- Trang chủ
- Sách y học
- Tâm lý học và lâm sàng
- Rối loạn xác định phân ly
Rối loạn xác định phân ly
Một đặc tính của những cá nhân được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn xác định phân li (DID - dissociative identity disorder) là rằng họ cư xử như họ có hai hay nhiều hơn những bản thể hoặc nhân cách khác biệt.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Một đặc tính của những cá nhân được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn xác định phân li (DID - dissociative identity disorder) là rằng họ cư xử như họ có hai hay nhiều hơn những bản thể hoặc nhân cách khác biệt, được gọi là những người thay thế (alter). Khác với trước đây, khi những người có DID ( trước kia còn được gọi là đa nhân cách) thông báo về vài nhân cách thay thế, số người thay thế hiện nay trung bình là 15 và có một số cá nhân bộc lộ hơn 100 nhân cách. Theo DSM- IV-TR, những tiêu chuẩn chẩn đoán cho DID là:
Sự hiện diện của hai hoặc nhiều bản thể hoặc trạng thái nhân cách riêng biệt, mỗi bản thế/nhân cách với những cách thức suy nghĩ, liên hệ và nhận thức riêng về môi trường cũng như bản thân tương đối kéo dài
Ít nhất hai trong số những bản thể hoặc trạng thái nhân cách thường xuyên và thay đổi nhau kiểm soát hành vi của cá nhân.
Không có khả năng nhớ lại những thông tin cá nhân quan trọng. Việc mất khả năng nhớ này là quá rộng lớn để có thể giải thích như sự lãng quên thông thường.
Sự nhiễu loạn không do những hiệu quả sinh lí trực tiếp, lạm dụng chất kích thích hay một bệnh lí nào đó.
Nguyên nhân rối loạn xác định phân li
Thực tế, bản chất và sự tồn tại của DID “thực” cũng được tranh cãi quyết liệt như sự tồn tại của kí ức phục hồi, và các chứng cứ cũng tương tự như vậy. Một số cho rằng bản thân sự tồn tại của nó là một minh chứng và rằng không có nhiều người từng trải qua các triệu chứng này phủ nhận tính thực tế của vấn đề. Những người khác phủ nhận khái niệm và tranh cãi rằng những triệu chứng được tạo ra bởi những cá nhân báo cáo về chúng, hoặc thậm chí được gieo vào ý thức của họ bởi những nhà trị liệu quá hăng hái. Hai lí thuyết chính về DID cho rằng nó vừa là kết quả của một sang chấn thời thơ ấu hoặc là một hệ thống cấu trúc mang tính xã hội, được tạo bởi cá nhân bị tổn thương và được các nhà trị liệu đẽo gọt.
Sang chấn thời thơ ấu
Những người đưa ra mô hình sang chấn thời thơ ấu (Gleaves, 1996) cho rằng kinh nghiệm về một sang chấn nghiêm trọng trong thời kì thơ ấu tạo ra sự phân tách tâm thần hoặc sự phân li như một phần của cơ chế phòng vệ. Những đứa trẻ bị lạm dụng học cách phân li, để nhập vào một trạng thái tự thôi miên, thay thế những kí ức về việc bị lạm dụng trong tiềm thức như một phương tiện để đương đầu với sang chấn. Những phần bị phân li của cá nhân “phân chia” vào những nhân cách thay thế. Những nhân cách này, khi trưởng thành, bộc lộ bản thân họ nhằm giúp cá nhân đương đầu với những tình huống gây stress và thể hiện sự oán giận hoặc những cảm xúc khác mà đối với nhân cách ban đầu là không thể chấp nhận được.
Số người thay thế phụ thuộc vào một số yếu tố như: tính nghiêm trọng và thời kì xảy ra lạm dụng. Mỗi người thay thế có một công việc trong hệ thống. Hầu hết những người thay thế bảo vệ nhân cách chủ khỏi kí ức về sang chấn. Thường mỗi người thay thế bảo vệ một phần kí ức riêng biệt. Một số người thay thế biết về những thay thế khác còn một số thì không.
Hầu hết cả người thay thế không nhìn bản thân họ trong thân xác sinh học mà họ đang có: trẻ em nhìn thấy mình cao 4 feet (khoảng 1,2 m), cô gái thấy mình là phụ nữ v.v... Họ có thể có quốc tịch và chủng tộc khác nhau. Một số có thể nói ngôn ngữ khác nhau. Những người thay thế có những biểu hiện gương mặt và phong thái khác nhau. Có rất nhiều dạng người thay thế khác nhau và các hệ thống khác nhau. Tuy nhiên có một số dạng người thay thế phổ biến. Sau đây là lời mô tả của một cá nhân về những người thay thế sống ở trong bạn đời của cá nhân đó, một người có DID.
Chủ: người này có thể là nhân cách nguyên bản, hoặc có thể là nhân cách thay thế bộc lộ chủ yếu ra với thế giới bên ngoài.
