- Trang chủ
- Sách y học
- Sinh lý y học
- Chức năng tạo nước tiểu sinh lý của thận
Chức năng tạo nước tiểu sinh lý của thận
Cầu thận được cấu tạo bởi một mạng lưới mao mạch, xếp song song, và được bao quanh bởi bao Bowman.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Chức năng tạo nước tiểu của thận được thực hiện thông qua 3 quá trình:
Quá trình lọc ở cầu thận.
Quá trình tái hấp thu các chất từ ống thận vào máu.
Quá trình bài tiết một số chất từ máu vào ống thận.
Nước tiểu là kết quả của cả 3 quá trình trên.
Quá trình lọc ở cầu thận
Cầu thận được cấu tạo bởi một mạng lưới mao mạch xếp song song và được bao quanh bởi bao Bowman. Dịch được lọc từ huyết tương vào trong bao Bowman gọi là dịch lọc cầu thận. Trong quá trình lọc, dịch phải đi qua màng lọc cầu thận.
Màng lọc cầu thận
Hình. Cấu tạo màng lọc cầu thận.
Màng lọc cầu thận gồm 3 lớp (hình 3) theo thứ tự đi từ lòng mao mạch vào bao Bowman:
Lớp tế bào nội mô của mao mạch cầu thận có hàng ngàn lỗ nhỏ gọi là các “cửa sổ”
Các lỗ nhỏ có kích thước 160 A0.
Màng đáy:
Là một mạng lưới các sợi collagen và proteoglycan đan chéo nhau tạo thành, giữa các sợi có các khe nhỏ với kích thước khoảng 110 A0.
Tế bào biểu mô thành bao Bowman:
Là những tế bào biểu mô rất to, hình thể không đều đặn, có nhiều tua bào tương dài và lớn nằm song song với màng đáy. Từ những tua bào tương này phát sinh nhiều tua nhỏ thẳng góc và tận cùng trên màng đáy với những khoảng cách đều nhau. Những tua nhỏ này tạo ra những khe hở với kích thước khoảng 70 A0.
Như vậy, dịch lọc từ phía mạch máu đi vào bao Bowman phải đi qua 3 lớp của màng lọc cầu thận với các lỗ lọc có kích thước nhỏ dần. Mặc dùì có nhiều lớp nhưng màng lọc cầu thận rất xốp và có tính thấm lớn hơn mao mạch các nơi khác hàng trăm lần. Tuy tính thấm rất lớn như vậy nhưng màng cũng có tính chọn lọc cao đối với các phân tử mà nó cho qua. Tính chọn lọc của màng phụ thuộc vào 2 yếu tố:
Kích thước và trọng lượng của các phân tử qua màng:
Các chất có trọng lượng và kích thước phân tử nhỏ như nước, Na+, Glucose, inulin... thì đi qua dễ dàng. Ngược lại, các chất có kích thước và trọng lượng phân tử lớn hơn như myoglobin, albumin, huyết cầu... rất khó đi qua.
Lực tích điện của các phân tử qua màng:
Các lỗ của màng đáy được lát bằng phức hợp proteoglycan tích điện âm rất mạnh, các phức hợp proteoglycan này sẽ đẩy các phân tử cùng dấu. Do đó, các phân tử tích điện âm khó đi qua màng hơn các phân tử tích điện dương dù chúng có cùng kích thước. Các albumin của huyết tương cũng tích điện âm và chính lực tích điện của thành lỗ lọc đã ngăn cản không cho các phân tử albumin đi qua màng.
Trong một số bệnh lý ở thận (viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, đái tháo đường...), khả năng tích điện âm của màng đáy giảm xuống, một lượng lớn albumin có thể đi qua màng lọc, ống thận không tái hấp thu hết được và xuất hiện trong nước tiểu. Vì vậy, albumin niệu là một trong những xét nghiệm dùng để chẩn đoán một số bệnh thận.
Thành phần của dịch lọc cầu thận
Dịch lọc cầu thận có thành phần gần giống huyết tương, không có huyết cầu, lượng protein trong dịch lọc rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/200 của huyết tương. Vì có rất ít protein (mang điện tích âm) nên theo cân bằng Donnan, các ion âm trong dịch lọc sẽ cao hơn so với nồng độ của chúng trong huyết tương chừng 5%, còn nồng độ các ion dương thì lại thấp hơn so với nồng độ của chúng trong huyết tương chừng 5%.
Cơ chế lọc qua màng lọc cầu thận
Quá trình lọc ở cầu thận cũng có cơ chế như sự trao đổi chất ở các mao mạch có áp suất thủy tĩnh cao khác trong cơ thể. Đó là cơ chế thụ động, phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa các áp suất bên trong mao mạch cầu thận và bao Bowman. Các áp suất đó gồm có:
Áp suất thủy tĩnh của mao mạch thận (PH):
Áp suất này có tác dụng đẩy nước và các chất hòa tan từ mao mạch cầu thận vào bao Bowman. Bình thường, áp suất trong mao mạch thận khoảng 60 mm Hg.
