Chán ăn và cuồng ăn tâm lí hành vi dị thường

2013-08-07 07:03 PM

Chán ăn tâm lí bao gồm những thái độ, ý định làm cho bản thân càng gầy càng tốt. Thực vậy, nói một cách ngắn gọn lại về chán ăn là sự giảm cân một cách đáng kể.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Chán ăn

Được đề cập đến lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19, chán ăn tâm lí bao gồm những thái độ, ý định làm cho bản thân càng gầy càng tốt. Thực vậy, nói một cách ngắn gọn lại về chán ăn là sự giảm cân một cách đáng kể. Theo DSM-IV-TR, tiêu chuẩn để chẩn đoán chứng chán ăn là trọng lượng cơ thể nhẹ hơn 15% so với cân nặng tiêu chuẩn của cùng độ tuổi và chiều cao. Nhìn chung có 2 cách giảm cân và kiểm soát nó.  Cách thứ nhất, cách cổ điển: tự ép mình ăn đói và kiểu 2 là cứ ăn uống no say rồi sau đó cho nôn ra hoặc dùng thuốc tẩy. Chứng chán ăn được bàn đến trong chương này chủ yếu theo  kiểu 1 trong số 2 kiểu trên.

Tiêu chuẩn chẩn đoán chán ăn theo DSM-IV-TR là:

Từ chối việc giữ cho trọng lượng ở trên mức tối thiểu của cân nặng bình thường với cùng độ tuổi và chiều cao.

Sợ hãi cực độ đối với việc tăng cân mặc dù đang thiếu cân.

Rối loạn nhận thức về cơ thể, bị ảnh hưởng quá mức (phi lí) bởi cân nặng và hình dáng bên ngoài lên tự đánh giá hoặc phủ nhận sự nghiêm trọng của xu hướng giảm cân.

Ngừng kinh nguyệt khi thực sự chán ăn.

Có 80%  - 90% số người chán ăn tâm lí là nữ, với lứa tuổi phổ biến là tuổi dậy thì từ 14-18 tuổi (Pike 1998). Rooney và cs. (1995) đánh giá chung có khoảng 0,02 % dân số và 0,1% số thanh nữ mắc chứng chán ăn tâm lí. Với hầu hết những người mắc chứng chán ăn, việc kiểm soát cân nặng là một vấn đề rất lâu dài. Loewe và cs. (2001) chỉ ra rằng 21 năm sau sự thừa nhận đầu tiên, chỉ hơn một nửa số phụ nữ được coi là chán ăn có thể "bình phục hoàn toàn", 21% số phụ nữ bình phục một phần và 10% vẫn bị chẩn đoán là có đầy đủ các dấu hiệu của chứng chán ăn. Một số cố tìm sự giúp đỡ hoặc bất kỳ hình thức trị liệu nào, và 16% đã chết vì các nguyên nhân liên quan tới chứng chán ăn.

Rất nhiều người mắc chứng chán ăn đã tiếp tục phát triển thành kiểu   thói quen ăn uống của chứng cuồng ăn tâm lí. Điều đó có nghĩa là duy trì cân nặng bình thường trong khi vẫn ăn uống bất thường và tìm cách nôn ra. Khác với rất nhiều rối loạn sức khoẻ tâm thần khác, chứng chán ăn phổ biến hơn với những phụ nữ thuộc tầng lớp kinh tế xã hội cao, và có những người còn giành được những học hàm, học vị cao. Những người mắc chứng chán ăn có khuynh hướng hạ thấp tính quyết đoán và tự đánh giá của bản thân, và có thái độ chống đối  cao với bản thân (Williams và cs.1993).

Do né tránh với việc ăn uống mà hầu hết những người chán ăn thường bận tâm nhiều đến các suy nghĩ về thức ăn. Họ có thể dùng hầu hết thời gian của họ để nghĩ về thức ăn, chuẩn bị thức ăn cho bản thân hoặc người khác, hoặc xem họ ăn. Họ có thể kể những giấc mơ về thức ăn, kinh nghiệm trải qua khi đói và kiềm chế những cơn thèm ăn. Các bài tập ở cường độ cao hoặc các hành động để làm tiêu hao calo rất thường có trong những chiến lược giảm cân. Hầu hết, nhưng không phải là tất cả, những người mắc chứng chán ăn đều có biểu tượng méo mó về hình thể, đề cao việc đánh giá sự cân đối của cơ thể, có suy nghĩ tiêu cực về vẻ bề ngoài của mình (Gupta và Johnson 2000). Các vấn đề tâm lí bao gồm trầm cảm nhẹ, có xu hướng rối loạn ám ảnh và lo âu thường có trong chứng chán ăn.

Việc kiểm soát và giảm cân kết hợp với chán ăn có thể mang tới một số hậu quả về sức khoẻ. Hậu quả tức thì là mất kinh. Một số vấn đề hiển nhiên là loãng xương, giảm huyết áp, da khô nứt nẻ, tóc khô và dễ gãy. Vấn đề về sức khoẻ có thể trở nên nghiêm trọng về mặt trao đổi chất và chuyển hoá, đe doạ đến tính mạng. Qua nghiên cứu, 0-21% người mắc chứng chán ăn chết cho thấy nguyên nhân chung là do đói và tự sát (Steinhausen và Glanville 1983).

Cuồng ăn

Theo DSM - IV - TR, tiêu chuẩn chẩn đoán chứng cuồng ăn gồm:

Thường xuyên có các pha ăn vô độ.

Thường xuyên có những hành vi bù trừ không hợp lí như nôn mửa sau khi ăn để ngăn chặn việc tăng cân.

Những hành vi bù trừ xuất hiện trung bình ít nhất 2 lần / tuần đều đặn trong 3 tháng.

Bị ảnh hưởng quá đáng bởi cân nặng và vẻ bề ngoài lên tự đánh giá bản thân.

Rất nhiều người mắc chứng cuồng ăn cảm thấy không hấp dẫn, sợ béo thêm, và nghĩ mình nặng hơn nhiều so với thực tế (McKenzie và cs. 1993). Những cố gắng của họ nhằm tránh tăng cân diễn ra lộn xộn hơn so với chứng chán ăn. Việc kiểm soát việc ăn uống thường xuyên bị gián đoạn bởi những buổi an uống vô độ. Điều này kéo theo một loạt những hành vi nhằm “sửa sai”. Số lượng thức ăn tiêu thụ trong những cuộc ăn uống như vậy có thể rất lớn, khoảng 5000 calo vào bất kỳ lúc nào. ăn không phải để thưởng thức, thực sự nó thường là một bí mật, nhanh chóng và không kịp cảm nhận mùi vị. Những dấu hiệu báo trước thường là sự căng thẳng về tâm lí và thể chất, và ăn như là để giảm bớt sự căng thẳng này. Trong khi ăn uống vô độ, các cá nhân cảm nhận được sự mất kiểm soát, sau đó thường xuất hiện mặc cảm tội lỗi, tự buộc tội và trầm cảm. Cân nặng của người mắc chứng cuồng ăn thường ở mức độ bình thường mặc dù chúng có thể dao động tuỳ thời điểm.

Khoảng 80-90% người mắc chứng cuồng ăn thường cho nôn ra sau khi ăn để cố gắng kiểm soát cân nặng của mình, 1/3 thì lạm dụng thuốc nhuận tràng trong khi một số khác tập những bài tập quá sức (Anderson và Maloney 2001). Các hành vi bù trừ có thể làm giảm bớt cảm giác lo lắng, bực dọc, ghê tởm bản thân hoặc thiếu kiểm soát việc ăn uống vô độ. Trớ trêu thay, dù vậy họ   thường xuyên thất bại trong việc ngăn chặn việc tăng thêm calo vào do ăn quá nhiều thức ăn. Cuồng ăn kéo theo một vài nguy cơ về sức khoẻ. Liên tục nôn mửa và lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể dẫn tới vấn đề về như đau bụng, các vấn đề về đường tiêu hoá, mất nước, tổn thương niêm mạc dạ dày và răng miệng, nơi mà các chất axít do nôn mửa thường xuyên có thể làm hỏng men răng. Vấn đề nghiêm trọng nhất xảy ra có thể là sự không cân bằng của các chất điện giải dẫn tới hại thận và tiềm tàng các bệnh loạn nhịp tim.

Tỉ lệ cuồng ăn dao động khoảng 0,5-1% dân số tuỳ theo từng mẫu cộng đồng nghiên cứu (Fairburn và Beglin 1994). Tuy nhiên trong số các phụ nữ trẻ, tỉ lệ này cao hơn. Có tới 50% số nữ sinh viên được điều tra bởi Schwitzer  và cs. (2001) cho biết có các giai đoạn ăn uống không kiềm chế, 6% cố gắng nôn mửa, 8% sử dụng thuốc nhụân tràng ít nhất là một lần. Tuy nhiên cũng có một số ít có những hành vi được xem là rối loạn mặc dù họ tự cho là phù hợp. Một số phụ nữ lớn tuổi đến các phòng khám kế hoạch hoá gia đình, Cooper và Fairburn (1983) thấy rằng 20% trong số họ cho biết ít nhất một lần có thời kỳ cuồng ăn, 3% đã sử dụng nó như là phương tiện để kiểm soát cân nặng.

