- Trang chủ
- Sách y học
- Giải phẫu cơ thể người
- Giải phẫu các đôi dây thần kinh sọ
Giải phẫu các đôi dây thần kinh sọ
Trong số các dây thần kinh sọ thì dây thần kinh khứu giác (I) và dây thần kinh thị giác, thật ra là phần phát triển dài ra của não bộ, nên khác với các dây thần kinh cảm giác
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Nhận định chung
Về phương diện giải phẫu học người ta chia hệ thần kinh làm hai phần
Trung ương: gồm não bộ và tủy gai.
Ngoại biên: gồm 31 đôi dây thần kinh gai sống, 12 đôi dây thần kinh sọ và các hạch thần kinh ngoại biên ví dụ như: hạch gai, hạch giao cảm.v.v...
Dây thần kinh sọ gồm 12 đôi dây có nguyên uỷ hư ở não bộ, gồm có ba loại
Các dây thần kinh cảm giác (giác quan): dây thần kinh sọ số I, II, VIII.
Các dây thần kinh vận động: dây thần kinh sọ số III, IV, VI, XI, XII.
Các dây thần kinh hỗn hợp: dây thần kinh sọ số V, VII, IX, X.
Các dây thần kinh sọ số III, VII, IX, X còn có các sợi thần kinh đối giao cảm.
Một dây thần kinh sọ gồm có
Một nhân trung ương: nhân này là nguyên uỷ thật của nhánh vận động và là tận cùng của nhánh cảm giác dây thần kinh sọ.
Một chỗ đi ra khỏi bề mặt của não bộ: chỗ này gọi là nguyên uỷ hư của dây thần kinh sọ.
Đối với dây thần kinh số VIII và nhánh cảm giác của các dây thần kinh hỗn hợp có hạch ngoại biên là nơi tập trung nhân của các tế bào cảm giác, ở bên ngoài não bộ, đó chính là nguyên uỷ thật của phần cảm giác.
Trong số các dây thần kinh sọ thì dây thần kinh khứu giác (I) và dây thần kinh thị giác (II): thật ra là phần phát triển dài ra của não bộ, nên khác với các dây thần kinh cảm giác và hỗn hợp khác là không có hạch thần kinh ngoại biên.
Các dây thần kinh giác quan
Dây thần kinh khứu giác (I)
Dây thần kinh số I gồm những sợi trục của tế bào khứu giác nằm ở vùng khứu niêm mạc mũi, các sợi này tập trung lại thành 15 - 20 sợi đi qua lỗ sàng của mảnh sàng và tận cùng ở hành khứu (là một phần của khứu não), từ đây tiếp nối với các tế bào thần kinh của hành khứu.
Hình. Nguyên uỷ của các dây thần kinh sọ
1. Dây thần kinh vận nhãn 2. Dây thần kinh sinh ba 3. Dây thần kinh vận nhãn ngoài 4. Dây thần kinh mặt 5. Dây thần kinh tiền đình ốc tai 6. Dây thần kinh thiệt hầu 7. Dây thần kinh lang thang 8. Dây thần kinh hạ thiệt 9. Lỗ lớn 10. Dây chằng răng 11. Rễ trước của dây thần kinh cổ 1 12. Dây thần kinh phụ 13. Dây thần kinh cổ 3 14. Dây thần kinh cổ 4 16. Lỗ cảnh 17. Tĩnh mạch cảnh trong 18. Nhánh ngoài của dây thần kinh phụ 19. Hạch dưới của dây thần kinh thiệt hầu 20. Hạch dưới dây thần kinh lang thang 21. Nhánh trong dây thần kinh phụ
Dây thần kinh thị giác (II)
Dây thần kinh số II là tập hợp sợi trục của các tế bào nằm ở tầng tế bào hạch của võng mạc, các sợi này hội tụ lại ở đĩa thị giác (điểm mù) gần cực sau của nhãn cầu. Từ đây đi qua vỏ nhãn cầu, dây thần kinh đi ra sau qua lớp mỡ sau nhãn cầu, sau đó qua ống thị giác để vào hố sọ giữa, ở đây hai dây thần kinh phải và trái bắt chéo nhau tạo thành giao thị. Từ giao thị cho ra hai dãi thị vòng quanh cuống đại não để tận cùng ở thể gối ngoài và lồi não trên (trung khu thị giác dưới vỏ). Ỏ đây có các sợi liên hợp với nhân dây thần kinh sọ số III, và sừng trước tủy gai. Từ trung tâm thị giác dưới vỏ, đường dẫn truyền thị giác được tiếp tục bởi các tế bào thần kinh khác tạo nên tia thị chạy trong chất trắng của vỏ não để tận cùng ở thùy chẩm của đoan não (vùng trung khu thị giác của vỏ não).
