Bệnh học ngoại lồng ruột cấp ở trẻ còn bú

2012-10-17 04:24 PM

Lồng ruột thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn ở bé gái (2/1) trong độ tuổi bú  mẹ cao nhất là từ 4 - 8 tháng. Tỷ lệ gặp thấp hơn sau 1 - 2 tuổi và hiếm gặp ở trẻ lớn.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Lồng ruột thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn ở bé gái (2/1) trong độ tuổi bú  mẹ cao nhất là từ 4 - 8 tháng. Tỷ lệ gặp thấp hơn sau 1 - 2 tuổi và hiếm gặp ở trẻ lớn.

Người ta phân biệt 3 loại lồng ruột:

Theo nguyên nhân

Lồng ruột nguyên phát

Gặp ở trẻ bú mẹ. Có liên quan đến bệnh lý của đường hô hấp trên do loại Adenovirus. Loại virus này gây ra viêm hạch mạc treo ruột chủ yếu là đoạn hồi tràng và viêm hạch sẽ làm gia tăng nhu động ruột tạo điều kiện thuận lợi cho lồng ruột thường xảy ra ở đoạn hồi - manh tràng. Điều này giải thích được lồng ruột thường xảy ra cao điểm tùy theo mùa dịch của virus.

Lồng ruột thứ phát

Xảy ra trong khỏang 10% trường hợp. Ở đây người ta tìm thấy một vài thương tổn thực thể gây ra lồng ruột như các loại u lành tính hoặc ác tính của ruột, các dị dạng ruột (ruột đôi, túi thừa Meckel...).

Lồng ruột sau mổ

Đây là một biến chứng sau phẫu thuật bụng ở trẻ em nhất là sau những phẫu thuật của cơ hoành hoặc những phẫu thuật thoát vị cơ hoành.

Theo tiến triển

Lồng ruột được chia thành 3 loại

Lồng ruột cấp tính

Xảy ra chủ yếu ở trẻ bú mẹ. Bệnh có diễn tiến nhanh và đưa đến nhiều biến  chứng nguy hiểm như tắc ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, nhiễm độc.

Đây cũng là một trong những cấp cứu bụng thường gặp ở lứa tuổi bú mẹ.

Lồng ruột bán cấp

Xảy ra ở lứa tuổi  trẻ lớn (3-15  tuổi). Diễn tiến chậm, ít khi gây ra các biến chứng tắc ruột và hoại tử ruột.

Lồng ruột mạn

Xảy ra ở người lớn hoặc người già. Tiến triển chậm, có khả năng tự khỏi và tái phát nhiều lần, thường do nguyên nhân các khối u của đại tràng. ít có nguy cơ hoại tử ruột.

Trong phạm vi bài này tập trung chủ  yếu vào các loại lồng ruột cấp tính ở trẻ bú mẹ.

Cấu tạo giải phẫu bệnh

Tất cả các khối lồng ruột đều được cấu tạo bởi 3 thành phần chính:

Búi lồng

Còn gọi là đầu lồng, bao gồm đoạn ruột bị lồng vào kết hợp với phần ruột bị lộn ngược, búi  lồng thường sờ được dễ dàng  trên lâm sàng cũng như trên bàn mổ.

Vị trí và hình thái

Lồng ruột chủ yếu xảy ra ở vùng hồi manh tràng (chiếm 90% các trường hợp)  giữa đoạn ruột di động (hồi tràng) và đoạn ruột cố định (manh tràng và đại tràng lên).

Các loại lồng ruột đơn giản thường chỉ có kết hợp 3 lớp vỏ, những trường hợp  phức tạp hơn khối lồng có thể đến 5 - 7 lớp áo. Các lớp này biểu hiện trên siêu âm bằng hình ảnh của nhiều vòng đồng tâm.

Thể lồng hồi - manh tràng và van Bauhin hiện diện dưới dạng đầu lồng là loại lồng ruột thường gặp nhất. Ruột thừa và manh tràng bị cuốn vào trong khối lồng.

Thể lồng hồi - đại tràng ít gặp hơn. Thể này  nguy cơ hoại tử rất cao vì cổ lồng và van Bauhin trở thành một vòng thắt rất chặt.

