Bệnh học ngoại ung thư thận

2012-10-21 03:20 PM

Ung thư thận chiếm 90% các loại u ác tính nguyên phát ở thận. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn trên 40 tuổi, với tỉ lệ nam gấp 2 lần so với nữ giới. Ung  thư thận chiếm 1-2% toàn bộ các loại ung thư ở người lớn.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Đại cương

Ung thư thận là loại u ác tính nguyên phát trong nhu mô thận. Việc chẩn đoán sớm có một ý nghĩa trong điều trị.

Ung thư thận chiếm 90% các loại u ác tính nguyên phát ở thận. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn trên 40 tuổi, với tỉ lệ nam gấp 2 lần so với nữ giới. Ung  thư thận chiếm 1-2% toàn bộ các loại ung thư ở người lớn.

Ung thư thận có thể ở thể rải rác và ở thể di truyền. Ung thu thận có thể xuất hiện trên nhiều người trong gia đình và yếu tố di truyền cũng được đề cập đến (khuyết đoạn nhiễm sắc thể 3, chuyển vị của các nhiễm sắc thể 3 - 8).

Nhiều bệnh nhân có hội chứng thần kinh da, như hội chứng Von Hippel Lindau, hoặc bệnh xơ cứng não củ Bourneville có thể có ung thư thận. Những bệnh nhân suy thận được chạy thận nhân tạo nhiều năm có thể có nang thận kèm theo ung thư thận.

Bệnh sinh

Nguyên nhân bệnh sinh cho đến nay vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên một vài yếu tố được cho là có tác động đến sự xuất hiện ung thư thận.

Hút thuốc lá được nhiều tác giả đề cập đến, khoảng 30% nam giới và khoảng 24% nữ giới hút thuốc là bị ung thư thận.

Những bệnh nhân dùng nhiều thuốc lợi tiểu có tỉ lệ ung thư thận tăng gấp 3 lần người bình thường, hoặc dùng nhiều thuốc giảm đau chứa phenacetin dường như cũng làm tăng nguy cơ hình thành ung thư thận. Béo phì dường như cũng có mối liên hệ với ung thư thận.

Một số chất như amian, thorium dioxide cũng được cho là có liên quan đến sự xuất hiện ung thư thận. Công nhân nghề in, hoặc tiếp xúc với xăng dầu nhiều có nguy cơ ung thư thận cao hơn bình thường.

Gần đây, một số nghiên cứu cho thấy ung thư thận có liên quan đến gen ức chế u, gen VHL. Gen VHL được định vị trên vùng p25  - p26  của nhiễm  sắc thể 3.

Giải phẫu bệnh

Đại thể

Phần lớn u xuất phát từ vùng vỏ thận. Thông thường, u hình cầu có bao giả  chèn ép vào vùng tuỷ. Màu sắc thay đổi từ xám trắng đến màu vàng tuỳ vào  loại tế bào. Phần lớn u đồng chất với lốm đốm có vùng hoại tử và chảy máu, có chỗ vôi hóa, xơ và tạo thành nang. Có nhiều mạch máu đến nuôi dưỡng.

Vi thể

Ung thư thận thường là ung thư biểu mô tuyến và bao gồm nhiều loại tế bào  khác nhau. Tế bào sáng chiếm  khoảng 75%, các tế bào này hình tròn, nhân  nhỏ, bào tương chứa nhiều glycogen và lipit. Tế bào hạt ít gặp hơn, chứa nhiều hạt trong bào tương, nhân lớn hơn nhân của tế bào sáng.

Ngoài  ra có tế bào còn ở dạng tế  bào nhỏ và tế bào dạng sarcom, các tế bào này có thể có dạng hình thoi, giống các nguyên bào sợi, có nhân biến dạng và nhiều gián phân.