Nguyên nhân của chứng chán ăn và cuồng ăn

Yếu tố di truyền

Gen có thể góp phần làm tăng nguy cơ chán ăn và cuồng ăn. Ví dụ, Klump và cs. (2001) ước tính 74% các hành vi chán ăn khác nhau của chứng chán ăn có thể quy cho yếu tố gen, sau khi nghiên cứu sinh đôi trong đó họ tìm thấy 50% cặp sinh đôi cùng trứng và không có cặp sinh đôi khác trứng nào cùng bị chứng chán ăn. Tương tự, Kendler và cs. (1991) tìm thấy tỉ lệ phù hợp với chứng cuồng ăn ở các cặp sinh đôi cùng trứng cao hơn ở các cặp sinh đôi khác trứng, dù vậy tỉ lệ phù hợp ở cả hai khá thấp: tương ứng là 23 và 9%.

Cơ chế hoá sinh

Một số nghiên cứu đã cho thấy những người rối loạn ăn có mức độ serotonin thấp. Dù điều này là nguyên nhân hay kết quả của rối loạn cũng không rõ ràng và một số những giải thích cho phát hiện này đã được đưa ra (Kaye và cs. 2001) như sau:

Mức độ serotonin thấp có thể là kết quả của những trạng thái khác, bao gồm rối loạn ám ảnh cưỡng bức hoặc trầm cảm, với rối loạn ăn thường xuyên  cùng xuất hiện mà gián tiếp là hoạt động serotonin thấp.

Mức serotonin thấp có thể trực tiếp gây ra rối loạn ăn vì nó gây thèm chất bột và do đó ăn uống vô độ.

Người rối loạn ăn có thể có mức serotonin cao tự nhiên song đã bị họ làm giảm bằng ăn đói và thuốc xổ ruột. Hình mẫu về ăn uống một cách méo mó thường làm giảm serotonin xuống dưới mức bình thường.

Không có giả thuyết nào đưa ra đủ mạnh để có thể giải thích được các hiện tượng.

Một mô hình sinh học thứ hai được biết đến là thuyết ghi điểm (set-point theory" (Keesey và Corbett 1984), lấy trọng tâm là vùng dưới đồi thị. Khi được hoạt hoá, phần bên dưới đồi thị gây ra cảm giác đói, còn phần bụng của nó tạo ra cảm giác thoả mãn, giảm cơn đói. Sự cân bằng giữa 2 tổ chức kiểm soát quá trình ăn và các quá trình trao đổi chất khác nhằm duy trì cơ thể thắng điểm về trọng lượng.  ăn quá mức gây ra nhiều khó khăn cho quá trình trao đổi chất vì phải đốt số calo và làm giảm cái đói. ăn quá ít lại làm giảm tỉ lệ trao đổi chất và tăng cảm giác đói. Theo thuyết ghi điểm, khi cá nhân cố gắng ăn kiêng và cân nặng của họ bắt đầu giảm, hoạt động dưới đồi giảm tỉ lệ trao đổi chất và tăng đòi hỏi ăn. Sự kết hợp các quá trình trên làm cho việc giảm cân trở nên khó khăn hơn. ăn kiêng thành công bao gồm cả việc tính toán các quá trình trên để sao cho có thể giảm cân dần dần. Cá nhân mắc chứng chán ăn học cách kiểm soát cảm giác đói của mình và tiếp tục kiểm soát việc ăn kiêng của họ bất kể triệu chứng của bản thân. Để làm như vậy họ chống lại sự kiểm soát của dưới đồi và tiếp tục giảm cân. Những người cuồng ăn thì ngược lại, bước vào một trận đấu kiên trì với các quá trình đó: lúc thắng lúc thua. Việc ghi điểm không đứng im và trận đấu hoặc là thắng, hoặc là thua theo thời gian.

Yếu tố văn hoá xã hội

"Gầy thật quyến rũ". Những người mắc chứng cuồng ăn và chán ăn coi hình dáng và cân nặng là quan trọng hàng đầu có thể bởi vì xã hội phương Tây nói chung coi trọng dáng vẻ bên ngoài. Thử tưởng tượng lại xem nữ tính và sự quyến rũ của phụ nữ đã thay đổi từ những năm 1960 trở lại đây, họ gầy hơn và dáng vẻ bớt giống những "cái đồng hồ cát" hơn. Mẫu người điển hình đã được vẽ trong tạp chí "Playboy", bằng chứng là dáng người gầy trong suốt thập kỷ 90, với số đo hông, eo, ngực nhỏ hơn. (Rubinstein & Caballero 2000). Không có gì là ngạc nhiên khi tỉ lệ những người có trọng lượng thấp và rối loạn ăn tăng cao trong nhóm những người cần hình thể quyến rũ như người mẫu, vũ công và vận động viên thể thao. Trong những nhóm xã hội ủng hộ, cổ vũ đối với sự gầy gò, tỉ lệ rối loạn ăn của họ cũng tăng lên. ở Mỹ, xu hướng coi gầy là đẹp đã chuyển từ những người phụ nữ da trắng ở tầng lớp cao xuống những nhóm kinh tế xã hội thấp hơn và một số nhóm sắc tộc khác, vì vậy  dẫn đến sự phổ biến của việc ăn kiêng và rối loạn ăn uống (Striegal - Moore & Smolak 2000).

Sự đánh giá về cân nặng không chỉ bị chi phối bởi tính thẩm mĩ mà còn do nhiều thuộc tính cá nhân dựa trên dáng vẻ bề ngoài của cơ thể. Thức ăn, cách ăn và cân nặng còn được nhiều người cho là những vấn đề đạo đức và hình dáng cơ thể có thể là tiêu chuẩn chính của tự đánh giá bản thân và đánh giá người khác (Wardle & Marsland 1990); rất nhiều người giữ những cái nhìn tiêu cực đối với người béo.

Hơn một nửa số gia đình có người rối loạn ăn có vẻ đề cao vai trò của cân nặng và hình dáng (Haworth-Hoeppner 2000). Người mẹ trong những gia đình này hầu như cũng ăn kiêng và theo chủ nghĩa cầu toàn hơn các bà mẹ trong những gia đình không có các rối loạn (Pike & Rodin 1991). ăn kiêng thành công có thể là một cách để giành lấy sự thừa nhận của cha mẹ có các đòi hỏi cao đặc biệt là gia đình mà những đứa trẻ không thành công lắm trong các lĩnh vực khác. Bỏ ăn có thể làm cho cá nhân trở nên quan trọng hơn trong gia đình, và mang lại cho họ một số ảnh hưởng để kiểm soát các thành viên khác trong gia đình. ( "Con sẽ ăn nếu bố mẹ..."). Đó cũng có thể là một sự trừng phạt đối với họ ("Con không ăn vì bố me..."). Hậu quả thứ hai của chán ăn là nó có thể khiến cho cá nhân được đối xử như một đứa trẻ và cho phép họ tránh phải chịu trách nhiệm hoặc không phải đối mặt, một lần nữa nó có thể ảnh hưởng nhất trong gia đình nơi mà các thành tựu được đề cao.

Một số nhà trị liệu gia đình cũng có thể đưa ra được mô hình chán ăn hoàn toàn khác. Trong mô hình này, cá nhân chán ăn được xem như là triệu chứng của sự rối loạn chức năng gia đình. Minuchin và cs. (1978)  mô tả các đặc điểm của một " gia đình chán ăn" là: dễ lúng túng, bảo hộ quá mức, cứng nhắc và né tránh xung đột. Như vậy có thể là có xung đột giữa cha mẹ và nó được kiểm soát và giấu diếm. Theo Minuchin và cs. (1978), vị thành niên là một thời kỳ đầy stress trong những gia đình như thế, sự cố gắng của vị thành niên để có được sự độc lập của họ trong gia đình gia tăng nguy cơ bộc lộ xung đột của cha mẹ. Sự phát triển của chứng chán ăn ngăn chặn hoàn toàn mối bất đồng trong gia đình, và có thể giữ các thành viên lại xung quanh "bệnh nhân đáng thương". Sự ốm yếu, cần được chăm sóc của thành viên trẻ trong gia đình đem lại bảo đảm chắc chắn vị trí  trung tâm của gia đình và đánh lạc hướng các xung đột của cha mẹ. Bằng chứng cho thuyết này được dựa trên cơ sở vững chắc là các kinh nghiệm lâm sàng trị liệu gia đình của nhóm Minuchin.

Mô hình văn hoá xã hội cuối cùng chỉ ra rằng cả chán ăn và cuồng ăn cũng có thể là hậu quả của lạm dụng tình dục (Oppenheimer và cs. 1985). Theo mô hình này, hậu quả của lạm dụng ở trẻ vị thành niên gái là làm cho họ có quan điểm tiêu cực mạnh mẽ đối với vẻ nữ tính. Kết quả là sự cự tuỵêt đối với kiểu người có dáng vẻ nữ tính và cố gắng chống lại nó. Điều này hầu hết thường xuất hiện ở tuổi dậy thì. Bằng chứng cho điều này không mạnh lắm. Mặc dù lạm dụng tình dục chiếm tỉ lệ cao trong số những người rối loạn ăn, song đây không phải là đặc điểm then chốt  bởi nó cũng không cao hơn so với những người rối loạn lo âu hay các rối loạn tâm lí khác.

