Colchicin
Phòng tái phát viêm khớp do gút, và điều trị dài ngày bệnh gút, với liều thường dùng thì colchicin lại tỏ ra được dung nạp tốt hơn.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tên chung quốc tế: Colchicine.
Loại thuốc: Chống bệnh gút.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén 0,25 mg; 0,5 mg; 0,6 mg; 1 mg. Dung dịch để tiêm tĩnh mạch.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Colchicin có nhiều tác dụng:
Tác dụng chống bệnh gút: Colchicin làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế thực bào các vi tinh thể urat và do đó làm ngừng sự tạo thành acid lactic, giữ cho pH tại chỗ được bình thường vì pH là yếu tố tạo điều kiện cho các tinh thể monosodium urat kết tủa tại các mô ở khớp. Thuốc không có tác dụng lên sự đào thải acid uric theo nước tiểu, lên nồng độ, độ hòa tan hay khả năng gắn với protein huyết thanh của acid uric hay urat.
Tác dụng chống viêm không đặc hiệu: Colchicin làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế ứng động hóa học, chuyển hóa và chức năng của bạch cầu đa nhân nên làm giảm các phản ứng viêm. Tác dụng chống viêm của thuốc ở mức độ yếu.
Tác dụng chống phân bào: Colchicin ức chế giai đoạn giữa (metaphase) và giai đoạn sau (anaphase) của quá trình phân chia tế bào do tác động lên thoi và lên sự biến đổi gel - sol. Sự biến đổi thể gel và thể sol ở các tế bào đang không phân chia cũng bị ức chế. Tác dụng chống phân bào của colchicin gây ra các tác dụng có hại lên các mô đang tăng sinh như tủy xương, da và lông tóc. Colchicin dùng theo đường uống có thể làm giảm hấp thu vitamin B12, mỡ, natri, kali, các đường được hấp thu tích cực như xylose, dẫn đến giảm nồng độ cholesterol và nồng độ vitamin A trong máu. Các tác dụng này do niêm mạc ruột non bị tác dụng của colchicin.
Các tác dụng khác: Làm tăng sức bền mao mạch, kích thích tuyến vỏ thượng thận, phân hủy tế bào lympho, ức chế phó giao cảm, kích thích giao cảm, chống ngứa, gây ỉa chảy, ức chế in vitro khả năng ngưng tập và kết dính tiểu cầu.
Colchicin được hấp thu ở ống tiêu hóa và đi vào vòng tuần hoàn ruột - gan. Nồng độ đỉnh huyết tương xuất hiện sau khi uống 2 giờ. Thuốc ngấm vào các mô, nhất là niêm mạc ruột, gan, thận, lách, trừ cơ tim, cơ vân và phổi. Thuốc được đào thải chủ yếu theo phân và nước tiểu (10 - 20%). Khi liều hàng ngày cao hơn 1 mg thì colchicin sẽ tích tụ ở mô và có thể dẫn đến ngộ độc.
Chỉ định
Ðợt cấp của bệnh gút: Colchicin là thuốc được chọn dùng để làm giảm đau trong các đợt gút cấp nhưng nếu dùng ngắn ngày thì indomethacin hay phenylbutazon cũng có tác dụng như colchicin và được dung nạp tốt hơn. Colchicin còn được dùng để chẩn đoán viêm khớp do gút (nếu có đáp ứng với trị liệu bằng colchicin thì chứng tỏ là có tinh thể urat vì tinh thể này khó bị phát hiện, nhất là khi chỉ bị ở các khớp nhỏ).
Phòng tái phát viêm khớp do gút và điều trị dài ngày bệnh gút: Với liều thường dùng thì colchicin lại tỏ ra được dung nạp tốt hơn và có hiệu quả hơn là indomethacin hay phenylbutazon. Colchicin thường được dùng phối hợp với probenecid để tăng khả năng dự phòng.
