Bài giảng rối loạn kinh nguyệt

2012-11-02 10:10 AM

Rối loạn kinh nguyệt là chỉ những biểu hiện bất thường về kinh nguyệt. Đó là những dấu hiệu, những triệu chứng của một hay nhiều bệnh khác nhau chứ rối loạn kinh nguyệt không phải là bệnh.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Mở đầu

Rối loạn kinh nguyệt là chỉ những biểu hiện bất thường về kinh nguyệt. Đó là những dấu hiệu, những triệu chứng của một hay nhiều bệnh khác nhau chứ rối loạn kinh nguyệt không phải là bệnh.

Nghiên cứu rối loạn kinh nguyệt về: Tuổi bắt đầu hành kinh, tuổi mãn kinh, độ dài của kỳ kinh, lượng máu kinh, sự phóng noãn, đau bụng khi hành kinh...

Là triệu chứng nhưng đôi khi cần phải điều trị mặc dù chưa rõ nguyên nhân bệnh nhưng gây băng kinh, băng huyết, rong kinh kéo dài...

Những định nghĩa cơ bản về rối loạn kinh nguyệt

Dậy thì sớm: Bắt đầu có kinh từ 8 tuổi trở xuống, bình thường 13-16 tuổi.

Dậy thì muộn: Bắt đầu hành kinh sau 18 tuổi.

Mãn kinh sớm: Không hành kinh nữa trước tuổi 40, bình thường từ 45-50 tuổi.

Mãn kinh muộn: Không hành kinh nữa sau tuổi 55.

Kinh thưa: Vòng kinh dài trên 35 ngày, bình thường từ 22-35 ngày.

Kinh mau: Vòng kinh ngắn dưới 22 ngày.

Vô kinh: Không có hành kinh từ 6 tháng trở lên.

Rong kinh: Kỳ hành kinh kéo dài trên 7 ngày.

Kinh ngắn: Kỳ hành kinh chỉ từ 2 ngày trở xuống.

Kinh nhiều: Tổng lượng máu kinh trong cả chu kỳ trên 200 ml, bình thường:  50-80 ml.

Kinh ít: Lượng máu kinh ra rất ít, không cần đóng băng vệ sinh, dưới 15 ml.

Cường kinh: Máu kinh ra vừa nhiều, vừa kéo dài ngày.

Thiểu kinh: Máu kinh ra ít và ngắn ngày.

Thống kinh: Đau bụng trước, trong hoặc sau khi hành kinh.

Vòng kinh không phóng noãn: Vòng kinh không có sự phóng noãn ở giữa chu kỳ kinh bình thường.

Vô kinh

Phân loại vô kinh

Vô kinh nguyên phát: Không hành kinh khi trên 18 tuổi.

Vô kinh thứ phát: Không hành kinh lại sau 3 tháng đối với vòng kinh đều và 6 tháng đối với vòng kinh không đều.

Vô kinh sinh lý: Là hiện tượng mất kinh khi có thai hay khi mãn kinh.

Vô kinh giả: Còn gọi là bế kinh do máu kinh không chảy được ra ngoài.

Có thể coi tất cả các loại vô kinh (trừ vô kinh sinh lý) đều là vô kinh bệnh lý cần tìm nguyên nhân để điều trị hoặc có thể không điều trị được.

Vô kinh nguyên phát

Nguyên nhân:

Do bất thường ở bộ phận sinh dục, hoặc ớcc tuyến nội tiết liên quan đến hoạt động sinh dục như: không có tử cung, không có âm đạo, màng trinh không thủng, teo buồng trứng bẩm sinh...

Một số hội chứng, bệnh gây vô kinh nguyên phát:

Hội chứng Turner: Do Turner mô tả năm 1938 với các dấu hiệu:  hình dáng nhi tính, 2 bên cổ có da bạnh, thiếu một nhiễm sắc thể X (45,XO) nên gây ra teo buồng trứng bẩm sinh dẫn đến rối loạn phát triển tuyến sinh dục. Vì thiếu Estrogen nên các phần của bộ phận sinh dục đều nhỏ, vú không phát triển, lông mu, lông nách thưa. Chậm trí tuệ, không tình dục, vô kinh và điều trị duy nhất bằng thay thế hormon, dùng vòng kinh nhân tạo giúp phát triển tính sinh dục phụ và giải quyết loãng xương.

Hội chứng Mayer - Rokitansky - Kuster: Tử cung là một dải nhỏ, teo âm đạo bẩm sinh, buồng trứng bình thường, tính chất sinh dục nữ bình thường nhưng không hành kinh vì teo tử cung.

Cần chẩn đoán phân biệt với lao tử cung sớm gây dính buồng tử cung. Không gây được kinh nguyệt và không điều trị  được nguyên nhân.