Thể hồi - hồi manh tràng do đầu lồng nằm ở hồi tràng phía trên và cũng là một thể lồng có tỷ lệ hoại tử ruột cao.

Các thể lồng  đơn thuần giữa ruột non với ruột non hoặc đại tràng với đại tràng thường là thứ phát sau thương tổn của thành ruột tương ứng.

Tiến triển

Lồng ruột không được phát hiện và xử lý sẽ tiến triển nặng dần lên. Do ruột và mạc treo không cố định nên khối lồng tiếp tục tiến sâu vào dọc theo khung đại tràng. Trong các thể cổ điển khối lồng sẽ dừng lại ở phần giữa của đại tràng ngang. Hạn hữu có trường hợp qua đến đại tràng trái hoặc vào trong sigma - trực tràng. Sự thắt nghẹt của mạc treo ở vùng cổ lồng gây ra một sự thiếu máu đoạn ruột tương ứng. Lúc đầu là xuất huyết niêm mạc do ứ trệ tĩnh mạch giải thích hiện tượng đại tiện ra máu. Sau đó sự thiếu máu do tắc nghẽn động mạch sẽ đưa đến hoại tử và thủng ruột, viêm phúc mạc nhiễm độc với tỷ lệ tử vong cao.

Thể điển hình ở trẻ bú mẹ 6 tháng

Trẻ đang chơi đùa thì đột ngột lên cơn khóc thét nôn và bỏ  vú. Sau vài phút cơn đau dịu đi trẻ yên tĩnh trở lại nằm thiếp đi rồi tiếp đến cơn đau thứ hai. Các cơn đau nối tiếp nhau là dấu hiệu gợi ý cho chẩn đoán.

Sau 6 - 8 giờ kể từ cơn đau đầu tiên trẻ xuất  hiện đại tiện ra máu tươi.

Khám bụng thấy hố chậu phải rỗng và sờ được búi lồng nằm dọc theo khung đại tràng hình quả chuối di động và đau.

Thăm trực tràng: Bóng trực tràng thường rỗng và có máu dính găng.

Chụp bụng không chuẩn bị: Ít có giá trị chẩn đoán, thường để so sánh và đối chiếu với phim chụp sau tháo lồng bằng hơi.

Chụp đại tràng cản quang: Hình càng cua, đáy chén hoặc hình cắt cụt đại tràng. Người ta thường kết hợp thụt đại tràng để chẩn đoán và điều trị tháo lồng nếu bệnh nhân đến sớm.

Siêu âm bụng: Cắt ngang khối lồng cho hình ảnh các vòng đồng tâm.

Đây là xét nghiệm có giá trị để chẩn đoán nhất là ở những thể lồng ruột không điển hình.

Các thể lâm sàng khác

Tóm lại ở thể điển hình chẩn đoán thường đơn giản chủ yếu dựa vào lâm sàng. Trước đây trong kinh điển hai tác giả Fèvre và Ombrédance đã đưa ra các phương trình chẩn đoán lồng ruột cấp đến sớm và đến muộn.

Nếu đến sớm dùng phương trình Fèvre:

Đau bụng khóc thét + sổ được búi  lồng = Lồng ruột.

Đau bụng khóc thét + đại tiện ra máu = Lồng ruột.

Đau bụng khóc thét + hình ảnh X quang = Lồng ruột

Nếu đến muộn dùng phương trình Ombrédance:

Hội chứng tắc ruột + đại tiện ra máu = Lồng ruột đến muộn

Tuy nhiên không phải bao giờ bệnh nhi cũng có đầy đủ các triệu chứng như trên. Trong một số trường hợp chẩn đoán sẽ rất khó khăn do thiếu các triệu chứng lâm sàng cơ bản. Cần thiết phải có sự trợ giúp của các phương tiện xét nghiệm cận lâm sàng như X quang  đặc biệt là siêu âm.

Thể bán cấp ở trẻ lớn (2-3  tuổi)

Biểu hiện bệnh ít rầm rộ hơn, cơn đau lâm râm dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa hoặc viêm hạch mạc treo. Biến chứng tắc ruột và hoại tử ruột ít khi xảy  ra do búi lồng thường lỏng lẻo. Siêu âm và chụp đại tràng cản quang thường giúp cho chẩn đoán xác định.

