Thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

2011-07-10 10:04 AM

Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, hậu quả của sự mất cân bằng giữa các yếu tố gây loét.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Loét dạ dày- tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, hậu quả của sự mất cân bằng giữa các yếu tố gây loét (acid clohydric, pepsin, xoắn khuẩn Helicobacter pylori) và các yếu tố bảo vệ tại chỗ niêm mạc dạ dày (chất nhày, bicarbonat, prostaglandin).

Xoắn khuẩn H.pylori đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ gây loét: khoảng 95% người loét tá tràng và 70- 80% người loét dạ dày có vi khuẩn này. Chúng gây viêm dạ dày mạn và làm tăng bài tiết acid. Diệt trừ được H.pylori sẽ làm ổ loét liền nhanh và giảm rõ rệt tỷ lệ tái phát.

Mục tiêu của điều trị loét dạ dày- tá tràng là:

Chống các yếu tố gây loét:

Các thuốc kháng acid: trung hòa acid trong lòng dạ dày (magnesi hydroxyd, nhôm hydroxyd...)

Các thuốc làm giảm bài tiết acid và pepsin: thuốc kháng histamin H 2 và thuốc ức chế bơm proton.

Thuốc diệt H.pylori: các kháng sinh, bismuth.

Tăng cường yếu tố bảo vệ: sucralfat, bismuth, misoprostol.

Việc điều hòa bài tiết HCl của tế bào thành ở dạ dày là do histamin, acetylcholin và gastrin thông qua H+/ K+- ATPase (bơm proton).

Prostaglandin có vai trò quan trọng trong cơ chế điều hòa ngược: PGE 2 ức chế adenylcyclase làm giảm AMPv, đối kháng với tác dụng của histamin và ức chế giải phóng gastrin. PGI2 kích thích tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày, làm tăng tiết chất nhày, bicarbonat để bảo vệ niêm mạc. Các thuốc chống viêm không steroid ức chế tổng hợp prostaglandin, có thể gây loét và chảy máu đường tiêu hóa.

Thuốc kháng acid

Tính chất chung

Các thuốc kháng acid là những thuốc có tác dụng trung hoà acid trong dịch vị, nâng pH của dạ dày lên gần 4, tạo điều kiện thuận lợi cho tái tạo niêm mạc. Khi pH dạ dày tăng, hoạt tính của pepsin sẽ giảm (pepsin bị bất hoạt trong dung dịch pH lớn hơn 4).

Các thuốc kháng acid   có tác dụng nhanh nhưng ngắn, chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, cắt cơn đau.

Khi dạ dày rỗng, các thuốc kháng acid thoát khỏi dạ dày sau 30 phút, khi có thức ăn thì khoảng 2 giờ.

Thuốc kháng acid thường dùng nhất là các chế phẩm chứa nhôm và magnesi, có tác dụng kháng acid tại chỗ, hầu như không hấp thu vào máu nên ít gây tác dụng toàn thân. Thuốc kháng acid chứa magnesi có tác dụng nhuận tràng, ngược lại thuốc chứa nhôm có thể gây táo bón. Vì vậy, các chế phẩm kháng acid chứa cả hai muối magnesi và nhôm có thể làm giảm tác dụng không mong muốn trên ruột của hai thuốc này. Nếu chức năng thận bình thường, rất ít nguy cơ tích luỹ magnesi và nhôm.

Natribicarbonat có tác dụng trung hòa acid dịch vị mạnh, nhưng hiện nay hầu như không dùng làm thuốc kháng acid nữa vì hấp thu được vào máu, gây nhiều tác dụng không mong muốn toàn thân và có hiện tượng tiết acid hồi ứng (tăng tiết acid sau khi ngừng thuốc).

Dùng thuốc kháng acid tốt nhất là sau bữa ăn 1 - 3 giờ và trước khi đi ngủ, 3- 4 lần (hoặc nhiều hơn) trong một ngày. Các chế phẩm dạng lỏng có hiệu quả hơn dạng rắn nhưng thời gian tác dụng ngắn hơn.

Do làm tăng pH dạ dày, các thuốc khán g acid làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của nhiều thuốc khác, phải dùng các thuốc này cách xa thuốc kháng acid ít nhất 2 giờ.

Một số chế phẩm phối hợp thuốc kháng acid với simeticon (chất chống sủi bọt) để làm giảm sự đầy hơI hoặc làm nhẹ triệu chứng nấc.