Nguyên bản: người này có thể hoạt động bình thường và tỉnh hoặc được báo là đang ngủ. Người này đôi khi được xem như là nhân cách cốt lõi.
Trẻ em: đứa trẻ thay thế (hoặc “nhỏ bé” như họ vẫn trìu mến được gọi) có thể từ độ tuổi rất bé (tuổi còn được ẵm) trở lên. Đây là người chịu đựng nhiều từ chuyện lạm dụng và thường nhớ nhiều về sự kiện đó. Họ thể hiện những hành động phù hợp với lứa tuổi. Họ thường mang những nỗi đau, cả về mặt tình cảm cũng như thể chất.
Thiếu niên: Hầu hết các hệ thống đều có người thay thế thiếu niên. Những người thay thế này thường đã từng đến trường và khi này không đi học nữa.
Người gác cổng: Một số hệ thống có người gác cổng, đây là người người chỉ huy và kiểm soát cơ thể. Họ có thể điều khiển khoảng thời gian một người thay thế chiếm giữ cơ thể. Họ thường không tự thể hiện bản thân ra ngoài, nhưng dường như họ có vẻ hạnh phúc khi quan sát và chỉ dẫn cho những người khác.
Người trợ giúp bản thân bên trong: Những người giúp đỡ bản thân bên trong bảo vệ những người thay thế. Họ thường biết tất cả những người thay thế và chi tiết về sự lạm dụng mà những người thay thế đã trải qua. Họ rất có ích trong trị liệu, và giúp nhà trị liệu hiểu tại sao một người thay thế cá biệt nào đó cảm nhận như vậy, hoặc quyết định những hành động của một người thay thế cá biệt. Họ cũng quyết định thông tin nào cần được chuyển đến những người thay thế nào hoặc đến với chủ nhà.
Người bảo vệ: những người bảo vệ bảo vệ hệ thống khỏi những đe doạ bên ngoài. Họ có thể ăn nói khó chịu, chiến đấu hoặc làm tất cả những gì cần thiết để giữ an toàn cho hệ thống. Họ thường sử dụng sự tức giận như một cơ chế phòng vệ. Họ đặc biệt bảo vệ người thay thế trẻ em.
Sự thay đổi giữa những người thay thế này là do một dạng stress hoặc cảm giác khó chịu. Những cảm giác này khiến cho một người thay thế, thường là người bảo vệ nổi lên. Stress đó có thể là những bình luận của người khác, việc nhìn thấy người lạm dụng, một cái động chạm bất ngờ, cuộc tranh cãi và giận dữ - thậm chí quan hệ tình dục. Sel (1997) cho rằng những cá nhân có hệ thống sinh thái của những người thay thế thường xuyên tranh đấu với nhau nhằm đoạt quyền kiểm soát những kênh ra bên ngoài. Người thay thế thành công nhất trong việc duy trì cân bằng cảm xúc là người có vẻ thích nghi nhất. Khi cá nhân chuyển tới một môi trường khác, sơ đồ nhận thức khác có thể thích nghi hơn và sẽ thay đổi người thay thế chủ đạo.
Mô hình nhận thức - xã hội
Ngược lại, những nhà nhận thức - xã hội (Merskey, 1992; Spanos, 1994) cho rằng DID là một tập hợp những niềm tin và hành vi xây dựng bởi bản thân cá nhân đáp lại một stress, áp lực của nhà trị liệu và việc hợp pháp hoá của xã hội về cấu trúc “đa nhân cách”.
Họ cho rằng DID đã trở thành một cách hợp pháp để nhiều người có thể hiểu và thể hiện sự thất bại cũng như hẫng hụt của họ, cũng như là một sách lược nhằm lôi kéo người khác. Theo miêu tả này, những cá nhân được chẩn đoán là có DID học cách miêu tả/khắc hoạ chính mình như có nhiều “cái tôi” và học cách tổ chức lại, dựng nên tiểu sử của chính mình để nó phù hợp với những gì họ hiểu là “đa nhân cách” . Điều đó nghĩa là họ chủ động dựng nên nhiều “cái tôi” đã dạng. Họ còn lí luận xa hơn rằng những nhà tâm lí trị liệu đã góp phần vào sự phát triển của rối nhiễu này bằng cách khuyến khích thân chủ xây dựng bản thân học theo cách này và bằng cách cung cấp những lí lẽ chính thống về những bản thể khác biệt mà thân chủ họ đóng vai.
Có lẽ bài viết của Spanos (1994) đã đề cập rất tốt đến hai cực của cuộc tranh luận này. Trong bài viết, ông ta đưa ra những phê bình nhận thức-xã hội về rối loạn, và sự phòng vệ của mô hình tâm thần học được đưa ra bởi Gleaves (1996). Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét cuộc tranh luận của họ qua một số chi tiết.
