đứng ở giữa. Do vết thương ngực làm mất áp lực âm tính ở 1 bên làm trung thất bị hút sang bên lành. Khi hít vào, không khí vào khoang màng phổi bên tổn thương trong khi áp lực âm tính bên lành tăng lên làm tăng mức độ chênh áp lực, nên trung thất càng bị hút về bên lành. Khi thở ra, độ chênh áp lực giảm xuống nhiều, làm trung thất bị đẩy về bên tổn thương. Hiện tượng trung thất lắc lư làm cản trở máu về tim, máu lên phổi giảm, dẫn đến thiếu ơxy càng nặng lên.
Do thiếu oxy làm bệnh nhân càng thở nhanh hơn, 2 hội chứng trên càng nặng hơn, dẫn đến 1 vòng luẩn quẩn và rất dễ gây tử vong. Chính vì vậy, nguyên tắc cấp cứu ban đầu những trường hợp này là: bịt kín vết thương với vết thương ngực đang hở, hoặc cố định ngay mảng sườn đang di động.
Gãy xương sườn:
Có thể gãy một hay nhiều xương. Nếu do va đập trực tiếp (là cơ chế thường gặp) thì đầu gãy thường đâm vào trong gây thủng màng phổi và phổi. Nếu do đè ép gián tiếp thì đầu gãy thường hướng ra ngoài.
Gãy (đứt) xương sườn trong vết thương ngực thường kèm theo đứt động mạch liên sườn gây chảy máu nhiều.
Mức độ di lệch của hai đầu xương gãy có thể là gãy rạn, di lệch ngang, di lệch chồng. Nếu có di lệch thì đầu xương gãy thường chọc rách màng phổi - phổi do nằm sát mặt trong xương.
Máu chảy từ ổ gãy xương hình thành khối máu tụ dưới da và vào khoang màng phổi nếu có rách màng phổi.
Mảng sườn di động:
Định nghĩa: Là một vùng nào đó của lồng ngực bị mất liên tục và di động ngược chiều so với lồng ngực khi thở. Điều kiện là xương sườn phải bị gãy 2 nơi trên một cung xương và trên 3 xương sườn kế tiếp nhau. Thường gặp trong chấn thương rất mạnh. Gây rối loạn nặng nề về hô hấp và tuần hoàn.
Các loại mảng sườn hay gặp:
Mảng sườn bên: Hay gặp nhất, do động rõ.
Mảng sườn sau: Vùng giữa cột sống và đường nách giữa, ít di động.
Mảng sườn trước: Ít gặp nhung gây suy hô hấp nặng.
Mảng sườn có thể di động tức thì hoặc di động thứ phát
Gãy xương ức:
Thường do chấn thương rất mạnh, trực tiếp vào vùng xương ức. Gây suy hô hấp nặng và thương tổn các tạng bên trong lồng ngực, đặc biệt là tim.
Vỡ ( thủng) cơ hoành:
Thủng cơ hoành hay gặp trong vết thương vùng ngực dưới (thường từ khoang liên sườn 5 đường nách giữa trở xuống), gây vết thương ngực bụng. Có thể gặp vết thương vùng bụng xuyên lên ngực qua cơ hoành.
Vỡ cơ hoành hay gặp trong chấn thương do đè ép hoặc ngã cao. Bên trái hay gặp hơn phải. Nếu vỡ bên trái, các tạng trong bụng và dịch tiêu hoá thường chuy qua chỗ vỡ lên khoang màng phỏi gây thoát vị hoành và nhiễm trùng khoang màng phổi. Nếu vỡ bên phải thường kèm theo tổn thương gan, máu bị hút lên khoang màng phổi gây tràn máu màng phổi dữ dội.
Thương tổn ở khoang màng phổi
Cần lưu ý là tuy có cấu trúc giải phẫu đơn giản, song biểu hiện ở khoang màng phổi là hậu quả thường gặp của hầu hết các thương tổn ở thành ngực hoặc các tạng trong lồng ngực và chính biểu hiện này tạo ra nhiều triệu chứng, hội chứng trên lâm sàng, đồng thời quyết định thái độ điều trị.
