Khí hư và các bệnh lây qua đường tình dục

2012-11-13 04:20 PM

Điều trị bằng một loại imidazol, chẳng hạn như clotrimazol 200mg đặt trong âm đạo vào ban đêm, liên tục trong 3 đêm. Kem clotrimazol 1% có thể dùng kèm để giảm ngứa âm đạo.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Khí hư là từ chỉ chung các chất tiết bất thường chảy ra từ âm đạo. Nguyên nhân gây khí hư thường gặp nhất là nhiễm nấm Candida và Gardnerella. Trong hầu hết các trường hợp, cần chẩn đoán loại trừ trầy xước cổ tử cung hay có dị vật trong âm đạo. Lấy bệnh phẩm vùng sâu âm đạo, và bệnh phẩm cổ tử cung hay niệu đạo nếu nghi ngờ bệnh lậu.

Nam giới đôi khi cũng có dịch thải từ niệu đạo, và tất cả những trường hợp này đều nên đến khám tại chuyên khoa sinh dục-tiết niệu.

Nhiễm nấm Candida

Trong cơ thể người phụ nữ bình thường, nấm Candida vẫn thường có ở âm đạo và ở miệng, nhưng không gây bệnh vì chịu sự kiểm soát của một số vi khuẩn khác cũng như hệ miễn dịch cơ thể. Nếu vì một lý do nào đó, môi trường vi khuẩn thay đổi hoặc hệ miễn dịch cơ thể suy yếu, nấm Candida sẽ bắt đầu gây bệnh. Bệnh lây lan qua đường tình dục.

Triệu chứng điển hình là âm đạo ngứa ngáy và tiết ra nhiều chất thải màu trắng, đóng bựa, thường kèm theo tiểu tiện khó và giao hợp đau.

Điều trị bằng một loại imidazol, chẳng hạn như clotrimazol 200mg đặt trong âm đạo vào ban đêm, liên tục trong 3 đêm. Kem clotrimazol 1% có thể dùng kèm để giảm ngứa âm đạo.

Mặc dù bệnh đáp ứng tốt khi được điều trị như trên, nhưng khả năng tái phát nhiều lần rất thường xảy ra, cần xử trí như sau:

Hướng dẫn bệnh nhân về những điều nên tránh, chẳng hạn như tránh dùng các loại đồ lót bằng nylon hoặc quá chật, tránh dùng các loại xà phòng thơm, tránh giao hợp trong suốt quá trình điều trị...

Đề nghị điều trị đồng thời cho người có quan hệ tình dục với bệnh nhân.

Nếu cần, dùng thuốc chống nấm dạng viên uống, chẳng hạn như itraconazol 200mg, ngày 2 lần, chỉ dùng trong 1 ngày.

Điều trị dự phòng gián đoạn, chẳng hạn như đặt imidazol vào âm đạo mỗi tuần một lần.

Nếu có khả năng nhiễm nấm Candida do dùng thuốc kháng sinh (làm rối loạn môi trường vi khuẩn thường trú ở am đạo), có thể điều trị dự phòng bằng thuốc đặt âm đạo.

Nếu có liên quan đến giao hợp, có thể đặt thuốc vào âm đạo sau khi giao hợp.

Nếu một trường hợp tái phát trước đây đã được chẩn đoán bằng nuôi cấy, xác định được do nấm Candida hoặc Gardnerella, điều trị tái phát không cần chẩn đoán vẫn là hợp lý, và chỉ cần lấy bệnh phẩm nếu như việc điều trị không làm các triệu chứng mất đi.

Nhiễm nấm Gardnerella

Nhiễm nấm Gardnerella thường được cho là không lây lan qua đường tình dục. Biểu hiện đặc trưng là chất tiết từ âm đạo có màu xám hay vàng, hơi loãng và có bọt, có mùi tanh.

Điều trị:

Dùng Metronidazol 400mg mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 7 ngày.

Nếu các triệu chứng tái phát, có thể cần điều trị đồng thời cho người có quan hệ tình dục với bệnh nhân.

Nhiễm Trichomonas

Nhiễm Trichomonas là bệnh lây qua đường tình dục, nhưng đôi khi cũng lây gián tiếp qua việc dùng chung các đồ dùng cá nhân với người bệnh. Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

Trichomonas là một loại động vật nguyên sinh (vi sinh vật đơn bào). Nhiễm Trichomonas thường gây ra viêm âm đạo, với biểu hiện là chất tiết từ âm đạo hơi đặc, có mùi hôi, có màu hơi xanh hoặc hơi vàng và có bọt. Người bệnh thường đau khi giao hợp.

Điều trị:

Dùng Metronidazol 400mg mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 7 ngày.

Cần phải điều trị đồng thời cho người có quan hệ tình dục với bệnh nhân để tránh tái phát.