Vấn đề về tính phổ biến
Mức độ phổ biến của DID đã thay đổi qua thời gian, tăng lên nhiều từ thập kỉ 1980. Spanos (1994) lí luận rằng nếu DID là một tình trạng xuất hiện tự nhiên, mức độ thay đổi là không thể có và nó thể hiện một sự gia tăng về sự xây dựng xã hội đối với rối loạn DID bởi nhà trị liệu và thân chủ. Spanos còn lưu ý tiếp rằng những nhà nghiên cứu thông cảm với DID đưa ra tỉ lệ chẩn đoán là đặc biệt cao. Theo kết quả khảo sát của Modestin (1992) đối với với các nhà tâm thần học Thuỵ Sĩ thì có khoảng 1% những trường hợp đến khám trong hệ thống tâm thần của họ đã được chẩn đoán là có DID. Ông ta cũng tìm thấy rằng 90% các nhà tâm thần học trong khảo sát của ông chưa từng gặp một ca DID nào trong khi có ba người thông báo rằng họ từng gặp trên 20 ca có rối loạn đó. Như vậy có 66% các ca được báo cáo bởi ít hơn 0,1% những nhà tâm thần học trong khảo sát. Modestin cho rằng những nhà lâm sàng đó hoặc có thể đã định dạng sai các triệu chứng như là bằng chứng của DID hoặc khuyến khích các thân chủ của họ xây dựng những biểu hiện đa dạng của rối loạn đó.
Gleaves đáp lại lí lẽ này bằng ý kiến cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên nếu có những sự khác biệt giữa tỉ lệ quan sát ở các nhà lâm sàng khác nhau. Theo như Gleaves, đây có thể là kết quả do sự khác biệt về tỉ lệ chuyển viện; sự không sẵn sàng đưa ra một chẩn đoán về DID ở các nhà lâm sàng và một sự miễn cưỡng không hỏi những câu hỏi có thể dẫn đến chẩn đoán DID ở các nhà lâm sàng đó. Ông ta cũng giả định rằng sự tăng những báo cáo về DID có thể do DID là một phân loại chẩn đoán tương đối mới và vì vậy, trước đây có nhiều chẩn đoán sai về DID. Ngoài ra, việc tăng số ca DID còn do xã hội ngày càng nhận thức nhiều về tính phổ biến của DID, vấn đề lạm dụng trẻ em và càng quan tâm với trạng thái phân li. Cuối cùng, ông ta cho rằng yếu tố then chốt có thể đơn giản là xu hướng bớt hoài nghi về rối loạn DID ở các nhà trị liệu. Ông trích dẫn một số ca nghiên cứu liên quan đến nhiều nhà lâm sàng và bệnh nhân (Ross và cs. 1989), mà trong đó chẩn đoán DID còn xuất hiện đều hơn ở các nhà tâm thần học so với nghiên cứu của Modestin (1992). Ông cũng lưu ý rằng hiện nay có một vài phương pháp để đánh giá DID với độ tin cậy cao và đồng thuận lớn giữa những người kiểm tra (Steinberg và cs.1993). Độ chắc chắn của việc chẩn đoán sử dụng những công cụ được chuẩn hoá cho thấy chẩn đoán có thể tin cậy, không bị chi phối bởi niềm tin định kiến của nhà trị liệu.
Sự đa dạng được dạy
Phản bác chủ yếu nhất của Spanos đối với những nhà lâm sàng chẩn đoán DID là việc cho rằng họ đã dẫn thân chủ của họ một cách công khai hoặc ngầm ẩn đến chỗ báo cáo về sự hiện diện/tồn tại những người thay thế. Ông lưu ý rằng những người ủng hộ thuyết DID đã mô tả một bộ phận lớn các triệu chứng. Những triệu chứng này chỉ báo khả năng tồn tại của rối loạn và đánh giá thăm dò để khẳng định chẩn đoán. Triệu chứng bao gồm: trầm cảm, giai đoạn nhầm lẫn về thời gian, đau đầu và khả năng tập trung suy giảm. Merskey (1992) đưa ra ý kiến rằng quá trình dẫn dắt và ám thị thường xuyên được sử dụng, đến mức một số nhà trị liệu có tuyên bố mạnh mẽ làm thân chủ ngờ rằng họ đa nhân cách và cung cấp những cái tên cho các người thay thế của họ. Allison và Schawarz (1980) cho rằng thân chủ thường xuyên miễn cưỡng chấp nhận rằng họ là đa nhân cách và, trong một số hoàn cảnh, họ đã bị chủ động thuyết phục bởi nhà trị liệu.
Việc xuất hiện những người thay thế thường xảy ra trong quá trình tư vấn tâm lí sau khi sử dụng kĩ thuật thôi miên. Spanos (1994) cho rằng việc sử dụng những kĩ thuật thuyết phục hoặc ám thị khi đang trong trạng thái thôi miên có thể khiến một số cá nhân báo cáo về những người thay thế và sau đó cử xử như họ “đa nhân cách” . Vai trò của thôi miên trong việc tạo ra những người thay thế bị Gleaves nghi ngờ (1996). Ông lưu ý rằng tỉ lệ những bệnh nhân được chẩn đoán là DID sau khi thôi miên dao động trong khoảng từ 4 đến 27% qua các nghiên cứu. Ví dụ như Ross và Norton (1989) tìm thấy rằng không có sự khác biệt về biểu hiện lâm sàng, triệu chứng học hoặc số những người thay thế, giữa những người được và không được điều trị bằng thôi miên.