Tràn khí màng phổi:
Do không khí tràn vào, làm mất áp lực âm tính trong khoang màng phổi , nên nhu mô phổi bị co rúm lại, các khoang liên sườn dãn rộng ra và đẩy trung thất sang bên đối diện. Không khí có thể vào khoang màng phổi từ 2 nguồn:
Ngoài vào: Qua vết thương ngực.
Trong ra: Do rách nhu mô phổi (phế nang, phế quản…).
Trong chấn thương ngực, nếu có thương tổn thành ngực gây rách lá thành màng phổi, thì không khí từ khoang màng phổi có thể chui ra nằm dưới da, hình thành tràn khí dưới da.
Có dạng thương tổn nặng là tràn khí dưới áp lực (do có van ở thành ngực, ở chỗ vỡ phế quản lớn), làm không khí vào khoang màng phổi theo 1 chiều mà không thoát ra được, gây chèn ép rất nặng nề vào phổi và trung thất.
Tràn máu màng phổi:
Máu chảy vào khoang màng phổi sẽ chèn ép, làm mất áp lực âm, làm phổi co lại và đè đầy trung thất. Máu vào khoang màng phổi từ nhiều nguồn:
Thành ngực: Từ xương sườn gãy, cơ, động mạch liên sườn…
Nội tạng: Từ phổi, tim, các mạch máu lớn…
Khi lượng máu chiếm trên 10 % dung tích khoang màng phổi – tương đương trên X quang thấy lấp kín góc sườn hoành, thì mới biểu hiện triệu chứng lâm sàng:
Máu trong khoang màng phổi không đông, thường là nước máu đen. Khi bị chảy máu nhiều và cấp tính (tổn thương mạch máu) thì có cả nước máu lẫn cục máu đông.
Tràn máu + tràn khí màng phổi:
Là thương tổn thường gặp nhất trong chấn thương, vết thương ngực. Về mặt giải phẫu bệnh là sự phối hợp của cả 2 thương tổn nêu trên.
Thương tổn ở các tạng
Rách phế nang hoặc phế quản nhỏ (nhu mô phổi ngoại vi):
Gây tràn máu – tràn khí vào khoang màng phổi.
Rách khí quản, phế quản lớn:
Gây tràn khí màng phổi nhiều, dễ gặp thể tràn khí dưới áp lực.
Tràn khí dưới da vùng cổ - mặt - ngực nếu thương tổn khí quản.
Có thể gặp tràn khí vào trung thất.
Máu chảy từ thương tổn vào trong lòng khí - phế quản gây ho khạc máu sớm trên lâm sàng.
Tụ máu (đụng dập) phổi:
Ít gặp, chủ yếu trong chấn thương do ngã cao. Nhu mô phổi bị rách và dập từng mảng + chảy máu trong nhu mô phổi à nguy cơ gây xẹp phổi nặng nề về sau, rất khó điều trị.
Xẹp phổi: cần phân biệt 2 hiện tượng:
Co rúm nhu mô phổi: Sau khi chấn thương, do tràn máu – khí gây mất áp lực âm trong khoang màng phổi, làm phổi bị co rúm lại như đã mô tả ở trên.
Xẹp phổi:
Là hiện tượng tắc các phế quản làm phổi xẹp, nguyên nhân chủ yếu gây tắc phế quản là sự tăng tiết đờm dãi ( do giảm thông khí phổi, co rúm nhu mô) và đụng dập - chảy máu vào trong lòng các phế quản do chấn thương.
Do tắc các phế quản nên nhu mô phổi không nở lại được mặc dù điều trị trả lại áp lực âm khoang màng phổi. Như vậy, đây là hậu quả thứ phát sau các thương tổn khác, đặt ra rất nhiều vấn đề trong săn sóc bệnh nhân sau chấn thương ngực.
Khác với biểu hiện "đè đẩy” trên lâm sàng và X quang của tràn máu – khí màng phổi gây co rúm nhu mô, ảnh hưởng của xẹp phổi lại là biểu hiện “co kéo” như: ngực xẹp, kéo trung thất về bên thương tổn, kéo cơ hoành lên cao, xẹp khoang liên sườn…
Tim và màng tim:
Trong vết thương ngực (vết thương tim):
Rách màng tim và tim do vật nhọn đâm.
