Sự phát triển bộ phận phụ phôi thai

2013-04-11 10:10 PM

Khi thai chứa quá nhiều nước, lượng nước thừa được đào thải vào khoang ối, khi phôi thai mất nước nó sẽ hấp thụ nước ối.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Những bộ phận phụ của phôi thai là những cấu trúc phát sinh từ trứng thụ tinh nhưng ít hay không góp phần vào sự cấu tạo cá thể. Chúng đảm nhiệm chức năng dinh dưỡng, che trở và bảo vệ phôi thai. Khi trẻ ra đời, chúng sẽ bị thải ra ngoài hoặc đã bị thoái hóa và biến đi.

Những bộ phận phụ của phôi thai người gồm: màng ối, túi noãn hoàng, niệu nang, màng đệm và lá nuôi.

Rau cũng là bộ phận phụ của phôi thai, rau được cấu tạo một phần bởi các mô rau thai (màng đệm) và một phần bởi mô của mẹ (nội mạc thân tử cung). Rau nối với thai bởi dây rốn. Khi sinh, rau bong ra và bị thải ra ngoài cùng với dây rốn.

Màng ối và khoang ối

Khoang ối, từ một khoang nhỏ nằm ở mặt lưng phôi (mặt ngoại bì) đến cuối tháng thứ nhất khi phôi đã khép mình trở thành một khoang ngày càng lớn chứa đựng toàn bộ phôi. Trong khoang ối, phôi tắm mình trong nước ối. Còn màng ối được cấu tạo bởi 2 lớp: ngoại bì màng ối được lót ngoài bởi trung bì màng ối, một phần của lá thành trung bì ngoài phôi.

Sự phát triển tiếp tục của màng ối, khoang ối và sự tạo ra nước ối

Khi phôi tiếp tục lớn lên, khoang ối ngày càng to ra, nước ối ngày càng được tạo ra nhiều, màng ối ngày càng giãn rộng ra tiến sát tới màng đệm. Phần lá thành trung bì ngoài phôi phủ ngoại bì màng ối tới sát nhập vào màng đệm. Vì vậy, khoang ngoài phôi ngày càng hẹp lại và cuối cùng biến mất.

Khoang ối chứa đầy một chất lỏng  gọi là nước ối. Nước ối có lẽ được tạo thành một phần bắt nguồn từ huyết thanh mẹ vì nồng độ các chất hòa tan trong nước ối giống nồng độ các chất ấy trong huyết thanh mẹ và một phần do các tế bào màng ối tạo ra. Khối lượng nước ối tăng dần tới cuối kỳ thai sống trong bụng mẹ, lúc bấy giờ khoang ối chứa khoảng 1 lít nước ối.

Quá trình sản sinh và hấp thu nước ối là một quá trình không đổi, nước ối được sinh ra bao nhiêu lại được hấp thu bấy nhiêu. Ngày nay, người ta biết rằng nước ối được trao đổi với cơ thể mẹ qua hệ tuần hoàn rau, bởi vậy nước ối luôn luôn được đổi mới.

Chức năng

Nhờ nước ối chứa bên trong, màng ối và khoang ối đảm nhiệm nhiều chức năng:

Chức năng cơ học:

Che trở cho phôi thai chống những sốc phát sinh từ môi trường bên ngoài.

Cho phép thai được cử động tự do.

Làm cho thai không dính vào màng ối.

Chức năng chống khô cho thai:

Phôi thai tắm mình trong nước ối nên không bị khô.

Chức năng giữ cân bằng lượng nước trong phôi thai:

Nước ối có quan hệ trực tiếp với sự giữ cân bằng lượng nước trong phôi thai. Khi thai chứa quá nhiều nước, lượng nước thừa được đào thải vào khoang ối, khi phôi thai mất nước nó sẽ hấp thụ nước ối.

