- Trang chủ
- Sách y học
- Nội khoa miễn dịch dị ứng
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Lupus đã được y học biết đến từ đầu thế kỷ XIX, nhưng mới chỉ được coi là bệnh ngoài da không nguy hiểm. Năm 1828, BieHe miêu tả “ban đỏ rải rác” đối xứng và phân biệt lupus “tổn thương sâu” với “tổn thương bề mặt”. Năm 1845, Hebra mô tả tổn thương ngoài da như hình cánh bướm ở mặt. Danh từ “Lupus ban đỏ” được Cazenave đưa ra năm 1851 với hai thể: thể nhẹ tổn thương ngoài da và thể nặng kèm theo các tổn thương nội tạng.
Đến năm 1872, Kaposi chia lupus ban đỏ hệ thống (SLE) thành hai thể lâm sàng: Lupus dạng đĩa và Lupus dạng lan toả. Ở dạng lan toả mà Kaposi miêu tả ngoài những biểu hiện ngoài da còn có các tổn thương khác như máu, thần kinh, nội tạng… kèm theo sốt mà ông gọi là sốc nhiễm độc.
Năm 1895 - 1904, Osler là người đầu tiên mô tả những biểu hiện toàn thân của bệnh lupus ban đỏ: viêm khớp, viêm phổi và các biểu hiện ở thận, ở hệ thần kinh…đồng thời ông cũng thông báo những tổn thương nội tâm mạc và ngoại tâm mạc trong nhóm bệnh đặc biệt có ban đỏ xuất hiện.
Nửa đầu thế kỷ XX ghi nhận những biểu hiện mô học của bệnh: các tổn thương cầu thận được thấy trên 23 ca bệnh và tới năm 1942 Klemperer và Bachs đã đưa hướng nghiên cứu theo bệnh tạo keo.
Năm 1948, Hargraves và cộng sự đã phát hiện ra tế bào LE. Năm 1950, Hassik tìm ra yếu tố miễn dịch có vai trò quan trọng trong sự hình thành tế bào LE, quan điểm về một bệnh tự miễn được hình thành.
Cuối cùng sự phát hiện kháng thể kháng nhân do Coons và Frion năm 1957 đã dẫn đến sự tìm ra một loạt các tự kháng thể khác, đánh dấu một mốc quan trọng khẳng định lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn.
Sự xuất hiện và tác dụng tốt của corticoid đã kéo dài đời sống bệnh nhân và giúp cho tiên lượng của bệnh nhân thay đổi rất nhiều (Hench 1948 - 1949), Dubois đưa ra định nghĩa: bệnh lupus là một hội chứng nguyên nhân không rõ, đặc trưng bởi tổn thương nhiều cơ quan nội tạng, có những đợt tiến triển nặng xen kẽ đợt lui bệnh. Chẩn đoán bệnh dựa trên sự có mặt của các kháng thể kháng nhân và tế bào Hargraves trong huyết thanh của bệnh nhân. Năm 1968 Hội khớp học Hoa Kỳ (ARA) đưa ra 14 tiêu chuẩn chẩn đoán và ngày nay chỉ còn 11 tiêu chuẩn. Chỉ cần có 4/11 tiêu chuẩn là chẩn đoán dương tính.
Tỉ lệ mắc bệnh lupus hàng năm rất khó xác định. Theo một số tài liệu nghiên cứu, tỉ lệ đó giao động từ 1 đến 10 ca mới trong 100.000 dân (1955-1975) tại Mỹ và các nước Bắc Âu.
Các bất thường về miễn dịch
Các tự kháng thể
Kháng thể kháng cấu trúc của nhân:
Kháng thể kháng nhân (ANA) tỷ lệ dương tính cao tới 90% nhưng độ đặc hiệu thấp vì ANA có thể gặp trong các bệnh khác như xơ cứng bì, viêm đa khớp dạng thấp. Đặc biệt gặp dương tính từ 1- 3% ở người bình thường, nhất là ở người già.
