- Trang chủ
- Phác đồ - Test
- Phác đồ điều trị bệnh lý nội tiết chuyển hóa
- Phác đồ quản lý bệnh cầu thận trong bệnh đái tháo đường
Phác đồ quản lý bệnh cầu thận trong bệnh đái tháo đường
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Nhận định chung
Bệnh lý cầu thận trong bệnh đái tháo đường thường được gọi tắt là bệnh thận đái tháo đường, thuộc nhóm biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh. Bệnh thận đái tháo đường có các đặc điểm:
Tiểu albumin liên tục (> 300mg/ngày hoặc > 200μg/phút) xác định ít nhất hai lần trong vòng 3-6 tháng.
Giảm dần độ lọc cầu thận.
Tăng huyết áp, có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu (bệnh đái tháo đường typ 2) hoặc trễ. Tỉ lệ lưu hành của bệnh thận đái tháo đường vào khoảng 40%, có sự khác biệt giữa bệnh đái tháo đường typ 1 và typ 2.
Người bệnh đái tháo đường typ 1 chưa có biến chứng khi mới mắc bệnh, nếu không điều trị đúng và đầy đủ, sau 20 năm, khoảng 30 - 40% người bệnh sẽ có biến chứng ở thận.
Người bệnh đái tháo đường typ 2 có thể có albumin niệu ngay lúc mới chẩn đoán, nếu không điều trị tích cực, khoảng 15 - 20% sẽ có bệnh thận đái tháo đường. Tuy nhiên vì tỉ lệ lưu hành của đái tháo đường typ 2 nhiều hơn nên sẽ có nhiều người bệnh đái tháo đường typ 2 bị bệnh thận giai đoạn cuối. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu đưa đến bệnh thận giai đoạn cuối và lọc thận.
Phác đồ quản lý bệnh thận đái tháo đường
Bao gồm dinh dưỡng, kiểm soát glucose huyết, điều trị tăng huyết áp, chú trọng hạn chế phospho và kali ở bệnh thận giai đoạn cuối. Bệnh cần được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Khi cần, có thể hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa thận (từ giai đoạn 3 của bệnh thận mạn tính) và tim mạch. Mục tiêu điều trị của người bệnh bị bệnh thận ĐTĐ:
HbA1c # 7%.
Huyết áp < 130/80 mmHg.
Kiểm soát lipid huyết: LDL <100mg/dL (2,6mmol/L) nếu chưa có biến cố tim mạch.
Điều trị tăng glucose huyết
Các nghiên cứu cho thấy tăng glucose huyết là một trong các yếu tố quyết định chính làm bệnh thận tiến triển.
Ở giai đoạn đầu, kiểm soát glucose huyết tốt sẽ giảm tình trạng tăng lọc cầu thận.
Ở giai đoạn 1- 3, kiểm soát glucose huyết tích cực làm giảm diễn tiến albumin niệu, ổn định, thậm chí đảo ngược bệnh thận đái tháo đường.
Mục tiêu HbA1c lúc này có thể là 6,5 - 7%. Tuy nhiên, do hầu hết các thuốc điều trị tăng glucose huyết đều được thải qua thận nên cần thận trọng chọn lựa hoặc chỉnh liều thích hợp để tránh nguy cơ hạ glucose huyết.
Ở giai đoạn 4 - 5 của bệnh thận mạn tính, tình trạng đề kháng insulin làm glucose huyết khó ổn định, thường cần liều insulin cao hơn. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối, sự thoái giáng insulin ở thận suy giảm, ngoài ra người bệnh thường chán ăn, do đó cần liều insulin thấp hơn.
Cần theo dõi kỹ để tránh các cơn hạ glucose huyết. Trong bệnh thận giai đoạn cuối có thể không cần dùng đến insulin.
