Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân HIV, AIDS tại cộng đồng

2013-08-23 10:05 PM

Khoảng 50 phần trăm bệnh nhân AIDS, có sự sa sút tinh thần, và trí tuệ ở nhiều mức độ, nhưng nếu điều trị nhiễm trùng cơ hội có kết quả.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Đại cương

Trong những ngày đầu của đại dịch AIDS, bệnh nhân HIV thường là nam thanh niên trẻ đồng tính luyến ái hoặc lưỡng tính, nhóm này khác xa bệnh nhân ung thư. Họ là những người được đặt nhiều hy vọng vì họ trẻ, sáng tạo và thành công. Giai đoạn sau của dịch HIV, khi dịch lan đến những nước có nhiều người tiêm ma túy và ở các nước thế giới thứ ba, có phụ nữ mắc bệnh do tiếp xúc tình dục.

Sau một giai đoạn sốt ngắn lúc mới nhiễm, bệnh im lặng trong một thời gian dài, có khi đến 10 năm nhưng dần dần tình trạng nhiễm trùng nặng tăng lên (khi CD4 giảm), cần được điều trị mạnh mẽ và liên tục, do đó có thể bị tác dụng phụ khó chịu. Càng lúc, bệnh càng tiến triển, bệnh nhân phải trải qua thời gian trong trạng thái lo âu, tình trạng nhiễm trùng khó chịu với các phương pháp điều trị khác nhau. Nhiều loại thuốc có tác dụng trong thời kỳ ủ bệnh và có thể điều trị kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên không thể đoán trước được diễn biến của bệnh ngay cả giai đoạn cuối, bởi vì:

Quá trình diễn biến bệnh không rõ ràng như bệnh ung thư.

Thay đổi nhanh với sự bộc phát của nhiễm trùng rất nặng đưa đến chết; AIDS là một bệnh đa hệ và các biến chứng cùng hiện diện một lúc.

Chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS chính là thực hiện chiến lược làm giảm tác hại của đại dịch đối với từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Trong hơn thập kỷ qua, thế giới đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực điều trị nhằm kéo dài cuộc sống người nhiễm HIV/AIDS. ở Việt Nam, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS ngày càng gia tăng. Do vậy nhu cầu chăm sóc và tư vấn cho người bị nhiễm HIV/AIDS rất quan trọng, tuy nhiên vấn đề này chưa được cung cấp kiến thức và kỹ năng chăm sóc HIV/AIDS một cách đầy đủ và đúng mức.

Việc chọn lựa nơi thích hợp để chăm sóc bệnh nhân HIV giai đoạn cuối rất khác nhau. ở một số thành phố lớn, một bệnh viện chính sẽ chịu trách nhiệm điều trị ban đầu cho bệnh nhân AIDS nhưng nó chỉ có một số giường giới hạn trong khi nhu cầu lại rất lớn. Chi phí thuốc điều trị HIV lại quá cao mà chỉ có một số ít bệnh nhân tiếp nhận điều trị. Đối với những bệnh nhân không có điều kiện để tiếp nhận thuốc điều trị đặc hiệu thì cần phải có một chỗ ở lâu dài cho họ. Những nơi này có thể là một bệnh viện nhỏ, trạm y tế hay ở tại nhà. ở Thái Lan, nhiều ngôi chùa đã tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm HIV khi họ bị cộng đồng từ chối. ở những nước khác, chính quyền hoặc những tổ chức từ thiện của tôn giáo chăm sóc những bệnh nhân này ở những bệnh viện đặc biệt.

Cần có những biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm HIV, lao hay viêm gan siêu vi cho những thành viên trong gia đình. ở vài trung tâm điều trị, những bệnh nhân nhiễm HIV lập thành nhóm những người hỗ trợ để giám sát việc chăm sóc tại nhà. Những người này cần được huấn luyện cơ bản và có sự giúp đỡ về tài chính, nhưng mở ra tiềm lực của sự phục vụ chăm sóc tại nhà kinh tế và hữu hiệu hơn.

Nội dung bài này chúng tôi sẽ đề cập đến việc tổ chức quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, nhằm cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản giúp cho những người tham gia chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS thực hiện công việc mình được tốt hơn.

Các biểu hiện lâm sàng thường gặp

Các biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS:

Không triệu chứng 4%.

Nhiễm nấm ở miệng 71%.

Nhiễm nấm lan tỏa 9%.

