Haratac: thuốc điều trị loét tá tràng và loét dạ dày

2021-08-07 01:15 PM

Haratac điều trị loét tá tràng và loét dạ dày lành tính, kể cả các trường hợp loét liên quan đến các thuốc kháng viêm không steroid, phòng ngừa loét tá tràng có liên quan đến các thuốc kháng viêm không steroid.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Hoạt chất: Ranitidine.

Phân loại: Thuốc kháng thụ thể histamin H2. Thuốc giảm tiết acid dạ dày.

Biệt dược gốc: Zantac.

Biệt dược: Haratac , Hazitac, Ranihasan.

Dạng thuốc và hàm lượng

Hazitac Viên nén bao phim: hộp 3 vỉ x 10 viên, hộp 5 vỉ x 10 viên, hộp 10 vỉ x 10 viên.

Ranihasan Viên nén bao phim: hộp 3 vỉ x 10 viên, hộp 5 vỉ x 10 viên, hộp 10 vỉ x 10 viên.

Haratac Viên nén sủi bọt: hộp 3 vỉ x 4 viên, hộp 5 vỉ x 4 viên, hộp 10 vỉ x 4 viên.

Hazitac Mỗi viên nén bao phim: Ranitidin 150mg hay 300mg.

Ranihasan Mỗi viên nén bao phim: Ranitidin 150mg.

Haratac Mỗi viên nén sủi bọt: Ranitidin 150mg hay 300mg.

Chỉ định

Người lớn

Điều trị loét tá tràng và loét dạ dày lành tính, kể cả các trường hợp loét liên quan đến các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).

Phòng ngừa loét tá tràng có liên quan đến các thuốc kháng viêm không steroid (bao gồm cả aspirin), đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày-tá tràng.

Điều trị loét tá tràng có liên quan tới nhiễm Helicobacter pylori.

Điều trị loét sau phẫu thuật.

Bệnh trào ngược thực quản, bao gồm điều trị kéo dài của bệnh viêm thực quản đã lành.

Làm giảm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản.

Hội chứng Zollinger-Ellison.

Khó tiêu mạn tính, đặc trưng bởi đau sau xương ức hoặc vùng thượng vị có liên quan đến bữa ăn hoặc rối loạn giấc ngủ mà không liên quan đến các bệnh trên.

Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân bệnh nặng có loét do stress.

Phòng ngừa tái phát xuất huyết dạ dày-tá tràng.

Sử dụng trước khi gây mê toàn thân ở những bệnh nhân có nguy cơ sặc acid (hội chứng Mendelson), đặc biệt là bệnh nhân sản khoa trong quá trình chuyển dạ.

Trẻ em (3-18 tuổi)

Điều trị ngắn hạn loét dạ dày-tá tràng.

Điều trị trào ngược dạ dày-thực quản, bao gồm viêm thực quản do trào ngược và làm giảm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản.

Cách dùng

Hazitac, Ranihasan: Dùng đường uống.

Haratac: Hòa tan viên nén sủi bọt Haratac vào khoảng 200mL nước. Không được bẻ viên thuốc. Uống ngay sau khi viên nén sủi bọt hoàn toàn.

Liều dùng

Sử dụng viên thuốc có hàm lượng phù hợp.

Người lớn (bao gồm cả người cao tuổi): Liều thông thường là 150 mg/lần x 2 lần/ngày. Uống vào buổi sáng và buổi tối.

Điều trị loét dạ dày-tá tràng: Liều thông thường là 150 mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 300 mg/lần/ngày vào ban đêm, không phụ thuộc vào bữa ăn.

Trong hầu hết các trường hợp loét tá tràng, loét dạ dày lành tính và loét sau phẫu thuật, thời gian điều trị là 4 tuần. Điều trị thêm 4 tuần ở những người không khỏi bệnh hoàn toàn sau đợt điều trị đầu tiên. Thời gian điều trị loét liên quan đến NSAID là 8 tuần.

Phòng ngừa loét tá tràng do dùng NSAID: 150 mg/lần x 2 lần/ngày.