Magnesi hydroxyd - Mg(OH)2

Tác dụng và cơ chế:

Ở dạ dày, magnesi hydroxyd phản ứng nhanh với acid clohydric:

Mg(OH)2 + 2HCl ó MgCl2 + 2H2O

Xuống ruột non, Mg2+ tác động với các ion phosphat (PO43-) và carbonat (CO32-) tạo thành muối rất ít tan hoặc không tan, do đó tránh được sự hấp thu base, tránh được base máu ngay cả khi dùng lâu.

Có thể dùng các muối khác của magnesi như magnesi carbonat, magnesi trisilicat.

Chỉ định:

Tăng tiết acid (đau, đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua) ở người có loét hoặc không có loét dạ dày- tá tràng.

Trào ngược dạ dày- thực quản.

Chống chỉ định:

Mẫn cảm với thuốc, suy thận nặng, trẻ nhỏ (đặc biệt ở trẻ mất nước và suy thận).

Tác dụng không mong muốn:

Miệng đắng chát, buồn nôn, nôn, cứng bụng, ỉa chảy, tăng magnesi máu (gặp ở người suy thận hoặc dùng liều cao, kéo dài).

Tương tác thuốc:

Các thuốc giảm hấp thu khi dùng cùng thuốc kháng acid: tetracyclin, digoxin, indomethacin, các muối sắt, isoniazid, benzodiazepin, ranitid in

Các thuốc tăng tác dụng do giảm thải trừ khi dùng cùng thuốc kháng acid: amphetamin, quinidin.

Liều lượng, cách dùng:

Người lớn: mỗi lần uống 300- 600 mg, tối đa tới 1g, ngày 3- 4 lần. Nhai kỹ viên thuốc trước khi nuốt.

Nhôm hydroxyd - Al(OH)3

Tác dụng và cơ chế:

Ở dạ dày, nhôm hydroxyd phản ứng với acid clohydric:

                                  chậm

 Al(OH)3 + 3HCl           ó             AlCl3 + 3H2O

Nhôm hydroxyd có tác dụng trung hòa acid yếu nên không gây phản ứng tăng tiết acid hồi ứng.

Ở ruột, nhôm kết hợp với phosphat từ thức ăn, tạo phosphat nhôm không tan, hầu như không hấp thu, thải trừ theo phân, không gây base máu. Vì phosphat bị thải trừ, cơ thể phải huy động phosphat từ xương ra, dễ gây chứng nhuyễn xương. Vì vậy, cần ăn chế độ nhiều phosphat và protein.

Chỉ định:

Như magnesi hydroxyd. Tăng phosphat máu (ít dùng)

Chống chỉ định:

Như magnesi hydroxyd. Giảm phosphat máu. Rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Tác dụng không mong muốn:

Chát miệng, buồn nôn, cứng bụng, táo bón, phân trắng, giảm phosphat máu. Nguy cơ nhuyễn xương khi chế độ ăn ít phosphat hoặc điều trị lâu dài. Tăng nhôm trong máu gây bệnh não, sa sút trí tuệ, thiếu máu hồng cầu nhỏ.

Tương tác thuốc:

Giống như magnesi hydroxyd.

Liều lượng, cách dùng:

Người lớn: dạng viên nhai mỗi lần 0,5 - 1,0g, dạng hỗn dịch uống mỗi lần 320 - 640 mg, ngày 4 lần.

Trẻ em: 6- 12 tuổi: dạng hỗn dịch uống mỗi lần 320 mg, ngày 3 lần.

Chế phẩm phối hợp magnesi hydroxyd  và nhôm hydroxyd:

Dạng hỗn dịch chứa magnesi hydroxyd 195 mg và nhôm hydroxyd 220mg trong 5mL. Người lớn uống mỗi lần 10- 20 mL

Dạng viên: chứa magnesi hydroxyd 400 mg và nhôm hydroxyd 400 mg. Người lớn mỗi lần nhai 1- 2 viên, tối đa 6 lần một ngày.

Chế phẩm phối hợp thuốc kháng acid và simeticon:

Dạng viên hoặc dạng hỗn dịch (chứa magnesi hydroxyd 195 mg, nhôm hydroxyd 220 mg và simeticon 25 mg trong 5 ml. Người lớn uống mỗi lần 5- 10 mL, ngày 4 lần).

