- Trang chủ
- Sách y học
- Điều dưỡng học nội khoa
- Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Điều trị nguyên nhân, đồng thời với điều trị triệu chứng, phải làm thông thoáng đường hô hấp, bằng cách làm giảm tiết dịch, chống phù nề.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp là một tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của phế quản lớn và trung bình. Bệnh có thể xảy ra bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp ở trẻ em và người già. Bệnh hay gặp lúc mùa lạnh hay lúc giao mùa. Biểu hiện lâm sàng là ho, khạc đờm. Bệnh có thể tự lành hay nhờ điều trị mà không để lại di chứng khi lành bệnh.
Nguyên nhân
Nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn và virus như: viêm mũi, viêm VA, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan. Vi khuẩn thường gặp là: phế cầu, liên cầu khuẩn.
Bệnh truyền nhiễm: cúm, sởi, ho gà, sốt phát ban, thương hàn.
Hít phải hơi độc: clo, amoniac, acid, dung môi công nghiệp, chất độc hoá học.
Yếu tố dị ứng: viêm phế quản cấp xảy ra ở người hen, mày, phù Quinck.
Điều kiện thuận lợi
Thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh đột ngột.
Cơ thể suy mòn, còi xương, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch.
Ứ đọng phổi do suy tim.
Môi trường ẩm thấp nhiều khói bụi...
Triệu chứng lâm sàng
Bệnh bắt đầu bằng viêm long đường hô hấp trên với biểu hiện như: sổ mũi, hắt hơi, rát họng, ho khan. Tiến triển gồm hai giai đoạn:
Giai đoạn khô:
Sốt, có khi sốt cao trên 390C.
Ho khan, ho từng cơn.
Nhức đầu, mệt mỏi cơ thể.
Cảm giác rát bỏng và đau xương ức, cảm giác này tăng lên khi ho.
Phổi có nhiều ran rít, ran ngáy rải rác cả hai phế trường.
Giai đoạn này kéo dài từ 3-4 ngày thì chuyển sang giai đoạn ướt.
Giai đoạn ướt:
Ho kèm đàm xanh.
Khó thở nhẹ.
Cảm giác đau rát bỏng sau xương ức giảm dần rồi mất hẳn.
Khám phổi có nhiều ran ngáy, ran ẩm.
Giai đoạn này kéo dài 4-5 ngày, sang ngày thứ 10 thì khỏi hẳn.
Nếu ho khan kéo dài vài ba tuần, kèm đáp ứng với điều trị và xảy ra ở người nghiện thuốc lá cần phải chú ý đến ung thư phế quản.
Cận lâm sàng
X quang phổi: chỉ thấy hai vùng rốn phổi đậm.
Công thức máu: bạch cầu tăng, chủ yếu đa nhân trung tính, VSS tăng vừa phải.
Xét nghiệm đờm: thấy nhiều loại vi khuẩn khi soi tươi hay cấy đờm.
Tiên lượng
Phần lớn bệnh khỏi hoàn toàn không để lại di chứng.
Một số trường hợp bệnh tái phát.
Ở trẻ em có thể biến chứng phế quản phế viêm.
Viêm phế quản cấp có thể làm khởi phát cơn hen phế quản nhất là loại hen phế quản nhiễm khuẩn.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
Điều trị nguyên nhân gây bệnh là chủ yếu: muốn diệt khuẩn tốt thì cần làm kháng sinh đồ.
Điều trị nguyên nhân đồng thời với điều trị triệu chứng: phải làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách làm giảm tiết dịch, chống phù nề, sử dụng các thuốc long đờm, corticoid.
Điều trị cụ thể:
Thể nhẹ:
Nghỉ ngơi tại giường, giữ ấm, tránh lạnh đột ngột, tránh gió lùa. + Cho uống đủ lượng nước.
Thuốc long đờm: Exomuc người lớn và trẻ em > 7 tuổi uống 3 gói chia 3 lần.
Cho xi rô codein hoặc viên giảm ho: Oropivalon 2-4 viên /ngày, ngậm mỗi lần 1 viên.
Dùng kháng sinh khi có hiện tượng nhiễm khuẩn: ampicillin 500mg ngày uống 2-4 viên chia 2, sáng và chiều.
