- Trang chủ
- Sách y học
- Bài giảng nhãn khoa
- Bệnh học viêm kết mạc
Bệnh học viêm kết mạc
Viêm kết mạc là một bệnh rất thường gặp. Biểu hiện lâm sàng bao gồm những triệu chứng chủ quan như ngứa, cộm, chảy nước mắt...và những triệu chứng thực thể như xuất tiết, nhú gai, hột, u hạt, giả mạc và màng, loét kết mạc, mụn bọng.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Đại cương
Viêm kết mạc là một bệnh rất thường gặp. Biểu hiện lâm sàng bao gồm những triệu chứng chủ quan như ngứa, cộm, chảy nước mắt...và những triệu chứng thực thể như xuất tiết, nhú gai, hột, u hạt, giả mạc và màng, loét kết mạc, mụn bọng,...
Triệu chứng chủ quan
Trong các viêm kết mạc thường không đặc hiệu. Dấu hiệu chảy nước mắt, kích thích, rát bỏng trong mắt hay nhìn chói đều có thể gặp trong mọi trường hợp viêm kết mạc do các nguyên nhân khác nhau. Khi có tổn thương giác mạc có thể có cảm giác đau, dị vật. Ngứa là triệu chứng đặc hiệu của viêm kết mạc dị ứng nhưng cũng có thể xuất hiện trong các viêm bờ mi,...
Triệu chứng thực thể
Phù kết mạc: Là do dịch thấm qua các mao mạch có lỗ của kết mạc.Kết mạc phù thường sưng mọng lên, trong suốt (trong trường hợp nặng có thể lộ ra ngoài khe mi).
Xuất tiết (tiết tố): Là dịch rỉ ra ngoài qua biểu mô kết mạc từ những mạch máu giãn và cương tụ. Đặc điểm của những chất xuất tiết khác nhau tuỳ nguyên nhân gây viêm (tiết tố mủ là điển hình của viêm kết mạc do vi khuẩn, tiết tố chứa thanh dịch, nhày trong là của viêm kết mạc do virut,...).
Thâm nhiễm kết mạc: Xuất hiện trong các viêm nhiễm kết mạc nói chung. Kết mạc mất độ trong bóng bình thường, trở nên dày và đỏ, đặc biệt ở vùng cùng đồ.
Nhú gai: Nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp hoặc mạn tính gây ra đáp ứng nhú gai. Nhú chỉ xuất hiện trên kết mạc sụn mi, kết mạc vùng rìa là những nơi biểu mô kết mạc tiếp giáp phía dưới với tổ chức có tính chất xơ. Cấu trúc nhú gai bao gồm truch mạch máu ở giữa, xung quang là thâm nhiễm của các tế bào viêm mạn tính như lympho bào, tương bào và bạch cầu ái toan. Khi quá trình viêm kéo dài, các nhú gai có thể kết nhập tạo thành nhú khổngn lồ (trong viêm mùa xuân hpoặc trên bệnh nhân deo kính tiếp xúc). Nhú gai thường gặp trong viêm kết mạc dị ứng, do vi khuẩn, phản ứng khi đeo kính tiếp xúc, viêm bờ mi,...
Hột: Là biểu hiện điển hình trong một số viêm kết mạc. Hột là sự quá sản của tổ chức lympho trong nhu mô kết mạc. Kích thước và vị trí của hột trên kết mạc khác nhau tuỳ loại viêm kết mạc và mức độ viêm.Mạch máu thường bao quanh và xâmm lấn lên bề mặt hột chứ không bcó ở bên trong hột.
Giả mạc và màng: Là dịch thấm fibrin thoát ra qua các mạch máu kết mạc bị viêm nhiễm cùng các bạch cầu đa nhân và có thể đông lại trên bề mặt biểu mô kết mạc. Giả mạc và màng xuất hiện trong các viêm kết mạc tuỳ theo nguyên nhân. Giả mạc thường dễ bóc, ít gây chảy máu. Màng thường khó bóc, khi bóc sẽ chảy máu rât nhiều và khi khỏi để lại sẹo dưới biểu mô.
U hạt: Là sự tăng sinh của tổ chức hạt trong các viêm kết mạc đặc hiệu như lao, giang mai, sarcoidosis hoặc do dị vật trong kết mạc.
Loét kết mạc: Loét kết mạc thường ở phía dưới hoặc trên kết mạc nhãn cầu, có thể bị tiết tố kết mạc hoặc giả mạc che lấp. Nếu để hai bề mặt kết mạc loét dính nhau thì có thể gây dính mi cầu và cạn cùng đồ.