Sút cân 63%.

Tiêu chảy kéo dài 17%.

Sốt không rõ nguyên nhân 27%.

Viêm võng mạc do Cytomegalvius 23%.

Nhiễm trùng nặng 17%.

Các triệu chứng chính trong bệnh AIDS tiến triển gồm các dạng hỗn hợp:

Do nhiễm trùng: lao, nhiễm nấm ở miệng hoặc lan tỏa, nhiễm Cryptococcus, nhiễm Cytomegalovirus cao. ít phổ biến hơn là nhiễm Histoplasma, Penicilliummarneffei và Strogyloides -stercora.

Do chính ảnh hưởng của HIV, bao gồm bệnh lý thần kinh, do viêm dây thần kinh và mất trí. Herpes zorter cũng thường gặp do suy giảm chức năng miễn dịch.

Khoảng 50% bệnh nhân AIDS có sự sa sút tinh thần và trí tuệ ở nhiều mức độ nhưng nếu điều trị những bệnh nhiễm trùng cơ hội có kết quả, bệnh nhân sống lâu hơn thì sự sa sút này thường gặp nhiều hơn.

Nhiều triệu chứng do nhiễm trùng, do tác dụng phụ của thuốc hay chính virut cũng không khác lắm so với các triệu chứng của ung thư tiến triển: biếng ăn, sút cân, suy kiệt, nôn, khó thở, đau, lú lẫn...

Những triệu chứng chính của AIDS khác với ung thư là:

Sa sút tinh thần, trí tuệ, mù, bệnh lý về thần kinh, liệt, bệnh lý về cơ, tổn thương ở da và tiêu chảy nặng kéo dài. Bệnh nhân cũng thường dễ bị cách ly về mặt xã hội với cha mẹ, gia đình, bị các định kiến từ một vài thành phần trong xã hội. Do đó, sau khi điều trị khỏi các nhiễm trùng nặng, họ thấy không còn nơi nào thích hợp để sống nên thường muốn xin ở lại bệnh viện.

Khái niệm về quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS

Quản lý nhiễm HIV/AIDS không giống như quản lý hộ khẩu và cũng khác so với quản lý và điều trị các bệnh truyền nhiễm khác do bản chất khác biệt của bệnh này.

Quản lý nhiễm HIV/AIDS ở đây được hiểu là tiếp cận và hỗ trợ, giúp cho người nhiễm hiểu rõ về bệnh tật và đấu tranh chống lại bệnh tật, đồng thời tránh được lây nhiễm cho người khác. Quản lý nhiễm HIV/AIDS là cung cấp cho cả người bị nhiễm và người chưa bị nhiễm cơ hội để đề phòng lây nhiễm HIV và hình thành nên mối quan hệ tốt giữa bệnh nhân -thầy thuốc -người chăm sóc. Do vậy, rất cần có một mạng lưới chăm sóc. Mạng lưới này sẽ có nhiều người tham gia vào công tác chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Nếu lấy việc chăm sóc người nhiễm là trung tâm, thì những người tham gia chăm sóc có thể là bản thân người nhiễm, người thân trong gia đình, họ hàng, láng giềng, các tổ chức dựa vào cộng đồng, nhân viên y tế... trong đó các cơ sở y tế sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc hướng dẫn chăm sóc và tư vấn. Các cơ sở bệnh viện các tuyến sẽ là mạng lưới trung chuyển hoặc điều trị cho những trường hợp nặng.

Cơ sở để hình thành chiến lược quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS

Bản chất của căn bệnh:

Nhiễm HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm mãn tính kéo dài. Người mắc bệnh thậm chí cũng không biết nên vẫn truyền bệnh cho người khác.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục góp phần làm lây nhiễm HIV mạnh mẽ và những người nhiễm HIV mắc thêm các bệnh lây qua đường tình dục sẽ diễn biến thành AIDS nhanh.

Nhiễm HIV liên quan đến các hành vi nguy cơ và nhiều khía cạnh xã hội như vấn đề tệ nạn xã hội, hôn nhân, mang thai, việc làm, bảo hiểm, xuất nhập cảnh...

Bệnh cảnh AIDS phong phú và đa dạng bao gồm các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và các bệnh do rối loạn miễn dịch gây ra.