Mọi trị liệu dài ngày bằng các thuốc làm giảm acid uric huyết và giảm urat niệu do ức chế tổng hợp acid uric (allopurinol, tisopurin, benzbromaron, trừ azapropazon) cần phải được tiến hành bằng trị liệu với colchicin và/hoặc với các thuốc chống viêm không steroid trước đó ít nhất là một tháng để tránh các cơn cấp do sự huy động các urat. Việc sử dụng các thuốc giảm acid uric huyết chỉ được bắt đầu sau khi điều trị khỏi đợt gut cấp ít nhất là 15 ngày và phối hợp với colchicin liều 1 mg/ngày trong thời gian từ 1 đến 6 tháng. Ðiều này cũng có thể được áp dụng trong các trường hợp có bất thường về tổng hợp purin, các bệnh ung thư và hóa trị liệu gây thoái hóa mạnh acid nucleic. Cần chú ý là tăng acid uric trong máu còn xảy ra trong suy thận mạn tính, ưu năng cận giáp, nghiện rượu và những bệnh làm giảm đào thải acid uric theo nước tiểu.
Viêm khớp trong sarcoidose, viêm khớp kèm thêm nốt u hồng ban, viêm sụn khớp cấp có canxi hóa.
Liệu pháp đề phòng ngắn hạn trong giai đoạn đầu của trị liệu với allopurinol và các thuốc tăng đào thải acid uric.
Trị liệu dài ngày ở bệnh nhân bị xơ hóa đường mật nguyên phát (colchicin có tác dụng tốt làm giảm tỷ lệ tử vong), bệnh nhân bị xơ gan (theo một nghiên cứu ở Mêhicô). Ðiều này dựa trên tác dụng ức chế tổng hợp protein của colchicin, đặc biệt là lên sự tổng hợp chất collagen. Colchicin còn dùng điều trị bệnh sốt chu kỳ.
Chống chỉ định
Suy thận nặng.
Suy gan nặng.
Người mang thai.
Bệnh nhân có nguy cơ bị glôcôm góc hẹp bị bí đái.
Thận trọng
Khi dùng để điều trị đợt gút cấp: Phải thận trọng ở người bị suy thận hoặc suy gan.
Thận trọng với người mắc bệnh tim, bệnh gan, thận hay bệnh tiêu hóa. Bệnh nhân cao tuổi bị suy nhược dễ bị ngộ độc do tích tụ thuốc.
Không được tiêm colchicin vào cơ thể theo đường dưới da hay tiêm bắp vì sẽ gây đau nhiều ở chỗ tiêm.
Thời kỳ mang thai
Tránh dùng colchicin cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Colchicin được đào thải qua sữa mẹ. Người ta chưa thấy trẻ bị ngộ độc qua đường sữa nhưng người mẹ có thể tránh làm nồng độ thuốc cao trong sữa bằng cách uống thuốc vào buổi tối trước khi ngủ và cho con bú sau 8 giờ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp, ADR > 1/100
Buồn nôn, nôn, đau bụng.
Với liều cao: Ỉa chảy nặng, chảy máu dạ dày - ruột, nổi ban, tổn thương thận.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, rối loạn về máu (trị liệu dài ngày), giảm tinh trùng (hồi phục được).
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi uống colchicin là buồn nôn, đau bụng, nôn và ỉa chảy. Cần ngừng dùng colchicin nếu có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trên vì đó là các dấu hiệu báo động sớm về khả năng có thể sẽ bị ngộ độc nặng hơn. Trị liệu chỉ được tiếp tục khi hết các triệu chứng trên và thường sau 24 - 48 giờ. Có thể dùng các thuốc chống ỉa chảy hay thuốc làm chậm nhu động ruột để điều trị ỉa chảy do colchicin gây ra.
Ðiều trị dài ngày: cần theo dõi đều đặn xem người bệnh có bị tác dụng phụ không, kiểm tra đều đặn các tế bào máu, công thức bạch cầu.
Khi có các tác dụng phụ thì phải hiểu đó là dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc. Nên ngừng dùng colchicin hoặc phải giảm liều.
Liều lượng và cách dùng
Ðợt gút cấp: Liều ban đầu là 0,5 - 1,2 mg, sau đó cứ cách 1 - 2 giờ lại uống 0,50 - 0,60 mg hoặc cứ cách 2 giờ lại uống 1 - 1,2 mg cho đến khi hết đau hoặc bị nôn hay ỉa chảy. Tổng liều trung bình colchicin uống trong một đợt điều trị là 4 - 6 mg. Ðau và sưng khớp thường giảm sau 12 giờ và thường hết hẳn sau khi dùng thuốc 48 - 72 giờ. Nếu uống lại thì đợt uống mới phải cách lần uống cũ 2 - 3 ngày nếu không thì các tổn thương do colchicin gây ra chưa kịp hồi phục và thuốc có thể bị tích tụ.
