Mày đay và phù quincke

2012-11-20 11:09 AM

Bụi nhà, bụi bông, len, bụi thư viện, bụi kho, các loại phấn hoa, nấm mốc, biểu bì lông súc vật, cũng là những tác nhân gây mày đay phù Quincke.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Trong các bệnh dị ứng thì mày đay và phù Quincke là bệnh phổ biến và hay gặp nhất,  tỉ lệ mắc bệnh này trong cộng đồng dân cư ở Việt nam khoảng 19- 24%. Các bệnh này do nhiều nguyên nhân gây nên, triệu chứng lâm sàng của mày đay chủ yếu biểu hiện ngoài da, tiến triển từng đợt ở nhiều vùng trên cơ thể thì phù Quicke có thể xuất  hiện không những trên da mà còn ở niêm mạc các cơ quan nội tạng (thanh quản, dạ dày, ruột v.v…).

Có 2 cách phân loại mày đay.

Phân loại theo diễn biến lâm sàng

Mày đay cấp: xuất  hiện vài phút sau khi  tiếp xúc với dị nguyên, kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, thường dưới 6 tuần.

Mày đay mạn: xuất hiện trong thời gian trên 6 tuần, có thể kéo dài trong nhiều  năm. Theo nghiên cứu của nhiều tác giả, mày đay mạn tính thường không rõ nguyên nhân.

Phân loại theo nguyên nhân

Mày đay có cơ chế dị ứng và không dị ứng.

Mày đay dị ứng

Do rất nhiều nguyên nhân gây nên, trước hết là các loại thuốc, tiếp đến là thức ăn, hoá mỹ phẩm, bụi, nấm mốc, lông súc vật, v.v…

Thuốc là nguyên nhân chính gây mày đay trong các trường hợp dị ứng thuốc. Tất cả các loại thuốc và các đường đưa thuốc vào cơ thể như uống, tiêm, xông, hít, đặt dưới lưỡi, bôi ngoài da  v.v…đều có thể gây mày đay - phù Quincke. Trong các thuốc gây mày đay- phù  Quincke, đứng đầu là nhóm kháng sinh, trong đó Beta-lactam chiếm tỉ  lệ cao nhất, tiếp đến là nhóm Cyclin, Macrolid, Chloramphenicol, Aminosid, Quinolon,  kháng sinh chống nấm, chống lao.v.v…

Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) (aspirin, decolgen, Mofen, Profenid,  Diclofenac...), các vitamin (B1, B2, B12, PP, C…), các  loại vaccin, huyết thanh, các thuốc chữa tiêu hoá, thần kinh, các loại giảm đau, gây tê, gây mê, thuốc điều trị bướu  cổ, thuốc chống sốt rét, thuốc tránh thai, thuốc điều  trị tiểu đường, thuốc cản quang có iod, thuốc hạ huyết áp, các thuốc có nguồn gốc động vật, thực vật. Đáng lưu ý nhất  là các thuốc chống dị ứng cũng gây dị ứng như các loại  glucocorticoid: prednisolon,  dexamethason, hydrocortison, flucinar  v.v…, các thuốc kháng histamin tổng hợp:  Clarityne, Theralen, Pamin, promethazin, Pipolphen v.v…

Các loại thuốc đều là hapten, khi vào cơ thể chúng có thể kết hợp với protein huyết  thanh hoặc protein các mô và trở thành các dị nguyên (DN) hoàn chỉnh (kháng nguyên toàn  phần). Các  kháng nguyên này kích thích cơ thể tạo kháng thể (KT) dị ứng  và gây nên trạng thái mẫn cảm với thuốc.

Người ta đã phát hiện được các nhóm đặc hiệu của  một số hoá chất có thể gắn được vào protein cơ thể như:  NH2-NO-N= ;-CONH2, -NHOH, -COOH, -OH.