Các loại ung thư khác ít gặp

Nephroblastom

Còn  được gọi là u Wilms, thường gặp ở trẻ em 3 - 4 tuổi. Xuất phát từ các  phần còn lại của mô phôi. Các tế bào ung thư được tạo thành bởi sự hỗn hợp các tế bào biểu mô, tế bào trung mô và tế bào mầm.

Sarcom

Hiếm gặp hơn. Ung thư xuất phát từ các phần tử trung mô của vỏ và xoang thận và bao gồm các loại sarcom cơ trơn, sarcom mỡ, u mạch tế bào quanh mao mạch (hemangiopericitom)

Các loại khác

Ung thư nang tuyến nhú, các u tế bào lớn Hamperl và các u hỗn hợp lại càng ít gặp.

Tiến triển

Ung thư thận lúc đầu còn khu trú trong thận, vì vậy lúc  giải phẫu tử thi có thể phát hiện nhiều trường hợp chưa có di căn. Bell (1950) cho rằng các u tế bào  thận dưới 3cm là u tuyến  lành tính. Tuy nhiên  trên thực tế có nhiều u thận dưới 3 cm mà đã có di căn rồi ( Smith 1989).

Khối ung thư to dần, phá vỡ bao thận và lan ra ngoài  tới lớp mỡ quanh thận, xâm lấn các tạng gần như đại tràng, gan.

Ung thư thận di căn theo các đường  bạch huyết và tĩnh mạch. Theo đường bạch huyết, ung thư thận di căn vào các hạch thắt lưng động mạch chủ rồi  đến các hạch sau phúc mạc, bụng, trung thất, có khi u lên hạch thượng đòn, nách, cổ. Theo đường  tĩnh mạch u di căn vào tĩnh mạch chủ rồi đến các hạch sau phúc mạc bụng, trung thất và xa hơn vào các tạng xa như phổi, gan, xương, thượng thận, thận bên kia, não...

Phân loại ung thư thận theo TNM

T (khối u)

Tx không xác định được u nguyên phát.

T0 Không có bằng chứng u.

T1 U có kích thước < 7cm,  khu trú trong thận.

T2 U có kích thước >7cm, khu trú trong thận.

T3 U lan ra đến tĩnh mạch lớn hoặc thâm  nhiễm tuyến thượng thận hoặc tổ chức  mỡ quanh thận, nhưng chưa lan ra khỏi cân Gerota.

T3a U xâm nhiễm  tuyến thượng thận hoặc bao mỡ quanh thận, nhưng chưa xâm lấn cân Gérota.

T3b U xâm lấn vào tĩnh mạch thận hoặc tĩnh mạch chủ  dưới cơ hoành.

T3c U xâm lấn vào tĩnh mạch chủ trên cơ hoành.

T4 U xâm lấm ra ngoài cân Gerota.

N (hạch)

Hạch lympho vùng là những hạch ở rốn thận, quanh động mạch và tĩnh mạch chủ bụng. Việc xâm lấn phía đối diện không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn phân loại của N.

Nx không xác định được hạch di căn.

N0 Không có hạch di căn.

N1 Di căn 1 hạch vùng.

N2 Di căn nhiều hơn 1 hạch vùng.

M (di căn xa)

Mx không xác định được di căn xa.

M0 Không có di căn xa.

M1 Di căn xa.

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng

Đái máu:

Là triệu chứng thường gặp (80% trường hợp). Đái máu đại thể, toàn bãi, không đau, không sốt. Đái máu một cách bất ngờ, bỗng nhiên dừng lại để  rồi tái phát không có nguyên nhân. Trong trường hợp đái máu nhiều, có máu cục, cũng có thể có cơn đau quặn thận..

Đau thắt lưng:

Đau âm ỉ, lan ra trước hay xuống dưới do u phát triển to ra làm căng bao thận hoặc có thể có cơn đau quặn thận do máu cục di chuyển xuống bàng quang.

Khối u vùng thắt lưng:

Dễ sờ thấy nếu bệnh nhân đến khám muộn. Thăm khám phải nhẹ nhàng để tránh gây di căn ung thư. Nhiều khi  khám thấy một khối u rắn chắc bờ đều hay gồ ghề, di động nhiều hay ít.