Lồng hồi - hồi tràng

Xuất hiện dưới dạng một tắc ruột cấp tính và rất khó chẩn đoán được nguyên nhân trước mổ. Thường nhầm lẫn với xoắn ruột hoặc túi thừa Meckel. Chẩn đoán chỉ xác định được ngay trên bàn mổ.

Lồng ruột sau mổ

Thường gặp ở đoạn hồi - hồi tràng. Các triệu chứng thường bị lu mờ do bệnh cảnh liệt ruột sinh lý sau mổ. Triệu chứng được gợi ý khoảng ngày  thứ 3 hoặc thứ 4. Không có nhu động hoặc đã có rồi  mất nhu động trở lại đồng thời xuất hiện nôn. X quang hình ảnh tắc ruột điển hình. Phần lớn đều được mổ với chẩn  đoán “tắc ruột sớm” sau mổ.

Điều trị

Có hai phương pháp điều trị chính:

Tháo lồng bằng thủ thuật (không mổ)

Tháo lồng bằng thủ thuật bơm không khí

Chỉ định:

Tất cả lồng ruột cấp đến sớm trước 24 giờ.

Hạn chế đối với những trường hợp đến trong khoảng 24  - 48 giờ chưa có dấu tắc ruột và chưa có dấu hiệu nhiễm độc.

Kỹ thuật:

Dùng dụng cụ bơm hơi kín có theo dõi áp lực (mmHg). Có thể dùng phương pháp điều chỉnh bằng tay hoặc phương pháp điều chỉnh tự động (bằng máy tháo lồng).

Áp lực bơm tối đa là 100mmHg. Trên áp lực này tai biến vỡ ruột dễ xảy ra.

Trẻ phải được tiền mê tốt hoặc gây mê tĩnh mạch trong suốt quá trình tháo để tránh tai biến áp lực tăng đột ngột do trẻ vùng vẫy và rặn.

Sau 3 đợt bơm đến áp lực tối đa nếu không thành công thì nên ngừng thủ thuật mà chuyển sang phẫu thuật.

Đánh giá kết quả: nếu tháo thành công thì:

Ngay trên bàn tháo:

Áp lực đồng hồ tụt đột ngột.

Bụng bệnh nhi căng tròn đều

Bơm tiếp áp lực không lên hoặc lên rất chậm.

Xả hơi ra bụng bệnh nhi không xẹp lại.

Sờ bụng không còn thấy búi lồng.

Để kiểm tra ngay trên  bàn tháo có thể đặt 1 sonde dạ dày và đầu sonde nhúng vào ly nước. Khi  tháo được lồng hơi đi ngược lên đến dạ dày và sủi  bọt ra ở ly.

Sau khi tháo lồng:

Chụp X quang hơi qua đều ở ruột non hình tổ ong.

Siêu âm bụng không còn hình ảnh búi lồng.

Cho uống than hoặc trẻ đại tiện phân đen sau 12 giờ.

Trẻ hết đau, chơi đùa lại, bú không nôn, đại tiện bình thường.

Các biến chứng do tháo lồng bằng không khí.

Vỡ ruột: Do  áp lực vượt cao trên mức an toàn, trẻ xuất hiện tím tái, suy hô hấp, ngừng thở do cơ hoành bị chèn ép.

Xử  trí: Hô hấp hỗ trợ, tháo hơi nhanh ra khỏi phúc mạc (chọc kim lớn hoặc rạch thủng phúc mạc) chuyển mổ để xử trí thương tổn.

Khó thở và trào ngược dạ dày + viêm phổi do hít:

Đề phòng: hô  hấp hỗ trợ, thở oxy. Đặt sonde dạ dày hút sạch thức ăn trong dạ dày trước khi tiến hành thủ thuật.

Tháo lồng bằng thụt tháo đại tràng (áp lực thuỷ tĩnh)

Phương pháp này rất thông dụng ở các nước phát triển, thường được tiến hành tại phòng X quang. Dung dịch để tháo trước đây là dung dịch baryt, tuy nhiên gần đây do có nhiều tai biến nên được thay bằng các dung dịch hoà tan dạng gastrographin.