Túi noãn hoàng, niệu nang, dây rốn

Túi noãn hoàng

Túi noãn hoàng phát sinh từ nội bì phôi và được bọc ngoài bởi lá tạng trung bì ngoài phôi. Trong quá trình khép mình của phôi, do sự tạo ra các nếp gấp bên của phôi, nôị bì cuốn lại thành một ống kín 2 đầu gọi là ruột nguyên thủy. Ở đoạn giữa, lúc mới đầu ruột nguyên thủy còn mở rộng vào túi noãn hoàng. Trong quá trình bành trướng của khoang ối, do bị khoang ối chèn ép, túi noãn hoàng dài ra và chỉ còn thông với ruột nguyên thủy bởi một cái cuống hẹp gọi là cuống noãn hoàng. Ở động vật có vú, chức năng nuôi dưỡng phôi do rau đảm nhiệm và túi noãn hoàng không chứa noãn hoàng do đó nó không phát triển, chỉ tồn tại trong phôi như một cơ quan thô sơ. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển phôi thai (trong 2 tháng đầu), túi noãn hoàng đảm nhiệm chức năng quan trọng là tạo huyết và tạo mạch. Về sau, túi noãn hoàng sẽ thoái triển rồi biến đi.

Niệu nang

Niệu nang được tạo ra từ nội bì túi noãn hoàng ở phía đuôi phôi, dưới dạng một túi thừa hình ngón tay và phát triển vào trong cuống phôi. Ở phôi động vật có vú, sự trao đổi khí và sự đào thải chất cặn bã được tiến hành qua rau, vì vậy niệu nang không phát triển.  Ở người, niệu nang không tiến tới màng đệm, đoạn ngoài phôi của nó nằm trong đoạn đầu của dây rốn, một phần đoạn trong phôi tham gia sự tạo bàng quang, phần còn lại của đoạn này tồn tại ở người trưởng thành  dưới dạng dây sơ gọi là dây chằng rốn - bàng quang.

Dây rốn

Do kết quả của sự khép mình của phôi, cuống phôi chứa niệu nang từ phía đuôi phôi dần dần di chuyển về phía bụng phôi, tiến gần tới cuống noãn hoàng. Tới đầu tháng thứ 2 của quá trình phát triển phôi người, do sự bành trướng của khoang ối, 2 cuống ấy sát nhập với nhau để tạo ra dây rốn, nối rốn thai với rau.

Sơ đồ phôi tuần thứ 5, thấy các cấu trúc đi qua vòng rốn

Hình: Sơ đồ phôi tuần thứ 5, thấy các cấu trúc đi qua vòng rốn (A), sơ đồ dây rốn (B).

Cấu tạo dây rốn: dây rốn được bao ngoài bởi màng ối. Bên trong màng ối là khối trung mô được biệt hóa thành một mô nhầy chứa nhiều chất gian bào vô hình gọi là chất đông Wharton. Dây rốn chứa 2 động mạch rốn và một tĩnh mạch rốn phát sinh từ trung mô tại chỗ. Túi noãn hoàng, niệu nang chứa trong đoạn đầu của dây rốn thoái hóa sớm. Khi trẻ ra đời, dây rốn có đường kính trung bình khoảng 2 cm, dài khoảng 50cm.

Rau thai

Sự hình thành rau thai

Rau được tạo ra một phần bởi mô phôi thai (màng đệm có nhung mao) và một phần bởi mô mẹ (màng rụng rau).

Sơ đồ phôi người ở đầu tháng thứ hai.

Hình: Sơ đồ phôi người ở đầu tháng thứ hai.

Sự phát triển của màng đệm và sự tạo ra phần rau thuộc mô phôi thai

Sự tạo rau bắt đầu từ khi trứng thụ tinh làm tổ trong nội mạc tử cung của người mẹ.

