- Trang chủ
- Sách y học
- Thực hành chẩn đoán và điều trị
- Thực hành chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim
Thực hành chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim
Nếu có nghi ngờ nhồi máu cơ tim, dù chưa xác định chắc chắn, cần gọi xe cấp cứu ngay trước khi tiếp tục các chẩn đoán xác định.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Nhồi máu cơ tim là trường hợp mà một vùng cơ tim bị chết vì thiếu máu đột ngột. Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở các bệnh về tim. Chẩn đoán phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể giúp giảm thiểu các ca tử vong. Nhồi máu cơ tim rất thường gặp ở những nước công nghiệp phát triển. Riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 1,1 triệu người bị nhồi máu cơ tim, và các tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân này là khoảng 40%. Bệnh xảy ra ở nam giới nhiều hơn phụ nữ, và nguy cơ mắc bệnh gia tăng theo tuổi già.
Nguyên nhân
Xơ vữa động mạch là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất. Trong chứng bệnh này, lượng máu lưu thông trong động mạch bị cản trở do thành động mạch không còn trơn láng, cộng thêm với các mảng bựa (vữa) đóng vào làm hẹp lòng động mạch. Khi một cục máu đông hình thành trong dòng máu vì một lý do nào đó bị các mảng bựa chặn lại, chúng hợp thành một “nút chặn” làm ngăn cản một phần hoặc hoàn toàn sự lưu thông của máu. Do sự ngăn cản này, lượng máu nuôi cơ tim bị cắt giảm hoặc mất hẳn. Tình trạng này nếu kéo dài trong một quãng thời gian sẽ làm cho một phần cơ tim bắt đầu chết vì thiếu oxy, và xảy ra cơn nhồi máu cơ tim.
Trong một số trường hợp ít gặp hơn, vì một lý do nào đó cơ của thành động mạch bỗng đột ngột co lại, làm cho lòng mạch bị hẹp đi hoặc bít kín hoàn toàn, và do đó cắt giảm lượng máu đến nuôi tim. Cơn nhồi máu cơ tim cũng xảy ra tương tự như trong trường hợp trên.
Các nguyên nhân gián tiếp, hiểu theo nghĩa là những yếu tố thúc đẩy, tạo điều kiện cho cơn nhồi máu cơ tim dễ dàng xảy ra hoặc xảy ra một cách nghiêm trọng hơn, gồm có:
Tiền sử mắc bệnh tim ở những người thân trong gia đình (yếu tố di truyền).
Tiền sử mắc các bệnh như bệnh động mạch vành, tiểu đường, tăng huyết áp, tăng lipid máu...
Nghiện thuốc lá.
Tăng huyết áp.
Béo phì hoặc quá cân.
Lượng cholesterol trong máu cao.
Thói quen ăn nhiều chất béo, nhất là chất béo bão hòa (saturated fat) từ động vật.
Nếp sống tĩnh tại, ít vận động cơ thể.
Chẩn đoán
Đau ngực là triệu chứng điển hình, với đặc trưng của cơn đau là xảy ra đột ngột, có thể đau nhẹ hoặc đau rất nhiều, đôi khi lan dần lên hàm dưới, đôi khi lan ra cánh tay trái, nhưng cũng có khi lan xuống vùng thượng vị, làm rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Hơi thở của bệnh nhân ngắn và dồn dập, vã mồ hôi, da lạnh, đánh trống ngực, buồn nôn hoặc nôn, có thể hôn mê.
Nếu có nghi ngờ nhồi máu cơ tim – dù chưa xác định chắc chắn – cần gọi xe cấp cứu ngay trước khi tiếp tục các chẩn đoán xác định.
Đo huyết áp, mạch để đánh giá cung lượng tim và sự loạn nhịp. Thăm khám ngực, đo áp lực tĩnh mạch cảnh, tìm các dấu hiệu của suy tim. Nghe tiếng tim thường thấy không có thay đổi.
Đo các men trong máu có thể cho kết quả chẩn đoán nếu tìm thấy các men do cơ tim bị tổn thương phóng thích ra.
Trong điều kiện có thể tiến hành phẫu thuật thì cho chụp động mạch vành.
Điện tâm đồ hoặc máy khử rung có màn hình để theo dõi tim. Nếu có thể thì kết hợp sử dụng cả hai. Tuy nhiên, ngay cả các dấu hiệu bình thường của điện tâm đồ cũng không cho phép loại trừ khả năng bị nhồi máu cơ tim. Theo dõi tâm đồ ký thường có lợi cho việc phát hiện và điều trị loạn nhịp tim.