Kháng thể kháng ADN gồm 03 typ:
Typ I: Kháng thể kháng ADN tự nhiên chuỗi kép (ds ADN, db ADN, n ADN), tỷ lệ gặp là 60-70%, độ đặc hiệu cao.
Typ II: Kháng thể kháng cả ADN chuỗi đơn và chuỗi kép.
Typ III: Kháng thể kháng ADN chuỗi đơn (n-ADN), tỷ lệ gặp là 30%.
Kháng thể kháng Histone: gặp trong các trường hợp lupus do thuốc.
Kháng thể kháng nucleoprotein không hoà tan, được phát hiện bằng tế bào Hargraves.
Kháng thể kháng các kháng nguyên hoà tan:
Kháng thể kháng Sm (là tên của bệnh nhân được phát hiện đầu tiên có kháng thể này), tỷ lệ gặp là 30 - 40%.
Kháng thể kháng RNP (kháng nguyên tương ứng là ribonucleo-protein) có độ nhậy và độ đặc hiệu khá cao. Hai kháng thể Sm và RNP thường đi kèm với nhau tuy kháng nguyên khác nhau.
Kháng thể kháng SSA (kháng Ro) gặp 30% trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống, 60% trong hội chứng Sjệgren - Gougerout. Rất đặc hiệu để chẩn đoán lupus bẩm sinh.
Kháng thể kháng các tế bào:
Kháng thể kháng hồng cầu: nghiệm pháp Coombs dương tính với tỷ lệ 60% trong bệnh lupus và thường gây ra biểu hiện thiếu máu trên lâm sàng.
Kháng thể kháng bạch cầu: bạch cầu ngoại vi giảm. Các nghiên cứu cho thấy chủ yếu là lympho bào bị tổn thương, một phần nhỏ là bạch cầu đa nhân trung tính.
Kháng thể kháng tiểu cầu: là các kháng thể kháng lại các kháng nguyên trên bề mặt tiểu cầu, gây biểu hiện giảm tiểu cầu mức độ nhẹ và vừa; có thể gặp xuất huyết giảm tiểu cầu.
Kháng thể kháng phospholipid: trên lâm sàng được biểu hiện bằng phản ứng giang mai dương tính giả.
Kháng thể kháng vi cơ quan:
Kháng thể kháng ribosom: khi xuất hiện kháng thể này thường có biểu hiện tâm thần.
Kháng thể chống bộ máy Golgi: rất ít gặp.
Các phức hợp miễn dịch
Phức hợp miễn dịch lưu hành: gặp trong hệ tuần hoàn.
Phức hợp lắng đọng: trong các mô, các tổ chức dưới da, màng đáy cầu thận.
Bổ thể
Các phức hợp miễn dịch khi lắng đọng sẽ hoạt hoá bổ thể theo con đường kinh điển. Sự hoạt hoá sẽ giải phóng ra các mảnh C3a - C5a. Đây là yếu tố hoá ứng động, sẽ lôi kéo các bạch cầu đa nhân trung tính, đại thực bào đến thực bào với phức hợp miễn dịch. Trong quá trình thực bào sẽ giải phóng ra những chất gây viêm ở những nơi có phức hợp miễn dịch lắng đọng.
Khi phản ứng viêm diễn ra kích thích quá trình oxy hoá tạo ra các gốc tự do, các ion có độc tính rất mạnh với mô liên kết.
Ngoài các tế bào, gốc tự do gây tổn thương còn có các enzym tiêu protein có nguồn gốc từ nhiều tế bào khác nhau tham gia vào quá trình huỷ hoại mô, các tổ chức liên kết.
Các yếu tố nguyên nhân
Yếu tố bẩm sinh (di truyền)
Có tính chất gia đình với tỷ lệ mắc bệnh tăng lên ở những người cùng huyết thống, đặc biệt ở thế hệ thứ nhất. Yếu tố di truyền càng rõ ở trẻ sơ sinh cùng trứng, chiếm tỷ lệ 63% trong khi ở trẻ sơ sinh khác trứng tỷ lệ mắc là 10%.
Ngày nay với kỹ thuật tiên tiến người ta thường thấy lupus kết hợp với HLA DR2 và HLA DR3.
