Levofloxacin: Dianflox, Dovocin, Draopha fort, thuốc kháng sinh nhóm quinolon

2019-03-20 03:39 PM

Levofloxacin là một kháng sinh tổng hợp có phổ rộng thuộc nhóm quinolon dẫn chất fluoroquinolon, cũng như các fluoroquinolon khác, levofloxacin có tác dụng diệt khuẩn do ức chế enzym topoisomerase II.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Tên chung quốc tế: Levofloxacin.

Loại thuốc: Kháng sinh nhóm quinolon (phân nhóm fluoroquinolon).

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén bao phim: 250 mg, 500 mg, 750 mg.

Dung dịch uống: 25 mg/ml (100 ml, 200 ml, 480 ml).

Thuốc tiêm truyền: 250 mg/50 ml, 500 mg/100 ml, 750 mg/150 ml.

Dung dịch tiêm: 25 mg/ml (20 ml; 30 ml).

Dung dịch nhỏ mắt: 0,5% (5 ml); 1,5% (5 ml).

Dược lý và cơ chế tác dụng

Levofloxacin là một kháng sinh tổng hợp có phổ rộng thuộc nhóm quinolon (dẫn chất fluoroquinolon). Cũng như các fluoroquinolon khác, levofloxacin có tác dụng diệt khuẩn do ức chế enzym topoisomerase II (DNA-gyrase) và/hoặc topoisomerase IV là những enzym thiết yếu của vi khuẩn tham gia xúc tác trong quá trình sao chép, phiên mã và tu sửa DNA của vi khuẩn. Levofloxacin là đồng phân S-(-)-isomer của ofloxacin, nó có tác dụng diệt khuẩn mạnh gấp 8 - 128 lần so với đồng phân D-isomer và tác dụng mạnh gấp khoảng 2 lần so với ofloxacin racemic. Levofloxacin, cũng như các fluoroquinolon khác là kháng sinh phổ rộng, có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Levofloxacin (cũng như sparfloxacin) có tác dụng trên vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn kỵ khí tốt hơn so với các fluoroquinolon khác (như ciprofloxacin, enoxacin, lomefloxacin, norfloxacin, ofloxacin), tuy nhiên levofloxacin và sparfloxacin lại có tác dụng in vitro trên Pseudomonas aeruginosa yếu hơn so với ciprofloxacin.

Phổ tác dụng

Vi khuẩn nhạy cảm in vitro và nhiễm khuẩn trong lâm sàng:

Vi khuẩn ưa khí Gram âm: Enterobacter cloacae, E. coli, H. influenzae, H. parainfluenzae, Klebsiella pneumoniae, Legionalla pneumophila, Moraxella catarrhalis, Proteus mirabilis, Pseudomonas aeruginosa. Vi khuẩn khác: Chlamydia pneumoniae, Mycopasma pneumoniae. Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Bacillus anthracis, Staphylococcus aureus nhạy cảm methicilin (meti-S), Staphylococcus coagulase âm tính nhạy cảm methicilin, Streptococcus pneumoniae.

Vi khuẩn kỵ khí: Fusobacterium, Peptostreptococcus, Propionibacterium. Các loại vi khuẩn nhạy cảm trung gian in vitro:

Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Enterococcus faecalis.

Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides fragilis, Prevotella.

Các loại vi khuẩn kháng levofloxacin:

Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Enterococcus faecium, Staphylococcus aureus meti-R, Staphylococcus coagulase âm tính meti-R.

Kháng chéo: In vitro, có kháng chéo giữa levofloxacin và các fluoroquinolon khác. Do cơ chế tác dụng, thường không có kháng chéo giữa levofloxacin và các họ kháng sinh khác.