Dây thần kinh số II thật ra là sự phát triển dài ra của não nên cũng có ba lớp màng não bao dọc dây thần kinh, giới hạn một khoang dưới màng nhện chứa dịch não tủy bao xung quanh dây thần kinh thị giác (ở trung tâm dây thần kinh này có động mạch trung tâm võng mạc), do đó người ta có thể đánh giá tình trạng áp lực nội sọ bằng cách soi đáy mắt.
Hình. Đường dẫn truyền thị giác
1.2.3. Thị trường 4. Võng mạc mũi 5. Võng mạc thái dương 6. Dây thần kinh thị giác 7. Giao thị 8. Dãi thị 9. Thể gối ngoài 10. Não thất bên 11. Tia thị 12. Vùng vỏ não thị giác 13. Rãnh cựa 14. Lồi não trên
Dây thần kinh tiền đình - ốc tai (VIII)
Dây thần kinh số VIII được cấu tạo bởi hai phần riêng biệt:
Phần ốc tai: thuộc cơ quan tiếp nhận âm thanh (nghe).
Phần tiền đình: thuộc cơ quan thăng bằng (giữ thăng bằng cho cơ thể)
Cả hai phần trên đều có hạch thần kinh ngoại biên nằm ở tai trong: hạch tiền dình và hạch xoắn ốc tai.
Đuôi gai của tế bào hạch xoắn ốc tai tận cùng ở vùng thụ cảm thính giác ống ốc tai. Đuôi gai của tế bào của hạch tiền đình tận cùng ở bộ máy tiền đình: soan nang, soan bóng và bóng các ống bán khuyên,
Sợi hướng tâm của hạch xoắn ốc tai và hạch tiền đình tạo nên hai phần tiền đình và ốc tai của dây thần kinh tiền đình - ốc tai, chạy bên nhau ở trong ống tai trong, vào xoang sọ hướng về rãnh hành cầu, để vào cầu não là nơi chứa các nhân của nó. Nhân tiền dình nằm ở sàn não thất thứ tư; nhân ốc tai nằm ở lồi não dưới và thể gối trong (là trung khu thính giác dưới vỏ), từ các nhân này, các sợi thần kinh dẫn truyền thính giác đi đến vùng trung khu thính giác của vỏ não, nằm ở vùng giữa của hồi thái dương trên. Ngoài ra từ lồi não dưới và thể gối trong còn có các sợi liên hợp đến các nhân của sừng trước tủy gai (để định hướng nghe).
Hình. Dây thần kinh tiền đình ốc tai
1. Dây thần kinh bóng trước 2. Dây thần kinh bóng ngoài 3. Dây thần kinh soan bóng 4. Hạch tiền đình 5. Phần tiền đình 6. Dây thần kinh tiền đình ốc tai 7. Dây thần kinh phần ốc tai 8. Dây thần kinh bóng sau 9. Dây thần kinh xoang nan 10. Dây thần kinh cầu trên 11. Dây thần kinh cầu dưới 12. Hạch xoắn 13. Ống ốc tai
Các dây thần kinh vận động
Dây thần kinh vận nhãn (III)
Gồm có hai phần: vận động có ý thức và các sợi đối giao cảm. Nguyên ủy thật ở nhân chính (vận động có ý thức) và nhân phụ (đối giao cảm), nằm ở trung não ngang mức lồi não trên, các sợi trục của các neuron này thoát ra khỏi não ở mặt trước của trung não, ở bờ trong của cuống đại não, sau đó đi ra trước, nằm ở thành ngoài của xoang tĩnh mạch hang, đi đến khe ổ mắt trên, qua khe này để vào ổ mắt, ở ổ mắt chia thành hai nhánh tận cùng là nhánh trên và nhánh dưới.