Chlamydia

Chlamydia lây truyền qua đường tình dục và là một trong những nguyên nhân chính gây viêm vùng chậu. Phân lập đòi hỏi phương pháp cấy tế bào mà trong nhiều trường hợp điều kiện không cho phép. Liệu trình chuẩn điều trị viêm vùng chậu cũng bao gồm cả điều trị Chlamydia.

Điều trị:

Dùng  Doxycyclin 100mg mỗi ngày 2 lần hoặc erythromycin 500mg mỗi ngày 4 lần, liên tục trong 10 ngày.

Sau khi điều trị cần tiến hành thử nghiệm xác định kết quả điều trị.

Bệnh lậu (gonorrhea)

Bệnh lậu lây truyền qua đường tình dục, là một bệnh phổ biến trên khắp thế giới. Bệnh gây ra do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae, đôi khi cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 356.000 trường hợp mắc bệnh này. Bệnh nhân nên được chuyển đến chuyên khoa tiết niệu-sinh dục.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 – 10 ngày. Các triệu chứng phát bệnh thường là có dịch tiết trắng như mủ chảy ra từ âm đạo, tiểu tiện đau rát.

Bệnh lậu không điều trị kịp thời có thể lan sang nhiều cơ quan khác như gây viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh-tinh hoàn... Phụ nữ bị viêm phần phụ có thể dẫn đến thai ngoài tử cung hay vô sinh. Vi khuẩn cũng có thể theo đường máu gây viêm khớp, nhiễm trùng máu, gây tổn thương não, tim... Có nguy cơ gây tử vong.

Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh ở niệu đạo, cổ tử cung, trực tràng... khi có các triệu chứng như chất tiết âm đạo màu trắng như mủ, tiểu tiện đau buốt...

Điều trị:

Khi có điều kiện, nên chuyển đến điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tiết niệu-sinh dục.

Amoxycillin 3g, dùng đơn độc. Nếu có dấu hiệu kháng thuốc hoặc bệnh nhân dị ứng với nhóm penicillin, có thể thay bằng Cefotaxim, Ciprofloxacin hoặc Spectinomycin.

Nên điều trị đồng thời cho người có quan hệ tình dục với bệnh nhân, ngay cả khi không có triệu chứng bệnh.

Sau đợt điều trị, cần xét nghiệm để xác định kết quả điều trị.

Mụn cóc sinh dục

Là những mụn cóc mềm nằm bên trong hay quanh âm hộ, hậu môn, dương vật, thường gọi là mồng gà. Mụn cóc sinh dục gây ra do một loại virus có tên là Papilloma. Nhóm virus này hiện đã được biết có đến hơn 50 chủng khác nhau gây bệnh ở người. Chủng virus gây ra mụn cóc sinh dục là chủng thứ 6, ngoài ra còn có các chủng đặc biệt là chủng thứ 2 gây mụn cóc trong lòng bàn tay, chủng thứ 13 gây các tổn thương ở miệng, chủng thứ 16 và 18 có khả năng liên quan đến ung thư, và một số chủng khác gây các bệnh hiếm gặp ở da, có khả năng phát triển ung thư.

Mụn cóc sinh dục lây truyền qua đường tình dục. Từ lúc nhiễm virus cho đến khi xuất hiện mụn cóc – thời gian ủ bệnh – có thể kéo dài đến 18 tháng. Mụn thường không gây đau nhưng cần phải điều trị tích cực vì hiện nay nó được cho là có liên quan đến ung thư cổ tử cung.

Điều trị:

Dùng podophyllin 25% bôi trực tiếp lên mụn cóc.

Tránh dùng thuốc này khi có thai. Bôi thuốc cách khoảng từ 3 – 7 ngày.

Cần điều trị đồng thời cho người có quan hệ tình dục với bệnh nhân, nếu không sẽ rất dễ tái phát do nhiễm bệnh qua lại.

Trong một số trường hợp có thể cần phẫu thuật cắt bỏ.

Nên thực hiện xét nghiệm kính phết hằng năm nếu chẩn đoán là có mụn cóc sinh dục.

Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng bao cao su khi giao hợp như một biện pháp phòng bệnh nếu xét thấy có nguy cơ lây nhiễm.

Herpes sinh dục

Herpes sinh dục, hay thường gọi là mụn rộp sinh dục, là bệnh gây ra do virus herpes, tạo thành nhiều nốt phát ban đau ở cơ quan sinh dục. Các nốt này thường nổi lên thành từng đợt. Tuy vậy, đa số trường hợp nhiễm virus

herpes không bộc lộ triệu chứng gì. Riêng tại Hoa Kỳ, người ta ước tính có khoảng 20% dân số trên 12 tuổi là có nhiễm virus herpes, và khoảng 90% trong số đó hoàn toàn không biết mình đang mang virus.

