- Trang chủ
- Sách y học
- Bài giảng giải phẫu bệnh
- Giải phẫu bệnh tuyến tiền liệt
Giải phẫu bệnh tuyến tiền liệt
Tổn thương viêm cấp có thể chỉ là các ổ áp xe nhỏ, nhiều chỗ, có thể là vùng hoại tử do khu trú, hoặc là tình trạng hoá mủ, sung huyết
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Trong 3 loại bệnh lý của tuyến tiền liệt (viêm, phì đại dạng cục và u) thì phì đại dạng cục là tổn thương thường gặp nhất, rất thường xảy ra ở người lớn tuổi và được coi như một hiện tượng bình thường của quá trình lão hoá.
Viêm
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính không đặc hiệu
Tác nhân gây viêm là các vi trùng cùng loại với tác nhân gây viêm đường tiểu, nhất là loại E. coli, Klebsiella, Proteus, Pseudomonas, Enterobacter, Serratia, Enterococcus. Các vi trùng này xâm nhập trực tiếp vào tuyến tiền liệt qua niệu đạo sau hoặc từ bàng quang, hoặc đi gián tiếp theo đường máu, đường limphô từ một ổ viêm nhiễm ở nơi khác (ví dụ từ trực tràng). Một số thủ thuật y khoa cũng có thể gây viêm tuyến tiền liệt như: soi bàng quang, đặt ống thông đường tiểu, thông niệu đạo, mổ tuyến tiền liệt.
Tổn thương viêm cấp có thể chỉ là các ổ áp xe nhỏ, nhiều chỗ, có thể là vùng hoại tử do khu trú, hoặc là tình trạng hoá mủ, sung huyết, phù toàn bộ tuyến. Tuyến tiền liệt thường bị phì đại, mềm và xốp.
Vi thể:
Tùy theo thời gian và độ nặng, mô tuyến có thể chỉ có thấm nhập bạch cầu đa nhân kèm theo tình trạng tăng tiết của tuyến. Nếu có áp xe, có những vùng hoại tử, tình trạng viêm lan rộng và có thể tạo sẹo về sau. Tình trạng viêm cấp có thể chuyển thành viêm mạn tính.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không đặc hiệu
Có biểu hiện lâm sàng rõ rệt hơn viêm cấp vì bệnh thường hay tái phát và có lẽ là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm đường tiểu ở đàn ông.
Có 2 loại: viêm do vi trùng và viêm không do vi trùng.
Viêm do vi trùng: một số ít trường hợp do viêm cấp tiến triển thành, một số khác do các thủ thuật ở tuyến tiền liệt hay niệu đạo. Trong phần lớn trường hợp, người ta biết rõ quá trình hình thành bệnh. Các vi trùng sinh bệnh cũng cùng loại với các vi trùng gây viêm cấp kể trên.
Viêm không do vi trùng: là loại bệnh thường gặp nhất hiện nay. Bệnh nhân thường không có tiền căn viêm đường tiểu. Tác nhân gây viêm chưa được biết rõ. Có 2 tác nhân được nghĩ là gây bệnh: Ureaplasma và Chlamydia trachomatis.
Trong cả 2 loại, tuyến tiền liệt bị thấm nhập bởi nhiều limphô bào, tương bào, đại thực bào và bạch cầu đa nhân trung tính. Cần để ý rằng, trong tình trạng bình thường của quá trình lão hoá, tuyến tiền liệt cũng có thấm nhập limphô bào trên mô nền sợi và cơ.
Viêm mạn tính thường xảy ra hơn viêm cấp. Cả 2 loại đều có những triệu chứng tại chỗ như đau lưng, khó chịu, tiểu khó, phì đại và đau tuyến tiền liệt. Nhưng viêm mạn tính thường không có triệu chứng tại chỗ mà thường biểu hiện qua viêm đường tiểu. Vì vậy, ở bất kỳ người đàn ông nào có viêm đường tiểu tái phát nhiều lần, đặc biệt là chỉ do một tác nhân gây viêm duy nhất, phải được nghĩ là có viêm tuyến tiền liệt.
Viêm hạt của tuyến tiền liệt
Có 2 dạng viêm hạt
Viêm hạt không đặc hiệu: Có thể thứ phát sau các viêm không đặc hiệu kể trên. Tổn thương gồm chất tiết bao quanh bởi các bạch cầu đa nhân trung tính, limphô bào, tương bào và phản ứng tăng sản sợi. Mô viêm hạt có thể có thêm đại bào ăn dị vật. Nguyên nhân có lẽ do phản ứng miễn dịch tự thân.
