- Trang chủ
- Thuốc A - Z
- Thuốc gốc và biệt dược theo vần P
- Pantoprazol: Amfapraz, Antaloc, Cadipanto, thuốc ức chế bơm proton
Pantoprazol: Amfapraz, Antaloc, Cadipanto, thuốc ức chế bơm proton
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tên chung quốc tế: Pantoprazole.
Loại thuốc: Thuốc ức chế bơm proton, ức chế tiết acid dịch vị.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén bao tan trong ruột: 20 mg, 40 mg.
Viên nang tan trong ruột: 40 mg.
Bột pha tiêm: Lọ 40 mg (dạng muối natri).
Dược lý và cơ chế tác dụng
Pantoprazol là thuốc ức chế bơm proton có cấu trúc và tác dụng tương tự như omeprazol. Là một benzimidazol đã gắn nhóm thế, pantoprazol được proton hóa thành dạng hoạt động trong các ống tiết acid của tế bào thành dạ dày, tại đó thuốc ức chế enzym H+/K+ATPase còn gọi là bơm proton, giai đoạn cuối cùng của bài tiết acid dạ dày. Sau khi uống, tác dụng chống tiết của pantoprazol kéo dài hơn 24 giờ. Trong vòng 2,5 giờ sau khi cho người khỏe mạnh uống 40 mg pantoprazol, bài tiết acid của dạ dày bị ức chế khoảng 51%. Nếu uống ngày một lần 40 mg trong 7 ngày thì sự ức chế này lên tới 85 %. Bài tiết acid dạ dày trở lại bình thường trong vòng 1 tuần sau khi ngừng pantoprazol và không thấy có hiện tượng tăng tiết trở lại. Sau khi tiêm tĩnh mạch, tác dụng chống tiết acid của pantoprazol kéo dài 24 giờ. Với 1 liều tiêm tĩnh mạch từ 20 đến 120 mg pantoprazol cho người khỏe mạnh, tác dụng của thuốc bắt đầu trong vòng 15 - 30 phút và sự ức chế lượng acid dạ dày tiết ra trong 24 giờ phụ thuộc theo liều trong khoảng 20 - 80 mg. Trong vòng 2 giờ sau khi tiêm tĩnh mạch 80 mg pantoprazol, đã đạt được sự kìm hãm tối ưu lượng acid tiết ra; với liều 120 mg, sự kìm hãm này không thấy tăng thêm đáng kể.
Pantoprazol có thể kìm hãm được vi khuẩn Helicobacter pylori ở người bệnh loét dạ dày tá tràng và/hoặc viêm thực quản trào ngược bị nhiễm vi khuẩn này. Phối hợp điều trị pantoprazol với thuốc kháng sinh (thí dụ clarithromycin, amoxicilin) có thể tiệt trừ H. pylori kèm theo liền ổ loét và thuyên giảm bệnh lâu dài hạn.
Dược động học
Pantoprazol hấp thu nhanh vì nồng độ trong huyết tương đạt cao nhất sau khi uống khoảng 2 - 2,5 giờ. Thuốc ít bị chuyển hóa bước một ở gan, sinh khả dụng đường uống khoảng 77%. Khoảng 98% pantoprazol gắn vào protein huyết tương, thể tích phân bố khoảng 0,17 lít/kg. Pantoprazol chuyển hóa chủ yếu ở gan nhờ isoenzym CYP2C19 của cytochrom P450 để thành desmethylpantoprazol. Một phần nhỏ được chuyển hóa bởi CYP3A4, CYP2D6 và CYP2C9.
Các chất chuyển hóa được đào thải chủ yếu qua nước tiểu (80%), phần còn lại qua mật vào phân. Nửa đời thải trừ của pantoprazol khoảng 1 giờ, và kéo dài trong suy gan; nửa đời thải trừ ở người xơ gan là 3 - 6 giờ.
Chỉ định
Trào ngược dạ dày - thực quản.
Loét dạ dày, tá tràng.
Dự phòng loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroid, do stress.
Hội chứng Zollinger - Ellison.
Chống chỉ định
Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng
Trước khi dùng pantoprazol hoặc các thuốc ức chế bơm proton khác, phải loại trừ khả năng bị ung thư dạ dày hoặc thực quản vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng và làm chậm chẩn đoán ung thư.
Ở người suy gan nặng, cần xem xét giảm liều pantoprazol hoặc dùng cách ngày. Có thể dùng liều uống hoặc tiêm tĩnh mạch tối đa là 20 mg/ngày hoặc uống 40 mg, cách 1 ngày 1 lần. Liều trên 40 mg/ngày chưa được nghiên cứu ở người bệnh suy gan. Phải theo dõi các enzym gan trong quá trình điều trị. Nếu thấy tăng, phải ngừng thuốc.