Dây thần kinh vận nhãn cho ra các sợi sau.
Những sợi vận động: để vận động cho năm cơ vân của nhãn cầu: cơ thẳng trên, cơ thẳng dưới, cơ thẳng trong, cơ chéo dưới và cơ nâng mi trên.
Những sợi đối giao cảm: chạy đến hạch mi, hạch này nằm ở phần sau ổ mắt, và từ hạch mi cho các sợi đi đến vận động cho cơ co đồng tử
Hình. Các dây thần kinh của ổ mắt
1. Tuyến lệ 2. Dây thần kinh lệ 3. Dây thần kinh trán 4. Cơ thẳng trên 5. Cơ nâng mi trên 6. Dâyy thần kinh ròng rọc 7. Cơ chéo trên 8. Dây thần kinh thị giác và động mạch mắt 9. Cơ thẳng trong 12. Cơ thẳng ngoài 13. Nhánh gò má thái dương 14. Nhánh gò má mặt 15. Nhánh dưới của dây thần kinh số III 16. Dây thần kinh gò má 17. Hạch mi 18. Cơ thẳng dưới 19. Dây thần kinh dưới ổ mắt 20. Cơ chéo dưới
Dây thần kinh ròng rọc (IV)
Dây thần kinh số IV có nguyên uỷ thật là nhân thần kinh ròng rọc, nằm ở trung não, ngang mức lồi não dưới, dây thần kinh có nguyên uỷ hư ở mặt sau trung não, vòng quanh cuống đại não để ra trước, đi vào thành ngoài xoang tĩnh mạch hang, qua khe ổ mắt trên vào ổ mắt và chi phối vận động cho cơ chéo trên của nhãn cầu.
Dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI)
Dây thần kinh số VI có nguyên ủy thật là nhân thần kinh vận nhãn ngòai, nằm ở cầu não, nguyên ủy hư ở rãnh hành cầu, từ đây chạy ra trước qua xoang tĩnh mạch hang, vào ổ mắt qua khe ổ mắt trên để vận động cho cơ thẳng ngòai của nhãn cầu.
Dây thần kinh phụ (XI)
Dây thần kinh số XI có nguyên ủy thật gồm hai phần: nhân hoài nghi của hành não và đoạn đầu của tủy gai. Các sợi thần kinh phát xuất từ nhân hòai nghi cùng với các sợi phát xuất từ cột bên của tủy gai họp thành dây thần kinh phụ. Đi ra khỏi sọ ở lỗ cảnh, sau đó thì phần thần kinh có nguồn gốc từ nhân hoài nghi phối hợp với dây thần kinh lang thang; phần thần kinh có nguồn gốc từ tủy gai chạy ra ngòai xuống dưới để vận động cho cơ ức đòn chũm và cơ thang.
Dây thần kinh hạ thiệt (XII)
Dây thần kinh số XII có nguyên ủy thật là nhân vận động của dây thần kinh hạ thiệt nằm ở hành não, nguyên ủy hư ở rãnh bên trước của hành não. Dây thần kinh đi qua ống thần kinh hạ thiệt để ra khỏi sọ, vòng ra trước để vận động cho tất cả các cơ của lưỡi. Trên đường đi dây thần kinh hạ thiệt nối với rễ trên của quai cổ.
Các dây thần kinh hỗn hợp
Dây thần kinh sinh ba (V)
Dây thần kinh số V gồm có:
Phần cảm giác: nguyên ủy thật của phần cảm giác là hạch sinh ba, nằm ở mặt trước phần đá xương thái dương.
Từ hạch sinh ba tập hợp sợi trục của hạch này tạo nên rễ cảm giác của dây thần kinh sinh ba đi qua mặt trước bên của cầu não để vào trong thân não, đến cột nhân cảm giác của dây thần kinh sinh ba kéo dài từ trung não đến phần trên của tủy gai. Từ cột nhân này có những đường dẫn truyền lên đồi thị và tận cùng hồi sau trung tâm của thùy đỉnh (vùng vỏ não cảm giác cơ thể). Tập hợp đuôi gai của tế bào hạch sinh ba tạo nên ba nhánh: dây thần kinh mắt, dây thần kinh hàm trên và dây thần kinh hàm dưới đê chi phối cảm giác cho nửa trước vùng đầu mặt, màng não ...
