- Trang chủ
- Sách y học
- Bệnh học nội khoa
- Bệnh học loét dạ dày tá tràng
Bệnh học loét dạ dày tá tràng
Tần suất bệnh tiến triển theo thời gian và thay đổi tùy theo nước, hoặc là theo khu vực. Cuối thế Kỷ 19 ở Châu Âu, loét dạ dày thường gặp hơn, và ở phụ nữ.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Dich tễ
Tần suất bệnh tiến triển theo thời gian và thay đổi tùy theo nước, hoặc là theo khu vực. Cuối thế Kỷ 19 ở Châu Âu, loét dạ dày thường gặp hơn, và ở phụ nữ. Giữa thế kỷ 20, tần suất loét dạ dày không thay đổi, nhưng loét tá tràng có xu hướng tăng, và hiện nay tỉ lệ loét tá tràng /loét dạ dày là 2/1, và đa số gặp ở nam giới. Có khoảng 10-15% dân chúng trên thế giới bị bệnh loét dạ dày tá tràng Ở Anh và ở Úc là 5, 2-9, 9%, ở Mỹ là 5-10%. Hiện nay có khoảng 10% dân chúng trên thế giới bị loét dạ dày tá tràng.
Bệnh sinh
Pepsine
Được tiết ra dưới dạng tiền chất pepsinnogene dưới tác động của acid HCl biến thành pepsine hoạt động khi pH <3, 5 làm tiêu hủy chất nhầy và collagen.
Sự phân tán ngược của ion H+
Tiến trình loét được khởi phát do tăng tiết HCL do lượng tế bào thành quá nhiều hoặc quá hoạt động, do đó lượng dịch vị cơ bản hoặc sau kích thích rất gia tăng, sự phân tán ngược và sự đi vào của ion H+ làm thương tổn thành dạ dày và gây ra loét; do đó làm trung hòa ion H+ đã làm giảm tỉ lệ loét rất nhiều. Nguy cơ loét càng cao khi sự tiết acid càng nhiều.
Yếu tố bảo vệ của niêm mạc dạ dày
Hàng rào niêm dịch: Để chống lại sự tấn công của ion H+, yếu tố chính là lớp niêm dịch giàu bicarbonate tạo bởi glycoprotéine có chứa các phospholipides không phân cực, nằm trên bề mặt của lớp gel này có tính nhầy đàn hồi. Khi pepsine cắt chuỗi peptide phóng thích các tiểu đơn vị glycoproteines; chúng làm mất tính chất nhầy đàn hồi nầy. Các ion H+ xâm nhập vào lớp nhầy, nhưng chúng bị trung hòa bởi bicarbonate. Nhưng khi pH<1, 7 thì vượt quá khả năng trung hoà của nó và ion H+ đến được lớp niêm mạc dạ dày và gây ra loét.
Lớp niêm mạc dạ dày: Tiết ra glycoproteines, lipides và bicarbonate, chúng có khả năng loại bỏ sự đi vào bào tương của ion H+ bằng 2 cách: trung hòa do bicarbonate, và đẩy ion H+ vào khoảng kẽ nhờ bơm proton H+- K+ - ATPase.
Lớp lamina propria: Phụ trách chức năng điều hòa. Oxy và bicarbonate được cung cấp trực tiếp cho hạ niêm mạc bởi các mao mạch có rất nhiều lổ hở, mà các tế bào này rất nhạy cảm với toan chuyển hóa hơn là sư thiếu khí. Một lượng bicarbonate đầy đủ phải được cung cấp cho tế bào niêm mạc để ngăn chận sự acid hóa trong thành dạ dày gây ra bởi ion H+ xuyên qua hàng rào niêm mạc này.
Vi Khuẩn H.P: Gây tổn thương niêm mạc dạ dày tá tràng đồng thời sản xuất ra amoniac làm môi trường tại chổ bị acid để gây ra ổ loét. HP sản xuất men urease làm tổn thương niêm mạc dạ dày; nó cũng sản xuất ra proteine bề mặt, có hoá ứng động (+) với bạch cầu đa nhân trung tính và monocyte. Nó còn tiết ra yếu tố hoạt hoá tiểu cầu, các chất tiền viêm, các chất superoxyde, interleukin 1 và TNF là những chất gây viêm và hoại tử tế bào. HP còn sản xuất ra các men protease, phospholipase làm phá huỷ chất nhầy niêm mạc dạ dày.
Bệnh nguyên
Di truyền: Cho rằng loét tá tràng có tố tính di truyền, tần suất cao ở một số gia đình và loét đồng thời xảy ra ở 2 anh em sinh đôi đồng noãn, hơn là dị noãn.
Yếu tố tâm lý: Hai yếu tố cần được để ý là nhân cách và sự tham gia của stress trong loét. Thể tâm thần ảnh hưởng lên kết quả điều trị, loét cũng thường xảy ra ở ngườì có nhiều san chấn tình cảm, hoặc trong giai đoạn căng thẳng tinh thần nghiêm trọng như trong chiến tranh.
Rối loạn vận động: Đó là sự làm vơi dạ dày và sự trào ngược của tá tràng dạ dày. Trong loét tá tràng có sự làm vơi dạ dày quá nhanh làm tăng lượng acid tới tá tràng. Ngược lại trong loét dạ dày sự làm vơi dạ dày quá chậm, gây ứ trệ acide ở dạ dày.
