Cefalotin

2011-05-10 09:20 PM

Cefalotin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1, cefalotin có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ngăn cản sự phát triển và phân chia vi khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Tên chung quốc tế: Cefalotin.

Loại thuốc: Thuốc tiêm kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1.

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc tiêm là dạng cefalotin natri. Liều được biểu thị theo số lượng tương đương của cefalotin. 1,06 g cefalotin natri tương đương với 1 g cefalotin. 1 gam cefalotin natri tương ứng với 2,39 milimol natri.

Bột vô khuẩn pha tiêm: Mỗi lọ chứa cefalotin natri tương đương với 1 g cefalotin và 30 mg natri bicarbonat, hoặc chứa cefalotin natri tương đương với 2 g cefalotin và 60 mg natri bicarbonat.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Cefalotin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1, cefalotin có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ngăn cản sự phát triển và phân chia vi khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Cefalotin dùng theo đường tiêm, có hoạt tính mạnh trên các cầu khuẩn Gram dương. Thuốc có tác dụng tốt trên các trực khuẩn Gram dương và có tác dụng trung bình trên các vi khuẩn đường ruột Gram âm.

Các cầu khuẩn Gram dương nhạy cảm bao gồm các chủng Staphylococcus tiết và không tiết penicilinase. Tuy nhiên, các chủng Staphylococcus kháng methicilin bị coi là luôn luôn kháng các cephalosporin. Phần lớn các chủng Streptococcus nhạy cảm với cefalotin, nhưng thuốc không có tác dụng trên Streptococcus pneumoniae kháng penicilin.

Các chủng Enterococcus cũng thường kháng cefalotin.

Theo số liệu ASTS (Antibiotics Sensitivity Testing Studies) 1996, 1997. S. aureus có mức nhạy cảm với cefalotin từ 72 - 94% và mức kháng từ 2 - 17%, S. epidermidis có mức nhạy cảm với cefalotin khoảng 89% và kháng khoảng 8%. Các chủng Streptococcus tan máu beta nhóm A có mức nhạy cảm với cefalotin từ 66 - 83% và mức kháng từ 8 - 18%. Tuy nhiên, mức độ nhạy cảm của chủng này biểu thị rất khác nhau giữa các địa phương, khi so sánh giữa các bệnh viện. Streptococcus pneumoniae có mức nhạy cảm với cefalotin từ 70 - 99% với mức kháng từ 1 - 17%.

Haemophilus influenzae thường giảm nhạy cảm. Cefalotin giảm hoạt tính trên một số Enterobacteriaceae, bao gồm các chủng Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis. Proteus indol dương tính, một số Enterobacter spp., Pseudomonas aeruginosa và Bacteroides kháng cefalotin.

Theo số liệu ASTS 1996, 1997, những chủng Gram âm sau đây đã tăng kháng cefalotin:

Escherichia coli kháng cefalotin với tỷ lệ chung 53% trên toàn quốc (78% ở miền nam, 61% ở các tỉnh miền trung và 46% ở Bệnh viện Bạch mai). Klebsiella pneumoniae cũng kháng cefalotin với tỷ lệ chung 66% trên toàn quốc. Proteus mirabilis cũng kháng cefalotin với tỷ lệ cao khoảng 66% ở Bệnh viện Việt Nam - Cuba Hà Nội (1994 - 1995) và 65% ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh (1992 - 1996). H. influenzae vẫn còn khá nhạy cảm với cefalotin với tỷ lệ từ 88 - 90% và kháng với tỷ lệ từ 5 - 10% ở Bệnh viện Thái Nguyên (1992 - 1994) và bệnh viện huyện Quảng Xương Thanh Hóa (1991 - 1993); tỷ lệ kháng của chủng này tăng lên đến 18% ở Bệnh viện Trung ương Huế
(1988 - 1991) và 22% ở Bệnh viện đa khoa Yên Bái (1993 - 1995).

Do tình hình kháng kháng sinh đã nói ở trên, Chương trình ASTS đã khuyến cáo việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn phải dựa vào kháng sinh đồ của từng chủng và phải dùng phối hợp các kháng sinh để có thể ngăn cản được sự phát triển tính kháng thuốc của vi khuẩn.

Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của cefalotin đối với các cầu khuẩn Gram dương nhạy cảm nằm trong khoảng từ 0,1 - 1 microgam/ml. Phần lớn các vi khuẩn Gram âm nhạy cảm thường cần phải có nồng độ từ 1 đến 16 microgam/ml.

Dược động học

Cefalotin được hấp thu kém ở đường tiêu hóa, nên phải tiêm. Sau khi tiêm bắp các liều 0,5 g và 1 g, trong vòng 30 phút sẽ đạt được nồng độ đỉnh huyết tương tương ứng là 10 microgam và 20 microgam/ml. Tiêm tĩnh mạch liều 1 g sẽ có nồng độ đỉnh huyết tương 30 microgam/ml sau 15 phút. Tiêm truyền liên tục 500 mg/giờ sẽ có nồng độ đỉnh huyết tương từ 14 đến 20 microgam/ml. Truyền tĩnh mạch liều 2 g trong 30 phút, nồng độ đỉnh huyết tương khoảng 90 microgam/ml trong vòng 30 phút sau khi truyền. Tiêm truyền có hiệu quả hơn tiêm bắp vì quan trọng là nồng độ đỉnh đạt được cao hơn nồng độ tối thiểu ức chế vi khuẩn.

Cefalotin phân bố rộng khắp trong các mô và dịch của cơ thể, trừ não và dịch não tủy có nồng độ thấp và không thể dự đoán được. Thể tích phân bố của cefalotin là 18 lít/1,73 m2 diện tích cơ thể. Cefalotin đạt nồng độ có thể đo được trong dịch màng phổi, nhãn phòng, mật, khớp và mô xương. Cefalotin qua hàng rào nhau thai vào tuần hoàn thai nhi và có nồng độ thấp trong sữa mẹ. Nửa đời trong huyết tương dao động từ 30 đến 50 phút, nhưng có thể kéo dài hơn ở người suy thận, nhất là đối với chất chuyển hóa. Khoảng 70% cefalotin trong tuần hoàn gắn kết với protein huyết tương.

Khoảng 20 - 30% cefalotin nhanh chóng bị khử acetyl trong gan và khoảng 60 - 70% liều dùng được bài tiết trong nước tiểu qua ống thận trong 6 giờ dưới dạng cefalotin và chất chuyển hóa desacetylcefalotin tương đối không hoạt tính. Sau khi tiêm bắp các liều 0,5 và 1 g, cefalotin có nồng độ tương ứng cao trong nước tiểu là 0,8 mg và 2,5 mg/ml. Probenecid ngăn chặn sự bài tiết của cefalotin ở thận. Cefalotin bài tiết ở mật với số lượng rất ít.

Chỉ định

Cefalotin được coi là thuốc lựa chọn thứ hai để điều trị các nhiễm khuẩn có biến chứng. Thường được dùng để điều trị thay thế penicilin, trong các nhiễm khuẩn do cầu khuẩn Gram dương và trực khuẩn Gram dương nhạy cảm.

Cefalotin được chỉ định trong nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, viêm xương - tủy và các thể nhiễm khuẩn nặng khác.

Các chỉ định khác: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng, như viêm thận - bể thận cấp và mạn tính, viêm bàng quang nặng tái phát; nhiễm khuẩn đường hô hấp, như viêm phổi nặng do vi khuẩn, viêm phế quản - phổi, áp xe phổi; nhiễm khuẩn ngoại khoa, như áp xe bụng, áp xe màng bụng, nhiễm khuẩn sau phẫu thuật; các nhiễm khuẩn khác: Viêm mủ màng phổi, nhiễm khuẩn nặng đường ruột.

Lưu ý: Cần tiến hành nuôi cấy và thử nghiệm tính nhạy cảm của vi khuẩn trước và trong khi điều trị. Cần xét nghiệm chức năng thận khi có chỉ định.

Chống chỉ định

Cefalotin chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin.