Trong tuần thứ 3 của quá trình phát triển phôi người, do sự phát triển của trung mô màng đệm vào trong trục của nhung mao lá nuôi nguyên phát đã tạo ra những nhung mao đệm. Vào khoảng đầu tháng thứ 2, những nhung mao đệm thấy trên khắp mặt trứng (H. 2). Về sau, khoảng tháng thứ 3 nhung mao đệm chỉ còn  lại ở cực phôi và tiếp tục phát triển mạnh, ở các nơi khác trên mặt trứng chúng biến đi và màng đệm được chia thành 2 vùng: vùng màng đệm có nhung mao và vùng màng đệm nhẵn (không có nhung mao). Một mặt của màng đệm nhẵn dán vào nội mạc thân tử cung, còn mặt kia, khi khoang ối bành trướng, màng ối sẽ dán vào nó làm cho khoang ngoài phôi biến mất. Màng đệm có nhung mao sẽ tham gia vào sự cấu tạo phần rau thuộc phôi thai. Mỗi nhung mao đệm gồm một trục trung mô chứa những mạch máu phát sinh tại chỗ, được phủ mặt ngoài bởi lá nuôi gồm 2 lớp: lớp trong là lá nuôi tế bào, lớp ngoài là lá nuôi hợp bào (H. 3A). Hệ thống mạch máu trong trục liên kết nhung mao đệm nối tiếp với mạch máu màng đệm và dây rốn hình thành hệ mạch ngoài phôi, hệ thống mạch máu này nối tiếp với mạch máu trong phôi.

Từ tháng thứ 2 của quá trình phát triển phôi thai, vùng màng đệm có nhung mao tiến ngày càng sâu vào nội mạc tử cung, phá hủy nội mạc thân tử cung tạo ra những khoảng trống nằm xung quanh các nhung mao đệm gọi là những khoảng gian nhung mao, chứa máu mẹ lưu thông. Các nhung mao đệm phát triển mạnh chia nhánh nhiều lần, từ thân chính của nhung mao phát sinh ra nhiều nhánh.

Từ tháng thứ 4, ở các nhung mao đệm, lớp tế bào lá nuôi biến đi dần dần và trong 2 tháng cuối của thời kỳ thai, mỗi nhánh nhung mao đệm chỉ gồm một trục liên kết chứa mạch và một lớp lá nuôi hợp bào phủ ngoài trục đó.  Những nhung  mao  đệm nhúng trong máu mẹ lưu thông trong các khoảng gian nhung mao.

Sự phát triển của nội mạc tử cung trong thời gian có thai và sự tạo ra phần rau thuộc mẹ

Trứng thụ tinh làm tổ trong nội mạc thân tử cung và nội mạc tử cung trong thời gian có thai được gọi là màng rụng.

Trứng thụ tinh làm tổ vào khoảng ngày thứ 7 của quá trình phát triển phôi, tương đương với ngày thứ 21 của chu kỳ kinh. Lúc đó nội mạc thân tử cung đang ở thời kỳ trước kinh (kỳ chế tiết) của chu kỳ kinh. Ở thời kỳ này, nội mạc tử cung dày lên, lớp đệm bị sung huyết phù nề, các tuyến tử cung dài, cong queo và hoạt động chế tiết mạnh. Trong thời gian có thai, nội mạc tử cung gọi là màng rụng có những biến đổi tiếp tục gọi là phản ứng màng rụng, được đặc trưng bởi:

Những biến đổi của tế bào liên kết ở bề mặt lớp đệm: các tế bào này tích trữ các chất dinh dưỡng và trương to lên biến thành các tế bào rụng nằm sát nhau thành một lớp giống biểu mô gọi là lớp đặc. Phản ứng màng rụng xảy ra vào khoảng ngày thứ 10 của quá trình phát triển phôi, tại lớp đệm ngay dưới lớp biểu mô. Các tuyến tử cung ở vùng này bị chèn ép bởi các tế bào rụng biến đi dần dần. Ở màng rụng rau, lớp đặc tạo nên phần rau thuộc mẹ.