Thể nặng (viêm phế quản cấp trên bệnh nhân có viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa...).
Đảm bảo chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, giữ gìn và nâng cao sức khoẻ.
Tránh bị nhiễm lạnh, tránh môi trường bụi khói, ô nhiễm.
Điều trị tích cực và triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng và các bệnh mạn tính đường hô hấp, kết hợp với tập thở và tập thể dục thường xuyên.
Sốt: paracetamol 0,5g x 1-2 viên /ngày.
Ho: dùng Tecpin codein 0,1g x 2-4 viên /ngày.
Kháng sinh: cần phải làm kháng sinh đồ. Có thể dùng ampicillin, amoxicillin, erythromycin, gentamicin cho đến khi không còn dấu hiệu nhiễm trùng, thông thường từ 7 đến 10 ngày. Cephalexin 500mg x 2 - 4 viên /ngày hoặc Klacid 500mg x 2 viên /ngày, sáng và chiều, uống trước ăn khoảng 45 phút.
Dùng corticoid để chống phù nề niêm mạc phế quản: prednisolon 5mg x 4 viên /ngày chia 2, uống sau ăn.
Sử dụng các thuốc giãn phế quản để chống co thắt cơ trơn phế quản: theophyllin 0,1g x 4 viên chia 2 lần, sử dụng khi khó thở.
Viêm phế quản mạn
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng tăng tiết dịch nhầy của niêm mạc phế quản gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt khoảng 3 tuần lễ ít nhất là 3 tháng trong 1 năm và ít nhất là 2 năm liền. Viêm phế quản mạn còn gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng thường có đợt cấp tính làm bệnh nặng lên. Bệnh rất phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tâm phế mạn.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân trực tiếp góp phần làm cho bệnh khởi phát là:
Hút thuốc lá: theo Oswald thì 88% số người nghiện thuốc lá bị mắc bệnh viêm phế quản mạn tính.
Bụi trong khí quyển: ở những vùng công nghiệp thì tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Bụi SO2 dẫn đến những đợt cấp của bệnh.
Nghề nghiệp: những người có nghề tiếp xúc với bụi vô cơ hoặc bụi hữu cơ như công nhân mỏ than, uranium... công nhân luyện kim, thợ cán bông, cán nhựa rất dễ bị viêm phế quản mạn tính.
Nhiễm khuẩn: bệnh có liên quan với virus và vi khuẩn như Hemophilus influenza, Streptococcus pneumonia.
Yếu tố dị ứng: cơ địa dị ứng là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển.
Yếu tố tuổi và giới: tuổi cao hay mắc, nam nhiều hơn nữ.
Yếu tố di truyền: một số tác giả cho rằng người có nhóm máu O dễ bị bệnh phổi mạn tính.
Yếu tố xã hội: những người nghèo mắc bệnh nhiều hơn.
Yếu tố thời tiết, khí hậu: khí hậu ẩm ướt nhiều sương mù cũng là yếu tố thuận lợi.
Triệu chứng lâm sàng
Viêm phế quản mạn thường xảy ra ở người lớn trên 50 tuổi. Bệnh tiến triển âm ỉ trong nhiều năm. Khi bệnh đã rõ có những dấu hiệu và các triệu chứng sau:
Ho khạc đờm: thường ho và khạc đờm vào buổi sáng. àm nhầy, trong, dính hoặc đờm có màu xanh, vàng đặc như mủ. Lượng đờm trong 24 giờ thường khoảng 200ml. Mỗi đợt ho và khạc đàm thường kéo dài khoảng 3 tuần, nhất là những tháng mùa đông, đầu mùa thu.
Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: thỉnh thoảng xuất hiện một đợt cấp, nhất là ở những người già, sau bội nhiễm. Trong đợt cấp có những biểu hiện sau:
Ho, khạc đàm có mủ.
Khó thở như cơn hen, thở phì phò.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn (thường kín đáo).
Khám phổi: nghe ran rít, ran ngáy và ran ẩm, rì rào phế nang giảm.
Càng về giai đoạn cuối của viêm phế quản mạn mức độ khó thở càng tăng lên, chức năng hô hấp càng suy giảm trầm trọng. Bệnh nhân có thể tử vong trong giai đoạn suy hô hấp cấp.