Lựa chọn thuốc điều trị tăng glucose huyết ở người bệnh đái tháo đường có bệnh thận mạn tính
Metformin
Có nguy cơ nhiễm toan lactic; dùng đơn trị liệu ít có khả năng gây hạ glucose huyết. Không khuyến cáo sử dụng khi độ lọc cầu thận ước tính < 50 mL/phút/1,73m2. Không sử dụng Metformin ở bệnh thận mạn tính giai đoạn 4-5 - Từ điển dược phẩm Anh, Hiệp hội thận Nhật khuyến cáo không sử dụng metformin khi mức lọc cầu thận < 30 ml/phút/1,73m2.
Sulfonylurea thế hệ thứ nhất
Đa số không phù hợp cho người bệnh bị bệnh thận mạn tính trung bình đến nặng, do tăng nguy cơ hạ glucose huyết vì giảm thanh lọc sulfonylurea và các chất chuyển hóa của chất này.Chlorpropamid: mức lọc cầu thận 50 - 80ml/phút/1,73m2: giảm 50% liều. Mức lọc cầu thận < 50 ml/phút/1,73m2 - không dùng. Không dùng Tolbutamide.
Sulfonylurea thế hệ thứ hai
Ở người bệnh bệnh thận mạn tính trung bình và nặng, thuốc nên được chọn lựa là glipizid. Gliclazid và glimepirid có thể dùng ở liều thấp. Không dùng glyburid.
Meglitinide
Repaglinide có thể dùng ở các giai đoạn bệnh thận mạn tính từ nhẹ đến nặng. Nếu mức lọc cầu thận < 30ml/phút/1,73m2 - thận trọng bắt đầu từ liều 0,5mg trước mỗi bữa ăn.
Thuốc ức chế men alpha-glucosidase
Acarbose dùng được ở bệnh thận mạn tính nhẹ và trung bình. Không dùng khi mức lọc cầu thận < 30ml/phút/1,73m2.
Thiazolidinedion
Không cần giảm liều pioglitazon; có thể giảm bài suất albumin và protein niệu. (Rosiglitazon đã bị cấm ở nhiều thị trường do tăng nguy cơ biến cố tim mạch). Không dùng khi người bệnh có nguy cơ suy tim, gãy xương.
Insulin
Liều Insulin không dựa trên độ nặng của giảm chức năng thận, nhưng cần điều chỉnh liều để đạt mục tiêu kiểm soát glucose huyết mà không làm tăng nguy cơ hạ glucose huyết.
Chuyển hóa/Thanh lọc các nhóm thuốc ức chế men DPP-IV ở người bệnh đái tháo đường typ 2 có bệnh thận mạn tính:
Sitagliptin
Chuyển hóa qua thận, 50 mg/ngày nếu mức lọc cầu thận 30 - 50mL/phút 25 mg/ngày nếu mức lọc cầu thận < 30mL/phút.
Saxagliptin
Chuyển hóa qua gan/ thận, 2,5 mg/ngày nếu mức lọc cầu thận 30 - 50mL/phút 2,5 mg/ngày nếu mức lọc cầu thận < 30 mL/phút.
Vildagliptin
Chuyển hóa qua thận, 50 mg/ngày nếu mức lọc cầu thận 30 - 50mL/phút 50mg/ngày nếu mức lọc cầu thận < 30 mL/phút.
Linagliptin
Chuyển hóa qua nan, không cần chỉnh liều
Điều trị tăng huyết áp
Kiểm tra huyết áp mỗi lần khám bệnh, và nếu có thể được, đo huyết áp thường xuyên tại nhà.
Mục tiêu huyết áp < 130/80 mmHg.
Thuốc được lựa chọn hàng đầu là nhóm ức chế hệ renin angiotensin (gồm nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể Angiotensin II), lợi tiểu, chẹn kênh calci.