Hạch trước tai: trong một số hình thái viêm kết mạc, hạch trước tai sưng to, đôi khi ấn đau (viêm kết mạc do virut, do chlamydia,...).
Viêm kết mạc do vi khuẩn
Đặc điểm chung
Viêm kết mạc do vi khuẩn đôi khi có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng đến thị lực nếu nguyên nhân do các vi khuẩn có độc tính cao. Nguyên nhân gây bệnh thường là liên cầu, tụ cầu, phế cầu, lậu cầu, Haemophilus influenza, trực khuẩn Weeks, Moraxella Lacunata,…Bệnh thường khởi phát đột ngột (nếu cấp tính), lúc đầu ở một mắt,sau lan sang mắt kia.
Triệu chứng chủ quan thường bắt đầu là cộm như có cát trong mắt, bỏng rát và nhiều tiết tố làm mắt khó mở vào buổi sáng khi ngủ dậy.Triệu chứng khách quan: hai mi sưng nề, có tiết tố bám khô.Tiết tố ban đầu có dạng loãng giống như viêm kết mạc do virut, sau chuyển sang mủ nhầy.Kết mạc cương tụ ở cùng đồ và mi. Có thể xuất hiện màng giả ở kết mạc. Giác mạc ít bị thâm nhiễm, tuy nhiên có thể có viêm giác mạc chấm nông và thâm nhiễm vùng rìa. Nếu nguyên nhân do tụ cầu thì thường kèm theo nhọt mụn ở ngoài da. Nếu nguyên nhân do liên cầu thì thường có loét ở mặt hay nứt ở vùng khe mi. Nếu nguyên nhân do trực khuẩn Weeks thì thường phát triển viêm kết mạc kèm thoát huyết. Chẩn đoán thường dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng: xét nghiệm soi tươi, soi trực tiếp chất tiết tố, nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ). Điều trị: rửa mắt bằng nước muối sinh lý để loại bỏ tối đa tiết tố. Tiếp đó cho bệnh nhân tra kháng sinh (nước, mỡ) 7-10 ngày. Trong trường hợp nhẹ, có thể dùng Cloramphenicol 0,4%.Trong những trường hợp nặng hơn: có thể dùng Tobramicin, Neomicin, ciprofloxacin,…Thuốc nhóm Quinolon chỉ dùng trong những trường hợp rất nặng mà các thuốc khác không có tác dụng. Toàn thân có thể dùng kháng sinh trong những trường hợp cần thiết. Để phòng bệnh, cần tuyên truyền giữ vệ sinh cá nhân và môi trưòng, không tiếp xúc với người bị bệnh.
Viêm kết mạc cấp do phế cầu
Thường xuất hiện ở trẻ em,thường kèm viêm thể dịch đường hô hấp trên.
Triệu chứng
Hai mi sưng phù, xuất huyết chấm nhỏ ở kết mạc và củng mạc. Thường tạo màng giả ở kết mạc mi và cùng đồ dưới, màu trắng xám, dễ bóc bằng bông cuốn. Có thể kèm tổn thương giác mạc lớp nông ở vùng rìa (thẩm lậu nhỏ, có thể phát triển thành loét).
Điều trị
Cần lấy tiết tố làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh trước khi điều trị. Cần bóc màng hàng ngày hoặc cách ngày, sau đó rửa mắt sạch bằng nước muối sinh lý và tra kháng sinh (Cebemycin, Bacitracin-polymycin B, Ciprofloxacin,..) 10-15 lần/ ngày.
Viêm kết mạc cấp do lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae)
Bệnh tiến triển nặng, đặc biệt nguy hiểm với giác mạc. Có 3 hình thái lâm sàng: Sơ sinh, trẻ em và người lớn.
