- Trang chủ
- Sách y học
- Bài giảng nhãn khoa
- Các phương pháp điều trị tại mắt
Các phương pháp điều trị tại mắt
Trong nhiều bệnh của mắt, để tăng cường hiệu quả của điều trị, ngoài việc tra thuốc tại chỗ người ta thường phải phối hợp các phương pháp tiêm mắt.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Có nhiều phương pháp giúp cho thuốc có thể vào mắt trực tiếp và nhiều hơn so với đường toàn thân. Việc lựa chọn phương pháp dùng thuốc tại mắt thích hợp có ảnh hưởng rõ rệt đối với kết quả điều trị.
Tra thuốc tại mắt
Thuốc dùng tại chỗ được tra vào kết mạc cùng đồ dưới, từ đó thuốc sẽ thấm qua giác mạc và kết mạc để vào phần trước nhãn cầu. Khoảng 80% lượng thuốc vào mắt thông qua con đường giác mạc, phần còn lại qua đường kết mạc hoặc lệ đạo. Biểu mô giác mạc là một trở ngại cho thuốc đi qua, khi biểu mô giác mạc bị tổn thương do các quá trình bệnh lí thì khả năng thấm qua giác mạc của thuốc được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, một lượng thuốc đáng kể thuốc tra mắt được hấp thụ vào cơ thể và có thể gây ra những phản ứng phụ toàn thân, nhất là các phản ứng nhiễm độc (chẳng hạn atropin, adrenalin, v.v.). Thuốc tra mắt thường dưới 2 dạng:
Thuốc nước
Thuốc nước là dạng thuốc mắt được dùng phổ biến nhất. Thuốc nước có ưu điểm là dễ dùng và không ảnh hưởng đến thị lực. Nhược điểm của thuốc nước là thời gian tồn tại ở bề mặt kết-giác mạc rất ngắn (90% thuốc bị loại khỏi mắt sau khi tra 1-2 phút), thời gian tồn tại của thuốc càng ngắn nếu chớp mắt nhiều, vì vậy để tăng hiệu quả của thuốc thì số lần dùng thường phải nhiều hơn và không nên chớp mắt nhiều sau khi tra thuốc. Hầu hết các thuốc tra mắt đều có dạng nước.
Thuốc mỡ
Thuốc mỡ ít kích thích, và ít hấp thụ qua lệ đạo, bền vững hơn thuốc nước và thời gian tồn tại ở mắt dài hơn nên có thể giảm số lần dùng thuốc. Nhược điểm của thuốc mỡ là tạo thành một lớp mỏng trước giác mạc làm cho mắt nhìn bị mờ, gây dính các lông mi, và thường gây viêm da tiếp xúc. Thuốc mỡ nên dùng vào buổi trưa và tối trước khi đi ngủ. Các thuốc thường được dùng dưới dạng mỡ là: thuốc kháng sinh (tetracyclin, aureomycin, gentamycin, chloramphenicol), thuốc sát trùng (xanh methylen, oxit vàng thủy ngân), thuốc kháng vi rút (zovirax) và một số thuốc giãn hoặc co đồng tử.
Đặt thuốc tại mắt
Để khắc phục những nhược điểm của các thuốc tra mắt là thời gian tồn tại ở mắt ngắn và lượng thuốc ngấm vào mắt không đều, người ta đã sản xuất ra các màng tẩm thuốc (gần như một kính tiếp xúc) hoặc dạng viên nhỏ (kích thước gần như hạt gạo) dùng để đặt tiếp xúc với kết-giác mạc hoặc cùng đồ dưới. Thuốc sẽ giải phóng một cách từ từ, đều đặn và kéo dài (có thể tới 1 tuần). Thuốc thường dùng nhất dưới dạng này là các thuốc co hoặc giãn đồng tử (pilocarpin hoặc atropin).
Hình - Viên thuốc giãn đồng tử đặt tại mắt
Tiêm thuốc tại mắt
Trong nhiều bệnh của mắt, để tăng cường hiệu quả của điều trị, ngoài việc tra thuốc tại chỗ người ta thường phải phối hợp các phương pháp tiêm mắt để cho lượng thuốc vào mắt được nhiều hơn. Có nhiều phương pháp tiêm mắt khác nhau tùy theo vị trí của tổn thương bệnh lí:
Tiêm dưới kết mạc
Tiêm dưới kết mạc dùng để điều trị các bệnh của phần trước nhãn cầu. Một số loại thuốc không thấm được vào nhãn cầu qua con đường tra mắt khi được tiêm vào dưới kết mạc có thể khuếch tán vào mắt qua vùng rìa giác mạc hoặc củng mạc.