Viêm hạt đặc hiệu: Là viêm lao xảy ra sau bệnh lao của đường tiết niệu-sinh dục (thận, bàng quang...) hoặc hiếm hơn sau bệnh lao phổi. Tổn thương là các nang lao điển hình.
Tăng sản lành tính
Còn được gọi là phì đại hay tăng sản dạng cục lành tính, là tổn thương rất thường gặp ở đàn ông trên 50 tuổi.
Một khảo sát trên các trường hợp không chọn lọc cho thấy tần suất của bệnh là 50% đến 60% người 40-59 tuổi và khoảng hơn 95% ở người trên 70 tuổi. Do đó, người ta nghĩ rằng, đây không phải là một bệnh thật sự mà chỉ là một quá trình lão hoá bình thường. Vì các lý do chưa được biết rõ, người da đen thường bị bệnh ở tuổi nhỏ hơn người da trắng.
Nguyên nhân
Dù nguyên nhân chưa được biết chắc chắn, nhưng các nội tiết tố nam và estrogen có liên quan đến quá trình sinh bệnh.
Rõ ràng nhất là ở chó, loài động vật duy nhất có tăng sản tuyến tiền liệt lúc tuổi già. Cũng như ở người, tăng sản tuyến tiền liệt ở chó chỉ xẩy ra khi tinh hoàn còn nguyên. Trên chó đã bị cắt tinh hoàn, người ta có thể tạo nên tình trạng tăng sản tuyến tiền liệt bằng cách cho nội tiết tố nam, và có thể làm tăng tình trạng này bằng cách cho cùng lúc 17-beta-estradiol. Do đó, người ta nghĩ rằng có một tác dụng cộng hưởng giữa nội tiết tố nam và estrogen.
Ngoài ra, lượng dihydrotestosterone tăng lên rõ rệt ở những người và chó có tăng sản tuyến tiền liệt, đặc biệt là có sự tích tụ của chất này ở vùng quanh niệu đạo, ở trong các cục tăng sản. Như thế, dihydrotestosterone có thể là yếu tố trung gian dù người ta chưa biết tạo sao lại có sự tích tụ của chất này ở những vùng vừa kể.
Dihydrotestosterone trong tuyến tiền liệt xuất nguồn từ testosterone của huyết tương, nhưng không có sự khác biệt giữa mức testosterone huyết tương của các bệnh nhân bị tăng sản tuyến tiền liệt với các người già khác.
Để giải thích sự tích tụ của dihydrotesto-sterone, người ta cho rằng các thụ thể nội tế bào đã tăng mức kết dính dihydrotestosterone và/hoặc có sự giảm bớt hiện tượng dị hoá của testosterone. Trên chó, nếu cho 17-beta-estradiol, sẽ làm tăng mức biểu hiện của các thụ thể với nội tiết tố nam trong bào tương. Vì vậy, sự gia tăng của estrogen lúc tuổi già có thể làm cho nội tiết tố nam dễ tích tụ trong tuyến tiền liệt.
Đại thể
Thông thường, tổn thương nặng khoảng 60-100g, đôi khi đến 200g hoặc hơn. Nơi bệnh khởi đầu là vùng trước tuyến tiền liệt, từ đó, bệnh lan dần đến các vùng khác của tuyến.
Trên diện cắt, tổn thương có giới hạn khá rõ, chèn ép mô tuyến bình thường. Các cục tăng sản có màu sắc và mật độ thay đổi. Nếu do tăng sản tuyến, tổn thương có màu vàng-tím, mềm, bao bọc bởi lớp vỏ xám, láng, chắc và thường có chất dịch trắng như sữa thấm ra chung quanh. Nếu do tăng sản sợi và cơ, tổn thương có màu xám nhạt, dai và xơ, không có dịch và không có vỏ bao rõ.
Dù tổn thương không có vỏ bao thật, phần tuyến tiền liệt bình thường bị chèn ép chung quanh cũng tạo ra một vùng giới hạn rõ, giúp các phẫu thuật viên bóc tách các cục tăng sản dễ dàng. Phần mô tuyến còn lại sau mổ cũng có thể phát sinh các tổn thương khác về sau.