Yếu tố mắc phải
Virus:
Khi so sánh những người trẻ tuổi bị lupus với người lành thì thấy tần suất huyết thanh nhiễm Epstein - Barr tăng lên rõ rệt, tuy nhiên mọi cố gắng phân lập virus ở bệnh nhân lupus đều thất bại. Đã có giả thuyết coi virus như một yếu tố khởi phát gen trong cơ thể gây rối loạn hệ miễn dịch.
Thuốc:
Các thuốc điều trị lao (INH, Rifampicin), hạ áp (Hydralazin, Procainamid), chống co giật (Phenintoin… ), thuốc chống thụ thai…là những nguyên nhân gây lupus ban đỏ.
Hormon giới tính:
Gặp ở nữ nhiều hơn nam (8-9/1), tần suất cao ở lứa tuổi sinh đẻ. Quá trình thai nghén ảnh hưởng rõ ràng tới bệnh, đặc biệt là 03 tháng cuối thời kỳ mang thai.
Tia cực tím.
Sốt
Thường sốt nhẹ 37°5 C - 37°6C, nhưng cũng có trường hợp sốt cao tới 39 - 40°C. Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, kèm theo các triệu chứng toàn thân như gày sút, mệt mỏi, kém ăn.
Biểu hiện ở da và niêm mạc
Ban đỏ hình cánh bướm ở mặt. Ban thành mảng, vảy mịn, có khi phù nề, khu trú ở hai cánh mũi, gò má và dưới cằm.
Có thể gặp ban đỏ ở vùng trước ngực, lưng, ở đầu ngón tay xung quanh móng.
Da nhạy cảm với ánh sáng.
Loét miệng, họng.
Rụng tóc có thể lan toả hoặc khu trú thành mảng.
Các biểu hiện ở cơ xương khớp
Đau cơ, đau khớp là dấu hiệu hay gặp và thường là dấu hiệu khởi phát bệnh.
Viêm khớp đơn thuần: Có thể gặp ở một hay nhiều khớp, có thể di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Không có cứng khớp buổi sáng, không có sưng nóng đỏ, không có biến dạng xương khớp. Trên X-quang không có hình ảnh mòn xương, gai xương hoặc hẹp dính khe khớp. Có thể gặp biến dạng ngón tay hình thoi, hoặc biến dạng cả trục khớp hình thành một bệnh thấp kiểu Jaccoud, nhưng rất ít gặp.
Hoại tử xương vô khuẩn: Thường gặp ở cực trên xương đùi, lồi cầu xương
đùi, thân xương chày hoặc đầu xương cánh tay mà không phải do corticoid.
Viêm cơ, loạn dưỡng cơ: Có thể thấy xâm nhập bạch cầu qua sinh thiết cơ và có tăng men cơ qua xét nghiệm.
Viêm khớp nhiễm trùng: Thường gặp ở khớp gối, do các chủng vi khuẩn sinh mủ gây nên.
Biểu hiện tại thận
Chủ yếu là tổn thương cầu thận, thường là nguyên nhân gây tử vong của bệnh. Tổn thương thận có đặc điểm sau:
Là tổn thương sớm trong các tổn thương nội tạng.
Không có sự phù hợp giữa tổn thương thận với bệnh cảnh lâm sàng.
Không có sự phù hợp giữa giải phẫu bệnh với biểu hiện lâm sàng.
Các biểu hiện hay gặp: phù, đái ít, protein niệu, có thể có hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu. Thường có viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư và suy thận.
Tổn thương cầu thận trên hình ảnh sinh thiết thận gồm
Loại I: Thận bình thường về quang học, không có lắng đọng miễn dịch huỳnh quang.
Loại II: Viêm cầu thận giãn mạch.
Loại III: Viêm cầu thận đoạn và ổ tăng sinh.
Loại IV: Viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa.
Loại V: Viêm cầu thận ngoài màng.
Loại VI: Viêm thận xơ hoá.