Đái máu, đau thắt lưng và khối u vùng thắt lưng được xem là 3 triệu chứng kinh điển của ung thư thận, tuy nhiên một số bệnh nhân lại có biểu hiện bởi sự  kết hợp các hội chứng và các triệu chứng.

Các triệu chứng khác:

Nếu thăm khám kỹ, có thể phát hiện giãn tĩnh mạch thừng tinh cùng bên có bệnh lý.

Chảy máu sau phúc mạc có thể gặp, kèm theo đau dữ dội, sốt và các triệu chứng chảy máu trong, khi ung thư đột ngột vỡ ra khỏi bao.

Hội chứng cận ung thư: Thường xuất hiện bên cạnh các triệu chứng tiết niệu kể trên.

Sốt 39 – 40 độ C trong nhiều tháng, sức khoẻ giảm sút. Hoại  tử trong thận hay các chất  sinh nhiệt của ung thư thận có thể là nguyên nhân sốt của ung thư.

Tình trạng toàn thân giảm sút nhanh chóng, chán ăn, suy nhược, thiếu máu, sốt nhẹ, tốc độ huyết trầm tăng.

Đa hồng cầu, kèm theo đau đầu, mệt  mỏi, chóng mặt, ngứa tê các chi, rối loạn thị giác.

Gan to, nhẵn, không đau, kèm theo phosphatase kiềm tăng, tỉ prothrobin giảm, albumin máu giảm (hội chứng Stauffer).

Nồng độ calci máu tăng do ung thư tiết chất  giống hormon tuyến cận giáp, hoặc di căn vào xương gây kích thích các huỷ cốt bào hoạt động.

Tăng huyết áp do u tiết nhiều renin hay do chèn ép động mạch thận.

Nếu các hội chứng cận ung thư không giảm đi sau cắt thận, có thể tiên đoán tiên lượng xấu.

Triệu chứng do di căn đến các cơ quan khác:

Trong trường hợp di  căn của ung thư vào phổi, xương, gan và các tạng khác, bệnh nhân có thể đến khám với các triệu chứng của các cơ quan này.

Hoặc ngược lại ung thư được phát hiện một cách tình cờ, khi chưa có dấu hiệu lâm sàng, nhân khi  chụp niệu đồ tĩnh mạch, siêu âm, chụp CT Sacnner, chụp phổi... Các trường hợp này ngày càng nhiều nhờ sự phổ cập của các phương tiện ghi hình, đặc biệt siêu âm từ những năm 80.

Cần chú ý phát hiện bệnh trong thể bệnh gia đình hay khi gặp các  hội chứng thần kinh da.

Cận lâm sàng

Các xét nghiệm cận lâm sàng có mục đích giúp cho chẩn đoán xác định,

đánh giá sự xâm lấn của ung thư và theo dõi sau mổ để phát hiện di căn hoặc tái phát tại chỗ

Xét nghiệm máu:

Các xét nghiệm sinh hoá như công thức máu, xét nghiệm tốc độ lắng máu, calci máu, chức năng gan, các rối loạn nội tiết cho phép  phát hiện các dấu hiệu trong các “hội chứng cận ung thư”

Chẩn đoán hình ảnh:

Siêu âm:

Đây là một phương pháp dễ sử dụng, không nguy hiểm, khả năng phát hiện rất  tốt, ngay cả những u nhỏ chưa có biểu hiện lâm sàng và hiện nay được phát triển tương đối đều khắp. Siêu âm cho phép chẩn đoán các ung thư đặc  của thận và các di căn vào tĩnh mạch thận, tĩnh mạch chủ, các hạch ở cuống thận. Thông thường ung thư thận là một khối đặc, không đồng nhất, bờ không đều, âm vang khác với âm vang của thận bình thường. Chú ý là các u nhỏ thường kém âm vang.

