Châm tê trong châm cứu

2013-08-12 04:33 PM

Huyệt được chọn phải liên quan mật thiết đến vùng mổ, phải dễ gây đắc khí, không ở vị trí trở ngại cho thao tác ngoại khoa và khi vê hoặc xoay kim không làm chảy máu.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Đại cương

Châm tê là phương pháp dùng kim châm vào một số huyệt để nâng cao ngưỡng đau, giúp người bệnh có thể chịu đựng được cuộc mổ trong trạngthái tỉnh; cảm giác sờ, nóng, lạnh hầu như không thay đổi, chỉ có cảm giác đau giảm xuống rõ rệt; tình trạng vận động hầu như không bị ảnh hưởng.

Phương pháp châm tê dựa trên nguyên lý châm có thể chống đau và điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể của châm cứu.

Hiện nay, số ca mổ châm tê trên thế giới đã lên đến hàng trăm vạn, được tiến hành ở nhiều nước (Trung Quốc, Việt Nam, Pháp, Ý, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Xiri- Lanca, Miến Điện, Liên Xô....) thu được kết quả nhất định và được coi là một trong những phương pháp vô cảm. Nhưng cũng không phải không còn ý kiến bàn cãi, trong số đó có người cho cảm giác tê là do bệnh nhân bị ám thị.

Dựa trên thực tiễn trong nước có thể khẳng định, nếu chọn đúng đối tượng, châm tê có thể phát huy được tác dụng của nó và có thể dùng trong nhiều loại phẫu thuật.

Lịch sử phát triển của châm tê

Năm 1958, ở Trung Quốc có một số thầy thuốc đã mạnh dạn thử dùng kim kích thích vào huyệt để thay thế thuốc tê. Họ bắt đầu bằng những việc rất đơn giản như châm để giảm đau khi thay băng, giảm đau sau khi cắt amiđan. Sau một thời gian nghiên cứu, họ đã thành công trong việc dùng châm tê để cắt amiđan. Từ đó đến nay, các thầy thuốc Trung Quốc đã áp dụng thành công châm tê vào các loại mổ nhỏ, vừa và lớn vào khoảng 100 vạn ca ở các lứa tuổi khác nhau.

Những công trình nghiên cứu về cơ chế tác dụng của châm tê cũng được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới về các mặt thần kinh, thần kinh - thể dịch và cũng đã đạt được nhiều kết quả.

Những cơ sở đầu tiên mổ châm tê ở Việt Nam là Viện Chống lao Trung ương (1969) mổ cắt thùy phổi và cắt xẹp sườn; Viện Đông y (1970) mổ cắt 2/3 dạ dày; Bệnh viện Việt Đức (1972) mổ bướu cổ, tụ máu dưới màng cứng sọ não; Quân y Viện 9 (1972) mổ chấn thương. Nguyễn Tài Thu, Hoàng Bảo Châu là những người thầy thuốc Việt Nam đầu tiên thực hiện châm tê để mổ những bệnh ngoại khoa nói chung và phục vụ cho giải phẫu các vết thương chiến tranh.

Sau đó phong trào nghiên cứu áp dụng châm tê được triển khai trong các bệnh viện quân đội, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tỉnh và huyện.

Song song với việc nghiên cứu áp dụng để phục vụ sức khỏe cán bộ, quân đội và nhân dân, các thầy thuốc nước ta còn tiến hành khảo sát châm tê trên các mặt nghiên cứu lâm sàng và khai thác khả năng châm tê trong các loại mổ chấn thương, thẩm mỹ, nhằm khắc phục hậu quả vết thương chiến tranh và áp dụng nó có sáng tạo, có sửa đổi cho phù hợp với một số loại mổ và với điều kiện cụ thể của mình. Khi áp dụng châm tê, nước nào cũng đang tìm cách khắc phục 3 tồn tại của châm tê (chưa hết đau hoàn toàn, cơ giãn chưa tốt, còn các phản ứng khi co kéo nội tạng) và cũng đã đạt một số kết quả.

Phương pháp châm tê

Vấn đề người bệnh trong châm tê để mổ

Chọn người bệnh, loại bệnh phải mổ:

Nói chung nên chọn người bệnh bình tĩnh, khi châm thử dễ đắc khí và có khả năng làm theo lời khuyên của thầy thuốc ngay trong lúc mổ. Nên chọn loại bệnh mà thời gian mổ không quá dài ở mọi lứa tuổi, tốt nhất là thanh niên trở lên, cả nam lẫn nữ, có hay không có chống chỉ định gây mê bằng thuốc (như các bệnh nhân có chức năng hô hấp, chức năng gan, chức năng thận kém; dị ứng với thuốc, ...).