Ở lớp sâu của màng rụng, ngay trên lớp cơ tử cung, đáy các tuyến tử cung giãn rộng, khúc khuỷu, chu vi không đều, biểu mô tuyến cao thấp không đều và dần dần biến mất. Do sự chèn ép của lớp đặc, lòng các tuyến tử cung dẹt dần lại và cuối cùng trở thành những khe hẹp tiếp tuyến với lớp cơ tử cung tạo thành lớp xốp, làm cho màng rụng rau dễ bong khi sổ rau.

Sơ đồ cấu trúc nhung mao ở giai đoạn phát triển khác nhau.

Hình: Sơ đồ cấu trúc nhung mao ở giai đoạn phát triển khác nhau.

A. Trong tuần thứ tư, B. Trong tháng thứ tư.

Màng rụng gồm 3 phần:

Màng rụng rau: là phần màng rụng nằm xen vào giữa trứng thụ tinh với cơ tử cung và tiếp xúc với nhung mao đệm của rau.

Màng rụng trứng: là phần màng rụng nằm ngay chỗ trứng đã lọt qua, nằm xen giữa trứng với khoang tử cung.

Màng rụng tử cung: Là phần còn lại của nội mạc thân tử cung, không chứa trứng và nằm đối diện với màng rụng trứng qua khoang tử cung.

Những biến đổi cấu tạo của màng rụng rau: những biến đổi của màng rụng rau tạo ra phần rau thuộc mẹ. Khi sổ rau, màng rụng rau chỉ chiếm khoảng 6mm chiều dày của rau. Lớp đặc của màng rụng rau bị phá hủy bởi lá nuôi phủ các nhung mao đệm. Sự phá hủy này là do tác dụng của những enzym tiêu protein được tiết ra bởi lá nuôi hợp bào. Ở chỗ các nhánh của nhung mao đệm ngày càng tiến sâu vào, mô liên kết của màng rụng rau bị phá hủy tạo ra các khoảng gian nhung mao  và các mạch máu trong mô đó cũng bị phá vỡ, máu tràn vào các khoảng gian nhung mao. Vì vậy, những nhung mao đệm nhúng trong máu mẹ lưu thông trong các khoảng gian nhung mao. Lá nuôicòn lan rộng ra để phủ mặt màng rụng rau, như vậy khoảng gian nhung mao hoàn toàn được phủ bởi những tế bào có nguồn gốc lá nuôi.

Sơ đồ mối quan hệ giữa các màng thai và thành tử cung.

Hình: Sơ đồ mối quan hệ giữa các màng thai và thành tử cung.

A. Cuối tháng thứ hai, B. Cuối tháng thứ ba.

Sự phá hủy lớp đặc của màng rụng rau không hoàn toàn, còn để lại những vùng tạo thành những vách ngăn định ranh giới cho những khoảng không đều gọi là múi rau. Các múi rau tạo thành những đơn vị giải phẫu của rau và chứa một số thân nhung mao đệm cùng với những nhánh của chúng nhúng trong máu mẹ. Trong múi rau, một số đầu nhung mao đệm đến dính vào vách ngăn gọi là nhung mao bám, một số nhung mao đệm khác lại luồn đầu của chúng vào miệng những mạch máu lớn của nội mạc tử cung mở vào các khoảng gian nhung mao.

Những biến đổi cấu tạo của màng rụng trứng: Vào khoảng ngày thứ 9 của quá trình phát triển phôi, khi phôi nang đã lọt hẳn vào thân nội mạc thân tử cung, ở chỗ phôi nang lọt qua, nội mạc được tái tạo để thành màng rụng trứng. Màng này mỏng hơn 2 màng rụng kia. Khi những nhung mao đệm được tạo ra ở cực đối phôi, chúng tiến vào màng rụng trứng và phá hủy màng rụng đó. Khoảng đầu tháng thứ 2, những nhung mao đệm này biến đi, màng đệm nhẵn, không có nhung mao.