Trong loét tá tràng, liều 300 mg/lần x 2 lần/ngày trong 4 tuần có hiệu quả điều trị cao hơn so với liều 150 mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 300 mg/lần/ngày vào ban đêm trong 4 tuần. Việc tăng liều không liên quan đến việc làm tăng các tác dụng không mong muốn.

Điều trị loét tá tràng liên quan đến Helicobacter pylori: Dùng liều 300 mg/lần/ngày lúc đi ngủ hoặc 150 mg/lần x 2 lần/ngày phối hợp với amoxicilin đường uống 750 mg/lần x 3 lần/ngày và metronidazol 500 mg/lần x 3 lần/ngày, trong vòng 2 tuần. Sau đó, tiếp tục điều trị với ranitidin thêm 2 tuần nữa. Phác đồ này làm giảm đáng kể tần suất tái phát loét tá tràng.

Liều duy trì 150 mg/lần lúc đi ngủ được khuyến cáo ở những bệnh nhân đã đáp ứng với điều trị ngắn hạn, đặc biệt những người có tiền sử loét tái phát.

Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản: 150 mg/lần x 2 lần/ngày trong 2 tuần và có thể lặp lại ở những bệnh nhân kém đáp ứng với điều trị ban đầu.

Bệnh trào ngược thực quản: Khuyến cáo 150 mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 300 mg/lần/ngày lúc đi ngủ, điều trị trong 8-12 tuần.

Ở những bệnh nhân viêm thực quản vừa và nặng, liều ranitidin có thể tăng lên đến 150 mg/lần x 4 lần/ngày trong 12 tuần. Việc tăng liều không liên quan đến việc làm tăng tác dụng không mong muốn.

Viêm thực quản đã lành: Khi điều trị lâu dài, liều khuyến cáo ở người lớn là 150 mg/lần x 2 lần/ngày. Không được điều trị lâu dài ở bệnh nhân viêm thực quản không lành kèm hoặc không kèm bệnh Barret thực quản.

Hội chứng Zollinger-Ellison: Liều khởi đầu 150 mg/lần x 3 lần/ngày, có thể tăng liều khi cần thiết. Liều lên đến 6 g/ngày được dung nạp tốt.

Khó tiêu mạn tính: 150 mg/lần x 2 lần/ngày trong 6 tuần. Cần đánh giá lại nếu bệnh nhân không đáp ứng hoặc tái phát ngay sau đó.

Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa ở những bệnh nhân bị bệnh nặng có loét do stress hoặc phòng ngừa xuất huyết tái phát ở bệnh nhân loét tá tràng: 150 mg/lần x 2 lần/ngày.

Phòng ngừa hội chứng sặc acid (hội chứng Mendelson): Uống liều 150mg 2 giờ trước khi gây mê, tốt hơn nữa nên dùng 150mg vào buổi tối trước đó. Ở bệnh nhân sản khoa, uống 150mg mỗi 6 giờ.

Trẻ em:

Trẻ em ≥ 12 tuổi: Liều dùng tương tự như ở người lớn.

Trẻ em từ 3-11 tuổi, cân nặng trên 30kg: Xem phần “Dược động học trên một số đối tượng lâm sàng đặc biệt”.

Điều trị loét dạ dày-tá tràng cấp tính: Liều khuyến cáo điều trị loét dạ dày-tá tràng ở trẻ em là 4-8 mg/kg/ngày, tối đa 300 mg/ngày, chia làm 2 lần uống, thời gian điều trị là 4 tuần. Đối với những bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn, điều trị thêm 4 tuần nữa, vì vết loét thường lành hẳn sau 8 tuần điều trị.

Trào ngược dạ dày-thực quản: Liều khuyến cáo là 5-10 mg/kg/ngày. Liều tối đa 600 mg/ngày, chia làm 2 lần uống có thể sử dụng ở trẻ nặng cân hoặc tình trạng bệnh trầm trọng.

Trẻ sơ sinh: An toàn và hiệu quả chưa được nghiên cứu.

Liều lượng ở một số đối tượng lâm sàng đặc biệt:

Người cao tuổi: Xem phần “Dược động học trên một số đối tượng lâm sàng đặc biệt”.