Thận trọng

Vì đã thấy có phản ứng quá mẫn chéo (bao gồm sốc phản vệ) giữa những người bệnh dị ứng với các kháng sinh nhóm beta - lactam, nên phải rất thận trọng và sẵn sàng điều trị sốc phản vệ khi dùng cefalotin cho người trước đây đã bị dị ứng với penicilin. Tuy nhiên, cefalotin phản ứng quá mẫn chéo với penicilin có tỷ lệ thấp.

Thận trọng khi dùng cefalotin cho người suy thận: Có thể phải giảm liều. Dùng kết hợp với gentamicin và các aminoglycosid khác có nguy cơ tăng nhiễm độc thận. Cần theo dõi chức năng thận và thời gian đông máu, nhất là trong thời gian điều trị cefalotin dài ngày và liều cao.

Dùng cefalotin dài ngày có thể làm phát triển quá mức các chủng không nhạy cảm. Cần theo dõi người bệnh cẩn thận. Nếu bị bội nhiễm, phải ngừng thuốc.

Ðã có thông báo viêm đại tràng màng giả khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng, vì vậy cần phải quan tâm chẩn đoán bệnh này và điều trị bằng metronidazol cho người bị ỉa chảy nặng liên quan tới sử dụng kháng sinh.

Thời kỳ mang thai

Cefalotin được dùng ở mọi giai đoạn mang thai và thường được xem là sử dụng an toàn trong khi mang thai.

Không có thông báo nào về mối liên quan giữa sử dụng cefalotin với các khuyết tật bẩm sinh hoặc độc tính trên trẻ sơ sinh.

Thời kỳ cho con bú

Cefalotin bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ thấp. Nồng độ này không có tác động trên trẻ đang bú sữa mẹ, nhưng cần quan tâm khi thấy trẻ bị ỉa chảy, tưa và nổi ban.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Ban da và đau tại chỗ tiêm là những ADR thường gặp nhất.

Thường gặp, ADR > 1/100

Toàn thân: Ðau tại chỗ tiêm bắp, đôi khi bị chai cứng.

Tiêu hóa: Ỉa chảy.

Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, biến chứng chảy máu.

Da: Ban da dạng sần.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Toàn thân: Sốt.

Da: Nổi mày đay.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Toàn thân: Phản ứng giống bệnh huyết thanh và phản vệ.

Máu: Giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu, thử nghiệm Coombs dương tính.

Tiêu hóa: Viêm đại tràng màng giả, buồn nôn và nôn.

Thận: Nhiễm độc thận có tăng tạm thời urê huyết/creatinin, viêm thận kẽ.

Gan: Vàng da ứ mật, tăng nhẹ AST, ALT.

Khác: Ðau khớp và bệnh nấm Candida.

ADR có thể có liên quan tới liều cao: Cơn co giật và những dấu hiệu nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, đặc biệt ở người suy thận; viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm truyền tĩnh mạch.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Với người suy thận, có thể phải giảm liều dùng (xin đọc mục "Liều lượng").

Cần theo dõi chức năng thận và thời gian đông máu, nhất là khi điều trị dài ngày và liều cao. Ngừng cefalotin trong trường hợp dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (duy trì thông khí và sử dụng epinephrin, oxygen, tiêm tĩnh mạch glucocorticosteroid). Các trường hợp bị viêm đại tràng màng giả thể nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Các trường hợp vừa và nặng, cần dùng các dịch và các chất điện giải, bổ sung protein và điều trị bằng thuốc kháng khuẩn có hiệu lực với C. difficile (dùng metronidazol, không dùng vancomycin).

Liều lượng và cách dùng

Người lớn: Liều thông thường tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch: 500 mg đến 1 g, cách nhau 4 - 6 giờ/lần tùy theo mức độ nhiễm khuẩn. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng, nên dùng liều 2 g tiêm tĩnh mạch, 4 lần/ngày. Nếu bệnh đe dọa gây tử vong, có thể tăng liều đến 12 g/ngày (2 g, cách nhau 4 giờ 1 lần).

Trẻ em: Liều thông thường 80 - 160 mg/kg/ngày chia làm 3 - 4 lần.