Tới khoảng tháng thứ 4 của thời kỳ có thai, sự lớn lên rất nhanh của thai và sự bành trướng rất mạnh của khoang ối, màng ối đến sát nhập với màng đệm làm cho khoang ngoài phôi hẹp dần và biến mất. Ðồng thời màng rụng trứng cũng căng giãn và đến dán vào màng rụng tử cung làm khoang tử cung biến mất, biểu mô phủ 2 màng rụng sát nhập với nhau rồi tiêu đi,  2 màng  rụng này  không còn phân  biệt   được  nữa.

Ở nửa sau của thời kỳ có thai, 4 màng đã sát nhập với nhau: màng ối, màng đệm, màng rụng trứng, màng rụng tử cung tạo thành màng bọc thai. Các khoang ngoài phôi, khoang tử cung biến mất. Trong tử cung chỉ còn một khoang duy nhất là khoang ối chứa nước ối. Thai nằm lơ lửng và tắm mình trong nước ối của khoang ối và được nối với rau thai bởi dây rốn (H. 4B). Ở chỗ đối diện với lỗ trong của ống tử cung, vì màng rụng tử cung không có, màng rụng trứng rất mỏng nên màng đệm được coi như bị lộ trần.

Trong thời gian có thai, nội mạc ống tử cung ít biến đổi, chỉ có sự phì đại và sự chế tiết mạnh của các tuyến cổ tử cung, chất tiết của các tuyến này tạo thành một nút chất nhầy bịt kín ở cổ tử cung để bảo vệ thai nằm bên trong. Khi sinh, đầu tiên là nút này bật ra ngoài làm cho màng đệm bị lộ trần và rách, nước ối trào ra ngoài gọi là hiện tượng vỡ ối và tiếp theo là thai lọt khỏi lòng mẹ. Sau khi dây rốn bị cắt, rau cùng màng bọc thai bong ra và được tống ra ngoài.

Sơ đồ rau thai ở nửa sau của thời kỳ.

Hình: Sơ đồ rau thai ở nửa sau của thời kỳ.

Cấu tạo của rau đã phát triển đúng kỳ hạn

Sau tháng thứ 4 của thời kỳ có thai, rau được coi như đã hoàn thành cấu tạo, lúc đó rau chỉ còn lớn lên cho đến khi trẻ ra đời.  Lúc này rau có hình đĩa, đường kính khoảng 20 cm, dày khoảng 3 cm và trọng lượng khoảng 500gr.

Mặt trông vào khoang ối của rau nhẵn và được phủ bởi màng đệm và màng ối. Dây rốn đính vào giữa hoặc hơi lệch tâm ở mặt này. Từ chỗ dây rốn đính vào rau tỏa ra những mạch đệm thuộc mạch rốn (H.6 A).

Từ màng đệm của phần rau thuộc thai, xuất phát khoảng 200 thân chính chia nhánh nhiều lần làm thành những nhung mao đệm. Mỗi nhung mao đệm gồm một trục liên kết chứa  những nhánh nhỏ  của động mạch và  tĩnh mạch  đệm được nối với nhau bởi một lưới mao mạch đệm. Phủ ngoài trục liên kết là lá nuôi hợp bào, trên bề mặt của lá nuôi hợp bào có nhiều vi mao, lớp lá nuôi tế bào đã biến đi.

Sự chia nhánh nhiều lần của nhung mao đệm làm tăng diện tích trao đổi chất giữa máu mẹ lưu thông trong các khoảng gian nhung mao với máu thai lưu thông trong lưới mao mạch đệm. Diện tích trao đổi chất trên mặt các nhung mao đệm đạt tới 14 m2. Ngoài ra, sự có mặt của các vi mao trên mặt lá nuôi hợp bào còn làm cho diện tích trao đổi chất trên mặt các nhung mao đệm tăng lên gấp bội.