Và các nhóm đặc hiệu trên phân tử protein có thể kết hợp với hoá chất:  - COOH, -SH,  -NH2,  -NHCNH2, -NH-

Nguyên nhân là thức ăn

Có nhiều  thức ăn nguồn gốc động  vật, thực vật  gây mày đay - phù Quincke, có loại thức ăn có khả năng giải  phóng histamin: tôm, cua, cá, ốc, lòng  trắng trứng, phủ  tạng động vật có vú, nọc ong, dứa, dâu tây, cà chua, ngũ  cốc, hạt  dẻ, lạc, rượu, vừng, kẹo socola  v.v…Có  loại thức ăn làm  giàu histamin như: pho mát, các loại cá, thịt hun khói, xúc xích, đồ uống lên men, cà chua, cải xoong, đồ hộp, dưa bắp cải,  dưa chuột, khoai tây v.v…Các  loại thức ăn giàu protein dễ gây mày đay - phù  Quincke hơn các loại thức ăn khác.

Nguyên nhân là hoá chất

Trước hết phải kể đến các loại mỹ phẩm:  phấn, son, nước hoa, thuốc đánh răng, xà phòng các loại, thuốc nhuộm tóc, thuốc nhuộm móng tay, móng chân v.v…Các loại này là nguyên nhân chính gây mày đay, nhất  là phù Quincke ở mặt cho phụ  nữ.  Trong công  nghiệp  thực phẩm  sản  xuất  đồ hộp, bánh kẹo, thức ăn người ta sử  dụng nhiều thuốc nhuộm màu có nguy cơ gây mày đay như  Tartrazin, và một số chất khác.

Các nguyên nhân khác: Bụi nhà, bụi bông, len, bụi thư viện, bụi kho…Các loại phấn  hoa, nấm mốc, biểu bì lông súc vật…cũng  là những tác nhân gây mày đay - phù Quincke.

Mày đay không dị ứng

Đây là dạng mày đay - phù Quincke xảy ra không theo cơ chế  dị ứng.  Trường hợp này thường do các yếu tố vật lý (nóng, lạnh, ánh nắng mặt trời, áp lực, chấn thương…) gây nên.

Cơ chế có thể do các tế bào mast ở tổ chức dưới da của những cá thể quá mẫn cảm,  các tế bào này  dễ dàng thoát bọng (degranulation), phóng thích các chất hoá học  trung gian khi tiếp xúc với những yếu tố nêu trên và gây nên bệnh cảnh lâm sàng của  mày đay - phù Quincke.

Cơ chế bệnh sinh

Theo phân loại của Gell và Coombs, cơ chế bệnh sinh Mày đay – Phù Quincke thuộc phản ứng dị ứng typ nhanh (typ I).

Cơ chế phản ứng dị ứng typ I.

Khi dị nguyên lọt vào cơ thể, dị nguyên bị các tế bào trình diện kháng nguyên tiếp  nhận. Các  tế bào này truyền đặc điểm cấu trúc của dị nguyên đến tế bào Th2. Th2 dưới tác động của IL4 và IL13 (interleukin 4,13) làm tế bào lympho B biệt hoá thành plasmocyte (tương  bào). Tế bào plasmocyte này tổng hợp kháng thể IgE.  Các kháng thể  IgE gắn trên bề mặt tế bào mast nhờ tận cùng Fc  (constant - fragment) nằm ở  domenC4 và gây nên trạng thái mẫn cảm của cơ thể.

Khi dị nguyên lọt vào cơ thể lần thứ hai, ngay lập tức các kháng thể này liên kết với dị nguyên phù hợp nhờ tận cùng khác của IgE - Fab (antigen - binding fragment), khi đó một phân tử IgE có thể kết hợp với 2 phân tử dị nguyên. Chính vì khả năng này nên một phân tử dị nguyên ở một vài vị trí quyết định có thể liên kết với một vài  phân tử IgE tạo thành vòng  nối giữa chúng với nhau. Sự tạo thành phức hợp dị nguyên - IgE  trên bề mặt tế bào nhờ Fc - receptor đã gây nên hiện tượng thoát bọng (degranulation) từ tế bào mast giải phóng hàng loạt các chất trung gian hoá học (mediator): histamin, serotonin, bradykinin, leucotrien, prostaglandin, chất tác dụng chậm của phản vệ SRS.A (Slow reacting substance of anaphilaxis)... Các chất  này, đặc biệt là histamin làm tăng tính thấm thành mạch, gây phù nề, ban đỏ dưới da và kích thích các tận cùng thần kinh cảm  giác dưới da gây ngứa.