Áp suất keo trong mao mạch cầu thận (PK):
Áp suất keo do protein trong mao mạch tạo nên. Áp suất này có giá trị khoảng 32 mm Hg.
Áp suất thủy tĩnh trong bao Bowman (PB):
Áp suất này ngăn cản sự lọc. Bình thường có giá trị khoảng 18 mm Hg.
Áp suất lọc hữu hiệu (PL):
Là áp suất thực sự có tác dụng đẩy dịch qua màng lọc cầu thận, áp suất lọc hữu hiệu được tính bằng:
P L = PH - (PK + PB) = 60 - (32 + 18) = 10 mm Hg.
Quá trình lọc chỉ xảy ra khi PL > 0 hay PH > P K + PB.
Tốc độ lọc cầu thận
Tốc độ lọc cầu thận là lượng huyết tương được lọc trong 1 phút ở toàn bộ cầu thận của cả 2 thận.
Ở người bình thường, trong một phút có khoảng 1.200 ml máu chảy qua hai thận (chứa 650 ml huyết tương), nhưng chỉ có 125 ml huyết tương được lọc qua màng lọc cầu thận vào bao Bowman và gọi là tốc độ lọc cầu thận.
Trong một ngày đêm, toàn bộ cầu thận lọc được khoảng 180 lít dịch. Tuy nhiên, có tới 99% số dịch này được tái hấp thu ở ống thận, chỉ có một lượng nhỏ (1 - 1,5 lít) tạo thành nước tiểu thải ra ngoài.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ lọc cầu thận
Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ lọc cầu thận: lưu lượng máu ở thận, áp suất lọc hữu hiệu PL , hệ số lọc (Kf).
Ảnh hưởng của lưu lượng máu ở thận:
Khi lưu lượng máu ở thận tăng lên sẽ làm tăng tốc độ lọc cầu thận. Ngược lại, khi lưu lượng máu giảm, tốc độ lọc cũng giảm xuống.
Ảnh hưởng của hệ số lọc Kf:
Hệ số lọc Kf là tỷ lệ giữa lưu lượng và áp suất lọc:
Kf = (lưu lượng)/ (áp suất lọc) = (125ml/phút)/ (10mmHg) = 12,5 ml/phút/mmHg.
Hệ số lọc Kf thể hiện khả năng lọc của mao mạch cầu thận. Hệ số này phụ thuộc vào tính thấm và diện tích của mao mạch cầu thận.
Do mao mạch cầu thận có tính thấm cao (gấp vài trăm lần nơi khác) và có diện tích rất lớn nên bình thường, hệ số Kf có giá trị rất cao gấp 400 lần so với các mao mạch khác trong cơ thể.
Khi diện tích hoặc tính thấm mao mạch cầu thận thay đổi, hệ số lọc Kf cũng thay đổi theo và ảnh hưởng đến tốc độ lọc cầu thận.
Diện tích mao mạch cầu thận giảm khi thận bị tổn thương làm một số lượng lớn cầu thận mất chức năng.
Tính thấm mao mạch cầu thận thay đổi trong các trường hợp bệnh lý như đái tháo đường, cao huyết áp mãn tính... Khi đó, màng lọc cầu thận dày lên làm giảm tính thấm, giảm hệ số lọc Kf và giảm tốc độ lọc cầu thận.
Ảnh hưởng của áp suất lọc hữu hiệu PL:
Tốc độ lọc cầu thận phụ thuộc chủ yếu vào áp suất lọc hữu hiệu. Vì vậy, những yếu tố ảnh hưởng đến áp suất lọc hữu hiệu cũng ảnh hưởng đến tốc độ lọc cầu thận, những yếu tố này bao gồm: Áp suất thủy tĩnh trong mao mạch cầu thận (PH), áp suất keo của huyết tương (PK), áp suất thủy tĩnh trong bao Bowman (PB).
Áp suất thủy tĩnh của bao Bowman:
Áp suất này có trị số thấp và dịch lọc vào bao Bowman được chuyển ngay sang ống thận nên ít ảnh hưởng đến tốc độ lọc cầu thận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý làm tắc nghẽn ống thận (sỏi, u...), áp suất thủy tĩnh trong bao Bowman sẽ tăng lên làm giảm tốc độ lọc.
Áp suất keo của huyết tương:
Áp suất này tuy khá cao nhưng ít dao động nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ lọc cầu thận.
Áp suất thủy tĩnh của mao mạch cầu thận:
Đây là áp suất ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ lọc cầu thận. Khi áp suất thủy tĩnh mao mạch cầu thận tăng, tốc độ lọc tăng lên. Ngược lại, khi áp suất này giảm, tốc độ lọc cầu thận cũng giảm xuống.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến áp suất thủy tĩnh mao mạch cầu thận:
Sự thay đổi của huyết áp hệ thống.