Nếu tiêm vào tĩnh mạch thì liều ban đầu là 2 mg, sau đó cứ cách 6 giờ lại tiêm 0,5 mg cho đến khi thấy có đáp ứng mong muốn. Cũng có thể tiêm liều đầu tiên là 1mg vào tĩnh mạch, sau đó tiêm 0,5 mg một hoặc hai lần một ngày nếu cần thiết. Liều colchicin tiêm tĩnh mạch không được quá 4 mg mỗi ngày và sau đó phải nghỉ dùng trong 7 ngày.
Nếu đau tái phát thì có thể tiêm colchicin tĩnh mạch mỗi ngày 1 - 2 mg trong 3 - 4 ngày, sau đó chuyển sang dùng liều đó theo đường uống. Nguyên tắc an toàn là phải làm sao không để một lần dùng vượt quá 4 mg; do đó chỉ tiêm nhiều lần vào tĩnh mạch theo chỉ định có cân nhắc kỹ lưỡng và phải tiêm chậm 2 - 5 phút vào tĩnh mạch lớn. Thuốc cần hòa vào 10 - 20 ml dung dịch NaCl 0,9% trước khi tiêm.
Mỗi đợt tiêm tĩnh mạch phải cách nhau ít nhất 3 tuần, đặc biệt khi người bệnh đồng thời có dùng thuốc theo đường uống.
Ðiều trị xơ hóa đường mật nguyên phát: Uống 0,5mg colchicin, hai lần một ngày, lặp lại nhiều ngày.
Ðiều trị xơ gan: Mỗi tuần uống 5 ngày, mỗi ngày 1 - 2 mg.
Ðề phòng xuất hiện cơn gút cấp trong giai đoạn đầu trị liệu với allopurinol hay các thuốc tăng đào thải acid uric: 500 microgam, 2 - 3 lần mỗi ngày.
Chú ý: Trong điều trị bệnh gút, colchicin tỏ ra không có tác dụng bằng indomethacin hay phenylbutazon và ứng dụng bị hạn chế do độc tính của nó. Người ta thường dùng indomethacin hay một thuốc chống viêm không steroid khác thay cho colchichin.
Tương tác thuốc
Dùng đồng thời colchicin và ciclosporin làm tăng độc tính của ciclosporin.
Colchicin làm giảm hấp thu vitamin B12 do tác động độc đối với niêm mạc ruột non. Sự hấp thu này có thể được phục hồi.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản trong lọ kín, tránh ánh sáng.
Quá liều và xử trí
Liều gây độc là khoảng 10 mg. Liều gây chết là trên 40 mg.
Ngộ độc colchicin chủ yếu là do ý đồ tự tử. Ngộ độc là rất nặng và tỷ lệ tử vong rất cao (30%).
Các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sau khi uống thuốc từ 1 đến 8 giờ: Ðau bụng nhiều và lan tỏa, nôn nhiều, liệt ruột, ỉa chảy nhiều có thể có máu. Ngoài ra còn có thể bị viêm dạ dày, đau khớp, hạ canxi huyết, sốt, phát ban, kể cả ban như sốt hồng ban, sau đó là mất nước dẫn đến thiểu niệu. Tổn thương thận dẫn đến thiểu niệu và đái ra máu. Gan to và các tranzaminase tăng rất cao. Tổn thương mạch nặng gây sốc và trụy tim mạch. Các rối loạn về máu (tăng bạch cầu rồi sau đó là giảm bạch cầu và tiểu cầu do tổn thương tủy), thở nhanh, rụng tóc (vào ngày thứ 10). Nhược cơ nặng và có thể liệt thần kinh trung ương đi lên trong lúc bệnh nhân vẫn tỉnh táo. Tiên lượng khó khăn. Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ 2 hoặc ngày thứ 3 do rối loạn nước - điện giải, suy hô hấp, trụy tim mạch và nhiễm khuẩn huyết.