Kĩ thuật: sau khi tra thuốc tê tại chỗ, dùng bơm tiêm với kim nhỏ chọc qua kết mạc ở cách rìa khoảng 3-4 mm, tiêm dưới kết mạc một lượng thuốc khoảng 1/4 ml đến 1 mm. Kết mạc sẽ bị phù nhẹ tại vị trí tiêm.
Các thuốc thường dùng để tiêm dưới kết mạc: kháng sinh, corticosteroid, thuốc giãn đồng tử và liệt thể mi (để chống dính mống mắt trong điều trị viêm màng bồ đào), 5-fluorouracil (thuốc chống chuyển hóa, để giảm sẹo xơ hóa sau phẫu thuật glôcôm).
Tiêm dưới bao Tenon
Tiêm dưới bao Tenon dùng trong điều trị các bệnh của phần trước nhãn cầu. Các thuốc dùng để tiêm dưới kết mạc cũng được dùng tiêm dưới bao Tenon.
Kĩ thuật: sau khi tra thuốc tê tại chỗ, dùng một kẹp nhỏ nâng nhẹ kết mạc lên và chọc kim dưới kết mạc hướng về phía sau. Thuốc được tiêm vào dưới bao Tenon có thể lan tỏa sâu hơn về phía sau.
Hình - Tiêm dưới bao Tenon
Tiêm sau nhãn cầu
Tiêm sau nhãn cầu là một phương pháp khá phổ biến trước đây, chủ yếu để điều trị các bệnh của thần kinh mắt và của các cấu trúc trong chóp cơ.
Kĩ thuật: dùng kim tiêm dài chọc qua da hoặc qua cùng đồ dưới, đi qua phía dưới nhãn cầu, để đưa thuốc vào chóp cơ phía sau nhãn cầu.
Các thuốc thường dùng: thuốc gây tê, kháng sinh, corticosteroit, vitamin, thuốc giãn mạch. Một số trường hợp tiêm sau nhãn cầu có thể gây tai biến như kim chọc vào nhãn cầu, tụ máu sau nhãn cầu, đôi khi gây liệt vận nhãn hoặc mất thị lực (thường nhất thời), vì thế phương pháp này hiện nay càng ngày càng ít được dùng.
Tiêm cạnh nhãn cầu
Tiêm cạnh nhãn cầu nhằm đưa thuốc vào khu vực ở trước hoặc sau xích đạo của nhãn cầu, có thể tiêm qua da hoặc qua cùng đồ dưới. Các thuốc thường dùng là kháng sinh hoặc corticosteroid. Tiêm cạnh nhãn cầu ít gây tai biến hơn so với tiêm hậu nhãn cầu, vì vậy những năm gần đây kỹ thuật này được dùng rất phổ biến để gây tê cho các phẫu thuật ở mắt thay thế cho tiêm hậu nhãn cầu.
Tiêm trong tiền phòng
Đây là phương pháp đưa thuốc trực tiếp vào tiền phòng, chủ yếu dùng cho những trường hợp viêm màng bồ đào nặng hoặc dùng trong phẫu thuật.
Kĩ thuật: sau khi tiêm thuốc tê bằng thuốc tra tại chỗ, dùng một dao nhỏ chọc vào tiền phòng ở vùng rìa theo hướng song song bề mặt mống mắt, sau đó dùng một bơm tiêm có kim đầu tù chọc qua lỗ này để tiêm thuốc vào tiền phòng. Cần thận trọng khi thao tác vì có thể có biến chứng xuất huyết tiền phòng hoặc rách bao thể thủy tinh.
Các thuốc thường dùng để tiêm trong tiền phòng gồm kháng sinh, corticosteroid, thuốc co đồng tử (trong phẫu thuật).