Yếu tố môi trường:
Yếu tố tiết thực: Không loại trừ loét phân bố theo địa dư là có sự đóng góp của thói quen về ăn uống. Như ở Bắc Ấn ăn nhiều lúa mì loét ít hơn ở miền Nam ăn toàn gạo. Thật vậy nước bọt chứa nhiều yếu tố tăng trưởng thượng bì làm giảm loét. Caféine và calcium là những chất gây tiết acide; rượu gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
Thuốc lá: Loét dạ dày tá tràng thường gặp ở người hút thuốc lá, thuốc lá cũng làm xuất hiện các ổ loét mới và làm chậm sự lành sẹo hoăc gây đề kháng với điều trị. Cơ chế gây loét của thuốc lá vẫn hoàn toàn chưa biết rõ có thể do kích thích dây X, hủy niêm dịch do trào ngược tá tràng dạ dày hoặc do giảm tiết bicarbonate.
Thuốc:
Aspirin: Gây loét và chảy máu, gặp ở dạ dày nhiều hơn tá tràng, do tác dụng tại chổ và toàn thân. Trong dạ dày pH acide, làm cho nó không phân ly và hòa tan được với mỡ, nên xuyên qua lớp nhầy và ăn mòn niêm mạc gây loét. Toàn thân do Aspirin ức chế Prostaglandin, làm cản trở sự đổi mới tế bào niêm mạc và ức chế sự sản xuất nhầy ở dạ dày và tá tràng.
Nhóm kháng viêm nonsteroide: Gây loét và chảy máu tương tự như Aspirin nhưng không gây ăn mòn tại chổ.
Corticoide: Không gây loét trực tiếp, vì chỉ làm ngăn chận sự tổng hợp Prostaglandin, nên chỉ làm bộc phát lại các ổ loét cũ, hoặc ở người có sẳn tố tính loét.
Hélicobacter Pylori (HP): Đã được Marshall và Warren phát hiện năm 1983, HP gây viêm dạ dày mạn tính nhất là vùng hang vị (type B), và viêm tá tràng do dị sản niêm mạc dạ dày vào ruột non, rồi từ đó gây loét. 90% trường hợp loét dạ dày, và 95% trường hợp loét tá tràng có sự hiện diện HP nơi ổ loét.
Triệu chứng học
Loét dạ dày
Triệu chứng: Đau là triệu chứng chính có nhiều tính chất.
Đau từng đợt mỗi đợt kéo dài 2 - 8 tuần cách nhau vài tháng đến vài năm. Đau gia tăng theo mùa nhất là vào mùa đông tạo nên tính chu kỳ của bệnh loét. Tuy nhiên các biểu hiện lâm sàng của viêm vùng hang vị xảy ra trước loét có thể làm mất tính chu kỳ này.
Đau liên hệ đến bữa ăn, sau ăn 30 phút - 2 giờ; thường đau nhiều sau bữa ăn trưa và tối hơn là bữa ăn sáng.
Đau kiểu quặn tức, đau đói hiếm hơn là đau kiểu rát bỏng. Đau được làm dịu bởi thuốc kháng toan hoặc thức ăn, nhưng khi có viêm kèm theo thì không đỡ hoặc có thể làm đau thêm.
Vị trí đau thường là vùng thượng vị. Nếu ổ loét nằm ở mặt sau thì có thể đau lan ra sau lưng. Ngoài ra có thể đau ở bất kỳ chổ nào trên bụng.
Một số trường hợp loét không có triệu chứng và được phát hiện khi có biến chứng.
Lâm sàng: Nghèo nàn, có thể chỉ có điểm đau khi đang có đợt tiến triển, trong loét mặt trước có thể có dấu cảm ứng nhẹ vùng thượng vị. Trong đợt loét có thể sút cân nhẹ nhưng ra khỏi đợt đau sẽ trở lại bình thường.
Xét nghiệm: Các xét nghiệm sinh hóa ít có giá trị trong chẩn đoán:
Lưu lượng dịch vị cơ bản thấp (BAO)
Lưu lượng sau kích thích (MAO) bình thường hoặc giảm trong loét loại 1. Trong loét loại 2 và 3 sự tiết dịch vị bình thường hoặc tăng. Trong loét dạ dày kèm vô toan cần nghĩ đến ung thư.
Chụp phim dạ dày baryte và nhất là nội soi cho thấy có hình ảnh ổ loét thường nằm ở hang vị, góc bờ cong nhỏ, đôi khi thấy ở thân dạ dày hay tiền môn vị.
Loét tá tràng
Xảy ra ở người lớn với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nhìn chung nó xảy ra trước 60 tuổi. Nam = 2 nữ và thường có yếu tố gia đình.
Triệu chứng: Đau là đặc trưng của loét tá tràng thường rõ hơn loét dạ dày, vì ở đây không có viêm phối hợp. Các đợt bộc phát rất rõ ràng. Giữa các kì đau, thường không có triệu chứng nào cả. Đau xuất hiện 2 - 4 giờ sau khi ăn tạo thành nhịp ba kỳ, hoặc đau vào đêm khuya 1 - 2 giờ sáng. Đau đói và đau kiểu quặn thắt nhiều hơn là đau kiểu nóng ran. Đau ở thượng vị lan ra sau lưng về phía bên phải (1/3 trường hợp). Cũnng có 10% trường hợp không đau, được phát hiện qua nội soi hoặc do biến chứng và 10% trường hợp loét lành sẹo nhưng vẫn còn đau.
Xét nghiệm: Trên 90% loét nằm ở mặt trước hoặc mặt sau của hành tá tràng cách môn vị 2 cm. Đôi khi 2 ổ loét đốí diện gọi là “Kissing ulcers”. Nội soi cho hình ảnh loét tròn, là hay gặp nhất, loét không đều, loét dọc và loét hình mặt cắt khúc dồi ý “salami” ít gặp hơn.