Ngày nay nhiều tác giả đã xác định rằng còn nhiều tế bào khác như tế bào đơn nhân, bạch cầu ái toan, tiểu cầu cũng tham gia phản ứng dị ứng typ I. Trên bề mặt các tế bào này cũng có các receptor dành cho Fc của IgE. dị nguyên kết hợp với IgE này cũng làm  giải phóng hàng  loạt các chất trung gian hoá học khác nhau có tác dụng chống viêm.

Theo phân loại kinh điển, phản ứng  dị ứng typ I xảy ra ngay trong nửa giờ đầu tiên hoặc sớm hơn nữa. Phản ứng dị ứng cũng có thể xảy ra muộn hơn từ 4 đến 8 giờ sau  khi  tiếp xúc với dị nguyên, tuy nhiên mức độ biểu hiện của phản ứng muộn có thể khác nhau.

Nhóm các bệnh dị ứng atopy (hen phế quản, bệnh phấn hoa, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, mày đay- phù Quincke, dị ứng  thuốc...) thường có nồng độ IgE toàn phần tăng cao, đôi khi  rất cao. Cùng với sự tăng nồng độ của IgE toàn  phần, thì có một số lượng IgE  đặc hiệu, các  kháng thể này là kháng thể kết hợp với dị nguyên phù hợp. Trong rất nhiều trường hợp cùng với sự  tăng IgG toàn  phần  người  ta còn thấy sự có mặt của IgG4 cũng có khả năng gắn trên bề mặt tế bào mast và basophil.

Kháng thể IgE lưu hành được tổng hợp rất nhanh, nửa đời sống của chúng là 2-4 ngày. Khi IgE gắn trên tế bào tồn tại lâu hơn nhiều, khoảng 28 ngày.

Các tế bào sản xuất IgE thuộc loại có đời sống dài. Các tế bào này chủ yếu ở các tổ chức lympho của  niêm mạc, các hạch lympho (mảng pay-e), các hạch lympho phế quản.

Mày đay dị ứng

Sau khi dùng thuốc, thức ăn hoặc tiếp xúc với dị nguyên (nhanh có thể vài phút, chậm có thể hàng ngày) người bệnh có cảm giác nóng bừng, râm ran một vài chỗ trên da  như côn trùng đốt, rất ngứa và ở những vùng đó xuất hiện những sẩn  phù màu hồng hoặc đỏ đường kính vài milimet đến vài centimet, ranh giới rõ, mật độ chắc, hình tròn hoặc bầu dục, xuất hiện ở nhiều nơi, có thể chỉ khu trú ở đầu, mặt cổ, tứ chi hoặc bị toàn thân. Ngứa là cảm  giác khó chịu nhất, xuất hiện sớm, thường làm người bệnh mất ngủ, càng gãi càng làm sẩn  phù to nhanh hoặc xuất  hiện những sẩn phù khác. Các triệu chứng kèm theo đôi khi có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao. Mày đay dễ tái phát trong thời gian ngắn, ban vừa mất đi đã xuất hiện trở lại. Mày đay mạn tính thường kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm, rất khó chịu cho sinh hoạt và lao động.

Mày đay tiếp xúc

Khi tiếp xúc với những chất khác nhau như amoni, persulfat (dung dịch uốn tóc),  aldehyd cinnamic, acid  benzoic (thường thấy trong mỹ phẩm và thực phẩm) và các  hoá chất khác có thể gây nổi mày đay tại chỗ trong vòng vài phút đến vài  giờ. Các chất nêu trên hoặc khi mang găng tay cao su latex là những nguyên nhân thường gặp của mày đay tiếp xúc ở bàn tay. Về cơ chế nó có thể xảy ra dưới dạng  phản ứng  miễn dịch hoặc không miễn dịch, các phản ứng này thường nhẹ.