Sự co giãn của tiểu động mạch đến và tiểu động mạch đi
Sự thay đổi của huyết áp hệ thống:
Khi huyết áp hệ thống thay đổi trong khoảng 75 - 160 mm Hg, thận có khả năng tự điều hòa nên áp suất thủy tĩnh mao mạch cầu thận vẫn giữ được ổn định. Tuy nhiên, khi trị số huyết áp thay đổi ngoài mức trên, khả năng điều hòa của thận không đáp ứng được làm thay đổi tốc độ lọc cầu thận. Nếu huyết áp tăng quá cao, tốc độ lọc cầu thận sẽ tăng lên. Ngược lại, khi huyết áp giảm , tốc độ lọc cầu thận giảm xuống. Nếu huyết áp giảm quá thấp, có thể gây nên thiểu niệu, vô niệu.
Sự co giãn của tiểu động mạch đến:
Khi lưu lượng máu đi vào cầu thận tăng hơn bình thường, tiểu động mạch đến sẽ co lại để giữ cho áp suất mao mạch cầu thận không tăng lên. Cơ chế co lại của tiểu động mạch đến là do lưu lượng máu đến thận nhiều, cơ trơn tiểu động mạch đến bị căng giãn ra làm nó co lại.
Ngược lại, khi lưu lượng máu đến thận giảm, tiểu động mạch đến sẽ giãn ra để giữ cho áp suất mao mạch cầu thận không bị giảm xuống. Cơ chế giãn ra của tiểu động mạch đến do nhiều yếu tố gây nên:
Do lưu lượng máu đến thận ít, tế bào cơ trơn tiểu động mạch đến sẽ giãn ra.
Do cơ chế feedback ống thận - cầu thận: khi tốc độ lọc cầu thận giảm, dịch lọc chảy chậm trong ống thận, sự hấp thu tăng lên làm giảm Na+ và Cl- trong dịch lọc. Hai ion này giảm sẽ tác động lên các tế bào macula densa của ống lượn xa gây nên tác dụng điều hòa ngược làm giãn tiểu động mạch đến và tăng tiết renin để tăng lưu lượng máu thận và tốc độ lọc cầu thận.
Sự co lại của tiểu động mạch đi:
Khi lưu lượng máu đi vào cầu thận giảm hơn bình thường hoặc chế độ ăn có Na+ thấp, thể tích dịch lọc cầu thận và Na+ trong dịch lọc giảm xuống, các tế bào macula densa của ống lượn xa sẽ bị tác động gây ra cơ chế feedback ống thận - cầu thận làm giãn tiểu động mạch đến đồng thời kích thích bộ máy cạnh cầu thận tăng bài tiết renin và tăng tạo angiotensin II. Angiotensin II có 2 tác dụng:
Làm tăng huyết áp để tăng lưu lượng máu thận.
Co tiểu động mạch đi để tăng áp suất trong mao mạch cầu thận.
Hai tác dụng này sẽ làm tăng tốc độ lọc cầu thận.
Quá trình tái hấp thu và bài tiết ở ống thận
Sau khi lọc vào bao Bowman, dịch lọc cầu thận được chuyển liên tục vào hệ thống ống thận của nephron gồm ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa và ống góp.
Khi dịch lọc đi qua hệ thống ống thận, tại các tế bào biểu mô của ống thận sẽ xảy ra quá trình tái hấp thu và bài tiết một số chất để biến dịch lọc cầu thận thành nước tiểu. Trong đó, quá trình tái hấp thu có tính chọn lọc rất cao và được thực hiện theo 2 cơ chế tích cực và thụ động.
Quá trình tái hấp thu và bài tiết xảy ra khác nhau ở mỗi đoạn của ống thận.
Tái hấp thu và bài tiết ở ống lượn gần
Cấu tạo tế bào ống lượn gần có những đặc điểm sau:
Chứa nhiều ty lạp thể.
Trên màng tế bào có nhiều protein mang.
Màng tế bào phía lòng ống có bờ bàn chải làm tăng diện tích tiếp xúc với dịch trong ống thận lên khoảng 20 lần.
Vì vậy, khả năng tái hấp thu của tế bào ống lượn gần rất mạnh.
Tái hấp thu Na+:
Na+ được hấp thu khoảng 65% ở ống lượn gần theo cơ chế như sau:
Ở bờ bên và bờ đáy của tế bào, Na+ được vận chuyển theo cơ chế tích cực nguyên phát vào dịch kẽ nhờ Na+-K+-ATPase, điều này dẫn đến 2 hiện tượng:
Nồng độ Na+ trong tế bào giảm xuống so với dịch trong lòng ống thận.
Do nồng độ Na+ trong tế bào giảm xuống nên điện thế trong tế bào cũng giảm xuống thấp hơn điện thế dịch trong lòng ống.
Như vậy, giữa tế bào biểu mô và dịch ống thận xuất hiện một bậc thang điện hóa. Nhờ đó, ở phía bờ bàn chải, Na+ được vận chuyển từ lòng ống thận vào trong tế bào xuôi chiều bậc thang điện hóa theo cơ chế khuếch tán dễ dàng với sự hỗ trợ của protein mang nằm trên bờ bàn chải.