Mặc dù chưa có thuốc chữa và thuốc phòng hữu hiệu nhưng vẫn có thể phòng bệnh được khi mọi người đều thực hiện hành vi an toàn (đặc biệt là luôn sử dụng bơm kim tiêm sạch và sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục) vẫn có thể kéo dài cuộc sống cho người bệnh đến 5 năm kể từ khi phát bệnh. Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể giảm được nhờ điều trị dự phòng bằng AZT hoặc Nevinapine.

Tâm lý người bệnh và nhu cầu chăm sóc:

Người bị nhiễm luôn có tình trạng khủng hoảng, hoảng sợ phân biệt đối xử, lo lắng buồn rầu, muốn tự tử hoặc có phản ứng tiêu cực làm lây nhiễm HIV.

Người nhiễm HIV/AIDS đòi hỏi phải được chăm sóc toàn diện và luôn xuất hiện các nhu cầu sau:

Hiểu biết về căn bệnh và biết cách tự chăm sóc mình.

Chăm sóc các rối loạn về tâm lý.

Hỗ trợ về kinh tế.

Bảo vệ nhân quyền.

Chăm sóc con cái của họ.

Cung cấp kiến thức và kỹ năng cho người chăm sóc họ ngay tại nhà.

Chăm sóc về y tế, thuốc men khi bệnh nặng.

Như vậy, ở giai đoạn cuối cùng của bệnh, người nhiễm HIV/AIDS mới cần nhiều đến chăm sóc về y tế. Trong giai đoạn nhiễm HIV, nhu cầu quan trọng nhất của họ là tư vấn.

Hệ thống Y tế:

Hệ thống y tế luôn có nguy cơ quá tải khi số bệnh nhân AIDS gia tăng, thuốc điều trị lại đắt tiền mà không có kết quả, nguy cơ rủi ro nghề nghiệp có thể xảy ra. Do vậy, cần xã hội hoá việc chăm sóc, tư vấn và điều trị nhất là trị liệu tại nhà.

Môi trường xã hội:

Do sợ bị lây bệnh nên mọi người luôn xuất hiện tình trạng kỳ thị, định kiến, ít gần gũi và phân biệt đối xử. Hậu quả làm người mang bệnh mặc cảm và chán nản.

Các nguyên tắc quản lý, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS

Người nhiễm HIV/AIDS cũng có quyền được chăm sóc điều trị toàn diện và phù hợp như những người khác trong cộng đồng, không phân biệt đối xử. Điều đó được thể hiện qua việc cảm thông, an ủi với người bệnh, không sợ hãi khi chăm sóc, tôn trọng người bệnh.

Cần phải đáp ứng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phù hợp cho người nhiễm HIV/AIDS trên nguyên tắc giữ bí mật, quản lý tốt các hồ sơ bệnh án, tư vấn trước khi thông báo.

Cần đào tạo nhân viên y tế bao gồm cả những người chăm sóc tự nguyện.

Khuyến khích hỗ trợ các dịch vụ dựa vào cộng đồng. Có thể lồng ghép các dịch vụ này với mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Mô hình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS giống như mô hình chăm sóc và điều trị các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục và các bệnh mãn tính khác.

Thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong khi chăm sóc.

Nguyên tắc dự phòng tổng quát: nhằm tránh lây chéo HIV cho các bệnh nhân, tránh lây từ bệnh nhân này sang người chăm sóc và ngược lại, cần tuân thủ nguyên tắc:

Trên lâm sàng không thể biết ai là người nhiễm HIV/AIDS nên mọi bệnh nhân cũng như mọi bệnh phẩm có máu và dịch sinh học đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Luôn phải đeo găng khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của bệnh nhân. Đeo các phương tiện phòng vệ như kính, khẩu trang, mặc áo choàng khi có nguy cơ bị máu và dịch bệnh nhân dính vào.

Khi có vết thương hở ở tay, chân hoặc có tổn thương da rỉ nước, phải băng kỹ và tốt nhất không tiếp xúc với máu và dịch của bệnh nhân cho đến khi tổn thương lành.

Khi trên mặt bàn, mặt sàn bị máu hoặc dịch sinh học của bệnh nhân dây ra, phải đổ ngập tràn chỗ có máu và dịch đó bằng các dung dịch sát khuẩn như nước javel, dung dịch có clo, để 20 phút sau đó dùng khăn thấm khô rồi rửa sạch như thường qui.