Trong phương pháp  này thời gian tháo lồng sẽ kéo dài  tốn kém bệnh nhân,  ăn tia nhiều và tỷ lệ thành công thấp do không kiểm soát được áp lực.

Tháo lồng bằng phẫu thuật

Chỉ định: Ở những trẻ lồng ruột đến muộn sau 48 giờ, những trường hợp tắc ruột, có dấu nhiễm độc hoặc những trường hợp tháo lồng bằng hơi thất bại hoặc có biến chứng. Tùy theo thương tổn mà tháo lồng bảo tồn hoặc phải cắt nối ruột.

Bài viết cùng chuyên mục

Bệnh học ngoại chấn thương sọ não kín

Chấn thương sọ não đã được nghiên cứu từ lâu. Từ thời Hyppocrat (460-377  trước Công  nguyên) đã có những công  trình nghiên cứu về chảy máu hộp sọ.

Bệnh học ngoại khoa bỏng

Bỏng là một chấn thương gặp trong cả thời bình và thời chiến. Trong chiến tranh tỷ lệ bỏng chiếm từ 3-10% tổng số người bị thương. Ở Mỹ một năm theo báo cáo có hơn 2 triệu người bị bỏng, trong đó khoảng 100.000 người phải nhập viện

Bệnh học ngoại chấn thương ngực kín

Nguyên nhân gây chấn thương ngực kín: Do tai nạn giao thông chiếm 70%  trường hợp và 25% trường hợp chết tại chỗ.  Tỷ lệ tử vong thứ phát do 2 rối loạn: Suy hô hấp và suy tuần hoàn.

Bệnh học ngoại khoa ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng là một bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế  giới. Khoảng 8000 trường hợp ung thư trực tràng ở Pháp mỗi   năm.  Tỷ  lệ nam/nữ là 1,5.

Bệnh học ngoại u xơ tiền liệt tuyến

U xơ tiền liệt tuyến là một loại u lành tính thường gặp trong bệnh lý của hệ tiết niệu và thường xuất hiện ở nam giới lớn tuổi. Mặc dù có thể thấy u xơ tiền liệt tuyến xuất hiện ở người trẻ < 30 tuổi, nhưng chủ yếu là ở nam giới trên 60 tuổi.

Bệnh học ngoại u xương

Ung thư xương là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào của xương, trong đó hay gặp nhất là ung thư liên kết tạo xương và tạo sụn. Đây là loại ung thư thường gặp ở thiếu niên và thanh niên trẻ.

Bệnh học ngoại vết thương sọ não hở

Vết thương sọ não hở là loại vết thương gặp cả trong chiến tranh và trong thời bình. Nhưng trong chiến tranh chiếm tỷ  lệ cao hơn (khoảng từ 7-10%  các loại vết thương do chiến tranh).

Sử dụng các loại da và vật liệu thay thế da trong bỏng

Giảm đau cho người bệnh. Hạn chế mất dịch, máu qua vết thương. Hạn chế nhiễm khuẩn vết bỏng. Kích thích biểu mô hoá ở bỏng nông, kích thích tạo mô hạt ở bỏng sâu.

Bệnh học ngoại khoa xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hoá được định nghĩa là sự đào thải qua đường miệng và hay là qua đường đường hậu môn một số lượng máu từ các thương tổn của  đường tiêu hoá.

Bệnh học ngoại phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung)

Bệnh Hirschsprung có thể có biểu hiện lâm sàng rất sớm ở trẻ sơ sinh bằng bệnh cảnh tắc ruột cấp tính dễ đưa đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời hoặc có biểu hiện bán cấp tính và mạn tính ở trẻ nhũ nhi.

Bệnh học ngoại khoa phi đại hẹp môn vị

Hẹp phì đại môn vị là một bệnh ngoại khoa thường gặp ở giữa độ tuổi sơ sinh và bú mẹ (3 tuần-6 tháng). Bệnh có biểu hiện lâm sàng bằng hội chứng nôn  do hẹp lòng môn vị bởi sự phì đại thái quá của lớp cơ vùng môn vị.