Viêm kết mạc cấp ở trẻ sơ sinh
Bệnh thường xuất hiện vào ngày 2-3 sau khi sinh khi qua đường sinh dục của người mẹ bị nhiễm lậu hoặc thậm chí từ khi còn trong bụng mẹ do vỡ ối sớm. Bệnh phát triển theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (ủ bệnh) kéo dài 3-4 ngày – da mi đỏ, phù mạnh, mi cứng như gỗ làm mắt rất khó mở,kết mạc cương tụ và phù, tiết tố máu; Giai đoạn 2 (chảy mủ) kéo dài 5-7 ngày – hai mi mềm hơn, tiết tố mủ nhiều (đặc điểm càng lau càng chảy),vành mi để khám rất khó (nếu khám được thấy kết mạc mi nhiều nhú gai); Giai đoạn 3 (tăng sản nhú gai) kéo dài 6-8 ngày – tăng sản nhú gai phát triển mạnh, kết mạc cương tụ nhìn như có tổ chức hạt, sau đó kết mạc chuyển dần về bình thường, không để lại dấu vết (khác với người lớn: sau khi bệnh khỏi có thể để lại sẹo). Bệnh có thể tiến triển rất nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ loét giác mạc, có thể hoại tử và thủng giác mạc, điều trị khó và để lại sẹo. Bệnh được chẩn đoán dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và xét nghiệm (soi trực tiếp chất tiết kết mạc, nhuộm Gram sẽ thấy rõ song cầu hình hạt cà phê).
Viêm kết mạc cấp do lậu cầu ở trẻ em
Bệnh thường phát triển ở 1 mắt, ở cháu gái do tự lây. Tiến triển nặng hơn hình thái sơ sinh, hay gây tổn thương giác mạc.
Viêm kết mạc cấp do lậu cầu ở người lớn
Thường ở 1 mắt. Tiến triển nặng, kèm sốt cao, tổn thương khớp, cơ, tim. Sau thời gian ủ bệnh, hai mi sưng nề, nhiều tiết tố vàng bẩn, có bọt loãng trào ra khi vành mi. Kết mạc cương tụ với nhiều nhú gai nhỏ li ti. Giác mạc tổn thương trong những trường hợp nặng, lúc đầu loét cạnh rìa, sau loét vào trung tâm và có thể gây viêm nội nhãn.
Điều trị và phòng bệnh
Phòng bệnh: Đối với trẻ sơ sinh: tra dung dịch Argyron 3% sau khi sinh (phương pháp này lần đầu tiên do bác sĩ người Nga Matveevưi phát hiện, xong trong y văn hay goi là phương pháp Créde – 1881).Hiện nay có thể tra một loại kháng sinh, cần phải theo dõi kiểm tra người mẹ trước sinh để có biện pháp xử lý sớm. Đối với hình thái trẻ em và người lớn: cần giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh và phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu có nhiễm lậu cầu toàn thân.
Điều trị: Rửa mắt liên tục bằng nước muối sinh lý. Tra kháng sinh nhạy cảm với lậu cầu. Penicilin đã không dùng trong điều trị do tỉ lệ gia tăng của lậu cầu kháng penicillin. Thuốc được dùng là kháng sinh nhóm quinolon, cephalosporin, bacitracin, gentamycin... tra 10-15 lần/ngày hoặc dưới hình thức giỏ giọt trong những ngày đầu. Sau đó 30 phút-1giờ/1 lần. Khi bệnh gần ổn định giảm liều 3-4 lần/ ngày. Toàn thân: với trẻ sơ sinh cần rất thận trọng khi chỉ định dùng khánh sinh; đối với người lớn: Cefoxitin 1gr tiêm bắp hoặc Cefotaxim 0,5gr tiêm t/m x 4 lần/ ngày, hoặc Ceftriaxon 1gr tiêm t/m hoặc Spectinomycin 2gr tiêm bắp.
Viêm kết mạc cấp do bạch hầu
Bach hầu là một viêm cấp tính, đặc trưng bởi sự tạo màng ở những đường vào của vi khuẩn. Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn Lefflera (tạo ngoại độc tố). Bệnh thường lây qua đường hô hấp.Thời gian ủ bệnh 2-10 ngày. Bệnh thường phát triển ở trẻ em 2-10 tuổi. Nếu bạch hầu và liên cầu cùng phát triển thì bệnh tiến triển rât nặng.Có ba hình thái lâm sàng.
Hình thái bạch hầu
Đây là hình thái nặng nhất.Tổn thương cơ bản: mi phù cứng, cương tụ (đặc biệt mi trên) làm mắt không mở được. Tiết tố nhầy ít. Sau 1-3 ngày mi mềm hơn, tiết tố nhiều hơn. Xuất hiện màng màu xám bẩn, bám chặt vào kết mạc mi và cùng đồ, kết mạc nhãn cầu. Bóc màng rất khó, gây chảy máu. Màng sẽ tự bong ra sau 7-10 ngày, để lại sẹo sao ở kết mạc. Tiết tố mủ nhiều. Nếu không điều trị kịp thời có thể phát triển loét giác mạc, viêm toàn nhãn.