Bệnh nhân suy thận: Sự tích lũy ranitidin làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương xảy ra ở bệnh nhân suy thận (độ thanh thải creatinin < 50 mL/phút). Do đó, liều khuyến cáo ở những bệnh nhân này là 150 mg/lần/ngày vào ban đêm trong 4-8 tuần. Liều này có thể dùng để điều trị duy trì trong trường hợp cần thiết. Nếu vết loét không lành, sử dụng liều 150 mg/lần x 2 lần/ngày và điều trị duy trì với mức liều 150 mg/lần/ngày vào buổi tối.

Chống chỉ định

Quá mẫn với raniditin hydroclorid hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng

Nên loại trừ khả năng có khối u ác tính trước khi điều trị ở những bệnh nhân loét dạ dày, bệnh nhân trung niên đến cao tuổi với các triệu chứng khó tiêu mới xảy ra hoặc có thay đổi gần đây, vì việc điều trị với ranitidin có thể che lấp các triệu chứng của ung thư dạ dày.

Ranitidin được đào thải qua thận và do đó, nồng độ thuốc trong huyết tương tăng ở bệnh nhân suy thận, cần điều chỉnh liều ở những bệnh nhân này. Xem thêm mục “Liều lượng ở một số đối tượng lâm sàng đặc biệt”.

Thận trọng ở bệnh nhân suy gan vì thuốc chuyển hóa ở gan.

Cần theo dõi thường xuyên bệnh nhân dùng các thuốc kháng viêm không steroid đồng thời với ranitidin, đặc biệt đối với người cao tuổi và những người có tiền sử loét dạ dày-tá tràng.

Các báo cáo hiếm gặp trên lâm sàng cho thấy ranitidin có thể thúc đẩy tình trạng rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính. Tránh dùng ranitidin ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh này.

Đối với người cao tuổi và bệnh nhân suy thận, phải ngừng điều trị ranitidin nếu xuất hiện trạng thái lú lẫn.

Điều trị ranitidin dài hạn có thể gây thiếu hụt vitamin B12.

Tăng nguy cơ viêm phổi mắc phải cộng đồng ở các đối tượng như người cao tuổi, bệnh phổi mạn tính, bệnh đái tháo đường hoặc suy giảm miễn dịch. Dữ liệu dịch tễ học cho thấy tăng nguy cơ viêm phổi mắc phải cộng đồng ở bệnh nhân đang sử dụng ranitidin so với những người đã ngừng điều trị với hệ số nguy cơ 1,82. Đã có báo cáo từ dữ liệu hậu mại về các tình trạng lú lẫn có thể hồi phục, trầm cảm, ảo giác đặc biệt xảy ra ở người cao tuổi hoặc người có bệnh tình nghiêm trọng.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc: Ảnh hưởng của thuốc đối với công việc: Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc đến khả năng làm việc. Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng không mong muốn trên thần kinh như đau đầu, chóng mặt. Nếu xảy ra ở bệnh nhân, không nên lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao hoặc các trường hợp khác.

Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai

Ranitidin qua được nhau thai nhưng liều điều trị dùng cho bệnh nhân sản khoa sinh thường hoặc sinh mổ không gây bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào trong quá trình sinh đẻ hoặc sự phát triển của trẻ sơ sinh. Cũng như các thuốc khác, ranitidin chỉ nên dùng trong thời kỳ mang thai khi thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

Ranitidin bài tiết qua sữa mẹ. Chỉ sử dụng ranitidin ở phụ nữ cho con bú khi thật cần thiết.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tần suất tác dụng không mong muốn vào khoảng 3-5% số người được điều trị. Hay gặp nhất là đau đầu (2%), ban đỏ da (2%).

Các tác dụng không mong muốn được phân nhóm theo tần suất: rất thường gặp (ADR ≥ 1/10), thường gặp (1/100 ≤ ADR < 1/10), ít gặp (1/1000 ≤ ADR < 1/100), hiếm gặp (1/10.000 ≤ ADR < 1/1000), rất hiếm gặp (ADR < 1/10.000).