Không có điều trị đặc hiệu cho ngộ độc và quá liều colchicin. Tăng đào thải thuốc bằng rửa dạ dày rồi sau đó là hút tá tràng và dùng than hoạt. Các biện pháp điều trị hỗ trợ là phục hồi cân bằng nước - điện giải, dùng kháng sinh toàn thân và kháng sinh đường tiêu hóa với liều cao, có thể tiêm atropin hay morphin để giảm đau bụng, dùng trị liệu chống sốc, cho thở oxy để đảm bảo trao đổi hô hấp tốt. Nếu có suy chức năng thận thì có thể phải lọc thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc.
Thông tin qui chế
Thuốc độc bảng B.
Bài viết cùng chuyên mục
Clotrimazol
Clotrimazol là thuốc chống nấm phổ rộng được dùng điều trị các trường hợp bệnh ngoài da do nhiễm các loài nấm gây bệnh khác nhau và cũng có tác dụng trên Trichomonas, Staphylococcus và Bacteroides.
Citalopram STADA
Bệnh nhân đái tháo đường, động kinh không ổn định tránh dùng, động kinh đã được kiểm soát, có nhịp tim chậm đáng kể, gần đây có nhồi máu cơ tim cấp.
Amebismo
Trẻ em và người lớn dưới 18 tuổi đang có hoặc vừa lành bệnh thủy đậu hoặc cúm, không nên sử dụng thuốc này để điều trị buồn nôn và nôn.
Cytarabin
Cytarabin (Ara - C), chất tương tự desoxycytosin nucleosid là một chất chống chuyển hóa. Cytarabin có tác dụng hóa trị liệu chống ung thư thông qua cơ chế đặc hiệu đối với pha S của quá trình phân chia tế bào hoạt động.
Cyclogest: thuốc điều trị dọa sẩy thai và sẩy thai
Cyclogest chỉ định điều trị dọa sẩy thai và sẩy thai liên tiếp. Hỗ trợ pha hoàng thể ở phụ nữ hiếm muộn và thụ tinh trong ống nghiệm. Hội chứng tiền kinh bao gồm khó chịu tiền kinh nguyệt và trầm cảm. Trầm cảm sau sinh.
Cyproheptadine: thuốc kháng histamine
Cyproheptadine là một loại thuốc kháng histamine được sử dụng để điều trị hắt hơi, ngứa, chảy nước mắt, chảy nước mũi và các triệu chứng khác của dị ứng.
Clopidogrel: thuốc ức chế kết tập tiểu cầu
Clopidogrel là một chất ức chế thụ thể adenosin diphosphat, chất chuyển hóa có hoạt tính của clopidogrel gắn chọn lọc và không cạnh tranh với ái lực thấp vào vị trí P2Y12 của thụ thể ADP trên bề mặt tiểu cầu
Children's Tylenol
Thận trọng không vượt quá liều quy định, Phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven Johnson, hội chứng hoại tử da nhiễm độc hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính.
Cefixime MKP: thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ 3
Cefixime là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, được dùng theo đường uống. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn. Cơ chế diệt khuẩn của cefixime: gắn vào các protein đích (protein gắn penicillin) gây ức chế quá trình tổng hợp mucopeptide ở thành tế bào vi khuẩn.
Cinacalcet: thuốc điều trị triệu chứng cường cận giáp
Cinacalcet là một loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị các triệu chứng của cường cận giáp nguyên phát, cường cận giáp thứ phát và ung thư biểu mô tuyến cận giáp.
Chlorpromazin hydrochlorid
Clorpromazin là một dẫn chất của phenothiazin với tác dụng chính là hướng thần, ngoài ra, thuốc có tác dụng an thần, chống nôn, kháng histamin và kháng serotonin.
Cromolyn
Cromolyn có tác dụng bảo vệ dưỡng bào (mastocyte) khỏi các phản ứng kết hợp kháng nguyên - kháng thể typ IgE gây ra và ngăn không cho giải phóng các chất trung gian phản vệ như histamin, leucotrien.