Vi thể
Tăng sản ống tuyến, mô sợi và mô cơ. Tùy theo thành phần nào chiếm ưu thế, người ta thấy có nhiều hình thái khác nhau. Thông thường, thành phần thượng mô ống tuyến tăng sản với các tuyến dãn rộng thành các bọc to hay nhỏ, lót bởi 2 lớp tế bào.
Lớp trong hình trụ cao, lớp ngoài hình lập phương hay dẹt nằm trong một màng đáy còn nguyên. Tăng sản thượng mô còn tạo thành những cấu trúc nhú nhô vào lòng các bọc. Đôi khi, có sự hình thành nhiều tuyến nhỏ, có hình thái dễ chẩn đoán nhầm với carcinom tuyến. Thường thường các tuyến có kích thước to có thể quan sát được bằng kính lúp, có chứa dịch tiết với các tế bào thượng mô tróc, và nhiều thể amylacea. Đôi khi, có sự tăng sản ưu thế của thành phần sợi và cơ, với nhiều tế bào dẹt, không có tuyến. Khi đó, người ta gọi là tăng sản sợi hay tăng sản cơ của tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, trong cả hai hình thái trên, còn có thể có thấm nhập limphô bào, có các ổ chuyển sản gai, các vùng nhồi máu nhỏ.
Biểu hiện lâm sàng
Dù bệnh rất thường gặp, nhưng chỉ có một số ít có triệu chứng và chỉ 5-10% trường hợp cần được điều trị bằng phẫu thuật (vì bị nghẹt đường tiểu).
Các triệu chứng, nếu có, liên quan đến 2 ảnh hưởng của bệnh: (1) chèn ép niệu đạo làm khó tiểu, và (2) gây ứ nước tiểu ở bàng quang làm căng và phì đại bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu, viêm bàng quang, viêm thận.
Bệnh nhân thường bị đi tiểu đêm, khó tiểu và khó ngừng dòng nước tiểu, tiểu đau. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị bí tiểu thình lình cần được thông tiểu cấp cứu (người ta chưa biết rõ nguyên nhân của tình trạng này). Ngoài ra, bệnh nhân cũng không thể tiểu hết hoàn toàn luợng nước tiểu trong bàng quang. Nước tiểu ứ lại dễ tạo cơ hội cho viêm nhiễm, bàng quang dễ bị phì đại, dễ có túi thừa.
Sự liên quan giữa tăng sản với ung thư tuyến tiền liệt vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Hầu hết các khảo sát đều cho thấy không có sự liên quan. Một số ít khảo sát cho thấy có tần suất ung thư cao ở những bệnh nhân bị tăng sản tuyến tiền liệt.
Carcinom
Carcinom tuyến tiền liệt là loại ung thư thường gặp. Bệnh nhân thường có tuổi trên 50 tuổi. Theo Nguyễn Chấn Hùng và cs., tại TP. Hồ Chí Minh, năm 1997, trong 10 loại ung thư có xuất độ cao nhất, ung thư tuyến tiền liệt đứng hàng thứ 8 ở giới nam. Theo các khảo sát ở Hoa Kỳ, bệnh có xuất độ thứ nhì trong tất cả các ung thư ở giới nam.
Nguyên nhân
Có 4 yếu tố có liên quan đến nguyên nhân sinh bệnh: tuổi, chủng tộc, nội tiết tố và yếu tố môi trường.
Bệnh rất hiếm gặp ở Châu Á, thường gặp ở người Hoa Kỳ.
Người da đen bị bệnh nhiều hơn người da trắng.
Xuất độ bệnh tăng lên ở những người có ít nguy cơ bị bệnh khi họ di cư sang các vùng có nhiều nguy cơ bị bệnh.
Những người thợ làm trong các ngành kỹ nghệ có cadmium có xuất độ bệnh cao.
Vai trò của các nội tiết tố vẫn chưa được biết rõ. Nhưng người ta có một số nhận xét như sau: các ổ di căn của ung thư tuyến tiền liệt bị chặn đứng hoặc bị làm chậm phát triển nếu người ta cắt bỏ tinh hoàn và/hoặc cho estrogen.
Như vậy, nội tiết tố nam phải có vai trò nguyên nhân. Nhưng nhiều khảo sát khác lại không chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa lượng nội tiết tố (estrogen, nội tiết tố nam, các steroids thượng thận) trong máu và nước tiểu với sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt.
