Phương pháp khám tai

2012-11-08 12:00 AM

Dùng ngón tay cái ấn vào những điểm kinh điển như: hang chũm, mỏm chũm, bờ chũm, nắp tai để tìm điểm đau. Chú ý hiện tượng nhăn mặt khi ta ấn vào tai bệnh.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Hỏi bệnh

Khai thác những triệu chứng sau đây: đau tai, giảm thính lực, ù tai, chảy tai, chóng mặt và liệt mặt.

Thời gian xuất hiện, diễn biến, liên quan của các triệu chứng với nhau, với toàn thân với các cơ quan khác. Những triệu chứng chức năng như: đau, nghe kém, ù tai, chóng mặt mà bệnh nhân kể, cần phân tích xem có đúng không? vì bệnh nhân có thể dùng những từ không đồng nghĩa với thầy thuốc. Ví dụ: có những bệnh nhân kêu là chóng mặt nhưng khi hỏi kỹ thế nào là chóng mặt, thì họ kể rằng mỗi khi đứng dậy nhanh thì tối sầm mắt kèm theo nảy đom đóm mắt. Chúng ta gọi hiện tượng này là hoa mắt chứ không phải chóng mặt.

Ngoài ra chúng ta phải tìm hiểu thêm về các hiện tượng bệnh lý ở những cơ quan khác như: tim, mạch máu, phổi, đường tiêu hoá... tất cả các triệu chứng đó sẽ giúp chúng ta nhiều trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Tình trạng toàn thân của người bệnh: tình trạng nhiễm khuẩn, thể trạng suy nhược.

Đã điều trị thuốc gì chưa? phương pháp điều trị trước đây, đã mổ chưa? ai là người mổ, mổ ở đâu? ...

Các rối loạn của cơ quan khác như: thần kinh, tiêu hoá (hỏi bệnh nhân xem có rối loạn tiêu hoá, có bị thấp khớp không? Những bệnh toàn thân có ảnh hưởng đến một số hiện tượng như: ù tai, nghe kém, chóng mặt...

Hỏi về tiền sử: cần hỏi về tiền sử cá nhân, gia đình, các yếu tố sinh hoạt, nghề nghiệp, thói quen như: hút thuốc lá, uống rượu, dị ứng thuốc, đẻ non...

Thăm khám thực thể

Dụng cụ khám tai

Đèn Clar.

Gương trán.

Loa soi tai (Speculum) các cỡ.

Móc ráy.

Âm thoa.

Ống soi tai Siègle.

Tăm bông.

Nỉa khuỷu.

Bóng bơm không khí…

Khám bên ngoài

Quan sát và phát hiện những biến đổi về hình thái của da, các biến dạng ở vành tai (do bẩm sinh), những trường hợp viêm hạch do mụn nhọt hay rò xương chũm. Chúng ta quan sát vành tai, cửa tai xem da ở trước tai và sau tai.

Sờ nắn vùng chũm, vành tai để biết được điểm đau và chỗ sưng phân biệt viêm ống tai ngoài đơn thuần, tiên lượng tốt hơn so với viêm xương chũm.

Dùng ngón tay cái ấn vào những điểm kinh điển như: hang chũm, mỏm chũm, bờ chũm, nắp tai để tìm điểm đau. Chú ý hiện tượng nhăn mặt khi ta ấn vào tai bệnh.

Đối với trẻ nhỏ chúng ta không nên dựa hoàn toàn vào sự trả lời của bệnh nhi vì sờ vào chỗ nào cũng kêu đau hoặc khóc thét lên. Trái lại chúng ta đánh giá cao hiện tượng nhăn mặt vì đau khi chúng ta ấn vào tai bệnh.

Tay sờ giúp chúng ta phát hiện sự đóng bánh ở sau tai hoặc sưng hạch ở trước tai.

Tìm dấu hiệu phản ứng của xương chũm.

Soi tai và màng nhĩ

Tư thế bệnh nhân

Nếu soi tai trẻ nhỏ, nên cho đi tiểu trước khi khám, người phụ bế trẻ trên lòng. Nếu trẻ quấy khóc, dãy dụa, cuộn trẻ vào một khăn to, một người giữ đầu, một người giữ vai và tay và một người giữ chi dưới. Hoặc người mẹ phải bế em bé trên đùi và ôm ghì em bé vào ngực để giảm sự sợ hãi và dãy dụa.