Mày đay do côn trùng đốt

Đây là mày đay dạng sẩn do tăng mẫn cảm với các vết đốt của một số côn trùng như   muỗi, mòng, bọ  chét, mạt, kiến, ong, sâu róm… Triệu chứng là những dát hoặc nốt  sẩn tụ thành từng đám chủ yếu ở vùng da trần, đặc biệt là tay, chân và vùng đầu, mặt, cổ, rất ngứa và thường bị gãi trầy xước.

Mày đay vật lý

Mày đay vật lý được đặc trưng bởi  những dát sẩn  xảy ra sau một tác nhân vật lý nào  đó. Chúng xảy ra ở khoảng 50% số bệnh nhân mày đay mạn tính. Loại mày đay này có thể chia ra các dạng như sau:

Chứng da bản đồ, mày đay do sức ép hoặc rung động

Các tình trạng này có thể do sang chấn cơ học như cọ xát (ví dụ lên da), sức ép và rung động. Chứng da bản đồ có triệu chứng làm xuất  hiện những dát, sẩn ngứa khoảng 5-10 phút sau khi chà nhẹ lên da, phản ứng  này cũng có thể xảy ra ở những nơi quần áo cọ xát vào da làm da rất ngứa. Mày đay muộn do sức ép xảy ra sau một giờ trở lên khi một  vùng trên cơ thể phải chịu sức ép kéo dài, mặc quần áo bó sát là một nguyên nhân chính hay gặp của mày đay muộn do sức ép - các dát, sẩn trong dạng mày đay này  tồn tại dai dẳng. Mày đay do rung động ít gặp hơn, trong đó triệu chứng sưng, ngứa ở tay là chính, ví dụ khi nắm chặt tay điều khiển máy cần cẩu, lái xe ô tô...

Mày đay do lạnh

Triệu chứng xảy ra trong vòng vài phút bị lạnh da. Thời tiết lạnh, nước lạnh, hoặc  cầm nắm đồ vật lạnh thường làm khởi phát bệnh với các biểu hiện sẩn sưng đỏ hoặc tái, ngứa ở nơi tiếp xúc với lạnh.

Mày đay do nóng

Các sẩn đỏ hoặc tái, ngứa thường xuất  hiện ở những vùng da hở do phơi nhiễm với ánh nắng mặt trời hoặc do nóng.

Mày đay do gắng sức

Do tăng tiết cholin khi vận động mạnh, các sẩn thường nhỏ  (2-4mm), ngứa và xung  quanh có quầng đỏ. Chúng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cơ thể và xuất hiện trong vòng vài phút sau khi có kích thích.

Mày đay mạn tính không rõ nguyên nhân

Là thể bệnh hay gặp, hay tái phát và không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Biểu  hiện lâm sàng là những dát hoặc sẩn sưng nề, màu hồng hoặc tái nhợt.

Mày đay mạn tính chủ yếu xảy ra ở người lớn, có đến 40% số bệnh nhân mày đay mạn tính kéo dài hơn 6 tháng, đến 10 năm sau vẫn sẽ bị nổi mày đay. Bệnh có xu hướng diễn biến lui bệnh rồi  lại tái phát, triệu chứng nặng hơn về đêm. Mày đay mạn tính thường gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, buồn bực, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động, học tập.

Dưới đây là bảng câu hỏi dùng cho người bệnh bị mày đay:

Thời gian xuất hiện của mày đay < 6 tuần ≥ 6 tuần.

Kích thước của sẩn mày đay....

Màu sắc.

Bề ngoài của da sau khi sẩn đã lặn.

Số lần nổi sẩn.

Có sưng nề ở mặt (mí mắt, môi), miệng.

Tổn thương xuất hiện khi: Dùng thuốc.

Thức ăn.

Tiếp xúc bụi nhà.