Máu và hệ bạch huyết: Thay đổi số lượng tế bào máu thường có thể hồi phục (giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu); mất bạch cầu hạt, thiếu máu không tái tạo thỉnh thoảng đi kèm suy tủy hoặc ức chế tủy (rất hiếm gặp).

Hệ miễn dịch: Các phản ứng quá mẫn như nổi mề đay, phù mạch, sốt, co thắt phế quản, hạ huyết áp và đau ngực (hiếm gặp); sốc phản vệ (rất hiếm gặp); khó thở (không rõ tần suất).

Rối loạn tâm thần: Lú lẫn có hồi phục, trầm cảm và ảo giác (rất hiếm gặp), thường xảy ra chủ yếu ở người bệnh nặng, người cao tuổi và bệnh nhân bị bệnh thận.

Thần kinh: Nhức đầu, chóng mặt, rối loạn vận động không chủ ý có thể hồi phục (rất hiếm gặp).

Mắt: Mờ mắt có thể hồi phục (rất hiếm gặp).

Tim: Nhịp tim chậm, block nhĩ thất và nhịp tim nhanh (rất hiếm gặp).

Mạch máu: Viêm mạch (rất hiếm gặp).

Tiêu hóa: Đau bụng, táo bón, buồn nôn (các triệu chứng này thường được cải thiện trong suốt quá trình điều trị) (ít gặp); viêm tụy cấp, tiêu chảy (rất hiếm gặp).

Gan mật: Thay đổi chức năng gan thoáng qua và có hồi phục (hiếm gặp); viêm gan, có hoặc không có vàng da (rất hiếm gặp).

Da và mô dưới da: Phát ban (hiếm gặp); hồng ban đa dạng, rụng tóc (rất hiếm gặp).

Cơ xương và mô liên kết: Đau khớp và đau cơ (rất hiếm gặp).

Thận, tiết niệu: Tăng creatinin huyết tương (hiếm gặp); viêm thận kẽ cấp (rất hiếm gặp).

Hệ sinh sản: Bất lực có hồi phục, nữ hóa tuyến vú và tiết sữa (rất hiếm gặp).

Trẻ em:

Tính an toàn của ranitidin được đánh giá ở trẻ em 0-16 tuổi có các bệnh liên quan đến acid, kết quả cho thấy thường dung nạp tốt với thuốc và các tác dụng không mong muốn tương tự như ở người lớn. Dữ liệu an toàn khi sử dụng dài hạn, đặc biệt trên sự phát triển và tăng trưởng ở trẻ còn hạn chế.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid…).

Tương tác với các thuốc khác

Ranitidin có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu, chuyển hóa hoặc đào thải qua thận của các thuốc khác. Sự thay đổi dược động học dẫn đến việc cần phải điều chỉnh liều của thuốc bị tương tác hoặc ngưng điều trị. Quá trình tương tác xảy ra thông qua một số cơ chế, bao gồm:

Sự ức chế hệ enzym cytochrom P450: Ranitidin ở liều điều trị thông thường không ảnh hưởng đến các thuốc bị bất hoạt bởi hệ enzym cytochrom P450 như diazepam, lidocain, phenytoin, propanolol và theophyllin.

Đã có báo cáo về sự thay đổi thời gian prothrombin khi sử dụng các thuốc chống đông coumarin (ví dụ warfarin). Do khoảng điều trị hẹp, khuyến cáo cần theo dõi thời gian prothrombin khi dùng đồng thời với ranitidin.

Sự cạnh tranh bài tiết ở ống thận: Vì ranitidin được thải trừ một phần bởi hệ thống cationic, điều này có thể ảnh hưởng đến độ thanh thải của các thuốc khác. Liều cao ranitidin (sử dụng trong điều trị hội chứng Zollinger-Ellison) có thể làm giảm bài tiết procainamid và N-acetyl procainamid dẫn đến tăng nồng độ huyết tương của các thuốc này.

Sự thay đổi pH dạ dày: Sinh khả dụng của một số loại thuốc có thể bị ảnh hưởng, làm tăng hấp thu (triazolam, midazolam, glipizid) hoặc làm giảm hấp thu (ketoconazol, atazanavir, delaviridin, gefitnib).