Dược động học

Sau khi uống, levofloxacin được hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn; nồng độ đỉnh trong huyết tương thường đạt được sau 1 - 2 giờ; sinh khả dụng tuyệt đối xấp xỉ 99%. Các thông số dược động học của levofloxacin sau khi dùng đường tĩnh mạch và đường uống với liều tương đương là gần như nhau, do đó nên ưu tiên đường uống và chỉ sử dụng đường tiêm khi không uống được. Thức ăn ít ảnh hưởng đến hấp thu khi uống. Levofloxacin được phân bố rộng rãi trong cơ thể, tuy nhiên thuốc khó thấm vào dịch não tủy. Tỷ lệ gắn protein huyết tương là 30 - 40%. Levofloxacin rất ít bị chuyển hóa trong cơ thể và thải trừ gần như hoàn toàn qua nước tiểu ở dạng còn nguyên hoạt tính, chỉ dưới 5% liều điều trị được tìm thấy trong nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa desmethyl và N-oxid, các chất chuyển hóa này có rất ít hoạt tính sinh học. Thời gian bán thải của levofloxacin từ 6 - 8 giờ, kéo dài ở người bệnh suy thận. Thuốc thải trừ qua nước tiểu khoảng 87% ở dạng không biến đổi và qua phân khoảng 12,8%. Thuốc không loại bỏ được bằng thẩm phân máu hoặc màng bụng.

Chỉ định

Nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với levofloxacin, như:

Viêm xoang cấp.

Đợt cấp viêm phế quản mạn.

Viêm phổi cộng đồng.

Viêm tuyến tiền liệt.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng hoặc không.

Nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da có biến chứng hoặc không.

Nhiễm khuẩn đường mật.

Nhiễm khuẩn ruột.

Dự phòng sau khi phơi nhiễm và điều trị triệt để bệnh than.

Chống chỉ định

Người có tiền sử quá mẫn với levofloxacin, với các quinolon khác, hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Động kinh, thiếu hụt G6PD, tiền sử bệnh ở gân cơ do fluoroquinolon gây ra.

Thận trọng

Viêm gân đặc biệt là gân gót chân (Achille), có thể dẫn tới đứt gân.

Biến chứng này có thể xuất hiện ở 48 giờ đầu tiên, sau khi bắt đầu dùng thuốc và có thể bị cả hai bên. Viêm gân xảy ra chủ yếu ở các đối tượng có nguy cơ: Người trên 65 tuổi, đang dùng corticoid (kể cả đường phun hít). Hai yếu tố này làm tăng nguy cơ viêm gân. Để phòng, cần điều chỉnh liều lượng thuốc hàng ngày ở người bệnh lớn tuổi theo mức lọc cầu thận.

Ảnh hưởng trên hệ cơ xương: Levofloxacin, cũng như phần lớn các quinolon khác, có thể gây thoái hóa sụn ở khớp chịu trọng lực trên nhiều loài động vật non, do đó không nên sử dụng levofloxacin cho trẻ em dưới 18 tuổi, trừ khi lợi ích vượt trội nguy cơ.

Nhược cơ: Cần thận trọng ở người bệnh bị bệnh nhược cơ vì các biểu hiện có thể nặng lên.

Tác dụng trên thần kinh trung ương: Đã có các thông báo về phản ứng bất lợi như rối loạn tâm thần, tăng áp lực nội sọ, kích thích thần kinh trung ương dẫn đến co giật, run rẩy, bồn chồn, đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, ác mộng, có ý định hoặc hành động tự sát (hiếm gặp) khi sử dụng các kháng sinh nhóm quinolon, thậm chí ngay khi sử dụng ở liều đầu tiên. Nếu xảy ra những phản ứng bất lợi này trong khi sử dụng levofloxacin, cần dừng thuốc và có các biện pháp xử trí triệu chứng thích hợp. Cần thận trọng khi sử dụng cho người bệnh có các bệnh lý trên thần kinh trung ương như động kinh, xơ cứng mạch não…vì có thể tăng nguy cơ co giật.

Phản ứng mẫn cảm: Phản ứng mẫn cảm với nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, thậm chí sốc phản vệ khi sử dụng các quinolon, bao gồm cả levofloxacin đã được thông báo. Cần ngừng thuốc ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của phản ứng mẫn cảm và áp dụng các biện pháp xử trí thích hợp.

Viêm đại tràng màng giả do Clostridium difficile: Phản ứng bất lợi này đã được thông báo với nhiều loại kháng sinh trong đó có levofloxacin, có thể xảy ra ở tất cả các mức độ từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Cần lưu ý chẩn đoán chính xác các trường hợp ỉa chảy xảy ra trong thời gian người bệnh đang sử dụng kháng sinh để có biện pháp xử trí thích hợp.

Mẫn cảm với ánh sáng mức độ từ trung bình đến nặng đã được thông báo với nhiều kháng sinh nhóm fluoroquinolon, trong đó có levofloxacin (mặc dù đến nay, tỷ lệ gặp phản ứng bất lợi này khi sử dụng levofloxacin rất thấp < 0,1%). Người bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng trong thời gian điều trị và 48 giờ sau khi điều trị.