Điều trị
Trấn an bệnh nhân và gọi xe cấp cứu ngay khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào về nhồi máu cơ tim.
Áp dụng ngay các biện pháp điều trị triệu chứng trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu:
Cho dùng thuốc giảm đau mạnh, chẳng hạn như diamorphin 2,5 – 5mg hoặc morphin 5 – 10mg tiêm tĩnh mạch. Tăng hay giảm liều tùy theo sự đáp ứng của bệnh nhân.
Thuốc chống nôn tiêm tĩnh mạch, chẳng hạn như prochlorperazin 12,5 mg hay metoclopramid 10mg.
Nếu có suy tim, cho dùng furosemid 40mg tiêm tĩnh mạch.
Nếu huyết áp giảm (huyết áp tâm thu < 100) và nhịp tim chậm (< 50), cho dùng atropin 300μg tiêm tĩnh mạch. Theo dõi và lặp lại sau 5 phút, có thể tăng liều đến tối đa là 1,2mg.
Cho dùng aspirin 300mg, trừ trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu hoặc dị ứng với aspirin.
Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, luôn cảnh giác để sẵn sàng đối phó với nguy cơ bệnh nhân bị ngừng tim. Kiểm tra huyết áp và nhịp tim thường xuyên.
Nếu có đủ thời gian, khi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện nên gửi kèm theo bảng ghi các chi tiết liên quan đến trường hợp bệnh và tất cả các thuốc đã sử dụng.
Trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh khi cơn nhồi máu cơ tim đã qua đi:
Nếu cơn nhồi máu cơ tim xảy ra chưa quá 24 giờ, chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện để thực hiện các bước chẩn đoán và điều trị.
Nếu cơn nhồi máu cơ tim đã xảy ra quá 24 giờ, kiểm tra ngay các triệu chứng liên quan. Nếu không còn triệu chứng hay dấu hiệu nào đáng ngại, có thể không cần thiết phải chuyển bệnh nhân vào bệnh viện nữa. Tuy nhiên, cần kiểm tra liên tục trong 3 ngày sau đó để tìm các dấu hiệu suy tim. Nếu tất cả đều tốt, đề nghị bệnh nhân tái khám sau một tuần.
Tất cả bệnh nhân nhồi máu cơ tim sau khi đã rời khỏi bệnh viện đều cần phải được tái khám sau 2 tuần.
Chăm sóc bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim
Phần lớn bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đều có tiên lượng xấu. Tỷ lệ tử vong trong vòng 20 ngày sau cơn nhồi máu cơ tim lên đến trên 30%, tỷ lệ tử vong trong vòng một năm sau cơn nhồi máu cơ tim là 45% – 55%, và tỷ lệ tử vong trong vòng 10 năm sau cơn nhồi máu cơ tim là khoảng 60% – 80%. Hầu hết bệnh nhân phải được theo dõi, khám bệnh hoặc dùng thuốc cho đến suốt đời. Vì thế, việc theo dõi chăm sóc sau cơn nhồi máu cơ tim là cực kỳ quan trọng, để có thể giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe cũng như kịp thời xử trí các biến chứng, giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong.
Theo dõi
Sau cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần được định kỳ thăm khám theo dõi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu:
Loạn nhịp tim.
Tăng huyết áp.
Tiếng tim, các dấu hiệu suy tim.
Tác dụng phụ của thuốc chẹn beta đã dùng, chẳng hạn như lơ mơ, giảm huyết áp.
Cần lưu ý đến những ảnh hưởng tâm lý do cơn nhồi máu cơ tim để lại ở bệnh nhân. Các dấu hiệu thường gặp là:
Suy nhược tinh thần.
Sợ không dám tham gia những công việc phải dùng sức nhiều.
Chán nản, bi quan khi nghĩ đến tiên lượng bệnh.
Bần thần, lo lắng và luôn cảm thấy không yên tâm về sức khỏe bản thân.