Phần vận động: nguyên uỷ thật phần vận động là nhân vận động của dây thần kinh sinh ba nằm ở cầu não, các sợi trục ra khỏi cầu não tạo nên rễ vận động của dây thần kinh sinh ba (góp phần tạo nên dây thần kinh hàm dưới).
Dây thần kinh mắt
Dây thần kinh mắt là nhánh đầu tiên của dây thần kinh số V, từ hạch thần kinh sinh ba, chạy ra trước vào thành ngoài xoang tĩnh mạch hang, qua khe ổ mắt trên để vào ổ mắt. Dây thần kinh mắt cho ra nhiều nhánh bên chi phối cảm giác cho xoang trán, xoang bướm, một phần xoang sàng, một phần màng cứng não, da của lưng mũi, da trán.
Dây thần kinh hàm trên
Dây thần kinh hàm trên từ hạch sinh ba chạy qua lỗ tròn, đến hố chân bướm - khẩu cái cho ra các nhánh bên và nhánh tận là nhánh dưới ổ mắt, qua khe ổ mắt dưới để vào ở mắt, chạy ở rãnh dưới ổ mắt và cuối cùng qua ống dưới ổ mắt ra da vùng mặt. Dây thần kinh hàm trên chi phối cảm giác của da vùng giữa của mặt, hố mũi, khẩu cái, lợi và răng hàm trên, xoang hàm, một phần xoang sàng và màng cứng.
Dây thần kinh hàm dưới
Từ hạch sinh ba, dây thần kinh hàm dưới đi qua lỗ bầu dục đến hố dưới thái dương chia thành nhiều nhánh, trong đó có các nhánh lớn là nhánh lưỡi và nhánh thần kinh huyệt răng dưới, nhánh thần kinh huyệt răng dưới chạy qua lỗ hàm dưới, sau đó chạy trong xương hàm dưới, qua lỗ cằm để ra da vùng cằm .
Dây thần kinh hàm dưới chi phối vận động cho các cơ nhai, cơ hàm móng và bụng trước cơ hai thân, cảm giác da vùng thái dương, má, môi, cằm, lợi và răng hàm dưới, một phần màng cứng và 2/3 trước của lưỡi.
Hình. Dây thần kinh mắt và dây thần kinh hàm trên
1. Hạch sinh ba 2. Nhánh thần kinh màng não 3. Dây thần kinh mắt 4. Hạch mi 5. Các dây thần kinh mi ngắn 6. Dây thần kinh trán 7. Dây thần kinh lệ 8. Tuyến lệ 9. Dây thần kinh gò má 10. Dây thần kinh dưới ổ mắt 11. Dây thần kinh huyệt răng trước trên 12. Nhánh thần kinh môi trên 13. Dây thần kinh hàm trên 14. Dây thần kinh hàm dưới 16. Hạch chân bướm khẩu cái 17. Các dây thần kinh khẩu cái lớn và bé 18. Dây thần kinh huyệt răng sau trên 19. Dây thần kinh huyệt răng giữa trên 20. Đám rối răng
Hình. Dây thần kinh hàm dưới
1. Các nhánh thái dướng sâu 2. Dây thần kinh cơ cắn 3. Dây thần kinh cơ chân bướm trong 4. Dây thần kinh má 5. Ống tuyến mang tai 6. Cơ mút 7. Dây thần kinh tai thái dương 8. Dây thần kinh mặt 9. Dây thần kinh huyệt răng dưới 10. Dây thần kinh hàm móng 11. Dây thần kinh lưỡi 12. Dây thần kinh cằm
Dây thần kinh mặt (VII)
Dây thần kinh mặt gồm có các phần:
Vận động.