Nếu bệnh nhân là người lớn để họ ngồi đối diện với thầy thuốc. Bệnh nhân quay đầu, hướng tai được khám đối diện với thầy thuốc, chú ý khám tai tốt trước, tai bệnh sau.

Sử dụng ống soi tai

Thầy thuốc đầu đội đèn Clar hoặc gương trán tập trung ánh sáng vào cửa tai. Một tay cầm phía trên vành tai kéo nhẹ lên phía trên và ra sau. Tay kia cầm loa soi tai bằng hai ngón cái và trỏ, đưa nhẹ và hơi xoay ống soi vào trong và chọn ống soi tai vừa cỡ với ống tai.

Nên hơ ấm dụng cụ (mùa lạnh) trước khi cho vào tai. Khi đặt ống soi tai không nên đẩy thẳng từ ngoài vào trong mà phải theo chiều cong của ống tai, tránh làm tổn thương thành ống tai.

Nếu có ráy hoặc mủ ống tai thì phải lấy ráy hoặc lau sạch mủ rồi mới khám.

Muốn thấy phần trên của màng nhĩ cần phải hướng loa soi tai về phía trên và phía trước.

Quan sát từ ngoài vào trong

Xem ống tai ngoài có lỗ rò, nhọt, loét, xước da, dị vật hay nút ráy không?

Khám màng nhĩ: phải biết được hình dạng, màu sắc, độ nghiêng của màng nhĩ, hình dạng các mốc giải phẫu, độ lõm, độ phồng, có thủng, có rách không? để chẩn đoán viêm tai giữa.

Hình ảnh màng nhĩ bình thường: màng nhĩ hình trái xoan, màu trắng bóng như vỏ củ tỏi. Ở người lớn màng nhĩ nghiêng về phía ngoài 45o so với trục đứng của ống tai ngoài. Ở hài nhi góc này lên trên 60o. Do vậy nên màng nhĩ rất khó xem ở loại bệnh nhân này.

Người ta chia màng nhĩ làm 2 phần, màng căng và màng chùng. Ranh giới giữa 2 màng là dây chằng nhĩ búa trước và dây chăng nhĩ búa sau. Giữa màng căng thấy có điểm lõm, đó là rốn màng nhĩ tương xứng với cực dưới của cán búa. Cán búa là 1 cái gờ dọc đi từ bờ trên của màng căng xuống đến rốn màng nhĩ, nó hơi nghiêng về phía trước khoảng 15o. Ở cực trên của cán búa có 1 điểm lồi bằng đầu kim ghim, được gọi là mấu ngắn của xương búa. Về phía dưới và trước của màng nhĩ có 1 vùng sáng hình tam giác. Đó là sự phản chiếu ánh đèn do mặt bóng của màng nhĩ (gọi là nón sáng). Màng chùng bắt đầu từ phía trên dây chằng nhĩ búa, màng nhĩ ở đây màu hồng, dễ nhầm lẫn với da của ống tai. Màng chùng còn được gọi là màng Shrapnell và ngăn cách thượng nhĩ với ống tai ngoài.

Trong khi khám màng nhĩ chúng ta nên bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và nuốt nước bọt (nghiệm pháp Toyenbée) để xem màng nhĩ có di động không? Chúng ta có thể thay thế nghiệm pháp này bằng cách bơm không khí vào ống tai với ống soi tai Siègle và quan sát sự di động của màng nhĩ.

Các mốc giải phẫu

Mấu ngắn xương búa: nhỏ bằng đầu đinh ghim, lồi lên và lộ ra qua màng nhĩ.

Cán xương búa: là một nếp trắng, đi xuống dưới và ra sau tới giữa màng căng.

Tam giác sáng: từ trung tâm màng nhĩ ta thấy hiện lên một vùng sáng do sự phản chiếu ánh sáng lên mặt của màng nhĩ.

Dây chằng nhĩ búa trước và sau: đi từ mấu ngắn xương búa ngang ra phía trước và phía sau.

Màng chùng: ở trên mấu ngắn xương búa và dây chằng nhĩ búa (màng Shrapnell).

Màng căng: dưới màng chùng.

Trong trường hợp tai bị bệnh chúng ta sẽ thấy sự thay đổi màu sắc, độ bóng, độ nghiêng của màng nhĩ. Trong trường hợp tai giữa có mủ thì màng nhĩ sẽ bị đẩy lồi ra ngoài. Sự vắng mặt của tam giác sáng và của những nếp gờ sẽ nói lên màng nhĩ bị phù nề. Màng nhĩ cũng có thể bị thủng hoặc có những sẹo mỏng, sẹo dầy, sẹo dính, sẹo vôi hoá.