X quang:

Chụp hệ tiết niệu không chuẩn bị cho thấy bóng thận không đều, to hơn bình thường, có thể kèm theo hình ảnh  vôi hoá trong thận hay ở rìa thận.

Chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV): Trong các phim chụp sớm, có thể thấy một khối u vượt ra khỏi bờ ngoài của thận. Ở các phim sau, thấy ngay ở vùng đầy một hình khuyết. ở các phim chụp khác tiếp theo, có thể thấy các hình chèn ép, kéo dài, cắt cụt, đẩy chệch hướng các đài bể thận. U ở cực dưới thận còn đẩy lùi vào trong phần trên của niệu quản. Ngoài ra phương pháp này còn  cho thấy chức năng thận bên kia. Trên thực tế, cần kết hợp với siêu âm để khỏi bỏ sót những khối u nhỏ < 2 hay 3cm.

Trong một số trường hợp ngược lại ung thư thận quá lớn, hủy hoại gần hết nhu mô thận hay làm tắc tĩnh mạch thận, hoặc máu cục chèn ép các đài bể thận. Vì vậy thận không ngấm thuốc cản quang.

Chụp động mạch: Trước đây chụp động mạch là một phương pháp để chẩn  đoán quan trọng đối với các u thận. Phương pháp này cho phép thấy được một khối được sự tưới máu rất  mạnh, hình ảnh hỗn loạn của hệ động mạch cùng các hồ máu, thời gian máu quay về tĩnh mạch nhanh, hình ảnh vô mạch do hoại tử . Một số ung thư thận lại ít được tưới máu (10% các ung thư thận). Chụp động mạch thận còn giúp làm tắc động mạch thận để tiến hành phẫu thuật thuận lợi.

Phương pháp chụp động mạch còn có giá  trị rất lớn khi cần phát hiện những u nhỏ gây chảy máu tái phát. Chụp động mạch thận còn giúp cho việc hướng  dẫn cắt thận bán phần trong trường hợp ung thư thận trên thận duy nhất. Tuy  nhiên, hiện nay phương pháp này dần dần được thay thế bởi chụp tỉ trọng cắt lớp.

Chụp CT Scanner: Cho phép xác định tính chất của u và đánh giá sự xâm lấn của u. Trước hết nên chụp mà không bơm thuốc để phát hiện những hình ảnh vôi hoá, sau đó chụp với thuốc để phát hiện u.

Ung thư thận thường được thể hiện như một khối đầy, không đồng nhất, tỷ  trọng ngang hoặc kém so với nhu mô thận. Sau khi tiêm thuốc u nổi rõ lên một thoáng rồi trở nêm kém tỉ trọng so với nhu mô thận. Các vùng hoại tử càng kém tỉ trọng.

Cộng hưởng từ hạt  nhân: Giúp cho việc phân biệt một khối u nang và một khối u đặc, phát hiện các mầm ung thư trong hệ tĩnh mạch và giúp cho việc đánh giá sự xâm lấn của ung thư.

Các xét nghiệm  khác: Trong trường hợp nghi ngờ ung thư di căn xa vào các tạng khác, cần phải làm một số các xét nghiệm khác:

Chụp phổi thẳng nghiêng:

Chụp nhấp nháy hệ thống xương với methylendiphosphonat (MDP 99mTC).

Siêu âm gan.

Chẩn đoán phân biệt

Các nang thận không điển hình

Nang đặc chứa máu, các chất  dịch...được chẩn đoán nhờ siêu âm, tỷ trọng cắt lớp và có khi chỉ cần chọc hút.

U nang có ngăn: Phân biệt giữa nang thường với u nang ung thư có ngăn dày và u nang bào sáng.

U nang vôi hoá: 2-5% các u nang có thể vôi hoá, nhưng chỉ ở phần ngoại vi và có dịch lỏng bên trong. Cần chọc hút dưới siêu âm.