Hay gặp khi vết thương nằm ở vùng tam giác nguy hiểm của tim (đỉnh là núm vú trái, đáy là xương ức).
Hậu quả:
Chảy máu ra ngoài hay vào khoang màng phổi, thường gây tử vong do mất máu, rất ít gặp trên lâm sàng. Thường nguyên nhân là dị vật lớn gây vết thương rộng.
Chảy máu vào khoang màng tim, máu đông, tăng áp lực khoang màng tim à bịt kín tạm thời vết thương, ít mất máu nhưng gây chèn ép tim cấp tính. Đây là thể gặp chủ yếu trên lâm sàng.
Trong chấn thương ngực (chấn thương tim):
Tổn thương có thể đi từ rất nhẹ là tụ máu màng ngoài tim đến rách vỡ các buồng tim, các cấu trúc trong tim, và nặng nhất là đứt rời cuống tim.
Tỉ lệ tử vong rất cao, hầu hết chỉ có loại thương tổn vỡ 1 buồng tim gây chảy máu và chèn ép tim cấp là có thể gặp trên lâm sàng.
Thường do chấn thương vào vùng xương ức và sụn sườn.
Quai động mạch chủ:
Hay gặp trong chấn thương kín do tai nạn ô tô, thường gây rách co động mạch chủ. Máu chảy ra ngoài thường gây tụ máu trung thất, ứ máu phía trên, thiếu máu phía dưới.
Triệu chứng lâm sàng
Nguyên tắc khám: luôn đối chiếu với bên ngực lành để xác định triệu chứng:
Triệu chứng cơ năng
Triệu chứng cơ năng thường gặp nhất:
Đau ngực: Thường xuất hiện ngay sau bị thương với nhiều mức độ khác nhau, đau có tính chất liên tục và tăng dần theo thời gian.
Khó thở: Xuất hiện ngay sau khi bị thương với các thể nặng , hoặc muộn hơn với các thể nhẹ. Cũng có tính chất liên tục và tăng dần.
Ho khạc ra máu sớm: Đây là triệu chứng ít gặp nhưng có giá trị chẩn đoán cao. Xuất hiện ngay từ những giờ đầu sau khi bị thương và chỉ gặp trong trường hợp bị thương vào khí quản hoặc phế quản gốc hoặc nhu mô phổi bị đụng dập rất nặng ( hiếm gặp).
Ngoài ra, bằng hỏi bệnh cần xác định thêm về:
Nguyên nhân, tác nhân, cơ chế gây chấn thương, vì qua đó có thể giúp phần nào nhận định mức độ thương tổn.
Tiền sử bệnh tim và bệnh phổi: Ví dụ như tràn dịch màng phổi, lao phổi, hen phế quản, suy tim… Vì chúng sẽ làm thay đổi triệu chứng và bệnh cảnh lâm sàng trong chấn thương ngực.
Triệu chứng thực thể
Triệu chứng toàn thân:
Triệu chứng toàn thân chủ yếu bao gồm các dấu hiệu về toàn trạng như: mạch, huyết áp, nhiệt độ, màu sắc da và niêm mạc….
Các triệu chứng toàn thân có thể thay đổi tuỳ theo từng thể bệnh của chấn thương, vết thương ngực:
Thể thông thường: Mạch thường nhanh. Huyết áp còn bình thường. Màu sắc da và niêm mạc hơi nhợt và tím nhẹ.
Thể có mất máu nhiều: Mạch nhanh. Huyết áp có thể còn bình thường hay tụt. Màu sắc da và niêm mạc nhợt rõ. Chân tay lạnh, có thể vã mồ hôi ở mặt, trán, ngực, khi có sốc mất máu nặng.
Thể suy hô hấp nặng: Mạch nhanh. Huyết áp có thể tụt ở giai đoạn muộn. Màu sắc da và niêm mạc tím rõ. Có thể phổi hợp với các dấu hiệu của thể mất máu nhiều.