Tác dụng trên chuyển hóa: Cũng như các quinolon khác, levofloxacin có thể gây ra rối loạn chuyển hóa đường, bao gồm tăng và hạ đường huyết thường xảy ra ở các người bệnh đái tháo đường đang sử dụng levofloxacin đồng thời với một thuốc uống hạ đường huyết hoặc với insulin; do đó cần giám sát đường huyết trên người bệnh này. Nếu xảy ra hạ đường huyết, cần ngừng levofloxacin và tiến hành các biện pháp xử trí thích hợp.

Kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ: Sử dụng các quinolon có thể gây kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ ở một số người bệnh và một số hiếm ca loạn nhịp, do đó cần tránh sử dụng trên các người bệnh sẵn có khoảng QT kéo dài, người bệnh hạ kali huyết, người bệnh đang sử dụng các thuốc chống loạn nhịp nhóm IA (quinidin, procainamid…) hoặc nhóm III (amiodaron, sotalol…); thận trọng khi sử dụng levofloxacin cho các người bệnh đang trong các tình trạng tiền loạn nhịp như nhịp chậm và thiếu máu cơ tim cấp.

Thời kỳ mang thai

Không dùng levofloxacin cho phụ nữ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Chưa đo được nồng độ levofloxacin trong sữa mẹ, nhưng căn cứ vào khả năng phân bố vào sữa của ofloxacin, có thể dự đoán rằng levofloxacin cũng được phân bố vào sữa mẹ. Vì thuốc có nhiều nguy cơ tổn thương sụn khớp trên trẻ nhỏ, không cho con bú khi dùng levofloxacin.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR > 1/100

Tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, táo bón, khó tiêu.

Gan: Tăng enzym gan.

Thần kinh: Mất ngủ, đau đầu.

Da: Kích ứng nơi tiêm, ngứa, ban da.

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100

Thần kinh: Hoa mắt, căng thẳng, kích động, lo lắng.

Tiêu hoá: Đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn, táo bón.

Gan: Tăng bilirubin huyết.

Tiết niệu, sinh dục: Viêm âm đạo, nhiễm nấm Candida sinh dục.

Da: Ngứa, phát ban

Hiếm gặp, ADR < 1/1 000

Tim mạch: Tăng hoặc hạ huyết áp, loạn nhịp.

Tiêu hoá: Viêm đại tràng màng giả, khô miệng, viêm dạ dày, phù lưỡi.

Cơ xương - khớp: Đau khớp, yếu cơ, đau cơ, viêm tủy xương, viêm gân Achille.

Thần kinh: Co giật, giấc mơ bất thường, trầm cảm, rối loạn tâm thần.

Dị ứng: Phù Quinck, choáng phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson và Lyelle.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Cần ngừng levofloxacin trong các trường hợp: Bắt đầu có các biểu hiện ban da hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng mẫn cảm hay ADR trên thần kinh trung ương. Cần giám sát người bệnh để phát hiện viêm đại tràng màng giả và có các biện pháp xử trí thích hợp khi xuất hiện ỉa chảy trong khi đang dùng levofloxacin.

Khi xuất hiện dấu hiệu viêm gân cần ngừng ngay thuốc, để hai gân gót nghỉ với các dụng cụ cố định thích hợp hoặc nẹp gót chân và hội chẩn chuyên khoa.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng

Levofloxacin được dùng dưới dạng hemihydrat, nhưng liều lượng và hàm lượng được biểu thị dưới dạng base; 256 mg levofloxacin hemihydrat tương ứng với 250 mg levofloxacin.

Dùng đường uống:

Thời điểm uống levofloxacin không phụ thuộc vào bữa ăn (có thể uống trong hoặc xa bữa ăn).

Không được dùng các antacid có chứa nhôm và magnesi, chế phẩm có chứa kim loại nặng như sắt và kẽm, sucralfat, didanosin (vì trong dạng bào chế thuốc này có chứa antacid) trong vòng 2 giờ trước và sau khi uống levofloxacin.

Dùng ngoài đường tiêu hoá:

Levofloxacin chỉ được dùng bằng cách truyền tĩnh mạch chậm, truyền nhanh sẽ dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp. Thời gian truyền phụ thuộc vào liều lượng thuốc (liều 250 mg hoặc 500 mg thường truyền trong 60 phút, liều 750 mg truyền trong 90 phút). Không được dùng để tiêm bắp, tiêm vào ống sống, tiêm phúc mạc hoặc tiêm dưới da.