Cận lâm sàng
Chụp X quang phổi: hình ảnh viêm phế quản trên phim không có gì đặc hiệu, thường thấy đậm hai rốn phổi và những đường đậm chạy xuống cơ hoành, nhưng rất cần làm để loại trừ các bệnh có ho và khạc đờm kéo dài như ung thư phế quản, lao phổi, giãn phế quản. Trong giai đoạn muộn, chụp X quang thấy hình ảnh của giãn phế nang.
Chụp phế quản có chất cản quang.
Soi phế quản.
Chụp động mạch phế quản.
Làm các xét nghiệm thăm dò chức năng hô hấp, phân tích khí trong máu.
Cấy đờm để lấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ (lưu ý xét nghiệm tìm BK trong đờm, có thể phải làm nhiều lần mới có thể khẳng định được).
Xét nghiệm máu: trong đợt cấp số lượng bạch cầu tăng, tốc độ máu lắng tăng. ở giai đoạn muộn số lượng hồng cầu và hematocrit tăng.
Tiến triển và biến chứng
Bệnh bắt đầu rất nhẹ, bệnh nhân không để ý vì không ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt. Bệnh tiến triển từ từ trong 5 - 20 năm. Trong quá trình tiến triển có những đợt kịch phát. Cứ sau những đợt suy hô hấp cấp thì bệnh lại tiến triển trầm trọng hơn. Trong quá trình tiến triển có những biến chứng:
Bội nhiễm phổi: viêm phổi thuỳ, áp xe phổi, lao phổi.
Giãn phế nang.
Suy hô hấp cấp.
Suy tim phải là biến chứng cuối cùng.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
Điều trị nguyên nhân kết hợp với điều trị triệu chứng.
Điều trị theo thể bệnh.
Điều trị biến chứng.
Giải quyết tắc nghẽn phế quản do đàm, phù nề niêm mạc phế quản, co thắt cơ trơn phế quản.
Điều trị cụ thể:
Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào.
Điều trị các ổ nhiễm khuẩn ở mũi, họng, xoang bằng kháng sinh.
Bệnh nhân sốt: paracetamol 0,5g x 1 - 2 viên /ngày.
Ho: dùng Tecpin codein 0,1g x 2-4 viên /ngày. Tuy nhiên không dùng cho những bệnh nhân có suy hô hấp và những bệnh nhân viêm phế quản có biểu hiện tâm phế mạn.
Đau ngực: dùng Efferalgan codein 500mg x 2 viên /ngày x 5 ngày.
Đối với viêm phế quản mạn đơn thuần (chưa có tắc nghẽn phế quản), chỉ cần điều trị dự phòng:
Thể dục liệu pháp, tập thở sâu (thở cơ hoành).
Vận động trị liệu: tập bơi, đi bộ.
Giữ ấm cổ, ngực khi trời lạnh, tránh lạnh đột ngột.
Tiêm vaccin phòng cúm vào mùa thu, đông.
Điều trị ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Điều trị đợt cấp (khi đã có tắc nghẽn).
Cho thở oxy khi có biểu hiện suy hô hấp (cho thở ngắt quãng, nhiều lần trong ngày, liều thấp).
Dẫn lưu theo tư thế kết hợp với vật lý trị liệu (gõ, vỗ, rung lắc) lồng ngực để làm long đờm và dẫn lưu đàm ra ngoài. Vỗ nhẹ nhàng vào lồng ngực ít nhất 30 phút một ngày.
Sử dụng các thuốc làm loãng đờm, long đờm: Bilsovon 8mg x 2viên/ngày x 5 ngày hoặc Exomuc 200mg/gói x 2 gói /ngày x 5 ngày.
Dùng corticoid liều nhẹ để chống phù nề niêm mạc phế quản: prednisolon 5mg x 4 viên /ngày x 5 ngày, sau đó prednisolon 5mg x 2 viên /ngày x 5 ngày rồi ngừng.
Sử dụng các thuốc giãn phế quản để chống co thắt cơ trơn phế quản:
Theophyllin 0, 10 x 4 viên/ngày x 7 ngày hoặc Diaphyllin 4,8% x 2 ống, mỗi ống hòa với 10ml glucose 5% tiêm tĩnh mạch chậm 5-10 phút, sáng và chiều.
Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, có thể dùng penicillin, ampicillin hoặc erythromycin, bactrim. Nếu chưa có kháng sinh đồ thì dùng những loại kháng sinh không dị ứng niêm mạc phế quản như ofloxacin 200mg x 2 viên /ngày x 5 ngày.
Nhận định tình hình
Nhận định qua hỏi bệnh
Có bị nhiễm lạnh đột ngột không?
Bệnh nhân có sốt, nhức đầu, đau mình, mệt mỏi, khàn tiếng không?
Bệnh nhân có ho và khạc đờm không? tính chất của đờm như thế nào?
Bệnh nhân có đau ngực không?
Làm nghề gì? Có hay tiếp xúc với các hoá chất không?
Có bị mắc bệnh mạn tính đường hô hấp không?
Có mắc bệnh ở xoang, tai mũi họng không?
Môi trường làm việc và môi trường sống như thế nào?
Có hút thuốc lá không?
Có xảy ra theo mùa không?
Các thuốc đã sử dụng và hiệu quả của các thuốc?
Tiến triển của bệnh như thế nào?
Quan sát tình trạng của bệnh nhân
Tình trạng toàn thân: thể trạng chung, tình trạng tinh thần.
Có vẻ mặt nhiễm khuẩn: môi khô, lưỡi bẩn, mệt nhọc, hốc hác không?
Có khó thở không và mức độ khó thở?
Da, niêm mạc có tím tái không?
Quan sát tính chất của đờm về số lượng và màu sắc.
Thăm khám
Lấy dấu hiệu sống để xem có hội chứng nhiễm trùng không?
Nghe phổi có ran rít, ran ngáy và ran ẩm không? rì rào phế nang có giảm không?
Xem xét các xét nghiệm cận lâm sàng:
X quang phổi: hai vùng rốn phổi có đậm không?
Công thức máu: bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính, tốc độ lắng máu có tăng không?
Xét nghiệm đờm: để tìm xem có vi khuẩn khi soi tươi hay cấy đờm không?
Thu thập các dữ kiện
Qua hồ sơ bệnh án đã điều trị và chăm sóc.
Qua gia đình bệnh nhân.
Chẩn đoán điều dưỡng
Qua khai thác các giai đoạn trên giúp cho người điều dưỡng có được chẩn đoán điều dưỡng có thể có đối với bệnh nhân viêm phế quản:
Tăng thân nhiệt do viêm phế quản.
Khạc đàm do tăng tiết phế quản.
Ho do kích thích phế quản.
Nguy cơ thất bại điều trị do bệnh nhân không tuân thủ chế độ điều trị và chăm sóc.
Lập kế hoạch chăm sóc
Người điều dưỡng cần phải phân tích, tổng hợp và đúc kết các dữ kiện để xác định nhu cầu cần thiết của bệnh nhân, từ đó lập ra kế hoạch chăm sóc cụ thể. Khi lập kế hoạch chăm sóc phải xem xét đến toàn trạng bệnh nhân, đề xuất vấn đề ưu tiên, vấn đề nào cần thực hiện trước và vấn đề nào thực hiện sau tuỳ từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.
Chế độ nghỉ ngơi và vệ sinh.
Chế độ ăn uống.
Giải quyết những khó khăn của bệnh nhân: thở và ho không hữu hiệu.
Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, màu sắc da, tình trạng hô hấp.
Thực hiện các y lệnh của thầy thuốc.
Theo dõi đề phòng biến chứng.
Giáo dục cho bệnh nhân.
Thực hiện kế hoạch chăm sóc
Bệnh có thể lành và không để lại di chứng nếu được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc một cách đúng mức. Bệnh nhân có thể tử vong do những biến chứng của bệnh hoặc do tai biến điều trị.
Thực hiện chăm sóc cơ bản
Đặt bệnh nhân nằm nghỉ ở tư thế nằm ngửa, đầu cao, đảm bảo thông thương đường hô hấp.
Phòng nghỉ phải thoáng mát, yên tĩnh.
Giải thích cho bệnh nhân và gia đình về tình trạng bệnh tật.