Tái hấp thu Glucose:
Glucose được tái hấp thu hoàn ở phần đầu của ống lượn gần theo cơ chế vận chuyển tích cực thứ cấp cùng protein mang với Na+ như sau:
Khi Na+ được vận chuyển theo cơ chế khuếch tán dễ dàng xuôi chiều bậc thang điện hóa từ lòng ống thận vào trong tế bào, protein mang gắn với Na+ nhưng đồng thời nó cũng gắn với glucose và vận chuyển đồng thời cả 2 chất đi qua bờ bàn chải vào bên trong tế bào. Năng lượng vận chuyển glucose sinh ra từ cơ chế vận chuyển xuôi theo chiều bậc thang nồng độ của Na+. Nhờ đó, glucose được vận chuyển ngược bậc thang nồng độ vào trong tế bào. Ở đó, glucose sẽ đi vào dịch kẽ theo 2 cách: khuếch tán đơn thuần hoặc khuếch tán dễ dàng.
Khi nồng độ glucose thấp hơn 180 mg/100 ml huyết tương (180 mg%), ống lượn gần sẽ tái hấp thu hết glucose trong dịch lọc. Vì vậy, glucose không xuất hiện trong nước tiểu. Nhưng khi nồng độ glucose tăng cao hơn 180 mg%, ống lượn gần không thể hấp thu hết glucose và glucose bắt đầu xuất hiện trong nước tiểu. Vì vậy, nồng độ glucose 180 mg% được gọi là ngưỡng đường của thận.
Tuy nhiên, khi nồng độ glucose trong huyết tương tăng cao hơn ngưỡng đường của thận, ống lượn gần vẫn có khả năng tái hấp thu thêm một lượng glucose nữa nhưng khả năng này cũng chỉ giới hạn ở một mức nào đó. Nếu trên mức độ đó, tế bào biểu mô ống lượn gần không có khả năng tái hấp thu thêm nữa. Lượng glucose được tái hấp thu ở giới hạn đó được gọi là mức vận chuyển glucose tối đa (Transport Maximum of Glucose: TmG).
Bình thường TmG = 320 mg/phút.
Tái hấp thu protein và acid amin:
Acid amin được tái hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực thứ cấp cùng với Na+ tương tự như tái hấp thu glucose.
Riêng protein được hấp thu theo cơ chế ẩm bào như sau: protein trong dịch lọc tiếp xúc với tế bào biểu mô tại bờ bàn chải, màng tế bào lõm vào và đưa phân tử protein vào bên trong tế bào. Tại đó, protein được phân giải thành các acid amin rồi đi vào dịch kẽ qua màng đáy theo cơ chế khuếch tán dễ dàng. Quá trình vận chuyển này cũng cần năng lượng nên đây cũng là một hình thức vận chuyển tích cực.
Tái hấp thu nước:
Ống lượn gần có tính thấm đối với nước rất cao. Khi Na+ và glucose được tế bào ống lượn gần tái hấp thu, nước cũng được tái hấp thu thụ động theo cơ chế thẩm thấu. Khoảng 65% nước được tái hấp thu ở đây, tương đương 117 lít/24 giờ.
Còn lại khoảng 63 lít tiếp tục đi vào quai Henle, do nước được hấp thu tương ứng với Na+ nên dịch đi vào quai Henle là dịch đẳng trương.
Tái hấp thu Cl - và ure:
Khi nước được tái hấp thu thụ động theo Na+ và glucose, nồng độ Cl- và ure trong dịch lòng ống tăng lên. Vì thế, 2 chất này sẽ được tái hấp thu thụ động theo cơ chế khuếch tán đơn thuần. Tuy nhiên, do tế bào biểu mô ống lượn gần kém thấm với ure nên chỉ khoảng 50% ure trong dịch lọc được tái hấp thu. Còn Cl-, ngoài chênh lệch nồng độ còn có sự chênh lệch điện thế do Na+ tái hấp thu làm dịch lòng ống tích điện (-) nên được tái hấp thu thụ động khá mạnh. Ngoài ra, ở phần sau của ống lượn gần, Cl- còn được tái hấp thu theo cơ chế tích cực thứ cấp cùng với Na+.
Khoảng 65% Cl- được tái hấp thu ở ống lượn gần.
Tái hấp thu HCO3- và bài tiết H +:
Khi protein mang vận chuyển Na+ từ lòng ống vào tế bào xuôi theo chiều bậc thang điện hóa, nó cũng vận chuyển ngược chiều H+ từ trong tế bào đi ra lòng ống (vận chuyển ngược chiều).
Khi H+ đi ra lòng ống, nó sẽ kết hợp với HCO3- tạo ra H2CO3 và giúp hấp thu HCO3- theo cơ chế như sau:
Hình: Cơ chế hấp thu HCO3-.