Tiêm trong dịch kính
Trong một số các trường hợp nhiễm trùng nội nhãn nặng (chẳng hạn viêm mủ nội nhãn), người ta dùng phương pháp tiêm trong dịch kính để đưa thuốc trực tiếp vào trong nhãn cầu, Thuốc thường dùng để tiêm trong dịch kính chủ yếu là kháng sinh và corticosteroid. Khi tiêm trong nhãn cầu, chỉ được dùng một lượng thuốc nhỏ (0,1 - 0,2 ml) với nồng độ thấp để tránh gây độc cho thể thủy tinh và võng mạc.
Điện di (iontophoresis)
Điện di là phương pháp có thể giúp cho thuốc vượt qua được trở ngại ở hàng rào biểu mô giác mạc. Dung dịch thuốc được để tiếp xúc với giác mạc và chứa trong một chén nhỏ mang một điện cực. Thuốc được ngấm vào mắt khi có một hiệu điện thế sinh ra. Điện cực phải cùng dấu với điện tích của thuốc ở dạng dung dịch. Điện cực dương trên giác mạc thường dùng cho các thuốc có điện tích dương (chẳng hạn gentamycin, kanamycin, streptomycin). Điện cực âm trên giác mạc thường dùng cho các thuốc có điện tích âm (cephalosporin).
Rửa mắt liên tục
Trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng (chẳng hạn viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh), để đưa thuốc kháng sinh vào mắt được liên tục.
Kĩ thuật: bệnh nhân nằm tại giường, dùng một chai dịch truyền được nối với một ống dẫn với một đầu ống được cố định vào mi mắt. Mi mắt bệnh nhân được mở cố định bằng băng dính. Mỗi lần rửa mắt kéo dài khoảng 1 giờ, có thể lặp lại 2 đến 3 lần một ngày.
Bài viết cùng chuyên mục
Bệnh mắt liên quan với bệnh tự miễn
Mắt có liên quan mật thiết với các cơ quan khác của cơ thể. Nhiều bệnh toàn thân có những biểu hiện ở mắt và nhiều bệnh lí của mắt có thể là dấu hiệu của bệnh toàn thân.
Các thuốc tra mắt thường dùng
Thuốc sát trùng là những thuốc diệt khuẩn không đặc hiệu, có phổ tác dụng rộng và ít gây độc tại chỗ. Trước kia, thuốc sát trùng được dùng rất rộng rãi để điều trị các bệnh viêm của mi mắt và kết-giác mạc.
Bệnh võng mạc trẻ đẻ non
Cần phân biệt bệnh võng mạc trẻ đẻ non với các bệnh có dấu hiệu đồng tử trắng như: đục thể thủy tinh, bệnh Coats, ung thư võng mạc, viêm màng bồ đào.
Tác dụng phụ tại mắt của một số thuốc điều trị toàn thân
Phenothiazin, Chlorpromazin, thioridazin có thể gây giảm thị lực, lắng đọng ở mặt trước thể thủy tinh và giác mạc, biến đổi biểu mô sắc tố võng mạc.
Bệnh mắt liên quan với bệnh tim mạch
Bệnh võng mạc do cao huyết áp là bệnh tim mạch thường gặp nhất gây ra những tổn thương mắt. Tổn thương võng mạc là hậu quả của xơ cứng thành mạch và co mạch.
Bệnh học viêm loét giác mạc
Viêm giác mạc nông cũng có thể gặp trong những bệnh cấp hoặc mạn tính của mi và kết mạc như rối loạn sự chế tiết nước mắt (khô mắt), hở mi, nhiễm độc.
Đại cương về giải phẫu và sinh lý mắt
Củng mạc được cấu tạo từ nhiều lớp băng xơ dày đan chéo nhau rất vững chắc, có nhiệm vụ bảo vệ cho các màng và các môi trường bên trong.
Bệnh học glocom bẩm sinh
Giác mạc mờ đục: viêm giác mạc bẩm sinh (do rubêôn, herpes), loạn dưỡng nội mô giác mạc bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa mucopolysacharit, chấn thương sản khoa.
Bệnh mắt liên quan với bệnh vi rút
Vi rút zona (H. zoster) chủ yếu gây bệnh ở người già và những người bị suy giảm miễn dịch. Biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, nổi hạch, đau tăng dần và xuất hiện những mụn rộp ngoài da trán.