Hội chứng thượng thận - sinh dục: Hiếm gặp. Vỏ thượng thận thiếu men hydroxylase 21 nên cortisol thấp, ACTH tăng tiết dẫn tới quá sản vỏ thượng thận và tăng tiết Androgen.

Androgen cao làm sớm mọc lông mu, lông nách, râu, âm vật to. Người lùn thấp bé vì Androgen cao làm chóng đóng các đầu xương, ức chế tuyến yên sản sinh các hormon hướng sinh dục, dẫn tới buồng trứng không hoạt động.

Điều trị bằng Cortisol vừa giải quyết thiếu hụt Cortisol vừa ức chế ACTH, Angroden sẽ giảm đi, hormon hướng sinh dục được chế tiết và buồng trứng lại hoạt động trở lại, người bệnh có hành kinh và có thai được.

Tinh hoàn nữ tính hoá: Rất hiếm gặp, gọi là hội chứng Moris, do Moris mô tả năm 1953, bệnh nhân có nhiễm sắc thể XY, thực chất là nam giới nhưng tính hoàn lạc chỗ ở trong bụng hay nếp bẹn. Tinh hoàn chỉ chế tiết Estrogen không chế tiết Testosteron, nên tính chất sinh dục phụ của nữ phát triển nên bệnh nhân có kiểu hình và tính cách nữ giới. Không có lông mu, lông nách, không có hành kinh. Không có dương vật nên coi là con gái.

Điều trị bằng cắt bỏ 2 tinh hoàn đề phòng ung thư hoá sau khi đã phát triển tính chất sinh dục phụ của nữ đầy đủ. Sau phẫu thuật dùng Estrogen để duy trì nữ giới và đề phòng loãng xương.

Dị dạng sinh dục: Không có âm đạo, màng trinh không thủng, vách ngăn ngang âm đạo.

Không có kinh, đau bụng hàng tháng theo chu kỳ, đau tăng dần qua mỗi kỳ. Khám thấy khối máu kinh ở tiểu khung. Nếu do màng trinh không thủng thì âm hộ bị đẩy phồng ở vị trí màng trinh.

Điều trị: Cắt màng trinh hình hoa thị, cắt vách ngăn ngang hoặc tạo hình âm đạo nhưng khó đạt được vừa dẫn lưu máu kinh vừa đảm bảo khả năng sinh sản.

Chẩn đoán:

Hỏi bệnh.

Khám bệnh: quan sát phát hiện có bất thường về đường sinh dục.

Lông mu và vú không phát triển: Teo buồng trứng, teo tuyến yên bẩm sinh.

Lông mu và vú phát triển: Có đau bụng có thể do bế máu kinh.

Không đau bụng: Không có tử cung.

Xét nghiệm: Tuỳ thuộc hướng tới loại nguyên nhân mà đưa xét nghiệm: siêu âm, RIA, soi ổ bụng, nhiễm sắc đồ.

Vô kinh thứ phát

Nguyên nhân:

Vùng dưới đồi.

Nội tiết: Suy tuyến yên, buồng trứng.

Rối loạn hoạt động nội tiết của vỏ thượng thận, tuyến giáp, hoại tử tuyến yên do mất máu nhiều (Hội chứng Sheehan).

Vô kinh tiết sữa do Prolactin cao.

Dính buồng tử cung: do lao sinh dục, sau nạo hút thai, sau tháo vòng tránh thai hay dính cổ tử cung.

Do tinh thần căng thẳng, lo sợ.

Hội chứng Sheehan: Do mất máu cấp và nhiều dẫn đến giảm cung cấp máu cho tuyến yên và thuỳ trước tuyến yên bị hoại tử và sẽ mất việc chế tiết các hormon, gặp sau đẻ.

Mất sữa là triệu chứng sớm nhất, sau đó vú teo dần, mất kinh, rụng lông nách và lông mu, teo các cơ quan sinh dục, giảm tình dục. Bệnh nhân gầy mòn, mệt mỏi. Nặng hơn thì suy tuyến giáp, tuyến vỏ thượng thận, nhưngbệnh nhân không sạm da do tuyến yên không chế tiết ACTH, một hormon gây sạm da.

Hướng xử trí:

Tuỳ loại nguyên nhân.

Loại trừ mất kinh sinh lý: Có thai, mãn kinh.

Do dính buồng tử cung: Sau nạo thì nong buồng tử cung và đặt vòng chống dính.

Do dính cổ tử cung: Nong cổ tử cung

Do lao sinh dục: Điều trị lao toàn thân

Do nội tiết: Liệu pháp hormon thay thế, điều trị các bệnh nội tiết khác, hoặc sử dụng vòng kinh nhân tạo.

Vô kinh tiết sữa do Prolactin: Điều trị bằng Parloden.

Ăn uống đầy đủ, liệu pháp tâm lý...

