- Trang chủ
- Sách y học
- Sách châm cứu học
- Châm kim hoa mai (mai hoa châm) trong châm cứu
Châm kim hoa mai (mai hoa châm) trong châm cứu
Người xưa quan niệm rằng mặt da của cơ thể là một bộ phận của kinh lạc, chia thành 12 vùng có liên quan đến sự phân bố của 12 đường kinh mạch, tức 12 khu da (bì bộ).
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Đại cương
Gõ kim hoa mai là phương pháp dùng kim hoa mai (5 - 7 chiếc kim nhỏ cắm vào đầu một cán gỗ), gõ trên mặt da, nhằm mục đích chữa bệnh hoặc phòng bệnh. Đây là một hình thức phát triển của châm cứu.
Lịch sử phát triển của châm kim hoa mai
Sách Linh Khu, thiên Quan kim có ghi lại một vài phương pháp kích thích nhẹ trên da như:
Bán thích: dùng kim châm nông rồi rút kim ngay, không làm thương tổn đến cơ thịt; có cảm giác như nhổ một sợi tóc.
Báo văn thích: châm nông tại chỗ đau 4 điểm (phía trên, phía dưới, bên phải, bên trái).
Dương thích: châm nông tại chỗ đau như báo văn thích, thêm một điểm ở chính giữa.
Về sau dựa vào cách châm nông và nhiều điểm tại chỗ đau, các nhà châm cứu dùng 5 - 7 cây kim bó chụm lại cắm ở đầu một cán gỗ (để tiện cầm) và châm nông trên mặt da. Đây là hình thức đầu tiên của kim hoa mai.
Kim hoa mai ngày nay được cải tiến và thường có hai loại:
Loại kim chụm.
Loại kim xòe hình gương sen.
Cách làm kim hoa mai đơn giản
Dùng 5 - 7 chiếc kim bằng thép không rỉ, mũi kim không quá sắc nhọn, dài độ 2cm, bó chụm lại, đầu nhọn các kim nằm trên một mặt phẳng, cắm chặt và thẳng góc vào đầu một cán gỗ dài độ 25cm, cách đầu cán độ 1cm. Chuôi cán hơi to hơn một chút để dễ cầm.
Cách làm kim hoa mai
Ngón tay cái và giữa cầm chặt ở 1/3 cán kim, ngón nhẫn và út đỡ thân cán vào lòng bàn tay, ngón trỏ đặt trên cán kim.
Lúc gõ chủ yếu là cử động nhịp nhàng của cổ tay, trục bó kim tiếp xúc thẳng góc với mặt da.
Cơ sở lý luận của gõ kim hoa mai
Người xưa quan niệm rằng mặt da của cơ thể là một bộ phận của kinh lạc, chia thành 12 vùng có liên quan đến sự phân bố của 12 đường kinh mạch, tức 12 khu da (bì bộ).
“Muốn biết khu da phải lấy đường tuần hành của kinh mạch làm gốc, các đường kinh đều như thế cả” “Bì bộ dĩ kinh mạch vi kỳ” (Tố Vấn - Bì bộ luận).
“Những hiện tượng của kinh mạch đều thể hiện ra ở mặt da; vì thế, khu da là phần ngoài da của kinh mạch” (Trương Cảnh Nhạc).
Các kinh mạch đều tuần hành ở sâu trong cơ, không chạy trên mặt da, nhưng cáclạc mạch của chúng được phân bố khắp mặt da. Mỗi đường kinh có một khu da riêng, 12 đường kinh có 12 khu da (bì bộ). Mỗi khu da đều có liên quan đến kinh mạch và tạng phủ có quan hệ với nó.
Vì “Da là bộ phận của hệ kinh mạch. Ngoại tà xâm phạm vào da làm cho tấu lý mở ra. Trước tiên lạc mạch bị xâm phạm. Nếu tà khí tràn đầy lạc mạch sẽ tiếp tục tràn vào kinh mạch. Nếu kinh mạch lại bị tà khí tràn ngập thì sẽ truyền sâu vào tạng phủ” (Tố Vấn - Bì bộ luận).
Như vậy tà khí xâm phạm vào da trước rồi theo đường kinh lạc dẫn truyền vào tạng phủ.
Mặt khác, bệnh tật từ nội tạng phát sinh ra thì cũng theo đường kinh lạc từ nội tạng chuyển ra ngoài da, thể hiện bằng những phản ứng bệnh lý như xuất hiện những vùng đau nhức, các điểm ấn đau, mẩn ngứa, thay đổi màu da ...