Thường người bệnh cần phối hợp thuốc để kiểm soát huyết áp. Nếu phối hợp ba loại thuốc, một thuốc sẽ là thuốc lợi tiểu. Đôi khi có thể ổn định huyết áp bằng thuốc lợi tiểu thiazides hoặc lợi tiểu quai. Thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể giúp giảm huyết áp, kiểm soát đạm niệu, và được chỉ định trong rối loạn chức năng tâm thu thất trái. Phối hợp ức chế men chuyển và ức chế thụ thể có thể làm chức năng thận suy giảm thêm nên thường không được khuyến cáo. Không dùng ức chế men chuyển và ức chế thụ thể khi phụ nữ có thai hoặc dự định có thai, người bệnh có khuynh hướng bị mất nước, tăng kali huyết kháng trị, hoặc creatinin tăng 0,6mg/ dL sau khi bắt đầu dùng thuốc.
Thuốc chẹn beta có thể dùng khi người bệnh bị suy tim, có bệnh mạch vành, thận trọng khi người bệnh bị suyễn. Thuốc chẹn kênh calci có thể gây phù chi dưới và táo bón.
Thuốc chẹn kênh calci, dù thuộc nhóm dihydropyridin hay không dihydropyridin đều có lợi. Loại không dihydropyridine bảo vệ thận (có thể làm giảm đạm niệu) nhưng có thể gây giảm chức năng cơ tim.
Dinh dưỡng
Tổng lượng calo trong ngày thay đổi tùy tình trạng của từng người bệnh. Khi bệnh thận đã tiến triển, người bệnh cần giảm đạm trong khẩu phần ăn, khoảng 0,8 -1gam/kg cân nặng/ngày, có thể làm chậm tiến triển bệnh thận.
Cũng cần hạn chế lượng muối trong khẩu phần, khoảng 5-6 gam/ngày.
Khi bệnh thận tiến triển cũng cần hạn chế phospho bằng các chất gắn phosphat và hạn chế kali.
Các điều trị khác
Bệnh thận đái tháo đường thường kèm tăng triglycerid, giảm HDL, LDL có thể tăng hoặc bình thường. Do LDL liên hệ với gia tăng nguy cơ tim mạch rõ nên mục tiêu LDL là < 100mg/dL (2,6 mmol/L). Có thể dùng statin bắt đầu với liều thấp và chú ý biến chứng ly giải cơ vân. Không có chế độ luyện tập đặc biệt hoặc hạn chế luyện tập ở bệnh thận đái tháo đường. Tuy nhiên khi người bệnh bị bệnh tim mạch, thiếu máu nặng, cần có chế độ luyện tập riêng, theo ý kiến chuyên gia.
Phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường
Ngừng hút thuốc và điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng lipid.
Mục tiêu chuyên biệt của phòng ngừa bao gồm:
Kiểm soát tối ưu glucose huyết (HbA1c < 7%).
Kiểm soát huyết áp (Huyết áp < 120/70 mmHg).
Tránh các thuốc gây độc thận, như thuốc kháng viêm không steroid, kháng sinh nhóm aminoglycosides.
Phát hiện sớm và điều trị đái tháo đường, nhất là những người có tiền sử gia đình đái tháo đường.
Quản lý lâu dài
Theo dõi điều trị đều đặn là điều quan trọng để quản lý tốt bệnh thận đái tháo đường.
Ở người bệnh đái tháo đường typ 1, tìm albumin niệu sau khi chẩn đoán bệnh được 5 năm.
Ở người bệnh đái tháo đường typ 2, tìm albumin niệu ngay lúc mới chẩn đoán và sau đó mỗi năm nếu albumin niệu âm tính.
Thử creatinin huyết mỗi năm, từ đó tính độ lọc cầu thận ước tính.
Đo huyết áp mỗi lần khám bệnh và nếu có thể, theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà. Theo dõi huyết áp nằm, ngồi và đứng.
Người bệnh đái tháo đường và bệnh thận mạn tính giai đoạn 1- 2 cần được theo dõi chức năng thận mỗi 6 tháng.
