Lomustin: thuốc chống ung thư, tác nhân alkyl hóa

2019-03-21 10:19 AM

Lomustin là dẫn xuất nitrosoure, được coi là thuốc alkyl hóa dùng để chữa ung thư, Lomustin rất tan trong lipid, dễ hấp thu qua đường uống và chuyển hóa thành các chất có hoạt tính

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Tên chung quốc tế: Lomustine.

Loại thuốc: Chống ung thư, tác nhân alkyl hóa.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang: 10 mg, 40 mg và 100 mg.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Lomustin là dẫn xuất nitrosoure, được coi là thuốc alkyl hóa dùng để chữa ung thư. Lomustin rất tan trong lipid, dễ hấp thu qua đường uống và chuyển hóa thành các chất có hoạt tính. Chính những chất chuyển hóa này có tác dụng alkyl hóa. Cơ chế tác dụng của thuốc còn chưa được biết hết. Ngoài tác dụng alkyl hóa ADN, còn có thể có sự carbamyl hóa ADN polymerase, làm biến đổi protein và các enzym của tế bào. Kết quả cuối cùng là sự tổng hợp ADN và ARN bị ức chế. Các dẫn chất nitrosoure không tác dụng đặc hiệu theo chu kỳ phân bào, và có thể tác động lên bất kỳ giai đoạn nào của chu kỳ, ngay cả pha nghỉ G0. Khi các tế bào ung thư đã phát triển kháng với một thuốc alkyl hóa, thường chỉ kháng một phần với các thuốc alkyl hóa khác.

Dược động học

Lomustin hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa. Thuốc cũng được hấp thu sau khi bôi. Nồng độ đỉnh huyết tương của chất chuyển hóa đạt trong vòng 1 - 6 giờ sau khi uống một liều lomustin.

Lomustin được phân bố rộng khắp. Lomustin và các chất chuyển hóa của nó qua được hàng rào máu - não và nhanh chóng chuyển vào tế bào nhờ tính hòa tan cao trong lipid. Mặc dù lomustin chưa biến đổi không phát hiện được trong dịch não tủy, các chất chuyển hóa có hoạt tính của thuốc lại xuất hiện với nồng độ đáng kể trong vòng 30 phút sau khi uống. Nồng độ trong dịch não tủy của các chất chuyển hóa cao hơn trên 50% so với nồng độ trong huyết tương. Chất chuyển hóa của lomustin xuất hiện trong sữa nhưng với nồng độ thấp hơn trong huyết tương của người mẹ.

Hầu như toàn bộ liều lomustin được chuyển hóa trong vòng 1 giờ sau khi uống. Nửa đời của các chất chuyển hóa theo 2 pha:

Nửa đời ban đầu là 6 giờ, nửa đời huyết tương của pha thứ hai là 1 - 2 ngày và 15 - 20% các chất chuyển hóa còn lại trong cơ thể 5 ngày sau khi uống lomustin. Sự kéo dài của nồng độ huyết tương phản ánh sự phối hợp của liên kết protein với sự tuần hoàn gan - ruột của các chất chuyển hóa.

Lomustin được đào thải chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng các chất chuyển hóa. Khoảng một nửa liều được thấy trong nước tiểu trong vòng 24 giờ và 75% trong vòng 4 ngày dưới dạng các chất chuyển hóa. Khoảng 5% thuốc được đào thải theo phân; khoảng 10% thuốc được đào thải qua hô hấp.

Chỉ định

U não (u ác tính tế bào sao, u nguyên tủy bào, u tế bào thần kinh đệm ít nhánh): Dùng phối hợp với các thuốc chống ung thư khác để bổ trợ sau phẫu thuật.

Bệnh Hodgkin: Dùng phối hợp trong trị liệu bước 2 để điều trị bệnh Hodgkin kháng thuốc hoặc tái phát. Hiện các phác đồ có các thuốc khác được ưa dùng hơn.

Chống chỉ định

Không dùng cho người có tiền sử mẫn cảm với lomustin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng

Lomustin là thuốc có độc tính cao và chỉ số điều trị thấp, vì thế phải được dùng dưới sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ có kinh nghiệm trong hóa trị liệu ung thư.

Thận trọng khi sử dụng cho người bị rối loạn chức năng gan.

Phải theo dõi thường xuyên, định kỳ công thức máu toàn phần, tiểu cầu.

Phải định kỳ thăm dò chức năng gan và chức năng thận.