Như vậy, nhờ sự liên quan mật thiết giữa da và nội tạng mà bệnh tật được truyền từ da vào nội tạng và ngược lại từ nội tạng ra ngoài da thông qua đường tuần hành kinh mạch.
Gõ kim hoa mai có tác dụng thông qua hệ kinh lạc, quan hệ giữa da và tạng phủ mà điều hòa dinh vệ, khí huyết; lặp lại thăng bằng âm dương, tăng cường sức đề kháng của cơ thể để phòng và chữa bệnh.
Tư thế thày thuốc và người bệnh
Người bệnh có thể ngồi hoặc nằm, tư thế phải thoải mái dễ chịu.
Ngồi khom lưng và hơi cúi đầu là hai tư thế thuận lợi nhất để gõ vùng thường quy và vùng chẩm, gáy.
Thầy thuốc có thể đứng cạnh giường hoặc ghế người bệnh, cũng có thể ngồi ghế cạnh giường người bệnh.
Giường bệnh nên đặt cách xa tường để thầy thuốc có thể đi lại xung quanh, thuận lợi cho thao tác.
Các vùng điều trị trên cơ thể
Ngoài cách chia mặt da ra thành 12 khu như theo kiểu kinh điển, người ta còn quy ước một sự phân chia khác để tiến hành điều trị như sau:
Vùng thường quy
Được gọi là thường quy vì đây là vùng mà người thầy thuốc khi tiến hành điều trị đều sử dụng trước tiên. Tác dụng của động tác này là “phù chính để khu tà”.
Những công trình nghiên cứu về tác dụng của thủ thuật này của Trung Quốc (trên súc vật thí nghiệm) và Việt Nam (trên người) cho thấy gõ thường quy mai hoa châm làm tăng phản ứng không đặc hiệu của cơ thể chống vi trùng.
Đường kích thích:
Bốn đường dọc, mỗi bên cột sống hai đường:
Đường trong theo dọc các huyệt Hoa đà hai từ ngang huyệt Đại chùy đến huyệt Hạ liêu.
Đường ngoài theo dọc từ bờ trong xương bả vai xuống đến huyệt Trật biên.
Mười đường ngang khoảng cách mỗi đường là 2 đốt sống lưng:
Tác dụng điều trị: Điều hoà dinh, vệ, khí, huyết làm cho âm dương thăng bằng, tăng cường sức đề kháng cơ thể.
Những tài liệu sau này có đề cập đến vùng gõ thường quy được đơn giản bớt còn 3 đường dọc theo lưng:
Đường thứ nhất dọc theo đường giữa lưng.
Đường thứ hai là hai đường chạy dọc theo hai kinh Bàng quang 1.
Vùng đầu mặt
Khu trán:
Đường kích thích: 3 đường ngang song song từ phải qua trái hoặc ngược lại.
Điều trị: chứng nhức đầu thuộc kinh dương minh (Đại trường và Vị), bệnh tại chỗ.
Khu trước đỉnh đầu và hai bên đầu:
Đường kích thích: 3 - 4 đường ngang từ chân tóc bên phải sang chân tóc bên trái hoặc ngược lại.
Điều trị: bệnh thiên đầu thống, bệnh tai, mắt, mũi và chứng nhức đầu thuộc kinh thiếu dương (Tam tiêu và Đởm).
Khu đỉnh đầu (vùng huyệt Bách hội và huyệt Tứ thần thông, chạy ra hai bên chỏm tai):
Đường kích thích:
3 - 4 đường vòng tròn quanh huyệt Bách hội.
3 - 4 đường ngang từ chỏm tai phải sang chỏm tai trái, hoặc ngược lại.
Điều trị: Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, trúng phong, cấm khẩu; các bệnh thuộc can dương hỏa vượng, thận thủy suy kém, hư hỏa thượng xung.
Khu sau đầu:
Đường kích thích: 5 - 7 đường dọc từ ngang huyệt Hậu đỉnh đến chân tóc sau gáy.
Điều trị: Chứng nhức đầu sau gáy, cứng gáy, bệnh tai, mũi, họng, lưỡi và bệnh thuộc kinh Bàng quang.
Khu mắt:
Đường kích thích:
1 - 2 đường cong dọc bờ mi trên.
1 - 2 đường cong dọc bờ mi dưới, đều từ trong ra ngoài.
Điều trị: các bệnh về mắt.
Khu mũi:
Đường kích thích: hai đường từ huyệt Tình minh dọc theo bờ mũi đến cánh mũi.
Điều trị: các bệnh cấp tính hoặc mạn tính về mũi.