Ở người suy thận: Đa số các nghiên cứu đều không thấy sự thay đổi về dược động học của pantoprazol. Không khuyến cáo phải điều chỉnh liều ở nhóm bệnh nhân này. Tuy nhiên chỉ nên dùng liều uống đến tối đa là 40 mg.
Trẻ em: Dữ liệu ở trẻ em còn hạn chế. Không dùng pantoprazol cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Thời kỳ mang thai
Chưa có nghiên cứu đầy đủ khi dùng pantoprazol trên người trong thời kỳ mang thai. Chỉ dùng pantoprazol khi thật cần thiết trong thời kỳ mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Pantoprazol có phân bố vào sữa mẹ, cần cân nhắc ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc tùy theo lợi ích của pantoprazol với người mẹ.
Tác dụng không mong muốn
Nhìn chung, pantoprazol dung nạp tốt cả khi điều trị ngắn hạn và dài hạn. Các thuốc ức chế bơm proton làm giảm độ acid dạ dày, co thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Mệt, chóng mặt, nhức đầu.
Da: Ban da, mày đay.
Tiêu hóa: Khô miệng, buồn nôn, nôn, đầy hơi, đau bụng, táo bón, ỉa chảy.
Cơ khớp: Đau cơ, đau khớp.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Suy nhược, choáng váng, chóng mặt, mất ngủ.
Da: Ngứa.
Gan: Tăng enzym gan.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Toàn thân: Toát mồ hôi, phù ngoại biên, tình trạng khó chịu, phản vệ.
Da: Ban dát sần, trứng cá, rụng tóc, viêm da tróc vẩy, phù mạch, hồng ban đa dạng.
Tiêu hóa: Viêm miệng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa.
Mắt: Nhìn mờ, chứng sợ ánh sáng.
Thần kinh: Ngủ gà, tình trạng kích động hoặc ức chế, ù tai, nhầm lẫn, ảo giác, dị cảm.
Máu: Tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
Nội tiết: Liệt dương, bất lực ở nam giới.
Tiết niệu: Đái máu, viêm thận kẽ.
Gan: Viêm gan vàng da, bệnh não ở người suy gan, tăng triglycerid.
Rối loạn điện giải: Giảm natri huyết.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Pantoprazol thường dung nạp tốt: Đau bụng, ỉa chảy, nhức đầu, mệt mỏi thường hết khi tiếp tục điều trị, rất ít khi phải ngừng thuốc. Cần phải theo dõi các triệu chứng như nhìn mờ, trầm cảm, viêm da, đái ra máu, phát ban, liệt dương… Nếu kéo dài phải ngừng thuốc hoặc chuyển sang thuốc khác.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng
Pantoprazol được dùng dưới dạng muối natri: 11,28 mg pantoprazol natri tương đương với 10 mg pantoprazol.
Đường uống: Dùng mỗi ngày một lần vào buổi sáng, trước hoặc sau bữa ăn đều được. Thuốc kháng acid có thể uống đồng thời với thuốc này.
Vì pantoprazol bị phá hủy ở môi trường acid nên phải dùng dưới dạng viên bao tan trong ruột. Khi uống pantoprazol phải nuốt cả viên, không được bẻ, nhai làm vỡ viên thuốc. Phải tuân thủ cả đợt điều trị.
Liều dùng
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Uống mỗi ngày một lần từ 20 - 40 mg vào buổi sáng trong 4 tuần, có thể tăng tới 8 tuần nếu cần thiết. Để lành viêm trợt thực quản, điều trị có thể được phép kéo dài đến 16 tuần.
Điều trị duy trì có thể tiếp tục với 20 tới 40 mg mỗi ngày. Một cách khác, với các triệu chứng hay tái diễn, có thể dùng phác đồ 20 mg mỗi ngày theo nhu cầu.
Loét dạ dày - tá tràng: Uống mỗi ngày một lần 40 mg trong 2 – 4 tuần đối với loét tá tràng và 4 - 8 tuần đối với loét dạ dầy lành tính.
Để tiệt trừ H. pylori, có thể phối hợp pantoprazol với 2 kháng sinh trong phác đồ điều trị 3 thuốc hoặc 4 thuốc trong một tuần. Một phác đồ hiệu quả gồm pantoprazol 40 mg, 2 lần mỗi ngày (uống buổi sáng và tối) phối hợp với clarithromycin 500 mg, ngày 2 lần và amoxicilin 1 g, ngày 2 lần hoặc phối hợp với clarithromycin 250 mg, ngày 2 lần và metronidazol 400 mg, ngày 2 lần.
Dự phòng loét đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid, uống ngày một lần 20 mg.