Trên lâm sàng, tổn thương thận được biểu hiện bằng:
Hội chứng viêm cầu thận cấp: đái máu đại thể hoặc vi thể, đái ít hoặc vô niệu kèm theo ure và creatinin tăng nhanh, có thể dẫn tới suy thận cấp.
Hội chứng thận hư
Phù to.
Protein/ niệu trên 3,5g/ 24h.
Protein máu giảm dưới 60g/l trong đó albumin giảm dưới 30g/l.
Tăng lipid (triglycerin, cholesterol).
Suy thận mạn: vô niệu, huyết áp cao, thiếu máu, phù, creatinin máu tăng cao ở các mức độ khác nhau. Đây là nguyên nhân gây tử vong.
Tổn thương bàng quang: rất hiếm gặp, biểu hiện chủ yếu là viêm bàng quang (thành bàng quang dày lên). Đây là loại tổn thương nặng với tiên lượng tử vong cao khi xuất hiện.
Biểu hiện tim mạch
Biểu hiện ở tim
Viêm ngoại tâm mạc là biểu hiện hay gặp nhất trong các tổn thương tim, chiếm 20 - 40%. Tràn dịch màng ngoài tim thường không nhiều tới mức gây ép tim.
Viêm nội tâm mạc kiểu Libman-Sacks: Sùi các van tim và vách thất.
Lâm sàng nhiều khi khó phát hiện, phát hiện nhờ siêu âm tim, gặp ở 15- 20% các trường hợp Osler.
Viêm cơ tim: Trên lâm sàng gặp 10 - 15%, có biểu hiện rối loạn nhịp, block dẫn truyền, ít gặp loạn nhịp hoàn toàn.
Biểu hiện ở hệ mạch
Hội chứng Raynaud gặp ở 20 - 30%.
Tổn thương mạch vành: Biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
Huyết khối tĩnh mạch: Gặp trong 8 - 20% trường hợp, thường dễ gây tắc mạch, hay gặp ở vùng tĩnh mạch các chi, nhưng cũng có thể ở tĩnh mạch các tạng hay tĩnh mạch chủ…thường liên quan đến các chất chống đông lưu hành.
Biểu hiện ở hệ hô hấp
Viêm màng phổi: có thể bị một hoặc hai bên, gặp trong thời kỳ tiến triển của bệnh với tỷ lệ 25-50%. Có tràn dịch màng phổi nước thanh tơ, số lượng dịch thường không nhiều.
Tổn thương nhu mô: khó phát hiện và có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Viêm phổi Lupus: triệu chứng rất ồn ào, cấp tính nhưng tỉ lệ gặp không cao. Chảy máu phế nang: là tổn thương rất nặng gây suy hô hấp cấp và dẫn tới tử vong nhanh chóng, X quang phổi có hình ảnh “phôi trắng”.
Biểu hiện ở hệ thần kinh - tâm thần
Đau đầu, co giật kiểu động kinh toàn thể hoặc cục bộ là những triệu chứng hay gặp. Đáp ứng tốt với thuốc chống co giật và corticoid.
Rối loạn tâm thần là một trong những biểu hiện nặng của bệnh, tiên lượng xấu. Cần phân biệt với rối loạn tâm thần do corticoid.
Ngoài ra có thể gặp viêm não, viêm màng não, hội chứng viêm tuỷ cắt ngang.
Biểu hiện ở máu và tổ chức tạo máu
Thiếu máu gặp ở ít nhất 50% bệnh nhân, có thể là biểu hiện khởi phát của bệnh.
Giảm tiểu cầu cũng là biểu hiện hay gặp.
Rối loạn đông máu với nguy cơ tăng đông gây huyết khối tĩnh mạch.
Lách và hạch to ở nhiều điểm.
Biểu hiện ở hệ tiêu hoá
Thường gặp là chán ăn, buồn nôn, nôn trong đợt tiến triển của bệnh.
Chảy máu tiêu hoá gặp 1,5 - 6,3%, trong đó có nguyên nhân do thuốc (corticoid), cũng có loét ruột non, đại tràng do thiếu máu cục bộ.