Hoá chất (phụ gia, latex, mỹ phẩm).

Côn trùng đốt.

Chà xát.

Đè ép.

Gắng sức.

Nóng Lạnh.

Nhúng trong nước ấm hoặc nước lạnh ánh nắng mặt trời.

Có triệu chứng đi kèm: Sốt.

Ngứa.

Đau bụng.

Đau đầu.

Phù Quincke

Phù Quincke là bệnh dị ứng có đặc điểm phù cục bộ ở da và dưới da do nhiều  nguyên nhân gây nên. Bệnh này do H.Quincke mô tả lần đầu tiên vào năm 1882. Ông viết: “Trong da và tổ chức dưới da của người bệnh xuất hiện từng đám sưng nề,  đường kính từ 2-10cm, thường ở các vùng da trên khớp, trên thân mình, ở mặt, đặc biệt ở mi mắt và môi. Màu sắc những đám sưng nề đó không có gì đặc biệt, có thể  như màu da bình thường, đôi khi hơi tái hơặc hơi hồng, có thể ngứa hoặc cảm giác  căng da. Miệng, thanh quản sưng, phù nề, dấu hiệu này xuất hiện nhanh chóng sau  một vài giờ, gây khó thở, đôi khi nguy kịch. Người  bệnh mệt mỏi và khát, đặc biệt không sốt. Bệnh tái phát nhiều lần cũng tại những vùng đã xuất hiện trước đây trên cơ thể”.

Phù Quincke thường đi kèm với mày đay nhưng cũng có nhiều trường hợp chỉ có phù  Quincke đơn thuần.

Những vị trí hay gặp khi bị phù Quincke là môi, mi mắt, cổ, niêm mạc miệng, họng, thanh quản, ruột.

Phù Quincke điển hình thường gặp thấy ở mặt với hai mi mắt sưng mọng, đôi môi to, da mặt căng nề, làm biến dạng khuôn mặt, có thể kèm theo đau đầu, buồn nôn.

Phù Quincke thanh quản là nguy hiểm nhất, ở nhiều nước tỉ lệ mắc khoảng 25% các  trường hợp phù Quincke. Khi bị phù Quincke thanh quản triệu chứng xuất hiện đầu tiên là ho khan, nói giọng khàn, sau đó xuất hiện khó thở cả thì thở vào và thở ra, vẻ mặt tím tái, bệnh nhân hốt hoảng, lo lắng.

Khi bị phù Quincke niêm mạc phế quản gây nên triệu chứng khó  thở kiểu hen, nghe phổi có ran rít, ran ngáy.

Các trường hợp trên đều phải được nhanh chóng cấp cứu. Trường hợp hay gặp nữa  là phù Quincke niêm mạc đường tiêu hoá với triệu chứng buồn nôn, rồi nôn ra thức ăn, sau nôn ra cả mật. Lúc đầu đau bụng cấp khu trú, sau lan ra khắp bụng, kèm theo có tăng nhu động ruột, ỉa chảy, có khi kèm theo ban mày đay ngoài da.

Phù Quincke đường tiết niệu có triệu chứng của viêm bàng quang cấp, đái buốt, đái  rắt. Phù Quincke niêm mạc tử cung cũng có các triệu chứng tương tự, chú ý hai triệu  chứng đau bụng dưới, ra máu dễ nhầm với chửa ngoài dạ con.

Chẩn đoán xác định

Không khó khi dựa vào các biểu hiện lâm sàng. Để bước đầu xác định sơ bộ nguyên nhân gây bệnh người thầy thuốc cần khai thác tỉ mỉ tiền sử dị ứng bản thân, gia đình người bệnh, trước tiên phải hỏi kỹ người bệnh các loại thuốc, thức ăn, hoá mỹ  phẩm.v.v…đã dùng trước khi bị mày đay- phù Quincke. ảnh hưởng của lao động gắng sức, môi trường sống và làm việc. Điều kiện nhà ở, thời gian xuất hiện cơn mày đay đầu tiên. Mối quan hệ giữa mày đay - phù Quincke với chế độ ăn, nghề nghiệp, mùa  trong năm. Các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính như viêm đại tràng, viêm gan mật, viêm đường tiết niệu, viêm xoang liên quan đến sự xuất  hiện mày đay, phù Quincke. Xem xét kỹ hình thức bên ngoài của tổn thương: kích thước, màu sắc, vị trí của các sẩn mày đay trên cơ thể.

Chẩn đoán nguyên nhân

Để xác định nguyên nhân gây bệnh phải dùng các phương pháp chẩn đoán dị ứng  đặc hiệu, bao  gồm: khai thác tiền sử dị ứng cá nhân và gia đình, test lẩy da, test kích thích với dị nguyên nghi ngờ, phản ứng in vitro xác định kháng thể dị ứng trong huyết thanh người bệnh.

Đối với mày đay do yếu tố vật lý làm thử nghiệm  với nước nóng, cục đá tác động trên da (thường là mặt trước trong cẳng tay).

Nguyên tắc điều trị

Bước đầu tiên trong điều trị mày đay dù là mày đay dị ứng hoặc không dị ứng là làm  giảm triệu chứng bằng cách cho dùng thuốc kháng histamin H1.

Trong tất cả mọi trường hợp, ngoại trừ những trường hợp nặng nhất, nên bắt đầu với các thuốc kháng histamin H1 ít hoặc không gây buồn ngủ hay còn gọi là các thuốc thế hệ thứ hai như loratadin, fexofenadin hay cetirizin. Trên lâm sàng fexofenadin hoàn  toàn không gây buồn ngủ và rất hiệu quả, loratadin cũng không gây buồn ngủ ở liều thông thường, trong khi cetirizin có gây buồn ngủ trên khoảng 20-30%  bệnh nhân,  đây là chất chuyển hoá của hydroxyzin, một thuốc kháng histamin có tác dụng gây ngủ cao.

Những bệnh nhân mày đay mạn tính hay bị ngứa vào buổi tối, ngứa cũng xảy ra ban  ngày nhưng tỉ lệ thấp hơn, do đó buổi tối nên cho dùng các thuốc kháng histamin gây buồn ngủ như hydroxizin, cholorpheniramin. Với mày đay mạn tính sự kết hợp giữa  thuốc kháng histamin H1 và H2 như cimetidin có thể có tác dụng cộng lực và hiệu quả  hơn khi dùng thuốc kháng histamin H1 đơn thuần.

Cơ chế tác dụng của thuốc kháng histamin H1 là làm giảm số lượng, kích thước và  thời gian tồn tại của sẩn mày đay và giảm ngứa. Thuốc kháng histamin H1 thế hệ thứ nhất và thứ hai có hiệu quả tương tự như trong điều trị mày đay mạn tính, tuy nhiên thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất gây buồn ngủ nên ngày nay ít được sử dụng.

Các thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai có nhiều ưu điểm vượt trội:

Hấp thu nhanh, khởi phát tác dụng nhanh.

Hiệu quả điều trị cao.

Không nhờn thuốc hoặc hết tác dụng nhanh sau khi ngừng thuốc.

Không tích luỹ thuốc, không gây tương tác thuốc.

Không hoặc ít cần chỉnh liều ở những đối tượng đặc biệt (suy gan, suy thận, người  già).

Tác dụng kéo dài cho phép dùng thuốc 1 lần/ngày.

Ít hoặc không có tác dụng phụ.

Không gây buồn ngủ.

Trong trường hợp dùng thuốc kháng histamin mà không kiểm soát được bệnh thì nên phối hợp với các thuốc corticoid dạng tiêm hoặc uống.

Điều trị đặc hiệu

Loại bỏ dị nguyên gây bệnh bằng cách không dùng các loại thuốc, thức ăn, hoá mỹ phẩm... đã gây mày đay - phù Quincke, chuyển nơi ở, làm việc...

Khi vẫn phải tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh tức là khi không loại bỏ được dị nguyên thì tiến hành phương pháp điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu. Tuy nhiên phương pháp này ít được áp dụng đối với người bệnh mày đay - phù Quincke.

Nếu mày đay do lạnh cần chú ý mặc ấm, đi găng tay, tất, tắm nóng, hạn chế ra lạnh quá sớm cũng phần nào hạn chế được mày  đay. Chú ý không đI tắm sông, biển một mình đề phòng xuất  hiện mày đay cấp, co thắt phế quản rất nguy  hiểm. Với mày đay do nóng cũng hạn chế đến mức tối đa tác động của ánh nắng mặt trời lên da.

Điều trị triệu chứng

Mày đay

Đối với mày đay chỉ có biểu hiện nhẹ khu trú ở tay, chân, mặt, thân mình, có thể chỉ  dùng một trong các thuốc kháng histamin tổng hợp sau:  astemizol 10mg ngày uống 1 viên, loratadin 10mg  x 1 viên, fexofenadin 180mg x 1 viên.

Đối với mày đay toàn thân, dùng kết hợp corticoid với kháng histamin. Các glucocorticoid thường dùng dạng tiêm truyền hoặc uống. Các thuốc hay được sử  dụng là depersolon 30mg, methylprednisolon 40mg, hoặc các thuốc dạng viên prednisolon 5mg, methylprednisolon 4mg và 16 mg.

Với mày đay mạn tính, nên dùng kết hợp glucocorticoid, kháng histamin H1 và kháng histamin H2. Trong trường hợp này  kháng histamin H2 làm tăng và kéo dài tác dụng của kháng histamin H1.

Phù Quincke

Thuốc vẫn dùng là corticoid dạng tiêm truyền hoặc uống kết hợp với kháng histamin H1.

Với các trường hợp gây khó thở do phù Quincke nặng ở mặt, phù thanh quản nên dùng ngay adrenalin 1mg tiêm dưới da 1/3mg.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần được biết những kiến thức về những tác nhân  có thể làm cho mày đay nặng thêm hoặc tái phát như uống rượu, nhiễm trùng, ăn các  thức ăn tanh, vận động quá sức…để dự phòng.

Bài viết cùng chuyên mục

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Thường sốt nhẹ, nhưng cũng có trường hợp sốt cao, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, kèm theo các triệu chứng toàn thân như gày sút, mệt mỏi, kém ăn.

Bệnh học xơ cứng bì

Tổn thương da khu trú ở đầu ngón, từ ngón tay lên đến cổ tay, hoặc từ ngón chân đến đầu gối, đôi khi cứng da khu trú ở vùng dưới xương đòn.

Bệnh học dị ứng thức ăn

Vấn đề quan trọng là cần phải phân biệt với các phản ứng dị ứng giả, không dung nạp thức ăn, các phản ứng bất lợi do thức ăn và ngộ độc thức ăn.

Viêm da atopi và viêm da dị ứng tiếp xúc

Sự thay đổi về tổ chức học của da, trong viêm da atopi, và viêm da tiếp xúc, được quan sát thấy khoảng 4 giờ sau khi dị nguyên vào cơ thể.

Bệnh viêm mao mạch dị ứng

Lồng ruột cấp, và thường ở vị trí hồi hồi tràng là biến chứng trầm trọng nhất của tổn thương đường tiêu hoá có thể quan sát thấy.

Bài giảng dị ứng thuốc

Những biểu hiện lâm sàng, của dị ứng thuốc rất phong phú, và đa dạng, các biểu hiện này có thể xuất hiện toàn thân, hoặc từng hệ cơ quan.

Bài giảng hen phế quản (miễn dịch lâm sàng)

Các thuốc phối hợp trong điều trị hen, cường beta 2 tác dụng kéo dài, corticoid khí dung, được sử dụng trong phác đồ 4 bậc theo GINA.

Bài giảng sốc phản vệ

Ngưng kết tiểu cầu, kích thích tiểu cầu giải phóng histamin và các mediator khác, làm tăng tính thấm thành mạch, co thắt cơ trơn và phế quản.