Rong kinh - rong huyết

Rong huyết là hiện tượng ra máu không liên quan đến kỳ kinh. Rong kinh trên 15 ngày thường biến thành rong huyết và gọi là rong kinh - rong huyết, nếu kéo dài sẽ gây thiếu máu và có thể gây viêm nhiễm do máu ở âm đạo tạo thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Nguyên nhân

Rối loạn hoạt động nội tiết ở tuổi trẻ, tiền mãn kinh.

Do viêm niêm mạc tử cung sau sẩy đẻ.

U xơ tử cung, polip buồng tử cung.

Bệnh gây rối loạn đông máu: Hemogenia, bệnh về gan thận.

Hướng xử trí

Điều trị càng sớm càng tốt và tuỳ theo nguyên nhân.

Tuổi trẻ: Dùng hormon sinh dục nữ estrogen và Progesteron.

Tiền mãn kinh: Nạo buồng tử cung gửi giải phẫu bệnh, thuốc co tử cung và kháng sinh.

Nguyên nhân thực thể tại tử cung: Chẩn đoán và điều trị nguyên nhân.

Thống kinh

Gọi là thống kinh thì đau là đáng kể, có ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

Thống kinh nguyên phát:  xảy ra sớm, ngay hoặc sau vài kỳ hành kinh đầu, thường là thống kinh cơ năng.

Thống kinh thứ phát: xảy ra muộn nhiều năm sau. Thường có nguyên nhân thực thể như:  tử cung quá đổ sau, chít hẹp cổ tử cung do u xơ tử cung hay dính một phần cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung.

Điều trị

Liệu pháp tâm lý.

Thể dục liệu pháp.

Thuốc giảm đau:  theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tìm nguyên nhân thực thể giải quyết.

Những rối loạn kinh nguyệt khác

Băng kinh, băng huyết, cường kinh: Điều trị sớm, điều trị triệu chứng và tìm nguyên nhân điều trị.

Kinh ít, kinh thưa, kinh không đều: Nếu có nhu cầu sinh con thì điều trị.

Bài viết cùng chuyên mục

Hội chứng vàng da trẻ sơ sinh

Vàng da là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau, vàng da do có sự gia tăng nồng độ bilirubin trong máu, da nhìn thấy màu vàng khi lượng bilirubin trên 2mg% ở người lớn và trên 7mg% ở trẻ sơ sinh.

Bài giảng tia xạ và thai nghén

Giai đoạn sắp xếp tổ chức: giai đoạn này có thể kéo dài đến 12 tuần tính theo ngày đầu của kỳ kinh cuối. Đây là giai đoạn đầy kịch tính, thai vô cùng nhạy cảm với tia X

Bài giảng các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ

Yếu tố tiên lượng là các dấu hiệu được phát hiện khi hỏi sản phụ, khi thăm khám và trong quá trình theo dõi chuyển dạ giúp người thầy thuốc đánh giá dự đoán một cuộc chuyển dạ và quá trình đẻ.

Bài giảng tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh

Các biến chứng của thai nghén và quá trình sinh đẻ là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các nước đang phát triển.

Bài giảng sử dụng Vaccin trong khi có thai

Đối với vaccin virus sống, người ta khuyên không dùng khi có thai, nhưng cũng chưa bao giờ thấy các vaccin này gây ra dị dạng thai kể cả dùng khi mới có thai. Do vậy nếu tình cờ đã dùng các loại vaccin này thì cũng không có chỉ định phá thai.

Bài giảng vấn đề sức khỏe trong thời kỳ mãn kinh

Quanh tuổi từ 45 - 55, phụ nữ chuyển sang một giai đoạn chuyển tiếp của đời sống sinh sản - tuổi tắt dục và mãn kinh. Sự chuyển tiếp này là một phần trong quá trình có tuổi của một phụ nữ và thường diễn ra không có vấn đề.

Bài giảng vô khuẩn trong sản khoa

Diện rau bám sau khi bong rau là một cửa ngõ vô cùng rộng cho các mầm bệnh xâm nhập trực tiếp vào tuần hoàn của người mẹ gây nên hình thái nhiễm khuẩn.

Bài giảng nhiễm độc thai nghén (ốm nghén) ba tháng đầu thai kỳ

Những thai phụ có những tổn thương cũ ở đường tiêu hoá như: viêm ruột thừa, bệnh đường mật, viêm loét dạ dày tá tráng, khi có thai dễ gây ra phản xạ nôn và nôn.

Bài giảng sự chuyển dạ

Cho tới nay người ta chưa biết rõ ràng và đầy đủ những nguyên nhân phát sinh những cơn co chuyển dạ. Người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải trình, có một số giả thuyết được chấp nhận.