Đối với các đồ vải có thấm máu và dịch phải dùng panh để gắp cho vào túi riêng, nếu không có panh thì phải gấp phần có máu và dịch vào trong để cầm cho vào túi, sau đó vận chuyển đến nơi hủy hoặc nhà giặt. Phải ngâm các đồ vải này trong các hoá chất sát trùng 20 phút trước khi xử lý.

Đối với các chất thải (đàm, nước tiểu, phân, máu hoặc các dịch sinh học như dịch nước báng, dịch màng phổi, dịch não tủy...) cũng xử lý tương tự. Đổ ngập tràn cùng chất thải bằng các hoá chất sát trùng, để 20 phút trước khi đổ vào nơi thải chung.

Luôn rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi đeo găng, trước và sau khi thăm khám bệnh nhân, sau khi đi vệ sinh hoặc giúp bệnh nhân vệ sinh.

Chống lây chéo:

Thực hiện an toàn trong truyền máu và tiếp xúc với máu và dịch của bệnh nhân.

Đảm bảo vô trùng và tiệt trùng các dụng cụ y tế. Các dụng cụ tái sử dụng cần thực hiện đúng quy trình xử lý, sau đó khử trùng hoặc tiệt trùng và giữ các dụng cụ đó trong môi trường vô trùng trước khi sử dụng.

Đối với các y cụ sắc nhọn, cần thận trọng khi sử dụng, sau khi sử dụng không được đậy nắp, không được bẻ cong kim (đối với bơm tiêm), sau khi dùng, phải bỏ ngay các vật sắc nhọn vào thùng cứng (để không xuyên ra ngoài được) rồi xử lý theo quy định.

Xử lý khi bị tai nạn nghề nghiệp:

Trong khi chăm sóc, chẳng may bị vật sắc nhọn dùng cho bệnh nhân đâm hay cứa phải, ngay lập tức phải nặn hết máu chỗ tổn thương, sau đó ngâm chỗ tổn thương ngay vào nước sát trùng trong 20 phút hoặc rửa sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Ghi nhận thời điểm và dụng cụ gây tai nạn, rồi báo ngay cho cán bộ y tế có thẩm quyền biết để xử lý đúng theo hướng dẫn của Bộ y tế.

Nội dung theo dõi và chăm sóc người nhiễm HIV, AIDS

Quản lý lâm sàng

Lập sổ quản lý sức khoẻ, có thể là sổ y bạ hoặc bệnh án. Cần ghi rõ thời điểm thăm khám đầu tiên, ngày được xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV, tình trạng bệnh nhân như cân nặng, nhiệt độ và các triệu chứng lâm sàng khác để làm mốc cho những lần thăm khám theo dõi về sau. Người chăm sóc phải quản lý hồ sơ này và có trách nhiệm giữ bí mật cho bệnh nhân.

Tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS

Hầu như người nhiễm HIV không có biểu hiện lâm sàng gì cho nên việc chăm sóc ở giai đoạn này chủ yếu là tư vấn cho họ về những vấn đề sau.

Diễn biến nhiễm HIV trong cơ thể:

Nhiễm HIV không có nghĩa là AIDS, mà là một khoảng thời gian dài trong nhiều năm không có triệu chứng. Trong thời gian đó người nhiễm vẫn khoẻ mạnh và làm việc bình thường để sinh sống. Người đó chỉ cần hỗ trợ khi diễn biến thành AIDS.

Một khi HIV nhiễm vào cơ thể sẽ có 3 xu hướng phát triển:

Hoặc người đó mang HIV kéo dài trong 10 năm hoặc lâu hơn mà vẫn khoẻ mạnh bình thường nếu người đó thay đổi hành vi, thực hiện chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thân thể tốt.

Hoặc sẽ phát triển thành AIDS trong vòng 5-7 năm nếu để cho HIV diễn biến tự nhiên trong cơ thể.

Hoặc sẽ diễn biến nhanh thành AIDS trong vòng vài năm nếu tiếp tục có các hành vi nguy cơ vì khi tiếp tục các hành vi như dùng chung bơm tiêm, tiếp tục quan hệ tình dục với nhiều người, người đó một mặt lây truyền HIV cho người khác, mặt khác họ sẽ bị nhiễm thêm HIV từ người khác hoặc bị các nhiễm trùng bội nhiễm kích hoạt cho HIV sản sinh nhanh trong cơ thể làm tiêu hủy nhanh hệ thống miễn dịch và người đó tự rút ngắn cuộc đời lại.