Người lớn bị suy thận: Liều khởi đầu là 1 - 2 g tiêm tĩnh mạch. Sau đó chỉnh liều tiếp theo tùy theo độ thanh thải creatinin của người bệnh.

Dự phòng trong phẫu thuật nhiễm khuẩn hoặc có tiềm năng nhiễm khuẩn:

Người lớn: Liều thông thường 1 - 2 g tiêm tĩnh mạch 30 - 60 phút trước khi phẫu thuật và 1 - 2 g cách 6 giờ 1 lần sau phẫu thuật. Ðối với phẫu thuật kéo dài, có thể cho trong khi phẫu thuật 1 - 2 g.

Trẻ em: 20 - 30 mg/kg cùng khoảng thời gian như ở người lớn. Dự phòng thường ngừng trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật.

Tiêm tĩnh mạch: Hòa tan 1 g cefalotin trong 10 ml dung dịch natri clorid 0,9%, hoặc 10 ml glucose tiêm 5%, hoặc 10 ml nước cất tiêm. Tiêm từ từ liều 1 g cefalotin trong thời gian ít nhất 5 phút. Viêm tắc tĩnh mạch thường xảy ra khi tiêm tĩnh mạch cefalotin với liều cao hơn 6 g mỗi ngày, kéo dài quá 3 ngày.

Tiêm truyền không liên tục: Cách dùng này cho nồng độ huyết thanh rất cao và có hiệu quả. Liều thích hợp trong 24 giờ là 8 - 12 g, mỗi lần tiêm truyền 2 g, 4 lần hoặc 6 lần/ngày. Hòa tan 2 g cefalotin trong 100 ml dung dịch natri clorid tiêm 0,9% hoặc 100 ml glucose tiêm 5%. Nên tiêm truyền thể tích này trong thời gian từ 30 đến 50 phút.

Tiêm bắp: Hòa tan lọ thuốc 1 g trong 4 ml nước cất tiêm. Chia thể tích này thành 2 liều tiêm bắp, mỗi liều là 0,5 g cefalotin trong 2,2 ml; cần tiêm bắp sâu.

Tương tác thuốc

Cefalotin có thể gây trở ngại cho việc đo nồng độ creatinin theo phương pháp Jaffé và có thể cho giá trị cao giả tạo; nên nhớ điều này khi kiểm tra chức năng thận. Cefalotin cũng cho kết quả thử nghiệm Coombs trực tiếp dương tính giả và có thể gây trở ngại cho phản ứng máu chéo. Nước tiểu của người bệnh điều trị bằng cefalotin có thể cho phản ứng glucose dương tính giả với phản ứng khử đồng.

Dùng đồng thời với thuốc gây độc thận, như kháng sinh aminoglycosid (gentamicin) có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Cũng có chứng cứ tăng nhiễm độc thận khi dùng với một thuốc lợi tiểu quai như furosemid, nhưng không thể hiện chắc chắn như furosemid với cefaloridin. Probenecid ức chế bài tiết efalotin ở thận. Có thể có sự đối kháng giữa cefalotin và các chất kìm khuẩn.

Ðộ ổn định và bảo quản

Dung dịch đã pha ổn định trong thời gian từ 12 - 24 giờ ở nhiệt độ phòng và để được 96 giờ nếu bảo quản trong tủ lạnh; dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch trong natri clorid tiêm 0,9% hoặc glucose tiêm 5% ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng, ổn định trong 96 giờ trong tủ lạnh hoặc ổn định trong 12 tuần nếu làm đóng băng; sau khi làm đóng băng, dung dịch tan băng có thể ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 96 giờ trong tủ lạnh.

Tương kỵ

Ðã thấy cefalotin tương kỵ với aminoglycosid và nhiều chất khác. Không trộn lẫn cefalotin và aminoglycosid trong cùng lọ/túi. Tủa có thể xảy ra ở dung dịch pH dưới 5.

Quá liều và xử trí

Các triệu chứng quá liều bao gồm phản ứng quá mẫn thần kinh cơ, co giật, đặc biệt ở người suy thận.