Như vậy, cứ 1 H+ bài tiết thì ống lượn gần tái hấp thu 1 HCO3-. Quá trình này xảy ra mạnh khi cơ thể bị nhiễm acid và góp phần quan trọng vào cơ chế điều hòa thăng bằng acid - base của cơ thể.
Tái hấp thu K +:
Khoảng 65% K+ trong dịch lọc được tái hấp thu tích cực tại ống lượn gần.
Tái hấp thu ở quai Henle
Dịch đổ vào quai Henle là dịch đẳng trương. Ở đó, một phần nước và Na+ tiếp tục được tái hấp thu. Tuy nhiên, cơ chế tái hấp thu khác nhau giữa nhánh xuống và nhánh lên.
Ở nhánh xuống:
Tế bào biểu mô của đoạn này có tính thấm cao đối với nước, thấm vừa với Na+ và Cl-. Do đó, nước được tái hấp thu mạnh theo cơ chế khuếch tán thụ động nhờ áp suất thẩm thấu dịch kẽ xung quanh tăng cao (do quá trình tái hấp thu Na+ khá mạnh ở nhánh lên tạo ra), đồng thời Na+và Cl-khuếch tán từ bên ngoài dịch kẽ ưu trương vào lòng ống làm cho nồng độ Na+ tăng lên và dịch trong lòng ống trở nên ưu trương dần, đạt đỉnh cao nhất ở chóp quai (1.200 mOsm/L).
Ở nhánh lên:
Nhánh lên quai Henle có 2 phần: nhánh lên mỏng và nhánh lên dày. Quá trình tái hấp thu ở 2 phần này khác nhau.
Ở nhánh lên mỏng, tế bào có tính thấm cao đối với Na+ và Cl- nhưng không thấm nước. Vì vậy, do dịch trong lòng ống rất ưu trương nên Na+và Cl- khuếch tán ra dịch kẽ làm mức độ ưu trương trong ống giảm dần trong khi dịch kẽ lại trở nên rất ưu trương.
Ở nhánh lên dày, tế bào vẫn không thấm nước nhưng có khả năng tái hấp thu mạnh Na+và Cl- theo cơ chế tích cực thứ phát. Vì vậy, dịch trong lòng ống giảm ưu trương dần và khi đổ vào ống lượn xa thì trở thành dịch nhược trương (100 mOsm/L). Trong khi đó, dịch kẽ xung quanh lại trở nên ưu trương. Điều này rất thuận lợi cho quá trình tái hấp thu nước để cô đặc nước tiểu ở ống góp.
Như vậy, sự tái hấp thu nước ở quai Henle chỉ diễn ra ở nhánh xuống theo cơ chế thẩm thấu với lượng khoảng 27 lít/24 giờ. Còn lại 36 lít đổ vào ống lượn xa là dịch nhược trương.
Riêng Na+ và Cl- được tái hấp thu ở nhánh lên theo 2 cơ chế: khuếch tán đơn thuần ở nhánh lên mỏng và tích cực thứ cấp ở nhánh lên dày. Lượng Na+ và Cl- được tái hấp thu ở đây khoảng 25%.
Do quá trình tái hấp thu nước ở nhánh xuống và tái hấp thu Na+ ở nhánh lên nên áp suất thẩm thấu ở dịch kẽ thận tăng dần từ vùng vỏ vào vùng tủy, càng đi sâu vào vùng tủy thận, áp suất thẩm thấu càng tăng cao (gấp 4 lần vùng vỏ: 1.200 mOsm/L).
Cơ chế tái hấp thu nước và Na+ ở quai Henle làm cho áp suất thẩm thấu ở nhánh lên quai Henle và trong dịch kẽ tăng cao dần từ vùng vỏ vào vùng tủy trong khi dòng chảy trong nhánh lên đi từ vùng tủy ra vùng vỏ gọi là cơ chế tăng nồng độ ngược dòng. Cơ chế này tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình tái hấp thu nước ở ống góp.
Tuy nhiên, cơ chế tăng nồng độ ngược dòng chỉ xảy ra đối với các nephron vùng gần tủy mà thôi.
Đối với các nephron vùng vỏ, do xung quanh quai Henle có mạng mao mạch rất phong phú nên khi Na+ và Cl- từ lòng ống tái hấp thu vào dịch kẽ thì được các mao mạch hấp thu và chuyển đi ngay. Vì vậy, dịch kẽ thận xung quanh các nephron này không có hiện tượng ưu trương.