Hướng dẫn, dặn dò người bệnh:

Khi mổ châm tê nếu người bệnh càng bình tĩnh thì càng thuận lợi cho cuộc mổ. Hơn nữa họ còn phải làm theo hướng dẫn của thầy thuốc, chủ động giữ gìn cho hơi thở ít bị rối loạn. Do đó, cần phải hướng dẫn để người bệnh yên tâm, bình tĩnh phối hợp tốt với kíp mổ.

Bảo vệ người bệnh:

Công việc này giúp sự phối hợp giữa thầy thuốc và người bệnh tốt nhất. Cụ thể là giữ vững tinh thần, động viên người bệnh bằng những kỹ thuật chuyên môn của mình, giảm bớt sự đau đớn, kịp thời điều hòa chức năng sinh lý của người bệnh đã bị cuộc mổ làm ảnh hưởng.

Châm tê chưa làm hết đau hoàn toàn: có người bệnh, có thì mổ còn khó chịu nên có những phản ứng như co cứng, thở hổn hển, tim đập nhanh, huyết áp tăng... Do còn tỉnh nên trạng thái tinh thần của họ ảnh hưởng rất lớn đến sự đáp ứng sinh lý củacơ thể đối với tác dụng của châm cũng như đối với kích thích của cuộc mổ. Khi căng thẳng quá, cảm giác về đau lập tức nhạy bén, có thể cảm thấy đau trước khi bị đau, ngưỡng đau đồng thời trở nên rất thấp, trên cơ sở đó mọi thao tác của ngoại khoa đều có thể gây đau... cho nên phải phòng trước và phải giữ cho sự hiệp đồng giữa thầy thuốc và người bệnh được hài hòa.

Trình tự tiến hành một cuộc mổ châm tê

Chuẩn bị:

Thăm khám trước khi mổ như thường lệ.

Thầy thuốc ngoại khoa dự kiến cách mổ.

Người châm tìm hiểu người bệnh: châm thử để đánh giá mức độ đáp ứng.

Và người hồi sức cũng có kế hoạch cấp cứu khi cần.

Trước ngày mổ cần hội ý thống nhất phương án mổ, cách thức châm, cách thức phục vụ người bệnh trong và sau khi mổ.

Đưa bệnh nhân vào cuộc mổ:

Đêm hôm trước cho bệnh nhân uống thuốc ngủ hoặc thuốc an thần. Khi đưa người bệnh vào phòng mổ, một mặt chuẩn bị tiêm truyền, đo áp huyết, lấy mạch, đo tần số hô hấp...; mặt khác bắt đầu châm kim theo phương án đã chuẩn bị. Sau 15 phút cho nửa liều thuốc tiền mê, tiếp tục vê kim hoặc thông điện đến phút thứ 25 hoặc 30 phút có thể bắt đầu mổ được (gần đến lúc mổ có thể tiêm thêm nửa liều tiền mê hoặc nếu gây được cảm giác đắc khí thật tốt và dự kiến bệnh nhân có thể qua được dễ dàng thì rạch da, cơ; nên dành thuốc tiền mê còn lại cho khi đang mổ).

Trong khi mổ, mọi biến đổi về hô hấp, mạch, huyết áp và các biểu hiện sinh lý khác liên quan đến sức chịu đựng của người bệnh đều được theo dõi chu đáo. Việc truyền dịch, máu, điện giải... vẫn làm như trong mổ gây tê, mê thông thường.

Nếu bệnh nhân không đau lắm không cần phải cho thuốc giảm đau. Khi qua các tổ chức, các vùng nhạy cảm như màng bụng, màng phổi, mạc treo ruột, màng xương, lân cận các vùng thần kinh hoặc các dây thần kinh lớn nên phong bế bằng một ít thuốc tê, vừa nâng tác dụng trấn đau của châm tê vừa giảm bớt cảm giác do đụng chạm, sờ mó để bệnh nhân bớt căng thẳng.

Từ khi bắt đầu châm cho đến khi mổ xong, kíp mổ nên hướng dẫn người bệnh hít thở đều đặn và sâu dài cho thầy thuốc ngoại khoa dễ làm việc, cho châm tê phát huy tốt tác dụng. Người châm tê cũng cần chia sẻ với bệnh nhân nỗi băn khoăn hoặc sự lo sợ của họ khi bị đau, lau mồ hôi, cho nước thấm giọng và dịu dàng, thân thiết khích lệ họ. Ở những thì mổ ít đau, nên dừng vê kim hoặc dừng thông điện cho bệnh nhân nghỉ.