Nếu màng nhĩ thủng cần xem kỹ lỗ thủng, ở màng căng hay màng chùng, hình thái lỗ thủng, một lỗ hay nhiều lỗ, kích thước và có sát khung xương không? bờ lỗ thủng có nhẵn hay nham nhở, có polyp không?...

Khám vòi nhĩ (Eustachi)

Chúng ta có nhiều cách thử để xem vòi nhĩ (Eustachi) có bị tắc không?

Nghiệm pháp Toynbée: bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và nuốt nước bọt, nếu bệnh nhân có nghe tiếng kêu ở tai là vòi nhĩ thông.

Nghiệm pháp Valsalva: bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và thổi hơi thật mạnh làm phồng cả 2 má, nếu bệnh nhân có nghe thấy tiếng kêu ở tai là vòi nhĩ thông.

Nghiệm pháp Politzer: bảo bệnh nhân  ngậm 1 ngụm nước, bịt 1 bên mũi, thầy thuốc dùng 1 quả bóng cao su to bơm không khí vào mũi bên kia trong khi bệnh nhân  nuốt nước, nếu bệnh nhân  nghe tiếng kêu trong tai tức là vòi Eustachi thông.

Khám tiền đình

Các nghiệm pháp tự phát

Nghiệm pháp thăng bằng:

 Nghiệm pháp Romberg: người bệnh đứng thẳng, hai chân chụm lại, nhắm mắt. nếu rối loạn thăng bằng bệnh nhân sẽ ngã hoặc nghiêng người về một bên.

Nghiệm pháp lệch ngón tay: bệnh nhân và thầy thuốc cùng ngồi đối diện nhau: bệnh nhân dơ thẳng hai tay về phía trước, các ngón khác nắm lại trừ ngón trỏ duỗi thẳng. Thầy thuốc co hai tay trước ngực, nắm các ngón trừ ngón cái duỗi thẳng để đối diện với ngón trỏ của bệnh nhân cách nhau vài cm. Bệnh nhân nhắm mắt lại, nếu có rối loạn, ngón trỏ sẽ lệch về một bên (so với ngón cái của thầy thuốc).

Nghiệm pháp đi hình sao Babinsky-Weil: bệnh nhân nhắm mắt, đi thẳng phía trước mặt 8 - 10 bước rồi lại giật lùi 8 - 10 bước nhiều lần. Thầy thuốc đi kèm theo để đỡ khi bệnh nhân ngã. Nếu có rối loạn thì tiến lên luôn lệch về một hướng khi lùi lại cũng vậy, các hướng đi sẽ tạo thành hình sao.

Nếu có tổn thương của tiền đình sẽ nghiêng, lệch ngón trỏ hay đi lệch về bên tai bệnh.

Động mắt tự phát: bênh nhân mở to mắt, nhìn theo ngón tay thầy thuốc, để khoảng cách 0,4 m lưu ý chỉ liếc mắt theo không được cử động đầu theo. Thầy thuốc để ngón tay, trước mặt bệnh nhân sau đó đưa từ từ sang ngang tới góc khoảng 600 rồi lại đưa ngón tay sang bên đối diện. Theo dõi để phát hiện động mắt:

Thể động mắt: ngang, đứng hay quay.

Hướng động mắt: theo hướng giật nhanh.

Mức độ động mắt.

Các nghiệm pháp gây ra

Nghiệm pháp nước lạnh: để bệnh nhân ngồi thẳng trên ghế tựa, bơm 10 ml nước lạnh ở nhiệt độ 250C vào tai. Chỉ thực hiện khi màng nhĩ không thủng.

Bình thường 20 giây, xuất hiện động mắt và kéo dài trong 60 giây. Nếu thời gian xuất hiện ngắn và động mắt kéo dài quá 120 giây được coi là quá kích thích. Nếu ngược lại được coi là kém kích thích.

Nếu sau 60 giây không thấy xuất hiện động mắt, bơm tiếp nước lên đến 100 ml, nếu vẫn không có động mắt được coi là không trả lời (tiền đình đã bị huỷ diệt).

Nghiệm pháp ghế quay.