Người bệnh đái tháo đường và bệnh thận mạn giai đoạn 3 - 5 cần được theo dõi chức năng thận mỗi ba tháng. Cũng cần theo dõi thêm đạm niệu, chất điện giải (natri, kali, clor, CO2) chất khoáng, hormon có liên quan đến xương (calci, phospho, PTH), tình trạng dinh dưỡng (albumin, BUN), tình trạng thiếu máu (huyết sắc tố, dung tích hồng cầu Hct, sắt huyết thanh). Giai đoạn này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa thận, nhất là khi đến giai đoạn lọc thận, bệnh thận giai đoạn cuối.
Đái tháo đường và bệnh thận mạn tính giai đoạn 1- 2: có thể đảo ngược diễn tiến bệnh bằng kiểm soát chặt chẽ glucose huyết, kiểm soát huyết áp, dùng thuốc ức chế hệ renin angiotensin, nhất là ở đái tháo đường typ 1.
Đái tháo đường và bệnh thận mạn tính giai đoạn 3-4: làm chậm diễn tiến tiến bệnh bằng các phương tiện điều trị kể trên, tránh các thuốc gây độc thận. Giai đoạn trễ (giai đoạn 5), cần tránh gây ra tình trạng suy thận cấp trên nền suy thận mạn tính, thí dụ chụp hình mạch vành với thuốc cản quang, hoặc, điều trị duy trì trong khi chờ đợi lọc thận hoặc ghép thận. Điều trị kịp thời các biến chứng khác của đái tháo đường như bệnh võng mạc đái tháo đường, bàn chân đái tháo đường, bệnh tim mạch. Trong tất cả các giai đoạn, cần chú ý các bệnh đi kèm có thể điều trị được như nhiễm trùng tiểu, bí tiểu, u lành tiền liệt tuyến...
Bài viết cùng chuyên mục
Phác đồ điều trị u tuyến độc tuyến giáp (bệnh Plummer)
Có thể sử dụng thuốc kháng giáp tổng hợp, và ức chế beta để điều trị triệu chứng tạm thời, hoặc chuẩn bị tiền phẫu với thuốc kháng giáp.
Thuốc theo phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2
Gliptin là nhóm thuốc ức chế enzym DPP-4 (Dipeptidylpeptidase-4) để làm tăng nồng độ GLP1 nội sinh, GLP1 có tác dụng kích thích bài tiết insulin, và ức chế sự tiết glucagon khi có tăng glucose máu sau khi ăn.
Phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp
Nếu nhu mô giáp còn khả năng cố định được iod phóng xạ, thì 131I có thể phá hủy các tổ chức ung thư đã biệt hóa.
Phác đồ điều trị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường
Bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao ngay cả khi được cấp cứu ở những trung tâm có đầy đủ phương tiện, và có những chuyên gia giỏi.
Phác đồ điều trị cường chức năng tuyến giáp
Trạng thái lâm sàng của cường giáp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh và mức độ bệnh.
Phác đồ điều trị suy tuyến giáp bẩm sinh
Hormon giáp tổng hợp được lựa chọn là Thyroxin có tác dụng sinh lý kéo dài, tại tổ chức ngoại vi có hiện tượng chuyển đổi từ T4 sang T3.
Phác đồ điều trị u tuyến yên
Nếu có triệu chứng chèn ép vào giao thoa thị giác, xâm lấn vào xoang hang, hoặc suy chức năng tuyến yên, phẫu thuật sẽ được tiến hành.
Phác đồ điều trị cơn nhiễm độc giáp cấp
Trường hợp người bệnh bị bệnh khác không phải cường giáp cấp, một liều thuốc kháng giáp ban đầu sẽ không làm nặng thêm bệnh cảnh.
Phác đồ điều trị viêm tuyến giáp bán cấp
Hấp thu Iod và tổng hợp hormon giảm dần do tế bào tuyến giáp bị phá huỷ, có sự hiện diện của các u hạt với các tế bào epithelioid bao quanh.