Rất khó tìm thấy bằng chứng về ám thị trong quá trình lâm sàng vì nội dung của chúng thường được giữ kín. Tuy nhiên, Spanos đã được đọc biên bản phỏng vấn phỏng vấn một nghi phạm giết người tên là Ken Bianchi, được Schwarz cho là mắc chứng DID (1981). Bianchi đã thú nhận tội giết người sự kiểm soát của nhân cách thay thế tên là Steve. Spanos cho rằng sự chỉ dẫn được chuyển đến cho Bianchi khiến anh ta nói rằng mình có một người thay thế khi họ cứ liên tục nhắc lại với anh ta rằng có một cá nhân khác bên trong và anh ta có thể chỉ ra người đó. Khi Spanos và cộng sự (1985) áp dụng quá trình này với những người tham gia vô tội dưới tác động của thôi miên trong một nghiên cứu thực nghiệm, hầu hết các người tham gia đều thể hiện những triệu chứng của DID bằng cách thừa nhận một tên khác, nhắc đến nhân cách nguyên thuỷ của họ qua ngôi thứ ba và có biểu hiện mất trí nhớ ở những nhân cách thay thế sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn thôi miên. Trong buổi làm việc thứ hai, những người tham gia vẫn tiếp tục biểu hiện sự khác biệt đáng kể và nhất quán giữa nhân cách ban đầu và nhân cách thứ hai trong nhiều trắc nghiệm tâm lí.
Gleaves (1996) đã đáp lại những phát hiện trên bằng cách lập luận rằng trong khi những phát hiện này đem đến những câu hỏi thú vị về khả năng và hoạt động của trí não con người, chúng không chỉ ra rằng DID nhất thiết được tạo ra trong quá trình trị liệu. Theo như Gleaves, những nghiên cứu tương đương này tạo ra hiện tượng bên ngoài có vẻ giống với DID. Những người tham gia không trải nghiệm một đặc điểm đã xác minh nào của DID, ví dụ như giai đoạn thời gian bị đánh mất, tan rã nhân cách hoặc mất tính thực tế hoặc nghe thấy tiếng nói, trong bất cứ nghiên cứu nào trên đây. Theo như Gleaves, việc chỉ một số người có thể tái tạo một số triệu chứng của DID không làm mất giá trị của khái niệm: một người có thể tái tạo triệu chứng trầm cảm, lo âu hoặc nhiều hơn nữa mà không trải qua thực tế của bệnh.
Những nghiên cứu về bệnh lí DID xuất hiện trước khi có những sự tiếp xúc với các nhà trị liệu được xem như là những bằng chứng phản biện sâu sắc về vai trò của nhà trị liệu trong sự phát triển một chẩn đoán DID. Ví dụ như Coons và cs. (1988) thông báo rằng chứng mất trí nhớ (một triệu chứng chính của DID) xuất hiện trong tất cả 50 trường hợp trong mẫu nghiên cứu của họ về DID trong thời điểm họ mới đến khám sức khoẻ tâm thần lần đầu. Gleaves (1996) cũng đưa ra bằng chứng về các triệu chứng khác, bao gồm: nhật kí với những chữ viết khác nhau hoặc những kí ức về kinh nghiệm phân li quay lại thời thơ ấu. Một số bằng chứng có thể được kiểm chứng bởi các thành viên gia đình và bạn bè.
Động cơ, sự hợp pháp hoá và DID
Panos (1994) cho rằng con người có thể tìm kiếm, lợi dụng chẩn đoán DID như một phương tiện để đạt được sự ủng hộ của nhà trị liệu và những người khác. Ông cho rằng ý tưởng là người đa nhân cách có thể đem lại cho một số người cách thức để tồn tại và giữ được thể diện trước một số vấn đề cá nhân cũng như là một phương tiện gây xúc động để thu hút sự quan tâm và chú ý từ những cá nhân có ý nghĩa với họ. Spanos cho rằng những người như vậy thường là những người đau khổ, không an toàn với một nỗ lực nhằm tìm kiếm sự quan tâm và ủng hộ của nhà trị liệu. Ngược lại, nhà trị liệu được đánh giá cao bởi thân chủ và sự ám thị của họ cũng được đánh giá rất nghiêm túc. Sự gặp gỡ giữa việc “tìm kiếm” những dấu hiệu của DID của nhà trị liệu và mong muốn tạo ấn tượng tốt với nhà trị liệu của thân chủ có thể gây ra quá trình hình thành dần dần những phản ứng phù với với DID. Spanos (1994) không cho rằng những người có DID nhất thiết giả tạo sự đa nhân cách của họ. Đúng hơn là họ đã chấp nhận cách nhìn khác về bản thân họ, cách nhìn phù hợp với cách nhìn được nhà trị liệu truyền đến họ, và từ đó họ áp dụng cũng như tin vào biểu hiện đa nhân cách ở chính mình.