Không có tương tác giữa ranitidin và amoxicillin hoặc metronidazol.

Liều cao sucralfat (2g) khi dùng chung với ranitidin làm giảm hấp thu ranitidin. Tác động này không xảy ra nếu uống sucralfat sau đó 2 giờ.

Cefpodoxim, cefuroxim, fosamprenavir, indinavir, các muối sắt, mesalamin, nelfinavir: Ranitidin có thể làm giảm hấp thu và tác dụng của các thuốc trên.

Saquinavir: Ranitidin có thể làm tăng mức hấp thu và tác dụng của saquinavir.

Thức ăn: Không ảnh hưởng đến hấp thu của ranitidin.

Rượu: Tránh uống rượu vì có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày.

Hút thuốc lá ảnh hưởng không tốt đến quá trình lành loét tá tràng và cơ thể cũng làm giảm hiệu quả của ranitidin.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Cho đến nay, ít có dữ liệu về quá liều ranitidin. Đã có trường hợp uống liều 18g ranitidin cũng chỉ có những tác dụng không mong muốn nhất thời như thường gặp trong lâm sàng. Ngoài ra, hạ huyết áp và dáng đi bất thường cũng đã được báo cáo.

Cách xử trí: Loại bỏ phần thuốc chưa hấp thu ở đường tiêu hóa, theo dõi lâm sàng, điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Thẩm tách máu có thể giúp tăng đào thải ranitidin.

Dược lực học

Phân loại dược lý: Thuốc đối kháng thụ thể H2.

Mã ATC: A02BA02.

Ranitidin là một thuốc đối kháng thụ thể H2 histamin có cơ chế tác dụng và cách dùng tương tự như cimetidin. Ranitidin ức chế cạnh tranh với histamin ở các thụ thể H2 của tế bào thành dạ dày, làm giảm lượng acid dạ dày tiết ra cả ngày và đêm trong điều kiện cơ bản và trong tình trạng bị kích thích bởi thức ăn, insulin, acid amin, histamin hoặc pentagastrin. Ranitidin có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày mạnh hơn cimetidin gấp 3-13 lần. Ranitidin có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày chống chảy máu và tác dụng kích thích của một số thuốc (ví dụ aspirin, thuốc kháng viêm không steroid).

Ranitidin làm giảm thể tích dịch tiết, giảm lượng acid và pepsin có trong dịch tiết. Ranitidin có thời gian tác động tương đối dài, do đó, một liều duy nhất 150mg có hiệu quả ức chế tiết acid dạ dày trong 12 giờ.

Ranitidin là thuốc đối kháng thụ thể H2 histamin, ức chế cạnh tranh với histamin ở thụ thể H2 của tế bào vách, làm giảm lượng acid dịch vị tiết ra cả ngày và đêm, cả trong tình trạng bị kích thích bởi thức ăn, insulin, amino acid, histamin hoặc pentagastrin.

Dược động học

Hấp thu: Sau khi uống 150mg ranitidin, nồng độ tối đa trong huyết tương (300-550 ng/mL) đạt được sau 1-3 giờ. Hai đỉnh nồng độ trong giai đoạn hấp thu là do việc tái hấp thu lượng thuốc được bài tiết ở ruột. Sinh khả dụng tuyệt đối của ranitidin khoảng 50-60% và nồng độ trong huyết tương của ranitidin tăng tương ứng tỉ lệ với liều dùng, trong khoảng liều lên đến 300mg.

Phân bố: Ranitidin không liên kết mạnh với protein huyết tương (15%), thể tích phân bố lớn (khoảng 96-142 lít).

Chuyển hóa: Ranitidin không được chuyển hóa mạnh. Tỉ lệ các chất chuyển hóa tương tự nhau đối với cả liều uống và liều tiêm tĩnh mạch. Trong nước tiểu, 6% liều dùng được tìm thấy dưới dạng N-oxyd, 2% dưới dạng S-oxyd, 2% dưới dạng desmethylranitidin và từ 1-2% dưới dạng tương tự acid furoic.