Chăm sóc sau khi mổ:

Thường là đơn giản vì người bệnh tỉnh và không có tác dụng phụ của thuốc tê, mê. Tuy nhiên vẫn phải theo dõi chu đáo, đầy đủ, chú ý ảnh hưởng do thao tác châm tê gây nên như: tay chân căng tức, nặng như có hàng chục cân đè lên người (cảm giác này sẽ giảm và sẽ hết hẳn sau đó).

Nội dung phương pháp châm tê

Ba yếu tố căn bản quyết định kết quả châm tê:

Công thức huyệt sử dụng:

Cần chọn huyệt thích hợp. Huyệt được chọn phải liên quan mật thiết đến vùng mổ, phải dễ gây đắc khí (có cảm ứng mạnh), không ở vị trí trở ngại cho thao tác ngoại khoa và khi vê hoặc xoay kim không làm chảy máu.

Kỹ thuật châm tê:

Cường độ và tần số kích thích phải phù hợp với từng người và từng thì mổ để người bệnh chịu được những thao tác của ngoại khoa. Cường độ và tần số quan hệ khăng khít với nhau để đảm bảo lượng kích thích nhất định (ví dụ: ở những thì mổ khẩn trương (rạch da, rạch màng bụng) hoặc khi thao tác gần bó mạch - thần kinh lớn, các đám rối thần kinh…nên cho tần số và cường độ cao).

Sự đáp ứng của người bệnh:

Đáp ứng về châm tê: nếu có đáp ứng kích thích của châm thì cảm giác tê nói chung xuất hiện từ các đầu chi, chỏm đầu và từ đó lan ra khắp mặt da toàn thân.

Đáp ứng về tinh thần kinh: nếu người bệnh có nghị lực tin tưởng vào sự sắp xếp của người thầy thuốc thì có thể xem như thuận lợi một phần.
Có người bệnh ngủ sau khi tiền mê, lúc này trạng thái tinh thần ở vị trí thứ yếu, tác dụng của châm ở vị trí nổi bật.

Khi kích thích vào huyệt người bệnh có thể tê nhiều hay tê ít hoặc không tê. Khi đã tê, nếu tin tưởng thì mức độ tê sẽ được giữ vững hoặc phát huy thêm, trái lại, nếu lo sợ thì độ tê sẽ giảm sút nhiều.

Do đó, người bệnh qua được cuộc mổ không phải đơn thuần nhờ vào hiệu quả gây tê của châm mà còn chịu ảnh hưởng của trạng thái tinh thần của người bệnh biểu hiện trong quá trình mổ.

Kỹ thuật châm:

Lượng kích thích:

Châm cần đạt đắc khí. Kinh nghiệm lâm sàng cho biết, khi châm tê nếu người bệnh dễ đắc khí và thầy thuốc duy trì được mức độ đắc khí thích đáng thì cuộc mổ sẽ thuận lợi.

Khi châm đắc khí rồi, nếu chỉ lưu kim mà không tiếp tục vê kim hoặc thông điện thì hiệu quả gây tê sẽ giảm đi. Nhưng nếu người bệnh có cảm giác đau khi vê kim thì hiệu quả làm tê cũng kém.

Tác dụng tê và đáp ứng của người bệnh là hai nhân tố giúp người bệnh chịu được cuộc mổ. Hai nhân tố này phụ thuộc vào lượng kích thích của châm. 
Lượng kích thích đủ thì hiệu quả của tê được duy trì tốt. Trong khi mổ mọi kích thích của thao tác ngoại khoa (một vết rạch, một nhát cắt, một động tác co kéo thăm dò) đều làm giảm sức chịu đựng và tăng thêm sự đau đớn cho người bệnh.

Vì vậy, về mặt châm, lượng kích thích đủ là yếu tố quan trọng có tác dụng quyết định để khống chế cái đau do thao tác mổ, để giữ vững hiệu quả tê và nâng cao sức chịu đựng của cơ thể.

Dùng thêm thuốc trấn tĩnh, giảm đau:

Châm tê để mổ cũng như các phương pháp gây tê, mê khác, phải cho thuốc trấn tĩnh, giảm đau để giảm đến mức thấp nhất sự lo lắng, hồi hộp của người bệnh; đảm bảo cho chức năng của hệ tuần hoàn, hô hấp ít bị rối loạn; tạo ra ở người bệnh bệnh trạng thái thoải mái.

Cách châm kim và kích thích huyệt:

Cần dựa vào tình hình cụ thể của người bệnh gầy hay béo, cơ dày hay mỏng để châm nông hay sâu cho thích hợp. Ở tay, chân, bụng, lưng có thể châm tương đối sâu (thường châm từ 1 - 2 thốn) và phải làm người bệnh có cảm giác căng tức, nặng ở nơi châm, cần chú ý không được làm tổn thương các cơ quan quan trọng và tránh mạch máu. Ở loa tai, nên châm sâu khoảng 0,2 - 0,3 thốn và phải làm người bệnh có cảm giác căng, tê, nóng ở loa tai.