Khi đã diễn biến thành AIDS, tuỳ điều kiện thuốc men và chăm sóc, bệnh nhân vẫn có thể sống thêm được 1-5 năm.

Các thuốc điều trị hiện nay chỉ nhằm chữa các nhiễm trùng cơ hội và làm chậm lại quá trình phát triển của virut.

Rèn luyện để sống khoẻ mạnh và phòng lây HIV trong gia đình:

Một người bị nhiễm HIV có thể làm lây HIV cho người thân qua dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, quan hệ tình dục và tiêm chích không an toàn.

Vì vậy trong suốt quá trình bị bệnh, bệnh nhân nên tuân thủ các nguyên tắc sau:

Ăn càng nhiều càng tốt.

Luyện tập thể dục, thể thao để tránh buồn phiền và lo lắng.

Nghỉ ngơi khi mệt mỏi và đảm bảo ngủ đủ thời gian.

Vẫn tiếp tục làm việc nếu đủ khả năng.

Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Gặp gỡ thường xuyên với gia đình và bạn bè.

Không cho người khác nhận máu và mô.

Không sử chung bơm tiêm với người khác, dùng bơm kim tiêm sạch. Dùng riêng bàn chải đánh răng, dao cạo râu...

Hãy chú ý đến sức khoẻ, nghe theo lời khuyên của thầy thuốc để dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân: đánh răng hàng ngày, tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh kinh nguyệt (đối với phụ nữ).

Giảm các sang chấn lo âu.

Không uống rượu, không hút thuốc lá, thuốc lào.

Không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc.

Tư vấn cho người nhiễm HIV:

Như mọi người đã biết, HIV có nồng độ cao trong máu và các dịch tiết sinh học nên HIV chỉ lây qua 3 đường:

Lây qua đường máu: do truyền máu không được sàng lọc HIV, do dùng chung các dụng cụ tiêm chích qua da không vô trùng như bơm kim tiêm, kim xăm mình, dùng chung các dụng cụ trong ngoại khoa, trong nha khoa không được vô trùng hoặc do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS.

Lây qua đường tình dục: quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không áp dụng các biện pháp phòng vệ. Càng quan hệ tình dục với nhiều người càng có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm HIV.

Mẹ mang thai bị nhiễm HIV có thể truyền bệnh cho con hoặc qua nhau thai hoặc trong quá trình đẻ hoặc qua sữa mẹ khi cho con bú.

Do vậy, để tránh lây nhiễm HIV/AIDS cần phải áp dụng các biện pháp dự phòng:

Phòng lây nhiễm qua đường tình dục:

Chung thủy một với bạn tình.

Luôn dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh lây qua đường tình dục có hiệu quả.

Phòng và hạn chế lây nhiễm HIV qua đường máu:

Không tiêm chích ma tuý.

Hạn chế thuốc tiêm, khuyến khích dùng thuốc uống.

Nếu phải tiêm thì dùng bơm tiêm loại dùng một lần.

Thực hiện tốt vô trùng, tiệt trùng trong y tế nhất là vô trùng các dụng cụ lấy máu, các dụng cụ phẫu thuật, các dụng cụ hồi sức như ống nội khí quản, các ống thông, ống dẫn lưu, các dụng cụ chữa răng.

Áp dụng các biện pháp dự phòng phổ cập trong môi trường chăm sóc.

Chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh có nguy cơ gây mất máu phải truyền máu như sốt rét, giun móc...

Chỉ truyền máu khi thật cần thiết.

Thực hiện truyền máu tự thân hoặc truyền máu từng phần.

Vận động hiến máu nhân đạo từ nhóm người có hành vi nguy cơ thấp.

Sàng lọc người cho máu và sàng lọc các túi máu trước khi truyền.

Phòng lây truyền từ mẹ sang con:

Thực hiện giáo dục sức khoẻ và tư vấn cho nữ thanh niên về nguy cơ và hậu quả lây nhiễm HIV, lây truyền HIV cho con.

Xét nghiệm sàng lọc HIV khi kết hôn, khi quyết định có thai và khi có thai.

Những người vẫn quyết định đẻ con nên có tư vấn sâu hơn từ các cơ sở y tế để có thể được điều trị dự phòng nhằm giảm tỷ lệ lây truyền sang cho con.

Tư vấn cho gia đình để phòng lây nhiễm HIV trong sinh hoạt hàng ngày:

Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi thay chiếu, thay quần áo hoặc sau khi tiếp xúc với dịch tiết cơ thể của người bệnh.

