- Trang chủ
- Sách y học
- Bệnh học ngoại khoa
- Bệnh học ngoại khoa thoát vị bẹn
Bệnh học ngoại khoa thoát vị bẹn
Thoát vị là tình trạng các tạng bên trong ổ phúc mạc đi ra ngoài ổ phúc mạc trong một túi thừa phúc mạc gọi là “túi thoát vị”, qua các điểm yếu tự nhiên của thành bụng. Các điểm yếu này có thể là bẩm sinh hay mắc phải.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Định nghĩa
Thoát vị là tình trạng các tạng bên trong ổ phúc mạc đi ra ngoài ổ phúc mạc trong một túi thừa phúc mạc gọi là “túi thoát vị”, qua các điểm yếu tự nhiên của thành bụng. Các điểm yếu này có thể là bẩm sinh hay mắc phải.
Định nghĩa này cho phép loại đi bệnh cảnh thường được gọi trước đây là “thoát vị đường mổ” mà thực chất chỉ là tình trạng sổ thành bụng (eventration).
Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ phúc mạc đi ra ngoài qua điểm yếu ở thành sau của ống bẹn.
Thoát vị nói chung gặp trong khoảng 5% dân số thế giới. Trong đó thoát vị bẹn chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại thoát vị. Trong thoát vị bẹn, nam giới bị gấp 7-8 lần nữ giới.
Phân loại
Có nhiều cách phân loại thoát vị và nhiều thuật ngữ khác nhau:
Theo định khu: Thoát vị bẹn, thoát vị đùi, thoát vị rốn, thoát vị qua tam giác thắt lưng.
Theo nguyên nhân: Thoát vị bẩm sinh, thoát vị mắc phải.
Theo tính chất: Thoát vị ngẹt, thoát vị đẩy lên được, thoát vị cầm tù.
Thoát vị nội: Tạng thoát vị chui qua điểm yếu bên trong ổ phúc mạc và không nhìn thấy từ bên ngoài được, như thoát vị qua khe Winslow, qua lỗ bịt, qua lỗ cơ hoành, qua khe thực quản.
Giải phẫu bệnh
Có 3 yếu tố giải phẫu tạo nên tất cả các loại thoát vị.
Đường đi
Các tạng thoát vị luôn luôn đi qua điểm yếu của thành bụng, có thể chỉ là một lỗ đơn thuần (thoát vị rốn), hay một ống thật sự như trong thoát vị bẹn gián tiếp.
Túi thoát vị
Là một túi thừa phúc mạc, bên ngoài được bao phủ bởi các tổ chức như cân cơ, mỡ, mô dưới da. Túi bao gồm một cuống hay còn gọi là cổ túi thoát vị, một thân và một đáy. Tuy nhiên tùy loại thoát vị mà các thành phần này có rõ ràng hay không.
Tạng thoát vị
Thường là các tạng trong ổ phúc mạc như ruột, mạc nối lớn, phần phụ. Hiếm khi có thể thấy các tạng ngoài phúc mạc như bàng quang, mỡ.
Giải phẫu vùng bẹn
Vùng bẹn được quy ước là khu vực gồm phần thấp của hố chậu và hạ vị mỗi bên, nằm trên nếp lằn bẹn.
Bệnh lý của vùng bẹn chủ yếu là thoát vị bẹn, không những thể hiện triệu chứng ở vùng bẹn mà còn ở bộ phận sinh dục ngoài (bìu hay môi lớn) và cả ở đùi. Vì vậy mà bìu, môi lớn được xem như một liên quan mở rộng của vùng bẹn.
Cấu trúc giải phẫu chủ yếu ở vùng bẹn là ống bẹn. Ống bẹn gồm 4 thành và 2 lỗ:
Thành trước: Là tận cùng của cân cơ chéo bụng ngoài với các cột trụ ngoài và trong.
Thành sau: Phức tạp, gồm có các phần ở sau cân cơ của thành bụng, trong đó đáng chú ý là mạc ngang.
Thành trên: Gồm các thớ cơ thấp nhất của cơ chéo bụng trong và cơ ngang, xuống thấp tạo thành liềm bẹn hay gân kết hợp.
Thành dưới: là cung đùi gồm các thớ cân của cơ chéo bụng ngoài cuốn chung quanh dây bẹn ngoài Hence từ trườc ra sau và từ ngoài vào trong làm thành một cấu trúc hình máng hướng lên trên.
Dây chằng bẹn phân chia ống bẹn ở trên và vòng đùi ở phía dưới.
Lỗ bẹn nông: Ở mức gai mu, nằm giữa cột trụ ngoài và cột trụ trong.
Lỗ bẹn sâu: Nằm ở phía trên trung điểm của nếp bẹn khoảng 1,5-2cm.
Ở nam, ống bẹn là đường đi của tinh hoàn từ ổ bụng xuống bìu trong thời kỳ phôi thai vào tuần thứ 12 cuối thai kỳ. Tinh hoàn xuống bìu kéo theo phúc mạc tạo thành ống phúc tinh mạc. Sau khi tinh hoàn đã xuống bìu, ống bẹn sẽ chứa thừng tinh, còn ống phúc tinh mạc sẽ bít lại tạo thành dây chằng Cloquet. Còn ở nữ, ống bẹn chứa dây chằng tròn.