Sau khi châm đạt đắc khí rồi, có thể chọn dùng: lay động kim bằng tay, kích thích bằng xung điện hoặc tiêm thuốc để kích thích huyệt.

Lay động bằng tay: có thể dùng lối vê kim hoặc mổ cò, cũng có thể vừa vê kim vừa mổ cò; nếu châm ở loa tai thì chỉ vê mà không mổ cò. Tần số lay động kim ước 90 - 160 lần/phút. Biên độ vê kim trong khoảng 90° đến 360°.

Biên độ mổ cò trong vòng 10mm, cường độ vừa phải. Khi lay động kim bằng tay động tác phải nhịp nhàng giữ cho thân kim và mũi kim cùng một hướng. Trong quá trình lay động kim liên tục, thầy thuốc có thể thấy mũi kim không chặt như lúc đầu mà đã lỏng lẻo. Lúc này cần mở rộng biên độ vê kim, mổ cò hoặc thay đổi hướng mũi kim để lấy lại mức độ đắc khí cũ.

Lay động kim bằng tay có lợi: có thể điều chỉnh kích thích cho thích hợp với sự tiếp thu của bệnh nhân và yêu cầu của thì mổ, cách làm này đơn giản không cần thiết bị gì khác ngoài kỹ thuật châm, vê thành thạo một vài chiếc kim. 

Kích thích bằng xung điện: sau khi châm kim vào huyệt đạt cảm giác đắc khí, thông vào kim một dòng điện nhất định. Người ta thường dùng loại xung nhọn, tần số điện xung khoảng 50 - 60Hz, có thể đến 200Hz.

Không nên dùng điện một chiều vì dễ làm bỏng tổ chức và gãy kim do tác dụng phân giải ion của nó. Cũng như trong điều trị, ở đây khi thông điện và ngắt điện cần lưu ý tăng dần hoặc giảm dần cường độ dòng điện, tránh cho người bệnh những kích thích đột ngột. Thông điện liên tục trong thời gian dài sẽ có hiện tượng “quen”. Do vậy, ở những thì mổ nào không gây kích thích nhiều nên ngắt điện cho người bệnh nghỉ, những thì mổ quan trọng cần lưu ý nên tăng thích đáng cường độ dòng điện.

Cường độ kích thích: cường độ và tần số tác động phù hợp với từng người và từng thì mổ. Nói chung, cường độ kích thích cần đủ mạnh để duy trì đắc khí tốt, thấp quá hoặc mạnh quá đều làm hiệu quả châm tê giảm sút (ví dụ: khi lay động kim bằng tay người bệnh có cảm giác căng, tức, nặng là vừa; nếu có cảm giác đau là cường độ mạnh). Khi thông điện người bệnh có cảm giác tê buồn hoặc như đấm vào người và nhóm cơ quanh kim co duỗi nhịp nhàng là vừa. Nếu có cảm giác đau hoặc nóng bỏng thì sẽ không có hiệu quả.

Thời gian gây được tê: trung bình 20 - 30 phút có thể làm ngưỡng đau của người bệnh nâng lên mức khá cao để có thể bắt đầu được cuộc mổ.

Lưu kim: trong một số thì mổ, khi kích thích ngoại khoa tương đối nhẹ, có thể ngừng lay động kim hoặc ngừng thông điện. Trong thời gian lưu kim có thể duy trì hiệu quả tê ở mức độ nhất định, nhưng nếu lưu kim thời gian dài, hiệu quả châm tê kém dần đi. Vì vậy, không nên lưu kim quá lâu.

Khi sắp bước vào thì mổ gây kích thích mạnh, cần phải lay động kim hoặc thông điện trước để khỏi ảnh hưởng đến hiệu quả châm tê.

Chọn huyệt:

Cách chọn huyệt trong châm tê cũng dựa theo lý luận của tạng, phủ, kinh, lạc. Ngoài ra còn chọn huyệt theo lý luận sinh lý giải phẫu thần kinh.

Lấy huyệt theo lý luận y học cổ truyền:

Theo lý luận này, châm tê giúp cho khí huyết vận hành thông suốt toàn thân trong cả quá trình mổ, nhằm đạt kết quả chống đau và khống chế rối loạn sinh lý. Vì vậy, khi chọn huyệt cần chú ý đến đường đi của kinh mạch và quan hệ giữa các tạng phủ kinh mạch với vị trí mổ.