Sự tiết acid dạ dày thường cao bất thường. Nội soi và phim baryte, cho thấy ổ đọng thuốc thường nằm theo trục của môn vị ở trên hai mặt hoặc hình ảnh hành tá tràng bị biến dạng.Trong trường hợp loét mạn tính xơ hóa, hành tá tràng bị biến dạng nhiều, các nếp niêm mạc bị hội tụ về ổ loét làm môn vị bị co kéo, hoặc hành tá tràng bị chia cắt thành 3 phần tạo thành hình cánh chuồn. Một hình ảnh biến dạng không đối xứng làm dãn nếp gấp đáy ngoài và teo nếp gấp đáy trong tạo thành túi thừa Cole làm cho lổ môn vị bị đổ lệch tâm. Nội soi có thể nhận ra dễ dàng ổ loét do đáy màu xám sẩm được phủ một lớp fibrin, đôi khi được che đậy bởi các nếp niêm mạc bị sưng phù, các loét dọc khó phân biệt với một ổ loét đang lành sẹo, trong trường hợp này bơm bleu de méthylene nó sẽ nhuộm fibrin có màu xanh.
Định lượng acid và gastrin được chỉ định nếu nghi ngờ 1 sự tiết bất thường do u gastrin, một sự phì đại vùng hang vị, cường phó giáp hoặc suy thận.
Chẩn đoán
Chẩn đoán loét dạ dày: Đặt ra khi lâm sàng có cơn đau loét điển hình xác định bằng chụp phim dạ dày baryte và bằng nội soi. Điển hình là ổ đọng thuốc khi ổ loét ở bờ của dạ dày. Về nội soi dễ nhận ra miệng ổ loét đáy của nó phủ một lớp fibrin màu trắng xám, bờ đều hơi nhô lên do phù nề hoặc được bao quanh bởi các nếp niêm mạc hội tụ. Điều quan trọng là phải xác định bản chất của ổ loét bằng sinh thiết để phân biệt với ung thư thể loét và loét ung thư hóa.
Chẩn đoán loét tá tràng: Gợi ý bằng cơn đau loét điển hình tá tràng, thường xãy ra ở người trẻ tuổi, có nhóm máu O. Xác định bằng nội soi và phim baryte, cho thấy ổ đọng thuốc thường nằm theo trục của môn vị ở trên hai mặt hoặc hình ảnh hành tá tràng bị biến dạng.Trong trường hợp loét mạn tính xơ hóa, hành tá tràng bị biến dạng nhiều, các nếp niêm mạc bị hội tụ về ổ loét làm môn vị bị co kéo, hoặc hành tá tràng bị chia cắt thành 3 phần tạo thành hình cánh chuồn. Một hình ảnh biến dạng không đối xứng làm dãn nếp gấp đáy ngoài và teo nếp gấp đáy trong tạo thành túi thừa Cole. Nội soi có thể nhận ra dễ dàng ổ loét do đáy màu xám sẩm được phủ một lớp fibrin.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm dạ dày mạn: Đau vùng thượng vị mơ hồ, liên tục, không có tính chu kỳ, thường đau sau ăn, kèm chậm tiêu đầy bụng. Chẩn đoán dựa vào nội soi sinh tiết có hình ảnh viêm dạ dày mạn với tẩm nhuận tế bào viêm đơn nhân, xơ teo tuyến tiết.
Ung thư dạ dày: Thường xãy ra ở người lớn tuổi, đau không có tính chu kỳ, ngày càng gia tăng, không đáp ứng điều trị loét. Cần nội soi sinh thiết nhiều mảnh cho hình ảnh ung thư dạ dày.
Viêm tuỵ mạn: Có tiền sử viêm tuỵ cấp nhất là uống rượu mạn, có thể kèm đi chảy mạn và kém hấp thu. Đau thường lan ra sau lưng ở vùng tuỵ. Xét nghiệm men amylase máu thường tăng 2-3 lần. Siêu âm và chụp phim X quang thấy tuỵ xơ teo có sỏi, ống tuỵ dãn.
Viêm đường mật túi mật mạn do sỏi: Tiền sử sỏi mật, lâm sàng có cơn đau quặn gan, nhiễm trùng và tắc mật. Chẩn đoán dựa vào siêu âm và chụp đường mật ngược dòng cho hình ảnh sỏi, túi mật xơ teo.
Biến chứng
Thường gặp là chảy máu, thủng, xơ teo gây hẹp, thủng bít hay tự do, loét sâu kèm viêm quanh tạng, đặt biệt loét dạ dày lâu ngày có thể ung thư hóa.
Chảy máu
Thường gặp nhất nhưng khó đánh giá tần số chính xác. Khoảng 15 - 20% bệnh nhân loét có một hoặc nhiều lần chảy máu; loét tá tràng thường chảy máu (17%) so với dạ dày (12%), người già chảy máu nhiều hơn người trẻ. Biến chứng chảy máu thường xảy ra trong đợt loét tiến triển nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên.
Chẩn đoán dựa vào nội soi cần thực hiện sớm khi ra khỏi choáng. Tần suất tái phát là 20%, tiên lượng tốt nếu chảy máu tự ngưng trong vòng 6 giờ đầu. Nguy cơ tái phát cao >50% nếu:
Chảy máu từ tiểu động mạch tạo thành tia.
Mạch máu thấy được ở nền ổ loét.
Chảy máu kéo dài >72 giờ.
Thủng
Loét ăn sâu vào thành dạ dày hay tá tràng có thể gây thủng. Đây là biến chứng thứ nhì sau chảy máu (6%), đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Loét mặt trước hoặc bờ cong nhỏ thì thủng vào khoang phúc mạc lớn, loét mặt sau thì thủng vào cơ quan kế cận hoặc hậu cung mạc nối.