Cetaphil Pro Ad Derma: sữa tắm trị ngứa
Sữa tắm Cetaphil Pro Ad Derma dùng tắm cho da bị chàm thể tạng, eczema, ngứa, da khô, da cơ đia, da nhạy cảm, vảy cá, đỏ da, vẩy nến, bỏng nắng, viêm da dị ứng, chàm tiếp xúc. Thích hợp cho bé từ 3 tháng tuổi.
Chlorpropamid
Clorpropamid gây giảm đường huyết chủ yếu do kích thích tế bào beta tuyến tụy tiết insulin nội sinh. Giống như các sulfonylurê khác, clorpropamid chỉ có tác dụng khi tế bào beta còn một phần hoạt động.
Codalgin: thuốc giảm đau hạ sốt
Codalgin: Giảm đau tạm thời và khó chịu liên quan đến đau nửa đầu, đau tai, đau theo thời kỳ và đau khớp. Giảm sốt. Codalgin Forte: Giảm đau trung bình đến nặng mà không đáp ứng với thuốc giảm đau nhẹ hơn.
Cerebrolysin
Cerebrolysin là một thuốc thuộc nhóm dinh dưỡng thần kinh, bao gồm các acide amine và peptide có hoạt tính sinh học cao, tác động lên não theo nhiều cơ chế khác nhau.
Calcium Sandoz Injectable
Calcium Sandoz Injectable! Khi dùng liệu pháp canxi liều cao cần phải kiểm tra chặt chẽ canxi huyết và canxi niệu, nhất là ở trẻ em và bệnh nhân đang sử dụng vitamin D.
Celosti 200: thuốc chống viêm không steroid
Celosti với hoạt chất celecoxib, là một thuốc chống viêm không steroid, ức chế chọn lọc COX-2, có tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ sốt. Celecoxib ức chế tổng hợp prostaglandin, làm giảm tạo thành các tiền chất của prostaglandin.
Capsicum: thuốc điều trị đau
Capsicum là một chất bổ sung thảo dược được sử dụng để điều trị đau sau herpes, các vấn đề về tuần hoàn, rối loạn đông máu, tiêu chảy, các vấn đề tiêu hóa, đau cơ xơ hóa, bệnh tim, đau dây thần kinh, bệnh thần kinh, hội chứng đau.
Colchicine STADA: thuốc chữa bệnh gút và kháng viêm
Colchicine không phải là một thuốc giảm đau, mặc dù thuốc có tác dụng giảm đau trong cơn gút cấp. Colchicine không phải là một tác nhân gây uric niệu và không ngăn ngừa sự tiến triển bệnh gút thành chứng viêm khớp gút mạn tính.
Co Diovan: thuốc hạ huyết áp phối hợp
Co-Diovan được sử dụng để điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân huyết áp không được kiểm soát đúng mức khi điều trị bằng phương pháp đơn trị liệu. Có thể được sử dụng như điều trị khởi đầu ở những bệnh nhân có thể cần dùng nhiều thuốc để đạt được mục tiêu huyết áp.
Carbotenol: thuốc điều trị ung thư
Carbotenol có tác dụng độc tế bào, chống ung thư và thuộc loại chất alkyl hóa. Carboplatin tạo thành liên kết chéo ở trong cùng một sợi hoặc giữa hai sợi của phân tử ADN, làm thay đổi cấu trúc của ADN, nên ức chế tổng hợp ADN.
Cranberry: thuốc phòng nhiễm trùng đường tiết niệu
Cranberry phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, khử mùi đường tiết niệu, để điều trị bệnh tiểu đường loại 2, hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh còi, viêm màng phổi, như một loại thuốc lợi tiểu, sát trùng, hạ sốt và điều trị ung thư.
Cangrelor: thuốc sử dụng trong can thiệp mạch vành qua da
Cangrelor được sử dụng trong can thiệp mạch vành qua da để giảm nguy cơ đau tim, tái thông mạch vành và huyết khối trong stent ở những bệnh nhân chưa được điều trị bằng thuốc ức chế tiểu cầu P2Y12 khác.
Clarinase Repetab
Clarinase Repetab! Loratadine là một kháng histamine ba vòng mạnh có tác dụng kéo dài với tác động đối kháng chọn lọc trên thụ thể H1 ngoại vi.