Phải thăm dò chức năng hô hấp trước khi điều trị và định kỳ sau đó.

Phải thận trọng khi dùng cho người bị giảm tiểu cầu, bạch cầu hoặc hồng cầu.

Thời kỳ mang thai

Không dùng cho người mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Lomustin là thuốc alkyl hóa rất độc có thể ảnh hưởng tới thai nhi, một số sản phẩm chuyển hóa của lomustin xuất hiện trong sữa, vì vậy không cho con bú trong thời gian điều trị lomustin.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Lomustin gây ức chế tủy xương (gây giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu). Tác dụng này luôn luôn xảy ra ở liều điều trị. Mức độ nặng của ức chế tủy xương liên quan đến liều dùng. Tác dụng không mong muốn của hệ tiêu hóa xuất hiện với các tần xuất khác nhau từ 3% đến 70% phụ thuộc vào liều. Điều trị kéo dài có nguy cơ cao nhiễm độc thận.

Rất thường gặp, ADR > 10/100

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn (xuất hiện 3 - 6 giờ sau khi uống; kéo dài < 24 giờ).

Máu: Suy tủy (phụ thuộc liều, xuất hiện muộn, tích lũy), giảm bạch cầu (thấp nhất: 5 - 6 tuần, phục hồi 6 - 8 tuần), giảm tiểu cầu (thấp nhất: 4 tuần, phục hồi 5 - 6 tuần).

Niệu - dục: Nhiễm độc thận (với liều tích lũy > 1 200 mg/m2).

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100

Da: Viêm da, ngứa, đau ở da.

Gan: Nhiễm độc gan nhất thời với tăng transaminase, phosphatase kiềm, bilirubin.

Nhiễm khuẩn.

Hiếm gặp, ADR < 1/1 000

Da: Rụng tóc, nếu da tiếp xúc với thuốc: Viêm da tiếp xúc, tăng sắc tố tạm thời, đau, ngứa, giãn mao mạch, viêm da tách thượng bì giống bệnh Nikolsky.

Máu: Dễ bị chảy máu.

Thần kinh: Mất phương hướng, ngủ lịm, mất điều vận và loạn vận ngôn.

Tiêu hóa: Viêm họng.

Mắt: Teo dây thần kinh thị, rối loạn nhìn, mù.

Phổi: Thâm nhiễm phổi, xơ hóa phổi xảy ra sau 6 tháng hoặc hơn ở người có liều tích lũy khoảng 1 100 mg/m2. Nguy cơ cao ở người có dung tích sống hoặc độ khuếch tán CO trước trị liệu < 70% giá trị bình thường.

Thận: Giảm kích thước thận, nitrogen huyết tăng, suy thận (ở người dùng thuốc dài ngày, có liều tích lũy cao).

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Có thể dùng các thuốc chống nôn như metoclopramid để giảm nôn. Cũng có thể chia liều 130 mg/m2 làm 3 liều uống trong 3 ngày liên tiếp.

Ngừng dùng thuốc, giảm liều, tăng giãn cách giữa các liều (8 tuần thay vì 6 tuần).

Liều lượng và cách dùng

Các viên nang đựng trong vỉ hoặc hộp (kit) có màu khác nhau tương ứng với hàm lượng khác nhau. Dược sĩ hoặc bác sĩ phải chọn viên thuốc phù hợp với liều lomustin theo chỉ định và dặn bệnh nhân cách uống.

Lomustin được dùng theo đường uống. Không được làm vỡ các viên nang. Phải dùng găng tay để cầm viên nang. Tránh để thuốc từ nang vỡ dây vào người. Phải uống thuốc lúc đói, cùng với nước. Sau khi uống thuốc phải nhịn ăn uống 2 giờ để tránh buồn nôn và nôn.

Liều bình thường của người lớn và thiếu niên.

Khởi đầu dùng một mình lomustin: Uống một lần 100 đến 130 mg/m2, 6 tuần 1 lần. Chỉ lặp lại lomustin khi các tế bào máu đã trở về ở mức chấp nhận được (tiểu cầu > 100 000/mm3, bạch cầu > 4 000/mm3).

Ở người bệnh có chức năng tủy xương suy yếu, thì phải giảm liều xuống còn 100 mg/m2, 6 tuần 1 lần.

Khi dùng phối hợp với các thuốc khác có tác dụng ức chế tủy thì phải giảm liều lomustin.