Đối giao cảm
Cảm giác vị giác
Nguyên ủy thật:
Phần vận động: nguyên uỷ thật của phần vận động là nhân của dây thần kinh mặt nằm ở cầu não. Các sợi thần kinh chạy ra sau vòng lấy nhân dây thần kinh số VI, tạo nên lồi mặt của sàn não thất IV, sau đó chạy ra trước để đến nguyên ủy hư ở rãnh hành cầu.
Phần bài tiết: nguyên ủy thật của phần bài tiết là nhân nuớc bọt trên, các sợi thần kinh chạy cùng với các sợi vận động ở trong cầu não, để cuối cùng ra khỏi não ở rãnh hành cầu.
Phần cảm giác: nguyên ủy thật của phần cảm giác là hạch gối, nằm ở gối dây thần kinh mặt. Đường hướng tâm của tế bào thần kinh của hạch gối đi qua rãnh hành cầu và tận cùng ở nhân bó đơn độc của cầu não, đường ly tâm tạo nên một phần của thừng nhĩ.
Hình. Sơ đồ dây thần kinh mặt
1. Tuyến lệ 2. Dây thần kinh mắt 3. Hạch sinh ba 4. Dây thần kinh sinh ba 5. Dây thần kinh gò má thái dương 6. Dây thần kinh hàm trên 7. Dây thần kinh hàm dưới 8. Dây thần kinh đá lớn 10. Rễ cảm giác của dây thần kinh mặt 11. Nhân dây thần kinh VI 12. Nhân nước bọt trên 13. Nhân vận động dây thần kinh mặt 14. Nhân bó đơn độc 15. Dây thần kinh lưỡi 16. Đám rối cảnh trong 17. Hạt gối 18. Rễ vận động dây thần kinh mặt 19. Hạch tai 20. Dây thần kinh đá bé 21. Đám rối nhĩ 22. Dây thần kinh cơ bàn đạp 23. Lưỡi 24. Hạch dưới lưỡi 25. Tuyến nước bọt dưới lưỡi 26. Hạch dưới hàm 27. Tuyến nước bọt dưới hàm 28. Thừng nhĩ 29. Dây thần kinh nhĩ 30. Dây thần kinh thiệt hầu 31. Đoạn ngoài xương thái dương của dây thần kinh mặt
Đường đi và phân nhánh:
Từ rãnh hành cầu, dây thần kinh mặt chạy qua ống tai trong cùng với dây thần kinh tiền đình ốc tai. Từ đây cho ra nhiều nhánh: dây thần kinh đá lớn, thừng nhĩ...
Dây thần kinh đá lớn: là đường bài tiết nước mắt, tuyến nhày của mũi, miệng chạy trong ống thần kinh đá lớn để vào lại trong xoang sọ, sau đó ra khỏi xoang sọ qua lỗ rách, phối hợp với dây thần kinh đá sâu là nhánh của đám rối giao cảm cảnh trong, tạo thành dây thần kinh ống chân bướm, đi qua ống chân bướm để tận cùng ở hạch chân bướm - khẩu cái. Từ hạch chân bướm khẩu cái cho các sợi bài tiết đến các tuyến nhày của miệng, mũi và tuyến lệ.
Thừng nhĩ: từ bên trong phần đá xương thái dương, tách khỏi dây thần kinh mặt, đi ra khỏi xương sọ bằng khe đá trai, phối hợp với nhánh lưỡi của dây thần kinh hàm dưới tạo thành dây thần kinh lưỡi. Thừng nhĩ cho các nhánh đến chi phối bài tiết cho các tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi, cảm giác vị giác 2/3 trước lưỡi.
Sau khi cho ra thừng nhĩ, dây thần kinh mặt chạy ra khỏi xương đá bằng lỗ
trâm - chũm, xuyên qua tuyến nước bọt mang tai và chia thành 5 nhánh tận: nhánh thái dương, nhánh gò má, nhánh má, nhánh bờ hàm dưới và nhánh cổ. Dây thần kinh mặt vận động cho các cơ mặt, cơ bám da cổ, bụng sau cơ hai thân và cơ trâm móng.
Dây thần kinh thiệt hầu (IX)
Dây thần kinh thiệt hầu gồm có các phần:
Phần vận động.