Thể có hội chứng chèn ép tim cấp tính: Mạch nhanh, mất mạch ngoại vỉ khi hít sâu. Huyết áp động mạch bị tụt và kẹt. Áp lực tĩnh mạch trung ương tăng căo ( >15cmH2O). Tĩnh mạch cổ nổi, gan to, phản hồi gan – tĩm mạch cổ dương tính. Có thể phổi hợp với các dấu hiệu của thể mất máu nhiều hay suy hô hấp nặng.
Ngoài ra, khám toàn thân còn cho phép phát hiện đánh giá các thương tổn phối hợp, trong đó có những thương tổn nặng tạo nên bệnh cảnh đa chấn thương như: chấn thương sọ não, chấn thương vết thương bụng, chấn thương thận, vỡ xương chậu và các biến chứng, gãy xương đùi, gãy cột sống…
Triệu chứng tại bộ máy hô hấp:
Nhìn:
Các dấu hiệu chung:
Biến dạng lồng ngực: ngực bên thương tổn có thể phồng lên (tràn khí màng phổi), xẹp xuống (tràn máu màng phổi), và giảm biên độ hô hấp so với bên lành.
Phập phồng cánh mũi, co kéo các cơ hô hấp ở cổ - ngực khi thở, rõ khi có suy hô hấp nặng.
Trong vết thương ngực:
Có vết thương trên thành ngực: Tuy trên nguyên tắc lỗ vào của vết thương có thể từ nơi khác (bụng, cổ…) nhưng hầu hết (trên 95%) lỗ vào đều nằm trên thành ngực. Qua vết thương có 2 khả năng:
Thấy phì phò máu – khí qua vết thương: Ít gặp do phần lớn nạn nhân được sơ cứu sau khi bị thương. Nhưng nếu có thì đây là dấu hiệu khẳng định chắc chắn ngay trên lâm sàng là vết thương ngực.
Thường không còn thấy phì phò máu – khí nữa, do vết thương đã được sơ cứu bằng băng ép, khâu kín….
Xác định vị trí vết thương: Có vai trò rất quan trọng trong định hướng thăm khám và chẩn đoán. Ví dụ như vết thương ở vùng tam giác nguy hiểm của tim à nguy cơ bị vết thương tim cao, hay vết thương từ khoang liên sườn 5 đường nách giữa trở xuống à nguy cơ bị vết thương ngực - bụng…
Đánh giá độ dài, tính chất (sắc nhọn hay nham nhở) của vết thương giúp nhận định tác nhân gây thương tích và mức độ thương tổn.
Trong chấn thương ngực:
Vùng xây xát da, tụ máu trên thành ngực: Thường gặp, gợi ý có chấn thương ngực. Đánh giá vị trí, độ lớn của vùng xây xát da này có vai trò định hướng trong thăm khám và chẩn đoán, ví dụ như ở vùng trước xương ức à dễ có chấn thương ngực 2 bên và chấn thương tim; ở phần thấp thành ngực bên trái à dễ kèm vỡ lách, hay bên phải à dễ vỡ gan.
Vùng hô hấp đảo ngược của mảng sườn di động: Thường xuất hiện ngay trên vùng xây xát – tụ máu thành ngực. Cụ thể thấy ở thì hít vào, trong khi lồng ngực phồng lên thì vùng mảng sườn lại thụt vào và ngược lại, ở thì thở ra, trong khi lồng ngực xẹp xuống thì vùng mảng sườn lại phồng lên.
Sờ:
Thở: Thường nhanh nông, tần số > 25 lần / phút khi có suy hô hấp.
Dấu hiệu đau chói của ổ gãy xương sườn.
Tràn khí dưới da quanh vùng bị thương: Rất có ý nghĩa vì giúp khẳng định trên lâm sàng là có chấn thương ngực (hầu hết có gãy xương sườn, rách phổi, tràn máu – tràn khí màng phổi)
Gõ:
So sánh với bên lành sẽ thấy:
Vang hơn ở vùng cao khi có tràn khí màng phổi.
Đục hơn ở vùng thấp khi có tràn máu màng phổi hay xẹp phổi.