Các dung dịch có chứa levofloxacin với nồng độ 5 mg/ml trong dextrose 5%, có thể dùng ngay không cần pha loãng. Dung dịch levofloxacin với hàm lượng 500 mg/20 ml trong lọ thuốc tiêm bắt buộc phải pha loãng trong các dung dịch tương hợp thành dung dịch có nồng độ 5 mg/ml trước khi sử dụng. Các dung dịch tương hợp dùng để pha loãng được nhà sản xuất quy định trong thông tin trên nhãn thuốc. Một số dung dịch tương hợp thường dùng là:

Dung dịch dextrose 5%, dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch dextrose 5% phối hợp với natri clorid 0,9%, dung dịch Ringer

Lactat và dextrose 5%, dung dịch natri bicarbonat 5%, dung dịch Plasma Lyte 56/5% dextrose, dung dịch natri lactat 1/6M, dung dịch dextrose 5% và natri clorid 0,45%, nước cất pha tiêm.

Liều lượng

Liều dùng của levofloxacin áp dụng cho cả đường uống và đường tĩnh mạch:

Liều thường dùng khoảng từ 250 - 500 mg, ngày 1 - 2 lần trong 7 - 14 ngày tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và tác nhân gây bệnh.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp:

Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: 500 mg, 1 lần/ngày trong 7 ngày.

Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng: 500 mg, 1 - 2 lần/ngày trong 7 - 14 ngày.

Viêm xoang hàm trên cấp tính: 500 mg, 1 lần/ngày trong 10 - 14 ngày.

Nhiễm trùng da và tổ chức dưới da:

Có biến chứng: 750 mg, 1 lần/ngày trong 7 - 14 ngày.

Không có biến chứng: 500 mg, 1 lần/ngày trong 7 - 10 ngày.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu:

Có biến chứng: 250 mg, 1 lần/ngày trong 10 ngày.

Không có biến chứng: 250 mg, 1 lần/ngày trong 3 ngày.

Viêm thận - bể thận cấp: 250 mg, 1 lần/ngày trong 10 ngày.

Nhiễm khuẩn đường mật: 500 mg, 1 lần/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc uống.

Viêm tuyến tiền liệt mạn: 500 mg, 1 lần/ngày trong 28 ngày.

Bệnh than:

Điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm với trực khuẩn than: Ngày uống 1 lần, 500 mg, dùng trong 8 tuần.

Điều trị bệnh than:

Truyền tĩnh mạch, sau đó uống thuốc khi tình trạng người bệnh cho phép, liều 500 mg, 1 lần/ngày, trong 8 tuần.

Trẻ em ≥ 6 tháng tuổi, cân nặng > 50 kg: 500 mg, 1 lần/ngày. Nếu cân nặng < 50 kg: 8 mg/kg (không vượt quá 250 mg/liều), cách 12 giờ/lần.

Thời gian dự phòng sau phơi nhiễm còn chưa rõ. Thời gian 60 ngày có thể thỏa đáng nếu phơi nhiễm liều thấp, nhưng nếu phơi nhiễm liều cao, có thể cần một khoảng thời gian trên 4 tháng.

Viêm tuyến tiền liệt:

500 mg/24 giờ, truyền tĩnh mạch. Sau vài ngày có thể chuyển sang uống.

Liều dùng cho người bệnh suy thận:

Liều ban đầu không thay đổi khi dùng cho người bệnh suy thận, liều tiếp theo nên được điều chỉnh dựa trên Clcr.

Liều levofloxacin cho người lớn suy thận khuyến cáo như sau:

Liều thông thường

Chức năng thận bình thường Clcr ≥ 50 ml/phút

Clcr (ml/phút)

Liều khi suy thận

250 mg

20 - 49

Không cần điều chỉnh liều

250 mg

10 - 19

Viêm đường tiết niệu không biến chứng: Không cần điều chỉnh liều.