Thuốc làm giảm bài tiết acid clohydric và pepsin của dạ dày

Thuốc kháng histamin H2

Đặc điểm chung.

Cơ chế tác dụng:

Do công thức gần giống với histamin, các thuốc kháng histamin H 2 tranh chấp với histamin tại receptor H2 và không có tác dụng trên receptor H 1. Tuy receptor H2 có ở nhiều mô như thành mạch, khí quản, tim, nhưng thuốc kháng histamin H 2 tác dụng chủ yếu tại các receptor H2 ở dạ dày. Thuốc kháng histamin H2 ngăn cản bài tiết dịch vị do bất kỳ nguyên nhân nào làm tăng tiết histamin tại dạ dày (cường phó giao cảm, thức ăn, gastrin, bài tiết cơ sở).

Tác dụng của thuốc kháng histamin H2 phụ thuộc vào liều lượng, thuốc làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ HCl trong dịch vị

Chỉ định:

Loét dạ dày- tá tràng lành tính, kể cả loét do dùng thuốc chống viêm không steroid.

Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản.

Hội chứng tăng tiết acid dịch vị (Hội chứng Zollinger - Ellison)

Làm giảm tiết acid dịch vị trong một số trường hợp loét đường tiêu hóa khác có liên quan đến tăng tiết dịch vị như loét miệng nối dạ dày - ruột

Làm   giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (nóng rát, khó tiêu, ợ chua) do thừa acid dịch vị.

Làm giảm nguy cơ hít phải acid dịch vị khi gây mê hoặc khi sinh đẻ (Hội chứng Mendelson).

Chống chỉ định và thận trọng:

Chống chỉ định: quá mẫn với thuốc

Thận trọng: trước khi dùng thuốc kháng histamin H2, phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày, đặc biệt ở người từ trung niên trở lên vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, làm chậm chẩn đoán ung thư.

Có nhạy cảm chéo giữa các thuốc trong nhóm kháng histamin H 2.

Dùng thận trọng, giảm liều và/ hoặc kéo dài khoảng cách giữa các lần dùng thuốc ở người suy thận.

Thận trọng ở người suy gan, phụ nữ có thai và cho con bú (ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú).

Tác dụng không mong muốn:

Ỉa chảy và các rối loạn tiêu hóa khác, tăng enzym gan, đau đầu, chó ng mặt, phát ban. Hiếm gặp viêm tụy cấp, chậm nhịp tim, nghẽn nhĩ thất, lẫn lộn, trầm cảm, ảo giác (đặc biệt ở người già), rối loạn về máu, phản ứng quá mẫn.

Chứng vú to ở đàn ông và thiểu năng tình dục gặp ở người dùng cimetidin nhiều hơn các thuốc kháng histamin H2 khác.

Tương tác thuốc:

Do pH dạ dày tăng khi dùng thuốc kháng histamin H 2 nên làm giảm hấp thu của một số thuốc như penicilin V, ketoconazol, itraconazol

Cimetidin ức chế cytochrom P450 ở gan nên làm tăng tác dụng và độc tính của nhiều thuốc như warfarin, phenytoin, theophylin, propranolol, benzodiazepin.

Ranitidin có tương tác này nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều (kém 2 - 4 lần). Famotidin và nizatidin không gây tương tác kiểu này.

Các thuốc

Cimetidin:

Hấp thu nhanh khi uống. Uống 200 mg cimetidin có tác dụng nâng pH và giảm đau trong 1,5 giờ. Liều 400 mg trước khi đi ngủ giữ được pH của dạ dày > 3,5 suốt cả đêm. Với liều 1,0g/ 24 giờ, tỷ lệ lên sẹo là 60% sau 4 tuần và 80% sau 8 tuần.

Liều dùng điều trị loét dạ dày- tá tràng ở người lớn: uống mỗi lần 400 mg, ngày 2 lần (vào bữa ăn sáng và trước khi đi ngủ) hoặc 800 mg trước khi đi ngủ. Thời gian dùng ít nhất 4 tuần đối với loét tá tràng và 6 tuần đối với loét dạ dày.

Liều duy trì: 400 mg trước khi đi ngủ.

Khi loét nặng hoặc người bệnh nôn nhiều, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm (ít nhất trong 5 phút) mỗi lần  200 mg, cách 4- 6 giờ một lần. Giảm liều ở người suy thận.