Nghe :
Rì rào phế nang phổi: giảm hoặc mất ở bên thương tổn.
Tim: tiếng tim mờ trong hội chứng chèn ép tim.
Chọc dò màng phổi:
Chỉ nên dùng khi không có điều kiện chụp X quang ngực hoặc triệu chứng X quang không rõ ràng. Nếu chọc ở tư thế nằm:
Khi tìm tràn khí: Chọc hút ở khoang liên sườn 2 đường giữa đòn, thấy hút khí ra dễ dàng hay khí tự đẩy piston của bơm tiêm ra.
Khi tìm tràn máu: Chọc hút ở khoang liên sườn 5 hay 6 đường nách giữa thấy ra máu không đông.
Chọc dò màng tim: Hiện tại rất ít áp dụng. Thường chọc dò theo đường Marfan, thấy ra máu không đông
Triệu chứng cận lâm sàng chung
X quang lồng ngực thẳng
Vai trò và chỉ định:
Đây là thăm dò cận lâm sàng chủ yếu trong chấn thương ngực, giúp khẳng định chẩn đoán lâm sàng và cho biết chính xác mức độ của nhiều thương tổn (gãy xương sườn, tràn máu, tràn khí…) . Nên chụp X quang ngực cho mọi thể bệnh nếu có điều kiện chụp cấp cứu và toàn trạng bệnh nhân cho phép.
Các tư thế chụp thông thường:
Chụp tư thế đứng: là tư thế chuẩn để chụp x quang ngực thẳng, cho các hình ảnh rõ nét và điển hình.
Chụp tư thế nằm ngửa: Khi chấn thương, bệnh nhân không thể đứng được. Các hình ảnh thường không rõ và điển hình nên để bỏ xót thương tổn.
Tiêu chuẩn phim x quang:
Chấn lượng phim tốt sẽ cho các hình ảnh rõ nét đầy đủ, đòi hỏi phải:
Đủ kích thước: Thấy toàn bộ lồng ngực.
Đúng tư thế: Cột sống thẳng, xương bả vai ra khỏi phế trường, chùm tia đi vuông góc với ngực.
Cường độ tia đủ; chỉ thấy rõ 3 – 4 đốt sống ngực đầu tiên, và thấy khí quản nằm giữa cột sống. Nếu tia quá cứng à thấy hết các đốt sống ngực. Nếu tia quá mềm à không thấy khí quản.
Các triệu chứng chính:
Điển hình khi chụp tư thế đứng.
Hình ảnh gãy xương sườn. Số lượng gãy và mức độ di lệch. Lưu ý là chỉ thấy được gãy xương sườn cung sau và bên, do cung trước là sụn nên không cản tia X.
Hình ảnh tràn khí màng phổi: phế trường sáng, nhu mô phổi co lại làm xuất hiện đường viền nhu mô phổi phía ngoại vi, trung thất bị đẩy sang bên đối diện, khoang liên sườn dãn rộng, cơ hoành bị đẩy xuống.
Hình ảnh tràn máu màng phổi: Phế trường mờ vùng đáy phổi tạo hình đường cong Damoiseau, trung thất bị đẩy sang bên đối diện.
Hình ảnh tràn máu - tràn khí màng phổi: Thấy hình ảnh của tràn khí ở phía trên và đường thẳng ngang phân cách với vùng mờ của hình tràn máu ở phía dưới.
Ngoài ra còn thấy hình ảnh của dập phổi (đám mờ rải rác), xẹp phổi (phế trường mờ, vân phổi tăng đậm, khoang liên sườn xẹp, cơ hoành bị kéo lên, trung thất bị kéo về bên thương tổn) tràn dịch màng tim (bóng tim to, mất cung tim, bờ tim rõ nét), tràn khí trung thất, thoát vị hoành…
Khi chụp tư thế nằm: Hình ảnh tương tự như trên nhưng chất lượng kém hơn. Lưu ý trong tràn máu sẽ thấy mờ đều toàn bộ phế trường; hoặc trong tràn máu – tràn khí sẽ thấy hình ảnh thiên về tràn khí nếu khí chiếm ưu thế, thiên về tràn máu nếu máu chiếm ưu thế và không có đường phân cách giữa tràn máu với tràn khí.