Sự giải thích về mặt tâm lí

Yếu tố xã hội biểu hiện ra hành vi qua quá trình nhận thức. Mặc dù có nhiều sự khác nhau trong trình bày vấn đề, mô hình nhận thức của Fairburn (1977) cho rằng ở cả hai dạng chán ăn và cuồng ăn đều có chung một sự rối nhiễu tâm lí: một tập hợp những niềm tin và quan điểm méo mó về hình dáng cơ thể và cân nặng. Gầy và giảm cân là sự ưu tiên hàng đầu, có lẽ bởi vì mong muốn cao là trông gầy và hấp dẫn hơn, các cá nhân làm việc để chống tăng cân và bị béo. Sơ đồ đưa ra bao gồm đánh giá giá trị của ai đó dựa trên cơ sở là đạt được một cơ thể nhẹ cân và gầy gọi là "sơ đồ cân nặng cá nhân" (weight-related self-schema).

Một khi các sơ đồ liên quan tới cân nặng được xác định, nó làm méo mó cách mà cá nhân tiếp nhận và lí giải kinh nghiệm của mình. Những người khác đánh giá không phải dựa vào phẩm chất cá nhân mà ở giới hạn của việc gầy hơn hay béo hơn các cá nhân khác. Tất cả các hoạt động đều được xem xét dưới góc độ kiểm soát cân nặng, và bất kỳ một hoàn cảnh nào cũng đều dẫn đến việc tự đánh giá kéo theo đó là tập trung cao độ vào cân nặng và hình dáng. Bất kỳ sự dao động nào của cân nặng cũng có ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ và tình cảm.

Với một vài người, sự quan tâm và ưu tiên kiểm soát của họ đối với cân nặng cho thấy một sự thiếu yêu quý bản thân và khát khao kiểm soát việc tăng cân trở thành một khía cạnh trong cuộc sống của họ. Họ hi vọng cảm thấy tốt hơn về bản thân nếu họ gầy hơn- một qúa trình dẫn họ đến việc không bao giờ thoả mãn với dáng vẻ của mình và tiếp tục thực hiện quá trình giảm cân. Trầm cảm có vẻ là kết quả của hành vi chán ăn, tự đánh giá thấp và tăng sự phụ thuộc vào việc kiểm soát cân nặng như là một cách để duy trì giá trị của bản thân.

Lúc đầu cố gắng giảm cân có thể được khơi ra bởi một vài yếu tố bao gồm sự phê phán, bình phẩm về cân nặng hay hình dáng, trêu chọc hay vai trò của thời kỳ khủng hoảng chuyển từ một đứa trẻ thành một phụ nữ. Thay đổi chế độ ăn được duy trì bởi nhiều quá trình củng cố. Củng cố tích cực lúc đầu có thể là trải nghiệm khi được khen là trông mảnh mai. Khi điều đó trở nên được quan tâm, họ có thể tiếp tục tạo ra những củng cố tích cực khi cá nhân đó thu hút được sự chú ý của gia đình. Một dạng phản hồi có thể rất quan trọng: sự củng cố hàng ngày hay hàng tuần của cái cân trong phòng tắm. Những điều này cung cấp sự phản hồi chắc chắn về thành quả. Với những người có tự đánh giá thấp, giảm cân có thể cung cấp một yếu tố của kiểm soát và thành công trong cuộc đời họ. Giảm cân trở nên ngang hàng với giá trị bản thân, tự trọng bản thân và có thể còn hơn hẳn một số yếu tố khác trong cuộc đời. Hành vi chán ăn có thể được dẫn dắt bởi quá trình củng cố tiêu cực.

Những người chán ăn trải nghiệm một nỗi sợ hãi dữ dội đối với việc lên cân. Để tránh cảm giác sợ này giới hạn sự ăn uống lại cũng mang đến sự giảm nhẹ cảm giác sợ.

Cả chán ăn và cuồng ăn đều phản ánh những cách khác nhau trong việc giải quyết vấn đề song họ có chung nền tảng nhận thức. Theo Fairburn (1997), những người chán ăn có thể kéo dài một thời gian kiểm soát việc ăn uống của mình tốt hơn những người cuồng ăn vốn hỗn loạn và ít kiên định. Ông nhận định rằng bởi vì thói quen ăn kiêng hạn chế, các cá nhân mắc cả chứng chán ăn và cuồng ăn đều phải chịu áp lực đáng kể cả về mặt tâm lí và sinh lí rằng cần ăn vô độ. Đối phó với những đòi hỏi này, cả hai nhóm đều phải lập ra những luật lệ để để kiểm soát chế độ ăn: khi cần ăn thì cái gì họ có thể và cái gì không được ăn. Những nguyên tắc này là rất hoàn hảo nhưng khó thực hiện. Mặc dù vậy, những người mắc chán ăn thường có đủ khả năng tự kiểm soát để theo đuổi luật lệ mà họ đặt ra. Trong khi đó những người cuồng ăn thường thất bại khi làm như vậy.

Khi một người cuồng ăn bắt đầu ăn, họ thường phân đôi suy nghĩ của mình ("Mình đã ăn, kế hoạch ăn kiêng đã phá sản. Đâu là vấn đề của việc cố gắng ăn kiêng...? ") và bắt đầu ăn vô độ. ăn vô độ cũng thường có khuynh hướng cải thiện tâm trạng tiêu cực, và vì thế bản thân nó là một sự củng cố. Điều này là do nhiều nguyên nhân, bao gồm tình trạng uể oải do việc ăn một lượng lớn thức ăn và với những người tìm cách nôn mửa ra có được cảm giác bớt căng thẳng. Những cảm giác tích cực ban đầu thường xuất hiện theo sau những cảm giác kinh tởm và xấu hổ với việc ăn quá nhiều, điều này làm tăng thêm nỗ lực thực sự để theo đuổi kế hoạch ăn kiêng, song ăn kiêng lại có thể đem lại nguy cơ ăn vô tội , và vì thế vòng luẩn quẩn lại tiếp tục.

Hình ảnh méo mó về bản thân

Mô hình nhận thức thứ hai, chỉ dành cho những người chán ăn, đề cập đến một hình ảnh méo mó về bản thân. Đó là việc những người mắc chứng chán ăn cảm thấy "béo" thậm chí ngay cả khi cân nặng của họ không bình thường về mặt lâm sàng (Bruch 1982). Trong tổng quan một số lượng quá nhiều các nghiên cứu, Gupta và Johnson (2000) cho rằng rất nhiều người chán ăn có sự đánh giá cực đoan về sự cân xứng của cơ thể, cụ thể đánh giá thấp về vẻ ngoài của mình và cho rằng nó không hẫp dẫn. Ngược lại, Slade và Brodie (1994) cho rằng rất nhiều nhận xét đó  thể hiện phản ứng cảm xúc hơn là cảm giác. Họ cho rằng những người có rối loạn ăn thường không tự tin vào số đo và ngoại hình cơ thể họ, và chỉ khi họ bị buộc phải làm, họ thường sai lầm, đánh giá quá mức số đo của cơ thể. Epstein và cs. (2001) cũng đồng ý với nhận định như vậy khi bằng thực nghiệm, các tác gải đã chứng minh những người chán ăn không có cảm giác sai lệch về số đo cơ thể họ trong thời gian dài.

Hạn chế ăn còn kéo theo những hậu quả sinh học khác, không liên quan gì tới số đo và ngoại hình cơ thể và còn dẫn tới nhận thức lệch lạc kéo dài. Sự đói ăn ảnh hưởng tới một số quá trình nhận thức, làm kém tập trung, tư duy chậm chạp, cứng nhắc, thu mình, hành vi ám ảnh cưỡng bức, trầm cảm. Kết quả là sự đói ăn có thể làm cho những phản hồi tích cực bị bưng bít lại, người chán ăn trở nên càng cứng nhắc hơn trong niềm tin và không thể thoát ra để nhìn vấn đề của mình theo cách khác (Whittal và Zaretsky 1996).

Sự giải thích từ góc độ phân tâm học

Thuyết phân tâm học kinh điển đưa ra một số cách giải thích về chứng chán ăn (Zerbe 2001). Một trong cách giải thích là sự lẫn lộn một cách vô thức giữa việc ăn và bản năng tình dục. Một vài phụ nữ có thể tránh ăn với ý nghĩa biểu trưng cho việc tránh sex.

Một số các giải thích khác được nêu ra là những người phụ nữ chán ăn tưởng tượng về sự thụ thai bằng miệng và nhầm lẫn việc mập phì là có thai. Sự đói ăn làm giảm nguy cơ có thai. Một số cách giải thích nữa là chán ăn phản ánh sự thoái lui về các giai đoạn trước đây của quá trình phát triển. Cá nhân thu nhỏ mình lại đúng theo nghĩa đen của nó. Điều này và việc ngừng kinh nguyệt là một sự vô thức muốn từ chối thời kỳ trưởng thành và mong ước được trở về tình trạng giống thời thơ bé. Cuối cùng, chán ăn được coi là kết quả của việc trì hoãn sự phát triển tâm tính dục. Nếu đứa trẻ quyến luyến với thời kỳ môi miệng, sự lo âu và ám ảnh giới tính hầu hết đều thể hiện ở việc rối loạn ăn.