Hình thái tơ huyết
Thường xảy ra hơn, quá trình viên tiến triển nhẹ hơn hình thái trên. Màng chỉ tạo ở kết mạc mi, mềm hơn, màu xám bẩn, dễ bóc hơn và chảy máu ít và sẹo ở kết mạc sau khi bong màng ít hơn. Giác mạc thường không bị tổn thương. Tiên lượng tốt.
Hình thái thể dịch
Là hình thái tiến triển nhẹ nhất, thường không tạo màng. Tổn thương chủ yếu là cương tụ và phù kết mạc. Không tổn thương giác mạc.
Chẩn đoán xác định
Dựa trên các tổn thương lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng (lấy dịch và chất tiết ở kết mạc làm xét nghiệm ngay trong 3 giờ đầu).
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc tạo màng do phế cầu, liên cầu và viêm kết mạc tạo màng kiểu bạch hầu do adenovirut. Đối với hình thái đầu tiên: thường có viêm thể dịch đường hô hấp trên hoặc viêm phổi, có phế cầu hoặc liên cầu trong bệnh phẩm. Màng tạo có màu trắng, dễ bóc và không để lại sẹo. Đối với hình thái sau: diễn biến gần giống bạch hầu, tuy nhiên ở những bệnh nhân này có viêm thể dịch đường hô hấp trên, hạch trước tai và góc hàm. Màng tạo màu xám, mềm, dễ bóc và không để lại sẹo.
Điều trị
Trước tiên cần phải cách ly bệnh nhân. Toàn thân: tiêm huyết thanh chống bạch hầu (đối với hình thái nhẹ: 10.000 -15.000 AE/1 lần. Tổng liều là 30.000 – 40.000 AE. Đối với hình thái nặng: tăng liều cao hơn gấp 1,5 – 2 lần. Kháng sinh có tác dụng tốt thuộc dòng Tetraxiclin, Erythromyxin. Ngoài ra cần phải cho bệnh nhân dùng thuốc giải độc theo đường truyến tĩnh mạch, uống vitamin. Tại mắt: rửa mắt liên tục bằng nước muối sinh lý, lấy màng (nếu được), tra kháng sing dòng Tetraxiclin và Erythromyxin.Nếu có tổn thương giác mạc, cần phải điều trị phối hợp.
Viêm kết mạc do virut
Viêm kết mạc do adenovirut
Adenovirut có thể gây rất nhiều bệnh nhiễm trùng ở kết mạc và giác mạc. Có đến 10/32 týp huyết thanh của adenovirut có thể gây bệnh ở mắt. Hai hình thái thường gặp nhất là viêm kết mạc kèm sốt, viêm họng - hạch (pharyngoconjunctival fever –PCF) và viêm kết giác mạc thành dịch (Epidemic keratoconjunctivitis – EKC). Đường lây trực tiếp hoặc gián tiếp (trường học, bể bơi...).
Viêm kết mạc kèm sốt, viêm họng, hạch
Hình thái này do serotype 3,4,7 gây nên, thường kèm viêm đường hô hấp trên. Bệnh nhân sốt nhẹ, đau họng, có thể nổi hạch trước tai, người mệt mỏi. Tại mắt thấy mi sưng và cảm giác nặng mi, cảm giác cộm như có cát ở trong mắt, sau đó mắt sưng nề nhanh. Tiết tố trong và dính. Kết mạc cương tụ, có thể phù, xuất hiện hột thành dãy ở cùng đồ (to, ánh hồng, không xâm nhập sụn, không để lại sẹo). Có thể có xuất huyết kết mạc, màng giả kết mạc (màu xám, mềm, dễ bóc). Giác mạc không bị tổn thương.
Viêm kết giác mạc thành dịch
Do serotype 8,11,19 gây nên, thường không kèm triệu chứng toàn thân.Tổn thương kết mạc tương tự như hình thái trên. Tổn thương giác mạc tiến triển theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (tiến triển trong vòng 7 ngày sau khi khởi phát bệnh) – Trên giác mạc xuất hiện những chấm viêm biểu mô toả lan hoặc có thể tróc biểu mô dạng chấm.Bệnh thường khỏi sau 2 tuần hoặc chuyển sang giai đoạn sau.Giai đoạn 2 (xuất hiện từ 7 đến 10 ngày sau khi khởi phát) – Trên giác mạc xuất hiện viêm biểu mô dạng chấm sâu. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau điều trị. Giai đoạn 3 (xuất hiện sau ngày thứ 8) - Bệnh biểu hiện bằng viêm biểu mô dạng chấm sâu, viêm nhu mô trước. Nếu không điều trị đúng, các ổ viêm này sẽ tồn tại hàng tháng hoặc hàng năm và gây giảm thị lực một cách đáng kể.