Còn các nephron vùng gần tủy sở dĩ duy trì được sự ưu trương trong dịch kẽ tủy thận là do đặc điểm cấu tạo cũng như hoạt động tái hấp thu của mạch thẳng Vasa recta:
Mạch thẳng Vasa recta có 2 nhánh, nhánh xuống và nhánh lên tương tự quai Henle và chạy bên cạnh quai Henle. Quá trình tái hấp thu ở mạch thẳng Vasa recta xảy ra gần giống như quai Henle. Ở nhánh xuống, nước khuếch tán từ máu ra dịch kẽ, Na+và Cl- khuếch tán từ dịch kẽ vào máu làm máu trong mạch thẳng ưu trương dần và đạt đỉnh cao nhất ở chóp quai (1.200 mOsm/L). Ở nhánh lên, quá trình xảy ra ngược lại, nước từ dịch kẽ lại khuếch tán vào máu, trong khi Na+và Cl- khuếch tán từ máu vào dịch kẽ. Máu chảy trong mạch thẳng rất chậm nên mang đi rất ít Na+ và Cl-, bảo đảm cho dịch kẽ tủy thận luôn luôn ưu trương.
Tái hấp thu và bài tiết ở ống lượn xa
Cấu tạo của tế bào biểu mô ống lượn xa không có bờ bàn chải nên diện tích tiếp xúc với dịch lọc trong ống không lớn. Tuy nhiên, tế bào ông lượn xa cũng có những đặc điểm cấu tạo:
Bào tương có nhiều ty lạp thể.
Màng tế bào có nhiều protein mang, nhiều Na+-K+-ATPase và H+-ATPase.
Vì vậy, tế bào ống lượn xa cũng có quá trình vận chuyển tích cực mạnh.
Tái hấp thu Na +:
Dịch vào ống lượn xa còn khoảng 10% Na+. Tại đây, Na+ tiếp tục được tái hấp thu theo cơ chế như ở ống lượn gần:
Vận chuyển tích cực ở bờ bên và bờ đáy nhờ Na+-K+-ATPase.
Khuếch tán dễ dàng ở bờ lòng ống.
Tuy nhiên, tái hấp thu Na+ ở phần sau của ống lượn xa còn có sự hỗ trợ tích cực của một hormon vỏ thượng thận là aldosteron. Aldosteron có tác dụng tăng tổng hợp protein mang của Na+ ở trên màng tế bào ống lượn xa.
Tái hấp thu nước:
Dịch đổ vào ống lượn xa là dịch nhược trương. Tuy nhiên, ơ íphần đầu của ống lượn xa có đặc điểm tương tự nhánh lên quai Henle là không thấm nước. Vì vậy, dịch trong đoạn này của ống lượn xa càng trở nên nhược trương. Ngược lại, phần sau của ống lượn xa lại có khả năng thấm nước. Vì vậy, khả năng tái hấp thu nước của đoạn này khá mạnh vì các lý do sau:
Dịch trong ống rất nhược trương.
Quá trình tái hấp thu Na+ mạnh nhờ sự hỗ trợ của Aldosteron.
Có sự hỗ trợ tích cực của ADH (Anti Diuretic Hormon), một homon của vùng dưới đồi. ADH có tác dụng làm tăng tính thấm của màng tế bào biểu mô ống lượn xa đối với nước. Vì vậy, khi thiếu ADH, sự hấp thu nước ở ống lượn xa giảm và bệnh nhân sẽ bị bệnh đái tháo nhạt.
Nước được tái hấp thu ở ống lượn xa khoảng 18 lít/24 giờ. Còn lại khoảng 18 lít tiếp tục đi vào ống góp. Do sự tái hấp thu nước ở ống lượn xa nhiều hơn tái hấp thu Na+ nên dịch đổ vào ống góp là dịch đẳng trương.
Tái hấp thu Cl -:
Cl- được tái hấp thu chủ yếu theo cơ chế vận chuyển tích cực thứ cấp cùng với Na+.
Bài tiết K+:
Tế bào biểu mô ống lượn xa bài tiết K+ thừa để điều hòa K+ máu theo cơ chế như sau:
Trong quá trình tái hấp thu Na+, ở bờ bên và bờ đáy tế bào, bơm Na+-K+-ATPase liên tục vận chuyển Na+ từ trong tế bào vào dịch kẽ nhưng đồng thời nó cũng vận chuyển K+ từ dịch kẽ vào tế bào làm K+ trong tế bào tăng lên cao hơn trong lòng ống. Vì vậy, K+ thấm qua màng tế bào đi vào lòng ống.
Bài tiết H+:
H+ được bài tiết theo cơ chế vận chuyển tích cực nguyên phát để điều hòa pH máu. Yếu tố chịu trách nhiệm cho sự bài tiết này chính là H+-ATPase nằm trên màng tế bào phía lòng ống. Nhờ đó, H+ được bài tiết theo cơ chế vận chuyển tích cực ngược bậc thang nồng độ để bảo đảm cho pH máu luôn hằng định trong khoảng 7,38 - 7,4 dù rằng pH nước tiểu có thể rất acid.
Quá trình bài tiết H+ ở ống lượn xa tăng lên khi cơ thể bị nhiễm acid:
Hình: Quá trình bài tiết H+.
Bài tiết NH3:
NH3 được bài tiết theo cơ chế khuếch tán thụ động.