Kết hợp giữa phân tâm và quá trình nhận thức, Bruch (1982) đi đến kết luận rằng chán ăn là kết quả của sự rối nhiễu quá trình tương tác mẹ - con, điều đó dẫn đến sự thiếu hụt cái tôi bao gồm kém tự chủ và kiểm soát, biểu hiện dưới các dạng rối loạn ăn. Theo Bruch (1982), một vài người mẹ sai lầm trong cách chăm sóc và đáp ứng những nhu cầu của đứa con nhỏ của mình, có thể đó là kết quả của sự ưu tiên nhu cầu bản thân hơn nhu cầu của đứa trẻ hoặc hiểu nhầm hành vi của chúng. Họ có thể cung cấp thức ăn hoặc ôm hôn đứa trẻ vào lúc mà họ thích nhưng chưa chắc đứa trẻ đã thích hoặc hiểu sai cảm xúc hoặc nhu cầu của đứa trẻ. Kết quả là, đứa trẻ có thể nhầm lẫn hoặc không ý thức được những nhu cầu thực sự bên trong nó, không biết khi nào chúng đói hay no, và không biết cách thể hiện cảm xúc của mình. Hậu quả của sự nhầm lẫn đó là chúng trở về với người hướng dẫn bên ngoài như cha mẹ và bắt đầu là một “đứa trẻ mẫu". Tuy nhiên chúng không phát triển được sự tự tin thực sự  cũng như cách kiểm soát hành vi, nhu cầu và xung động của bản thân. Chúng cảm thấy như là chúng không làm chủ được chính cơ thể của mình. Trẻ vị thành niên càng cảm thấy cần phải xác lập cho mình sự tự chủ, nhưng chúng cảm thấy không thể thực hiện được điều này. Để khắc phục cảm giác bất lực này chúng tìm kiếm sự kiểm soát quá mức đối với số đo cơ thể và hình dáng, thói quen ăn uống của bản thân. Một số nghiên cứu đã cung cấp thêm cơ sở để Bruch khẳng định nhận xét của mình. Steiner và cs. (1991) thông báo rằng rất nhiều cha mẹ của các cô gái trẻ chán ăn có khuynh hướng cho con ăn theo một thời gian biểu quá cứng nhắc so với một đứa trẻ. Fukunishi (1997) chỉ ra rằng rất nhiều người cuồng ăn tiếp nhận sai lầm những cảm xúc như lo âu, bối rối là dấu hiệu của những cơn đói và đáp ứng lại bằng việc ăn. Cuối cùng, Walter và Kendler (1995) kết luận rằng những người có rối loạn ăn có khuynh hướng tin tưởng quá mức vào ý kiến của những người khác và lo lắng về việc họ sẽ nhìn mình như thế nào.

Can thiệp đối với chứng chán ăn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng chán ăn, do vậy trị liệu tối ưu nhất tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Những dạng can thiệp có thể được sử dụng gồm trị liệu hành vi nhận thức, trị liệu gia đình, trị liệu tâm lí chiều sâu, mỗi sự can thiệp đó được thực hiện như những lời khen ngợi, động viên hơn là can thiệp cạnh tranh. Can thiệp có thể được chia thành 2 giai đoạn.

Sau đây là tự bạch của người cuồng ăn và chán ăn. Mặc dù cả hai đều là những rối loạn ăn song nhận xét của họ vẫn thực sự rất khác nhau. Quan điểm của những người mắc chứng cuồng ăn tập trung vào việc ăn uống và cảm giác tội lỗi, khó chịu đi kèm theo. Những người mắc chứng chán ăn lại tập trung vào những vấn đề rộng hơn, cụ thể là vấn đề trả thù và kiểm soát. Đối với mỗi người, con đường dẫn đến các rối loạn không giống nhau, do vậy mặc dù có một số cách thức điển hình thì cũng chỉ là tương đối. Cùng mộtj rối loạn như nhau nhưng cách thức dẫn đến rối loạn đó có thể hoàn toàn khác nhau ở những người khác nhau.

Cuồng ăn

Tôi nghĩ thật dễ dàng để không uống hoặc không dùng thuốc hơn là không ăn như bình thường. Bạn có thể dùng hoặc không dùng nó. Nếu bạn không muốn bạn chỉ việc tránh chúng ra. Nhưng ăn thì lại rất khác. Bạn ăn....bạn thấy thoải mái bạn lại tiếp tục ăn và thật khó để dừng lại. Tôi muốn mảnh mai và ưa nhìn. Và tôi thích thức ăn của tôi. Vì thế tôi nói với bản thân OK. Hôm nay bạn sẽ không ăn đến 6 giờ và bạn sẽ chỉ ăn vì sức khoẻ. Và tôi bắt đầu một ngày với ý định tốt.

Nhưng sau đó tôi sống vì thức ăn, tôi không thể không ăn bữa trưa - đối với tất cả mọi người xung quanh tôi điều đó thật dễ dàng. Nhưng khi thời gian trôi đi, tôi muốn ăn, tôi không thấy đói. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi tôi về nhà, tôi chỉ muốn ăn. nó ở trong đầu tôi  và tôi biết có thức ăn trong tủ lạnh -kem rất ngon và sôcôla tuyệt vời. Chúa ơi tôi yêu sôcôla. Tại sao tôi không thể thích thứ gì tốt cho sức khoẻ mà ít calo? Tôi ngồi xem TV nhưng tôi nghĩ đến thức ăn, ngay lúc này. dù sao, một vài đêm tôi có thể vượt qua, tự nấu cho mình thứ gì vừa phải cho ban đêm khi tôi bận rộn hoặc bị cuốn hút vào TV hay cái gì đó. nhưng những đêm khác, tôi chỉ việc đến thẳng tủ lạnh và lấy đồ ăn. Thật không may nó không bao giờ thiếu, nó có tác dụng thế nào đối với bạn? 2 cái bích quy không đủ cho bạn vì thế bạn tiếp tục ăn qua loa với cái gì to hơn và giàu calo hơn. Nó vẫn còn tốt hơn nếu bạn dừng lại ở đấy thôi. Nhưng bạn tiếp tục nghĩ " mình sẽ ăn một ít nữa thôi..." và bạn bắt đầu ăn, cái gì có thể ngăn cản bạn bây giờ. Rồi tôi quên phéng đi dự định tốt lúc ban đầu của mình, tôi tin là tôi đã nhượng bộ việc ăn uống. Vì thế tôi ăn và ăn, tôi không dừng lại cho đến khi no căng. Tôi ăn cho đến khi vỡ bụng thì thôi. Tôi cảm thấy không thoải mái và tôi biết chắc chắn sẽ tăng cân. Tôi cảm thấy thực sự  tội lỗi vào ngày hôm sau. Vì thế tôi tự làm mình đau khổ. Sau đó tôi cảm thấy tốt hơn. ít nhất tôi có thể nghỉ ngơi và biết rằng mình sẽ không bị tăng cân. Nó thực sự làm tôi khuây khoả. Và tôi tự thề với mình rằng ngày mai sẽ kiểm soát việc ăn uống. Nhưng tất nhiên ngày mai không bao giờ tới.

Chán ăn

Chứng chán ăn của tôi bắt đầu khi tôi 13 tuổi. Tôi gặp phải vấn đề về thức ăn từ những năm trước đó. Mẹ tôi luôn ăn kiêng - và tôi thường xuyên  bị trở thành người ăn kiêng cùng với mẹ tôi, thỉnh thoảng là người thi ăn kiêng cùng mẹ .Bây giờ thì tôi nhận thấy rằng, những cuộc đấu tranh với thức ăn của chúng tôi đã đánh lạc hướng chú ý của gia đình khỏi sự bất ổn đang bao trùm trong toàn bộ ngôi nhà. Tôi trở thành nơi thích hợp để trút những đòn roi từ sự tức giận của bố mẹ tôi. Tôi không có được sự an toàn...Tôi đã bị đánh rất nhiều và thường xuyên bị nhục mạ.

Khi tôi 13 tuổi, bố mẹ tôi đã rất thẳng tay và họ cố gắng điều khiển hoàn toàn cuộc sống của tôi, bạn bè, bạn  trai tôi và tất cả mọi thứ. Sự điều khiển này đã đẩy tôi đến vực thẳm...Việc ăn kiêng trở thành nỗi ám ảnh với tôi. Tôi đã sụt hơn 10 kg chỉ trong 1 tháng! Cơn đói thì vẫn còn đó. Có những ngày hầu như tôi chỉ nghĩ về thức ăn. Nhưng tôi đã được định rõ để chế ngự nó. Tôi đã đấu tranh để kiểm soát hoàn toàn nó, có lẽ là sự kiểm soát duy nhất mà tôi có. Tôi cảm thấy rằng mình thất bại nếu tôi ăn, có nghĩa là tôi sẽ đánh mất mình, đánh mất sự kiểm soát của tôi.