Phòng bệnh và điều trị
Cần cách ly bệnh nhân và giữ vệ sinh chung. Vì chưa có thuốc chống adenovirut đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng. Bệnh có thể tự rút lui trong 2 tuần nếu không có biến chứng đặc biệt. Cần tra kháng sinh tại mắt chống bội nhiễm.Cần thận trọng khi dùng cocticoid: dùng liều thấp và không dừng đột ngột tránh gây bệnh phát triển kéo dài và tái phát.
Viêm kết mạc do Enterovirut
Tác nhân gây bệnh là Enterovirut 70 (thuộc nhóm Picornavirut. Đây là một bệnh hiếm gặp, lây lan mạnh, tiến triển nhanh, có thể khỏi sau 1 tuần. Bệnh bắt đầu bằng triệu chứng cộm, chảy nước mắt.Tại mắt xuất hiện hột trên kết mạc mi kèm thoát huyết dưới kết mạc, có thể kèm viêm biểu mô giác mạc dạng chấm. Điều trị: không có thuốc đặc hiệu, chủ yếu giữ vệ sinh chung, cách ly tốt, chống bội nhiễm.
Viêm kết mạc do Molluscum contagiosum
Tác nhân gây bệnhn là Poxvirut AND. Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc với bệnh nhân hoặc qua đồ dùng. Bệnh thường phát triển ở thanh thiếu niên. Lâm sàng thường biểu hiện bằng viêm kết mạc có hột kèm tổn thương mi (nốt hạt ngọc có rốn trũng ở bờ mi). Có thể kèm tróc biểu mô giác mạc dạng chấm, tổn thương ở các phần khác của cơ thể. Điều trị: Phẫu thuật cắt các nốt ở mi kèm áp lạnh đông, tra kháng sinh chống bội nhiễm.
Viêm kết mạc do virut herpes
Bệnh hay tái phát do virut luôn có ở trong cơ thể.Bệnh có thể phát triển ở phụ nữ theo sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt. Virut thường vào cơ thể lặng lẽ, có thể gây phản ứng mạnh, sốt cao, nổi mụn nước. Tại mắt phát triển viêm kết mạc có hột cấp. Điều trị: thuốc chống virut herpes và chống bội nhiễm.
Viêm kết mạc cấp do Chlamydia
Bệnh do serotype D-K của Chlamydia trachomatis gây nên, thường phát triển ở người trẻ và trẻ em. Đường lây: qua đường sinh dục hoặc trực tiếp.
Biểu hiện lâm sàng tại mắt bằng một viêm kết mạc thể vùi.Tổn thương ở mắt thường xuất hiện sau khi lây một tuần, phối hợp với viêm phần phụ hoặc cổ tử cung không đặc hiệu. Có 2 hình thái lâm sàng:
Viêm kết mạc do Chlamydia ở người lớn (viêm kết mạc thể vùi)
Phát triển bán cấp, thường khởi phát 1-2 tuần sau khi nhiễm bệnh, biểu hiện bằng phản ứng hột ở kết mạc mi dưới và cùng đồ dưới,kết mạc nhãn cầu và nếp bán nguyệt, không tạo màng, có ít tiết tố mủ nhày., có thể có hạch trước tai.Tại giác mạc có thể có viêm biểu mô hoặc dưới biểu mô. Bệnh thường tiến triển kèm viêm niệu đạo, cổ tử cung. Điều trị: Bệnh có thể tự khỏi sau 6-18 tuần nhưng rất hiếm. Tại mắt tra dung dịch SMP10% và mỡ Tetraxiclin 1%; toàn thân uống Tetraxiclin 0,25x4 viên/ngày trong 3 tuần , hoặc Doxicyclin 0,1x2 viên/ngày trong 3 tuần, hoặc Erythromycin 0,25x4 viên/ngày trong 3 tuần, hoặc Azythromycin 1gr/1ngày (liều duy nhất).