Phần đối giao cảm.
Phần cảm giác
Nguyên ủy thật:
Nguyên ủy thật vận động nằm ở nhân hoài nghi và nhân nước bọt dưới, nguyên ủy thật cảm giác là hạch trên và hạch dưới của dây thần kinh thiệt hầu nằm gần lỗ tĩnh mạch cảnh (đường hướng tâm của hạch này tận cùng ở nhân bó đơn độc).
Đường đi và phân nhánh:
Từ nguyên ủy hư ở phía sau trám hành, dây thần kinh đi qua lỗ cảnh để ra khỏi sọ. Ở đây dây thần kinh phình to ra tạo thành hạch trên và hạch dưới của dây thần kinh thiệt hầu. Sau đó vòng ra phía trước và tận cùng ở rễ lưỡi. Trên đường đi dây thần kinh thiệt hầu cho ra nhiều nhánh nhỏ để đến lưỡi, cơ trâm hầu, niêm mạc hầu, hòm nhĩ, tuyến nước bọt mang tai, các nhánh đi đến xoang cảnh và tiểu thể cảnh. Dây thần kinh thiệt hầu chi phối vận động cho cơ trâm hầu và cảm giác cho hầu, hòm nhĩ, 1/3 sau của lưỡi và chi phối bài tiết tuyến nước bọt mang tai.
Dây thần kinh lang thang (X)
Là dây thần kinh lớn nhất trong số 12 dây thần kinh sọ: cấu tạo gồm có vận động, cảm giác và đối giao cảm (thành phần chủ yếu).
Nguyên ủy thật:
Phần vận động: nhân hoài nghi, nhân lưng thần kinh lang thang (phần đối giao cảm).
Phần cảm giác: hạch trên và hạch dưới của dây thần kinh số X. Các sợi hướng tâm của các tế bào hạch này đi vào não và chấm dứt ở nhân bó đơn độc.
Nguyên ủy hư:
Rãnh bên sau của hành não.
Đường đi:
Dây thần kinh lang thang cùng với dây thần kinh thiệt hầu và dây thần kinh phụ từ nguyên ủy hư của nó đi ra khỏi sọ qua phần trong của lỗ tĩnh mạch cảnh, ở đó có hai hạch là hạch trên và hạch dưới của dây thần kinh lang thang. Sau đó chạy trong bao cảnh cùng với động mạch cảnh trong, động mạch canh chung và tĩnh mạch cảnh trong, khi đến nền cổ thì dây thần kinh lang thang phải bắt chéo phía trước động mạch dưới đòn phải, (còn dây thần kinh lang thang trái bắt chéo trước cung động mạch chủ ở trung thất). Từ nền cổ dây thần kinh đi đến trung thất trên, chạy sau cuống phổi để vào trung thất sau, ở đây hai dây thần kinh phải và trái tập trung lại và tạo thành đam rối thực quản. Từ đám rối này cho ra hai thân thần kinh lang thang trước (trái), sau (phải) để xuống bụng.
Hình. Các dây thần kinh sọ vùng cổ
1. Dây thần kinh hàm dưới 2. Dây thần kinh thiệt hầu 3. Dây thần kinh lang thang 4. Dây thần kinh mặt 5. Dây thần kinh phụ 6. Cơ hai thân 7. Cơ ức đòn chũm 8. Dây thần kinh thiệt hầu 9. Dây thần kinh chấm nhỏ 10. Cơ gối đầu 11. Động mạch chẩm 12.14.15. Nhánh trước dây thần kinh cổ 2, 3, 4 13. Cơ nâng vai 16. Dây thần kinh hoành 17. Cơ bậc thang giữa 18. Thừng nhĩ 19. Dây thần kinh lưỡi 20. Cơ trâm lưỡi 21. Cơ trâm hầu 22. Lưỡi 25. Động mạch lưỡi sâu 26. Cơ cằm lưỡi 27. Động mạch dưới lưỡi 28. Cơ cằm móng 29. Cơ hàm móng 30. Cơ móng lưỡi 31. Cơ khít hầu giữa 32. Cơ giáp lưỡi 33. Dây thần kinh quản trên 34. Quai cổ
Nhánh tận:
Dây thần kinh lang thang trước ở trước thực quản và chia thành nhánh vị trước và nhánh gan. Dây thần kinh lang thang sau cho ra nhánh vị sau, nhánh tạng và nhánh thận để tạo thành đám rối tạng (từ đám rối này có các sợi đối giao cảm đi đến các tạng trong ổ bụng có sợi đối giao cảm, ngoại trừ một phần ruột già và một phần bộ phận sinh dục - tiết niệu ở hố chậu. Hai nhánh vị trước và sau thì phân nhánh để vào dạ dày.