U nang bờ không đều được chẩn đoán bằng siêu âm và chụp tỉ trọng cắt lớp.

Các u thận ác tính và lành tính

U cơ mỡ thận có những vùng mờ  nhạt do mỡ trong u.

Cần đặc biệt chú ý các thể xâm lấn của các u đường tiết niệu trên.

Các khối viêm

Như áp xe, viêm thận bể thận, u thận hạt vàng, hoặc bệnh viêm thận màng trắng.

Các u tạng gần

Gan.

Thượng thận...

Nguyên tắc điều trị

Phương pháp được chọn lựa là phẫu thuật cắt thận kèm bóc hạch, cắt bỏ tuyến thượng thận, kèm lấy bỏ tổ chức mỡ quanh thận, cắt mạch máu buồng trứng hoặc mạch máu thừng tinh và cắt toàn bộ niệu quản sau khi lấy bỏ huyết khối tĩnh mạch. Đây là phương pháp kinh điển.

Cắt bỏ thận để điều trị triệu chứng trong trường hợp chảy máu nhiều.

Những di căn một vị trí cần được phẫu thuật để lấy bỏ.

Cắt thận một phần: Trong trường hợp ung thư trên 1 thận hoặc u nhỏ.

Làm tắc nghẽn mạch động mạch thận: Đối với những bệnh nhân không thể phẫu thuật được.

Tia xạ: Áp dụng trong trường hợp có di căn vào xương,

Hoá chất trị liệu: Một số hoá chất chống ung thư đã được sử dụng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.

Miễn dịch trị liệu: Nhiều tác giả hiện nay đang  sử dụng các Cytokin như Interferon, Interleukin để điều trị có hiệu quả khá tốt.

Hormon trị liệu: Một số tác giả sử dụng progesteron, androgen, antiestrogen để điều trị, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng.

Các phương pháp điều trị

Cắt thận toàn bộ

Chỉ định

Đây là phương pháp được chọn lựa hàng đầu trong điều trị ung thư thận  nhằm mục đích chữa khỏi cho bệnh nhân nếu giai đoạn sớm hoặc nhằm mục   đích điều trị triệu chứng (đau, đái máu) ở giai đoạn muộn. Ngay cả ung thư thận đã có di căn (hạch, gan, não) cắt thận toàn bộ vẫn có chỉ định nhằm mục  đích làm  chậm quá trình phát triển của khối di căn, kéo dài đời sống của bệnh nhân.

Nguyên tắc

Phẫu thuật bao gồm cắt thận toàn bộ kèm bóc hạch, cắt bỏ tuyến thượng thận, lấy bỏ tổ chức mỡ quanh thận, cắt mạch máu buồng trứng hoặc mạch máu thừng tinh và cắt toàn bộ niệu quản sau khi lấy bỏ huyết khối tĩnh mạch.

Đây là phương pháp kinh điển. Đường mổ phải đủ rộng để có thể tiếp cận cuống mạch được dễ dàng và lấy hết được toàn bộ khối u và tổ chức mỡ quanh thận cũng như mạc thận. Đường mổ hay được  sử dụng là đường  dưới sườn xuyên phúc mạc.

Cắt thận không điển hình

Cắt bỏ thận để điều trị triệu chứng trong trường hợp chảy máu nhiều hoặc gây đau.

Những di căn một vị trí cần được phẫu thuật để lấy bỏ.

Cắt thận một phần: Trong trường hợp ung thư trên 1 thận hoặc u nhỏ.

Làm nghẽn mạch động mạch thận

Đối với những bệnh nhân không thể phẫu thuật được.

Tia xạ

Chỉ là phương pháp điều trị tạm thời, áp dụng trong trường hợp có di căn vào xương, nhằm mục đích giảm đau.

Hoá chất trị liệu

Một số hoá chất chống ung thư đã được sử dụng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao và cũng chỉ áp dụng điều trị tạm thời.