Viêm kết mạc do Chlamydia ở trẻ sơ sinh
Phát triển sau khi sinh 5-14 ngày. Giai đoạn đầu thường không có hột trên kết mạc (hột chỉ có thể xuất hiện sau 3 tháng tuổi), có thể có màng trên kết mạc sụn mi, nhiều tiết tố mủ nhày. Bệnh có thể phối hợp với các tổn thương ở các cơ quan khác trong cơ thể: viêm phổi, viêm tai giữa.Cần chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc do lậu cầu (cần lấy tiết tố và làm xét nghiệm nhuộn gram hoặc giêmsa). Điều trị: thường đáp ứng tốt với thuốc tra (SMP 10%, mỡ tetraxiclin 1% hoặc mỡ Erythromycin 1%).Toàn thân có thể uống Erythromycin hoặc tiêm tĩnh mạc125mg/kg x4 lần/ngày trong 14 ngày.
Viêm kết mạc mạn tính có hột
Chưa rõ nguyên nhân. Bệnh lần đầu tiên được Axenfeld (người Đức) và Morax (người Pháp) tìm ra vì vậy nên bệnh được goi là viêm kết mạc có hột kiểu Morax – Axenfeld. Bệnh bắt đầu bằng cộm mắt, chảy nước mắt. Kết mạc xung huyết, hột phát triển thành dãy ở cùng đồ (to đều nhau, không cương tụ), có thể tồn tại rất lâu nhưng khi khỏi không để lại di chứng. Không có điều trị đặc hiệu, cần tra kháng sinh và thuốc sát trùng.
Viêm kết mạc dị ứng
Là một bệnh thường gặp, dị nguyên thường là ngoại sinh.
Hình thái lâm sàng: viêm kết mạc mẫn cảm (atopia), viêm kết mạc tiếp xúc (viêm kết mạc-da), viêm kết mạc do vi sinh vật, viêm kết mạc mùa xuân.
Viêm kết mạc mẫn cảm
Tiến triển cấp tính và mạn tính.
Cấp tính (kiểu dị ứng nhanh): Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng trong mắt, đau sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Mi phù, kết mạc cương tụ, chảy nhiều dịch. Phát triển nhú to trên kết mạc sụn mi. Đôi khi xuất hiện viêm giác mạc chấm.
Mạn tính: triệu chứng cơ năng phong phú (cảm giác nnhư có cát trong mắt, rát bỏng, chảy nước mắt,...). Triệu chứng thực thể không đặc hiệu (kết mạc hơi nhợt, nhú cương tụ nhẹ, kết mạc cùng đồ dưới hơi dày. Chẩn đoán khó, nhiều khi phảidựa vào sự tự theo dõi của bệnh nhân.
Điều trị triệu chứng là chủ yếu (kháng histamin, chống bội nhiễm, kháng viêm có steroid).
Viêm kết mạc và viêm da tiếp xúc
Nguyên nhân thường do dị nguyên ngoại sinh (thuốc, hoá chất, mỹ phẩm, phấn hoa, bụi, thức ăn...). Cơ chế sinh bệnh tương tự như viêm da tiếp xúc và eczema. Bệnh tiến triển theo kiểu dị ứng chậm, thường sau lần thứ hai tiếp xúc với dị nguyên.
Triệu chứng lâm sàng khá điển hình: đau chói, rát bỏng, sợ ánh sáng. kết mạc mi và kết mạc nhãn cầu cương tụ và phù nề. Nhú viêm phì đại. Nhiều tiết tố mủ nhầy (nếu lấy dịch này làm xét nghiệm: có nhiều bạch cầu ái toan, tế bào biểu mô). Da mi viêm mạnh.
Viêm kết mạc do vi sinh vật (vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng)
Dị nguyên thường gặp là ngoại độc tố của tụ cầu. Tiến triển theo kiểu dị ứng chậm.
Triệu chứng: kết mạc cương tụ, nhú to và kết nhập trên kết mạc, thường kèm viêm bờ mi có vẩy. Do triệu chứng nghèo nàn nên cần làm các test da bổ xung để chẩn đoán xác định (đặc biệt là test với kháng nguyên tụ cầu).
Viêm kết giác mạc có mụn phỏng
Nguyên nhân chưa rõ, thường do dị ứng với vi khuẩn lao.
Triệu chứng: đau nhức mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, thị lực không giảm hoặc giảm rất ít. Trên kết mạc hoặc ở vùng rìa giác mạc xuất hiện những nốt viêm màu vàng nhạt, có nhiều mạch máu bò vào, kết mạc xung quanh cương tụ.