Triệu chứng: Thường khởi đầu bằng cơn đau dữ dội kiểu dao đâm đó là dấu viêm phúc mạc và nhiễm trùng nhiễm độc. Chụp phim bụng không sửa soạn hoặc siêu âm có liềm hơi dưới cơ hoành nhất là bên phải.
Loét xuyên thấu dính vào cơ quan kế cận
Thường là tụy, mạc nối nhỏ, đường mật, gan, mạc nối lớn, mạc treo đại tràng, đại tràng ngang thường gặp là loét mặt sau hoặc loét bờ cong lớn. Các loét này thường đau dữ dội ít đáp ứng với điều trị, loét xuyên vào tụy thường đau ra sau lưng hoặc biểu hiện viêm tụy cấp, loét thủng vào đường mật chụp đường mật hoặc siêu âm có hơi trong đường mật hoặc baryte vào đường mật. Nếu rò dạ dày - đại tràng gây đi chảy phân sống và kém hấp thu, cần điều trị phẫu thuật.
Hẹp môn vị
Thường gặp nhất khi ổ loét nằm gần môn vị. Gây ra do loét dạ dày hoặc tá tràng hoăc phản ứng co thắt môn vị trong loét dạ dày nằm gần môn vị, hẹp có thể do viêm phù nề môn vị.
Triệu chứng: Nặng bụng sau ăn. Mữa ra thức ăn củ > 24 giờ. Dấu óc ách dạ dày lúc đói và dấu Bouveret. Gầy và dấu mất nước.
Chẩn đoán hẹp môn vị: bằng.
Thông dạ dày có dịch ứ >100ml.
Phim baryte dạ dày còn tồn đọng baryte >6giờ.
Phim nhấp nháy, chậm làm vơi dạ dày >6 giờ khi thức ăn có đánh dấu đồng vị phóng xạ Technium 99.
Xác định cơ năng hay thực thể bằng nghiệm pháp no muối kéo dài, sau 1/2 giờ và 4 giờ: nếu sau 1/2 giờ >400ml, và sau 4giờ >300ml là thực thể, nếu <200ml là có cơ năng, hoặc làm lại no muối sau 3 ngày chuyền dịch >100ml là thực thể.
Loét ung thư hóa
Tỉ lệ loét ung thư hóa thấp 5-10%, và thời gian loét kéo dài >10 năm. Hiện nay người ta thấy rằng viêm mạn hang vị nhất là thể teo, thường đưa đến ung thư hóa nhiều hơn (30 %), còn loét tá tràng rất hiếm khi bị ung thư hóa.
Điều trị nội khoa
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi cả thể xác và nhất là tinh thần trong giai đoạn có đợt đau loét. Trong giai loét tiến triển cần ăn chế độ ăn lỏng và thức ăn kiềm tính như cháo sửa, tránh các thức ăn kích thích cay nóng như tiêu ớt. Cử bia rượu và nhất là thuốc lá vì làm chậm lành sẹo và dể gây loét tái phát. Thực tế hiện nay đã chứng minh thức ăn ít quan trọng chỉ cần ăn đều tránh nhịn đói gây tăng tiết acide.
Ăn phụ ban đêm hoặc trước lúc đi ngủ gây tiết acide ban đêm, nên cần chống chỉ định. Thuốc lá đã được chứng minh có hại gây tăng tiết acide, chậm lành sẹo và làm tăng tái phát.
Tâm lý liệu pháp: cần giải thích để bệnh nhân yên tâm và hợp tác trong điều trị. Nếu bệnh nhân quá lo lắng có thể cho thêm an thần: Diazepam, Tétrazépam, Chlodiazepate
Thuốc điều trị loét được chia làm các nhóm sau
Thuốc kháng toan: Bicarbonate natri và calci không được dùng nữa do tác dụng dội và làm tăng calci máu gây sỏi thận. Người ta thường dùng kết hợp hydroxyde nhôm và magné để giảm tác dụng gây bón của nhôm và gây đi chảy của magné; tuy nhiên chúng cũng tạo các muối phosphate không hòa tan lâu ngày gây mất phospho (tính chất nầy được khai thác để điều trị tăng phospho máu trong suy thận). Các biệt dược thường là Maalox, Gelox, Alusi, Mylanta có thêm Siméticon là chất chống sùi bọt làm giảm hơi trong dạ dày, Trigel có phối hợp thêm chất làm giảm đau, Phosphalugel được trình bày dưới dạng gel nên có tính chất băng niêm mạc và giữ lại trong dạ dày lâu hơn; liều dùng 3-4g/ngày.
Thuốc kháng tiết: Là các thuốc làm giảm tiết acid dịch vị qua nhiều cơ chế khác nhau do kháng thụ thể H2, kháng choline, kháng gastrine và kháng bơm proton của tế bào viền thành dạ dày.
Thuốc kháng choline: Từ lâu là nền tảng của điều trị loét nó có tác dụng ức chế dây X, giảm tiết trực tiếp do tác động trực tiếp lên tế bào viền và gián tiếp bằng hảm sản xuất gastrin, sự tiết pepsine cũng bị giảm. Ức chế dây X còn làm giảm nhu động dạ dày: giảm co thắt thân và hang vị làm giảm đau, làm chậm làm vơi thức ăn đặc. Hiệu quả tốt của kháng choline trên cơn đau đã được xác định, nhưng tác dụng trên sự lành sẹo thì còn bàn cải, thuốc cổ điển trong nhóm này là atropin ngày nay ít được dùng vì có nhiều tác dụng phụ với liều điều trị 1mg/ng, thường gây khô miệng, sình bụng, tiểu khó. Chống chỉ định trong tăng nhản áp, u xơ tiền liệt tuyến. Hiện nay thuốc kháng choline có vòng 3, và pirenzépine chẹn thụ thể muscarine chọn lọc M1 trên tế bào viền, nên không có tác dụng trên co thắt cơ trơn và sự tiết nước bọt nên được chỉ định rộng rãi. Pirenzépine làm nhanh sự liền sẹo trong loét dạ dày và tá tràng. Trong hội chứng Zollinger Ellison phối hợp pirenzépine và Kháng H2 rất có hiệu qủa lên sự tiết acid hơn là dùng một mình kháng H2. Thuốc biệt dược là Gastrozépine, Leblon.