Các nhiễm khuẩn khác: 250 mg mỗi 24 giờ

250 mg

Thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng

Chưa có thông tin

500 mg

20 - 49

Liều đầu: 500 mg; sau đó 250 mg cách nhau 24 giờ/lần

500 mg

10 - 19

Liều đầu: 500 mg; sau đó 250 mg cách nhau 48 giờ/lần

500 mg

Thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng

Liều đầu: 500 mg; sau đó 250 mg cách nhau 48 giờ/lần Không cần liều bổ sung sau thẩm phân

750 mg

20 – 49

Liều đầu: 750 mg; sau đó 750 mg cách nhau 48 giờ/lần

750 mg

10 – 19

Liều đầu: 750 mg; sau đó 500 mg cách nhau 48 giờ/lần

750 mg

Thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng

Liều đầu: 750 mg; sau đó 500 mg cách nhau 48 giờ/lần Không cần liều bổ sung sau thẩm phân.

Suy gan:

Không cần điều chỉnh liều.

Tương tác thuốc

Antacid, sucralfat, ion kim loại, multivitamin: Khi sử dụng đồng thời có thể làm giảm hấp thu levofloxacin, cần uống các thuốc này cách xa levofloxacin ít nhất 2 giờ.

Theophylin: Một số nghiên cứu trên người tình nguyện khỏe mạnh cho thấy không có tương tác. Tuy nhiên, do nồng độ trong huyết tương và AUC theophylin thường bị tăng khi sử dụng đồng thời với các quinolon khác, vẫn cần giám sát chặt chẽ nồng độ theophylin và hiệu chỉnh liều nếu cần khi sử dụng đồng thời với levofloxacin.

Warfarin: Do đã có thông báo warfarin tăng tác dụng khi dùng cùng với levofloxacin, cần giám sát các chỉ số về đông máu khi sử dụng đồng thời hai thuốc này.

Cyclosporin, digoxin: Tương tác không có ý nghĩa lâm sàng, do đó không cần hiệu chỉnh liều các thuốc này khi dùng đồng thời với levofloxacin.

Các thuốc chống viêm không steroid: Có khả năng làm tăng nguy cơ kích thích thần kinh trung ương và co giật khi dùng đồng thời với levofloxacin.

Các thuốc hạ đường huyết: Dùng đồng thời với levofloxacin có thể làm tăng nguy cơ rối loạn đường huyết, cần giám sát chặt chẽ.

Tránh dùng đồng thời norfloxacin với các thuốc sau: Artemether, BCG, dronedaron, pimozid, nilotinib, nitrofurantoin, lumefantrin, quinin, tetrabenazin, thioridazin, tolvaptan, toremifen, vandetanib, vemurafenib, ziprasidon.

Levofloxacin làm giảm tác dụng của BCG, mycophenolat, sulfonylurê, vắc xin thương hàn.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ 15 - 30 độ C, trong lọ kín, tránh ánh sáng.

Dung dịch thuốc sau khi pha loãng trong dịch tương hợp, ổn định trong vòng 72 giờ ở nhiệt độ dưới 25 độ C và trong vòng 14 ngày ở nhiệt độ 5 độ C. Dung dịch pha loãng này có thể ổn định tới 6 tháng nếu bảo quản ở nhiệt độ - 20 độ C; sau khi đưa ra khỏi tủ lạnh, để tan đông ở nhiệt độ phòng, không tan đông bằng lò vi sóng hoặc ngâm trong nước nóng. Không để đông lạnh lại sau khi đã tan đông. Các lọ thuốc không chứa chất bảo quản chỉ nên dùng một lần, phần còn thừa phải loại bỏ.

Tương kỵ

Vì có rất ít các thông tin về tương kỵ của levofloxacin, không thêm bất kỳ một thuốc nào khác vào dung dịch truyền levofloxacin hoặc vào cùng một đường truyền.

Quá liều và xử trí

Vì không có thuốc giải độc đặc hiệu, xử trí quá liều bằng cách loại thuốc ngay khỏi dạ dày nếu dùng đường uống, bù dịch đầy đủ cho người bệnh. Thẩm tách máu và thẩm phân phúc mạc liên tục không có hiệu quả loại levofloxacin ra khỏi cơ thể. Theo dõi điện tâm đồ vì thuốc gây kéo dài khoảng QT.