Bệnh học ngoại gẫy xương cẳng chân

Gãy xương cẳng chân là các trường hợp gãy thân xương chày từ dưới hai lồi cầu đến trên mắt cá trong, có hoặc không kèm gãy xương mác từ cổ tới trên mắt cá ngoài.

Bệnh học ngoại trật khớp háng

Ở người lớn trật khớp háng do chấn thương mạnh xảy ra do một lực tác động gián tiếp vào đầu dưới xương đùi, và vùng gối khi đùi gấp, xoay trong và khép, khớp gối ở tư thế gấp.

Bệnh học ngoại ung thư phổi

Ung thư phổi là bệnh lý rất hay gặp trong phẫu thuật lồng ngực, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những ung thư nói chung. Tỷ lệ bệnh ngày  càng tăng do ngày càng có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Bệnh học ngoại chấn thương cột sống

Chấn thương cột sống nói chung chiếm khoảng 4-6% so với tất cả các chấn  thương. Trong thực tế khám chấn thương cột sống là khám  tổn thương ở đốt sống, đĩa đệm, dây chằng.

Bệnh học ngoại khoa hẹp môn vị

Loét dạ dày-tá tràng là nguyên nhân hay gặp nhất. Tất cả mọi vị trí của ổ loét ở dạ dày hay tá tràng, ở gần hay xa môn vị, đều có thể gây nên hẹp môn vị tạm thời hay vĩnh viễn.

Bệnh học bỏng điện

Bỏng điện thường sâu, tổn thương tại chỗ biểu hiện ở điểm vào và ra của luồng điện, vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân. ở trẻ em có thể bỏng miệng, môi, lưỡi do ngậm vào cực điện.

Phẫu thuật điều trị bỏng

Khớp lớn của chi bị nhiễm trùng nặng do bỏng, là nguốn gốc của nhiễm trùng toàn thân, không thể sử dụng phẫu thuật mở bao khớp, dẫn lưu hay cắt đoạn.

Bệnh học ngoại thông động tĩnh mạch

Thông động tĩnh mạch là có sự lưu thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Nguyên nhân phần lớn do chấn thương mạch máu. Vấn đề chẩn đoán cần phát hiện sớm và có thái độ xử trí kịp thời để tránh những biến chứng về tim mạch.

Bệnh học ngoại khoa thoát vị cơ hoành bẩm sinh

Thoát vị cơ hoành là tình trạng các tạng trong ổ phúc mạc đi vào trong lồng  ngực qua một lỗ khiếm khuyết của cơ hoành. Tần suất mắc bệnh, theo phần lớn tác giả, trong khoảng 1/2.000-1/5.000 trẻ sơ sinh sống.

Bệnh học ngoại ung thư thận

Ung thư thận chiếm 90% các loại u ác tính nguyên phát ở thận. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn trên 40 tuổi, với tỉ lệ nam gấp 2 lần so với nữ giới. Ung  thư thận chiếm 1-2% toàn bộ các loại ung thư ở người lớn.

Hội chứng Dumping trong phẫu thuật dạ dày

Hội chứng Dumping là một nhóm các triệu chứng có thể xảy ra nếu bn có phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của dạ dày, hoặc nếu dạ dày của bệnh nhân đã được phẫu thuật nối tắt để giúp giảm cân.

Bệnh học ngoại khoa ung thư đại tràng

Ung thư đại  tràng là loại ung thư hay gặp đứng  hàng  thứ hai trong các  loại ung thư đường  tiêu hoá  và  là  một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong  do ung thư nói  chung.

Bệnh học ngoại gẫy xương hở

Gãy xương hở do nhiều nguyên nhân và chiếm hàng đầu là tai nạn lưu thông do các loại xe mô tô và ô tô. Trong thời bình tỷ lệ gãy xương hở chiếm khoảng 8-10% các tổn thương cơ quan vận động.

Bệnh học ngoại tắc động mạch cấp tính ở chi

Mảng xơ vữa bị loét: Các mảng xơ vữa này sau đó bị cục máu đông phủ lên trên, sự di chuyển của các cục huyết khối có thể tạo ra từng đợt gây thuyên tắc.