Nghiệm pháp bơm hơi: nếu bơm hơi không khí vào tai qua ống soi tai Siègle. Bình thường chỉ có cảm giác hơi tức do khí nén vào màng nhĩ. Nếu xuất hiện động mắt ngang hoặc quay về hướng tai bệnh, nghĩ tới co lỗ dò ống bán khuyên ngang (gặp trong viêm xương chũm có cholesteatome hay sau phẫu thuật). Hiện tượng trên được gọi là triệu chứng Lucae.

X-Quang

Khi có nghi ngờ viêm tai xương chũm cần chụp phim xác định các tổn thương. Các tư thế: Schuller, Chaussé III, Stenvers, Mayer.

Tư thế Stenvers

Tư thế này cho thấy hình chiếu của toàn bộ xương đá trên phim X-quang từ phần ngoài tới phần trong mỏm chũm của xương đá. Nghiên cứu các chấn thương sọ não gây vỡ xương đá theo đường ngang, viêm xương đá, các khối u ở góc cầu tiểu não (ví dụ hình ảnh gián tiếp của u dây thần kinh VIII).

Tư thế bệnh nhân

Nằm sấp, đầu tựa vào bàn theo bờ trên ổ mắt, xương gò má và mũi. Như vậy mặt phẳng dọc đứng của sọ tạo với đường thẳng đứng 450 cằm không chạm bàn. Trục tia chính theo hướng sau trước tập trung vào vùng chẩm đối bên.

Tiêu chuẩn

Hai cạnh của ống bán khuyên đứng chồng nhau.

Kết quả

Bình thường:

Bộ phận tai trong, ốc tai, tiền đình, ống bán khuyên trên, ngoài nhìn thấy. Riêng ống bán khuyên sau không nhìn thấy.

Thấy ống tai trong, mỏm xương đá.

Bệnh lý:

Vỡ xương đá: có đường rạn nứt xương.

U dây thần kinh VIII: ống tai trong giãn ra.

Ngoài ra còn có các tư thế Mayer, Chaussé III, được chỉ định trong những bệnh lý cụ thể.

Tư thế Schuller (thái dương-nhĩ)

Là tư thế phổ biến và thông thường nhất. Khi có nghi ngờ viêm tai xương chũm cần chụp phim xác định các tổn thương.

Tư thế bệnh nhân:

Nằm nghiêng theo kiểu chụp phim sọ nghiêng. Nguồn tia chính chếch 250-300 so với trục 2 tai, tức là tâm điểm của nguồn cách ống tai đối bên lên phía trên 7 cm và tia xuyên qua ống tai bên chụp. Vành tai bên chụp phải gập về phía trước để hình không trùm lên xương chũm.

Tiêu chuẩn

Thấy rõ khớp thái dương hàm.

Ống tai ngoài và ống tai trong trùng khít lên nhau, ngang mức với khớp thái dương hàm.

Kết quả

Bình thường: thấy rõ các thông bào và vách ngăn của chúng.

Bệnh lý:

Các thông bào mờ, các vách ngăn không rõ trong viêm xương chũm cấp tính.

Các thông bào mờ, các vách ngăn mất trong viêm xương chũm mạn tính.

Trên nền xương chũm mờ, có vùng sáng, xung quanh có bờ đậm nét, trong lởn vởn như mây nghĩ tới bệnh tích có cholesteatome.

 Tư thế thái dương – nhĩ

Hình: Tư thế thái dương – nhĩ

 Phim Schuller bình thường

Hình: Phim Schuller bình thường

Khám thính lực

Bộ máy thính giác

Tai ngoài

Vành tai làm nhiệm vụ thu nhận và hướng âm thanh.

Tai giữa

Hòm nhĩ, xương con và các phần phụ thuộc làm nhiệm vụ truyền dẫn âm thanh và biến đổi năng lượng âm để bù trừ vào chỗ hao hụt ở phần sau.

Tai trong

Cơ quan corti với các tế bào giác quan và dây thần kinh thính giác làm nhiệm vụ tiếp nhận âm thanh và truyền lên não qua 5 chặng neuron. Mỗi kích thích âm thanh nghe được từ 1 tai được truyền lên cả 2 bán cầu đại não.

Ở tai trong, âm thanh được truyền từ môi trường không khí, qua môi trường nước (nội, ngoại dịch) đã mất đi 99,9 % năng lượng, chỉ có 0,1% năng lương được truyền đi, tính ra cường độ giảm mất 30dB. Nhưng do hệ màng nhĩ-chuỗi xương con ở tai giữa đã tác động như một máy biến thế nên đã bù trừ vào chỗ mất mát đó. Kết quả người ta vẫn nghe được đúng với cường độ thực ở bên ngoài.