Xét nghiệm máu thông thường
Bạch cầu thường tăng. Hồng cầu - tỷ lệ huyết sắc tố - hematocrit giảm khi có mất máu nhiều.
Thăm dò cận lâm sàng đặc biệt
Xét nghiệm khí máu động mạch: Nhằm thăm dò hô hấp tế bào và thăng bằng kiềm toan. Nó cho các thông số về: pH, PaO2, dự trữ kiềm… Rất có ích trong các thể suy hô hấp nặng, song đòi hỏi phải có máy móc và phương tiện.
Siêu âm tim: Để phát hiện tràn dịch (máu) màng tim, và các thương tổn trong tim khi nghi ngờ có chấn thương - vết thương tim .
Soi khí - phế quản: Giúp xác định thương tổn khi nghi ngờ có chấn thương khí - phế quản lớn, đồng thời có thể phối hợp để hút máu đờm dãi làm tắc đường hô háp chống xẹp phổi.
Một số hội chứng chính thường gặp
Bằng cách tập hợp các nhóm triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng nêu trên, có thể rút ra một số hội chứng chính trong chấn thương, vết thương ngực như sau:
Hội chứng suy hô hấp
Lâm sàng:
Triệu chứng cơ năng: Đau ngực, khó thở.
Triệu chứng toàn thân: Mạch nhanh, da – niêm mạc tím.
Triệu chứng bộ máy hô hấp: Thở nhanh nông > 25 l/ phút, cánh mũi phập phồng, co kéo cơ hô hấp.
Cận lâm sàng:
Xét nghiệm khí máu động mạch thấy tình trạng toan.
Hội chứng tràn máu màng phổi
Lâm sàng:
Thường có hội chứng suy hô hấp phối hợp với:
Triệu chứng toàn thân: Mạch nhanh, da – niêm mạc nhợt, huyết áp tụt, chân tay lạnh, vã mồ hôi.
Triệu chứng bộ máy hô hấp: Lồng ngực biến dạng, biên độ di động giảm. Dấu hiệu gãy xương sườn hay mảng sườn di động. Gõ đục, rì rào phế nang giảm hoặc mất… Chọc dò màng phổi ra máu không đông.
Cận lâm sàng:
X quang thấy hình ảnh tràn máu màng phổi, gãy xương sườn…Xét nghiệm thấy thiếu máu.
Hội chứng tràn khí màng phổi
Lâm sàng:
Thường có hội chứng suy hô hấp phối hợp + triệu chứng bộ máy hô hấp như: lồng ngực phồng, biên độ di động giảm. Có thể thấy gãy xương sườn hoặc mảng sườn di động, tràn khí dưới da. Gõ vang. Rì rào phế nang giảm hoặc mất. Chọc dò màng phổi ra khí.
Cận lâm sàng:
X quang có hình ảnh tràn khí màng phổi, gãy xương sườn…
Hội chứng tràn máu – tràn khí màng phổi
Đây là hội chứng thường gặp nhất trong chấn thương, vết thương ngực. Chính là sự phối hợp các triệu của 2 hội chứng nêu trên. Cụ thể là:
Lâm sàng:
Hội chứng suy hô hấp.
Hội chứng tràn màu màng phổi
Hội chứng tràn khí màng phổi.
Cận lâm sàng:
X quang thấy hình ảnh tràn máu – tràn khí màng phổi, gãy xương sườn… Xét nghiệm thấy thiếu máu.
Vết thương ngực
Hội chứng suy hô hấp.
Vết thương trên thành ngực, có thể thấy phì phò máu – khí.
Hội chứng tràn máu – tràn khí màng phổi.
Hội chứng chèn ép tim cấp tính
Hội chứng suy hô hấp: Có đặc điểm là bệnh nhân rất vật vã, đau ngực và khó thở, nhưng không tương xứng với các triệu chứng ở lồng ngực.
Hội chứng tràn máu màng phổi: Ở bên trái hoặc phải. Nếu có thường ở thể tràn máu nặng.