Phần rau được tạo bởi mô mẹ là lớp đặc của màng rụng rau. Khi rau đã sổ, ở mặt trông về phía tử cung có nhiều những rãnh nông định ranh giới cho các múi rau, những rãnh này tương ứng với những vách ngăn màng rụng rau. Có khoảng 15 - 20 múi rau, được phủ bởi một lớp mỏng màng rụng rau và bao lá nuôi tế bào, mỗi múi rau chứa một chùm nhung mao đệm.

Sơ đồ rau phát triển đầy đủ.

Hình: Sơ đồ rau phát triển đầy đủ.

A. Nhìn phía mặt thai của rau, B. Nhìn phía mặt trước của rau.

Chỗ bám của rau: trứng có thể làm tổ ở bất cứ chỗ nào trên thành tử cung, do đó rau có thể được tạo ra ở những vị trí khác nhau. Chỗ rau thường hay bám nhất là ở thành sau tử cung. Rau cũng có thể bám vào thành trước hoặc đáy tử cung. Trường hợp rau bám ở gần lỗ trong của ống tử cung  được gọi là rau tiền đạo, rau tiền đạo gây chảy máu nghiêm trọng trong nửa sau của thời kỳ có thai và trong khi sinh đẻ.

Tuần hoàn máu qua rau

Máu mẹ đến rau qua các dộng mạch tử cung. Trong thời gian có thai những động mạch này xoắn lại gọi là động mạch rau. Trong mỗi múi rau được phân bố bởi nhiều nhánh động mạch rau và máu lưu thông chậm trong các khoảng gian nhung mao. Do đó, sự trao đổi chất giữa máu mẹ lưu thông trong các khoảng gian nhung mao với máu thai lưu thông trong các mao mạch đệm nằm trong trục liên kết các nhung mao đệm được dễ dàng. Vì các múi rau không ngăn cách nhau hoàn toàn bởi các vách ngăn nên máu lưu thông từ múi rau này đến múi rau khác. Rồi máu mẹ rời các múi rau trở về cơ thể mẹ qua những lỗ lớn là miệng của các tĩnh mạch rau (tĩnh mạch tử cung) nằm trên mặt trong của múi rau.

Máu thai lưu thông trong các mao mạch đệm nằm trong trục liên kết các nhung mao đệm. Tĩnh mạch trong dây rốn thu nhận máu đã oxy hóa và được hấp thu chất dinh dưỡng trong mao mạch đệm qua các nhánh tĩnh mạch đệm nằm trong màng đệm và dẫn máu đó về thai. Ðộng mạch rốn xuất phát từ thai, qua dây rốn tới rau, đem lại cho động mạch đệm và các mao mạch đệm những chất cần thải ra.

Rau người chứa  khoảng 150ml máu, cứ  mỗi phút máu trong rau được đổi mới 3- 4 lần.

Hàng rào rau: trong điều kiện bình thường, ở bên trong rau, không bao giờ máu mẹ trộn lẫn với máu thai. Giữa máu mẹ và máu thai được ngăn cách nhau bởi những cấu trúc gọi là hàng rào rau. Sự trao đổi chất giữa máu mẹ và máu thai được tiến hành qua hàng rào này. Trước tháng thứ 4, hàng rào dày khoảng 25(m và gồm 4 lớp,từ ngoài vào trong có: lớp lá nuôi hợp bào, lớp lá nuôi tế bào, mô liên kết của trục nhung mao đệm và lớp tế bào nội mô của mao mạch đệm. Từ tháng thứ 4, do lớp lá nuôi tế bào và mô liên kết bao xung quanh các mạch máu thai trong trục nhung mao biến dần, nên lớp tế bào nội mô của mao mạch đệm tiến gần và nằm sát vào lớp lá nuôi hợp bào, làm giảm chiều dày của hàng rào rau. Như vậy, hàng rào rau cho đến khi sổ rau chỉ còn lại 2 lớp: lớp lá nuôi hợp bào và lớp tế bào nội mô của mao mạch đệm, lúc này chiều dày của nó khoảng 3,9(m. Do đó, sự trao đổi chất giữa máu mẹ máu thai qua hàng rào rau rất thuận lợi.