Chăm sóc
Qua cơn nhồi máu cơ tim, nếu được điều trị tốt thì sau 6 tuần bệnh nhân có thể hồi phục và thực hiện được những công việc bình thường như trước đây. Khuyến khích bệnh nhân rèn luyện thể lực một cách đều đặn với mức độ trong giới hạn sức khỏe cho phép, tránh không đến mức gây đau hay mệt mỏi. Tốt nhất là tập thể dục buổi sáng và những hoạt động rèn luyện thích hợp được thực hiện đều đặn mỗi ngày. Việc chăm sóc bệnh nhân thường phải lưu ý đến các vấn đề sau đây:
Trấn an, tạo chỗ dựa tinh thần để giúp bệnh nhân giảm bớt các ảnh hưởng tâm lý. Khuyến khích bệnh nhân tham gia những công việc vừa sức để có được niềm vui sống, giảm tâm lý bi quan, chán sống. Tạo môi trường tình cảm tích cực, hạn chế tối đa các cảm xúc bất lợi như nóng giận, bực tức, buồn khổ... Cố gắng làm sao cho bệnh nhân có thể hòa nhập vào cuộc sống và loại bỏ những mặc cảm cũng như lo lắng về bệnh tật. Giải thích để bệnh nhân hiểu là rất nhiều người bị nhồi máu cơ tim vẫn có thể sống tốt nếu biết giữ gìn và có nếp sống tốt.
Hướng dẫn, khuyến khích bệnh nhân thực hiện một nếp sống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe, loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Cụ thể là:
Khuyên bệnh nhân không hút thuốc lá, không uống rượu bia.
Thường xuyên rèn luyện thể lực với các bài tập và hoạt động thích hợp, vừa sức.
Hướng dẫn bệnh nhân chế độ ăn uống lành mạnh và cố gắng giảm cân nếu trong tình trạng quá cân hoặc béo phì. Trong mọi trường hợp, nên hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
Kiểm tra định kỳ để phát hiện và điều trị ngay các chứng cao huyết áp, tăng cholesterol, tiểu đường...
Trong trường hợp cần phải tiếp tục điều trị bằng thuốc, có thể sử dụng:
Aspirin dạng viên uống, 75mg – 150mg mỗi ngày 1 lần, trừ khi bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông máu hoặc dị ứng với aspirin.
Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như atenolol 50mg, mỗi ngày 1 lần, trừ khi có dấu hiệu suy tim hay bloc tim.
Bài viết cùng chuyên mục
Thực hành chẩn đoán và điều trị lác mắt
Đối với trẻ em, cho trẻ nhìn vào một đèn pin nhỏ ở cách khoảng nửa mét và quan sát sự phản chiếu ánh sáng trong giác mạc. Nếu trẻ bị lác mắt, ánh sáng sẽ phản chiếu không cân đối.
Thực hành chẩn đoán và điều trị zona
Ban zona thường tự khỏi sau vài tuần, không có biến chứng gì. Khoảng 50% số người bị bệnh zona sau tuổi 60 có thể bị đau và dễ kích thích ở vùng da bị bệnh, kéo dài đến 6 tháng.
Thực hành chẩn đoán và điều trị xuất huyết trong thai kỳ
Nếu người phụ nữ bị xuất huyết âm đạo có nhóm máu Rh âm, cần tiêm dưới da 500 đơn vị quốc tế kháng thể chống yếu tố D, trong vòng 72 giờ kể từ khi bắt đầu ra máu.
Thực hành chẩn đoán và điều trị lẹo mắt
Khi chỗ sưng đã nhọn đầu, có thể nhổ sợi lông có chân bị nhiễm trùng, ép nhẹ cho mủ chảy ra sẽ giúp người bệnh giảm sưng đau.
Thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh ở cổ tử cung
Nếu có kèm theo các triệu chứng như đau vùng chậu, giao hợp đau, có chất tiết ra từ âm đạo, lấy dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung ra.
Thực hành chẩn đoán và điều trị điếc
Nguyên nhân tự nhiên thường gặp là sự thoái hóa theo tuổi già của ốc tai và mê đạo, được xem như sự giảm thính lực tự nhiên do tuổi già.
Thực hành chẩn đoán và điều trị đánh trống ngực
Nếu đánh trống ngực lặp lại nhiều lần, có thể đề nghị làm điện tâm đồ theo dõi liên tục 24 giờ để phát hiện các bệnh tim liên quan (loạn nhịp, lạc nhịp, rung nhĩ...).