Băng kín các vết thương xuất tiết.

Nếu người bệnh bị chảy máu, trong khi lau rửa vết máu phải đeo găng, nếu không có găng thì dùng tạm giấy nilon, sau đó rửa tay sạch bằng xà phòng.

Đeo găng hoặc túi nilon khi mang các đồ bẩn.

Giữ giường chiếu, quần áo luôn sạch sẽ.

Đối với các đồ vải có dính máu và dịch tiết cơ thể phải:

Ngâm hoá chất sát trùng (nước Javel, cloramin B 1%) trong 20 phút.

Không giặt chung quần áo với người nhiễm HIV/AIDS.

Giặt bằng xà phòng, vắt khô, gấp là như bình thường.

Hướng dẫn các dự phòng tổng quát như trên.

Chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS

Hầu hết các bệnh nhân HIV/AIDS đều muốn được chăm sóc và điều trị tại nhà vì hợp với tâm lý người bệnh hơn, đỡ tốn kém và cũng đỡ quá tải cho bệnh viện. Khi ở tại nhà, người nhiễm HIV/AIDS cần những chăm sóc sau:

Chăm sóc về tinh thần

Động viên người bệnh không bi quan chán nản.

Thường xuyên thăm hỏi hoặc hẹn định kỳ đến khám sức khoẻ cho bệnh nhân.

Khuyến khích bệnh nhân nếu thấy điều gì khó chịu thì nên đến thầy thuốc ngay để có thể phát hiện sớm các nhiễm trùng cơ hội để chữa kịp thời.

Gia đình vẫn duy trì nếp sống như bình thường vì HIV không lây qua các giao tiếp thông thường.

Đảm bảo vệ sinh dinh dưỡng

Phải đảm bảo sử dụng các thực phẩm tươi, chế biến hợp vệ sinh. Không được để cho bệnh nhân ăn các thức ăn ôi thiu.

Uống nước sạch, thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi. Các hoa quả tươi phải được rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn, không ăn rau sống.

Các dụng cụ chế biến thức ăn như dao thớt, nồi cần phải được rửa sạch bằng xà phòng hoặc nước rửa chén trước và sau khi sử dụng.

Nếu để thức ăn trong tủ lạnh cần lau rửa tủ lạnh thường xuyên để tránh nấm mốc.

Bao giờ cũng phải rửa tay trước khi nấu nướng, trước khi cho người bệnh ăn hoặc uống thuốc cũng như sau khi đi vệ sinh, thay vải trải giường hoặc giúp bệnh nhân làm vệ sinh.

Không khạc nhổ bừa bãi. Nên có ống nhổ hoặc bô chậu riêng cho người bệnh.

Phát hiện và điều trị các nhiễm trùng cơ hội, theo hướng dẫn hoặc theo đơn của bác sĩ.

Khi bệnh nhân tử vong

Cần phải áp dụng các biện pháp dự phòng khi khâm liệm hoặc khi mổ xác.

Quan tài của bệnh nhân cần được lót bằng nilon dày, bên dưới có các chất thấm như bông thấm nước hoặc chè khô để có thể thấm các dịch từ tử thi. Sau đó chôn cất và mai táng bình thường.

Hỗ trợ các dịch vụ xã hội

Bao gồm việc truyền thông chống phân biệt đối xử. Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS về việc làm.

Bài viết cùng chuyên mục

Thăm khám điều dưỡng bộ máy tiêu hóa

Hỏi bệnh nhằm xác định thời gian bắt đầu của bệnh, diễn biến và tiến triển của nó, sự liên quan của quá trình bệnh lý hiện tại với tiền sử bệnh tật.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Muốn lọc máu cho bệnh nhân suy thận, người ta phải thiết lập một hệ thống, một bên là máu cơ thể, một bên là dịch lọc gần giống dịch ngoài tế bào.