Lomustin có thể dùng phối hợp với các chất khác theo nhiều phác đồ khác nhau. Ví dụ:

Lomustin, doxorubicin và vinblastin.

Cyclophosphamid, methotrexat và lomustin.

Methotrexat, doxorubicin, cyclophosphamid và lomustin.

Procarbazin, vincristin, và lomustin.

Thầy thuốc điều trị cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng phác đồ để biết liều dùng lomustin, liều các thuốc hóa trị liệu khác, trình tự dùng thuốc theo từng phác đồ.

Chỉnh liều cho các chu kỳ tiếp theo (dựa vào số thấp nhất của tế bào máu):

Bạch cầu > 3 000/mm3, tiểu cầu > 75 000/mm3: Không cần chỉnh liều.

Bạch cầu 2 000 - 2 999/mm3, tiểu cầu 25 000 - 74 999/mm3: 70% liều trước đó.

Bạch cầu < 2 000/mm3, tiểu cầu < 25 000/mm3: 50% liều trước đó.

Chỉnh liều trong suy thận: Theo Aronoff (2007): Clcr 10 - 50 ml/phút: Dùng 75% liều; Clcr < 10 ml/phút: Dùng 25 - 50% liều; lọc thận: Không cần bổ sung liều. Theo Kintzel: Clcr 46 - 60 ml/phút:

Dùng liều bình thường; Clcr 31 - 45 ml/phút: Dùng 70% liều; Clcr ≤ 30 ml/phút: Không dùng thuốc.

Tương tác thuốc

Sự phối hợp của theophylin và lomustin thường làm tăng nhanh sự giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu.

Không dùng đồng thời lomustin với BCG, clozapin, natalizumab, pimecrolimus, pimozid, tacrolimus (tại chỗ), vắc xin sống.

Lomustin làm tăng nồng độ/tác dụng của aripripazol, clozapin, leflunomid, natalizumab, pimozid, vắc xin sống.

Lomustin làm giảm nồng độ/tác dụng của BCG, test da coccidioidin, sipuleucel-T, vắc xin bất hoạt, vắc xin sống.

Denosumab, pimecrolimus, roflumilast, tacrolimus (tại chỗ), trastuzumab làm tăng nồng độ/tác dụng của lomustin.

Echinacea, peginterferon alpha-2b làm giảm nồng độ/tác dụng của lomustin.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản trong đồ bao gói kín, ở nhiệt độ dưới 40 độ C, tốt nhất từ 15 - 30 độ C.

Nang lomustin bảo quản trong đồ bao gói kín ở nhiệt độ phòng được ổn định ít nhất 2 năm.

Quá liều và xử trí

Lomustin là một tác nhân hóa trị liệu gây nhiễm độc thận mạn tính với nhiều mức độ khác nhau. Quá liều có thể dẫn đến giảm toàn thể huyết cầu.

Xử trí: Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Bài viết cùng chuyên mục

Lodoz: thuốc điều trị tăng huyết áp

Lodoz điều trị tăng huyết áp khi sử dụng riêng lẻ bisoprolol fumarat và hydroclorothiazid không kiểm soát được tốt.

Levothyrox: thuốc điều trị thay thế hoặc bổ sung hội chứng suy giáp

Ðiều trị thay thế hoặc bổ sung cho các hội chứng suy giáp do bất cứ nguyên nhân nào ở tất cả các lứa tuổi (kể cả ở phụ nữ có thai), trừ trường hợp suy giáp nhất thời trong thời kỳ hồi phục viêm giáp bán cấp.

Lipobay

Lipobay! Cerivastatin là một chất đồng phân lập thể (enantiomer) tổng hợp tinh khiết, có tác dụng ức chế cạnh tranh sự tổng hợp cholesterol.

Linkotax

Người lớn 25 mg uống 1 lần mỗi ngày sau khi ăn. Ung thư vú giai đoạn đầu: Nên tiếp tục điều trị trong 5 năm liệu pháp hormone kết hợp bổ trợ tuần tự (dùng Linkotax sau tamoxifen), hoặc sớm hơn nếu khối u tái phát.

Locabiotal

Ở người, sau khi dùng thuốc bằng đường hít, không phát hiện thấy fusafungine trong huyết tương do hoạt chất chính đã bám vào niêm mạc đường hô hấp.