Lấy huyệt theo kinh - chọn kinh: dựa theo nguyên tắc kinh mạch đi qua vùng nào có tác dụng phòng chống được bệnh tật hoặc đau đớn liên quan đến vùng đó, cho nên phải chọn những kinh mạch trên hoặc gần đường rạch và có quan hệ đến tạng phủ sẽ bị tác động đến khi mổ.

Mổ vùng mặt cổ nên chọn kinh dương minh Đại trường ở tay. 

Mổ dạ dày nên chọn kinh dương minh Vị ở chân.

Mổ vùng hố chậu nên chọn kinh quyết âm Can và kinh thái âm Tỳ ở chân.

Mổ sọ não thường dùng các kinh dương và kinh quyết âm Can ở chân.

Chọn huyệt: nói chung mỗi huyệt có 3 loại tác dụng (tại chỗ, theo đường kinh và toàn thân). Người xưa đã phân huyệt thành nhiều loại, những loại huyệt thường dùng trong châm tê gồm:

Huyệt ngũ du (tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp) còn gọi là huyệt du của chính kinh đó (bản kinh). Trong số này nên nhớ huyệt du chống đau tốt, huyệt hợp dùng trong mổ tạng phủ tốt.

Huyệt nguyên và huyệt lạc: đôi huyệt nguyên Hợp cốc và Thái xung thường được dùng trong nhiều loại mổ. Cũng có thể dùng đôi huyệt nguyên lạc của hai kinh có quan hệ biểu lý.

Huyệt du và huyệt mộ: các huyệt du ở lưng được dùng tương đối rộng rãi, còn các huyệt mộ thường dùng là Chương môn, Quan nguyên, Trung cực.

Huyệt khích: trong mổ ngực, người ta thường hay dùng Khích môn của kinh quyết âm Tâm bào ở tay; trong mổ sản phụ khoa dùng huyệt Trung đô là huyệt khích của kinh quyết âm Can ở chân.

Huyệt hợp ở dưới: Túc tam lý, Thượng cự hư, Hạ cự hư thường được dùng trong các cuộc mổ vùng bụng trên và bụng dưới.

Mổ mắt dùng huyệt của kinh quyết âm Can là hàm ý can khai khiếu ra mắt; mổ xương dùng huyệt của kinh thiếu âm Thận là hàm ý thận chủ xương. 

Trong quá trình mổ có thể có các phản ứng tim đập nhanh hoặc chậm lại, thở gấp, khó chịu, bồn chồn trong ngực do “tâm khí bị nhiễu loạn” có thể dùng Thần môn, Tam tiêu ở loa tai hoặc Nội quan.

Lấy huyệt theo lý luận sinh lý giải phẫu thần kinh:

Tại huyệt, điện trở da và trở kháng luôn thấp hơn vùng xung quanh, do đó kích thích sẽ mạnh hơn. Dựa vào đặc điểm thần kinh sinh học, ta có mấy cách chọn huyệt sau đây:

Lấy huyệt ở tiết đoạn gần: chọn huyệt thuộc sự chi phối của cùng một tiết đoạn hoặc tiết đoạn gần với vị trí mổ.

Mổ răng có thể chọn các huyệt Hạ quan, Giáp xa, Thừa tương, Nhân trung tùy theo vị trí răng bị bệnh.

Cắt các nang u bã ở da có thể chỉ cố định kim ở mặt da hoặc gài kim dưới da nơi mổ rồi thông điện để kích thích là được.

Có huyệt tuy cách tương đối xa nơi mổ nhưng vẫn được chọn vì thuộc cùng tiết đoạn hoặc tiết đoạn gần chi phối (ví dụ: mổ khoang ngực, khoang bụng có thể chọn huyệt du ở lưng, huyệt giáp tích ở hai bên cột sống tương ứng để châm; mổ ngực, mổ tuyến giáp chọn Hợp cốc, Nội quan thuộc tiết đoạn tủy gần vị trí mổ).

Lấy huyệt ở tiết đoạn xa: có những huyệt châm có cảm giác đắc khí mạnh, hiệu quả chống đau thường tốt và phạm vi chống đau rộng. Do đó, khi không cùng tiết đoạn với cơ quan và vị trí mổ, người ta thường chọn số huyệt cảm ứng mạnh ấy hợp thành đơn huyệt dùng cho nhiều loại mổ (ví dụ: Hợp cốc, Nội quan có thể dùng gây tê mổ ở đầu, mặt, cổ, và ngực...).

Trong lâm sàng người ta thường phối hợp hai phương pháp lấy huyệt ở tiết đoạn gần và tiết đoạn xa với nơi mổ, vì thấy cách này đưa tới hiệu quả tốt hơn so với chỉ lấy huyệt ở tiết đoạn xa. Tuy nhiên, một đơn huyệt dùng cho nhiều loại mổ cũng có ích lợi nhất định trong việc phổ cập châm tê.