Môi trường xã hội rộng lớn hơn có thể ủng hộ chẩn đoán của họ. Spanos (1994) cho rằng sự ủng hộ với DID đã gần như trở thành phong trào xã hội. Những người có DID và nhà trị liệu của họ thường xuyên tham gia vào các hội thảo, hội nghị và cả hai đều gây ảnh hưởng. Nhà trị liệu thường xuyên tham gia vào phương tiện truyền thông và giúp chính thống hoá việc ban hành đạo luật về đa nhân cách. Tất cả những điều này có thể củng cố sự hiện diện của “cái tôi” như một người với nhiều nhân cách thay thế. Gleaves (1996) cho rằng đấy không hoàn toàn là sự thật, và trị liệu không phải lúc nào cũng dễ dàng với những bệnh nhân DID. Nhiều người với các triệu chứng của DID trải nghiệm những phản ứng thù địch từ môi trường công việc và cộng đồng. Nhiều người được nói rằng họ đang giả tạo hoặc dối trá hoặc nhà trị liệu của họ là điên rồ.
Gleaves (1996) lưu ý rằng một số người ủng hộ cho rằng một số người có DID đang tìm kiếm sự quan tâm. Ngược lại, ông ta chỉ ra rằng rằng rất nhiều người thực ra giữ kín về bệnh của họ và che dấu rối loạn do sợ hãi bị gán mác là điên và thường hay có phong thái né tránh, làm cản trợ sự bộc lộ về việc bị lạm dụng của họ (Kluft, 1994). Suy đoán này được Fink và Golinkoff (1990) ủng hộ. Hai ông đã phát hiện bằng chứng cho thấy những người có DID ít có hành vi diễn kịch và họ ổn định về mặt cảm xúc và thường thông minh, họ cũng có xu hướng ám ảnh và hướng nội hơn một nhóm so sánh gồm những người không có rối loạn DID. Tuy nhiên, trong khi điều này ám chỉ rằng một số người muốn xuất hiện trước cộng đồng chung với góc độ là người có DID, song không có nghĩa là nó không chống lại lí lẽ cho rằng biểu hiện của đa nhân cách phát triển theo thời gian như một kết quả của tương tác nhà trị liệu - thân chủ.
DID và lạm dụng trẻ em
Tỉ lệ cao những người có DID bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất trong thời thơ ấu (Ross và cộng sự, 1991) đã khiến một số nhà lí luận đưa ra giả thuyết rằng phân li là hậu quả của vịêc lạm dụng tình dục lặp lại như là một đặc tính của DID. Trả lời về vấn đề này, Spanos (1994) cho rằng tỉ lệ cao rõ ràng về mối liên quan giữa lạm dụng tình dục trẻ em và hiện tượng DID có thể vừa giả mạo và vừa là kết quả của niềm tin của nhà trị liệu và thân chủ về bản chất của hiện tượng. Ông đưa ra một số ý kiến sau:
Lạm dụng tình dục trẻ em tương đối phổ biến ở Hoa Kỳ và có tỉ lệ đặc biệt cao trong số những người bị lạm dụng tình dục tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tâm thần. Vì vậy, tỉ lệ cao những người phát triển DID có thể là chỉ dẫn tỉ lệ có quá khứ bị lạm dung cao hơn là chỉ dẫn nguy cơ đối với DID.
Bởi vì một số nhà lâm sàng coi quá khứ bị lạm dụng tình dục là một dấu hiệu dương tính của DID, họ có thể thường đưa các bệnh nhân từng bị lạm dụng vào phỏng vấn thôi miên và những quá trình khác gây ra sự “đa nhân cách”.
Một số bệnh nhân có DID không nhớ từng bị lạm dụng cho đến khi tính đa nhân cách của họ được khám phá trong quá trình trị liệu. Bất cứ trí nhớ được khôi phục nào cũng cần được xử lí cẩn trọng.
Những nhà trị liệu có thể không tin những bệnh nhân DID cho rằng chưa từng bị lạm dụng và có thể thường xuyên thăm do với nỗ lực khám phá ra những kí ức tương tự. Khi bệnh nhân tin rằng họ có thể đã mơ màng, tính không chắc chắn của họ có thể thể hiện đối với họ như một bằng chứng là họ không sẵn lòng đối diện với sự thật về chuyện bị lạm dụng (Bliss, 1986).
Nhiều bệnh nhân có DID từng báo cáo không chỉ chuyện lạm dụng tình dục mà cho việc lạm dụng là nghi thức kéo dài. Những câu chuyện như vậy thường được xác định dựa trên một chuỗi các câu hỏi dẫn dắt trong trạng thái ám thị thôi miên, và không trường hợp nào đã được chứng minh.