Tình trạng tăng tiết acid bệnh lý trong hội chứng Zollinger - Ellison: Uống liều khởi đầu là 80 mg mỗi ngày sau đó điều chỉnh theo yêu cầu, có thể lên tới 240 mg mỗi ngày. Nếu liều hàng ngày lớn hơn 80 mg thì chia làm 2 lần.
Đường tiêm: Pantoprazol có thể tiêm tĩnh mạch chậm ít nhất trên 2 phút hoặc truyền tĩnh mạch khi bệnh nặng, chủ yếu trong loét dạ dày, tá tràng đang chảy máu.
Loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản: Tiêm tĩnh mạch mỗi ngày một lần 40 mg, trong thời gian ít nhất 2 phút hoặc truyền tĩnh mạch trong vòng 15 phút (pha lọ 40 mg pantoprazol với 10 ml dung dịch natri clorid 0,9%, hòa loãng với 100 ml dịch truyền. Dịch truyền có thể là dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, dextrose 5% hoặc dung dịch Ringer lactat. Khi pha loãng như vậy, có thể có kết tủa tuy vậy không làm thay đổi chất lượng thuốc nhưng phải truyền qua bộ lọc của dây truyền và phải truyền riêng rẽ với các dung dịch tiêm khác.
Tương tác thuốc
Pantoprazol được chuyển hóa qua gan nhờ hệ thống enzym cytochrom P450. Không loại trừ có thể có tương tác với một chất khác cũng được chuyển hóa qua chính hệ thống enzym này. Tuy nhiên không thấy có tương tác nào có ý nghĩa lâm sàng giữa pantoprazol với các thuốc như carbamazepin, cafein, diazepam, diclofenac, digoxin, ethanol, glibenclamid, metoprolol, naproxen, nifedipin, phenytoin, piroxicam, theophylin và thuốc tránh thai uống.
Giống như các thuốc ức chế bơm proton khác, pantoprazol có thể làm giảm hấp thu một số thuốc mà sự hấp thu của chúng phụ thuộc vào pH dạ dày như ketoconazol, itraconazol. Không có tương tác giữa pantoprazol với các antacid uống cùng.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ 15 - 30 độ C, trong bao bì kín.
Quá liều và xử trí
Không có triệu chứng quá liều nào được biết ở người. Các liều tới 240 mg được tiêm trong 2 phút bằng đường tĩnh mạch mà vẫn dung nạp tốt.
Trường hợp quá liều mà có những dấu hiệu ngộ độc trên lâm sàng, thì áp dụng cách điều trị triệu chứng.
Tên thương mại
Amfapraz 40; Antaloc; Cadipanto; Cafocid; Dogastrol; Duomeprin; Hansazol; Hasanloc 40; Helisec; Mepantop; Meyerpanzol; Naptogast 20; Opepanto; Pandonam; Pantagi; Pantonew; Pantopil; Pantostad 40; Pantozed 40; Pipanzin; Prohibit; Razopral; Vintolox.
Bài viết cùng chuyên mục
Propylene Glycol nhỏ mắt
Propylene Glycol nhãn khoa là thuốc không kê đơn (OTC) dùng để điều trị khô mắt ở người lớn. Tên biệt dược: Systane Balance.
Pertuzumab
Pertuzumab là thuốc kê đơn dùng để điều trị ung thư vú giai đoạn sớm và ung thư vú di căn ở người lớn.
Penicilamin
Penicilamin dùng đường uống là một tác nhân giải độc trong điều trị bệnh Wilson, cystin niệu và nhiễm độc kim loại nặng. Nó còn được dùng điều trị viêm khớp dạng thấp, nhưng là thứ yếu.
Pristinamycin: thuốc kháng khuẩn họ streptogramin
Nếu dị ứng với các betalactamin, pristinamycin được chỉ định để dự phòng viêm màng trong tim nhiễm khuẩn trong các thủ thuật chăm sóc răng, hoặc ở đường hô hấp trên trong điều trị ngoại trú
Pataday
Không dùng tiêm hoặc uống. Không để đầu nhỏ thuốc của lọ chạm mí mắt, vùng xung quanh mắt hoặc bất cứ bề mặt nào. Không dùng điều trị kích ứng mắt liên quan đến kính áp tròng.
Pygeum
Pygeum là một loại thảo dược bổ sung thường được sử dụng để điều trị chứng viêm, bệnh thận, các vấn đề về tiết niệu, sốt rét, đau dạ dày, sốt, tiểu khó, sốt, điên loạn và viêm tuyến tiền liệt.
Pranstad: thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2 không phụ thuộc insulin
Pranstad 1 được dùng đơn trị hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong điều trị đái tháo đường typ 2 (không phụ thuộc insulin) ở bệnh nhân có glucose huyết cao không kiểm soát được bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục đơn thuần.