Liều dùng ở trẻ em: trẻ trên 1 tuổi mỗi ngày uống 25 - 30 mg/ kg, chia làm nhiều lần. Trẻ dưới 1 tuổi mỗi ngày uống 20 mg/ kg, chia làm nhiều lần.

Cimetidin gây nhiều tác dụng không mong muốn, có nhiều tương tác thuốc hơn các thuốc kháng histamin H2 khác. Vì vậy, trong trường hợp cần phối hợp nhiều thuốc, không nên chọn cimetidin.

Ranitidin:

Tác dụng mạnh hơn cimetidin 4- 10 lần, nhưng ít gây tác dụng không mong muốn và ít tương tác thuốc hơn cimetidin.

Liều dùng: uống mỗi lần 150 mg, ngày 2 lần (vào buổi sáng và buổi tối) hoặc 300 mg vào buổi tối trong 4- 8 tuần. Liều duy trì: 150 mg vào buổi tối.

Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm (ít nhất trong 2 phút, phải pha loãng 50 mg trong20mL): mỗi lần 50 mg, cách 6- 8 giờ/ lần.

Famotidin:

Tác dụng mạnh hơn cimetidin 30 lần.

Liều dùng: uống mỗi ngày 40 mg trước khi đi ngủ trong 4 - 8 tuần. Liều duy trì: 20 mg trước khi đi ngủ.

Tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch (pha trong natri clorid 0,9%) mỗi lần 20 mg, cách 12 giờ một lần cho đến khi dùng được đường uống.

Nizatidin:

Tác dụng và liều lượng tương tự ranitidin, nhưng ít tác dụng không mong muốn hơn các thuốc kháng histamin H2 khác.

Thuốc ức chế H+/ K+- ATPase (bơm proton)

Đặc điểm chung.

Cơ chế tác dụng

Các thuốc ức chế bơm proton là những “tiền thuốc”, không có hoạt tính ở pH trung tính. Ở tế bào thành dạ dày (pH acid), chúng được chuyển thành các chất có hoạt tính, gắn vào bơm proton, ức chế đặc hiệu và không hồi phục bơm này. Do đó, các thuốc ức chế bơm proton làm giảm bài tiết acid do bất kỳ nguyên nhân gì vì đó là con đường chung cuối cùng của sự bài tiết acid. Thuốc rất ít ảnh hưởng đến khối lượng dịch vị, sự bài tiết pepsin và yếu tố nội tại của dạ dày. Dùng một liều, bài tiết acid ở dạ dày bị ức chế trong khoảng 24 giờ (so sánh với thuốc kháng histamin H 2 tối đa chỉ 12 giờ). Bài tiết acid chỉ trở lại sau khi enzym mới được tổng hợp.. Tỷ lệ liền sẹo có thể đạt 95% sau 8 tuần.

Chỉ định

Loét dạ dày- tá tràng lành tính.

Phòng và điều trị các trường hợp loét do dùng thuốc chống viêm không steroid.

Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản khi có triệu chứng nặng hoặc biến chứng.

Hội chứng Zollinger- Ellison (kể cả trường hợp đã kháng với các thuốc khác).

Dự phóng hít phải acid khi gây mê.

Chống chỉ định và thận trọng

Chống chỉ định: quá mẫn với thuốc.

Thận trọng: suy gan, phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày trước khi dùng thuốc ức chế bơm proton.

Tác dụng không mong muốn

Nói chung thuốc dung nạp tốt. Có thể gặp khô miệng, rối loạn tiêu hóa, tăng enzym gan, đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, thay đổi về máu, viêm thận, liệt d ương, phản ứng dị ứng.

Do làm giảm độ acid trong dạ dày, nên làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, có thể gây ung thư dạ dày.

Tương tác thuốc

Do pH dạ dày tăng nên làm giảm hấp thu một số thuốc như ketoconazol, itraconazol

Omeprazol ức chế cytochrom P450 ở gan nên làm tăng tác dụng và độc tính của diazepam, phenytoin, warfarin, nifedipin  Lansoprazol ít ảnh hưởng đến cytochrom P 450, trong khi pantoprazol không ảnh hưởng đến enzym này.

Clarithromycin ức chế chuyển hóa của omeprazol, làm tăng nồ ng độ omeprazol trong máu lên gấp hai lần.