Một số dữ liệu liên quan đến lạm dụng không tương thích với những dữ liệu mà trí nhớ gợi lại và mẫu hình điển hình của lạm dụng. Ross và cs. (1991) đã báo cáo tuổi ở lần lạm dụng sớm nhất ở nhóm bệnh nhân của họ. Một phần tư các báo cáo về việc từng bị lạm dụng là trước 3 tuổi và 10% là trước 1 tuổi. Những độ tuổi này là sớm hơn rất nhiều so với những ca lạm dụng đặc trưng (xem chương 10) và sớm hơn sự hình thành cơ sở thần kinh lưu giữ trí nhớ dài hạn.
Trong lần biện luận gần nhất về khái niệm DID, Gleaves và cs. (2001) coi rằng nó đạt được những tiêu chuẩn phân loại cho một chẩn đoán có giá trị và ý nghĩa, có thể còn hơn nhiều tiêu chẩn loạn thần được nhiều người chấp nhận. Quá trình chẩn đoán, bao gồm phỏng vấn và những bộ câu hỏi trắc nghiệm tâm lí có hiệu lực, có thể phát hiện ra rối loạn và phân biệt nó với các rối loạn khác một cách đáng tin cậy. Hầu hết những người có rối loạn từng trải nghiệm những triệu chứng phân li cơ bản (lẫn lỗn về bản thể, thay đổi bản thể, mất trí nhớ, tan rã nhân cách và phi thực tế), không giống với một số rối loạn khác như tâm thần phân liệt. Cuối cùng, nhãn mác chẩn đoán có lợi ích trông thấy: nó có thể dự đoán những loại vấn đề một cá nhân gặp phải trong tương lai. Những yếu tố mà họ đưa ra kết hợp với những luận điểm của họ nhằm phản bác mô hình nhận thức - xã hội, đã cung cấp những chứng cứ về có giá trị của rối loạn như một đại diện thực của những kinh nghiệm của cá nhân.
Cũng như kí ức được phục hồi, rất khó để phủ nhận sự tồn tại của hiện tượng DID. Cũng có thể nhìn nhận cách thức mà trong ít nhất một số hoàn cảnh, hành vi liên quan đến DID có thể nảy sinh trong quá trình trị liệu. Vì vậy, có thể DID nên được chấp nhận một cách thận trọng như với kí ức phục hồi. Có lẽ lời cuối cùng sẽ thuộc về một nhà trị liệu hoài nghi và cẩn trọng, người đã nói với tôi rằng:
Tôi tin. Một khi bạn đã nhìn thấy ai như vậy, thật khó để thấy làm thế nào họ xây dựng nên nó. Khi họ thay đổi từ nhân cách này sang nhân cách khác, sự khác biệt trong lời nói, phong thái và những điều họ kể với bạn... thật khác biệt và nhanh chóng - và rất nhất quán theo thời gian. Thật khó để nghĩ rằng nó được dựng nên bởi một cá nhân.
Trị liệu rối loạn xác định phân li
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả Spanos (1994) và Gleaves (1996) bất đồng với nhau về cách điều trị DID. Spanos cho rằng mục đích của trị liệu là giúp thân chủ chấp nhận rằng những bản thể thay thế của họ là những nhân cách thật hơn là những ảo tưởng do bản thân tạo ra. Gleaves cho điều ngược lại mới là đúng. Ông lí luận rằng mục đích trung tâm của trị liệu nên là giúp đỡ những cá nhân hiểu rằng những nhân cách thay thế trong thực tế là do tự tạo ra và không thuyết phục người bệnh rằng đó là những người thật. Ông ta cho rằng nhà trị liệu làm việc với những người có DID cần nhấn mạnh bản chất nền tảng của rối loạn là khó khăn trong việc hoà nhập những khía cạnh đa dạng của nhân cách chứ không phải sự dồi dào về nhân cách (Fraser, 1992).
Thậm chí trong số những nhà trị liệu chấp nhận thực tiễn về đa nhân cách, mục đích trị liệu cũng rất khác nhau. Một số (Spiegel, 1993) đưa ra ý kiến rằng mục đích của trị liệu là thúc đẩy cá nhân hoà nhập. Mục đích này có thể đạt được bởi:
Gợi lại những kí ức bị kiềm nén.
Hoá giải tổn thương những kí ức đó để việc tái hiện không làm những bản thể khác quay lại.
Tích hợp những bản thế thay thế và nhân cách nguyên thuỷ.
Kĩ thuật như điều trị tâm lí động thái và thôi miên đã được sử dụng để giúp khôi phục kí ức về quá khứ (Kluft, 1999). Những cách tiếp cận này đã được sử dụng thận trọng bởi vì cá nhân có thể trở lại với một nhân cách thay thế khác khi đối mặt với kí ức sang chấn. Thêm vào đó, một số nhân cách thay thế có thể đóng vai trò “bảo vệ” và cố gắng để bảo vệ nhân cách nguyên thuỷ khỏi việc chịu đựng những nỗi đau khi gợi lại kinh nghiệm gây sang chấn bằng cách như trở nên hung dữ và tự huỷ hoại (xem Kelli 1993).