Tai giữa làm nhiệm vụ dẫn truyền âm thanh, bệnh tật ở bộ phận này gây ra điếc dẫn truyền, sự giảm sút thính giác không bao giờ quá 60dB. Nhiều loại điếc này có thể chữa khỏi, kể cả bằng phương pháp phẫu thuật.

Tai trong là bộ phận giác quan-thần kinh, thương tổn bệnh tật ở bộ phận này có thể gây ra điếc nặng, thậm chí có thể điếc đặc, điếc hoàn toàn. Điếc tai trong là điếc tiếp nhận.

Trong thực tế nhiều trường hợp có cả thương tổn ở tai giữa và tai trong, sẽ gây ra điếc hỗn hợp nghĩa là vừa có tính chất dẫn truyền vừa có tính chất tiếp nhận. Tuỳ theo mức độ thiên về phía nào mà là điếc hỗn hợp thiên về dẫn truyền hoặc thiên về tiếp nhận.

Đo sức nghe chủ quan (Subjectiv audiometrie)

Bao gồm đo sức nghe bằng tiếng nói, đo sức nghe bằng âm thoa và đo bằng máy đo sức nghe.

Dùng tiếng nói

Là cách đơn giản dùng ngay tiếng nói của thầy thuốc, với 1 số câu từ đơn giản, thông thường, thực hiện trong 1 buồng hay hành lang có chiều dài ít nhất là 5 m, tương đối yên tĩnh. Trước tiên đo bằng tiếng nói thầm, nếu có giảm nghe rõ mới đo tiếp bằng tiếng nói thường.

Nguyên tắc: bệnh nhân không được nhìn miệng thầy thuốc, đứng vuông góc với thầy thuốc và hướng tai khám về phía thầy thuốc, tai không khám phải được bịt lại. 

Cách đo: lúc đầu thầy thuốc đứng cách xa bệnh nhân 5 m, sau đó tiến dần về phía bệnh nhân, đến lúc bệnh nhân nghe được và lặp lại đúng câu nói của thầy thuốc, ghi khoảng cách.

Đo bằng tiếng nói thầm: nói thầm (là nói bằng giọng hơi, không thành tiếng) thường khám khoảng 5 m, nói từng câu, thông thường 3 đến 5 từ, có thể nói 1 địa danh quen thuộc như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... và yêu cầu bệnh nhân nhắc lại. Nếu bệnh nhân không nghe thấy, thầy thuốc tiếp tục tiến dần sát với bệnh nhân (khoảng 0.5m), và ghi lại khoảng cách đầu tiên mà bệnh nhân  nhắc lại được.

Bình thường tai nghe được tiếng nói thầm ở khoảng cách 5 m, khoảng cách càng ngắn là sức nghe càng giảm.

Đo bằng tiếng nói thường: chỉ thực hiện khi khoảng cách nghe được với tiếng nói thầm dưới 1 m vì tai bình thường nghe được tiếng nói thường ở khoảng cách 50 m. Cách đo tương tự như trên, thay tiếng nói thầm bằng tiếng nói thường như trong giao tiếp sinh hoạt.

Nhận định:

Bình thường:

Nói thầm: nghe xa được 5 m.

Nói thường: nghe xa được 50 m.

Kết quả: đo đơn giản bằng tiếng nói trên cũng cho phép phát hiện ban đầu tình trạng và mức độ nghe kém.

Bảng tính thiếu hụt sức nghe sơ bộ

Khoảng cách nghe được tính theo mét

% Thiếu hụt sức nghe

Tiếng nói thầm

Tiếng nói thường

≤  0,5 m

0,5 m đến 0,1 m

0,1 m đến 0,05 m

Sát vành tai không nghe được

≤ 5 m

5 m  đến 1 m

1 m đến 0,5 m

Cách 1 gang tay sát vành tai

≤ 35%

35% đến 65%

65% đến 85%

85 đến 100%

Đo bằng dụng cụ đơn giản

Với những người nghe kém nặng hay với trẻ nhỏ, thường dùng các dụng cụ phát âm đã được chuẩn hoá tương đối như: trống, còi, chuông, mõ...hoặc các máy đơn giản phát được vài âm tần hay tiếng đơn giản như: tiếng súc vật, tiếng tàu, ô tô... ở 1 vài cường độ lớn nhất định để xem có nghe được hay có phản xạ, phản ứng như chớp mắt, cau mày, co chi, quay đầu... với các tiếng đó không? Qua đó sơ bộ xác định khả năng nghe.