Profenid Gelule
Kétoprofène là thuốc kháng viêm không stéroide thuộc nhóm propionique, dẫn xuất của acide arylcarboxylique. Có tác dụng kháng viêm, chống đau, hạ sốt. Ức chế tổng hợp prostaglandine, ức chế sự kết tập tiểu cầu.
Praziquantel
Praziquantel trị tất cả sán máng gây bệnh cho người, sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini, Fasciola hepatica, sán phổi Paragonimus westermani, P. uterobilateralis.
Progesterone Micronized
Progesterone Micronized là một loại thuốc theo toa dùng để ngăn ngừa các triệu chứng tăng sản nội mạc tử cung và điều trị các triệu chứng vô kinh thứ phát.
Povidon iod
Povidon được dùng làm chất mang iod. Dung dịch povidon - iod giải phóng iod dần dần, do đó kéo dài tác dụng sát khuẩn diệt khuẩn, nấm, virus, động vật đơn bào, kén và bào tử:
Praxbind: thuốc đối kháng tác dụng chống đông của dabigatran
Praxbind là một thuốc hóa giải tác dụng đặc hiệu của dabigatran và được chỉ định cho bệnh nhân đã điều trị bằng Pradaxa (dabigatran) khi cần hóa giải nhanh chóng tác dụng chống đông của dabigatran.
Pamlonor
Tăng huyết áp. Ban đầu 5 mg/ngày. Người nhẹ cân, lớn tuổi, suy gan hoặc đang sử dụng thuốc hạ huyết áp khác: Khởi đầu 2.5 mg/ngày. Tối đa 10 mg/ngày.
Plazomicin
Plazomicin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp.
Pancrelipase
Pancrelipase là chế phẩm đã tiêu chuẩn hóa, được làm từ tụy lợn có chứa các enzym, chủ yếu là lipase, amylase và protease.
Phenoxymethyl penicillin
Phenoxymethyl penicilin, được dùng tương tự như benzylpenicilin, trong điều trị hoặc phòng các nhiễm khuẩn, gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm.
Protoloc
Omeprazole là một hợp chất chống tiết, không có tác dụng kháng phó giao cảm của chất đối kháng histamine H2, nhưng có tác dụng ngăn chặn tiết acid dạ dày.
Polyethylene Glycol 3350
Polyethylene Glycol 3350 là thuốc kê đơn và thuốc OTC dùng để điều trị táo bón. Tên biệt dược: ClearLax, GaviLAX, Gialax, Glycolax, HealthyLax, MiraLax, PEG3350, SunMark ClearLax.
Ponesimod
Ponesimod là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị các dạng tái phát của bệnh đa xơ cứng, bao gồm hội chứng cô lập trên lâm sàng, bệnh tái phát và bệnh tiến triển thứ phát đang hoạt động.
Pyrithione kẽm
Pyrithione kẽm dùng để điều trị gàu. Tên thương hiệu: Denorex Everyday Dandruff Shampoo, Head & Shoulders Shampoo, DHS Zinc Shampoo, Head & Shoulders Dry Scalp, Selsun Blue Itchy Dry Scalp, T/Gel Daily Control, và Zincon Shampoo.
Quetiapin Stada: thuốc điều trị bệnh rối loạn tâm thần
Quetiapin fumarat là một thuốc trị chứng loạn tâm thần không điển hình thuộc nhóm dibenzothiazepin. Thuốc có ái lực với thụ thể serotonin (5-HT2), histamin (H1) và α1-, α2-adrenergic cũng như với các thụ thể D1-, D2-dopamin.
Promethazine/Codeine
Promethazine / Codeine là thuốc kê đơn dùng để điều trị ho và các triệu chứng ở đường hô hấp trên liên quan đến dị ứng hoặc cảm lạnh thông thường.
Permixon: thuốc điều trị rối loạn tiểu tiện do phì đại tuyến tiền liệt
Permixon ức chế sự hình thành các prostaglandin và các leucotrien. Kìm hãm sự tăng sinh của những tế bào từ tuyến tiền liệt phì đại lành tính khi tế bào này được kích thích bởi các yếu tố sinh trưởng.
Propyliodon
Propyliodon là thuốc cản quang dùng để kiểm tra đường phế quản. Thường dùng dưới dạng hỗn dịch nước 50% hoặc hỗn dịch dầu 60%, nhỏ trực tiếp vào phế quản, tạo nên hình ảnh rất rõ trong ít nhất 30 phút.
Prasterone đặt âm đạo
Prasterone đặt âm đạo là thuốc theo toa được sử dụng để điều trị chứng khó giao hợp từ trung bình đến nặng do teo âm hộ / âm đạo sau mãn kinh.