Thuốc kháng H2: Ức chế sự tiết acid không chỉ sau kích thích histamine mà cả sau kích thích dây X, kích thích bằng gastrine và cả thử nghiệm bữa ăn.
Thế hệ 2: Ranitidine (Raniplex, Azantac, Zantac, Histac, Lydin, Aciloc...) Viên 150mg, 300mg, ống 50mg.
Cấu trúc hơi khác với cimétidine do có 2 nhánh bên ở nhân imidazole nên liều tác dụng thấp hơn và ít tác dụng phụ hơn, tác dụng lại kéo dài hơn nên chỉ dùng ngày 2 lần. Hiệu quả cao hơn cimétidine trong điều trị loét dạ dày tá tràng và nhất là trong hội chứng Zollinger Ellison. Tác dụng phụ rất ít trên androgen nên không gây liệt dương.
Liều dùng 300mg/ng uống 2 lần sáng tối hoặc một lần vào buổi tối như cimétidine.
Thế hệ 3: Famotidine (Pepcidine, Servipep, Pepcid, Quamatel, Pepdine). Viên 20mg, 40mg; ống 20mg. Tác dụng mạnh và kéo dài hơn ranitidine nên chỉ dùng một viên 40mg 1 lần vào buổi tối.
Các tác dụng phụ cũng tương tự như đối với Ranitidine.
Thế hệ thứ 4: Nizacid (Nizatidine), viên dạng nang 150mg, 300mg, liều 300mg uống 1 lần vào buổi tối. Tác dụng và hiệu quả tương tự như Famotidine.
Thuốc kháng bơm proton: Là thụ thể cuối cùng của tế bào viền phụ trách sự tiết acide chlorhydride, do đó thuốc ức chế bơm proton có tác dụng chung và mạnh nhất.
Omeprazol (Mopral, Lomac, Omez, Losec). Viên nang 20mg, 40mg; ống 40mg. Liều thường dùng 20mg uống 1 lần vào buổi tối. Thuốc tác dụng rất tốt, hiệu quả ngay cả những trường hợp kháng H2. Hiệu quả lành sẹo đối loét tá tràng sau 2 tuần lễ là 65%, Đối với loét dạ dày là 80 - 85%. Thuốc tác dụng rất nhanh sau 24 giờ ức chế 80% lượng acide dịch vị.
Liệu trình đối với loét tá tràng là 4 tuần, loét dạ dày là 6 tuần.
Liều gấp đôi dành cho những người đáp ứng kém hoặc hội chứng Zollinger Ellison.
Tác dụng phụ ở vài trường hợp như bón, nôn mữa, nhức đầu, chóng mặt, đôi khi có nổi mề đay và ngứa da. Ở người già có thể có lú lẩn, hoặc ảo giác, các triệu chứng này giảm khi ngừng thuốc. Về máu, có thể có giảm bạch cầu, tiểu cầu, và hiếm hơn là thiếu máu huyết tán.
Chống chỉ định: Phụ nữ có thai và cho con bú.
Esomeprazole (Nexium): đồng phân của Omeprazole có thời gian bán huỷ lâu hơn và có tác dụng ức chế tiết Acide và dịch vị tốt hơn. Viên 20mg, ngày x 2 viên.
Lanzorprazol (Lanzor, Ogast) viên 30mg, liều 1 viên uống vào buổi tối.
Tác dụng và chỉ định tương tự như Omeprazol.
Pentoprazole (Inipomp) viên 20mg, 40mg. Liều 40mg/ng.
Rabeprazole (Velox, Ramprazole) viên 20mg. Liều 40mg/ng.
Thuốc kháng Gastrin: Proglumide (Milide) là thuốc đối kháng gastrin. Nó làm giảm tiết acide khi tiêm gastrin, nhưng không làm giảm khi tiêm histamin, được chỉ định trong điều trị loét có tăng gastrin máu và nhất là trong u gastrinome.
Thuốc bảo vệ niêm mạc:
Carbénoxolone (Caved’ s, Biogastrone): là dẫn xuất tổng hợp của cam thảo, kinh nghiệm dân gian xưa đã dùng để điều trị loét dạ dày. Nó làm tăng sản xuất nhầy và kéo dài tuổi thọ của tế bào niêm mạc, tác dụng kép này giống như PGE2, có thể do làm chậm thoái hóa prostaglandine. Ngoài ra carbénoxolone làm ức chế họat động của pepsine, nó cũng có tính chất kháng viêm.
Carbénoxolone làm nhanh sự lành sẹo loét dạ dày và nhất là nó chứa trong nang tan chậm cũng hiệu quả trong loét tá tràng. Tuy nhiên xử dụng của nó còn hạn chế do tác dụng phụ giống như aldosterone: giữ muối và phù, hạ Kali máu, cao huyết áp. Do đó khi dùng cần theo dõi trọng lượng, huyết áp và điện giải đồ.
Bismuth (Peptobismol, Trymo, Dénol): Trước đây các muối bismuth natri hấp thu nhiều gây ra bệnh não do bismuth nên không còn được dùng trong điều trị. Hiện nay bismuth sous citrate (C.B.S) do không hấp thu và trong môi trường acide kết hợp với protéine của mô hoại tử từ ổ loét, tạo thành một phức hợp làm acide và pepsine không thấm qua được. Ở súc vật thí nghiệm, nó cũng bảo vệ niêm mạc chống lại sự ăn mòn của rượu và của aspirine.