Tôi muốn trông mình dễ coi, muốn thích hợp với hình ảnh của phụ nữ. Nhưng phần lớn hơn cả là sự trả thù! Tôi mong muốn được nhìn thấy phản ứng của bố mẹ tôi trước sự chết đói của tôi. Việc ăn kiêng không còn là điều tốt nữa, phải có một cái gì đó để làm với mẹ tôi...đó phải là vũ khí. Đặt tất cả những cư xử của bà vào chính bà. Họ phần nào đã tức giận bởi vì họ không thể kiểm soát được phần này trong tôi, cả lo lắng và sợ hãi nữa. Nhưng tôi thì đã kiểm soát được. Họ nguyền rủa, gào thét và cố gắng để bắt tôi ăn. Nhưng tôi không ăn- không phải cho họ.

Tôi bắt đầu mất cảm xúc của mình. Tôi muốn chết đói để có quyền kiểm soát, để chứng minh là tôi có thể làm được điều đó, cũng là vì tôi xứng đáng được...vì tôi ghét bản thân mình! ban đầu thường ở bệnh viện, tập trung vào việc  tăng cân, và giai đoạn sau là một thời kỳ trị liệu ngoại trú kéo dài, tập trung vào thay đổi nhận thức và hành vi.

Khuyến khích tăng cân:

Cần phải cho người bệnh điều trị nội trú trong trường hợp cân nặng của họ giảm nghiêm trọng, dưới 75% cân nặng bình thường. Sự can thiệp ở bệnh viện thường tập trung vào cải thiện số cân nặng còn thiếu. Quá trình này dựa trên điều kiện hoá quan sát được bao gồm xác định trước mức thưởng cụ thể cho số cân sẽ đạt được, cái giá trị nhất trong số đó có thể là ra viện sau khi đạt được mục đích tăng cân. Cần tránh nguy cơ nhồi nhét thức ăn vào rồi lại nôn ra làm vô hiệu việc chữa bệnh.

Vài năm trước đây, những phần thưởng như vậy có thể là được nói chuyện điện thoại hoặc xem TV. Tuy nhiên những điều này bây giờ vẫn được xem là quyền cơ bản, và việc thay đổi chúng cũng giống như xâm phạm đến quyền công dân.  Do vậy  ‘phần thưởng’ cho việc ăn thường do tự cá nhân xác định và phải ngoài những điều thông thường dành cho bệnh nhân nội trú. Đó có thể là tăng thêm các đặc ân xã hội, được tiếp chuyện với các vị khách mời và thực hiện các đặc ân xã hội. Tiếp nhận calo phải tăng một cách từ từ theo thời gian: nếu quá tiếp nhận quá nhiều, lượng calo lúc đầu có thể không tiêu thụ hết. Y tá cũng có thể hướng dẫn các cá nhân về chứng chán ăn và cung cấp thông tin phòng ngừa và động viên. Điểm mấu chốt ở đây là sự bảo đảm rằng việc tăng cân trong thời gian này không chuyển thành thừa cân về lâu dài. Schwartz và Thompson (1981) phân tích kết quả của các chương trình điều trị nội trú dạng như trên và thấy rằng một thời gian sau nội trú, có 6% bệnh nhân chết vì tự làm mình đói, 49% khỏi bệnh, 31% đã có cải thiện nhưng vẫn rối loạn ăn uống, 18% bệnh tình vẫn như cũ.

Trong khi phần lớn những người tham gia trị liệu đã tăng cân trong thời gian đầu thì một số khác tiếp tục giảm cân và thậm chí còn có trường hợp đe doạ đến tính mạng. Điều này đã tạo ra sự thách thức cả về lâm sàng và đạo đức đối với những người tham gia vào chương trình như vậy. Vấn đề then chốt lúc này là liệu có cần cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh cho dù họ không mong muốn? Tranh luận tập trung vào năng lực của người chán ăn để tạo ra quyết định cái gì là cuộc sống thực của họ hoặc quyết định chết. Một số nhà lâm sàng (ví dụ, Russon và Alison 1998) cho rằng đa số những người chán ăn có đủ năng lực tinh thần để ra những quyết định ăn hay không ăn. Do vậy việc trị liệu đi ngược lại những nguyện vọng của họ là không thích hợp, cho dù nó có thể dẫn họ đến chỗ chết. Một số khác (ví dụ, Treasure 2001), trong khi thừa nhận rằng nuôi dưỡng cưỡng bức là vô nhân đạo và không thể chấp nhân được, lại có quan điểm rằng cả hai điều đó và những cách điều trị tích cực khác có thể được dùng một cách hợp pháp với những người chán ăn một cách cực đoan bởi họ không có đủ năng lực tinh thần để ra quyết định mà có thể hậu quả là dẫn họ đến cái chết.

Treasure (2001) nhận diện 4 nguyên tắc chung để xác định rõ khi nào cá nhân có đủ năng lực hợp pháp đưa ra quyết định lựa chọn hoặc từ chối điều trị. Đó là:

Hiểu và nhớ được những thông tin cần thiết cho quyết định của họ, ý thức được những hậu quả có thể xảy ra của việc có hoặc không điều trị.

Tin vào các thông tin.

Cân nhắc các thông tin như là một phần của quá trình ra quyết định.

Thừa nhận rằng họ có vấn đề về sức khoẻ và tìm kiếm các phương thuốc cho tình trạng của họ.

Theo Treasure (2001), các cá nhân mắc chứng chán ăn thường không đáp ứng với các tiêu chuẩn trên và do đó thường bị quy kết một cách bất hợp pháp rằng không đủ năng lực ra quyết định đi chữa bệnh được và điều đó có thể nguy hiểm cho tính mạng của họ. Vì thế bác sĩ có quyền chữa bệnh cho họ mà không cần họ đồng ý. Quan điểm này cũng phù hợp với các thông lệ hợp pháp trước đó (Dyer 1997) rằng cần phải điều trị cưỡng bức đối với những người mắc chứng chán ăn bao gồm cả cưỡng bức nuôi dưỡng, tất cả đều hợp pháp và trong trường hợp cần thiết.

Cách tiếp cận hành vi nhận thức:

Giai đoạn thứ hai trong việc trị liệu là những can thiệp nhằm thay đổi hành vi và duy trì được lâu dài sự thay đổi đó. Có thể cách tiếp cận hành vi nhận thức được sử dụng một cách rộng rãi nhất là của Garner và Bemis (1985). Nó được chia làm nhiều giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là xác lập mối quan hệ làm việc với cá nhân. Garner và Bemis nhận định rằng ở thời điểm này, vấn đề mấu chốt nhất chính là niềm tin cơ bản của họ không bị lung lay, dẫn đến kết quả là họ từ chối trị liệu. Do vậy, nhà trị liệu phải hiểu cá nhân, nhận biết được chiến lược kiểm soát cân nặng của họ và đánh giá đúng được các chiến lược đó thành công ở mức nào. Điều này có thể liên quan đến câu hỏi khi nào thì có thể đạt được tất cả những gì cá nhân dự định và đánh giá được cái giá phải trả về mặt cảm xúc và thể chất cho việc ăn kiêng một cách cực đoan. Những buổi đầu có thể phải dùng chỉ để xác lập những kết quả và cái giá phải trả cho những hành vi  chán ăn. Đây cũng có thể là sự thăm dò sơ đồ nằm sâu bên trong các hành vi này. Giao bài tập về nhà cũng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về việc các sự kiện ảnh hưởng như thế nào tới suy nghĩ cảm xúc và cung cấp cơ hội để thử nghiệm các cách khác nhau để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các sự kiện với ăn uống và cân nặng. Chỉ khi xác lập được mối quan hệ công việc tốt và cá nhân có động cơ thay đổi, ít nhất thì cũng chú ý đến điều này, khi đó trị liệu nhận thức mới bắt đầu.

Can thiệp nhận thức có thể có nhiều mục đích bao gồm thay đổi những nhận thức sai lệch và phát triển sự tự chủ. Có thể nhấn mạnh vào những cảm giác và thái độ sai lạc. Mặc dù có thể không làm thay đổi mong muốn được gầy, tuy nhiên ý thức được sự lệch lạc và chấp nhận sự thật rằng ít nhiều họ đã phóng đại, có thể giúp họ có thiện chí ăn uống. Tự chủ có thể được cổ vũ bởi sự đối mặt với những nhận thức tiêu cực và khích lệ cá nhân tin vào trực giác và cảm giác bên trong của họ. Sự thách thức về mặt nhận thức khích lệ cá nhân quan tâm đến cái giá là những cảm xúc mạnh do hành vi đưa lại, giúp họ thăm dò một vài sơ đồ nằm sâu bên trong của các hành vi đó, dạng như niềm tin rằng trọng lượng cơ thể hay ngoại hình có thể là tiêu chuẩn duy nhất cho giá trị bản thân và kiểm soát hoàn toàn bản thân là điều cần thiết. Những người tham gia trị liệu có thể cũng được học các kĩ năng giải quyết vấn đề để giúp họ đương đầu một cách hiệu quả với bất cứ cơn khủng hoảng có thể xuất hiện.