Đại thể
Carcinom có thể xuất nguồn từ bất kỳ vùng nào của tuyến tiền liệt nhưng hiếm ở ngoại biên.
U bắt đầu bằng nhiều ổ, nhưng thông thường, lúc phát hiện bệnh các ổ này đã họp lại thành một khối giới hạn không rõ. Điển hình, trên diện cắt, mô u cứng chắc, rất khó phân biệt với mô tuyến tiền liệt bình thường. Mô u có màu hơi vàng hơn mô chung quanh hoặc có màu trắng xám. Chỉ khi u xâm nhập vỏ bao của tuyến tiền liệt, hoặc lan rộng đến túi tinh, trực tràng, bàng quang, người ta mới có thể phân biệt u dễ dàng.
U có thể cho di căn theo đường máu đến xương, đặc biệt là xương sống. Di căn xương có thể làm tiêu xương hoặc sinh xương.
Di căn tạng hiếm gặp hơn nhiều.
Di căn theo đường limphô đến các hạch ở vùng bịt, hạ vị, chậu, trước xương thiêng, cạnh động mạch chủ. Di căn hạch có thể xảy ra trước di căn xương.
Vi thể
Hầu hết tổn thương là carcinom tuyến với các cấu trúc tuyến rõ ràng.
Trong dạng biệt hoá rõ, các tuyến có kích thước nhỏ hay vừa với một lớp thượng mô trụ hay lập phương, đôi khi có dạng nhú hay dạng sàng. Tế bào u có nhân tròn hay bầu dục và bọng, có bào tương nhạt màu và thường có hạt. Hiếm có phân bào. Dạng biệt hoá rõ có khi rất khó phân biệt với tăng sản lành tính Thường thường, trong ung thư, các tuyến có kích thước nhỏ hơn và lót bởi một lớp tế bào, mô đệm ít hơn.
Trong dạng biệt hoá kém, tế bào u ít họp thành dạng ống tuyến mà thường họp thành dải, bè, ổ, có hạt nhân rõ ưa acid và có nhiều phân bào. Trong dạng này, mô đệm có thể có ít hay rất nhiều làm cho u có mật độ xơ cứng.
Ngoài ra, ung thư tuyến tiền liệt còn có các dạng rất hiếm gặp là carcinom dạng thượng bì, carcinom bọc dạng tuyến, carcinom tế bào chuyển tiếp.
Phân độ mô học ung thư tuyến tiền liệt
Có nhiều cách.:
Theo Gleason có 5 độ, người ta dựa vào độ biệt hoá của các tuyến và mối liên hệ giữa các tuyến với mô đệm. Các u có độ biệt hoá rõ được xếp vào độ 1, các u có độ biệt hoá kém nhất được xếp vào độ 5.
Theo Gaeta, có 4 độ, người ta dựa vào độ biệt hoá của các tuyến và đặc tính của nhân tế bào u.
Việc phân độ mô học rất quan trọng vì có sự liên quan mật thiết giữa độ mô học với tiên lượng bệnh.
Xếp giai đoạn
Để chọn lựa cách điều trị và tiên lượng bệnh. Cách xếp giai đoạn này, có những mặt hạn chế vì chỉ dựa vào lâm sàng, nhưng cũng hữu ích cho điều trị và tiên lượng.
Biểu hiện lâm sàng
Người ta ước tính có khoảng 30% đàn ông trên 50 tuổi có ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn A (nghĩa là có ung thư dạng âm thầm không triệu chứng chỉ được phát hiện tình cờ qua tử thiết hoặc qua các bệnh phẩm mổ vì tăng sản lành tính). Trong số các bệnh nhân có giai đoạn A, 60 đến 90% sẽ không có diễn tiến đến các giai đoạn sau. Người ta vẫn chưa biết nguyên nhân của tình trạng này.
Khoảng 5-10% các bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện ở giai đoạn B. Các bệnh nhân này không có triệu chứng đường tiểu, và bệnh chỉ được phát hiện khi người ta khám qua hậu môn. Điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt tận gốc, với 85 đến 90% sống thêm 5 năm, 50% sống thêm 15%. Di căn hạch cũng thường sớm xảy ra nên nhiều tác giả đề nghị nạo hạch chậu 2 bên cùng với cắt bỏ tuyến tiền liệt.