Thăm khám điều dưỡng bệnh nhân tim mạch

Khám tim, cần phải hỏi tỉ mỉ, có phương pháp và có thời gian thích hợp, vì như thế thường thu nhận được các kết quả tốt, giúp cho chẩn đoán và điều trị.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm đường mật cấp

Các vi khuẩn tiết ra các men như beta glucuronidase, sẽ biến bilirubin liên hợp thành bilirubin tự do, dễ kết tủa, kết hợp với calci tạo thành sỏi mật.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi chiếm tỷ lệ khá cao, so với các bệnh đường hô hấp, điều trị nội khoa nhiều lúc không hiệu quả, để lại nhiều biến chứng và di chứng lâu dài.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân xơ gan

Xơ gan mật nguyên phát, đây là bệnh viêm mạn tính đường mật nhỏ trong gan, không nung mủ, gặp ở phụ nữ 30 đến 50 tuổi, biểu hiện ứ mật mạn tính.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa

Aspirin gây chảy máu dạ dày theo các cơ chế sau: Aspirin có chứa các tinh thể acid Salysilic làm ăn mòn niêm mạc dạ dày gây loét chảy máu; Aspirin ức chế sản xuất gastromucoprotein của niêm mạc dạ dày.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hẹp van hai lá

Chủ yếu do thấp tim, số còn lại do bẩm sinh, hoặc do carcinoid ác tính, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp có người còn cho là do virut Cocsackie gây ra.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư đơn thuần nguyên phát, nhạy cảm với corticoid, thường không có tăng huyết áp, không có suy thận và không tiểu máu.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Tăng huyết áp động mạch, thường kèm theo những biến đổi về sinh lý bệnh, liên quan đến hệ thần kinh giao cảm, thận, hệ renin angiotensin.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch não

Nếu nhồi máu lớn, ở thân não thường tử vong, có thể gây hội chứng tháp hai bên nặng hơn là hội chứng giam hãm, liệt tứ chi, liệt dây VI, VII.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân suy thận cấp

Mức lọc cầu thận có thể bị suy giảm hoàn toàn, nhưng nó có thể được hồi phục hoàn toàn một cách tự nhiên, hoặc dưới ảnh hưởng của điều trị.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu

Ở những người bị nhiễm độc mạn, thường có nồng độ nhiễm độc thấp hơn người chưa từng bị ngộ độc, ở người già, phụ nữ có thai.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm phổi thùy

Khám phổi, có hội chứng đông đặc phổi điển hình, với rung thanh tăng, ấn các khoảng gian sườn đau, gõ đục, nghe âm phế bào giảm.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản

Điều trị nguyên nhân, đồng thời với điều trị triệu chứng, phải làm thông thoáng đường hô hấp, bằng cách làm giảm tiết dịch, chống phù nề.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thấp tim

Thấp tim là hậu quả của những đợt thấp khớp cấp, thấp khớp là những đợt viêm khớp do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng

Gần đây, người ta ngày càng chứng minh vai trò của Helicobacter Pylori, một xoắn khuẩn gram âm trong bệnh sinh của loét dạ dày tá tràng.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối

Gan lớn nhìn thấy, hoặc sờ thấy dưới bờ sườn phải, cứng, bề mặt không đều, đau nhiều hoặc ít, có khi cố định không di động theo nhịp thở.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân viêm tụy cấp

Trong trường hợp nhiễm trùng nặng cần phối hợp Cephlosporin thế hệ 3, và Quinolon thế thế hệ 2, nếu nhiễm trùng nặng dùng kháng sinh chống kỵ khí.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân suy thượng thận cấp

Ngừng corticoid một cách đột ngột, khi đang điều trị cho bệnh nhân suy thượng thận, hoặc ở những bệnh nhân có tuyến thượng thận bình thường.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thoái hóa khớp

Là nguyên nhân chính của thoái khớp nguyên phát, xuất hiện muộn thường ở người lớn tuổi, nhiều vị trí, tiến triển chậm, không nặng.

Thăm khám điều dưỡng bệnh cơ xương khớp

Khi khám cơ lực có thể quan sát các động tác của người bệnh khi đi lại, mang vác, làm các nghiệm pháp chống đối hay dùng dụng cụ đo cơ lực.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi

Áp xe phổi, là một tình trạng nung mủ do hoại tử nhu mô phổi, sau một quá trình viêm cấp, mà nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn mủ, ký sinh trùng.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân basedow

Basedow, là một trong những bệnh lý cường giáp thường gặp trên lâm sàng, với các biểu hiện chính, nhiễm độc giáp kèm bướu giáp lớn lan tỏa.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân suy tim

Dày thất do tăng đường kính các tế bào, tăng số lượng ti lạp thể, tăng số đơn vị co cơ mới đánh dấu giai đoạn bắt đầu sự giảm sút chức năng co bóp tim.