Đo bằng âm thoa

Thường dùng 1 âm thoa 128Hz hay 256Hz 

Cách đo:

Đo đường khí: sau khi phát ra âm thanh, để 2 ngành âm thoa dọc trước lỗ tai ngoài, cách độ 2cm.

Đo đường xương: ấn nhẹ cán âm thoa lên mặt xương chũm. Tính thời gian từ khi gõ âm thoa đến khi không nghe được, theo đơn vị giây.

Các nghiệm pháp: dùng âm thoa 128Hz (dao động 128 chu kỳ/giây) gõ vào lòng bàn tay và làm 3 nghiệm pháp dưới đây:

Nghiệm pháp Weber: gõ rồi để cán âm thoa lên đỉnh đầu hay giữa trán, hỏi bệnh nhân tai nào nghe rõ hơn, nếu tai nào nghe rõ hơn tức là Weber lệch về tai bên đó (bình thường hai tai nghe như nhau).

Nghiệm pháp Schwabach: tính thời gian nghe bằng đường xương (bình thường 20 giây).

Nghiệm pháp Rinne: so sánh thời gian nghe bằng đường khí và thời gian nghe bằng đường xương. Bình thường thời gian nghe bằng đường khí kéo dài hơn thời gian nghe bằng đường xương nghiệm pháp Rinne (+). Nếu thời gian nghe bằng đường khí ngắn hơn thời gian nghe bằng đường xương nghiệm pháp Rinne (-).

Nhận định: Phiếu đo sức nghe đơn giản

Tai phải 

Phươngpháp

Tai trái

50 m

Nói thường

5 m

5 m

Nói thầm

Sát tai

(+)

Rinne

(-)

20 giây

Schwabach

20 giây

 

Weber

Sang trái

Kết luận:

Tai phải nghe bình thường.

Tai trái nghe kém thể dẫn truyền.

Trường hợp điếc hỗn hợp: dùng thêm các âm thoa 128, 256, 512, 1024, 2048, 4096Hz sẽ thấy đối với âm thoa này (ví dụ âm trầm) thì có tính dẫn truyền, đối với các loại khác (ví dụ âm cao) thì lại có tính tiếp nhận.

Dùng máy đo sức nghe (Audiometer - Thính lực kế)

Cách đo:

Đo thính lực tức là tìm được ngưỡng nghe của bệnh nhân (mức cường độ tối thiểu để có thể nghe được âm đơn ở từng tần số). 

Âm được phát theo đường khí (qua loa tai) hoặc qua đường xương (qua núm rung) tới từng tai.

Phải tiến hành đo trong buồng cách âm. Nối các điểm ngưỡng nghe ở các tần số tạo thành một biểu đồ gọi là thính lực đồ.

Ký hiệu

Tai phải

Tai trái

Đường khí

0¾0 (màu xanh)

x¾x (màu đỏ)

Đường xương

[¾[

]¾]

Đo lần lượt từng tai, kết quả ghi trên biểu đồ sức nghe bằng ký hiệu:

 Nhận định:              

Trục đứng là trục cường độ đơn vị là dB. Trục ngang là trục tần số đơn vị là  Hz.

Máy thông thường phát ra các âm có tần số 125, 250, 500, 1000, 2000, 4000, 8000 Hz và có thể các tần số trung gian 3000, 6000 Hz, ở các mức cường độ 0-100 dB. Máy đo sự giảm sút sức nghe so với người bình thường, 0 dB là cường độ tối thiểu để người bình thường bắt đầu nghe được. Máy đo từng mức 5 dB, trên máy có ghi cường độ - 20 dB, - 10 dB đo cho những người nghe tốt hơn mức bình thường. Giảm sức nghe càng nhiều, số đo càng lớn.

Đo đường xương bằng khối rung, kết quả phản ánh dự trữ ốc tai, tiềm năng sức nghe.

Phân loại  điếc:

Sức nghe bình thường.

Điếc dẫn truyền đơn thuần.

Điếc tiếp nhận đơn thuần.

Điếc hỗn hợp.

Mức độ điếc:

Điếc nhẹ  20 - 40 dB.

Điếc vừa  40 - 60 dB.

Điếc nặng  60 - 80 dB.

Điếc đặc > 80 dB.