Xử trí quá liều cần cân nhắc đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, sự tương tác thuốc và dược động học bất thường của người bệnh.

Nếu có co giật, ngừng ngay thuốc và có thể dùng liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định về lâm sàng. Bảo vệ đường hô hấp, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Theo dõi cẩn thận và duy trì trong phạm vi cho phép các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, các khí trong máu, các chất điện giải trong huyết thanh v.v... Nếu gặp quá liều trầm trọng, đặc biệt ở người suy thận, có thể phối hợp thẩm tách máu và truyền máu, nếu điều trị bảo tồn bị thất bại. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu có giá trị chứng minh cách điều trị này.

Thông tin qui chế

Cefalotin phải kê đơn và bán theo đơn.

Bài viết cùng chuyên mục

Cefuroxime: thuốc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn

Cefuroxime điều trị các triệu chứng của nhiễm trùng do vi khuẩn ở tai, mũi, họng, phổi, da, xương, khớp, bàng quang hoặc thận cũng như bệnh lậu, viêm màng não, nhiễm trùng huyết hoặc bệnh Lyme giai đoạn đầu.

Cholestyramine: thuốc điều trị tăng lipid máu

Cholestyramine là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị tăng lipid máu. Cholestyramine có sẵn dưới các tên thương hiệu khác như Prevalite, Questran, Questran Light, LoCholest.

CoverDerm: kem chống nắng giúp bảo vệ da mặt

Kem chống nắng SPF 60 giúp kéo dài khả năng bảo vệ da mặt trong ngày dưới ánh mặt trời chỉ một lần bôi. Bôi trước 15-30 phút trước khi chuẩn bị đi ra ngoài.

Cetirizin hydrochlorid

Nồng độ đỉnh trong máu ở mức 0,3 microgam/ml sau 30 đến 60 phút khi uống 1 liều 10 mg. Nửa đời huyết tương xấp xỉ 11 giờ. Hấp thu thuốc không thay đổi giữa các cá thể.

Cancetil

Hạ huyết áp có thể xảy ra trong quá trình điều trị ở người suy tim/tăng huyết áp kèm giảm thể tích nội mạch/đang dùng thuốc lợi tiểu liều cao, thận trọng khi bắt đầu trị liệu và điều chỉnh tình trạng giảm thể tích.

Concerta

Chống chỉ định. Bệnh nhân lo âu, căng thẳng, bối rối rõ rệt. Được biết quá mẫn với thành phần thuốc. Tăng nhãn áp. Tiền sử gia đình hoặc chẩn đoán có h/c Tourette. Đang điều trị IMAO & trong vòng ít nhất 14 ngày dừng IMAO.

Carbamazepine: thuốc chống co giật và chống động kinh

Carbamazepine được sử dụng để ngăn ngừa và kiểm soát các cơn co giật. Thuốc này được biết đến như một loại thuốc chống co giật hoặc chống động kinh. Nó cũng được sử dụng để giảm một số loại đau dây thần kinh.

Calcipotriol: thuốc điều trị vảy nến, dẫn chất vitamin D3

Calcipotriol là một dẫn chất tổng hợp của vitamin D3, có tác dụng điều trị vảy nến, cơ chế tác dụng chính xác đối với bệnh vảy nến của calcipotriol chưa được hiểu đầy đủ.

Carduran

Carduran! Doxazosin có tác dụng giãn mạch thông qua hoạt động ức chế chọn lọc và cạnh tranh ở vị trí sau khớp a 1-adrenoceptor.

Citilin: thuốc bổ thần kinh

Citicolin hoạt hóa sự sinh tổng hợp của cấu trúc phospholipids trong màng tế bào thần kinh, làm tăng sự chuyển hóa não và tăng mức độ của nhiều chất dẫn truyền thần kinh kể cả acetylcholin và dopamin.

Cododamed/Egzysta: thuốc giảm đau thần kinh

Cododamed/Egzysta ngăn ngừa đau liên quan tới hoạt động với đau thần kinh hoặc đau sau phẫu thuật, bao gồm tăng cảm giác đau và đau do kích thích.