Trình bày: Viên 120mg, ngày 4 viên chia 2 lần sáng tối trước ăn. Không nên dùng thuốc nước hoặc nhai vì thuốc làm đen răng và lợi.
Sucralfate (Ulcar, Kéal, venter, sulcrafar): Là thuốc phối hợp giữa sulfate de sucrose và một muối nhôm. Cũng như sous nitrate de bismuth trong dung dịch acide nó gắn vào bề mặt ổ loét mang điện tích (-) kết hợp với điện tích (+) của thuốc, làm thành một lớp đệm, giúp chống lại sự phân tán ngược của ion H+. Hơn nữa nó còn hấp phụ pepsine và muối mật, làm bất hoạt chúng, cho nên được dùng để điều trị viêm dạ dày do trào ngược dich mật. Trong điều trị loét dạ dày tá tràng, nó làm giảm đau nhanh và làm lành sẹo tương đương như Cimétidine. Mặc dù hấp thụ ít nhưng cũng không nên dùng trong trường hợp suy thận nặng, vì nó chứa nhiều aluminium. Ngoài ra nó còn gây bón và do tính hấp phụ của nó làm ngăn chận hấp thu các thuốc như tetracycline, phénytoine.
Prostaglandine E2 (Cytotec, Minocytol) có nhiều cơ chế tác dụng: ức chế tiết acide, kích thích tiết nhầy, tăng tiết bicarbonate và làm tăng tưới máu cho lớp hạ niêm mạc dạ dày. Viên 200(; liều 400-600(. Tác dụng phu gây đi chảy
Thuốc diệt HP:
Nhóm (lactamine như Pénicilline, Ampicilline, Amoxicilline, các Céphalosporines.
Nhóm cycline: Tétracycline, Doxycycline.
Nhóm macrolides: Erythromycine, Roxithromycine, Azithromycine, Clarithromycine.
Nhóm Quinolone và nhóm imidazoles: Métronidazole, Tinidazole, Secnidazole...
Nhóm Bisthmus: Như trymo, denol, Peptobismol.
Áp dụng điều trị
Loét dạ dày:
Trong trường hợp không tăng toan tăng tiết: thường chủ yếu chỉ dùng thuốc bảo vệ niêm mạc. Ví dụ: Ulcar gói 1g, ngày 3 gói, uống 30 phút -1 giờ trước ăn và 1 gam trước khi đi ngủ, có thể dùng thêm an thần như Tranxène 5mg tối uống một viên.
Nếu có nhiễm H.P thì áp dụng phát đồ điều trị hiện nay là phối hợp 3 thuốc diệt H.P như sau: Bismuth + Tétracycline + Métronidazole hoặc Bismuth + Amoxicillin + Metronidazol. Tuy nhiên đã có một số trường hợp đề kháng với Tétracycline và Metronidazole (40-50%), nên người ta thích phối hợp Bismuth + Clarithromycin + Tinidazole. Trong thời gian 6 - 8 tuần, tỉ lệ lành sẹo 80-85%.
Trong trường hợp có tăng toan tăng tiết áp dụng phát đồ điều trị tương tự như loét tá tràng nhưng thời gian 6 - 8 tuần.
Theo dõi điều trị: rất quan trọng trong điều trị loét dạ dày sau 3 - 4 tuần điều trị cần kiểm tra nội soi và sinh thiết, sau đó 3 tháng, rồi 6 tháng và hàng năm trong 5 năm đầu. Cần sinh thiết nhiều mảnh trên nhiều vùng và nhiều vòng khác nhau (8 -12 mẩu). Nếu có dị sản cần tích cực kiểm tra lại sau khi điều trị tích cực 3 tuần. Nếu có loạn sản hoặc có hình ảnh ung thư cần phẫu thuật.
Loét tá tràng:
Đa số đều có tăng toan và tăng tiết nên thường áp dụng phát đồ phối hợp: 1 kháng tiết mạnh + 1 bảo vệ niêm mạc. Ví dụ: 1 kháng H2 mạnh như Ranitidin, Famotidine hoặc Oméprazole + Sucralfate, cụ thể là Ranitidine 300mg hoặc Famotidine 40mg uống chia 2 lần sau ăn hoặc một lần khi đi ngủ + Sucralfate 3g uống 3 lần trước ăn 30 ph và 1gr trước lúc đi ngủ.
Trong trường hợp có H.P, cho thêm thuốc diệt H.P như trong loét dạ dày, thời gian cho kháng sinh thường là 2 tuần. Kết quả một số phát đồ điều trị 3 thuốc như sau:
Bismuth (480mg/ng)+Tetracycline 1,5g/ng (hay Amoxicillin) + Métronidazol (1,5g/ng) x 2 tuần lành bệnh là 85%.
Ranitidin (300mg/ng)+Amoxicillin (1, 5g/ng)+Metronidazol (1, 5g/ng) x 2 tuần, sau đó tiếp tục dùng Ranitidine thêm 2 tuần, tỉ lệ lành bệnh là 89%.
Oméprazol (40mg/ng) + Clarithromycine (0, 5g/ng) + Tinidazol (1, 5g/ng) x 1 tuần, lành bệnh là 93, 2% hoặc Omeprazol (40mg/ng)+Clarithromycine (0,5g/ng)+Amoxicilline (1, 5g/ng) x 1tuần, lành bệnh là 90%.