Luôn giữ ấm cơ thể bệnh nhân, tránh gió lùa.
Hướng dẫn cách ho, khạc đờm cho bệnh nhân.
Ăn uống đủ năng lượng, nhiều sinh tố và cho uống nhiều nước ấm để bệnh nhân dễ khạc đờm.
Vệ sinh sạch sẽ: hằng ngày vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân, áo quần, vải trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ.
Nếu bệnh nhân ho nhiều phải hướng dẫn cho bệnh nhân: nằm đầu cao, nghiêng về một bên, cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm, làm ấm và ẩm không khí để bệnh nhân dễ thở, các biện pháp trên có tác dụng làm long đàm và bệnh nhân dễ khạc ra. Nếu ho nhiều hơn cần báo bác sĩ và cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc theo chỉ định.
Thực hiện các y lệnh
Thuốc dùng: thực hiện đầy đủ các y lệnh khi dùng thuốc như: các thuốc tiêm, thuốc uống.
Thực hiện các xét nghiệm lâm sàng:
Xét nghiệm máu: VSS, công thức máu, xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn gây bệnh.
Các xét nghiệm khác: chụp X quang phổi, điện tim.
Theo dõi
Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở.
Theo dõi tính chất ho, số lượng và tính chất của đờm.
Theo dõi tác dụng phụ của thuốc, nếu có bất thường phải báo ngay cho bác sĩ.
Theo dõi các đáp ứng điều trị.
Theo dõi một số xét nghiệm như: công thức máu, tốc độ lắng máu, soi tươi, cấy đờm và chụp X quang tim phổi.
Tình trạng công tác chăm sóc điều dưỡng đối với bệnh nhân.
Giáo dục sức khoẻ
Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi.
Luyện tập, tăng cường nâng cao sức khoẻ.
Giữ ấm khi trời lạnh.
Loại trừ hoặc hạn chế những yếu tố kích thích.
Kiểm tra định kỳ các bệnh phổi mạn tính, các ổ viêm nhiễm, ổ xoang, tai mũi họng để điều trị kịp thời.
Tiêm phòng sởi, ho gà, cúm.
Đánh giá quá trình chăm sóc
Đánh giá tình trạng bệnh nhân sau khi đã thực hiện y lệnh, thực hiện kế hoạch chăm sóc so với lúc ban đầu của người bệnh để đánh giá tình hình bệnh tật:
Đánh giá tình trạng ho và khạc đờm có được cải thiện không?
Đánh giá tình trạng bệnh và mức độ bệnh.
Đánh giá tình trạng bệnh nhân: tinh thần, hiểu biết bệnh tật và các biến chứng.
Đánh giá kết quả đáp ứng điều trị đối với bệnh nhân.
Đánh giá chăm sóc điều dưỡng cơ bản có được thực hiện và có đáp ứng được với yêu cầu của người bệnh không và những vấn đề sai sót hoặc thiếu cần bổ sung vào kế hoạch chăm sóc cũng như điều trị để thực hiện.
Bài viết cùng chuyên mục
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
Aspirin gây chảy máu dạ dày theo các cơ chế sau: Aspirin có chứa các tinh thể acid Salysilic làm ăn mòn niêm mạc dạ dày gây loét chảy máu; Aspirin ức chế sản xuất gastromucoprotein của niêm mạc dạ dày.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim
Đây là bệnh đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm, về nhiều lĩnh vực, như nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, điều trị và chăm sóc.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu
Ở những người bị nhiễm độc mạn, thường có nồng độ nhiễm độc thấp hơn người chưa từng bị ngộ độc, ở người già, phụ nữ có thai.
Thăm khám điều dưỡng bộ máy tiêu hóa
Hỏi bệnh nhằm xác định thời gian bắt đầu của bệnh, diễn biến và tiến triển của nó, sự liên quan của quá trình bệnh lý hiện tại với tiền sử bệnh tật.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận cấp ác tính, trước kia còn được gọi là viêm cầu thận tiến triển nhanh, tên gọi này đặc trưng có quá trình tiến triển của bệnh là nhanh, tử vong sớm.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân rối loạn nhịp tim
Mạch không đều về nhịp cũng như về biên độ, khó đếm, phải đếm nhịp tim trong 1 phút, nhịp tim, nhịp mạch không trùng nhau.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm phổi thùy
Khám phổi, có hội chứng đông đặc phổi điển hình, với rung thanh tăng, ấn các khoảng gian sườn đau, gõ đục, nghe âm phế bào giảm.