Khu môi:
Đường kích thích: 1 - 2 đường cong song song quanh môi trên và môi dưới.
Điều trị: bệnh răng, hàm mặt, miệng, lưỡi.
Khu gò má:
Đường kích thích: hai đường từ huyệt Nghinh hương bên ngoài cánh mũi chạy vòng bên dưới xương gò má đến huyệt Thính cung (bình tai).
Điều trị: các bệnh ở mặt, răng, mũi và liệt dây thần kinh VII.
Khu tai:
Đường kích thích: 1 - 2 đường vòng quanh lỗ tai, bắt đầu từ huyệt Thính cung vòng lên trên, ra sau tai, vòng xuống qua huyệt Ế phong rồi vòng ngược lên thính cung.
Điều trị: bệnh về tai.
Khu thái dương:
Đường kích thích: 3 - 4 đường từ ngang huyệt Nhĩ môn tỏa ra thành hình nan quạt.
Điều trị: bệnh thuộc kinh thiếu dương Đởm, thiên đầu thống; bệnh về tai, mắt.
Vùng cổ
Khu sau gáy:
Đường kích thích (5 đường):
Một đường giữa chân tóc gáy đến huyệt Đại chùy.
Hai đường cạnh dọc theo kinh Bàng quang từ chân tóc đến huyệt Đại trữ.
Hai đường dọc theo kinh Đởm từ huyệt Phong trì đến huyệt Kiên tỉnh.
Điều trị: dây là khu trọng điểm; chủ yếu chữa các bệnh đau đầu, bệnh về tai mũi họng và chứng cảm sốt, cứng gáy.
Khu trước cổ:
Đường kích thích: mỗi bên cổ 1 - 2 đường từ dưới hàm đến ngang huyệt Khí xá.
Điều trị: bệnh ở cổ họng như viêm họng, viêm amiđan, bướu cổ và bệnh cao huyết áp.
Khu cơ ức đòn chũm:
Đường kích thích: 1 - 2 đường từ chân tóc sau gáy chạy dọc xuống theo cơ ức đòn chũm.
Điều trị: bệnh ở cổ họng, lưỡi và bệnh lao hạch (tràng nhạc).
Vùng chi trên
Chi trên chia làm hai khu: mé trong tay và khu mé ngoài tay (theo tư thế đứng buông thõng tay, lòng bàn tay áp vào đùi, ứng với mặt trước và mặt sau của tay).
Khu trong cánh tay:
Đường kích thích: ba đường dọc từ bờ dưới nách đến ngang khuỷu tay.
Điều trị: bệnh thuộc các tạng tâm, phế; đau dọc tay và khuỷu tay.
Khu trong khuỷu tay:
Đường kích thích: 3 đường ngang song song từ huyệt Khúc trì đến huyệt Tiểu hải hoặc ngược lại.
Điều trị: đau nhức vùng khuỷu tay, đau cánh tay, cẳng tay và chứng sốt nóng.
Khu trong cẳng tay:
Đường kích thích: ba đường dọc từ khuỷu tay đến bàn tay.
Điều trị: bệnh thuộc tâm, phế; bệnh ở ngực; đau nhức dọc cẳng tay.
Khu trong cổ tay:
Đường kích thích: hai đường ngang song song tại lằn chỉ cổ tay.
Điều trị: bệnh thuộc tâm, phế; bệnh ở họng; đau nhức cổ tay.
Khu gan bàn tay:
Đường kích thích: năm đường ngang lằn chỉ cổ tay tỏa ra đến tận các ngón tay.
Điều trị: bệnh ở vùng ngực, họng, sốt âm, bệnh tay và đau nhức ở gan bàn tay.
Khu ngoài cánh tay:
Đường kích thích: ba đường dọc từ vai đến khuỷu tay.
Điều trị: bệnh ở đầu, gáy, bả vai; đau nhức dọc cánh tay.
Khu ngoài cẳng tay:
Đường kích thích: ba đường dọc từ khu ngoài khuỷu tay đến cổ tay.
Điều trị: các bệnh về tai, mũi, họng, đầu mặt, bệnh lây, sốt nóng thuộc kinh thiếu dương (Tam tiêu).
Khu mu bàn tay:
Đường kích thích: 4 đường từ cổ tay tỏa ra đến các khe ngón tay (dọc theo khe xương bàn tay).
Điều trị: bệnh ở đầu, mặt, tai, mắt, mũi họng, răng, hàm và chứng sốt nóng.