Tên thương mại

Alphaflox; Amflox; Amlevo 500; Aulox; Axolev; Bactevo; Barprod-250; Beeocuracin; Bisnang; Ceteco Leflox 250; Choncylox; Crafus Tab; Cravit; Daewonlefloxin; Davore-500; Dianflox; Dovocin; Draopha fort; Eurolivo-500; Eurolocin; Flovanis; Fogum; Getzlox; Glevonix 500; Grepiflox; Holacin Tab.; Hulevo 750; Imeflox; Kaflovo; Labomin; Lan-Lan; L-Cin 250; Lecinflox OPH; Lefelo; Lefloinfusion; Lefloxa 250; Leflumax; Lefquin; Lefrocix; Lefvox; Lefxacin; Leginin; Lenvoxae; Lequinic; Letristan 250; Levagim; Levibact-250; Levin; Levioloxe; Levobac; Levobact; Levocef 250; Levocide 500; Levocil; Levoday 250; Levoeye; Levof; Levofast Inj.; Levofexin; Levoflex; Levoflomarksans; Levoflox 500; Levofresh Inj.; Levojack-500; Levoking; Levoleo 250; Levolon 500; Levonis-250; Levoquin; Levostar 500; Levotamaxe; Levotop; Levzal-500; Lexyl-OD; Lifcin-500; Lisace; Lisoflox; Livoxee; Livran-500; Lobitzo; Lodnets 500; Loviza 500; Lovoxine; Loximat; Loxof 500; Lufi500; LVZ Zifam 500; Maclevo 500; Medflocin; Melevox; Mincom; Miracin; Navedro; Niflox 250; Novocress; Olcin; Opelevox 500; Phileo; PL Flocix; PQAlevo; Protoriff; Quinotab 250; Quinvonic; Quivocin; Recamicina; Riboflex Tab; Rotifom; RTflox; Sachlard; Sanbelevocin; Sanflox; Sanuflox; SaViLevo; Sharolev; Siratam; Sonertiz; Sonlexim 500; Tavanic; Teravox-500; Terlev-250; Tigeron; Tricima 250; Triflox; Unilexacin; Uniloxin; Vacoflox L; Vafocin; Villex 500; Voledex; Volexin 100; Vtlevo 500; Young Il Volexin; Zilee 250; Zilevo 500; Zolevox -500.

Bài viết cùng chuyên mục

Loperamid

Loperamid là một thuốc trị ỉa chảy được dùng để chữa triệu chứng các trường hợp ỉa chảy cấp không rõ nguyên nhân và một số tình trạng ỉa chảy mạn tính.

Liothyronin

Liothyronin là T3 (triiodothyronin) có hoạt tính, gắn trực tiếp với thụ thể thyroxin trong tế bào và tác động đến nhân tế bào. Liothyronin có cùng tác dụng dược lý như thyroxin natri và các chế phẩm từ tuyến giáp.

Lisinopril

Lisinopril là thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin và là một dẫn chất lysin có cấu trúc tương tự enalapril với tác dụng kéo dài. Thuốc ức chế enzym chuyển thường làm giảm huyết áp trừ khi tăng huyết áp do cường aldosteron tiên phát.

L-tryptophan: thuốc bổ sung

L-tryptophan sử dụng cho bệnh trầm cảm, chứng mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, lo lắng, đau mặt, rối loạn rối loạn tiền kinh nguyệt.

Lemborexant: thuốc ức chế thần kinh trung ương gây ngủ

Lemborexant là một loại thuốc ức chế thần kinh trung ương theo toa được sử dụng cho người lớn gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ (mất ngủ) ở người lớn.

Lidocain Egis

Gây tê tại chỗ hay vùng trong phẫu thuật, phụ khoa, nha khoa. Phòng trị ngoại tâm thu thất, nhanh nhịp thất kèm nhồi máu cơ tim cấp, thiếu máu cục bộ ở tim, loạn nhịp thất (ngộ độc digitalis).

Liraglutide

Liraglutide là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì.

Lithi carbonat

Lithi có tác dụng phòng ngừa cả hai pha hưng cảm và trầm cảm của bệnh hưng cảm - trầm cảm đơn cực hoặc lưỡng cực. Ngoài tác dụng phòng bệnh, lithi còn có tác dụng điều trị trong các trường hợp hưng cảm.

Lysine: thuốc điều trị vết loét lạnh

Lysine được sử dụng để tăng cường thành tích thể thao, hoặc điều trị vết loét lạnh và kiềm chuyển hóa, có hiệu quả trong điều trị vết loét lạnh.