Thăm khám điều dưỡng hệ hô hấp (phổi, phế quản)
Bình thường nhịp thở từ 12 lần 20 lần phút, dưới 10 lần là khó thở chậm, trên 24 lần là khó thở nhanh, nhịp thở ở trẻ em nhanh hơn người lớn.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Tăng huyết áp động mạch, thường kèm theo những biến đổi về sinh lý bệnh, liên quan đến hệ thần kinh giao cảm, thận, hệ renin angiotensin.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thoái hóa khớp
Là nguyên nhân chính của thoái khớp nguyên phát, xuất hiện muộn thường ở người lớn tuổi, nhiều vị trí, tiến triển chậm, không nặng.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm đường mật cấp
Các vi khuẩn tiết ra các men như beta glucuronidase, sẽ biến bilirubin liên hợp thành bilirubin tự do, dễ kết tủa, kết hợp với calci tạo thành sỏi mật.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối
Gan lớn nhìn thấy, hoặc sờ thấy dưới bờ sườn phải, cứng, bề mặt không đều, đau nhiều hoặc ít, có khi cố định không di động theo nhịp thở.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân suy thận mạn
Hầu hết các bệnh lý thận mạn tính, dù khởi phát là bệnh cầu thận, bệnh ống kẽ thận hay bệnh mạch thận, đều có thể dẫn đến suy thận mạn.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hen phế quản
Viêm mạn tính, gây nên một sự gia tăng phối hợp đáp ứng phế quản, dẫn đến những đợt tái diễn với biểu hiện, khó thở, ran rít và ho.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân phù phổi cấp
Nhiều thuốc, hoặc nhiều chất có thể gây phù phổi cấp, nhưng hay gây ngộ độc là phospho, carbon monoxid, lân hữu cơ, mật cá trắm, rắn độc cắn.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi
Áp xe phổi, là một tình trạng nung mủ do hoại tử nhu mô phổi, sau một quá trình viêm cấp, mà nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn mủ, ký sinh trùng.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm tụy cấp
Trong trường hợp nhiễm trùng nặng cần phối hợp Cephlosporin thế hệ 3, và Quinolon thế thế hệ 2, nếu nhiễm trùng nặng dùng kháng sinh chống kỵ khí.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm khớp mạn tính, chưa rõ nguyên nhân, gặp chủ yếu ở nam giới trẻ tuổi
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi chiếm tỷ lệ khá cao, so với các bệnh đường hô hấp, điều trị nội khoa nhiều lúc không hiệu quả, để lại nhiều biến chứng và di chứng lâu dài.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Lúc đầu tác nhân gây bệnh, tác động như một kháng nguyên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa biết là kháng nguyên gì.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân bệnh gout
Khi acid uric trong máu tăng cao, các dịch đều bảo hoà natri urat, và sẽ xảy ra hiện tượng lắng đọng urat ở một số tổ chức, đặc biệt là màng hoạt dịch khớp.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thiếu máu
Chức năng dinh dưỡng: máu vận chuyển các chất dinh dưỡng cơ bản là glucose, các acid béo, các vitamin từ các dung mao của ruột non đến các tổ chức tế bào.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân HIV, AIDS tại cộng đồng
Khoảng 50 phần trăm bệnh nhân AIDS, có sự sa sút tinh thần, và trí tuệ ở nhiều mức độ, nhưng nếu điều trị nhiễm trùng cơ hội có kết quả.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Xơ gan mật nguyên phát, đây là bệnh viêm mạn tính đường mật nhỏ trong gan, không nung mủ, gặp ở phụ nữ 30 đến 50 tuổi, biểu hiện ứ mật mạn tính.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường
Triệu chứng chủ yếu, đồng thời cũng là triệu chứng quan trọng, để chẩn đoán đái tháo đường lâm sàng, là tăng glucose máu, có glucose trong nước tiểu.