Khu ngón tay:
Đường kích thích: mỗi bên ngón tay một đường dọc, từ đầu trên đốt 1 đến đầu ngón tay.
Điều trị: bệnh não và bệnh thần kinh nói chung.
Vùng chi dưới
Chi dưới được chia làm 4 khu: khu mé trong, khu mé ngoài, khu trước và sau chân.
Khu đùi trước:
Đường kích thích: đường dọc từ nếp bẹn đến bờ trên xương bánh chè.
Điều trị: bệnh thuộc đại trường, tiểu trường; đau nhức mặt trước đùi, đầu gối và bệnh thuộc kinh dương minh (Vị).
Khu trước cẳng chân:
Đường kích thích: 3 đường dọc từ đầu gối xuống trước cổ chân.
Điều trị: bệnh thuộc tạng Phế, phủ Vị, bệnh đường ruột, bệnh ở đầu và ngực nói chung, chủ yếu là bệnh thuộc dương minh (Vị).
Khu sau đùi và vùng khoeo chân:
Đường kích thích:
Ba đường dọc từ nếp lằn mông đến khoeo.
Ba đường song song qua lại ngang lằn chỉ khoeo chân.
Điều trị: bệnh ở lưng, bệnh trĩ, bệnh đường ruột.
Khu sau cẳng chân:
Đường kích thích: ba đường dọc từ khoeo đến sau cổ chân.
Điều trị: bệnh ở lưng, bệnh đường ruột, bệnh trĩ và đau nhức sau cẳng chân.
Khu mé trong đùi và cẳng chân:
Đường kích thích:
Ba đường dọc từ nếp bẹn xuống mé trong đầu gối.
Tiếp đó làba đường dọc chạy xuống dọc mé trong cẳng chân xuống cổ chân.
Điều trị: bệnh thuộc hệ sinh dục, tiết niệu, bệnh đường ruột và đau nhức mé trong cẳng chân.
Khu mé ngoài đùi và cẳng chân:
Đường kích thích:
Ba đường dọc từ đầu trên xương đùi đến mé ngoài đầu gối.
Tiếp đó là 3 đường dọc chạy xuống mé ngoài cổ chân.
Điều trị:
Đoạn trên: bệnh bại liệt, phong thấp, đau phía ngoài đùi.
Đoạn dưới: chứng nhức đầu, đau bụng, bệnh ở mắt, tai, họng sườn và bệnh thuộc kinh thiếu dương (Đởm) nói chung.
Khu trước cổ chân và mu chân:
Đường kích thích:
Ba đường ở ngang trước cổ chân.
Bốn đường hình nan quạt từ cổ chân tỏa ra đến các khe ngón chân dọc các khe xương bàn chân.
Điều trị: bệnh ở đầu, mặt, răng, hàm, họng, đau nhức vùng cổ chân và mu bàn chân.
Khu gan bàn chân:
Đường kích thích: từ hai huyệt Dũng tuyền tỏa ra hai bên đến gót chân.
Điều trị: chứng âm hư và bệnh suy nhược thần kinh.
Khu xương bánh chè:
Đường kích thích: hai đường vòng quanh xương bánh chè.
Điều trị: đau nhức gối, bệnh cước khí.
Khu mắt cá trong và ngoài:
Đường kích thích: hai đường vòng quanh mắt cá trong và ngoài.
Điều trị: đau khớp cổ chân, sưng đau mắt cá chân, chứng sốt nóng.
Vùng ngực
Khu xương ức:
Đường kích thích: hai đường dọc ở hai bên xương ức.
Điều trị: bệnh ở thực quản, phế quản, tim, phổi và chứng khí thượng xung.
Khu lồng ngực:
Đường kích thích: mỗi khoảng liên sườn 1 - 2 đường.
Điều trị: viêm đau tuyến vú, tắc tia sữa.
Vùng bụng
Khu bụng trên:
Đường kích thích:
Năm đường dọc từ bờ dưới cung sườn đến rốn (một đường giữa bụng và mỗi bên hai đường dọc song song).
Bốn đường ngang chia đều vùng bụng trên từ phải qua trái hoặc ngược lại.
Điều trị: bệnh thuộc bộ máy tiêu hóa và chứng phù thũng.
Khu bụng dưới:
Đường kích thích:
Năm đường dọc nối tiếp 5 đường dọc ở vùng bụng trên từ ngang rốn đến xuống nếp bẹn và xương mu.
Ba đến bốn đường ngang.
Điều trị: bệnh thuộc bộ máy sinh dục và tiết niệu, tăng cường sức khỏe cơ thể.