Bài giảng loạn dưỡng âm hộ và ung thư trong biểu mô

Tỉ lệ carcinoma tại chỗ của âm hộ ngày một tăng lên và dần có khuynh hướng phát hiện trên những phụ nữ trẻ đặc biệt trong lứa tuôi sinh đẻ

Bài giảng rau tiền đạo

Phần lớn bánh rau bám vào thân tử cung, chỉ một phần nhỏ bám vào đoạn dưới, không gây chảy máu, thường hay gây vỡ ối sớm. Đa số được chẩn đoán hồi cứu sau khi sổ rau.

Bài giảng sinh lý kinh nguyệt

Trong những vòng kinh không phóng noãn, niêm mạc tử cung chỉ chịu tác dụng của estrogen, sẽ không có các xoang nối tiếp động tĩnh mạch mà chỉ vỡ các tiểu động mạch xoắn ốc.

Tư vấn xét nghiệm HIV, AIDS ở phụ nữ có thai

Về nguyên tắc, tư vấn HIV/AIDS là tư vấn riêng biệt. Tuy nhiên, riêng tư vấn trước xét nghiệm có thế được lồng ghép một phần với giáo dục - truyền thông cho từng nhóm nhỏ.

Nhiễm khuẩn rốn trẻ sơ sinh

Bình thường sau teo thành dây chằng tròn dưới gan, khi viêm ta thây nôi ro tuần hoàn bàng hệ trên rốn, kèm theo trướng bụng, gan lách to dê đưa tới nhiễm trùng máu, viêm phúc mạc, áp xe gan

Bài giảng ung thư vú (Breast cancer)

Đặc biệt ung thư vú liên quan chặt chẽ với tiền sử gia đình: nguy cơ mắc bệnh ở những phụ nữ có mẹ bị ung thư vú trước thời kỳ mãn kinh cao hơn 9 lần so với thông thường.

Bài giảng dân số kế hoạch hóa gia đình

Dân số - kế hoạch hóa gia đình - Bảo vệ bà mẹ trẻ em có quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng đến nhau, là một phần trong vấn đề sức khỏe sinh sản. Làm tốt công tác về dân số kế hoạch hóa gia đình.

Bài giảng ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là khối u ác tính đứng hàng thứ hai sau ung thư vú, thường xảy ra ở ranh giới giữa biểu mô lát tầng và biểu mô trụ của cổ tử cung.

Bài giảng vòng kinh không phóng noãn

Vòng kinh không phóng noãn hay gặp vào tuổi dậy thì và tuổi tiền mãn kinh. Vào tuổi dậy thì, vùng dưới đồi chưa chế tiết đầy đủ Gn-RH nên tuyến yên chế tiết không đầy đủ FSH.

Bài giảng khối u đệm buồng trứng

Khối u đệm buồng trứng thường là lành tính, hoặc độ ác tính thấp. Khoảng 50% khối u đệm buồng trứng là không có hoạt động nội tiết và hàu hết khối u đệm buồng trứng là u tế bào hạt (granualosa cell tumors).

Bài giảng chẩn đoán dị dạng trước sinh

Trong gia đình có người bị mắc bệnh di truyền, đặc biệt lưu ý các bệnh di truyền liên quan đến giới tính, bệnh lý chuyển hoá và một số tình trạng thiếu hụt miễn dịch di truyền.

Bài giảng đẻ non

Tất cả những thuốc này chỉ có thể kéo dài thời gian mang thai trong một khoảng thời gian hạn chế từ 2 đến 7 ngày, đây là khoảng thời gian để sử dụng steroid.

Bài giảng nhiễm trùng tiết niệu và thai nghén

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý hay gặp ở người phụ nữ, đặc biệt xảy ra tần suất cao đối với các trường hợp mang thai. Đôi lúc nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra âm thầm, lặng lẽ không có triệu chứng rõ ràng.

Bài giảng tính chất thai nhi và phần phụ đủ tháng

Đầu thai nhi có hai thóp là thóp trước và thóp sau. Thóp trước có hình trám, nằm phía trước. Thóp sau hình hai cạnh của tam giác, giống hình chữ lam- đa () , nằm phía sau là điểm mốc của ngôi chỏm.

Bài giảng phương pháp hỗ trợ sinh sản

Hỗ trợ sinh sản là một thuật ngữ nói chung bao gồm những kỹ thuật y học mới, được sử dụng trong điều trị vô sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hỗ trợ sinh sản là một trong những tiến bộ kỳ diệu của y học trong 30 năm trỏ lại đây.

Bài giảng tổn thương lành tính cổ tử cung

Cổ tử cung có thể thay đổi hình thể tuỳ thuộc người phụ nữ đã có con hay chưa. Ở người chưa đẻ cổ tử cung thường tròn, ở người con rạ lỗ cổ tử cung có thể sẽ bè ra theo chiều ngang.