Thải trừ: Nồng độ ranitidin trong huyết tương giảm theo hàm mũ bậc 2, thời gian bán thải của thuốc khoảng 2-3 giờ. Thuốc được đào thải chủ yếu qua thận. Sau khi uống liều 150mg, 26% liều dùng thải trừ qua phân và 70% thải trừ qua nước tiểu, trong đó 35% dưới dạng không chuyển hóa. Dưới 3% thuốc được đào thải qua mật. Độ thanh thải qua thận khoảng 500 mL/phút, điều này vượt quá mức lọc của cầu thận, chứng tỏ có sự bài tiết qua ống thận.

Dược động học trên một số đối tượng lâm sàng đặc biệt:

Trẻ em (≥ 3 tuổi): Dữ liệu còn giới hạn của dược động học cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về thời gian bán thải (1,7-2,2 giờ) và độ thanh thải huyết tương (9-22 mL/phút/kg) giữa trẻ em ≥ 3 tuổi và người lớn khi dùng ranitidin đường uống với liều dùng được điều chỉnh theo khối lượng cơ thể.

Bệnh nhân trên 50 tuổi: Thời gian bán thải kéo dài (3-4 giờ) và độ thanh thải giảm, do sự suy giảm chức năng thận liên quan đến độ tuổi. Lượng thuốc toàn thân và khả năng tích lũy cao hơn 50%. Sự chênh lệch này vượt quá tác động gây ra khi chức năng thận suy giảm, điều đó cho thấy sự tăng sinh khả dụng ở những bệnh nhân lớn tuổi.

Bảo quản

Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C.

Bài viết cùng chuyên mục

Hydroquinone: thuốc điều trị sạm da

Hydroquinone là một chất làm giảm sắc tố được sử dụng để làm sáng các vùng da bị sạm đen như tàn nhang, đốm đồi mồi, nám và hắc tố do mang thai, thuốc tránh thai, thuốc hoóc môn hoặc tổn thương trên da.

Hepatect cp biotest: dự phòng tái nhiễm HBV

Dự phòng viêm gan B ở người lớn, và trẻ em trên 2 tuổi chưa được chủng ngừa viêm gan B và có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B do vô ý tiếp xúc qua niêm mạc.

Hexaspray

Hexapray chứa hoạt chất là biclotymol, có các đặc tính sau: Kháng khuẩn: Do tác dụng diệt khuẩn in vitro, biclotymol có tác dụng in vivo trên staphylocoque, streptocoque, micrococci, corynebacteria.

Hypostamine

Hypostamine không có tác dụng làm trầm dịu và gây phản ứng dạng atropine như thường gặp ở đa số các thuốc thuộc nhóm này.

Hepatitis A and B vaccine: thuốc chủng ngừa viêm gan A và B

Thuốc chủng ngừa viêm gan A / B được sử dụng để chủng ngừa viêm gan A và B, có sẵn dưới các tên thương hiệu khác như Twinrix.

Hafixim 100 Kids: thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn

Hafixim 100 Kid điều trị các bệnh: Viêm tai giữa gây bởi Haemophilus influenzae, Moraxella (Branhamella) catarrhalis, Streptococcus pyogenese.Viêm xoang, viêm hầu họng, viêm amiđan gây bởi Streptococcus pyogenese.

Human Albumin Baxter: thuốc điều trị thay thế và các thành phần protein huyết tương

Human Albumin Baxter dùng trong trường hợp phục hồi và duy trì thể tích máu trong các trường hợp giảm thể tích máu và việc sử dụng dung dịch keo chứa albumin là phù hợp.

Huyết thanh kháng lọc rắn: huyết thanh miễn dịch

Có nhiều loại huyết thanh kháng nọc rắn đơn giá và đa giá được dùng để điều trị rắn độc cắn, được sản xuất ở các vùng khác nhau trên toàn thế giới phù hợp với các loài rắn bản địa

Hapresval Plus: thuốc điều trị tăng huyết áp vô căn ở người lớn

Hapresval Plus điều trị tăng huyết áp vô căn ở người lớn. Bệnh nhân không đạt huyết áp mục tiêu khi điều trị với valsartan hoặc hydroclorothiazid đơn độc.