Trong một số vùng tỉ lệ đề kháng cao người ta đã áp dụng phát đồ 4 thuốc như sau: Bismuth+Tetracycline (hoặc Amoxicilline)+Metronidazol+ Omeprazole và có thể rút ngắn thời gian điều trị xuống 2 tuần.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày: Với loét dạ dày sau khi điều trị tích cực 6 tuần mà ổ loét không thay đổi hoặc trong trường hợp có loạn sản thì cần phẫu thuật cắt bỏ 2/3 theo kiểu Bilroth hoặc Péan để loại trừ ổ loét cũng như loại bỏ vùng tiết gastrine và acide.
Trong loét tá tràng, phẫu thuật rất hạn chế, chỉ dùng cho loét bất trị. Các chỉ định phẫu thuật chung: là loét biến chứng chảy máu cấp nặng không cầm được bằng phương tiện nội khoa, loét gây biến chứng hẹp môn vị khít và thực thể, loét thủng hoặc loét xuyên thâu vào tụy gây viêm tụy cấp tái phát nhiều lần.
Các biến chứng phẫu thuật bao gồm:
Hội chứng Dumping: Thường xuất hiện nửa giờ sau khi ăn với đau thượng vị, buồn nôn, choáng váng, hồi hộp, vả mồ hôi, mệt lả do làm đầy tá tràng quá nhanh, do thức ăn ưu trương, cơ chế bệnh sinh phức tạp do nhiều nguyên nhân:
Giảm thể tích do cân bằng lại áp lực thẩm thấu ưu trương.
Phản xạ thực vật, giải phóng hormon vận mạch như serotonin, bradykinine, V.I.P., gây ra do căng dãn ruột. Cần phân biệt với hạ đường máu xảy ra chậm 1-2 giờ sau ăn do tiết quá nhiều insulin vì hấp thu một lượng lớn đường. Điều trị chủ yếu là ăn đặc nhiều bữa nhỏ, ít đường và sửa, dùng pectine để làm chậm vơi dạ dày.
Hội chứng quai tới: sau phẫu thuật do ứ đọng thúc ăn và nhất là mật trong quai tới làm viêm thường biểu hiện bằng đau và mữa ra mật.
Suy dưỡng: Do nhiều nguyên nhân:
Do cắt bỏ dạ dày quá nhiều gây thiếu dịch vị và ăn quá ít vì dạ dày quá nhỏ.
Kém hấp thu thứ phát do thiếu mật, tụy.
Lên men vi trùng trong quai tới và hổng tràng. Ngoài ra còn thiếu sắt, B12, Folate, loãng xương nhuyễn xương, dễ nhiễm trùng nhất là lao.
Biến chứng xa là do trào ngược tá tràng dạ dày gây viêm miệng nối, rồi dị sản và loạn sản niêm mạc gây ra ung thư hóa thường 10-15 năm sau.
Phẫu thuật cắt bỏ dây X:
Giúp loại bỏ pha đầu của sự tiết, làm giảm tiết ban đêm và làm giảm lượng tiết acid do gastrine.
Cắt thân dạ dày: Cắt đoạn vào bụng quanh thực quản, cũng có thể cắt bằng đường ngực. Phẫu thuật này thường gây ra rối loạn vận động cần bổ sung bằng nối vị tràng hoặc chỉnh hình môn vị để giúp làm vơi dạ dày. Các hậu quả có thể có sau phẫu thuật này là:
Hội chứnh Dumping và trào ngược mật tụy.
Đi chảy và rối loạn mật tụy do mất điều chỉnh thần kinh.
Bezoard do rối loạn làm vơi dạ dày và giảm tiết dịch vị.
Cắt dây X chọn lọc: Chỉ cắt các sợi đi vào dạ dày thường kèm chỉnh hình môn vị.
Cắt dây X siêu chọn lọc: Chỉ cắt nhánh dây X đi vào đáy vị và giữ lại nhánh Latạrjet điều hành hang vị, nên bảo toàn được chức năng hang môn vị nên ít gây ra biến chứng.
Một số chỉ định đặc biệt:
Trong loét môn vị + tăng toan: Cắt dây X + ổ loét + xét nghiệm mô học.
Trong loét kép: cắt dây X + cắt hang vị.
Loét tái phát sau phẫu thuật: tùy theo cách phẫu thuật trước.
Sau cắt dạ dày loét tái phát ở tá tràng hoặc hổng tràng.
Sau cắt dây X, thường loét tái phát chỗ cũ.
Bài viết cùng chuyên mục
Bệnh học thận và thai nghén
Ở phụ nữ có thai, một nồng độ Creatinine máu trên 80 μmol trên lít và nồng độ Urê máu trên 5 mmol trên lít là có thể biểu hiện một suy giảm chức năng thận trong thai kỳ
Bệnh học sỏi hệ tiết niệu
Sỏi thận và hệ tiết niệu là bệnh thường gặp nhất của đường tiết niệu và thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuổi mắc bệnh thường là từ 30 - 55, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em (sỏi bàng quang).
Bệnh học ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân lớn gây tử vong ở các nước Bắc Mỹ, Châu Âu, sau ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú và ung thư phổi. Năm 1996, có khoảng 134 ngàn trường hợp mới mắc ở Hoa Kỳ và 55 ngàn người tử vong đứng hàng thứ hai sau ung thư phổi.
Bệnh học nhiễm trùng (viêm) đường mật túi mật cấp
Viêm đường mật túi mật cấp là một cấp cứu nội - ngoại khoa thường gặp, có thể có biến chứng nặng thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh học suy thận mạn
Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh thận mạn tính của thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng làm giảm dần mức lọc cầu thận. Khi mức lọc cầu thận giàm xuống dưới 50% (60ml/phút) so với mức bình thường (120ml/phút) thì được xem là có suy thận mạn.
Bệnh học viêm gan mạn
Viêm gan mạn (VGM) là biểu hiện của nhiều loại tổn thương gan do nhiều loại nguyên nhân khác nhau trong đó viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài > 6 tháng.