Lemon balm: thuốc điều trị chướng bụng đầy hơi

Lemon balm điều trị chướng bụng, đầy hơi, bệnh Graves, herpes labialis, chứng mất ngủ, như một chất chống co thắt, kích thích thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa.

Lamivudin

Lamivudin là 1 thuốc tổng hợp kháng retrovirus, thuộc nhóm dideoxynucleosid ức chế enzym phiên mã ngược của virus. Lamivudin có hoạt tính kìm virus HIV typ 1 và 2.

Lipofundin

Truyền quá nhanh nhũ dịch béo có thể gây ra sự tăng thể tích và chất béo quá mức do pha loãng đột ngột với huyết tương của cơ thể, sự thặng dư nước, tình trạng sung huyết.

Letrozol: Femara, Losiral, Meirara, thuốc chống ung thư

Letrozol là dẫn chất benzyltriazol, là chất ức chế aromatase chọn lọc không steroid, Letrozol khác biệt với aminoglutethimid về cấu trúc nhưng cùng chung tác dụng dược lý và ức chế cạnh tranh aromatase.

Loradin

Loratadine khởi phát tác dụng nhanh và có hiệu lực kháng histamin kéo dài hơn 24 giờ, do đó chỉ cần dùng thuốc một lần mỗi ngày.

Lemborexant: thuốc ức chế thần kinh trung ương gây ngủ

Lemborexant là một loại thuốc ức chế thần kinh trung ương theo toa được sử dụng cho người lớn gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ (mất ngủ) ở người lớn.

Lurasidone

Lurasidone là một loại thuốc theo toa dùng để điều trị Tâm thần phân liệt và Trầm cảm lưỡng cực.

Lenitral (tiêm)

Lenitral (tiêm)! Trinitrine tác động bằng cách gây giãn mạch ngoại biên với ưu thế trên tĩnh mạch với giảm lượng máu dồn về tâm thất.

Lyoxatin

Bệnh nhân suy thận vừa, có tiền sử dị ứng platinium, bị loạn cảm giác vùng hầu họng trong lúc hay trong vòng 2 giờ sau tiêm truyền (lần tiêm truyền kế tiếp nên được cho trên 6 giờ).

Lodoxamid tromethamin: thuốc chống dị ứng, ổn định dưỡng bào

Lodoxamid tromethamin có nhiều tác dụng dược lý giống natri cromolyn và natri nedocromil, nhưng có cường độ tác dụng mạnh hơn nhiều lần, nếu tính theo khối lượng thuốc.

Lutetium Lu 177 dota tate

Lutetium Lu 177-dota-tate được sử dụng cho các khối u thần kinh nội tiết dạ dày-ruột dương tính với thụ thể somatostatin, bao gồm các khối u thần kinh nội tiết ruột trước, ruột giữa và ruột sau.

Liothyronine

Liothyronine là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị chứng suy giáp, bướu cổ không độc, phù niêm và hôn mê phù niêm.

Lezinsan: thuốc điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng

Lezinsan điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng (kể cả viêm mũi dị ứng dai dẳng) và mày đay ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.

Lipirus

Chống chỉ định. Quá mẫn với thành phần thuốc. Viêm gan tiến triển hoặc men gan tăng dai dẳng trong máu không giải thích được. Phụ nữ có thai, cho con bú. Tránh sử dụng với tipranavir + ritonavir, telaprevir.

Liraglutide

Liraglutide là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì.

Mục lục các thuốc theo vần L

L - Asnase - xem Asparaginase, L - Asparaginase - xem Asparaginase, L - cid - xem Lansoprazol, L - Thyroxin - xem Levothyroxin, Labazene - xem Acid valproic, Labetalol hydroclorid.

Lorastad D: thuốc điều trị viêm mũi dị ứng và nổi mề đay

Lorastad D được chỉ định dùng để giảm triệu chứng của: Chứng viêm mũi dị ứng. Chứng nổi mày đay.

Lisdexamfetamine

Lisdexamfetamine là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn ăn uống vô độ.

Loratadin

Loratadin có tác dụng làm nhẹ bớt triệu chứng của viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng do giải phóng histamin. Loratadin còn có tác dụng chống ngứa và nổi mày đay liên quan đến histamin.

Levothyroxin

Levothyroxin là chất đồng phân tả tuyền của thyroxin, hormon chủ yếu của tuyến giáp. Tác dụng dược lý chính của hormon giáp ngoại sinh là tăng tốc độ chuyển hóa của các mô cơ thể.