Các thuốc

Omeprazol:

Loét dạ dày - tá tràng: uống mỗi ngày một lần 20 mg trong 4 tuần nếu loét tá tràng, trong 8 tuần nếu loét dạ dày. Trường hợp bệnh nặng hoặc tái phát có thể tăng liều tới 40 mg một ngày (uống hoặc tiêm  tĩnh mạch).

Dự phòng tái phát: 10- 20 mg/ ngày

Hội chứng Zollinger- Ellison: liều khởi đầu 60 mg/ ngày. Sau đó điều chỉnh liều trong khoảng 20- 120 mg/ ngày tuỳ đáp ứng lâm sàng.

Esomeprazol:

Là đồng phân  của omeprazol.

Mỗi ngày uống 20- 40 mg trong 4- 8 tuần.

Pantoprazol:

Uống mỗi ngày một lần 40 mg vào buổi sáng trong 2 - 4 tuần nếu loét tá tràng hoặc 4- 8 tuần nếu loét dạ dày. Trường hợp bệnh nặng có thể tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch mỗi ngày một lần 40 mg đến khi người bệnh có thể uống lại được.

Lansoprazol:

Loét dạ dày: mỗi ngày uống 30 mg vào buổi sáng trong 8 tuần.

Loét tá tràng: mỗi ngày uống 30 mg vào buổi sáng trong 4 tuần.

Liều duy trì: 15 mg/ ngày.

Rabeprazol:

Mỗi ngày uống 20 mg vào buổi sáng trong 4 - 8 tuần nếu loét tá tràng hoặc 6- 12 tuần nếu loét dạ dày.

Lưu ý: các thuốc ức chế bơm proton bị phá huỷ trong môi trường acid nên phải dùng dưới dạng viên bao tan trong ruột. Khi uống phải nuốt nguyên cả viên với nước (không nhai, nghiền) và uống cách xa bữa ăn (trước khi ăn sáng, trước khi đi ngủ tối).

Các thuốc khác

Các muối bismuth

Được dùng dưới dạng keo subcitrat (trikalium dicitrato), subsalicylat.

Các muối bismuth có tác dụng:

Bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày do làm tăng tiết dịch nhày và bicarbon at, ức chế hoạt tính của pepsin.

Bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét, tạo chelat với protein, làm thành hàng rào bảo vệ ổ loét chống lại sự tấn công của acid và pepsin.

Diệt Helicobacter pylori.

Khi dùng riêng, các muối bismuth chỉ diệt được H.pylori ở khoảng 20% người bệnh, nhưng khi phối hợp với kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton, có thể tới 95% người bệnh tiệt trừ được H.pylori. Vì thế bismuth được coi là thành phần quan trọng trong công thức phối hợp thuốc.

Bismuth dạng keo ít hấp thu qua đường uống (chỉ khoảng 1%) nên ít gây độc với liều thông thường. Nếu dùng liều cao hoặc dùng kéo dài có thể gây bệnh não.

Chống chỉ định: quá mẫn với thuốc, suy thận nặng, phụ nữ có thai.

Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, nôn, đen miệng, đen lưỡi, đen phân (thận tr ọng ở người có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa, vì dễ nhầm với đại tiện phân đen).

Chế phẩm: Bismuth subcitrat viên nén 120 mg

Uống mỗi lần 1 viên, ngày 4 lần vào 30 phút trước các bữa ăn và 2 giờ sau bữa ăn tối, hoặc mỗi lần uống 2 viên, ngày 2 lần vào 30 phút trước bữa ăn sáng và tối. Điều trị trong 4- 8 tuần.

Không dùng để điều trị duy trì, nhưng có thể điều trị nhắc lại sau 1 tháng.

Chế phẩm phối hợp ranitidin và muối bismuth: ranitidin  bismuth citrat

Ở dạ dày ranitidin  bismuth citrat được phân ly t hành ranitidin và bismuth, do đó có cả hai tác dụng của hợp chất bismuth và của ranitidin.

Uống mỗi lần 400 mg, ngày 2 lần trong 4 - 8 tuần nếu loét tá tràng hoặc 8 tuần nếu loét dạ dày lành tính. Không dùng điều trị duy trì.

Sucralfat

Sucralfat là phức hợp của nhôm hydroxyd và sulfat sucrose. Giống như bismuth, sucralfat ít hấp thu, chủ yếu có tác dụng tại chỗ.