Triệu chứng toàn thân: Như ở thể hội chứng chèn ép tim cấp tính.
Tiếng tim mờ.
X quang: Hình ảnh tràn dịch màng tim. Có thể có hình ảnh tràn máu – tràn khí màng phổi.
Siêu âm tim có dịch màng tim.
Chọc dò màng tim ra máu không đông.
Bài viết cùng chuyên mục
Bệnh án ngoại khoa
Nếu bệnh nhân bị bệnh từ lâu, tái đi tái lại, phải vào viện nhiều lần, lần này bệnh nhân vào viện với biểu hiện như mọi lần là mọi việc diễn ra trước khi có biểu hiện bệnh.
Triệu chứng gãy xương
Các xương nối với nhau qua các khớp, làm chỗ dựa vững chắc cho các cơ hoạt động, Hai đầu xương dài là nguyên uỷ và bám tận của các cơ, khi bị kích thích hoặc do thần kinh chỉ huy.
Nghiệm pháp cánh tay quay: tại sao và cơ chế hình thành triệu chứng
Sự xáo trộn bất kỳ của các cấu trúc mở đương cho nghiệm pháp cánh tay quay trên bệnh nhân dương tính và bất ổn chung.
Hội chứng chảy máu trong
Tràn máu trong các khoang tự nhiên, nhưng máu không chảy ra ngoài, Trường hợp tràn dịch màng tim không gây hội chứng chảy máu nhưng gây hội chứng chèn ép tim cấp.
Dấu hiệu ngăn kéo trước: cơ chế triệu chứng
Kiểm tra ngăn kéo trước là kiểm tra sự ổn định của dây chằng chéo trước của đầu gối. Các bác sĩ có thể sử dụng cùng với hình ảnh và các xét nghiệm khác, để xác định xem có bị thương dây chằng chéo trước hay không và đề xuất các lựa chọn điều trị.
Nghiệm pháp cánh tay rơi: tại sao và cơ chế hình thành
Dây chằng khớp vai hiện tại và cơ trên gai hoặc là trực tiếp bị hư hỏng hoặc va chạm gián tiếp, khả năng của cánh tay để duy trì tư thế dạng bị suy yếu và cánh tay sẽ rơi.
Chiều dài chức năng chân không tương ứng: cơ chế triệu chứng
Một chân dài hơn rõ ràng, hoặc chức năng bất bình đẳng, có thể xảy ra ở bất kỳ điểm nào, từ hồi tràng đến mép thấp nhất của bàn chân, cho một số lý do.
Hạt Bouchard và hạt Heberden: tại sao và cơ chế hình thành triệu chứng
Các gai xương ở khớp ngón tay gần móng tay nhất được gọi là các hạt Heberden. Các gai xương ở khớp giữa của ngón tay được gọi là các hạt Bouchard.
Nghiệm pháp cào lưng của Apley: cơ chế triệu chứng
Thực hiện bằng cách yêu cầu bệnh nhân xác định và ‘cào’ vào xương bả vai đối diện, cả hai phía từ phía trên và phía dưới. Đau, hạn chế hoặc không đối xứng khi thực hiện các động tác này có thể được coi là “dương tính”.
Khai thác những triệu chứng lâm sàng ngoại khoa
Muốn phát hiện được những triệu chứng chính xác cần hướng bệnh nhân vào những câu hỏi phục vụ cho mục đích chẩn đoán. Đầu tiên cần làm cho bệnh nhân có cảm giác thoải mái,cần lắng nghe tìm hiểu lý do bệnh nhân đi khám bệnh.
Phương pháp, triệu chứng, biến chứng gây mê, gây tê
Gây mê là phương pháp điều trị đặc biệt, nó làm cho bệnh nhân ngủ, không gây đau, không lo sợ, không nhớ gì về cuộc mổ.
Cách khám ngoại khoa bụng
Khám bệnh phải được xây dựng thành một trình tự logic để thành một thói quen và nhờ thói quen này mà người thày thuốc giỏi ít khi bỏ sót dấu hiệu có thể phát hiện ra các triệu chứng không đáng bỏ qua.