Giai đoạn A A1 A2 |
Ung thư âm thầm Khu trú Lan toả |
Giai đoạn B B1
|
Có u rõ ràng U có đường kính 1,5 cm hay nhỏ hơn, ở một thùy U to hơn 1,5 cm hoặc có ở hơn một thùy, chưa ra khỏi vỏ bao |
Giai đoạn C
C2 |
Ăn lan ra ngoài vỏ bao, không có di căn hạch hay di căn xa Không ăn lan túi tinh, nhỏ hơn 70 g Ăn lan túi tinh, to hơn 70 g |
Giai đoạn D D1
|
Có di căn Di căn hạch chậu hoặc làm nghẹt niệu đạo làm ứ nước ở thận Di căn xa, di căn xương hay di căn tạng |
Trên 75% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn C hoặc D, với các triệu chứng đường tiểu, hoặc triệu chứng do di căn xương sống. Ở giai đoạn C, 40 đến 80% bệnh nhân có di căn hạch, tỷ lệ sống sau 10 năm chỉ có 36%. Ở giai đoạn D, không thể chỉ điều trị bằng phẫu thuật mà phải cắt bỏ tinh hoàn và cho estrogen, với tỷ lệ sống thêm 5 năm là dưới 20%.
Để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, nên khám kỹ bằng ngón tay qua trực tràng bởi vì hầu hết u đều có vị trí ở phía sau.
Các xét nghiệm có thể làm là: siêu âm tuyến tiền liệt qua ngã bụng hoặc qua ngã hậu môn, sinh thiết xuyên qua hội âm hay xuyên qua trực tràng, thử tế bào học dịch tiết của tuyến tiền liệt, X quang xương, nhấp nháy đồ bộ xương, đo lượng acid phosphatase.
Bài viết cùng chuyên mục
Giải phẫu bệnh ung thư dạ dày
Khoảng 90-95% các ung thư của dạ dày là carcinom. Khoảng 3% là limphôm và 2% là sarcom cơ trơn. Ngoài ra, còn có u tế bào ưa bạc (là u nội tiết của ống tiêu hoá). Bốn loại này chiếm 95-99% các ung thư dạ dày.
Giải phẫu bệnh ung thư gan
Ngày nay người ta thấy có sự liên quan rõ ràng giữa ung thư này với bệnh xơ gan, với sự nhiễm virus viêm gan siêu vi B.
Giải phẫu bệnh viêm cổ tử cung
Viêm do vi khuẩn quan trọng vì có thể đi kèm với nhiễm khuẩn lên nội mạc tử cung, vòi trứng và phúc mạc chậu, hoặc lây qua nhau và thai hay bé sơ sinh.
Giải phẫu bệnh Carcinom nội mạc tử cung
Carcinom nội mạc tử cung có xuất độ cao nhất trong các ung thư đường sinh dục nữ ở Mỹ, với 39.000 trường hợp mới hàng năm (1984). Xuất độ carcinom nội mạc cao ở Canada và Âu Châu, thấp ở Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ.
Giải phẫu bệnh đại tràng
Trên thực tế lâm sàng, bệnh của đại tràng chiếm tỷ lệ khá cao trong các bệnh được phẫu trị. Ung thư đại tràng là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây tử vong ở người lớn.
Giải phẫu bệnh bệnh buồng trứng
Bệnh lý viêm rất hiếm gặp. U có thể sinh ra từ những mô phức tạp của buồng trứng trưởng thành hay của vết tích mô phôi của buồng trứng.
Giải phẫu bệnh ung thư phần mềm
U có nhiều thùy, đặc, 5-10cm hoặc lớn hơn. U thường lan dọc theo màng cân hoặc thớ cơ, vì vậy cho tỷ lệ tái phát cao. Mặt cắt màu xám hoặc trắng và thay đổi tùy theo dạng vi thể.
Giải phẫu bệnh các yếu tố và giai đoạn của viêm
Viêm (từ nguyên la tinh inflammare có nghĩa là lửa cháy và từ nguyên Hán ( ) có nghĩa là nóng, nhiệt) là một hiện tượng đã được nói đến từ thời cổ đại (thiên niên kỷ 4 trước công nguyên - thế kỷ 5 sau công nguyên).