Khu nếp bẹn:
Đường kích thích: mỗi bên hai đường song song chạy dọc theo nếp bẹn từ trên xuống dưới.
Điều trị: bệnh thuộc hệ sinh dục và tiết niệu.
Vùng lưng
Vùng lưng chia làm 5 khu, mỗi khu có tác dụng điều trị riêng.
Khu lưng trên (D1 - D7):
Đường kích thích: 4 đường dọc như vùng gõ thường quy và cách mỗi đốt sống lưng là một đường ngang.
Điều trị: đây là khu trọng điểm 2; khu này dùng để điều trị bệnh tim, phổi, đau tức ngực và đau nhức dọc chi trên.
Khu lưng giữa (D8 - D12):
Đường kích thích: 4 đường dọc như vùng gõ thường quy và cách mỗi đốt sống lưng là một đường ngang.
Điều trị: đây là khu trọng điểm 3, điều trị bệnh hệ tiêu hóa và bệnh tăng huyết áp thể can dương hỏa vượng.
Khu lưng dưới (L3 - L5):
Đường kích thích: 4 đường dọc như vùng gõ thường quy và cách mỗi đốt sống lưng là một đường ngang.
Điều trị: đây là khu trọng điểm 4; khu này dùng để điều trị các bệnh thuộc hệ sinh dục, tiết niệu và đau nhức dọc chi dưới.
Khu xương bả vai:
Đường kích thích: hai đường vòng quanh xương bả vai.
Điều trị: đau nhức xương bả vai và dọc chi trên.
Khu cơ thang và trên vai:
Đường kích thích: mỗi bên 3 đường từ ngang D1, D2, D3 tỏa lên vùng cổ, gáy.
Điều trị: cứng gáy, đau đầu, đau viêm tuyến vú.
Áp dụng vào điều trị
Chỉ định và chống chỉ định
Nói chung là gõ kim hoa mai có thể dùng chữa trị các loại bệnh như hào châm vẫn thường làm.
Phương pháp này tỏ ra thích hợp nhất đối với các loại bệnh: suy nhược thần kinh, đau đầu, mất ngủ, đau dây thần kinh liên sườn, liệt dây thần kinh VII, cơn đau dạ dày tá tràng, tiêu hóa kém, đau bụng lúc hành kinh, đái dầm, sa trực tràng, sạm da, mẩn ngứa ngoài da bị viêm loét chảy nước vàng hoặc chảy mủ.
Thủ thuật gõ kim hoa mai
Có ba cách gõ: gõ nhẹ, gõ vừa và gõ mạnh.
Gõ nhẹ: gõ rất nhẹ nhàng trên mặt da, hoàn toàn không đau. Bệnh nhân cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Thủ thuật này có tác dụng bổ, tăng sức khỏe cho bệnh nhân, thường dùng cho chứng hư hàn.
Gõ vừa: gõ vừa sức không nhẹ, không mạnh, có tác dụng bình bổ tả. Cách này thường dùng trong các chứng bán biểu, bán lý, không hư, không thực.
Gõ mạnh: sức bật của cổ tay khỏe hơn, tuy thế bệnh nhân vẫn đủ sức chịu đựng, có tác dụng tả, thích ứng với các chứng thực nhiệt.
Trình tự gõ kim hoa mai
Cần gõ theo một thứ tự nhất định:
Trước hết gõ vùng thường quy.
Rồi gõ khu trọng điểm.
Cuối cùng gõ khu kết hợp.
Trường hợp trong công thức điều trị không có thường quy mà chỉ có khu trọng điểm và khu kết hợp thì gõ khu trọng điểm trước, khu kết hợp sau.
Trường hợp gõ theo vùng thì gõ vùng đầu và vùng lưng trước, gõ vùng ngực, bụng, chân sau.
Trường hợp gõ vùng đầu thì gõ khu trán trước, rồi gõ khu thái dương, khu đỉnh đầu và sau cùng gõ khu chẩm.
Phản ứng phụ và cách xử lý
Điều trị bằng gõ kim hoa mai rất an toàn. Nhưng cũng có trường hợp say kim (vựng châm), khi người bệnh quá hư yếu hoặc thần kinh quá mẫn; bệnh nhân bị suy tim hoặc gõ kim lúc người bệnh quá no hoặc quá đói.
Trong những trường hợp này: cho người bệnh uống nước đường nóng hoặc nước chè nóng. Đặt nằm sấp, gõ nhẹ ở khu thắt lưng mỗi đường gõ 10 lần theo hướng ngược từ dưới lên trên.
Trường hợp da người bệnh quá bẩn, lúc gõ lại không sát trùng bằng cồn nên có thể gây nên những nốt đỏ như bị sởi: cho người bệnh tạm nghỉ điều trị, chăm sóc da vùng nổi mẩn.
Một số điểm cần chú ý
Thầy thuốc cần thường xuyên kiểm tra kim hoa mai xem các mũi kim có móc câu không, nếu có cần vuốt nắn lại.
Lúc gõ nên hỏi người bệnh có đau nhiều không? mức độ đau như thế nào? Cần có sự phối hợp giữa thầy thuốc và người bệnh.
Không được gõ vùng bị sẹo, có vết thương hoặc bị lở loét.
Trước khi gõ nên khử trùng kim, phải sát trùng chỗ gõ trước và sau khi gõ.
Một số công thức điều trị
Căn cứ vào tác dụng điều trị của từng khu, từng vùng và lý luận điều trị biện chứng của Đông y, có thể dùng gõ kim hoa mai để chữa một số bệnh theo công thức như sau:
Bệnh hô hấp:
Vùng thường quy: gõ vừa.
Khu trọng điểm: khu lưng trên.
Khu kết hợp: khu ngực, có thể thêm khu trong cẳng tay, gõ 3 đường dọc từ khuỷu tay xuống đến cổ tay.
Bệnh thần kinh:
Vùng thường quy.
Khu trọng điểm: Khu sau gáy, khu lưng dưới.
Khu kết hợp: vùng đầu, khu trong cẳng tay, khu trong cẳng chân.
Bệnh tiêu hóa:
Vùng thường quy.
Khu trọng điểm: khu lưng giữa.
Khu kết hợp: khu bụng trên, khu trước cẳng chân.
Bệnh hệ vận động:
Vùng thường quy.
Khu trọng điểm:
Đau 2 chi trên thì gõ khu lưng trên.
Đau 2 chi dưới thì gõ khu lưng dưới.
Khu kết hợp: vùng đau.
Bệnh hệ tuần hoàn:
Vùng thường quy.
Khu trọng điểm: khu lưng trên.
Khu kết hợp: khu trong tay và trong chân.
Bệnh hệ tiết niệu và sinh dục:
Vùng thường quy.
Khu trọng điểm: khu dưới lưng.
Khu kết hợp: khu bụng dưới, khu trong cẳng chân, khu nếp bẹn.
Bệnh nội tiết:
Vùng thường quy.
Khu trọng điểm: khu lưng giữa hoặc lưng dưới.
Khu kết hợp: khu trong cẳng chân.
Bệnh ngoài da:
Bệnh ở 2 chi trên: gõ tại chỗ, khu lưng trên và 2 khu trong khuỷu tay.
Bệnh ở hai chi dưới: gõ tại chỗ, khu lưng dưới và 2 khu khoeo chân.
Bệnh ở lưng và bụng ngực: gõ tại chỗ, vùng thường quy, khu trong khuỷu tay và khu khoeo chân.
Nếu chỗ bị bệnh chảy nước vàng hay lở loét thì không nên gõ, chỗ có sẹo cũng không nên gõ.
Gõ tại chỗ thì gõ theo hình trôn ốc, từ ngoài vào trong hoặc từ trong ra ngoài, rồi châm kim 3 cạnh tại 5 điểm, nặn ra một ít máu.
Bệnh ngũ quan:
Vùng thường quy.
Khu trọng điểm: khu sau gáy.
Khu kết hợp:
Tại chỗ.
Khu trong chi trên, chi dưới hoặc khu ngoài chi trên, chi dưới theo biện chứng luận trị.
Cần chú ý mỗi loại bệnh cần có những triệu chứng khác nhau, vì thế trong công thức điều trị cần có gia giảm.
Một số cách gõ khác
Những phương pháp điều trị trên là cách điều trị theo vùng của cơ thể.
Ngoài ra người ta còn dùng cách gõ theo huyệt, theo kinh, hoàn toàn dựa theo phép biện chứng luận trị:
Cách gõ theo huyệt: là gõ trực tiếp vào các huyệt theo công thức chữa bệnh của hào châm.
Cách gõ theo kinh: là gõ vào một đoạn của đường kinh có liên quan với bệnh. Có thể làm như sau:
Gõ theo kinh bị bệnh:
Chủ yếu chọn một đoạn đường kinh tại chỗ bị bệnh và một đoạn ở nơi xa.
Ví dụ: bệnh viêm quanh chân răng (nha chu viêm) - (thuộc kinh dương minh Vị); nơi gõ:
Ở mặt: một đoạn kinh Đại trường từ huyệt Nghinh hương đến huyệt Phù đột; một đoạn kinh Vị từ huyệt Thừa tương đến huyệt Đầu duy.
Ở nơi xa: một đoạn kinh Đại trường từ huyệt Khúc trì đến huyệt Hợp cốc; một đoạn kinh Vị, từ huyệt Tam túc lý đến huyệt Nội đình.
Gõ theo kinh có quan hệ biểu lý với kinh bị bệnh:
Ví dụ: điều trị bệnh đái dầm (do khí cơ của Bàng quang kém); nơi gõ:
Một đoạn kinh bị bệnh (kinh Bàng quang) từ huyệt Tam tiêu du đến huyệt Bàng quang du.
Một đoạn kinh có quan hệ biểu lý (kinh Thận) từ huyệt Hoành cốt đến huyệt Hoang du.
Gõ theo quan hệ mẹ con:
Điều trị theo nguyên tắc: bệnh hư thì bổ mẹ, bệnh thực thì tả con.
Ví dụ: bệnh có đờm thuộc hư chứng.
Phép điều trị: bổ thổ sinh kim; nơi gõ:
Một đoạn kinh Phế từ huyệt Thái uyên đến huyệt Khúc trạch.
Một đoạn kinh Tỳ từ huyệt Ẩn bạch đến huyệt Âm lăng tuyền.
Một đoạn kinh Vị từ huyệt Túc tam lý đến huyệt Phong long.
Gõ theo quan hệ sinh khắc:
Ví dụ: bệnh viêm bàng quang do thấp nhiệt.
Phép điều trị: kiện tỳ, hành thủy để lợi thủy hay khắc thủy; nơi gõ:
Một đoạn kinh Tỳ từ huyệt Ẩn bạch đến huyệt Âm lăng tuyền.
Một đoạn kinh Tỳ từ huyệt Xung môn đến huyệt Đại hoành.
Tóm lại:
Có thể thể gõ kim hoa mai 2 cách:
Gõ theo khu, vùng (dựa trên cơ sở học thuyết thần kinh).
Gõ theo huyệt vị và theo đường kinh (dựa trên cơ sở học thuyết kinh lạc).
Cả hai cách đều đem lại kết quả tốt.
Bài viết cùng chuyên mục
Châm cứu bệnh đường mật
Nếu giun chui ống mật hay sỏi mật xảy ra cùng một lúc, thường có cơn đau cấp tính cao độ, điểm đau rõ rệt ở phía phải bụng trên.
Châm cứu bệnh trĩ
Trĩ ngoại có thể gây chứng huyết khối, tạo thành những cục huyết ở dưới da, gây đau hậu môn kéo dài và đau trội lên khi đi ngoài. Trĩ ngoại thường dễ nhìn thấy bên ngoài hậu môn.
Kinh cân và cách vận dụng châm cứu
Các kinh cân khởi phát luôn luôn ở đầu ngón tay hoặc ngón chân, chúng nối các khớp lớn lại với nhau, sau đó chúng phân nhánh ở mặt trước/sau của cơ thể hoặc ở đầu.
Châm cứu viêm nhiễm trong khung chậu
Khám thấy: đau khi chạm vào cổ tử cung, đau nhức thân tử cung, đau bụng dưới thể hiện rõ những cơn đau trội lên.
Châm cứu viêm gan truyền nhiễm
Ở một số người bệnh, trong quá trình diễn biến của bệnh, không xuất hiện vàng da, những trường hợp này gọi là “viêm gan truyền nhiễm không vàng da”.
Châm cứu viêm khớp
Viêm khớp dạng thấp chủ yếu hay gặp ở thanh niên và trung niên từ 20 đến 40 tuỏi. Bệnh khởi phát thường lặng lẽ; đôi khi bệnh khởi phát rầm rộ.
Châm cứu thiếu sữa
Khi vú không căng, hoặc sữa xuống không đủ nhu cầu của trẻ sơ sinh sau khi đẻ 48 giờ, được coi là thiếu sữa. Nguyên nhân do cơ thể suy nhược, chán ăn, quá xúc động hoặc cho bú không đúng cách.
Châm cứu đau dây thần kinh hông to
Nghiệm pháp nâng cẳng chân duỗi dương tính, bệnh nhân nằm ngửa, cẳng chân duỗi và từ từ nâng chân lên tạo thành một góc 30, 40 độ với mặt giường.
Châm cứu sa trực tràng
Là hiện tượng sa niêm mạc hậu môn, hoặc sa một phần trực tràng ra bên ngoài hậu môn. Trong giai đoạn đầu, sa trực tràng chỉ xảy ra sau mỗi lần đi ngoài; trường hợp nặng.
Châm cứu viêm ruột thừa cấp tính
Ở đa số bệnh nhân, có thể sờ thấy một khối nổi lên. Trường hợp cơ thành bụng căng, mạch nhanh và sốt cao, là triệu chứng bệnh nặng. Ở trẻ em, có thể ỉa chảy.
Châm cứu đau khuỷu tay
Có tiền sử chấn thương cấp tính sưng đau, tụ máu hoặc chảy máu tại chỗ. Tuỳ vị trí tổn thương, đau hoặc giảm chức năng có thể khác nhau.
Châm cứu hen phế quản
Liệu pháp dự phòng khi sắp thay đổi thời tiết; cứu trên huyệt Phế du, Tỳ du, Túc tam lý.
Kỹ thuật châm và cứu
Cần kiên trì khéo léo giải thích cho bệnh nhân yên tâm trước những thủ thuật châm, giúp bệnh nhân tránh những căng thẳng vô ích trong khi châm.
Châm cứu hysteria (tinh thần phân lập)
Tinh thần phân lập thường gặp chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên và trung niên. Bệnh khởi phát lặng lẽ và diễn biến kéo dài. Về phương diện lâm sàng.
Châm cứu viêm tuyến mang tai (bệnh quai bị)
Triệu chứng thuyên giảm sau 10 ngày, không để lại di chứng viêm mủ. Ở trẻ em dễ gây biến chứng viêm màng não; còn ở người lớn (nam giới), có thể viêm tinh hoàn.
Châm cứu co thắt cơ hoành
Ghi chú: Yêu cầu bệnh nhân hợp tác với thầy thuốuc bằng cách thở sâu trong khi tiến hành điều trị.
Châm cứu viêm amiđan, viêm hầu họng
Chất dịch viêm màu hơi trắng bám rải rác ở bề mặt amiđan, màng này có thể bóc dễ dàng, không gây chảy máu. Đây là dấu hiệu để chẩn đoán phân biệt với bệnh bạch hầu.
Châm cứu viêm vú
Chỉ định huyệt: Thái xung, Túc lâm khấp, Nhũ căn, Thiếu trạch, Túc tam lý, Đản trung. Ghi chú: Chọn 2 - 3 huyệt mỗi lần điều trị. Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 15 - 20 phút.
Châm cứu sa dạ con
Chỉ định huyệt: Châm Duy bào (Kỳ huyệt), Tam âm giao, Cứu Khí hải, Bách hội, Thượng liêu, Thứ liêu, Trung liêu, Hạ liêu, Châm Túc tam lý.
Châm cứu choáng (sốc)
Trong khi câhm, thỉnh thoảng vê kim (cách 15 - 20 phút vê kim một lần). Nếu huyết áp không lên, châm Nội quan và vê kim liên tục, hoặc cứu huyệt Khí hải cho đến khi triệu chứng choáng thuyên giảm.
Châm tê trong châm cứu
Huyệt được chọn phải liên quan mật thiết đến vùng mổ, phải dễ gây đắc khí, không ở vị trí trở ngại cho thao tác ngoại khoa và khi vê hoặc xoay kim không làm chảy máu.
Châm cứu viêm bạch mạch cấp tính (đinh nhọt đỏ)
Là một bệnh nhiễm khuẩn sinh mủ cấp tính thuộc hệ thống bạch mạch, thường là hậu quả của một ổ viêm nhiễm. Có thể xuất hiện một hay nhiều đường đỏ chạy từ chỗ viêm nhiễm đến các hạch bạch huyết hữu quan.
Châm cứu liệt mặt
Liệt dây thần kinh mặt, còn gọi là “liệt mặt”, được chia thành thể ngoại biên và thể trung ương. Liệt mặt ngoại biên chủ yếu là viêm dây thần kinh mặt do cảm nhiễm gió lạnh.
Đại cương về huyệt châm cứu
Các nhà khoa học ngày nay chỉ công nhận sự hiện hữu của huyệt vị châm cứu về mặt hiệu quả trị liệu và về mặt điện sinh vật.
Phép châm điều trị châm cứu
Tì đầu ngón tay cái của bàn tay trái vào cạnh huyệt, ngón cái và ngón trỏ tay phải cầm chuôi kim. Trong khi bệnh nhân chú ý vào chỗ tay trái tì bấm.