Biến dạng Boutonnière: tại sao và cơ chế hình thành triệu chứng
Biến dạng boutonnière có thể phát triển thứ phát sau chấn thương hoặc tiến triển thứ phát sau viêm khớp. Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả ngón tay của bệnh nhân biểu hiện uốn cong bệnh lý ở khớp.
Khám mạch máu ngoại vi
Học khám mạch máu ngoại vi (hay mạch chi) chủ yếu để biết cách khám và phát hiện triệu chứng học của các bệnh mạch máu ngoại vi. Nhưng bệnh học mạch máu ngoại vi là một lĩnh vực chuyên khoa rất rộng.
Mũi hình yên ngựa: tại sao và cơ chế hình thành
Phá hủy vách ngăn mũi hay các sụn chống đỡ. Các chấn thương trực tiếp hay phẫu thuật trước đó làm ảnh hưởng trực tiếp sự toàn vẹn cấu trúc chống đỡ dẫn đến kết quả sụp phần giữa của sống mũi.
Nghiệm pháp McMurray: tại sao và cơ chế hình thành
Mục đích của nghiệm pháp là để kiểm tra vị trí rách của một trong hai sụn chêm hướng về phía lồi cầu xương đùi và bắt nó. Bằng cách mở rộng đầu gối trong khi xoay, các lồi cầu xương đùi đang di chuyển trên xương chày và sụn chêm.
Hội chứng tắc ruột
Tắc ruột là một hội chứng do ngừng lưu thông thông của hơi và dịch tiêu hoá trong lòng ruột gây ra. Tắc ruột do các cản trở cơ học nằm từ góc Treitz đến hậu môn là tắc ruột cơ học.
Nghiệm pháp Apley: cơ chế triệu chứng
Bệnh nhân nằm sấp, đầu gối gấp 90 độ, tiến hành ép mạnh vào gót chân từ trên xuống dưới, ép xương chày xuống xương đùi. Sau đó người thực hiện tiến hành xoay xương chày vào trong hoặc ra ngoài.
Khám cột sống
Cột sống chứa tuỷ sống, thần kinh trung ương, trong ống sống và cho ra các rễ thần kinh qua lỗ liên sống để chi phối các hoạt động của cơ thể
Đại cương về bỏng
Bỏng là một cấp cứu thường gặp trong cuộc sống đời thường. Thỉnh thoảng phải cấp cứu bỏng hàng loạt. Đến 80 % tổng số bệnh nhân là bỏng nông trên diện hẹp, chiếm dưới 20% diện tích da của cơ thể.
Hội chứng tắc mật
Vi khuẩn có thể xấm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn máu, đây là giai đoạn rất nặng của tắc mật, nguy cơ tử vong cao, Tắc mật lâu ngày dẫn đến xơ hoá khoảng cửa
Khám chi trên chi dưới
Trường hợp đứt dây chằng chéo trước sẽ thấy xương chày nhô ra phía trước và khi đứt dây chắng chéo sau thì xương chày tụt ra sau.
Dấu hiệu Fowler (nghiệm pháp e sợ đặt lại vị trí): tại sao và cơ chế hình thành triệu chứng
Nếu nghiệm pháp cánh tay quay dương tính cho bệnh nhân bằng cách đẩy đầu gần xương cánh tay về phía trước và giảm lo sợ đó bằng cách đẩy nó về phía sau trong cùng một mặt phẳng, nghiệm pháp là dương tính.
Triệu chứng trật khớp
Dấu hiệu hõm khớp rỗng: Đây là một dấu hiệu chắc chắn của trật khớp, dễ phát hiện ở những khớp nông như là khớp vai, khớp khuỷu, khó phát hiện ở các khớp lờn như khớp háng.
Nghiệm pháp e sợ xương bánh chè: tại sao và cơ chế hình thành
Vẫn còn thiếu bằng chứng liên quan đến giá trị của các nghiệm pháp trên xương bánh chè như một phát hiện cho xương bánh chè không ổn định. Một nghiên cứu nhỏ đã được hoàn thành, cho thấy độ nhạy chỉ 39%.