Trong những trường hợp virus thực sự gây bệnh, thời gian ủ bệnh thường là khoảng 1 tuần. Một số trường hợp khác có thể kéo dài cả năm từ lúc nhiễm virus cho đến khi phát bệnh.

Khi phát bệnh, người bệnh thấy ngứa ngáy, có cảm giác bỏng rát và nổi lên nhiều mụn nước nhỏ ở vùng cơ quan sinh dục. Các mụn nước này sau đó vỡ ra, để lại những vết loét nhỏ, rất đau. Các vết loét thường lành sau khoảng 10 – 21 ngày. Hạch bạch huyết vùng bẹn có thể sưng to và đau. Người bệnh mệt mỏi, đau đầu và sốt. Phụ nữ thường đau khi tiểu tiện vì nước tiểu dính vào những chỗ loét.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng cũng có khoảng 1/3 số trường hợp nhiễm bệnh qua các tổn thương ở miệng.

Điều trị:

Cho đến nay, bệnh này vẫn được xác định là không thể điều trị dứt hoàn toàn, mà chỉ có thể ngăn ngừa khi chưa nhiễm virus hoặc cố gắng làm giảm nhẹ đi mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà thôi. Vì thế, khả năng phải chịu đựng những đợt tái phát là thường gặp.

Rửa bằng dung dịch muối pha loãng (một muỗng cà phê muối pha trong nửa lít nước) hoặc đắp nước đá lên chỗ đau có thể giúp làm giảm nhẹ cảm giác khó chịu.

Dùng thuốc giảm đau với liều thích hợp.

Dùng Valaciclovir 500mg mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 5 ngày, bắt đầu trong vòng 7 ngày kể từ khi có các triệu chứng bệnh đầu tiên, càng sớm càng tốt.

Thuốc kháng virus như acyclovir giúp vết loét bớt đau và mau lành hơn.

Các đợt tái phát thường dễ xuất hiện khi người bệnh có tâm lý lo lắng, buồn bực, hoặc trước chu kỳ kinh nguyệt, sau khi giao hợp, sau khi tắm nắng, hoặc thường gặp nhất là khi sức khỏe suy yếu. Các đợt tái phát thường khỏi nhanh không cần điều trị, nhưng nếu nghiêm trọng có thể dùng thuốc giảm đau, kem bôi acyclovir hoặc Valaciclovir dạng viên uống với liều như trên, sử dụng ngay trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu các triệu chứng.

Nếu tái phát thường xuyên và nghiêm trọng, dùng acyclovir dạng viên uống với liều thấp (200 – 400mg, mỗi ngày 2 lần. Cần có sự theo dõi của bác sĩ.

Phụ nữ có thai có tiền sử herpes sinh dục cần phải lấy bệnh phẩm tìm virus vào cuối thai kỳ, vì herpes sơ sinh có thể xảy ra cho đứa trẻ ngay cả khi người mẹ không biểu hiện triệu chứng gì.

Bài viết cùng chuyên mục

Thực hành chăm sóc trẻ ỉa đùn

Những trường hợp khó điều trị có thể đòi hỏi dùng xi-rô senna thời gian dài với liều giảm dần để tăng phản xạ dạ dày-ruột.

Thực hành chẩn đoán và điều trị nhọt

Những người có hệ miễn dịch suy yếu, người bệnh tiểu đường, hoặc những người mà da có nhiều chất nhờn thường dễ bị nhọt hơn.

Thực hành chăm sóc hăm tã trẻ em

Giữ tã khô bằng cách thay tã cho trẻ thường xuyên và ngay sau khi trẻ làm ướt tã, tránh không để da trẻ phải tiếp xúc quá lâu với nước tiểu.

Thực hành chẩn đoán và điều trị sỏi tiết niệu

Sỏi thường xuất hiện trong những trường hợp có dấu hiệu mất nước nhẹ, có lẽ do độ đậm đặc của nước tiểu gia tăng.

Thực hành chẩn đoán và điều trị co giật ở trẻ em

Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để ngừng dùng thuốc chống co giật nếu trẻ không còn co giật trong vòng 2 – 3 năm.

Thực hành chẩn đoán và điều trị tiểu đường

Chẩn đoán xác định tiểu đường khi nồng độ đường trong máu lúc đói > 6,7mmol/L, hoặc khi nồng độ đường trong máu vào thời điểm ngẫu nhiên > 10mmol/L.

Thực hành chẩn đoán và điều trị mãn kinh

Phần lớn phụ nữ khi mãn kinh xảy ra triệu chứng khô âm đạo. Sự suy giảm estrogen làm cho lớp niêm mạc âm đạo bị teo mỏng, âm đạo dễ nhiễm trùng và đau khi giao hợp.