Thuốc gắn với protein xuất tiết tại ổ loét, bao phủ vết loét, bảo vệ ổ loét khỏi bị tấn công bởi acid dịch vị, pepsin và acid mật. Ngoài ra , sucralfat còn kích thích sản xuất prostaglandin (E2, I1,) tại chỗ, nâng pH dịch vị, hấp phụ các muối mật.

Thận trọng khi dùng ở người suy thận (tránh dùng khi suy thận nặng) do nguy cơ tăng nồng độ nhôm  trong máu, phụ nữ có thai và cho con bú.

Ít gây tác dụng không mong muốn, chủ yếu là các rối loạn tiêu hóa.

Uống mỗi ngày 4,0g, chia làm 2- 4 lần vào 1 giờ trước các bữa ăn và trước khi đi ngủ, trong 4- 8 tuần.

Sucralfat làm giảm hấp thu của nhiều thuốc, vì vậy phải uống các thuốc này trước sucralfat 2 giờ.

Misoprostol

Là prostaglandin E1 tổng hợp, có tác dụng kích thích cơ chế bảo vệ ở niêm mạc dạ dày và giảm bài tiết acid, làm tăng liền vết loét dạ dày - tá tràng hoặc dự phòng loét dạ dày do dùng thuốc chống viêm không steroid.

Do hấp thu được vào máu nên gây nhiều tác dụng không mong muốn: buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, đau quặn bụng, tiêu chảy, chảy máu âm đạo bất thường, gây sẩy thai, phát ban, chóng mặt, hạ huyết áp.

Chống chỉ định dùng misoprostol ở phụ nữ có thai (hoặc dự định có thai) và cho con bú.

Thận trọng: bệnh mạch não, bệnh tim mạch vì nguy cơ hạ huyết áp.
Liều dùng:

Loét dạ dày- tá tràng: mỗi ngày 800 g chia làm 2- 4 lần vào bữa ăn và trước khi đi ngủ, trong 4- 8 tuần.

Dự phòng loét dạ dày- tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroid: mỗi lần uống 200 g, ngày 2- 4 lần cùng với thuốc chống viêm không steroid.

Kháng sinh diệt Helicobacter pylori

Nếu đã xác định được sự có mặt của H- pylori trong loét dạ dày - tá tràng (bằng test phát hiện), phải dùng các phác đồ diệt H.pylori để vết loét liền nhanh và tránh tái phát.

Phác đồ phổ biến nhất, đạt hiệu quả cao, đơn giản, sẵn có và chi phí hợp lý là phác đồ dùng 3 thuốc trong 1 tuần (one- week triple- therapy) gồm một thuốc ức chế bơm proton và 2 kháng sinh: amoxicilin với clarithromycin hoặc metronidazol. Phác đồ này diệt trừ được H.pylori trong hơn 90% trường hợp.

Nếu ổ loét tái phát nhiều lần, ổ loét to, có nhiều ổ loét hoặc các trường hợp loét không đáp ứng với phác đồ 3 thuốc, dùng “phác đồ 4 thuốc trong 2 tuần” gồm   thuốc ức chế bơm proton, muối bismuth và 2 kháng sinh.

Cũng có thể phối hợp tinidazol hoặc tetracyclin với các kháng sinh khác và thuốc ức chế bài tiết acid để diệt trừ H. pylori.

Bài viết cùng chuyên mục

Tác dụng chính và cơ chế thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm (CVKS)

Chỉ có tác dụng với các chứng đau nhẹ, khu trú. Tác dụng tốt với các chứng đau do viêm

Cơ chế đông máu

Đông máu là một quá trình, máu chuyển từ thể lỏng thành thể đặc, do chuyển fibrinogen thành fibrin không hòa tan.

Một số vấn đề về sử dụng kháng sinh

Chỉ dùng kháng sinh cho nhiễm khuẩn, không dùng cho nhiễm virus, có loại riêng, dùng càng sớm càng tốt.

Các loại thuốc tê thường dùng

Trên thần kinh thực vật, Cocain cường giao cảm gián tiếp, do ngăn cản tái thu hồi noradrenalin, ở ngọn dây giao cảm, làm co mạch, tăng huyết áp.

Đại cương thuốc chống lao

Trực khuẩn lao gây bệnh lao phổi, và các cơ quan khác, là loại vi khuẩn kháng cồn, kháng acid, sống trong môi trường ưa khí, phát triển chậm.

Thuốc lợi mật và thuốc thông mật

Thuốc lợi mật nước, secretin, thuốc cường phó giao cảm, làm tăng bài tiết nước, và điện giải của tế bào biểu mô đường mật, gây tăng tiết mật.