Gan to gặp ở 8-12% bệnh nhân, thường không đau khi khám trừ một vài trường hợp trong giai đoạn tiến triển của bệnh.
Ngoài ra trên lâm sàng có thể gặp viêm tuỵ, hội chứng đau bụng giả ngoại khoa dễ gây chẩn đoán nhầm.
Biểu hiện ở mắt
Viêm võng mạc, viêm kết mạc sung huyết.
Tắc động mạch võng mạc, viêm thần kinh thị giác, hội chứng xơ teo tuyến lệ, teo tổ chức liên kết mắt.
Các xét nghiệm không đặc hiệu
Công thức máu: Giảm nhẹ 3 dòng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Máu lắng tăng cao.
Điện di protein: Tỷ lệ A/G đảo ngược, α-globulin tăng cao.
Tổng phân tích nước tiểu thấy có protein - tế bào - trụ niệu.
Các xét nghiệm đặc hiệu
Kháng thể kháng nhân ANA, ds ADN.
Tế bào Hargraves.
Kháng thể kháng phospholipid: kháng thể kháng Cardiolipin gây phản ứng giả với giang mai.
Sinh thiết da bằng miễn dịch huỳnh quang thấy có lắng đọng các globulin miễn dịch và các bổ thể nối liền da - thượng bì.
Sinh thiết thận.
Tiêu chuẩn chẩn đoán của hội khớp học hoa kỳ (ARA) 1982
(1) Ban hình cánh bướm ở mặt.
(2) Ban dạng đĩa.
(3) Nhạy cảm ánh sáng.
(4) Loét miệng.
(5) Viêm đa khớp.
(6) Viêm màng tim hoặc màng phổi.
(7) Tổn thương thận: Protein/niệu > 0,5 g/24 h ; hồng cầu niệu; trụ niệu.
(8) Tổn thương thần kinh - tâm thần.
(9) Rối loạn về máu.
Thiếu máu huyết tán.
Bạch cầu dưới 4000/ mm3.
Tiểu cầu dưới 100.000/ mm3.
10) Rối loạn miễn dịch ANA; ds ADN.
Tế bào Hargraves.
Kháng thể kháng Sm.
Phản ứng giang mai dương tính giả kéo dài trên 6 tháng và trong 6 tháng đó phải không có biểu hiện của bệnh giang mai.
(11) Kháng thể kháng nhân ở hiệu giá bất thường.
Chỉ cần có 4 trong 11 tiêu chuẩn là chẩn đoán dương tính.
Các thể bệnh
Thể mạn tính: lành tính vì tổn thương chỉ khu trú ngoài da, không có tổn thương nội tạng.
Thể cấp tính: nặng vì có tổn thương nội tạng.
Tuy nhiên thể mạn tính có thể chuyển thành cấp tính nếu có những yếu tố thuận lợi như stress, dị ứng thuốc…
Chẩn đoán phân biệt
Sốt kéo dài trong một số bệnh khác như ung thư, nhiễm trùng, sốt rét, sốt virus …
Lupus kinh - lupus hình đĩa: lành tính vì tổn thương chỉ khu trú ngoài da.
Viêm khớp dạng thấp: trong giai đoạn đầu nếu chỉ có đau khớp và sốt rất dễ nhầm. Tuy nhiên trong viêm khớp dạng thấp tổn thương khớp rất đặc trưng, kèm theo có biến dạng xương khớp.
Xơ cứng bì hệ thống tiến triển: để chẩn đoán dương tính có cứng da toàn thân và hội chứng Raynaud.
Điều trị
Các thuốc chống viêm không phải steroid
Được dùng trong giai đoạn đầu của bệnh vì tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ sốt. Thường sử dụng thuốc thuộc các nhóm salicylic, indomethacin, pyrazol, ibuprofen.
Thuốc chống sốt rét
Được sử dụng để điều trị lupus từ cuối thế kỷ XX. Rất có hiệu quả trong điều trị tổn thương da ở các trường hợp lupus kinh cũng như các triệu chứng toàn thân khác (sốt, mệt mỏi, gày sút…). Liều điều trị thường bắt đầu từ 200mg 2 lần trong một ngày, sau một tháng không có đáp ứng có thể tăng liều 600mg trong một ngày. Liều duy trì là 200mg. Tuy nhiên thuốc chống sốt rét có tác dụng phụ lên mắt nên khuyên bệnh nhân khám mắt 2 lần trong một năm.
Corticoid
Được đưa vào điều trị lupus từ 1950. Có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch rõ rệt.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, dùng liều thấp từ 5-15mg/24h, sau đó hạ liều cứ 15 ngày hạ 1mg. Trong các trường hợp nặng, dùng liều từ 1-2mg/kg/24h. Có thể dùng đường uống hoặc tiêm truyền. Dùng liều tấn công lúc dài 2-3 tuần, sau đó cứ 7 ngày giảm liều một lần, mỗi lần 5-10mg. Theo dõi kết quả điều trị dựa trên lâm sàng, xét nghiệm và các tác dụng phụ của thuốc.
Thuốc ức chế miễn dịch
Trong các trường hợp có tổn thương cầu thận nhưng dùng corticoid liều cao vẫn không có tác dụng có thể dùng các thuốc ức chế miễn dịch. Cyclophosphamid dùng đường uống, liều lượng từ 1-4mg/kg/24h. Người ta thấy có tiến triển tốt sau khi điều trị 10 tuần bằng cyclophosphamid. Tuy nhiên trong quá trình điều trị phải theo dõi chức năng thận và khi dừng thuốc có thể có đợt bùng phát bệnh nặng hơn.
Điều trị triệu chứng
Kháng sinh nếu có nhiễm trùng.
An thần nếu có tổn thương hệ thần kinh.
Chống đông nếu có viêm tắc tĩnh mạch.
Hạ áp trong trường hợp tổn thương thận nặng.
Các thuốc bôi tại chỗ như kem Betnovat, kem Betamethason.
Tiên lượng
Tiên lượng bệnh không rõ ràng, bệnh kéo dài nhiều năm, phải dùng thuốc liên tục và theo sự chỉ dẫn của bác sỹ.
Bài viết cùng chuyên mục
Bệnh học xơ cứng bì
Tổn thương da khu trú ở đầu ngón, từ ngón tay lên đến cổ tay, hoặc từ ngón chân đến đầu gối, đôi khi cứng da khu trú ở vùng dưới xương đòn.
Bài giảng dị ứng thuốc
Những biểu hiện lâm sàng, của dị ứng thuốc rất phong phú, và đa dạng, các biểu hiện này có thể xuất hiện toàn thân, hoặc từng hệ cơ quan.
Viêm da atopi và viêm da dị ứng tiếp xúc
Sự thay đổi về tổ chức học của da, trong viêm da atopi, và viêm da tiếp xúc, được quan sát thấy khoảng 4 giờ sau khi dị nguyên vào cơ thể.
Bệnh học dị ứng thức ăn
Vấn đề quan trọng là cần phải phân biệt với các phản ứng dị ứng giả, không dung nạp thức ăn, các phản ứng bất lợi do thức ăn và ngộ độc thức ăn.
Bài giảng sốc phản vệ
Ngưng kết tiểu cầu, kích thích tiểu cầu giải phóng histamin và các mediator khác, làm tăng tính thấm thành mạch, co thắt cơ trơn và phế quản.
Mày đay và phù quincke
Bụi nhà, bụi bông, len, bụi thư viện, bụi kho, các loại phấn hoa, nấm mốc, biểu bì lông súc vật, cũng là những tác nhân gây mày đay phù Quincke.
Bệnh viêm mao mạch dị ứng
Lồng ruột cấp, và thường ở vị trí hồi hồi tràng là biến chứng trầm trọng nhất của tổn thương đường tiêu hoá có thể quan sát thấy.
Bài giảng hen phế quản (miễn dịch lâm sàng)
Các thuốc phối hợp trong điều trị hen, cường beta 2 tác dụng kéo dài, corticoid khí dung, được sử dụng trong phác đồ 4 bậc theo GINA.