Bệnh mắt liên quan với bệnh nội tiết
Mắt có liên quan mật thiết với các cơ quan khác của cơ thể. Nhiều bệnh toàn thân có những biểu hiện ở mắt và nhiều bệnh lí của mắt có thể là dấu hiệu của bệnh toàn thân.
Bài giảng nguyên nhân mờ mắt
Khám mắt có thể thấy giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, soi đáy mắt phải điều chỉnh kính hội tụ để thấy rõ hình ảnh đáy mắt, có thể thấy hình ảnh gai thị nhỏ.
Bệnh học đục thể thủy tinh
Đục thể thuỷ tinh bẩm sinh có thể kèm theo lác, rung giật nhãn cầu và một số biểu hiện của bệnh toàn thân như dị dạng của sọ, hệ thống xương, rối loạn phát triển trí tuệ.
Bệnh mắt liên quan với bệnh dị ứng miễn dịch
Mắt có liên quan mật thiết với các cơ quan khác của cơ thể. Nhiều bệnh toàn thân có những biểu hiện ở mắt và nhiều bệnh lí của mắt có thể là dấu hiệu của bệnh toàn thân.
Bệnh học viêm kết mạc
Viêm kết mạc là một bệnh rất thường gặp. Biểu hiện lâm sàng bao gồm những triệu chứng chủ quan như ngứa, cộm, chảy nước mắt...và những triệu chứng thực thể như xuất tiết, nhú gai, hột, u hạt, giả mạc và màng, loét kết mạc, mụn bọng.
Bài giảng nguyên nhân đỏ mắt
Mắt đỏ là một trong những lý do khiến bệnh nhân đến khám. Đỏ mắt là do hệ mạch máu cương tụ.Tuỳ theo nguyên nhân gây đỏ mắt mà sẽ có các biểu hiện cương tụ khác nhau.
Bệnh mắt liên quan với bệnh nhiễm trùng
Ở những người suy giảm miễn dịch, cần phân biệt viêm võng mạc do nấm candida với viêm võng mạc do vi rút cự bào hoặc viêm võng mạc do toxoplasma.
Bệnh học glocom
Glôcôm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở nước ta cũng như trên thế giới, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến mù loà vĩnh viễn.
Bệnh học bệnh mắt hột
Bệnh mắt hột là một viêm mạn tính của kết mạc và giác mạc, Tác nhân gây bệnh là Chlamydia Trachomatis, nhưng có nhiều tác nhân vi sinh vật khác tham gia gây bệnh.
Bệnh học bỏng mắt
Bệnh cảnh lâm sàng của bỏng mắt do hoá chất rất phong phú, tuỳ thuộc vào nồng độ của hoá chất gây bỏng, thời gian được đưa đến bệnh viện.
Chấn thương đụng dập nhãn cầu
Chấn thương đụng giập nhãn cầu có thể gây dãn đồng tử hoặc co đồng tử (ít gặp hơn), phản xạ đồng tử có thể trở nên chậm chạp.
Bệnh học chấn thương mắt
Chấn thương mắt là một tai nạn thường gặp, là nguyên nhân thứ 3 gây mù loà sau đục thể thủy tinh và glôcôm. Tổn thương mắt do chấn thương thường phức tạp đòi hỏi một thái độ xử trí đúng đắn và kịp thời.
Bệnh mắt liên quan với bệnh máu
Các bệnh bạch cầu chủ yếu gây tổn thương nhiều bộ phận của mắt, đặc biệt là các cấu trúc được được cung cấp nhiều máu như võng mạc, hắc mạc, thị thần kinh.
Bài giảng nhãn áp
Khi có sự ứ trệ tuần hoàn vùng tĩnh mạch, ở vùng đầu mặt cổ như bệnh nhân nằm dốc đầu, bị đè ép tĩnh mạch cảnh, viêm tắc tĩnh mạch mắt.
Bệnh học đục thể thủy tinh ở trẻ em
Đối với đục thể thủy tinh bẩm sinh, phẫu thuật cần thực hiện càng sớm càng tốt để tránh nhược thị. Phương pháp phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ em khác với ở người lớn.
Thị lực và phương pháp khám thị lực
Các vật được nhìn ứng với một góc thị giác nhất định tại điểm nút của mắt, góc thị giác nhỏ nhất mà mắt còn phân biệt được hai điểm riêng biệt được.