Trên dường đi, dây thần kinh lang thang cho rất nhiều nhánh bên:
Đoạn trong sọ thì cho một số nhánh bên đến màng cứng và da ống tai ngòai.
Đoạn cổ cho các nhánh hầu để vận động cho các cơ của hầu và màng khẩu cái; dây thần kinh thanh quản trên chạy dọc cơ khít hầu dưới để vận động cho cơ nhẫn giáp và cảm giác một phần thanh quản.
Đoạn đáy cổ và trung thất: cho dây thần kinh thanh quản quặt ngược (bên phải thì vòng động mạch dưới đòn phải còn bên trái thì vòng lấy cung động mạch chủ), dây thần kinh này chạy lên trên nằm trong rãnh khí - thực quản và tận cùng bằng dây thần kinh thanh quản dưới, vận động hầu hết cho các cơ của thanh quản; nhánh tim cổ trên, nhánh tim cổ dưới và các nhánh tim ngực để tạo thành đám rối tim; nhánh phế quản tạo thành đám rối phổi; các nhánh thực quản.
Bài viết cùng chuyên mục
Thận: giải phẫu và chức năng
Thận là hai cơ quan hình hạt đậu trong hệ thống tiết niệu, chúng giúp cơ thể thải chất thải như nước tiểu, nó cũng giúp lọc máu trước khi đưa nó trở lại tim
Giải phẫu hệ thần kinh tự chủ
Hệ thần kinh tự chủ được chia làm hai phần là phần giao cảm và phần đối giao cảm, hoạt động theo nguyên tắc đối nghịch nhau, Hệ thần kinh tự chủ có cấu tạo.
Giải phẫu niệu quản
Có 3 chổ hẹp là ở khúc nối bể thận niệu quản, chổ bắt chéo với động mạch chậu và đoạn nội thành bàng quang, Niệu quản được chia ra làm 2 đoạn
Giải phẫu các dây thần kinh gai sống
Các dây thần kinh gai sống cấu tạo gồm hai rễ: rễ trước là rễ vận động, rễ sau là rễ cảm giác, có thân tế bào cảm giác nằm ở hạch gai
Giải phẫu tá tràng và tụy
Tá tràng đưọc cấu tạo gồm 5 lớp như các phần khác của ruột non là lớp niêm mạc tiết ra nhiều men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn, đặc biệt ở thành trong của phần xuống
Hệ sinh sản nam: giải phẫu và chức năng
Tinh trùng rời khỏi dương vật trong một hỗn hợp các chất tiết để nuôi dưỡng và vận chuyển các tế bào vào hệ thống sinh sản nữ để sinh sản
Vòm họng: giải phẫu và chức năng
Vòm họng được bao quanh bởi nếp gấp vòi nhĩ họng và amidan, có thể bị viêm khi bị nhiễm trùng, nó chứa mô adeno, chống nhiễm trùng và mở các ống Eustachian
Giải phẫu khí quản
Trong lòng khí quản, nơi phân đôi của khí quản nổi gờ lên ở giữa, gọi là cựa khí quản. Nhìn từ trên xuống, cựa khí quản hơi lệch sang bên trái
Giải phẫu tủy gai
Càng về sau, do tốc độ phát triển của cột sống nhanh hơn so với tuỷ gai, do đó tuỷ gai tận cùng ở vị trí bờ dưới đốt sống thắt lưng 1 hoặc bờ trên đốt sống thắt lưng 2
Giải phẫu tiền đình ốc tai
Hòm nhĩ có hình dáng như một thấu kính lõm hai mặt, trên rộng dưới hẹp, nằm theo mặt phẳng đứng dọc nhưng hơi nghiêng để thành ngoài nhìn ra ngoài xuống dưới và ra trước.