Thực hành chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu

Giao hợp nam nữ đôi khi cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu cho phụ nữ. Do sự cọ xát khi giao hợp, vi khuẩn bị đẩy lên bàng quang dễ hơn, vì lỗ tiểu nằm rất gần cửa âm đạo.

Thực hành chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng hô hấp trên

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là những trường hợp bệnh hết sức phổ biến, đặc biệt thường gặp hơn ở trẻ em, bao gồm các viêm nhiễm tác động vào mũi, họng, xoang và thanh quản.

Viên uống tránh thai đơn thuần

Những phụ nữ cảm thấy khó chịu do các tác dụng phụ của estrogen trong viên kết hợp, chẳng hạn như phù nề do ứ nước, tăng cân theo chu kỳ, đau đầu, nám da.

Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng

Tác nhân gây dị ứng không giống nhau ở mỗi người, nên việc người bệnh xác định được tác nhân gây dị ứng là rất quan trọng.

Thực hành chẩn đoán và điều trị táo bón

Các trường hợp táo bón kéo dài, trở thành mạn tính thường là do một nguyên nhân tiềm ẩn nào đó hoặc do các thói quen sinh hoạt, ăn uống không thích hợp của bệnh nhân gây ra.

Thực hành chẩn đoán và điều trị trầm cảm sau sinh

Các yếu tố tình cảm, tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự trầm cảm. Người bệnh cần được gần gũi, chia sẻ tình cảm, có cơ hội để bộc lộ những suy nghĩ, tâm sự riêng tư.

Thực hành chẩn đoán và điều trị lẹo mắt

Khi chỗ sưng đã nhọn đầu, có thể nhổ sợi lông có chân bị nhiễm trùng, ép nhẹ cho mủ chảy ra sẽ giúp người bệnh giảm sưng đau.

Thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh ở cổ tử cung

Nếu có kèm theo các triệu chứng như đau vùng chậu, giao hợp đau, có chất tiết ra từ âm đạo, lấy dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung ra.

Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm thực quản hồi lưu

Đau càng tăng thêm khi nằm xuống hay cúi người về phía trước. Đứng thẳng người lên có thể làm giảm bớt cơn đau, chủ yếu là nhờ tác dụng của trọng lực.

Tránh thai bằng xuất tinh ngoài âm đạo

Do khả năng sống sót của tinh trùng khi vào được cơ thể người phụ nữ có thể kéo dài từ 4 đến 6 ngày, nên những sơ sót này tuy có tỷ lệ rất thấp nhưng vẫn có thể dẫn đến thụ thai.

Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm gan B

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 1 – 4 tháng hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào số lượng virus bị nhiễm vào cơ thể. Nói chung, số lượng virus càng lớn thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Thực hành chẩn đoán và điều trị tăng lipid máu

Cao cholesterol là nguy cơ chính trong sự phát triển bệnh mạch vành và các bệnh tim mạch. Vì thế, khi theo dõi các loại bệnh này, cần lưu ý đến nồng độ cholesterol trong máu người bệnh.

Thực hành chẩn đoán và điều trị hôi miệng

Điều trị các nguyên nhân tùy theo kết quả chẩn đoán. Nếu không có các triệu chứng nhiễm trùng, việc dùng kháng sinh có thể là không cần thiết.

Thực hành chẩn đoán và điều trị Rubella

Bệnh rubella, hay rubeon, trước đây thường được xem như một dạng sởi nên vẫn gọi là bệnh sởi Đức (German measles), là một bệnh truyền nhiễm nhẹ, có thể gây ra những vùng ban đỏ và làm sưng phồng các hạch bạch huyết.

Thực hành chẩn đoán và điều trị đánh trống ngực

Nếu đánh trống ngực lặp lại nhiều lần, có thể đề nghị làm điện tâm đồ theo dõi liên tục 24 giờ để phát hiện các bệnh tim liên quan (loạn nhịp, lạc nhịp, rung nhĩ...).

Thực hành chẩn đoán và điều trị mỏng giác mạc

Nhỏ phẩm nhuộm fluorescein vào mắt để phát hiện các vết trầy xước trên giác mạc, vì màu fluorescein sẽ dính lại ở đó và phản chiếu khi ta dùng tia sáng màu xanh rọi vào mắt.

Thực hành chẩn đoán và điều trị chắp mắt

Nếu có nhiễm trùng cấp tính, cho dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt như chloramphenicol và hướng dẫn bệnh nhân xông hơi nóng vào mắt thường xuyên.

Những điều cần biết trước khi mang thai

Bổ sung các thức ăn giàu calci, nhất là đối với những phụ nữ có nguy cơ thiếu hụt cao, chẳng hạn như phụ nữ đã sinh nhiều con hoặc sống trong gia đình có chế độ ăn thường ngày nghèo dinh dưỡng.