Miễn dịch trị liệu

Nhiều tác giả hiện nay đang sử dụng các Cytokin như Interferon, Interleukin để điều trị có hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng giá thuốc còn rất đắt.

Hormon trị liệu

Một số tác giả sử dụng progesteron, androgen, antiestrogen để điều trị, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng.

Bài viết cùng chuyên mục

Chẩn đoán diện tích bỏng

Sơ sinh thì đầu to, cổ ngắn, ngực bé, bụng to, Trong suốt giai đọan phát triển chi dưới tăng chiều 5 lần, chi trên 4 lần, thân 3 lần, đầu 2 lần

Dấu hiệu triệu chứng lâm sàng sốc bỏng

Do thoát dịch, huyết tương từ lòng mạch ra khoảng gian bào, Nguyên nhân do tổn thương mao mạch, rối loạn vi tuần hoàn gây giãn mạch, tăng tính thấm

Bệnh học ngoại khoa teo thực quản

Bệnh teo thực quản là hậu quả của rối loạn trong quá trình tạo phôi giữa tuần thứ 4 và tuần thứ 6, điều này giải thích cho hiện tượng teo thực quản thường kèm theo nhiều dị tật phối hợp khác.

Điều trị sốc do bỏng

Băng ép vừa, theo dõi nếu băng chặt hoặc khi chi thể bị phù nề thì băng sẽ trở thành garo, nên phải nới băng, Nếu bị bỏng hoá chất phải băng bằng chất trung hoà.

Bệnh học ngoại xơ vữa động mạch

Tổn thương khu trú ở lớp nội mạc, lớp nội mạc dày lên vừa phải. Các tế bào đặc trưng có chứa các tổ chức mỡ (tế bào bọt). Lớp áo giữa và áo ngoài bình thường.

Bệnh học ngoại lồng ruột cấp ở trẻ còn bú

Lồng ruột thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn ở bé gái (2/1) trong độ tuổi bú  mẹ cao nhất là từ 4 - 8 tháng. Tỷ lệ gặp thấp hơn sau 1 - 2 tuổi và hiếm gặp ở trẻ lớn.

Bệnh học ngoại dị dạng bẩm sinh vùng rốn

Thoát vị cuống rốn là một dị dạng bẩm sinh trong đó một số tạng bụng trồi ra ngoài ổ bụng qua lỗ hổng của vành đai rốn tạo thành một khối phình được bọc kín bởi lớp phúc mạc nguyên thuỷ và lớp màng ối ở vùng rốn.

Bệnh học ngoại u trung thất

U trung thất là một khối u có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của trung thất. Bao  gồm khối u nguyên phát, thứ phát; lành ác. Bệnh lý hay gặp nhất là u tuyến ức, u thần kinh, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới.

Bệnh học ngoại chấn thương sọ não kín

Chấn thương sọ não đã được nghiên cứu từ lâu. Từ thời Hyppocrat (460-377  trước Công  nguyên) đã có những công  trình nghiên cứu về chảy máu hộp sọ.

Bệnh học ngoại vết thương sọ não hở

Vết thương sọ não hở là loại vết thương gặp cả trong chiến tranh và trong thời bình. Nhưng trong chiến tranh chiếm tỷ  lệ cao hơn (khoảng từ 7-10%  các loại vết thương do chiến tranh).

Xử trí thời kỳ đầu vết thương bỏng

Ngâm vùng bỏng vào nước lạnh (16-200C) trong vòng 20-30 phút. Đặc biệt có hiệu quả trong 20 phút đầu, nếu để sau 30 phút mới ngâm nước lạnh thì không còn giá trị nữa.

Bệnh học ngoại viêm màng ngoài tim co thắt

Viêm màng ngoài tim co thắt có tràn dịch (1/3 trường hợp): Bệnh nhân trẻ, triệu chứng xuất hiện mới đây, tiền sử viêm màng ngoài tim do nhiễm khuẩn cấp.