Kích thích dây thần kinh: hiện nay, trong mổ xương tứ chi, người ta hay dùng cách trực tiếp kích thích vào dây thần kinh chi phối vùng mổ.

Ví dụ: trực tiếp kích thích rễ thần kinh thắt lưng 3 - 4, dây thần kinh đùi, dây thần kinh hông trong một số ca mổ ở chân.

Kích thích đám rối thần kinh ở tay (thông qua huyệt Thiên tỉnh, Cực tuyền) trong một số ca mổ tay...

Trong mổ tuyến giáp trạng, mổ sọ não có lúc người ta cũng dùng phương pháp kích thích dây thần kinh.

Chọn huyệt ở loa tai:

Thường thực hiện việc chọn huyệt như sau:

Huyệt quan hệ với da: phổi (nếu mổ qua da).

Huyệt quan hệ với cơ quan định mổ.

Huyệt thần môn (để an thần).

Huyệt giao cảm (nếu mổ nội tạng).

Một số nơi đã phối hợp huyệt ở thân thể với huyệt ở loa tai. Dùng tổng hợp như vậy có hiệu quả hơn, hay dùng đơn thuần huyệt ở thân thể hoặc huyệt ở loa tai hơn, hiện nay chưa kết luận.

Dùng thuốc hỗ trợ:

Trong các ca mổ bằng phương pháp gây tê, gây mê, thuốc hỗ trợ vừa có tác dụng nâng cao hiệu quả gây tê (hoặc mê), vừa bảo đảm cho chức năng tuần hoàn và hô hấp được bình thường. Châm tê cũng vậy, trước trong khi mổ cần có thuốc hỗ trợ, lượng thuốc dùng có thể ít hơn so với gây tê (hoặc mê). Cũng có ca mổ không phải dùng thuốc hỗ trợ.

Thuốc hỗ trợ trước khi mổ:

Để trấn tĩnh, chống đau, người ta dùng Dolargan, Phenergan, Aminazin; có nơi chỉ dùng Dolargan (hoặc các chế phẩm tương tự khác) hoặc kết hợp với các thuốc khác dưới dạng Coctailitic. Cần nhớ không nên dùng Dolargan cho trẻ em dưới 1 tuổi; những bệnh gan - thận suy không nên dùng Phenergan, Aminazin.

Để ức chế tiết dịch của các tuyến nước bọt, mồ hôi, đường hô hấp, dạ dày, ruột, có lợi cho việc giữ gìn thông suốt đường hô hấp, người ta dùng thuốc chống tiết cholin như: Atropin, Scopolamin; bệnh tăng nhãn áp không dùng Atropin; người già, trẻ em không nên dùng Scopolamin.

Thuốc hỗ trợ trong khi mổ:

Nói chung trong khi mổ nếu người bệnh đau nhiều có thể cho thuốc tê như Novocain, Procain... tiêm tại chỗ hoặc phong bế.

Trước khi tác động tới các khu vực nhạy cảm như màng bụng, màng xương hoặc khi co kéo mạnh các nội tạng, nên phong bế trước các vùng đó.
Trong việc cho thuốc hỗ trợ, nói chung nên giữ sao cho bệnh nhân vẫn tỉnh để phối hợp được với kíp mổ.

Lợi ích và tồn tại của châm tê

Lợi ích của chân tê

Khi mổ châm tê chức năng sinh lý ít bị rối loạn:

Khi gây tê bằng châm, ngoài tác dụng làm tê thì phương pháp này còn có tác dụng điều chỉnh chức năng của cơ thể, cho nên nói chung khi mổ châm tê, các chức năng sinh lý của bệnh nhân không bị ảnh hưởng nghiêm trọng (huyết áp, mạch, hơi thở đều tương đối ổn định). Tuy nhiên, đối với một số ca mổ thì nó gây nhiều kích thích cho bệnh nhân (như tổn thương bệnh lý nặng, ổ bệnh dính nhiều ...) hoặc là gặp bệnh nhân đáp ứng không thật tốt (mức độ tê không thật nhiều) thì các chức năng sinh lý nhất thời có thể bị rối loạn nhiều nhưng qua thì mổ căng thẳng, các chức năng này mau chóng ổn định lại nhờ ảnh hưởng liên tục của tác dụng điều chỉnh của châm tê.

Tuy vậy, trong mổ châm tê cần theo dõi chặt chẽ phản ứng của bệnh nhân để kịp thời phát hiện tình huống không bình thường và kịp thời xử lý.

Mổ châm tê bệnh nhân chóng lại sức:

Nhờ ăn uống sớm, ít bị ảnh hưởng có hại của thuốc tê, mê, nên thời gian nằm viện được rút ngắn. 

Áp dụng được cho bệnh nhân có chống chỉ định thuốc tê, mê:

Châm tê được áp dụng tốt cho các trường hợp bệnh nhân mạn tính, suy mòn, suy dinh dưỡng, lão suy, sức khỏe toàn thân kém, dị ứng với thuốc tê hoặc mê, chức năng gan, thận, phổi kém.

Trang thiết bị dùng cho châm tê:

Trong thiết bị dùng cho châm tê rất đơn giản, bao gồm: một ít kim châm, một máy phát xung để gây tê (tham khảo ở phần điện châm); một ít kim tiêm, bông, cồn. Trong trường hợp nhất định, có thể dùng tay vê kim gây tê thay máy. 

Nhược điểm của châm tê

Ngoài những điểm ưu việt của châm tê đã nêu ở trên thì châm tê cũng còn nhược điểm và tồn tại nhất định cụ thể như:

Chưa đạt đến giảm đau hoàn toàn:

Khi châm tê, ngưỡng đau của bệnh nhân được nâng cao, nhưng cảm giác chưa hoàn toàn mất, trong thì nào đó của cuộc mổ có thể có bệnh nhân vẫn thấy đau. 

Chưa hoàn toàn khống chế được phản ứng nội tạng:

Khi thăm dò ổ bụng hoặc co kéo nội tạng hoặc khi mở màng phổi người bệnh còn có thể bứt rứt, khó chịu, nôn nao, khó thở.

Giãn cơ chưa vừa ý thầy thuốc mổ:

Trong mổbụng, khi cơ bụng giãn chưa vừa ý nhất định thao tác ngoại khoa bị trở ngại.

Ba tồn tại trên biểu hiện ở mức độ khác nhau trong từng ca mổ. Nhưng nhìn chung, phần lớn các ca mổ châm tê đều có kết quả tương đối tốt. Người ta đã và đang không ngừng tìm cách khắc phục các tồn tại này (như chọn huyệt và các kích thích thỏa đáng; cải tiến thao tác mổ, dùng thuốc hỗ trợ cho thật phù hợp...).

Như vậy, châm tê cũng có chỗ mạnh và yếu như các phương pháp gây tê, mê bằng thuốc. Do vậy khi châm tê, nếu muốn phát huy hết mặt ưu và hạn chế mặt nhược, phải chọn đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh.

Bài viết cùng chuyên mục

Châm cứu choáng (sốc)

Trong khi câhm, thỉnh thoảng vê kim (cách 15 - 20 phút vê kim một lần). Nếu huyết áp không lên, châm Nội quan và vê kim liên tục, hoặc cứu huyệt Khí hải cho đến khi triệu chứng choáng thuyên giảm.

Phép cứu trong điều trị châm cứu

Cứu không thành sẹo: đặt mồi ngải lên huyệt vị đã định đốt cháy phần đỉnh của nó, một lát rồi lấy đi và đặt lên một mồi khác, đến lúc bệnh nhân cảm thấy nóng rát và hơi đau.

Học thuyết kinh lạc châm cứu

Kinh lạc là những đường vận hành khí huyết. Những con đường này chạy khắp châu thân, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, cả bên trong (ở các tạng phủ) lẫn ngoài nông.

Châm cứu ho gà

Bệnh nhi thường bị phù nề ở mặt và quanh ổ mắt; khoảng một nửa số bệnh nhi có hiện tượng tăng bạch cầu và tăng tế bào lympho. Đôi khi có biến chứng viêm phổi hay viêm não.

Phép châm điều trị châm cứu

Tì đầu ngón tay cái của bàn tay trái vào cạnh huyệt, ngón cái và ngón trỏ tay phải cầm chuôi kim. Trong khi bệnh nhân chú ý vào chỗ tay trái tì bấm.

Châm cứu viêm tuyến mang tai (bệnh quai bị)

Triệu chứng thuyên giảm sau 10 ngày, không để lại di chứng viêm mủ. Ở trẻ em dễ gây biến chứng viêm màng não; còn ở người lớn (nam giới), có thể viêm tinh hoàn.

Châm cứu viêm nhiều (đa) dây thần kinh

Viêm nhiều dây thần kinh còn gọi là viêm dây thần kinh ngoại biên, là trạng thái rối loạn cảm giác đối xứng kèm theo cóc liệt mềm. Những triệu chứng ở khu vực xa thường nặng hơn ở khu vực gần gốc chi, có hiện tượng tiến triển hướng tâm dần dần.

Châm cứu cảm cúm

Triệu chứng lâm sàng thường là: ớn lạnh đột ngột rồi sốt 390C hoặc cao hơn, kèm theo nhức đầu nhiều; đau mỏi tứ chi.

Châm cứu viêm vú

Chỉ định huyệt: Thái xung, Túc lâm khấp, Nhũ căn, Thiếu trạch, Túc tam lý, Đản trung. Ghi chú: Chọn 2 - 3 huyệt mỗi lần điều trị. Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 15 - 20 phút.

Châm cứu liệt mặt

Liệt dây thần kinh mặt, còn gọi là “liệt mặt”, được chia thành thể ngoại biên và thể trung ương. Liệt mặt ngoại biên chủ yếu là viêm dây thần kinh mặt do cảm nhiễm gió lạnh.

Kinh biệt và cách vận dụng châm cứu

Thủ dương minh và thủ thái âm hợp nhau ở cổ. Với hệ thống này, 12 đường kinh chính thông qua hệ thống kinh biệt đã ảnh hưởng đến những vùng khác của cơ thể.

Châm cứu bệnh tim mạch

Điều trị: Chọn các huyệt Bối - du trên kinh Bàng quang là chủ yếu, phối hợp những huyệt vị thuộc kinh Tâm và kinh Tâm bào lạc.

Châm cứu chuyển dạ kéo dài

Chuyển dạ kéo dài nghĩa là sinh đẻ chậm, ảnh hưởng đến sự ra đời của đứa trẻ. Nguyên nhân có thể do dạ con co bóp chậm và yếu. Châm cứu có thể thúc đẻ được nhờ tác dụng gây co bóp dạ con.

Châm cứu bệnh đường mật

Nếu giun chui ống mật hay sỏi mật xảy ra cùng một lúc, thường có cơn đau cấp tính cao độ, điểm đau rõ rệt ở phía phải bụng trên.

Châm cứu thiếu sữa

Khi vú không căng, hoặc sữa xuống không đủ nhu cầu của trẻ sơ sinh sau khi đẻ 48 giờ, được coi là thiếu sữa. Nguyên nhân do cơ thể suy nhược, chán ăn, quá xúc động hoặc cho bú không đúng cách.

Châm kim hoa mai (mai hoa châm) trong châm cứu

Người xưa quan niệm rằng mặt da của cơ thể là một bộ phận của kinh lạc, chia thành 12 vùng có liên quan đến sự phân bố của 12 đường kinh mạch, tức 12 khu da (bì bộ).

Châm cứu bong gân chi dưới

Trong tổn thương cấp tính ở phần mềm, trước hết châm các huyệt A thị. Nếu cần kết quả không rõ ràng, châm vào khu vực tương ứng về phía bên lành.

Đại cương về huyệt châm cứu

Các nhà khoa học ngày nay chỉ công nhận sự hiện hữu của huyệt vị châm cứu về mặt hiệu quả trị liệu và về mặt điện sinh vật.

Châm cứu đau khuỷu tay

Có tiền sử chấn thương cấp tính sưng đau, tụ máu hoặc chảy máu tại chỗ. Tuỳ vị trí tổn thương, đau hoặc giảm chức năng có thể khác nhau.

Châm cứu viêm rưột cấp tính, kiết lỵ

Triệu chứng của bệnh lỵ cấp tính tương tự như trong bệnh viêm ruột, nhưng có mót rặn, phân ít và có máu hoặc chất nhầy.

Phương pháp châm loa tai (nhĩ châm)

Những người để cho chích bên cạnh tai, lúc giao hợp vẫn phóng tinh, song tinh dịch chỉ có ít tinh trùng, nên không có tác dụng làm thụ thai.

Châm cứu say nóng

Trong trường hợp say nóng, các biện pháp cứu chữa phải được áp dụng nhanh chóng, triển khai mau lẹ; nếu không, có thể dẫn đến hậu quả xấu.

Châm cứu co giật mạn tính ở trẻ em

Chứng co giật mạn tính ở trẻ em thường do nôn và ỉa chảy kéo dài, hậu quả gây rối loạn chuyển hoá và dinh dưỡng, do viêm nhiễm mạn tính ở hệ thống thần kinh trung ương.

Châm cứu đau dây thần kinh hông to

Nghiệm pháp nâng cẳng chân duỗi dương tính, bệnh nhân nằm ngửa, cẳng chân duỗi và từ từ nâng chân lên tạo thành một góc 30, 40 độ với mặt giường.

Châm cứu nhức đầu

Nhiều bệnh lý khác nhau có thể gây chứng nhức đầu: (a) Các bệnh trong sọ não: (b) Các bệnh thuộc các giác quan, trong đó có viêm xoang; (c) Nhưng chứng trạng chức phận đều có thể gây nhức đầu và (d) những bệnh toàn thân như cao huyết áp chẳng hạn.