Bệnh học suy giáp trạng
Suy giáp là một bệnh cảnh xuất hiện do sự thiếu hụt hormone giáp, gây nên những tổn thương ở mô, những rối loạn chuyển hóa. Những thay đổi bệnh lý này được gọi là triệu chứng giảm chuyển hóa (hypometabolism).
Bệnh học xơ vữa động mạch
Giai đoạn hai, mảng vữa đơn thuần xuất hiện. Mảng vữa dày giữa có vùng hoại tử nằm trong một vỏ xơ. Vùng hoại tử chứa rất nhiều acid béo và cholesterol
Bệnh học viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là một bệnh lý cấp tính của tuyến tụy, có thể thay đỗi từ viêm tụy phù nề cho đến viêm tụy hoại tử cấp tụy, trong đó mức độ hoại tử liên quan đến độ trầm trọng của bệnh.
Bệnh học thận bẩm sinh và di truyền
Thận đa nang di truyền theo kiểu gen lặn (Thận đa nang trẻ em): ít gặp, thường được phát hiện ngay sau sinh hoặc trước 10 tuổi. Tiên lượng rất xấu, ít khi sống được đến tuổi thanh niên.
Bệnh học cường aldosteron nguyên phát
Nhịn đói qua đêm, nằm; truyền tĩnh mạch 2L dung dịch NaCl 0,9%. Sau đó đo aldosteron huyết tương (PAC). Chẩn đoán xác định khi PAC > 10 ng/mL.
Bệnh học ung thư dạ dày
Khoảng 85% ung thư dạ dày thuộc loại adenocarcinomas, 15% là loại lymphomas-non-Hodgkin và leio-myosarcomas và các loại u thứ phát ít gặp.
Bệnh học bệnh cơ tim giãn
Bệnh cơ tim dãn là hội chứng dãn thất trái với sự gia tăng khối lượng thất chủ yếu là thất trái với rối loạn chức năng tâm thu hay tâm trương mà không có tổn thuơng nguyên phát màng ngoài tim, van tim hay thiếu máu cơ tim.
Bệnh học tim bẩm sinh
Các bệnh người mẹ mắc phải trong thời kỳ thai nghén: Nhiễm siêu vi chủ yếu là bệnh đào ban (Rubella), hội chứng Rubella thường có điếc, đục thủy tinh thể, đầu bé và có thể phối hợp với còn ống động mạch, hẹp van động mạch phổi, thông liên thất.
Bệnh học tràn dịch màng phổi không do lao
Tràn dịch màng phổi là bệnh thường gặp trong các bệnh lý của bộ máy hô hấp, chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi thường không khó lắm, nhưng chẩn đoán nguyên nhân mới là điều quan trọng vì quyết định hướng điều trị.
Bệnh học bướu cổ đơn thuần
Định nghĩa bướu cổ rải rác là sự phì đại tổ chức tuyến giáp có tính chất lành tính toàn bộ hay từng phần không có triệu chứng suy hay cường giáp, không do viêm, không có tính chất địa phương.
Bệnh học viêm nhu mô gan do vi khuẩn
Bạch cầu tăng đa nhân trung tính tăng, thiếu máu, máu lắng tăng cao, Phosphatase kiềm tăng, cấy máu có thể xác định được nguyên nhân.
Bệnh học xơ gan
Cổ trướng: thể tự do. Nguyên nhân chính là do tăng áp tĩnh mạch cửa, ngoài ra còn do các yếu tố khác như giãm áp lực keo, giãm sức bền thành mạch, yếu tố giữ muối và nước.
Bệnh học ung thư phế quản phổi
U phát triển trong lòng phế quản gây nghẽn phế quản không hoàn toàn làm rối loạn thanh thải nhầy lông, gây ú trệ, từ đó dễ dàng bị viêm phế quản phổi ở thuỳ phổi tương ứng.
Bệnh học bệnh mạch vành (suy vành)
Dòng vành thường tối đa kỳ tâm trương. Do khả năng dãn các mạch máu nội tâm mạc rất yếu, vì vậy khi có giảm lưu lượng vành sự tưới máu sẽ xảy ra chủ yếu ở dưới nội mạc.
Bệnh học suy tuyến yên
Một sự thừa hoặc thiếu hormon tuyến yên sẽ biểu hiện lâm sàng học bằng sự tăng hay giảm hoạt động của các tuyến đó, đây là hiện tượng Feed- Back. Tuyến yên có hai thùy chính, thùy trước và thùy sau.
Bệnh học viêm gan mật
Gan thường to cả hai thùy hoặc ưu thế ở gan trái, có thể gây hiện thượng ứ mật. Ngoài ra có thể có xơ đường mật hoặc xơ gan ứ mật, viêm túi mật mạn.
Bệnh học viêm cầu thận mạn
Viêm cầu thận mạn là một bệnh có tổn thương tiểu cầu thận tiến triển từ từ kéo dài nhiều năm có biểu hiện lâm sàng có thể có tiền sử phù, protein niệu, hồng cầu niệu.
Bệnh học viêm thận bể thận cấp
Viêm thận bể thận cấp không có yếu tố thuận lợi: tiến triển thường tốt nếu điều trị kháng sinh đúng và đủ liều. Các triệu chứng lâm sàng sẽ giảm nhanh, nước tiểu trở về bình thường sau 1-2 tuần.
Bệnh học đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt (ĐTN) là tình trạng bệnh lý do mất khả năng tái hấp thu nước ở ống thận, hậu quả của sự thiếu ADH tương đối hoặc tuyệt đối dẫn đến tiểu nhiều, uống nhiều, nước tiểu có tỉ trọng thấp và uống nhiều.