Chức năng của rau

Chức năng trao đổi chất:

Hàng rào rau thai.

Hình: Hàng rào rau thai.

A. Trước tháng thứ tư, B. Trong hai tháng cuối của thai kỳ.

1. khoảng gian nhung mao; 2. lớp lá nuôi hợp bào; 3; lớp lá nuôi tế bào; 4. mô liên kết của trục nhung mao đệm; 5. tế bào nội mô mao mạch đệm.

Rau là cơ quan đảm nhiệm chức năng trao đổi chất giữa cơ thể mẹ và thai. Sự trao đổi chất qua hàng rào rau tiến hành theo nhiều cơ chế khác nhau: khuếch tán, vận chuyển tích cực. Các chất được trao đổi qua rau bao gồm: chất khí, điện giải, nước,  hormones, kháng thể, amino acids , carbohydrates, lipids và các chất chuyển hóa khác

Chức năng bài tiết hormone

Những hormone rau bài tiết gồm: hormone hướng sinh dục, hormone hướng thân, progesteron, estrogen. Những hormone này do lớp lá nuôi hợp bào chế tiết.

Khoảng cuối tháng thứ 4, rau sản xuất progesteron đủ để duy trì sự mang thai thay thế cho hoàng thể bị thoái hóa. Ngoài progesteron, rau còn sản xuất hormone estrogen với hàm lượng tăng dần và đạt tối đa ngay trước lúc sinh. Sự giảm đột ngột của estrogen là một trong các yếu tố bắt đầu sự chuyển dạ.

Chức năng miễn dịch

Khả năng miễn dịch thụ động của thai là do immunoglobulin G từ máu mẹ lọt qua hàng rao rau sang thai. Nhờ đó, thai có tính miễn dịch tạm thời đối với một số bệnh như: thủy đậu, sởi, bạch hầu.

Mặc dù có sự ngăn cách giữa máu mẹ và máu thai bởi hàng rào rau, thường thường có một lượng nhỏ máu thai có thể lọt sang máu mẹ. Trong trường hợp không có sự hòa hợp về yếu tố RH, máu thai có RH+ và máu mẹ có RH- thì những kháng nguyên hồng cầu của thai xâm nhập vào máu mẹ kích thích cơ thể mẹ tạo kháng thể. Những kháng thể mẹ chống lại kháng nguyên thai được vận chuyển qua rau đến thai sẽ phá hủy hồng cầu thai gây nên bệnh vàng da hoại huyết cho thai.

Nhưng bộ phận phụ của thai nhi sinh đôi

Ða thai là nhiều thai (2,3,4 hoặc hơn) được sinh ra từ một cơ thể mẹ gần như cùng một lúc. Những thai này có thể cùng trứng hoặc khác trứng. Trường hợp đa thai hay gặp nhất là sinh đôi.

Thai cùng trứng

Ðó là trường hợp 2 thai phát sinh từ cùng một trứng thụ tinh bởi một tinh trùng. Sau khi thụ tinh, trứng phân chia thành 2 khối, mỗi khối phát triển thành một thai. Sự xếp đặt các bộ phận phụ của phôi thai ở những thai sinh đôi cùng trứng khác nhau, tùy theo giai đoạn phát triển mà trứng được phân đôi.

Nếu sự phân đôi xẩy ra ở giai đoạn 2 phôi bào (giai đoạn phân đôi sớm nhất), mỗi phôi bào phát triển độc lập thành một thai, mỗi thai có một rau, một màng đệm và một màng ối riêng.