Đo sức nghe khách quan (objectiv audiometrie)

Đo trở kháng

Có hai ứng dụng trên lâm sàng.

Nhĩ lượng (Tympanometrie): bình thường biểu hiện như một hình nón không cân xứng, đáy loe, đỉnh trùng với áp suất bằng 0. Khi có dịch tiết hay nhầy trong hòm nhĩ, vòi nhĩ bị tắc một phần hay tắc hoàn toàn... Nhĩ lượng có hình ảnh bệnh lí đặc biệt.

Phản xạ cơ bàn đạp (Impedancemetrie): trường hợp bình thường và điếc dẫn truyền đơn thuần, ngưỡng phản xạ cách ngưỡng nghe khoảng 85 dB. Khi có hồi thính, ngưỡng này thu hẹp lại. Đo phản xạ có thể phát hiện nhiều trường hợp điếc giả vờ.

Đo điện ốc tai và điện thính giác thân não

Nguyên lý: khi nghe một âm thanh cũng giống như thu nhận một kích thích, một cảm giác khác, điện não có biến đổi nhưng sự biến đổi đó quá nhỏ bị lẫn vào trong biểu đồ ghi điện não tổng hợp nhiều quá trình hoạt động của não. Nếu ta phát những âm thanh (clic hoặc burst) liên tục và ghi dòng điện não (bằng cách đặc biệt phân tích dòng này thành nhiều điểm, dùng máy tính điện tử ghi tổng số ở từng điểm sau mỗi lần phát âm ra) sẽ cho thấy đáp ứng của não đối với âm thanh nếu tai nghe được, tùy theo vị trí đặt cực.

Cách đo:

Đo điện ốc tai (Electrocochleographie): điện cực đặt ở đáy hòm nhĩ hoặc ống tai.

Đo điện thính giác thân não: ERA (Electro respontal audiometrie) và BERA (Brain electro respontal audiometrie) điện cực đặt ở vùng trán, đỉnh đầu và xương chũm.

Bài viết cùng chuyên mục

Bệnh học viêm thanh quản mạn tính

Viêm thanh quản quá phát mà người ta gọi là dày da voi có sự quá phát của biểu mô và lớp đệm dưới niêm mạc, tế bào trụ có lông chuyển biến thành tế bào lát.

Giải phẫu và sinh lý họng thanh quản

Thanh quản là cơ quan phát âm và thở, nằm ở trư¬ớc thanh hầu, từ đốt sống C3 đến C6, nối hầu với khí quản vì vậy nó thông ở trên với hầu, ở dưới với khí quản.

Bệnh học viêm tai giữa mạn tính

Chảy mủ tai, mủ đặc, loãng, vón cục màu vàng hoặc xanh đôi khi lẫn máu. Mùi thối khẳn, cấy có nhiều vi khuẩn (yếm khí) vi khuẩn từ ngoài vào qua lỗ thủng màng nhĩ.

Bệnh học Polyp mũi

Polyp phát triển chậm, do ngày càng to ra, choán dần hốc mũi nên gây triệu chứng chính là ngạt mũi. Ngạt mũi ngày càng tăng dần đưa tới tắc mũi.

Bệnh học viêm amidan

Cảm giác khô, rát, nóng ở trong họng, nhất là thành bên họng vị trí amiđan, mấy giờ sau biến thành đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên rõ rệt khi nuốt, khi ho.

Bệnh học khó thở thanh quản

Khó thở thanh quản là một hội chứng rất hay gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên đặc biệt ở trẻ em có nguy cơ gây tử vong vì thanh quản là nơi hẹp nhất của đường hô hấp.

Đại cương điều trị bệnh tai mũi họng

Mũi có chức năng hô hấp, phát âm và ngửi. Không khí được sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch trước khi vào phổi. Màng biểu mô mũi có chức năng lọc và thanh toán các dị vật có đường kính lớn trên 15mm.

Bệnh học ung thư các xoang mặt

Nhiều tác giả và các y văn trên thế giới đều dựa trên cơ sở giải phẫu, phôi thai học chia làm 3 loại: ung thư thượng tầng cấu trúc, ung thư¬ trung tầng cấu trúc, ung thư hạ tầng cấu trúc.

Bệnh học viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến ở trên thế giới cũng nh­ư ở Việt Nam. Theo những thông báo về dịch tế học tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đ­ường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số Thế giới.