Viêm kết mạc mùa xuân
Bệnh phát triển chủ yếu ở nam giới tuổi thanh thiếu niên. Bệnh tiến triển theo chu kỳ: kịch phát vào mùa xuân hè, thuyên giảm vào mùa đông (trong một số trường hợp, bệnh phát triển cả năm). Bệnh có cơ chế dị ứng rõ ràng, xong kháng nguyên cụ thể là gì thì vẫn còn đang được bàn cãi. Đa số các tác giả cho rằng bệnh có liên quan mật thiết với mùa xuân hè, nắng, thay đổi nội tiết và yếu tố di truyền.
Triệu chứng: bệnh nhân có cảm giác như có dị vật trong mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, giảm thị lực, đặc biệt ngứa mi và mắt. Dử mắt ít, xong có đặc điểm là dính, dai và có thể kéo dài thành sợi. Theo tổn thương thực thể, có thể phân ra ba hình thái: hình thái mi, hình thái nhãn cầu và hình thái hỗn hợp. Hình thái mi đặc trưng bởi sụp mi nhẹ, nhú to hình đa giác điển hình trên kết mạc sụn và có màu trắng hồng. Hình thái nhãn cầu đặc trưng bởi cương tụ vùng rìa giác mạc, kết mạc vùng rìa dầy lên, màu hồng xám hoặc vàng xám; trong những rường hợp bệnh nặng trên nền kết mạc vùng rìa dầy xuất hiện những chấm trắng (hạt Trantas). Hình thái hỗn hợp là sự kết hợp của hai hình thái trên
Điều trị triệu chứng là chủ yếu. Khi bệnh kịch phát nên dùng thuốc kháng histamin, ổn định dưỡng bào, cocticoid tra tại chỗ và uống toàn thân. Nếu có tổn thương nhú to và nhiều trên kết mạc: có thể áp tia b với tổng liều 4-5 phút.
Nguyên tắc phòng bệnh
Nhiều bệnh viêm nhiễm tại mắt có thể phòng được. Việc phòng bệnh là nhiệm vụ của cả thầy thuốc và bệnh nhân như đảm bảo tốt vệ sinh và dinh dường, dùng các thiết bị bảo vệ để hạn chế chấn thương mắt, xử dụng các thuốc sát khuẩn. Cụ thể:
Đối với nhân viên y tế: rửa tay sau mỗi lần khám bệnh nhân; tránh tiếp xúc không cần thiết với ống tra thuốc mắt và các dụng cụ khác; sát trùng tất cả các dụng cụ đã được xử dụng sau mỗi lần khám,...
Đối với bệnh nhân: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, dùng nước sạch, xử dụng dụng cụ bảo hộ lao động khi cần thiết,...
Bài viết cùng chuyên mục
Bệnh học glocom
Glôcôm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở nước ta cũng như trên thế giới, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến mù loà vĩnh viễn.
Tác dụng phụ tại mắt của một số thuốc điều trị toàn thân
Phenothiazin, Chlorpromazin, thioridazin có thể gây giảm thị lực, lắng đọng ở mặt trước thể thủy tinh và giác mạc, biến đổi biểu mô sắc tố võng mạc.
Bệnh mắt liên quan với bệnh nhiễm trùng
Ở những người suy giảm miễn dịch, cần phân biệt viêm võng mạc do nấm candida với viêm võng mạc do vi rút cự bào hoặc viêm võng mạc do toxoplasma.
Bệnh học viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào là một bệnh mắt khá phổ biến, căn nguyên phức tạp, tổn thương lâm sàng thường nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát và có thể dẫn đến mù loà.
Bệnh học đục thể thủy tinh ở trẻ em
Đối với đục thể thủy tinh bẩm sinh, phẫu thuật cần thực hiện càng sớm càng tốt để tránh nhược thị. Phương pháp phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ em khác với ở người lớn.
Bệnh mắt liên quan với bệnh thần kinh
Nhiều nguyên nhân toàn thân có thể gây rối loạn phản xạ đồng tử. Những dấu hiệu đồng tử thường gặp nhất là hội chứng Claude-Bernard-Horner và đồng tử Argyll-Robertson.
Chấn thương đụng dập nhãn cầu
Chấn thương đụng giập nhãn cầu có thể gây dãn đồng tử hoặc co đồng tử (ít gặp hơn), phản xạ đồng tử có thể trở nên chậm chạp.
Bệnh học lác mắt ở trẻ em
Đơn giản nhất là phương pháp Hirschberg, dùng một nguồn sáng chiếu thẳng trước mặt, cách mắt khoảng 40 cm và quan sát trung tâm đồng tử.