Tim: giải phẫu và chức năng
Tim có tính năng bơm kép giúp vận chuyển máu ra khỏi nó và quay trở lại, máu mới được oxy hóa rời khỏi bên trái tim thông qua động mạch chủ
Não: giải phẫu và chức năng
Bộ não là một trong những bộ phận cơ thể quan trọng nhất, vì vậy điều quan trọng là phải biết cách nhận biết các dấu hiệu có thể có vấn đề
Atlas giải phẫu những xoang cạnh mũi (Sinus paranasales)
Xoang hàm là một hốc nằm trong thân của xương hàm trên, những thành của xoang có thể chỉ là những tấm xương mỏng
Giải phẫu gan
Trước khi đổ vào tá tràng, ống mật chủ cùng với ống tuỵ chính tạo nên bóng gan tuỵ, có cơ vòng bóng gan tuỵ ngăn không cho trào ngựợc dịch tá tràng vào ống mật chủ
Giải phẫu ổ miệng
Ổ miệng được giới hạn phía trên là khẩu cái cứng, phía sau và khẩu cái mềm, phía dưới là sàn miệng, hai bên là má và môi, Phía trước ổ miệng thông với bên ngoài qua khe miệng, sau thông với hầu qua eo họng
Tổng quan Atlas giải phẫu đầu và cổ
Đường giới hạn dưới của vùng cổ, phân cách cổ và ngực, là một đường bắt đầu từ đỉnh mỏm gai của đốt sống cổ thứ 7, kéo dài sang hai bên
Đại cương giải phẫu hệ tuần hoàn
Máu nhiều carbonic sẽ tập trung vào các tiểu tĩnh mạch sau đó đổ về các tĩnh mạch lớn hơn cuối cùng đổ về tâm nhĩ phải của tim bằng hai tĩnh mạch chủ trên và dưới.
Giải phẫu đoan não
Chất trắng của bán cầu đại não chiếm tất cả các khoảng nằm giữa vỏ đại não với não thất bên và các nhân nền; gồm có 3 loại sợi: sợi toả chiếu, sợi liên hợp và sợi mép.
Đại cương về giải phẫu xương khớp
Xương đơn là xương mỗi ngừoi có một xương và các xương này ở trên trục của cơ thể, hai phần phải trái của xương đối xứng qua trục của nó cũng như trục của cơ thể.
Giải phẫu xương khớp chi dưới
Mỗi ngón chân có ba xương: xương đốt ngón gần, đốt ngón giữa và đốt ngón xa. Ngoại trừ ngón I chỉ có hai xương là xương đốt ngón gần và đốt ngón xa
Giải phẫu ruột già (đại tràng)
Ngoại trừ trực tràng, ruột thừa và ống hậu môn có hình dạng đặc biệt, các phần còn lại của ruột già có các đặc điểm về hình thể ngoài sau đây giúp ta phân biệt với ruột non.
Giải phẫu cơ quan sinh sản nữ
Hai mặt của tử cung liên tiếp phía trên bởi đáy tử cung và gặp nhau ở hai bên và tạo nên bờ phải và bờ trái, đây là chổ bám của dây chằng rộng.
Giải phẫu đại cương hệ hô hấp
Ở động vật cấp cao như động vật có xương sống sự hô hấp gồm hai động tác hít vào và thở ra, Không khí từ bên ngoài vào phổi khi hít vào và ngược lại khi thở ra.
Giải phẫu động mạch chủ
Ðộng mạch chủ xuống là đoạn tiếp nối từ cung động mạch chủ cho đến chỗ chia đôi, đường kính nhỏ hơn hai đoạn đầu, Ðộng mạch chủ xuống còn được chia thành hai phần nhỏ là động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng
Giải phẫu cột sống
Nhìn trước sau cột sống trông thẳng đứng, nhưng nhìn nghiêng, cột sống có 4 đoạn cong lồi lõm xen kẽ nhau. đoạn cổ và đoạn thắt lưng cong lồi ra trước