Bệnh học biến chứng viêm tai xương chũm

Vi khuẩn gây bệnh thường cùng loại với vi khuẩn gây viêm tai. Nhưng trong viêm tai xương chũm mạn tính nhiều khi có vi khuẩn bội nhiễm thêm vào.

Bệnh học dị vật đường thở

Do tai biến phẫu thuật: khi gây mê, răng giả rơi vào đường thở, mảnh V.A khi nạo, khi lấy dị vật ở mũi bị rơi vào họng và rơi vào đường thở.

Bệnh học viêm tấy quanh amiđan

Viêm tấy mủ quanh amiđan có thể tự vỡ, chảy mủ vào họng và để lại sẹo cứng, rúm. Mủ cũng có thể qua thành họng vào khoang trước trâm hay dưới hàm gây viêm tấy mủ quanh họng.

Bệnh học viêm mũi vận mạch

Soi mũi sau: thấy đuôi cuốn mũi dưới và giữa thay đổi, có thể nề, nhẵn hay quá phát, sần sùi, đổi màu, khe mũi giữa thường thấy nề hay có it dịch xuất tiết nhầy.

Bệnh học u nhú thanh quản (Papillome)

Ở trẻ em: soi thanh quản trực tiếp thấy u sùi thành khối giống như quả dâu màu hồng hoặc sẫm, mọc rải rác trên dây thanh, băng thanh thất, thanh thiệt, sụn phễu.

Bệnh học chấn thương thanh quản

Chấn thương thanh quản cũng thường gặp trong chấn thương tai mũi họng và đầu cổ. Một số đặc điểm cần lưu ý trong chẩn đoán và xử trí để tránh các di chứng chức năng ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sinh hoạt.

Bệnh học ung thư vòm họng

Mặt trên là bờ dưới của thân xương bướm và mảnh nền của xương chẩm. Ở mặt này tổ chức bạch huyết tập trung thành đám gọi là amiđan Luschka.

Bệnh học ung thư hạ họng

Ung th­ư hạ họng ở Việt Nam hay gặp hơn ung th­ư thanh quản nh­ưng kết quả điều trị lại kém hơn do các triệu chứng lâm sàng ban đầu t­ương đối kín đáo, phần lớn ng­ười bệnh đến khám đều ở giai đoạn muộn.

Giải phẫu và sinh lý mũi xoang

Mỗi một cuốn mũi hợp với thành ngoài của hốc mũi tạo thành một khe mũi hay là ngách mũi. Tên của ngách mũi đưược gọi theo tên của cuốn mũi tương ứng là: ngách mũi trên, ngách mũi giữa và ngách mũi dưưới.

Bệnh học ung thư Amidan khẩu cái

Thường do bội nhiễm nên mầu sắc thương tổn u mầu xám bẩn hoặc hoại tử, có trường hợp bệnh nhân bị khít hàm nên gây khó khăn cho việc khám vùng họng, amiđan.

Bệnh học u lành tính thanh quản (polip, hạt xơ, u nhú)

Polyp có cuống ở bờ tự do hoặc mặt dây thanh, khi bệnh nhân thở, thanh môn mở ra polyp có thể thõng xuống phía dưới dây thanh, khi khám khó phát hiện.

Bệnh học ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản là loại ung thư hay gặp ở Việt Nam, nếu trong phạm vi vùng tai mũi họng thì ung thư thanh quản đứng vào hàng thứ 4 sau ung thư vòm họng, ung thư mũi xoang và ung thư hạ họng.

Bệnh học biến chứng của viêm xoang

Viêm mô tế bào ở mắt cấp tính: phù nề mi mắt và kết mạc, có khi khó đánh giá về vận nhãn, lồi mắt. Khó khăn cơ bản là là phân biệt viêm mô tế bào đơn thuần, chỉ cần điều trị nội khoa với mủ trong hốc mắt.

Bệnh học u nhầy xoang mặt

Với đặc tính u lành tính nằm trong xoang, có vỏ bọc ngoài khá dai, trong đầy dịch nhầy vô khuẩn, trong như lòng trắng trứng hoặc có màu vàng chanh, dịch nhầy chứa mucin.

Bệnh học dị vật đường ăn

Dị vật đường ăn nhất là dị vật thực quản là một cấp cứu có tính phổ biến, là một tai nạn, thực sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh học chấn thương mũi xoang

Vết thương hở: phải rửa sạch, cắt lọc, khâu đúng lớp giải phẫu, đặt bấc cố định. Sau đó mới xử trí các tổn thương xương nếu có như chấn thương kín.