Tế bào ống lượn xa chứa nhiều enzym glutaminase nên có khả năng sản xuất NH3 từ glutamin:
Glutamin + H2O -----(Glutaminase)----- Acid glutamic + NH3
Ngoài ra, NH3 cũng có thể được tạo thành từ quá trình khử amin của một số acid amin khác.
Do hòa tan trong lipid rất dễ dàng nên NH3 tạo thành sẽ khuếch tán thụ động qua màng tế bào biểu mô để đi vào lòng ống. Tại đó sẽ xảy ra phản ứng:
NH3 + H + === NH4+
NH 4+ + Cl- === NH 4Cl
NH4 Cl được đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
Tái hấp thu ở ống góp
Quá trình tái hấp thu và bài tiết các chất ở ống góp tương tự ống lượn xa. Trong đó, tái hấp thu nước là một chức năng rất quan trọng.
Ống góp chạy từ vùng vỏ vào vùng tủy. Dịch đi vào ống góp là dịch đẳng trương nhưng quá trình tái hấp thu nước ở đây cũng khá mạnh do 2 yếu tố sau:
Ống góp chạy trong một vùng tủy rất ưu trương.
Có sự hỗ trợ đắc lực của ADH.
Khi ống góp chạy từ vùng vỏ vào vùng tủy, do áp lực thẩm thấu trong dịch kẽ tăng cao dần (cơ chế tăng nồng độ ngược dòng), nước được tái hấp thu theo cơ chế thẩm thấu. Sự tái hấp thu nước ở đây còn có sự hỗ trợ tích cực của ADH. Vì vậy, lượng nước được tái hấp thu khá lớn, khoảng 16,5 lít, nước tiểu được cô đặc còn khoảng 1,5 lít đổ vào bể thận rồi theo niệu quản xuống chứa ở bàng quang.
Bài viết cùng chuyên mục
Chức năng gan của trẻ sơ sinh
Bởi vì gan của trẻ sơ sinh thiếu hình thành các protein huyết tương, nồng độ protein huyết tương giảm trong những tuần đầu ít hơn trẻ lớn. Thỉnh thoảng nồng độ protein máu giảm đến mức thấp gây phù.
Kiểm soát giải phóng năng lượng trong tế bào
Cơ chế xúc tác phản ứng hoá học của enzyme, trước hết là nhờ sự kết hợp lỏng lẻo với một trong các chất phản ứng, thay thế cầu nối bền chặt trong phân tử chất để có thể phản ứng được với các chất khác.
Chức năng hành vi của vùng dưới đồi và cấu trúc liên kết với hệ limbic
Cùng với chức năng thực vật và nội tiết, sự kích thích hay thương tổn vùng dưới đồi cũng gây ảnh hưởng lớn đến hành vi cảm xúc của động vật và con người. Một số ảnh hưởng hành vi do sự kích thích vùng dưới đồi.
Tiêu hóa hấp thu và chuyển hóa năng lượng của thức ăn và chất dinh dưỡng
Thông thường tỉ lệ chuyển hóa của trẻ sơ sinh so với trọng lượng cơ thể gấp đôi người lớn, chúng giải thích cho thực tế rằng hiệu suất của tim và thể tích hô hấp trong một phút gấp đôi người lớn so với trọng lượng cơ thể.
Kênh cổng điện thế natri và kali
Khi các kênh kali mở, chúng vẫn mở cho toàn bộ thời gian điện thế màng hoạt động và không đóng lại cho đến khi điện thế màng được giảm trở lại một giá trị âm.
Hệ thần kinh thực vật chi phối đường tiêu hóa
Sự kích thích hệ giao cảm sẽ ức chế hoạt động của đường tiêu hóa, đối lập với hệ phó giao cảm. Nó tác động theo 2 đường: tác dụng trực tiếp của norepinephrine và do norepinephrine.
Thần kinh giao cảm và phó giao cảm: điều chỉnh nhịp điệu và xung động co bóp
Sự gia tăng tính thấm với các ion canxi ít nhất là một nguyên nhân cho sự gia tăng sức co bóp của cơ tim dưới tác động của kích thích giao cảm, bởi vì các ion canxi kích thích quá trình co bóp của các tơ cơ.
Sự sinh tinh và sinh lý của tinh trùng người
Sự sinh tinh xảy ra ở ống sinh tinh nhờ sự điều hòa của các hormon điều hòa sinh dục của tuyến yên. Sự sinh tinh bắt đầu vào khoảng 13 tuổi và kéo dài trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời nhưng giảm đi rõ rệt khi về già.
Cảm giác xúc giác: sự phát hiện và dẫn truyền
Mặc dù, cảm giác đụng chạm, áp lực và rung là phân loại thường gặp khi phân chia các cảm giác, nhưng chúng được nhận biết bởi các loại receptor giống nhau.
Cấu trúc chức năng tế bào của Phospholipid và Cholesterol - Đặc biệt đối với màng
Phospholipids và cholesterol hình thành các yếu tố cấu trúc các tế bào là tốc độ đổi mới chậm của các chất trong hầu hết các mô ngoài mô gan được tính theo tháng hoặc theo năm.