Chẩn đoán độ sâu của tổn thương bỏng

Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán diện tích, độ sâu của tổn thương bỏng, cùng với sự phát triên khoa học và công nghệ. Trong phạm vi bài giảng, chỉ đề cập những phương pháp cơ bản, dễ áp dụng trong thực tế.

Bệnh học ngoại u xơ tiền liệt tuyến

U xơ tiền liệt tuyến là một loại u lành tính thường gặp trong bệnh lý của hệ tiết niệu và thường xuất hiện ở nam giới lớn tuổi. Mặc dù có thể thấy u xơ tiền liệt tuyến xuất hiện ở người trẻ < 30 tuổi, nhưng chủ yếu là ở nam giới trên 60 tuổi.

Bệnh học ngoại u não

U não là một từ ngữ được các thầy thuốc lâm sàng gọi tên có tính cách quy  ước để chỉ các u trong sọ vì thực sự u trong mô não chỉ chiếm trên dưới 50% u trong sọ.

Bệnh học ngoại gẫy cổ xương đùi

Gãy cổ xương  đùi là các trường hợp gãy xương mà đường gãy là ở giữa chỏm và khối mấu chuyển. Thường gặp đối với người già, cho dù là một chấn thương nhẹ (như té đập mông). Rất hiếm gặp ở người trẻ và trẻ em.

Bệnh học ngoại khoa chấn thương bụng kín

Chấn thương bụng kín hay gọi là chạm thương bụng bao gồm cả những tổn  thương về bụng, tổn thương có thể chỉ ở ngoài thành bụng nhưng có thể tổn thương các tạng đặc trong ổ bụng (như gan, lách, tụy...).

Bệnh học ngoại trật khớp háng

Ở người lớn trật khớp háng do chấn thương mạnh xảy ra do một lực tác động gián tiếp vào đầu dưới xương đùi, và vùng gối khi đùi gấp, xoay trong và khép, khớp gối ở tư thế gấp.

Bệnh học bỏng trẻ em

Tính diện tích bỏng dựa theo bảng của Lund và Browder hoặc của Berkow chia bề mặt các phần cơ thể thành các đơn vị diện tích phù hợp với tuổi nhằm giúp chẩn đoán chính xác diện tích bỏng.

Bệnh học ngoại khoa bỏng

Bỏng là một chấn thương gặp trong cả thời bình và thời chiến. Trong chiến tranh tỷ lệ bỏng chiếm từ 3-10% tổng số người bị thương. Ở Mỹ một năm theo báo cáo có hơn 2 triệu người bị bỏng, trong đó khoảng 100.000 người phải nhập viện

Bệnh học ngoại gẫy xương cẳng chân

Gãy xương cẳng chân là các trường hợp gãy thân xương chày từ dưới hai lồi cầu đến trên mắt cá trong, có hoặc không kèm gãy xương mác từ cổ tới trên mắt cá ngoài.

Bệnh học ngoại gãy trên lồi cầu xương cánh tay

Gãy trên lồi cầu đứng thứ mười trong các loại gãy xương ở trẻ con nói chung, thường tỷ lệ biến chứng cao hơn so với các gãy chi khác, hay gặp di chứng vẹo khuỷu vào trong

Bệnh học ngoại chấn thương niệu đạo

Khi dương vật mềm, niệu đạo dài khoảng 16cm, trong đó, đoạn tiền liệt tuyến dài khoảng 2,5-3cm, đoạn màng khoảng 1,2cm và đoạn xốp khoảng 12cm.

Bệnh học ngoại khoa xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hoá được định nghĩa là sự đào thải qua đường miệng và hay là qua đường đường hậu môn một số lượng máu từ các thương tổn của  đường tiêu hoá.

Công tác thay băng điều trị bỏng

Tuỳ theo tình trạng của vết thương, nếu vết thương diện rộng, nhiều dịch mủ, thay băng hàng ngày, nếu diện hẹp, ít mủ thay băng  hai ngày một lần 2. kỹ thuật thay băng.