Thực hành chăm sóc các vấn đề hô hấp trẻ em
Viêm tiểu phế quản thường gây ho kích thích, làm trẻ thở nhanh, khó bú, nhất là khi có kèm theo sổ mũi. Thăm khám nghe thấy tiếng khò khè, nhất là khi thở ra.
Kiểm tra sức khỏe tổng quát trẻ sơ sinh
Tìm các dấu hiệu bất thường trong hình dạng hộp sọ có thể nắn sửa, thóp trước đầy lên bất thường có thể gợi ý tràn dịch màng não và cần phải siêu âm chẩn đoán ngay.
Thực hành chẩn đoán và điều trị protein niệu khi mang thai
Protein niệu trong thời kỳ thai nghén được xác định khi > 300mg/L. Chuyển chuyên khoa nếu chẩn đoán cho kết quả xác định.
Thực hành kiểm tra sau sinh
Bụng dưới trong tư thế giãn cơ. Khi cơ thẳng bụng có khoảng cách đáng kể (có thể đưa 3 ngón tay vào giữa), nên chuyển đến bác sĩ điều trị vật lý sản khoa.
Tránh thai đối với phụ nữ sắp mãn kinh
Sau khi ngừng thuốc, nếu xác định chắc chắn kinh nguyệt đã chấm dứt, thì việc sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ cần tiếp tục trong vòng một năm nữa.
Thực hành chẩn đoán và điều trị nghẹt mũi
Ở người lớn thường có dấu hiệu khó thở khi ngủ, làm cho giấc ngủ bị gián đoạn vào ban đêm, khiến người bệnh thường ngủ nhiều vào ban ngày.
Tranh thai đối với phụ nữ sau sinh
Trong bất cứ trường hợp nào thì sau khi đứa trẻ được 6 tháng tuổi cần phải áp dụng một trong các biện pháp tránh thai mới đảm bảo an toàn.
Khái niệm về các biện pháp tránh thai
Biện pháp tránh thai thích hợp là biện pháp không gây khó khăn nhiều trong việc sử dụng, không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày cũng như hoạt động tình dục của người sử dụng.
Sưng hạch bạch huyết vùng cổ
Nếu không thể chẩn đoán phân biệt, tiếp tục theo dõi trong khoảng từ 4 đến 6 tuần để có thêm các triệu chứng giúp chẩn đoán phân biệt.
Chảy nước mắt bất thường
Trường hợp thứ hai do tắc nghẽn kênh dẫn lưu nước mắt. Những nguyên nhân có thể là: nhiễm trùngđường hô hấp trên, mí mắt quặm.
Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ
Để duy trì nguồn sữa đầy đủ cho trẻ, người mẹ cần một chế độ dinh dưỡng cân đối và phải uống thật nhiều nước.
Thực hành chẩn đoán và điều trị chàm
Chàm (eczema) là tình trạng viêm da, thường gây ngứa, đôi khi làm da bong vảy, bọng nước. Có nhiều loại viêm da khác nhau như viêm da tiết bã nhờn, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng.
Triệt sản kế hoạch hóa gia đình
Sau phẫu thuật, hoạt động phóng tinh vẫn xảy ra như bình thường, nhưng trong tinh dịch không có tinh trùng, vì tinh trùng không thể đi qua ống dẫn tinh nên được tinh hoàn hấp thụ trở lại.
Thực hành chẩn đoán và điều trị nấm candida
Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, chẳng hạn như huyết trắng hoặc các mảng trên niêm mạc.
Thực hành chẩn đoán và điều trị vảy nến
Bệnh thường xuất hiện ở những người trong cùng một gia đình. Thống kê cho biết nếu cha hoặc mẹ đã bị bệnh vảy nến thì con cái có khoảng 25% nguy cơ sẽ mắc căn bệnh này.
Viên uống tránh thai đơn thuần
Những phụ nữ cảm thấy khó chịu do các tác dụng phụ của estrogen trong viên kết hợp, chẳng hạn như phù nề do ứ nước, tăng cân theo chu kỳ, đau đầu, nám da.
Thực hành chẩn đoán và điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt
Có thể dùng progesteron và progestogen khi nghi ngờ thiếu một phần progesteron trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ. Do đó, việc điều trị chỉ áp dụng trong giai đoạn hoàng thể.
Thực hành chẩn đoán và điều trị rong kinh
Thăm khám vùng chậu để phát hiện các nguyên nhân bệnh lý, chẳng hạn như u buồng trứng hay u tử cung... Có thể siêu âm vùng chậu nếu cần.