Giải phẫu bệnh u mô đệm nội mạc tử cung
Đôi khi u hoá bọc, nhưng ít hoại tử xuất huyết. U thường nằm trong lớp cơ hay dưới thanh mạc nhưng không xâm nhập.
Giải phẫu bệnh dị tật bẩm sinh tử cung
Nếu teo đét ở một ống Mller, sẽ chỉ có loa vòi và một khối cơ ở thành chậu bên, hoặc có dạng tử cung hai sừng một cổ với một sừng thô sơ.
Giải phẫu bệnh tổn thương chảy máu
Chảy máu là tình trạng máu ra khỏi hệ tuần hoàn, có thể (a): khu trú tại một điểm trong cơ thể (b) lan tỏa (thường là biểu hiện của một bệnh hệ thống).
Giải phẫu bệnh bệnh hốc miệng
Tác nhân gây bệnh được truyền từ người này sang người khác, thường do hôn nhau. Hơn ba phần tư dân số bị nhiễm, trong khoảng nữa cuộc đời.
Giải phẫu bệnh viêm não màng não
Ở trẻ em, Haemophilus influenzae là vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm màng não; sự phát triển của vắc xin, làm giảm tỷ lệ viêm màng não rất nhiều.
Giải phẫu bệnh dạ dày
Các tế bào nội tiết phân bố rải rác trong các tuyến ở những vùng khác nhau của dạ dày. Ngoài ra, các tế bào này nằm rải rác khắp ống tiêu hoá và nếu tính tổng số các tế bào này thì ống tiêu hoá là cơ quan nội tiết lớn nhất cơ thể.
Giải phẫu bệnh u ác tính cổ tử cung
Tăng sản thượng mô với tế bào tương đối non, mất cực tính. Các tế bào dạng đáy hay dạng cận đáy chiếm từ 1/3 đến hầu hết bề dày lớp thượng mô.
Giải phẫu bệnh vô sinh do tử cung
Ở tử cung, vô sinh có thể do viêm nội mạc mạn tính, u cơ trơn, dị tật bẩm sinh, và các giải dính trong lòng tử cung.
Giải phẫu bệnh tuyến giáp
U giả, được hình thành do sự tồn tại của mô ống giáp-lưỡi, tiến triển rất chậm, 1/3 trường hợp có từ lúc mới sinh, 2/3 trường hợp chỉ xuất hiện khi bệnh nhân lớn.
Giải phẫu bệnh bệnh hệ thần kinh
Hệ thần kinh và những thành phần phụ của hệ thần kinh gồm nhiều loại tế bào hoặc mô cơ bản. Mặc dù những biến đổi bệnh lý của hệ thần kinh không khác biệt với nhiều vùng trong cơ thể.
Giải phẫu bệnh tổn thương huyết khối
Khi có tổn thương nội mạc, tiểu cầu có điều kiện tiếp cận với chất nền ngoài tế bào (ECM) ở vách mạch
Giải phẫu bệnh bệnh tim và mạch máu
Bình thường, vào tuần thứ 4 của bào thai, 2 ống phôi tim mạch hòa nhập vào thành một với 4 buồng: xoang tĩnh mạch, tâm nhĩ, tâm thất và bầu thất.
Giải phẫu bệnh viêm đại tràng
Như đã đề cập trong phần bệnh Crohn của bài trước, bệnh viêm loét đại tràng vô căn có một số đặc điểm chung với bệnh Crohn
Giải phẫu bệnh rối loạn chức năng tử cung
Rối loạn chức năng phổ biến nhất là dứt estrogen trong các chu kỳ kinh nguyệt không phóng noãn
Đại cương giải phẫu bệnh bệnh xương
Xương xốp hay xương bè hoặc xương tủy giúp cho chức năng chuyển hóa chất khoáng. Xương xốp ở đầu xương còn có nhiệm vụ truyền lực đến vỏ thân xương.
Giải phẫu bệnh dị tật bẩm sinh đại tràng
Chẩn đoán dựa vào sự không có các tế bào hạch thần kinh giữa 2 lớp cơ trơn của đoạn hẹp trên các mẫu sinh thiết trực tràng.
Giải phẫu bệnh hoạt động đại thực bào
Đại bào có kích thước lớn và chứa tới hàng chục nhân, được hình thành do nhiều đại thực bào kết dính với nhau hoặc do đại thực bào có nhân chia nhưng bào tương không phân chia. Có thể phân biệt 2 dạng đại bào: