- Trang chủ
- Thuốc A - Z
- Thuốc gốc và biệt dược theo vần L
- Liothyronin
Liothyronin
Liothyronin là T3 (triiodothyronin) có hoạt tính, gắn trực tiếp với thụ thể thyroxin trong tế bào và tác động đến nhân tế bào. Liothyronin có cùng tác dụng dược lý như thyroxin natri và các chế phẩm từ tuyến giáp.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tên chung quốc tế: Liothyronine.
Loại thuốc: Hormon tuyến giáp.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén natri liothyronin để uống: 5 microgam; 25 microgam; 50 microgam (liothyronin base).
Thuốc tiêm natri liothyronin (chỉ để tiêm tĩnh mạch): 10 microgam (liothyronin base) trong 1 ml.
Tác dụng
Liothyronin là T3 (triiodothyronin) có hoạt tính, gắn trực tiếp với thụ thể thyroxin trong tế bào và tác động đến nhân tế bào. Liothyronin có cùng tác dụng dược lý như thyroxin natri và các chế phẩm từ tuyến giáp, nhưng cũng có nhiều khác biệt quan trọng. Liothyronin đôi khi được dùng khi cần phải có tác dụng nhanh chẳng hạn như trong hôn mê do giảm năng giáp hoặc chuẩn bị người bệnh để dùng liệu pháp 131I để điều trị ung thư tuyến giáp.
Chỉ định
Liothyronin được chỉ định khi cần có tác dụng nhanh như trong:
Hôn mê do giảm năng tuyến giáp.
Chuẩn bị người bệnh để dùng liệu pháp 131I để điều trị ung thư tuyến giáp.
Ðược dùng làm test ức chế triiodothyronin để chẩn đoán người nghi tăng hoạt động do tuyến giáp và để quyết định điều trị tăng năng giáp. Giảm năng tuyến giáp tốt nhất là được điều trị thay thế bằng levothyroxin mà không dùng liothyronin.
Chống chỉ định
Suy vỏ tuyến thượng thận chưa điều trị, suy tuyến yên chưa điều trị, nhiễm độc do tuyến giáp chưa điều trị.
Thận trọng
Ở người giảm năng tuyến giáp có suy vỏ tuyến thượng thận hoặc suy tuyến yên, phải dùng corticosteroid trước liệu pháp thay thế bằng nội tiết tố tuyến giáp, vì sự chuyển hóa nhanh chóng trở lại bình thường từ một trạng thái giảm năng tuyến giáp nặng, có thể dẫn đến suy vỏ tuyến thượng thận cấp tính và sốc. Với cùng lý do đó cũng cần dùng bổ sung corticosteroid cho người giảm năng tuyến giáp kéo dài hoặc nặng, gồm cả phù niêm.
Ở người nhồi máu cơ tim và bệnh cơ tim, dùng nội tiết tố tuyến giáp cần phải kết hợp với việc theo dõi tim cẩn thận, vì T3 cùng với angiotensin II là những yếu tố tăng trưởng rất mạnh đối với cơ tim. Sau nhồi máu cơ tim, có nguy cơ lớn phát triển suy tim. Do đó, thường dùng, ví dụ, captopril trong 1 - 2 tháng sau nhồi máu cơ tim. Tác dụng cộng hợp của liều cao T3 và angio-
tensin II sau nhồi máu cơ tim làm tăng nguy cơ phát triển suy tim. Do đó việc sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin là rất quan trọng. Tăng năng tuyến giáp tự nó có thể gây phì đại cơ tim.
Thời kỳ mang thai
Nội tiết tố tuyến giáp có thể qua nhau thai, nhưng chỉ ở mức hạn chế. Có thể dùng liothyronin cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Một lượng nhỏ nội tiết tố tuyến giáp được bài tiết trong sữa người. Người mẹ cho con bú có thể tiếp tục điều trị với liothyronin.
Tác dụng phụ
Ít gặp
Ðánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, đau ngực.
Tình trạng kích động, mất ngủ, sốt, nhức đầu, mất điều hòa.
Rụng tóc lông.
Thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Sút cân, tăng ngon miệng, ỉa chảy, co cứng cơ bụng.
Ðau cơ, run bàn tay, run.
Hơi thở ngắn.
Toát mồ hôi.
Xử trí
Có thể giảm tỷ lệ ADR bằng cách tăng chậm liều ban đầu tới liều tối thiểu có hiệu lực. Trẻ em có thể bị rụng tóc ở những tháng đầu điều trị, nhưng không cần ngừng thuốc, tóc thường mọc lại, ngay cả khi tiếp tục dùng thuốc. Có thể giảm bớt ADR như tăng hoạt động ở trẻ em bằng dùng liều bắt đầu tương đương một phần tư liều thay thế đầy đủ, rồi mỗi tuần tăng thêm một phần tư cho tới khi đạt liều thay thế đầy đủ. Nếu xảy ra triệu chứng tăng năng tuyến giáp, ngừng thuốc trong 2 - 3 ngày trước khi dùng lại với liều thấp hơn. Nếu xảy ra ADR tim mạch, phải giảm liều liothyronin.
Liều lượng và cách dùng
20 - 25 microgam natri liothyronin tương đương xấp xỉ 100 microgam natri thyroxin (levothyroxin).
Phải hiệu chỉnh liều theo từng người bệnh dựa trên đáp ứng lâm sàng, test sinh hóa và phải giám sát đều đặn.
Người lớn giảm năng tuyến giáp
Liều uống ban đầu thông thường: 10 - 20 microgam mỗi ngày, đối với người cân nặng 70 kg. Liều này thường phải tăng tới 80 - 100 microgam/24 giờ để đạt được kết quả mong muốn. Liều được chia làm 2 - 3 lần/ngày.
Liều duy trì thông thường: 25 - 50 microgam/ngày.
Người cao tuổi giảm năng tuyến giáp
Ðối với người cao tuổi, người bị bệnh tim mạch hoặc với người bị giảm năng tuyến giáp nặng lâu ngày, điều trị phải từ từ hơn, dùng liều ban đầu thấp hơn (2,5 - 5 microgam/ 24 giờ), liều tăng nhỏ hơn và khoảng cách giữa các lần tăng thuốc cũng dài hơn khi cần.
Trẻ nhỏ và trẻ em
Levothyroxin là thuốc thường được chọn để dùng. Nhưng liothyronin cũng đã được dùng trong giảm năng tuyến giáp bẩm sinh với liều: 5 microgam, ngày 1 lần. Cách 3 - 4 ngày tăng một lần, mỗi lần tăng 5 microgam/ngày, cho tới khi đạt kết quả mong muốn.
Hôn mê phù niêm
Người lớn tiêm tĩnh mạch chậm liều ban đầu 5 - 20 microgam, lặp lại nếu cần, thường cách nhau 12 giờ. Nếu người bệnh đã biết hoặc nghi ngờ mắc bệnh tim:
5 - 20 microgam. Liều bổ sung phải cho ít nhất 4 giờ sau liều đầu tiên nhưng không quá 12 giờ giữa các liều để tránh giao động nồng độ thuốc. Cũng cần cho cả corticosteroid.
Dùng liệu pháp uống ngay khi tình trạng người bệnh đã ổn định và có thể uống được thuốc. Bắt đầu bằng uống liều thấp, sau khi ngừng tiêm tĩnh mạch.
Bướu giáp đơn thuần ở người lớn
Liều thông thường ban đầu: 5 microgam/ngày. Cách 1 - 2 tuần, tăng thêm 5 - 10 microgam/ngày, cho tới khi đạt liều 25 microgam/ngày. Sau đó tăng thêm 12,5 hoặc 25 microgam/ngày, cách 1 - 2 tuần, cho tới khi đạt kết quả mong muốn.
Liều duy trì: Uống: 50 - 100 microgam/ngày.
Thử nghiệm ức chế bằng triiodothyronin
Cho uống 75 - 100 microgam liothyronin mỗi ngày, trong 5 - 7 ngày. Xác định lượng iod phóng xạ I131 hấp thu trước và sau đợt uống liothyronin nói trên. Với người bệnh tăng năng tuyến giáp, lượng iod phóng xạ hấp thu sẽ không thay đổi đáng kể, trái lại với người có chức năng tuyến giáp bình thường, lượng iod phóng xạ hấp thu sẽ bị giảm.
Tương tác
Dùng đồng thời cholestyramin hoặc colestipol có thể làm giảm tác dụng của liothyronin do liên kết và vì vậy làm chậm hoặc ngăn cản sự hấp thu. Phải dùng hai thuốc này cách nhau 4 - 5 giờ và theo dõi đều đặn những xét nghiệm về chức năng tuyến giáp.
Khi dùng đồng thời, liothyronin có thể làm tăng nhu cầu thuốc trị đái tháo đường; cần cẩn thận theo dõi kiểm soát đái tháo đường, đặc biệt khi bắt đầu, thay đổi hoặc ngừng điều trị với nội tiết tố tuyến giáp.
Việc sử dụng đồng thời với estrogen có thể làm tăng nhu cầu về liothyronin do tăng nồng độ globulin gắn thyroxin trong huyết thanh.
Liothyronin có thể làm tăng tác dụng của thuốc uống chống đông; cần hiệu chỉnh liều lượng thuốc uống chống đông dựa vào thời gian prothrombin.
Nội tiết tố tuyến giáp có thể làm tăng tốc độ chuyển hóa của digitalis, do đó cần tăng liều digitalis.
Bảo quản
Bảo quản viên nén liothyronin natri trong lọ kín, ở nhiệt độ dưới 40 độ C, tốt nhất là ở 15 - 30 độ C. Bảo quản thuốc tiêm liothyronin natri ở 2 - 8 độ C.
Quá liều và xử trí
Khi dùng quá liều dài ngày, nếu xảy ra các triệu chứng tăng năng tuyến giáp, phải ngừng liothyronin trong 1 - 2 ngày, sau đó dùng lại với liều thấp hơn.
Khi quá liều cấp tính với liều lớn, nếu có thể được, làm giảm hấp thu qua đường tiêu hóa bằng cách gây nôn và sau đó điều trị triệu chứng và hỗ trợ, gồm: làm sạch dạ dày; cho thở oxy; dùng glycosid trợ tim nếu xảy ra suy tim sung huyết; điều trị các chứng sốt, giảm đường huyết hoặc mất dịch; dùng thuốc kháng adrenergic như propranolol để điều trị chứng tăng hoạt tính thần kinh giao cảm, ví dụ nhịp tim nhanh.
Thông tin qui chế
Thuốc dạng tiêm kê đơn và bán theo đơn.
Bài viết cùng chuyên mục
Levonorgestrel Oral/Ethinyl Estradiol: thuốc tránh thai
Levonorgestrel Oral/Ethinyl Estradiol là một loại thuốc theo toa được sử dụng như biện pháp tránh thai để tránh mang thai ở người lớn và thanh thiếu niên sau dậy thì trên 16 tuổi sau khi có kinh nguyệt.
Lisonorm
Bệnh nhân suy gan/thận, thiếu hụt thể tích và/hoặc mất natri do dùng thuốc lợi niệu, hoặc mất dịch do những nguyên nhân khác, đang thẩm tách lọc máu, gạn tách lipoprotein tỷ trọng thấp.
Levocarnitine: thuốc điều trị thiếu carnitine và bệnh thận giai đoạn cuối
Levocarnitine là một loại thuốc theo toa dùng để điều trị thiếu carnitine và bệnh thận giai đoạn cuối.
Lactobacillus acidophilus: Abiiogran, Antibio Granules, vi khuẩn sinh acid lactic
Lactobacillus acidophilus là một trực khuẩn vẫn thường cư trú ở đường tiêu hoá, có khả năng sinh ra acid lactic, do đó tạo ra một môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn.
Lamisil
Terbinafine can thiệp chọn lọc vào giai đoạn đầu của quá trình sinh tổng hợp ergosterol, dẫn đến sự thiếu hụt ergosterol, và làm tăng sự tích tụ nồng độ squalene.
Lactulose
Lactulose là một disacharid tổng hợp, chứa galactose và fructose, được chuyển hóa bởi các vi khuẩn đường ruột thành acid lactic và một lượng nhỏ acid acetic và acid formic.
Lacosamide: thuốc chống co giật
Lacosamide là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị các cơn động kinh khởi phát một phần và các cơn động kinh co cứng-co giật toàn thể nguyên phát.
Loradin
Loratadine khởi phát tác dụng nhanh và có hiệu lực kháng histamin kéo dài hơn 24 giờ, do đó chỉ cần dùng thuốc một lần mỗi ngày.
Leflunomid: Arastad 20, Lefra 20, thuốc điều hòa miễn dịch kháng viêm khớp
Leflunomid được coi là tiền thuốc vì sau khi uống, thuốc được chuyển hóa rất nhanh và hầu như hoàn toàn thành chất chuyển hóa có tác dụng là teriflunomid.