Loại thuốc chống cơn đau thắt ngực

Trên mạch, nitrat làm giãn mạch da và mặt, gây đỏ mặt làm giãn mạch toàn thân, tĩnh mạch giảm, làm giảm dòng máu chảy về tim, giảm tiền gánh.

Đại cương thuốc giảm đau

Đau là một cơ chế bảo vệ cơ thể, đau là do các ngọn dây thần kinh cảm giác bị kích thích quá độ bởi tác nhân vật lý hay hóa học.

Nguyên tắc điều trị rối loạn lipoprotein máu

Theo một số nghiên cứu cho thấy, muốn ngăn chặn được bệnh mạch vành nguyên phát, hoặc thứ phát.

Các vitamin tan trong nước

Khi thiếu vitamin B1, có thể làm cho cơ thể mệt mỏi, chán ăn, giảm trí nhớ, đau, viêm dây thần kinh, giảm trương lực cơ.

Đại cương Vitamin

Vitamin là những hợp chất hữu cơ, mà tế bào người, và động vật không thể tự tổng hợp, có mặt trong thức ăn, với số lượng nhỏ.

Thuốc chống đông máu

Để giảm vỡ tiểu cầu, ống nghiệm phải tráng parafin, colodion, phim silicon, ống nghiệm bằng pyrex làm máu đông chậm hơn là khi dùng loại bình thường.

Nhóm Cloramphenicol và dẫn xuất

Cloramphenicol có tác dụng kìm khuẩn, gắn vào tiểu phần 50s, của ribosom nên ngăn cản ARN m gắn vào ribosom.

Thuốc chống sán

Thuốc hầu như không hấp thu qua ống tiêu hóa, thấm vào thân sán qua tổn thương mà niclosamid tạo ở vỏ sán, sán bị diệt ngay tại ruột của vật chủ.

Natri: dược lý học

Điều hòa Na trong cơ thể do hormon vỏ thượng thận aldosteron, và hormon vasopressin hay ADH, hormon chống bài niệu của tuyến hậu yên.

Sử dụng và phối hợp kháng sinh trong điều trị

Việc lựa chọn kháng sinh dựa vào kháng sinh đồ, trong trường hợp cấp bách hoặc trong khi chờ đợi kết quả kháng sinh đồ có thể dựa vào kinh nghiệm.

Những vấn đề chung thuốc hạ sốt giảm đau chống viêm (CVKS)

Không chỉ định cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, trong trường hợp thật cần thiết, phải dùng cùng với các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Hormon vỏ thượng thận glucocorticoid

Vùng cuộn ở phía ngoài, sản xuất hormon điều hòa thăng bằng điện giải, đại diện là aldosteron, chịu sự kiểm tra chính của hệ renin angiotensin

Các dẫn xuất thuốc hạ sốt giảm đau chống viêm (CVKS)

Các dẫn xuất thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm, ức chế cox chọn lọc và không chọn lọc, dẫn xuất acid salicylic.

Barbiturat

Tuỳ liều dùng, cách dùng, tuỳ trạng thái người bệnh, và tuỳ loại barbiturat, mà được tác dụng an thần, gây ngủ hoặc gây mê.

Thuốc diệt Trichomonas

Trichomonas vaginalis ký sinh chủ yếu ở âm đạo, trong nước tiết âm đạo, ở các nếp nhăn của da ở bộ phân sinh dục người.

Calci: dược lý học

Trong máu, Ca ở dưới 3 dạng: 50 phần trăm dưới dạng ion Ca, gần 50 phần trăm kết hợp với protein huyết tương, chủ yếu là albumin.

Thuốc bình thần

Có nhiều tên gọi: minor tranquillizers, anxiolytics, sedatives, hoặc thuốc an thần thứ yếu, thuốc bình thần, nhóm thuốc quan trọng hàng đầu là benzodiazepin.

Dược lý học Morphin

Morphin có tác dụng chọn lọc với tế bào thần kinh trung ương, đặc biệt là vỏ não, một số trung tâm bị ức chế, kích thích gây co đồng tử, nôn, chậm nhịp tim.

Các thuốc điều trị phong

Thuốc có cấu trúc tương tự như dapson, nhưng hấp thu không hoàn toàn qua đường tiêu hóa, và thải trừ chủ yếu qua mật và qua phân.