Canzeal: thuốc điều trị bệnh đái tháo đường

Canzeal điều trị đái tháo đường týp 2 khi áp dụng các biện pháp khác như tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng. giảm trọng lượng trong trường hợp thừa cân, luyện tập thể dục mà không đem lại kết quả mong muốn.

Carvedilol

Carvedilol là một hỗn hợp racemic có tác dụng chẹn không chọn lọc thụ thể beta - adrenergic nhưng có tác dụng chẹn chọn lọc alpha1 - adrenergic.

Combilipid peri injection

Phân tử chất béo ngoại sinh sẽ bị thủy phân phần lớn trong vòng tuần hoàn và bị giữ lại bởi các receptor của LDL ngoại vi và ở gan. Tốc độ phân giải tùy thuộc vào công thức phân tử của chất béo, tình trạng bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng và tốc độ truyền.

Ceftriaxone Panpharma: thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin

Ceftriaxone Panpharma điều trị nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm gây ra, nhất là viêm màng não, ngoại trừ do Listeria monocytogenes. Bệnh Lyme. Dự phòng nhiễm khuẩn hậu phẫu. Nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp dưới, đường tiết niệu.

Cloderm: thuốc kháng viêm chống ngứa và co mạch

Cloderm có tác dụng kháng viêm, chống ngứa và co mạch. Khi dùng tại chỗ, đặc biệt là dưới lớp băng ép hoặc khi bôi lên vết thương hở, thuốc có thể hấp thu lượng đủ để gây tác động toàn thân.

Chirocaine

Chống chỉ định. Mẫn cảm với thuốc gây tê nhóm amide. Không dùng tiêm tĩnh mạch, phong bế quanh vùng chậu trong sản khoa. Bệnh nhân giảm HA trầm trọng như shock do bệnh lý tim mạch hay do giảm oxy huyết.

Cortisone: thuốc điều trị viêm và dị ứng

Cortisone là một loại thuốc kê đơn và là một hormone corticosteroid (glucocorticoid). Nó làm giảm phản ứng phòng thủ tự nhiên của cơ thể và giảm các triệu chứng như sưng tấy và các phản ứng dạng dị ứng.

Clamisel

Nhiễm trùng hô hấp mắc phải trong cộng đồng, chống lại các tác nhân gây viêm phổi không điển hình. Phối hợp omeprazol điều trị tiệt căn loét dạ dày tá tràng do H. pylori.

Clioquinol: thuốc kháng nấm, dùng ngoài

Clioquinol là một dẫn chất của 8 hydroxyquinolin đã được halogen hoá, có tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn phổ rộng, cơ chế kháng khuẩn là do sự oxy hóa và giải phóng ra iod tự do của thuốc

Colestipol: thuốc điều trị tăng lipid máu (cholesterol cao)

Colestipol là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh tăng lipid máu (cholesterol cao). Colestipol có sẵn dưới các tên thương hiệu khác như Colestid.

Ciprobay viên nén: kháng sinh diệt vi khuẩn gram âm và gram dương

Sau uống liều đơn viên nén Ciprobay được hấp thu nhanh và hoàn toàn, chủ yếu tại ruột non và đạt nồng độ tối đa trong máu sau 1-2 giờ. Sinh khả dụng tuyệt đối đạt khoảng 70-80%. Nồng độ tối đa trong huyết tương và tổng diện tích dưới đường cong tăng tương ứng với liều dùng.

Cefimed: thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3

Cefimed là kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3 dùng đường uống. Cefixim là một cephem ester với nhóm ethyl ở vị trí 3' và nhóm carboxyl thêm vào nhóm iminomethoxy ở vị trí acyl-7.

Capreomycin

Capreomycin là kháng sinh polypeptid, chiết xuất từ Streptomyces capreolus, có tác dụng kìm khuẩn.

Cefubi-100 DT: thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ 3

Cefubi-100 DT ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn nhờ sự acyl hóa các enzym transpeptidase gắn kết màng; điều này ngăn ngừa sự liên kết chéo của các chuỗi peptidoglycan cần thiết cho độ mạnh và độ bền của tế bào vi khuẩn.