Lidocaine rectal: thuốc giảm đau giảm ngứa
Lidocaine rectal là một sản phẩm không kê đơn (OTC) được sử dụng để giảm đau, ngứa và nóng rát liên quan đến bệnh trĩ và các rối loạn hậu môn trực tràng khác.
Levitra
Trong nghiên cứu sử dụng Rigiscan có đối chứng với giả dược để đo mức độ cương cứng, vardenafil 20 mg gây ra mức cương dương đủ cho sự giao hợp.
Lavender: thuốc điều trị lo lắng trầm cảm nhức đầu
Lavender được dùng để làm thuốc điều trị lo lắng, trầm cảm, nhức đầu, các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, rụng tóc từng vùng, đau sau phẫu thuật, bệnh truyền nhiễm và lây truyền qua da.
Lacteol: thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa do sử dụng kháng sinh
Lacteol phòng ngừa và điều trị các rối loạn tiêu hóa do sử dụng kháng sinh hay hóa liệu pháp, sự lên men bất thường ở đường ruột: trướng bụng, tiêu chảy, táo bón, viêm ruột cấp và mãn tính ở trẻ em và người lớn.
Lycopene: thuốc chống ô xy hóa
Lycopene được sử dụng bao gồm ung thư, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, ung thư tuyến tiền liệt, nhiễm trùng u nhú ở người, đục thủy tinh thể, hen suyễn, chống oxy hóa và chống viêm.
Lamotrigine: thuốc chống co giật
Lamotrigine được sử dụng để ngăn ngừa hoặc kiểm soát cơn động kinh, thuốc cũng có thể được sử dụng để giúp ngăn ngừa sự thay đổi tâm trạng quá mức của chứng rối loạn lưỡng cực.
Linaclotide
Linaclotide là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích và táo bón vô căn mãn tính.
Levetiracetam: Cerepax, Keppra, Letram, Levatam, Levecetam, Levepsy, Levetral, Tirastam, Torleva, thuốc điều trị động kinh
Levetiracetam, dẫn xuất pyrolidin, là một thuốc chống co giật có cấu trúc hóa học không liên quan đến các thuốc điều trị động kinh khác hiện có.
Losartan / Hydrochlorothiazide
Losartan / Hydrochlorothiazide là sự kết hợp của thuốc theo toa được sử dụng để điều trị huyết áp cao và phì đại tâm thất trái liên quan đến huyết áp cao.
Lomustin
Lomustin (CCNU) là thuốc hóa trị liệu alkyl hóa dùng để chữa ung thư. Các chất chuyển hóa có hoạt tính gắn và ức chế nhiều đích chủ chốt bên trong tế bào.
Lansoprazol
Lansoprazol được dùng điều trị ngắn ngày chứng loét dạ dày - tá tràng và điều trị dài ngày các chứng tăng tiết dịch tiêu hóa bệnh lý (như hội chứng Zollinger - Ellison, u đa tuyến nội tiết, tăng dưỡng bào hệ thống).
Lirystad: thuốc điều trị đau thần kinh ngoại vi và trung ương
Đau thần kinh ngoại vi và trung ương. Rối loạn lo âu lan tỏa. Hỗ trợ điều trị động kinh cục bộ có hoặc không có cơn toàn thể thứ phát.
Levonorgestrel Oral: thuốc tránh thai
Levonorgestrel Oral là thuốc tránh thai khẩn cấp kê đơn cũng như không kê đơn được sử dụng để ngừa thai sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.
Levemir FlexPen
Làm tăng nhu cầu insulin: Thuốc tránh thai dạng uống, thiazid, glucocorticoid, hormone tuyến giáp, chất có tác dụng giống thần kinh giao cảm, hormone tăng trưởng, danazol.
Loperamid
Loperamid là một thuốc trị ỉa chảy được dùng để chữa triệu chứng các trường hợp ỉa chảy cấp không rõ nguyên nhân và một số tình trạng ỉa chảy mạn tính.
Levothyrox: thuốc điều trị thay thế hoặc bổ sung hội chứng suy giáp
Ðiều trị thay thế hoặc bổ sung cho các hội chứng suy giáp do bất cứ nguyên nhân nào ở tất cả các lứa tuổi (kể cả ở phụ nữ có thai), trừ trường hợp suy giáp nhất thời trong thời kỳ hồi phục viêm giáp bán cấp.