Một khi kí ức đã được gợi lại hay được phục hồi nó có thể được hoá giải tổn thương bằng cách sử dụng những kĩ thuật đối mặt tương tự với những kĩ thuật sử dụng trong trị liệu PTSD. Do phản ứng của một người với DID là né tránh tái hiện kí ức, nên kĩ thuật đối mặt là khá khó khăn và bản chất tổn thương của kí ức có thể được hạn chế vào bất cứ lúc nào. Những người biện hộ cho EMDR cho rằng nó có thể tạo ra một dạng can thiệp hữu dụng khi được sử dụng kết hợp với kĩ thuật thư giãn vì kĩ thuật này được cho là giúp con người gợi lại kí ức của họ mà không kèm những hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ (nhưng hãy xem kết quả báo trước trong mối quan hệ với PTSD).
Đối với hầu hết các nhà trị liệu, mục tiêu hàng đầu của trị liệu là hoà hợp những nhân cách thay thế khác nhau vào một nhân cách cố kết, một quá trình được gọi là hợp nhất. Trong giai đoạn này, một người nhận thức về tất cả hành vi và suy nghĩ của họ và chấp nhận chúng là thuộc về chính họ. Oke và Kanigsberg (1991) sử dụng kết hợp trò chơi và hình tượng có dẫn dắt, huấn luyện kĩ năng sống, kĩ thuật phóng chiếu và trị liệu nhóm để đem đến nhận thức và thông hiểu về những cái tôi khác và qua quá trình này dần dần, sự kết dính giữa các bản thể thay thế đã được hình thành. Rất tiếc là hiệu quả của quá trình này và những dạng can thiệp tương tự chỉ giới hạn ở mô tả can thiệp mà không có số liệu hoặc thông báo ca ( một số nhà trị liệu thích thông báo những thất bại của họ một cách rộng rãi còn hầu hết các tạp chí lại không thích đăng những “thất bại” ). Do vậy hiệu quả của nó vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ.
Một điểm cần đặc biệt lưu ý, xuất phát từ chính những người có DID. Nhiều tiểu nhân cách chống lại sự hợp nhất theo mục đích điều trị vì họ nhìn nhận việc hợp nhất như là một kiểu chết (Spiegel, 1999). ủng hộ cho lập trường này, Rossel (1998) cho rằng trong một thế giới hậu hiện đại không thống nhất, có rất ít lợi ích trong nỗ lực đạt được hợp nhất. Thực tế, cá nhân nên cởi mở với những kinh nghiệm thay đổi các nhân cách và nên nhìn nhận những kinh nghiệm này như là tích cực và thoải mái chứ không phải huỷ hoại và tiêu cực.
Bài viết cùng chuyên mục
Nguyên nhân và trị liệu hành vi tự sát
Tự sát không phải là một rối loạn cảm xúc. Nó không chỉ liên quan duy nhất đến trầm cảm. Song, đây là một vấn đề nghiêm trọng và liên quan rõ rệt đến trầm cảm hơn bất cứ rối loạn sức khỏe tâm thần nào được nhắc đến trong phần này.
Rối loạn thần kinh tâm lý dị thường
Trong chấn thương sọ não, các quá trình nhận thức cũng có thể bị tổn thiệt đáng kể, tuy nhiên sau đó nó có thể được hồi phục một phần
Trị liệu tâm thần phân liệt
Trị liệu sốc điện (ECT) là cho dòng điện phóng qua não trong một khoảng thời gian ngắn nhằm mục đích nhằm gây ra các cơn co giật kiểu động kinh, giúp cải thiện trạng thái tâm thần.
Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt của DSM
Chỉ cần 1 trong các triệu chứng đó khi có hoang tưởng kỳ quái hoặc ảo thanh bình phẩm hành vi hay ý nghĩ của cá nhân hoặc ảo thanh là 2 hay nhiều giọng nói trò chuyện với nhau.
Mô hình gia đình các rối loạn sức khoẻ tâm thần
Dựa trên lí thuyết hệ thống mà người ta đã xây dựng những mô hình gia đình về rối loạn sức khỏe tâm thần và cách trị liệu của các rối loạn đó. Lí thuyết này xem gia đình hoặc những nhóm xã hội khác như là một hệ thống những cá nhân có liên quan với nhau.
Khó học với hành vi dị thường
Tiêu chuẩn đầu tiên để chẩn đoán rối loạn khả năng học là khởi phát trước tuổi 18, ngoại trừ những rối loạn cảm xúc do chấn thương hoặc những bệnh thần kinh khởi phát muộn.
Chán ăn và cuồng ăn tâm lí hành vi dị thường
Chán ăn tâm lí bao gồm những thái độ, ý định làm cho bản thân càng gầy càng tốt. Thực vậy, nói một cách ngắn gọn lại về chán ăn là sự giảm cân một cách đáng kể.
Bằng chứng và phục hồi trí nhớ
Trong cuộc tranh luận về tính chân thực của trí nhớ khôi phục, mỗi bên đều đưa ra bằng chứng để khẳng định ý kiến của mình đồng thời để nghi ngờ những ý kiến đối lập.