Mặc dù vấn đề mang tính đe doạ cuộc sống và trường diễn, một số tác giả vẫn tiến hành tác động thử nghiệm có kiểm soát nhằm thăm dò hiệu quả của can thiệp hành vi nhận thức đối với chán ăn (Pike 1998). Có thể do tính chất mạn tính của tình trạng cho nên có những người tham gia nhiều chương trình trị liệu khác nhau và   rất khó xác định được sự thay đổi hành vi của họ là do sự can thiệp nào. Tình trạng không trị liệu kéo theo nguy cơ lâu dài gây tổn thương nghiêm trọng và nguy cơ bỏ dở trị liệu cũng rất cao khiến cho việc thiết kế các thử nghiệm chuẩn là rất khó khăn.

Dù cho các cứ liệu như thế nào chăng nữa, người ta vẫn coi trị liệu hành vi nhận thức là một can thiệp hiệu quả. Trong một thử nghiệm sớm, Channon và cs. (1989) đã so sánh tiếp cận hành vi và tiếp cận hành vi nhận thức. Trị liệu hành vi bao gồm đối mặt từ từ với những thức ăn né tránh. Trị liệu hành vi nhận thức lại nhận diện niềm tin bất thường đối với ăn uống. Có một số khác biệt giữa hai cách can thiệp này ở cả 6 tháng và 12 tháng tiếp theo, mặc dù các tác giả cho rằng quy trình nhận thức dễ được chấp nhận hơn liên kết trị liệu tốt hơn nên kết quả của cả 2 loại can thiệp đều tốt hơn. Do trong nghiên cứu không có nhóm ‘không trị liệu’ vì như vậy là vi phạm đạo đức cho nên cũng khó xác định được chính xác hiệu quả thực của can thiệp. Trong một so sánh tương tự, Treasure và cs. (1995) so sánh hiệu quả của trị liệu nhận thức và trị liệu kết hợp nhận thức-phân tâm. Sau 1 năm can thiệp, cả hai loại trị liệu chứng tỏ hiệu qủa như nhau, 63% người tham gia có kết qủa tốt hoặc khỏi "ngay lập tức" .

Tiếp cận trị liệu gia đình:

Có nhiều cách trị liệu gia đình khác nhau đã được sử dụng để trị liệu chứng chán ăn, tuy nhiên tất cả đều tìm kiếm cách thay đổi cấu trúc quyền lực trong gia đình bằng cách tăng cường sức mạnh cho cha mẹ, ngăn cản liên minh xuyên thế hệ, và giảm sự căng thẳng cũng như các vấn đề của cha mẹ. Cần lưu ý rằng cách tiếp cận này tương phản rõ rệt với can thiệp hành vi nhận thức được mô tả ở trên với cách khích lệ tự chủ và kiểm soát việc ăn uống của cá nhân.

Trị liệu cấu trúc gia đình:

Một trong những cách tiếp cận gia đình đầu tiên để điều trị chứng chán ăn được báo cáo bởi Minuchin và cs. 1978 (xem chương 4). Họ thông báo rằng tỉ lệ thành công là 85%.

Tuy nhiên điều này đã được xem xét với một vài  thận trọng như nó dựa trên một số trường hợp ca điển hình với các gia đình tương đối trẻ và nguyên vẹn hơn là các dữ liệu từ những cuộc  thử nghiệm có kiểm soát. Gần đây hơn, Rusell và cs. (1978) tiếp tục cách tiếp cận trị liệu tương tự, tập trung vào những stress trong gia đình. Cách tiếp cận có 3 nhiệm vụ. Đầu tiên bao gồm sắp xếp cho gia đình bước vào qúa trình trị liệu. Giai đoạn hai là thời kỳ bồi dưỡng ăn uống. Đây là giai đoạn gia đình tiến hành ăn cùng nhau để củng cố mối quan hệ gia đình, đưa ra những sự giúp đỡ, các quy định về thức ăn và ăn uống. Thời điểm này, " bệnh nhân" và các anh chị em ruột của họ đượcđộng viên liên kết với nhau nhằm củng cố những ranh giới hợp lí trong gia đình. Giai đoạn cuối cùng bao gồm sự thay đổi trong hệ thống gia đình, trong đó có lấy lại quyền kiểm soát ăn uống của cha mẹ, củng cố sự hợp tác giữa cha mẹ, và xoá bỏ sự liên kết hoặc thông đồng giữa cha hoặc mẹ với thành viên có rối loạn ăn uống.

Rusell và cs. (1987) so sánh sự hiệu quả của cách tiếp cận này với kĩ thuật nâng đỡ cá nhân trong trị liệu cả những người chán ăn và cuồng ăn. Kết quả của họ không được lạc quan cho lắm. Mặc dù rất nhiều người với chứng chán ăn có dấu hiệu tăng cân chút ít, song đó chỉ tăng cân ở một mức độ khiêm tốn so với mức độ chung. Sau 1 năm nghiên cứu, 23% người tham gia có kết quả tốt, 16% có kết quả khá và 61% có kết quả kém. Trị liệu gia đình cải thiện được nhiều hơn so với trị liệu cá nhân trong điều chỉnh cân nặng, chức năng kinh nguyệt, thích ứng tâm lí xã hội cho những người tham gia mà các vấn đề xuất hiện trước tuổi 19 và những vấn đề đó kéo dài chưa đến 3 năm. Trị liệu cá nhân cải thiện về mặt bên ngoài hiệu quả hơn so với trị liệu gia đình ở những người tham gia lớn tuổi hơn.

Trị liệu hành vi gia đình:

Trị liệu hành vi gia đình (Robin và cs. 1995) kết hợp tiếp cận hệ thống và trị liệu hành vi. Mục tiêu của trị liệu bắt đầu từ việc khôi phục cân nặng. Chiến lược nhằm đạt được mục tiêu bao gồm thay đổi thói quen ăn, trị liệu nhận thức nhằm giảm thiểu sai lạc về hình ảnh cơ thể, nỗi sợ béo và cảm giác vô hiệu quả. Mẫu tương tác gia đình như tránh xung đột, sự lúng túng và phòng vệ quá mức cũng được đặt ra. Trị liệu theo ba giai đoạn. Đầu tiên, kiểm soát việc ăn uống sẽ đựơc chuyển từ con cái sang cho cha mẹ để khôi phục lại trật tự trong gia đình. Cha mẹ được hướng dẫn và khích lệ thực hiện chương trình hành vi tăng cân cho con của họ, bao gồm chuẩn bị bữa ăn, tập thể dục  đều đặn và lập bảng theo dõi những việc làm theo hay không làm theo kế hoạch. Khi tăng cân thì việc trị liệu được chuyển sang giai đoạn 2. Nó kết hợp 3 yếu tố:

Cải tổ biểu tượng sai lạc về cơ thể và các niềm tin phí lí vào thức ăn.

Làm việc với gia đình để sửa đổi lại sự lúng túng, sự liên minh và trật tự không thích hợp trong gia đình.

Chuyển từ từ việc kiểm soát ăn cho người bị rối loạn.

Cuối cùng, gia đình có thể được hướng dẫn cách giải quyết vấn đề, và các kĩ năng giao tiếp. Robin và cs. (1995) đánh giá hịêu quả cách tiếp cận của họ, so sánh với trị liệu khích lệ cá nhân, trong một nhóm nữ vị thành niên từ 12-19 tuổi. Sau một năm nghiên cứu, cả hai kiểu trị liệu đều có hiệu quả tích cực, mặc dù không có sự khác biệt giữa hai nhóm.

Trị liệu phân tâm:

Khá nhiều nghiên cứu ca và nghiên cứu không kiểm soát cho thấy tiếp cận phân tâm học đối với điều trị chán ăn có hiệu quả với vị thành niên về các vấn đề thứ yếu. Tuy nhiên cũng không có nhiều nghiên cứu so sánh hiệu quả của cách tiếp cận này với các tiếp cận khác. Một trong số đó là của Dare và cs. (2001). Can thiệp phân tâm học được thực hiện trong một thời gian tương đối hạn chế, trung bình 24 buổi trong giai đoạn một năm. Trong đó, nhà trị liệu không đóng vai trò là người hướng dẫn, chỉ đạo, không đưa ra lời khuyên về ăn uống hoặc các vấn đề khác trong quản trị triệu chứng. Thay vào đó, họ lí giải ý nghĩa vô thức và ý thức của các triệu chứng trong mối quan hệ với tiền sử cá nhân, hậu quả của các triệu chứng và ảnh hưởng của nó trong các mối quan hệ hiện nay của họ, sự biểu hiện của các ảnh hưởng đó trong mối quan hệ với nhà trị liệu. Dare và cs. (2001) so sánh hiệu quả của các tiếp cận này với tiếp cận trị liệu gia đình của Rusell và cs. (1987), can thiệp trên cơ sở cá nhân có các yếu tố của cả tiếp cận phân tâm và nhận thức, và một trạng thái hỗ trợ lỏng lẻo trong đó những người tham gia không được trị liệu theo hệ thống. Những người tham gia trong nghiên cứu có tiên lượng tương đối xấu. Tuổi khởi phát muộn, vấn đề tồn tại trong một khoảng thời gian dài và tình hình không cải thiện với các trị liệu khác. Tuy nhiên sau một năm dài can thiệp, 1/3 số phụ nữ đã không còn đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán chán ăn. Chỉ có 5% những người trong nhóm đối chứng cho thấy sự cải thiện. Như vậy không can thiệp nào hiệu qủa hơn can thiệp nào.