Phác đồ điều trị suy thượng thận mạn tính (bệnh addison)
Giảm sản xuất ACTH, làm giảm Cortisol dẫn đến suy thượng thận thứ phát, bệnh chủ yếu gặp ở nữ, với tỷ lệ nữ trên nam gần 3 lần.
Phác đồ điều trị bệnh lý bàn chân do đái tháo đường
Vấn đề điều trị bệnh lý bàn chân đái tháo đường, cần sự tham gia của nhiều bác sĩ chuyên khoa, tùy theo mức độ tổn thương của bàn chân.
Phác đồ điều trị hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu (SIADH)
SIADH là hội chứng tự hạn chế, chiến lược điều trị đầu tiên là điều chỉnh theo cơ chế bệnh sinh của bệnh cơ bản.
Phác đồ điều trị suy thượng thận cấp
Suy thượng thận cấp, thường gặp trong bối cảnh thứ phát của bệnh Addison không được chẩn đoán, hoặc điều trị không đầy đủ.
Phác đồ điều trị bệnh đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt trung ương do các tế bào tiết ADH bị tổn thương, làm giảm ADH lưu hành trong máu, có thể đái tháo nhạt hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.
Phác đồ điều trị đái tháo đường lúc có thai
Khi có thai, người bệnh cần được phối hợp chăm sóc toàn diện bởi bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, bác sĩ sản phụ khoa.
Phác đồ điều trị suy thượng thận do điều trị glucocorticoid (giả cushing)
Mặc dù glucocorticoid được dùng rộng rãi, nhưng chưa có nghiên cứu nào tìm ra phương pháp tốt nhất để ngừng thuốc.
Phác đồ điều trị cường Aldosteron tiên phát (hội chứng conn)
Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn gây cường aldosteron tiên phát, phì đại thượng thận một bên, khối u lành tính tiết aldosteron nhạy cảm với angiotensin II.
Phác đồ điều trị bướu giáp độc đa nhân
Phẫu thuật là biện pháp điều trị cơ bản vừa chữa lành bệnh, đồng thời lấy đi các nhân lạnh chưa loại trừ ung thư hóa.
Phác đồ điều trị đái tháo đường tuýp 2
Tình trạng thừa cân, béo phì, ít hoạt động thể lực, là những đặc điểm thường thấy ở người đái tháo đường typ 2 có kháng insulin.
Phác đồ điều trị cường chức năng tủy thượng thận
Đây là nguyên nhân gây tăng huyết áp nặng và nguy hiểm, chiếm khoảng 0,1 đến 0,6 phần trăm trong các nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Phác đồ điều trị bướu cổ đơn thuần
Trường hợp bướu giáp nhỏ, không có triệu chứng lâm sàng: chỉ cần theo dõi định kỳ bằng khám lâm sàng, và siêu âm tuyến giáp để đánh giá độ lớn.
Phác đồ điều trị viêm tuyến giáp mủ
Ở một số trường hợp, nhất là ở trẻ em sự tồn tại lỗ rò thông từ pyriform sinus ở phía trái tuyến giáp, dễ dẫn đến tạo áp xe.
Phác đồ điều trị suy giáp ở người lớn
Chỉ một số ít trường hợp suy giáp do tai biến dùng thuốc kháng giáp tổng hợp, hoặc suy giáp thoáng qua do viêm tuyến giáp, có thể tự hồi phục.
Phác đồ điều trị suy tuyến yên
Triệu chứng lâm sàng suy tuyến yên phụ thuộc vào nguyên nhân, cũng như typ và mức độ thiếu hụt hormon, người bệnh có thể không có triệu chứng.
Phác đồ điều trị nhiễm toan ceton, hôn mê do đái tháo đường
Khi glucose máu tăng cao sẽ xuất hiện glucose trong nước tiểu đưa đến tình trạng mất nước, mất các chất điện giải như natri, kali.