Co thắt âm đạo hành vi bất thường
Một trong những cách giải lo âu liên quan đến hành vi tình dục là bằng kĩ thuật tập trung vào cảm giác, với mức độ tiến dần từ từ đến động chạm vào bộ phận sinh dục.
Những quan điểm hiện đại về tính dị thường
Mô hình không tưởng cho rằng chỉ có những người nào đạt được mức độ tối đa so với khả năng của mình trong cuộc sống thì họ mới không có những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Các rối loạn nhân cách hành vi dị thường
Mức độ phân bố trong dân cư của những rối loạn khác nhau như sau: 0,4% dân số đối với rối loạn nhân cách paranoid và ái kỉ, 4,6% đối với rối loạn nhân cách ranh giới (Davidson 2000).
Dự phòng những vấn đề sức khoẻ tâm thần
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (1996), tăng cường sức khoẻ bao gồm rất nhiều sự can thiệp đa dạng phức tạp ở những mức độ khác nhau không chỉ nhằm mục đích ngăn chặn bệnh tật mà còn khuyến khích, thúc đẩy sức khoẻ tích cực.
Sử dụng heroin tâm lý dị thường
Các opiate là một nhóm các loại chất gây nghiện chiết xuất từ cây thuốc phiện. Những chiết xuất chủ yếu, theo thứ tự về khả năng gây nghiện là thuốc phiện, moocphin và heroin.
Chấn thương sọ não tâm lý dị thường
Chấn thương sọ não kín xuất hiện khi đầu bị va chạm mạnh nhưng không có tổn thương hộp sọ hoặc vết thương não đặc biệt. Dạng chấn thương như vậy thường gây ra sự chấn động toàn bộ não trong hộp sọ và tổn thương lan toả.
Những vấn đề chẩn đoán hành vi dị thường
Gốc rễ của tiếp cận này nằm trong các nghiên cứu của Kraepelin ở vào cuối thế kỉ 19. Ông đã mô tả một loạt các hội chứng, mỗi hội chứng lại có một phức bộ các triệu chứng.
Xơ vữa rải rác tâm lý dị thường
Tiến trình MS rất khác nhau ở các cá nhân. ít có trường hợp khởi phát trước 15 tuổi; 20% số trường hợp bị MS có dạng khởi đầu giống như một bệnh trong đó các triệu chứng hầu như không tiến triển sau khi xuất hiện.
Trị liệu tâm lí hoặc trị liệu dược lí hành vi dị thường
Tất cả các mô hình đã được bàn luận đều dựa trên quan niệm cho rằng nguyên nhân của các rối loạn tâm thần nằm trong cá nhân, đó có thể là do di truyền, hoá sinh hoặc tâm lí.
Loạn dục với trẻ em
Những hành vi loạn dục với trẻ em cũng rất khác nhau. Một số người chỉ nhìn mà không đụng chạm vào trẻ. Một số khác lại thích động chạm hoặc cởi quần áo của chúng.
Lạm dụng rượu tâm lý dị thường
Rượu là một chất gây nghiện hợp pháp. Uống đến mức độ vừa phải, một vài loại rượu như rượu vang đỏ, có thể có lợi cho sức khỏe. Nhưng việc sử dụng rượu quá mức lại là có hại.
Rối loạn lo âu lan toả hành vi dị thường
DSM-IV-TR (APA 2000) định nghĩa rối loạn lo âu lan toả (GAD - Generalized anxiety disorder) là sự lo âu hay phiền muộn quá mức và kéo dài liên tục, xuất hiện ngày càng nhiều trong một khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng.
Rối loạn chức năng tình dục
Chưa có nhiều những đánh giá về can thiệp nhận thức trong trị liệu rối loạn cương cứng, mặc dù Goldman và Carroll cũng đã thông báo kết quả của một số xemina.
Đánh bạc bệnh lí tâm lý dị thường
Một trong những yếu tố được xem như có liên quan tới đánh bạc là cái “thú” của thắng bạc hoặc gần thắng bạc, nó cũng tương đương với việc đạt được cái thú đó trong nghiện ma túy.
Bản chất của tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một trong những chẩn đoán tâm thần gây nhiều tranh cãi nhất. Trải qua các thời kỳ, người ta vẫn còn tranh luận rằng liệu có thật sự tồn tại một trạng thái tâm thần phân liệt, nó là do di truyền hay do môi trường.
Những yếu tố trong phạm vi trị liệu hành vi bất thường
Việc tự bạch diễn ra khi nhà trị liệu kể cho thân chủ những câu chuyện tương ứng với tình huống của thân chủ, như những trải nghiệm tương tự, ý nghĩ, cảm xúc và phản ứng của cá nhân.
Rối loạn stress sau sang chấn
Nó có thể bao gồm những trải nghiệm chiến tranh, bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất thời thơ ấu, cưỡng dâm, thiên tai hoặc những thảm họa do công nghệ.