Trong đa số trường hợp, sự phân đôi xẩy ra ở giai đoạn phôi nang sớm, cúc phôi bị xẻ thành 2 khối tế bào tách rời hẳn nhau, nằm trong cùng một khoang dưới mầm. Mỗi phôi có một khoang ối riêng nhưng chung nhau một khoang ngoài phôi, một màng đệm, một rau. Trường hợp cúc phôi bị xẻ thành 2 khối tế bào không tách rời nhau hoàn toàn mà còn dính nhau một phần, 2 khối tế bào này sinh ra 2 phôi chung nhau một khoang dưới mầm, một màng ối, một màng đệm và một rau.

Trong trường hợp sinh đôi cùng trứng, 2 cá thể sinh đôi thường có cùng giới tính và giống nhau về hình thái, sinh lý, tâm lý và đặc tính di truyền.

Thai khác trứng

Mối quan hệ của màng thai trong sinh đôi cùng trứng.

Hình: Mối quan hệ của màng thai trong sinh đôi cùng trứng.

A. Sự phân đôi xẩy ra ở giai đoạn hai phôi bào; B, C. Sự phân đôi xẩy ra ở giai đoan phôi nang.

Ðó là trường hợp 2 trứng được phóng noãn ở cùng thời gian và được thụ tinh bởi 2 tinh trùng khác nhau. Các hợp tử có cấu trúc hoàn toàn khác nhau và mỗi hợp tử làm tổ riêng biệt trong nội mạc thân tử cung của mẹ. Do đó, mỗi phôi có một màng ối riêng, một màng đệm và một rau riêng. Hai thai sinh đôi khác trứng có thể khác giới hoặc cùng giới.

Bài viết cùng chuyên mục

Hình thành hệ tiết niệu phôi thai

Thận và niệu quản phát sinh từ 2 dải trung bì trung gian, gọi là dải sinh thận, nằm dọc mỗi bên từ vùng đầu đến vùng đuôi phô,i và xen vào giữa các khúc nguyên thủy.

Biệt hóa ba lá phôi và hình dạng phôi hai tháng

Ở đầu tuần thứ 3, ngoại bì là một tấm biểu mô dẹt, rộng ở vùng đầu, hẹp ở vùng đuôi và phủ mặt lưng của nội bì.

Dị tật bẩm sinh ở người

Người ta đã phát hiện khá nhiều đột biến gen, gây ra những phát triển bất thường của cá thể, dẫn tới tử vong phôi, thai chết lưu, sảy thai.

Hình thành hệ tiêu hóa phôi thai

Vào khoảng giữa tuần thứ 3, nội bì ở đoạn xa của ruột trước dày lên tạo thành một mầm trước gọi là mầm gan nguyên thủy.

Hình thành bản phôi hai lá và ba lá

Ở sàn khoang ối, đại phôi bào của cúc phôi biệt hóa thành 2 lớp rõ rệt, một lớp bao gồm những tế bào hình trụ cao, tạo thành lá phôi ngoài.

Hình thành hệ tim mạch phôi thai

Khi 2 ống tim nội mô sát nhập với nhau, lá tạng của khoang màng ngoài tim tạo ra cơ tim và lá tạng màng ngoài tim, tế bào trung mô nằm sát với nội mô tạo màng trong tim.

Thụ tinh và làm tổ của trứng

Sau khi được hình thành trong ống sinh tinh, lúc này tinh trùng có hình dạng đặc trưng, nhưng chưa có khả năng di động, từ ống sinh tinh, tinh trùng tới mào tinh.

Sự hình thành hệ sinh dục phôi thai

Trong tuần thứ 4, sự tăng sinh của các tế bào biểu mô khoang cơ thể, và sự tụ đặc của trung mô nằm phía dưới, đã tạo ra gờ tuyến sinh dục.

Tạo giao tử phôi thai

Ở nam giới, những tế bào thuộc dòng tinh sinh sản, biệt hóa, tiến triển để cuối cùng sẽ tạo ra tinh trùng, tinh nguyên bào, tinh bào 1, tinh bào 2, tiền tinh trùng và tinh trùng.