Can thiệp dược lí:

Can thiệp dược lí không cho hiệu quả đặc biệt trong điều trị chứng chán ăn. Jimerson và cs. (1993) tiến hành siêu phân tích tất cả các nghiên cứu có kiểm soát trong việc điều trị chứng chán ăn bằng thuốc chống trầm cảm và thuốc hướng thần để xem hiệu quả. Họ cho thấy có rất ít bằng chứng về hiệu quả. Sau tổng quan này, các nghiên cứu thử nghiệm cũng không làm thay đổi bức tranh chung. Mặc dù, điều trị bằng SSRIs có thể có hiệu quả trong điều trị trầm cảm đi kèm theo chán ăn, song không có bằng chứng nào về sự thay đổi chắc chắn trong những triệu chứng cơ bản của chứng chán ăn (Ferfuson và cs. 1999). Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ trong nghiên cứu này. Kaye và cs. (2001b) cho thấy can thiệp được thực hiện đối với những phụ nữ chán ăn được điều trị hoặc bằng fluoxetine hoặc bằng placebo có kiểm soát. Với những người được dùng fluoxetine, 63% có đáp ứng tốt như tăng cân, duy trì được mức cân nặng thoả đáng, cải thiện được sự ám ảnh, những triệu chứng rối loạn ăn cơ bản, và khí sắc. Chỉ có 16% trong số dùng placebo đạt được kết quả cân nặng đáng kể. Hiệu quả của can thiệp bằng thuốc có thể phụ thuộc vào sự sẵn sàng dùng thuốc của bệnh nhân, tỉ lệ này nói chung còn thấp. Trong một siêu phân tích những so sánh giữa trị liệu tâm lí và dùng thuốc, Bacaltchuk và cs. (2002) nhận thấy tỉ lệ thuyên giảm toàn bộ là 20% đối với những người điều trị bằng thuốc chống trầm cảm so với 39% trị liệu tâm lí. Tỉ lệ bỏ dở giữa chừng ở người dùng thuốc chống trầm cảm cao hơn người trị liệu tâm lí.

Can thiệp đối với chứng cuồng ăn

Trị liệu hành vi nhận thức

Trái ngược với can thiệp trong chán ăn, đối với chứng cuồng ăn có kết cấu hơn và tiên lượng tốt hơn (Anderson và Maloney 2001). Một trong những cách trị liệu hành vi nhận thức tiên phong trong chứng cuồng ăn là tiếp cận 3 giai đoạn (Fairburn 1997). Giai đoạn thứ nhất có 2 mục tiêu: chứng minh sự cần thiết phải trị liệu, và hai là thay đổi thói quen ăn vô độ bằng một hình thức ăn đều đặn hơn. Việc ăn tập trung nghiêm túc vào 3 bữa chính thêm 2 đến 3 bữa nhẹ có kế hoach trước, không được cho nôn hoặc các hành vi tương tự khác. Điều này thường không làm tăng cân. Ngược lại, giảm tần số ăn uống vô độ có thể giúp giảm cân. Các hoạt động giúp tiêu hao năng lượng như tắm, gặp gỡ bạn bè có thể được sử dụng để giảm nguy cơ ăn uống vô độ. Một khi bữa ăn được thực hiện đều đặn, ý muốn nôn sẽ giảm một cách tự nhiên. Tuy nhiên ở đây còn có một vấn đề nữa là có thể cần phải sử dụng tiếp tục những hành vi để kìm chế ăn trong vòng một giờ hoặc hơn sau khi ăn. Việc sử dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu nên chấm dứt vào giai đoạn này với việc giảm dần bằng các chương trình được đưa ra cho những người không có khả năng thực hiện điều đó ngay lập tức. Để trợ giúp cho quá trình này, phổ biến cho các nhân thấy rằng các chiến lược không nhằm ngăn cản sự hấp dẫn của thức ăn. Phần cuối của giai đoạn này, những buổi trị liệu có thể bao gồm cả thân chủ và bạn bè thân thiết, họ hàng, với mục đích đưa ra là một môi trường có thể hỗ trợ sự thay đổi hành vi.

Giai đoạn thứ hai bao gồm sử dụng cả quy trình hành vi và nhận thức nhằm chống lại sự định kiến hình dáng và cân nặng và những nhận thức lệch lạc khác. Can thiệp hành vi có thể bao gồm ăn những loại thức ăn trước đây né tránh, nếu cần có thể tăng năng lượng đầu vào. Điều này được thực hiện theo hệ thống thứ bậc, bắt đầu từ những thức ăn có thể chấp nhận được cho đến những thức ăn có thể gây ra lo âu mức độ nặng hoặc mong muốn ăn vô độ hoặc dùng thuốc xổ ruột. Cùng thời điểm đó, thân chủ được khuyến khích nhận diện những sự thừa nhận tiêu cực về hình dáng và cân nặng của họ, và tìm kiếm bằng chứng để củng cố hoặc chống lại chúng bằng cách sử dụng kĩ thuật thách thức khả năng nhận thức. Fairburn (1997) chỉ ra rằng rất nhiều thân chủ có vốn suy nghĩ như vậy rất hạn chế, gây ra bởi nhiều những tình huống khác nhau. Bằng cách xem xét đi xem xét lại những suy nghĩ đó và những tình huống gây ra những suy nghĩ đó, tiềm lực và tính tự động của những ý nghĩ này được giảm một cách từ từ. Tiếp đó, việc kiểm tra giả thuyết hành vi gồm thực hiện một cách từ từ những hành vi trước đây né tránh và gây sợ hãi như phơi bày hình thể bằng cách mặc đồ bó sát, cởi bỏ quần áo ở bể bơi  hoặc thậm chí không mặc đồ trong bóng tối.

Giai đoạn thứ ba liên quan đến việc duy trì những sự tiến bộ đạt được trong 2 giai đoạn đầu, cân nhắc chiến lược ngăn ngừa tái phát khi trị liệu đã kết thúc.

Trị liệu hành vi - nhận thức được xem như là sự lựa chọn của trị liệu tâm lí đối với chứng cuồng ăn (Anderson và Maloney 2001). Trị liệu này thường cho kết quả tốt nhanh chóng cũng như lâu dài. Ví dụ, Wilson (1996) cho rằng trung bình có khoảng 55% người tham gia trị liệu hành vi nhận thức không xổ ruột nữa đến cuối đợt trị liệu và những người đó tiếp tục thuyên giảm rất nhiều. Còn những người tiếp tục dùng thuốc tẩy thì cũng giảm rất nhiều số lần dùng thuốc: trung bình có 86% giảm số lần dùng thuốc nhuận tràng. Các cứ liệu theo dõi lâu dài cũng rất đáng khích lệ. Fairburn và cs. (1995) thông báo rằng 63% các ca của họ không tái lại sau gần 6 năm tiếp theo. So sánh trị liệu hành vi và trị liệu hành vi nhận thức cho thấy, cả hai đều có hiệu quả ngang nhau trong việc làm giảm ăn vô độ - xổ ruột ngay sau khi bắt đầu trị liệu. Tuy nhiên trị liệu hành vi nhận thức có ưu thế hơn trong việc giảm ‘gốc rễ tâm bệnh’  của những nhận thức sai lạc về mặt hình thể, cân nặng, và việc duy trì những thay đổi trong một thời gian dài (Fairburn 1997).

Tâm lí trị liệu liên cá nhân

Một cách tiếp cận trị liệu tâm lí khác cũng khá hiệu quả trong trị liệu cuồng ăn. Tâm lí trị liệu liên cá nhân (IPT) tập trung chủ yếu vào những chiến lược cải thiện mối quan hệ liên cá nhân trong việc loại trừ bất kỳ vấn đề trị liệu nào khác. Fairburn và cs. thấy rằng nó kém hiệu quả hơn trị liệu nhận thức trong các đợt trị liệu ngắn ngày. Tuy nhiên kết quả sau 1 năm không còn khác biệt và đối với những người tham gia IPT vẫn tiếp tục có sự cải thiện. Tỉ lệ thuyên giảm ở thời điểm này là 46% với IPT và 39% với trị liệu nhận thức. Các tác giả cho rằng những trường hợp có kết quả tốt của IPT là nhờ sự cải thiện giá trị bản thân và các mối quan hệ, điều đó làm cho hình thể và cân nặng trở nên không quá quan trọng đối với cá nhân. Do hiệu quả của IPT gián tiếp hơn so với các phương pháp nhận thức nên nó cần nhiều thời gian hơn để thể hiện rõ rệt.