Humalog Mix 75/25 Kwikpen

Khi dùng chung thiazolidinediones ở bệnh nhân bị bệnh tim, khi phối hợp pioglitazone ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ phát triển bệnh lý tim mạch. Trẻ em dưới 12 tuổi. Mũi tiêm dưới da phải đủ độ sâu.

Hydralazin

Hydralazin là thuốc giãn mạch ngoại vi chọn lọc trên động mạch. Nó làm giảm mạch cản bằng cách giảm trương lực cơ. Trong điều trị tăng huyết áp, giảm mạch cản sẽ dẫn đến giảm sức cản ngoại vi và làm hạ huyết áp.

Hydrocortison

Ðể sử dụng tác dụng chống viêm hoặc ức chế miễn dịch, các glucocorticoid tổng hợp có tác dụng mineralocorticoid tối thiểu được ưa chọn hơn.

Hexylresorcinol: thuốc ngậm khi viêm họng

Được chỉ định để giảm tạm thời sau các triệu chứng không thường xuyên ở miệng và cổ họng bao gồm kích ứng nhẹ, đau, đau miệng và đau họng.

Herpevir

Herpevir! Điều trị nhiễm virus Herpes simplex (Herpes quanh miệng, Herpes môi và Herpes sinh dục, Herpes genitalis) và nhiễm virus thủy đậu và giời ăn (varicella-zoster virus).

Hydroxyzin

Hydroxyzin là một chất đối kháng histamin cạnh tranh trên thụ thể H1. Ngoài các tác dụng kháng histamin, thuốc có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, kháng cholinergic.

Hops: thuốc điều trị lo lắng mất ngủ

Hops được sử dụng điều trị lo lắng, mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác, bồn chồn, căng thẳng, dễ bị kích động, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), căng thẳng và cáu kỉnh.

Hydrochlorothiazide: thuốc lợi tiểu

Hydrochlorothiazide là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị huyết áp cao (tăng huyết áp) và phù nề.

Hyasyn: thuốc điều trị triệu chứng bệnh thoái khớp

Sodium Hyaluronate được chỉ định như một chất bổ sung dịch hoạt dịch cho khớp gối, khớp vai và các khớp khác. Sản phẩm này có tác dụng giống như chất bôi trơn và hỗ trợ cơ học cũng như chỉ định điều trị triệu chứng cho các bệnh nhân thoái khớp.

Hyperium

Ở liều điều trị 1 mg ngày uống một lần, hoặc 2 mg ngày chia làm 2 lần, có hiệu lực trị tăng huyết áp trên chứng tăng huyết áp nhẹ, và vừa.

Humira

Phối hợp methotrexat, điều trị viêm khớp dạng thấp trung bình đến nặng, ở bệnh nhân không đáp ứng thuốc chống thấp khớp kể cả methotrexat.

Horseradish: thuốc điều trị bệnh đường tiết niệu

Horseradish điều trị nhiễm trùng đường hô hấp và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), cũng như dùng ngoài chữa tắc nghẽn đường hô hấp và đau nhức cơ nhẹ.

Hydroxyprogesterone caproate: thuốc điều trị sinh non

Hydroxyprogesterone caproate là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để giảm nguy cơ sinh non. Hydroxyprogesterone caproate có sẵn dưới các tên thương hiệu khác Makena.

Homatropin hydrobromid

Homatropin, trên mắt, thuốc gây giãn đồng tử và làm liệt cơ thể mi nhanh hơn và ngắn hơn atropin. Do vậy, nó hay được dùng với mục đích này hơn atropin.

Histodil

Histodil! Được chỉ định điều trị xuất huyết tá tràng cấp và loét dạ dày không do u ác tính, loét chợt. Kìm chế xuất huyết đường tiêu hóa trên do phản hồi thực quản và các xuất huyết khác trong hội chứng Zollinger-Ellison.

Hydroxychloroquine Sulfate: thuốc chống sốt rét

Hydroxychloroquine Sulfate là thuốc theo toa được sử dụng để điều trị các triệu chứng của sốt rét, viêm khớp dạng thấp và lupus erythematosus toàn thân.