Bệnh học bỏng mắt
Bệnh cảnh lâm sàng của bỏng mắt do hoá chất rất phong phú, tuỳ thuộc vào nồng độ của hoá chất gây bỏng, thời gian được đưa đến bệnh viện.
Bệnh võng mạc trẻ đẻ non
Cần phân biệt bệnh võng mạc trẻ đẻ non với các bệnh có dấu hiệu đồng tử trắng như: đục thể thủy tinh, bệnh Coats, ung thư võng mạc, viêm màng bồ đào.
Bài giảng thị trường của mắt
Trên thị trường tương ứng với gai thị là ám điểm sinh lý, ám điểm này nằm về phía thái dương so với điểm cố định, nó là một vùng khuyết hình bầu dục đứng.
Bệnh học viêm loét giác mạc
Viêm giác mạc nông cũng có thể gặp trong những bệnh cấp hoặc mạn tính của mi và kết mạc như rối loạn sự chế tiết nước mắt (khô mắt), hở mi, nhiễm độc.
Bệnh học chấn thương mắt
Chấn thương mắt là một tai nạn thường gặp, là nguyên nhân thứ 3 gây mù loà sau đục thể thủy tinh và glôcôm. Tổn thương mắt do chấn thương thường phức tạp đòi hỏi một thái độ xử trí đúng đắn và kịp thời.
Thị lực và phương pháp khám thị lực
Các vật được nhìn ứng với một góc thị giác nhất định tại điểm nút của mắt, góc thị giác nhỏ nhất mà mắt còn phân biệt được hai điểm riêng biệt được.
Bài giảng nguyên nhân mờ mắt
Khám mắt có thể thấy giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, soi đáy mắt phải điều chỉnh kính hội tụ để thấy rõ hình ảnh đáy mắt, có thể thấy hình ảnh gai thị nhỏ.
Bệnh học ung thư võng mạc
Nếu khối u lớn và đe dọa sinh mạng thì cần phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu với thị thần kinh dài. Tiên lượng tốt nếu u chưa phát triển ra ngoài qua thị thần kinh.
Bài giảng nhãn áp
Khi có sự ứ trệ tuần hoàn vùng tĩnh mạch, ở vùng đầu mặt cổ như bệnh nhân nằm dốc đầu, bị đè ép tĩnh mạch cảnh, viêm tắc tĩnh mạch mắt.
Bệnh mắt liên quan với bệnh tim mạch
Bệnh võng mạc do cao huyết áp là bệnh tim mạch thường gặp nhất gây ra những tổn thương mắt. Tổn thương võng mạc là hậu quả của xơ cứng thành mạch và co mạch.
Bệnh học glocom bẩm sinh
Giác mạc mờ đục: viêm giác mạc bẩm sinh (do rubêôn, herpes), loạn dưỡng nội mô giác mạc bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa mucopolysacharit, chấn thương sản khoa.
Bệnh mắt liên quan với bệnh dị ứng miễn dịch
Mắt có liên quan mật thiết với các cơ quan khác của cơ thể. Nhiều bệnh toàn thân có những biểu hiện ở mắt và nhiều bệnh lí của mắt có thể là dấu hiệu của bệnh toàn thân.
Bệnh mắt liên quan với bệnh máu
Các bệnh bạch cầu chủ yếu gây tổn thương nhiều bộ phận của mắt, đặc biệt là các cấu trúc được được cung cấp nhiều máu như võng mạc, hắc mạc, thị thần kinh.
Bệnh mắt liên quan với bệnh vi rút
Vi rút zona (H. zoster) chủ yếu gây bệnh ở người già và những người bị suy giảm miễn dịch. Biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, nổi hạch, đau tăng dần và xuất hiện những mụn rộp ngoài da trán.
Bệnh mắt liên quan với bệnh tự miễn
Mắt có liên quan mật thiết với các cơ quan khác của cơ thể. Nhiều bệnh toàn thân có những biểu hiện ở mắt và nhiều bệnh lí của mắt có thể là dấu hiệu của bệnh toàn thân.
Các phương pháp điều trị tại mắt
Trong nhiều bệnh của mắt, để tăng cường hiệu quả của điều trị, ngoài việc tra thuốc tại chỗ người ta thường phải phối hợp các phương pháp tiêm mắt.
Đại cương về giải phẫu và sinh lý mắt
Củng mạc được cấu tạo từ nhiều lớp băng xơ dày đan chéo nhau rất vững chắc, có nhiệm vụ bảo vệ cho các màng và các môi trường bên trong.