Can thiệp dược lí

Nói chung, thuốc chống trầm cảm cho cuồng ăn làm giảm tần số ăn vô độ với tỉ lệ trung bình là 56%, so sánh với 11% của placebo. (Jimerson và cs. 1993). Tuy nhiên rất nhiều người trị liệu bằng thuốc chống trầm cảm đã bỏ dở giữa chừng do bị phụ thuộc vào thuốc. Thêm vào đó, tỉ lệ tái phát ở nhóm này lên đến 30% - 45% sau khoảng 4-6 tháng bỏ điều trị. Jimerson và cs. (1993) tổng kết số liệu đã cho thấy rằng khoảng 50% số người dùng thuốc chống trầm cảm theo đơn có sự cải thiện, tuy nhiên chỉ 1/3 trong đó duy trì được sự thuyên giảm.

Ba trong số năm nghiên cứu so sánh trị liệu hành vi nhận thức với can thiệp dược lí cho thấy sự không có sự khác nhau về hiệu quả. (Bacaltchuk và cs. 1999). Hai nghiên cứu cho thấy can thiệp bằng nhận thức hành vi tốt hơn. Nhìn chung, tỉ lệ thuyên giảm kéo dài trong nhóm dùng thuốc chống trầm cảm 20%, và ở tiếp cận nhận thức 39%. Tỉ lệ bỏ dở cũng cao hơn ở những người dùng thuốc chống trầm cảm so với trị liệu nhận thức: 40% so với 18%. Một trong những nghiên cứu này, Agras và cs. (1994) phân chia ngẫu nhiên số phụ nữ mắc chứng cuồng ăn vào một số dạng trị liêu, bao gồm một đợt trị liệu ngắn bằng thuốc chống trầm cảm, trị liệu hành vi nhận thức hoặc trị liệu kết hợp. Sau 4 tháng, cả trị liệu nhận thức và kết hợp đều hiệu quả hơn dùng thuốc đơn thuần trong trị liệu ăn vô độ và xổ ruột. Những kết quả trên được duy trì một năm tiếp theo đó. Đến thời điểm này 18% những người dùng thuốc đã không còn ăn vô độ và xổ ruột so với 78% tỉ lệ của những người được trị liệu kết hợp.

Bài viết cùng chuyên mục

Bằng chứng và phục hồi trí nhớ

Trong cuộc tranh luận về tính chân thực của trí nhớ khôi phục, mỗi bên đều đưa ra bằng chứng để khẳng định ý kiến của mình đồng thời để nghi ngờ những ý kiến đối lập.

Những yếu tố trong phạm vi trị liệu hành vi bất thường

Việc tự bạch diễn ra khi nhà trị liệu kể cho thân chủ những câu chuyện tương ứng với tình huống của thân chủ, như những trải nghiệm tương tự, ý nghĩ, cảm xúc và phản ứng của cá nhân.

Loạn dục đa dạng hành vi bất thường

Không dễ dàng gì phân biệt đâu là hoạt động tình dục “bình thường” và đâu là “không bình thường”. Tuy vậy cũng có những hành vi tình dục dễ dàng xếp vào “không bình thường”. ở đây muốn đề cập đến loạn dục đa dạng (paraphilias).

Trị liệu tâm thần phân liệt

Trị liệu sốc điện (ECT) là cho dòng điện phóng qua não trong một khoảng thời gian ngắn nhằm mục đích nhằm gây ra các cơn co giật kiểu động kinh, giúp cải thiện trạng thái tâm thần.

Rối loạn xác định giới hành vi dị thường

Để giải thích mong muốn thay đổi dương vật, Ovesey & Person nhấn mạnh rằng những người loạn dục chuyển đổi giới không lo lo sợ bị thiến như những cậu bé khác.

Rối loạn thần kinh tâm lý dị thường

Trong chấn thương sọ não, các quá trình nhận thức cũng có thể bị tổn thiệt đáng kể, tuy nhiên sau đó nó có thể được hồi phục một phần

Xơ vữa rải rác tâm lý dị thường

Tiến trình MS rất khác nhau ở các cá nhân. ít có trường hợp khởi phát trước 15 tuổi; 20% số trường hợp bị MS có dạng khởi đầu giống như một bệnh trong đó các triệu chứng hầu như không tiến triển sau khi xuất hiện.

Rối loạn chức năng tình dục

Chưa có nhiều những đánh giá về can thiệp nhận thức trong trị liệu rối loạn cương cứng, mặc dù Goldman và Carroll cũng đã thông báo kết quả của một số xemina.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hành vi dị thường

Người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực (bipolar disorder) trải qua cả trầm cảm và những giai đoạn hưng cảm. Theo DSM-IV-TR, cơn hưng cảm bao gồm ít nhất ba trong số các triệu chứng.

Bản chất và nguyên nhân trầm cảm

Hệ thống phân loại bệnh DSM-IV-TR (APA 2000) định nghĩa một giai đoạn trầm cảm chủ yếu khi có sự xuất hiện của ít nhất 5 trong số các triệu chứng, trong tối thiểu 2 tuần.

Rối loạn cảm xúc theo mùa hành vi dị thường

Chỉ có số ít những người có các triệu chứng trầm trọng, kéo dài qua cả mùa đông mới được chẩn đoán là SAD

Trị liệu lo âu

Benzodiazepine tốt nhất, Valium mới được đưa ra thị trường vài năm, vào giữa những năm 1980, các benzodiazepine là thuốc hướng thần được chỉ định rộng rãi nhất.

Tiến trình trị liệu hành vi bất thường

Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ nhờ sự phát triển phong phú và đa dạng của những phương pháp khác nhau, phỏng vấn lâm sàng vẫn là công cụ chính để tìm hiểu vấn đề của thân chủ. Shea (1998) đưa ra 6 mục tiêu của sự đánh giá ban đầu.

Rối loạn tăng động giảm chú ý

Rất nhiều trẻ em có một số đặc điểm của ADHD. Ranh giới không rõ ràng giữa hành vi “bình thường” và “bệnh lí” và tiềm ẩn sự lạm dụng chẩn đoán ADHD để bắt những đứa trẻ quậy phá phải điều trị.

Sử dụng heroin tâm lý dị thường

Các opiate là một nhóm các loại chất gây nghiện chiết xuất từ cây thuốc phiện. Những chiết xuất chủ yếu, theo thứ tự về khả năng gây nghiện là thuốc phiện, moocphin và heroin.

Chấn thương sọ não tâm lý dị thường

Chấn thương sọ não kín xuất hiện khi đầu bị va chạm mạnh nhưng không có tổn thương hộp sọ hoặc vết thương não đặc biệt. Dạng chấn thương như vậy thường gây ra sự chấn động toàn bộ não trong hộp sọ và tổn thương lan toả.

Rối loạn hoảng sợ hành vi dị thường

Yếu tố trung tâm của phản ứng hoảng sợ là sự kích thích sinh lí ở mức độ cao, khởi đầu là sự hoạt hoá của vùng dưới đồi và được trung gian bởi hệ thần kinh giao cảm.

Nguyên nhân của tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là trung tâm của cuộc tranh luận khoa học về bản chất và vai trò của dinh dưỡng trong sự phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần. Có lẽ chiếm ưu thế là mô hình nguyên nhân của tâm thần phân liệt khi cho rằng nó có căn nguyên sinh học.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt của DSM

Chỉ cần 1 trong các triệu chứng đó khi có hoang tưởng kỳ quái hoặc ảo thanh bình phẩm hành vi hay ý nghĩ của cá nhân hoặc ảo thanh là 2 hay nhiều giọng nói trò chuyện với nhau.

Nguyên nhân những vấn đề sức khoẻ tâm thần

Có rất nhiều tài liệu khác nhau tập trung vào những yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tâm thần. Những yếu tố này không tác động một cách riêng rẽ mà có sự kết hợp với nhau tạo thành nguy cơ xuất hiện các rối loạn tâm thần ở cá nhân.

Bản chất của tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một trong những chẩn đoán tâm thần gây nhiều tranh cãi nhất. Trải qua các thời kỳ, người ta vẫn còn tranh luận rằng  liệu có thật sự tồn tại một trạng thái tâm thần phân liệt, nó là do di truyền hay do môi trường.

Rối loạn lo âu lan toả hành vi dị thường

DSM-IV-TR (APA 2000) định nghĩa rối loạn lo âu lan toả (GAD - Generalized anxiety disorder) là sự lo âu hay phiền muộn quá mức và kéo dài liên tục, xuất hiện ngày càng nhiều trong một khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng.

Trị liệu trầm cảm

Những thuốc chống trầm cảm mạnh nhất được phát triển đó chính là  những chất ức chế monoamine oxidaze (MAOIs). Các thuốc này ngăn ngừa monoamine oxidaze phân huỷ norepinephrine ở trong khe xi nap và giúp duy trì tác dụng của nó.

Giải thích về trị liệu sinh học hành vi dị thường

Những giải thích và trị liệu sinh học các rối loạn tâm thần dựa trên cơ sở rằng hành vi và cảm xúc được điều hành bởi các hệ thống của não. Những hệ thống này cho phép chúng ta tiếp nhận thông tin, tích hợp thông tin với trí nhớ và các yếu tố nổi bật khá.

Những quan điểm hiện đại về tính dị thường

Mô hình không tưởng cho rằng chỉ có những người nào đạt được mức độ tối đa so với khả năng của mình trong cuộc sống thì họ mới không có những vấn đề về sức khỏe tâm thần.