Hệ thống điều hòa của cơ thể
Nhiều hệ điều hòa có trong từng cơ quan nhất định để điều hòa hoạt động chức năngcủa chính cơ quan đó; các hệ thống điều hòa khác trong cơ thể lại kiểm soát mối liên hệ giữa các cơ quan với nhau.
Chức năng sinh lý của thể hạnh nhân
Thể hạnh nhân nhận xung động thần kinh từ vùng vỏ limbic, và cả từ thùy thái dương, thùy đỉnh và thùy chẩm – đặc biệt từ vùng thính giác và thị giác. Do những phức hợp liên kết này, thể hạnh nhân được gọi là “cửa sổ”.
Phân ly ô xy hemoglobin thay đổi do BPG và lao động nặng
Trong khi lao động, một số yếu tố chuyển dịch đồ thị phân ly sang phải một cách đáng kể. Do đó cung cấp thêm O2 cho hoạt động, co cơ. Các cơ co sẽ giải phóng một lượng lớn khí CO2.
Thị lực: chức năng của thị giác
Thị lực người thường có thể phân biệt được 2 điểm các nhau khoảng 25 giây cung. Nghĩa là khi các tia sáng đi từ hai nguồn riêng đi đến mắt tạo một góc giữa chúng tối thiểu là 25 giây, chúng sẽ được xem là hai điểm riêng biệt.
Hoàn thiện của tinh trùng là thụ tinh với trứng
Có rất nhiều biến đổi xảy ra trong giai đoạn hoàn thiện tinh trùng mà nếu không có chúng, tinh trùng không thể xâm nhập vào bên trong trứng cà thực hiện quá trình thụ tinh.
Vùng vận động bổ xung: chức năng vận động của vỏ não và thân não
Vùng vận động bổ sung có bản đồ hình chiếu khác nữa để chi phối chức năng vận động. Vùng này nằm chủ yếu ở khe dọc giữa nhưng kéo dài vài cm lên trên vùng vỏ não trán trên.
Lách: kho dự trữ hồng cầu
Trong mô lách, các mao mạch thì cho máu thấm qua, bao gồm các tế bào hồng cầu, máu rỉ ra từ các thành của mao mạch vào các mắt xích nằm ngang khớp nhau, tạo nên mô lách màu đỏ.
Chuyển động mắt theo đuổi: chú ý các đối tượng chuyển động
Nếu một đối tượng chuyển động lên xuống kiểu sóng với tốc độ vài lần mỗi giây, mắt đầu tiên có thể không chú ý vào nó. Tuy nhiên, sau một giây hoặc lâu hơn, mắt bắt đầu cử động bằng cách giật.
Hình thành bạch huyết của cơ thể
Hệ thống bạch huyết cũng là một trong những con đường chính cho sự hấp thụ các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa, đặc biệt là cho sự hấp thụ của hầu như tất cả các chất béo trong thực phẩm.
Giải phóng năng lượng từ Glucose theo con đường Pentose Phosphate
Con đường Pentose Phosphate có thể cung cấp năng lượng một cách độc lập với tất cả các enzym của chu trình citric acid và do đó là con đường thay thế cho chuyển hóa năng lượng khi có bất thường của enzym xảy ra trong tế bào.
Trí nhớ ngắn hạn của con người
Nhiều nhà sinh lý học cho rằng loại trí nhớ ngắn hạn này do sự tiếp tục của hoạt động thần kinh từ tín hiệu các dây thần kinh đi vòng quanh và vòng quanh một dấu vết trí nhớ tạm thời ở một vòng của neuron phản xạ.
Dẫn truyền xung động từ tận cùng thần kinh tới sợi cơ vân: Khớp thần kinh cơ
Điện thế hoạt động bắt đầu lan truyền trong các sợi cơ vân bởi các xung thần kinh đi theo cả hai hướng về phía tận cùng sợi cơ.
Block nhĩ thất không hoàn toàn: chặn đường truyền tín hiệu điện tim
Một điện tâm đồ có P-R kéo dài khoảng 0.3s thay vì bình thường khoảng 0,2s hoặc ít hơn. Do đó, block độ 1 được định nghĩa là sự chậm dẫn truyền từ nhĩ đến thất chứ không phải mất hẳn dẫn truyền.
Chu kỳ gan ruột của muối mật trong tiêu hóa và hấp thu chất béo
Khoảng 94% muối mật ở ruột non sẽ được tái hấp thu vào trong máu, khoảng một nửa số này sẽ được khuếch tán qua niêm mạc ruột non và phần còn lại được tái hấp thu thông qua quá tŕnh vận chuyển tích cực ở niêm mạc ruột.
Mãn kinh ở phụ nữ
Khi mãn kinh, cơ thể người phụ nữ phải điều chỉnh từ trạng thái sinh lý được kích thích bởi estrogen và progesterone sang trạng thái không còn các hormone này.