Lemon balm: thuốc điều trị chướng bụng đầy hơi

Lemon balm điều trị chướng bụng, đầy hơi, bệnh Graves, herpes labialis, chứng mất ngủ, như một chất chống co thắt, kích thích thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa.

Lomexin

Lomexin có hoạt chất chính là fenticonazole nitrate, đây là một dẫn xuất mới của imidazole do hãng bào chế Recordati của Ý tổng hợp, có hoạt tính kháng nấm và kháng khuẩn rất tốt.

Letrozol: Femara, Losiral, Meirara, thuốc chống ung thư

Letrozol là dẫn chất benzyltriazol, là chất ức chế aromatase chọn lọc không steroid, Letrozol khác biệt với aminoglutethimid về cấu trúc nhưng cùng chung tác dụng dược lý và ức chế cạnh tranh aromatase.

Leunase

Tiêm tĩnh mạch chuột nhắt và tiêm phúc mạc chuột cống ở liều 1.000 KU trên kg hoặc hơn, chậm tăng trưởng, dễ tử vong, thoát vị não, bất thường ở đốt sống ngực và xương sườn, chậm tạo xương được quan sát thấy.

Lurasidone

Lurasidone là một loại thuốc theo toa dùng để điều trị Tâm thần phân liệt và Trầm cảm lưỡng cực.

Lycopus: thuốc cải thiện chuyển hóa tế bào

Lycopus sử dụng cho cường giáp, hội chứng tiền kinh nguyệt, đau vú, căng thẳng, mất ngủ và chảy máu, đặc biệt là chảy máu cam và chảy máu nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt.

Linkotax

Người lớn 25 mg uống 1 lần mỗi ngày sau khi ăn. Ung thư vú giai đoạn đầu: Nên tiếp tục điều trị trong 5 năm liệu pháp hormone kết hợp bổ trợ tuần tự (dùng Linkotax sau tamoxifen), hoặc sớm hơn nếu khối u tái phát.

Lenitral (uống)

Lenitral (uống)! Nhờ vào sự phân tán chậm và đều, Lenitral thường không gây hạ huyết áp động mạch cũng như không gây nhịp tim nhanh phản xạ.

Lirystad: thuốc điều trị đau thần kinh ngoại vi và trung ương

Đau thần kinh ngoại vi và trung ương. Rối loạn lo âu lan tỏa. Hỗ trợ điều trị động kinh cục bộ có hoặc không có cơn toàn thể thứ phát.

Lamostad: thuốc điều trị động kinh

Lamostad điều trị hỗ trợ hoặc đơn trị liệu động kinh cục bộ và động kinh toàn thể, bao gồm động kinh co cứng - co giật. Động kinh liên quan đến hội chứng Lennox-Gastaut. Lamotrigine được dùng như liệu pháp hỗ trợ.

Locabiotal

Ở người, sau khi dùng thuốc bằng đường hít, không phát hiện thấy fusafungine trong huyết tương do hoạt chất chính đã bám vào niêm mạc đường hô hấp.

Lamzidivir: thuốc điều trị suy giảm miễn dịch cho bệnh nhân HIV

Lamzidivir là thuốc kháng virus kết hợp, được chỉ định cho điều trị nhiễm HIV ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên, làm tăng khả năng miễn dịch (lượng CD4+ 500/ml).

Lipigold

Cung cấp năng lượng (không do protein) (có thể tới 60% nhu cầu hàng ngày) cho bệnh nhân nuôi ăn đường tĩnh mạch kéo dài trên 5 ngày để ngăn ngừa thiếu hụt các acid béo thiết yếu.

Leuco 4

Không có nghiên cứu về tác dụng gây quái thai của thuốc trên động vật, trên lâm sàng, cho đến nay không có trường hợp nào gây dị dạng, hay độc phôi được báo cáo.

Lycopene: thuốc chống ô xy hóa

Lycopene được sử dụng bao gồm ung thư, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, ung thư tuyến tiền liệt, nhiễm trùng u nhú ở người, đục thủy tinh thể, hen suyễn, chống oxy hóa và chống viêm.

Lanolin: kem dưỡng ẩm điều trị da khô

Lanolin được sử dụng như một loại kem dưỡng ẩm để điều trị hoặc ngăn ngừa da khô, thô ráp, có vảy, ngứa và kích ứng da nhẹ, làm mềm da là những chất làm mềm và giữ ẩm cho da, giảm ngứa và bong tróc.