Mặt trong của vùng bẹn có động mạch thượng vị dưới, thừng động mạch rốn và dây treo bàng quang đội vào phúc mạc tạo nên các nếp nhô và chia vùng bẹn ra thành 3 hố bẹn:
Hố bẹn ngoài: Nằm ngoài động mạch thượng vị dưới, là nơi xảy ra thoát vị bẹn chéo ngoài gián tiếp.
Hố bẹn giữa: Nằm giữa động mạch thượng vị dưới và thừng động mạch rốn, là nơi xảy ra thoát vị bẹn trực tiếp.
Hố bẹn trong: Nằm giữa thừng động mạch rốn và dây treo bàng quang, là nơi xảy ra thoát vị bẹn chéo trong, rất hiếm gặp.
Nguyên nhân và sinh lý bệnh
Cho đến nay, nguyên nhân tại sao chỉ có một số người bị thoát vị bẹn, đối với thoát vị bẹn thể trực tiếp, vẫn chưa được biết rõ. Riêng đối với thoát vị bẹn thể gián tiếp, tồn tại ống phúc tinh mạc được xem là nguyên nhân chủ đạo. Mặc dù, trong một số không ít trường hợp, không có thoát vị bẹn dù tồn tại ống phúc tinh mạc. Nhiều nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu đáp ứng của vòng bẹn trong đối với sự gia tăng áp lực trong ổ phúc mạc. Các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, lỗ bẹn sâu có tác dụng như một cấu trúc dạng van, có vai trò ngăn cản không cho các tạng chui qua lỗ bẹn sâu khi có tăng áp lực đột ngột như khi ho, rặn ... Trong thoát vị bẹn gián tiếp, chức năng này bị suy yếu hay hầu như mất hẳn.
Đối với thoát vị bẹn trực tiếp, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các biến loạn về chuyển hóa và sinh hóa đóng vai trò quan trọng trong hình thành mà đặc biệt là khả năng tái phát. Trong đó nổi bật là vai trò của các sợi collagen. Ở các bệnh nhân bị thoát vị bẹn trực tiếp, người ta ghi nhận sự giảm tạo collagen, giảm hàm lượng collagen và giảm trọng lượng các sợi collagen. Tuy nhiên bản chất của quá trình này vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ.
Phân loại thoát vị bẹn
Theo vị trí giải phẫu
Thoát vị bẹn chéo ngoài: Đa số là thoát vị bẩm sinh, tạng chui ra ngoài qua hố bẹn ngoài, vào ống phúc tinh mạc để xuống bìu. Túi thoát vị nằm trong bao xơ thừng tinh.
Thoát vị bẹn trực tiếp: Đa số là thoát vị mắc phải, tạng chui ra ngoài đi qua hố bẹn giữa. Túi thoát vị nằm ngoài bao xơ thừng tinh.
Thoát vị bẹn chéo trong: tạng chui ra ở hố bẹn trong, rất hiếm gặp.
Theo nguyên nhân
Thoát vị bẩm sinh: Do tồn tại ống phúc tinh mạc, là thoát vị chéo ngoài và thường gặp ở trẻ em.
Thoát vị mắc phải: Do yếu cân cơ thành bụng, thường gặp ở người già, tạng chui ra ở hố bẹn giữa.
Theo tiến triển
Thoát vị chỏm: Tạng mới vừa chui qua khỏi lỗ bẹn sâu.
Thoát vị kẽ: Tạng chui ra khỏi lỗ bẹn sâu và nằm trong ống bẹn.
Thoát vị bẹn-mu: Tạng chui ra nằm ở gốc dương vật.
Thoát vị bẹn-bìu: Tạng thoát vị xuống đến bìu.
Triệu chứng
Cơ năng
Hỏi lý do vào viện: Thường có 2 lý do chính khiến bệnh nhân vào viện, đau tức ở vùng bẹn bìu hoặc khối phồng ở vùng bẹn bìu.
Hỏi hoàn cảnh xuất hiện của triệu chứng vừa hỏi được: Từ sau sinh, mới xuất hiện trong thời gian gần đây, sau khi khuân vác nặng hay chạy nhảy nhiều.
Triệu chứng khác kèm theo như táo bón, tiểu khó, đại tiện ra máu (trĩ).
Thực thể
Nhìn:
Triệu chứng tìm thấy chủ yếu là khối phồng với các tính chất của nó như nằm trên nếp lằn bẹn, chạy dọc theo chiều của ống bẹn từ trước ra sau và từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Khối phồng thay đổi kích thước theo tư thế và khi làm các nghiệm pháp tăng áp lực ổ bụng như ho, rặn....
Nếu là thoát vị bẹn-bìu thì thấy bìu lớn bất thường.
Sờ:
Là động tác quan trọng nhất trong khám thoát vị bẹn.
Khối phồng vùng bẹn: Cổ nằm trên nếp lằn bẹn, không đau nếu chưa có biến chứng, tăng kích thước khi tăng áp lực ổ bụng. Nếu tạng thoát vị là quai ruột thi sờ có cảm giác lọc xọc, sờ cảm giác chắc nếu tạng thoát vị là mạc nối.
Lỗ bẹn nông rộng.
Một số nghiệm pháp thường dùng trong chẩn đoán thoát vị bẹn:
“Chạm ngón”: Dùng ngón tay đội da bìu đi ngược lên vào lỗ bẹn nông, ước lượng khẩu kính của nó. Tiếp đó quay áp mặt múp của ngón vào thành sau ống bẹn rối bảo bệnh nhân ho mạnh. Đón nhận cảm giác chạm túi thoát vị vào ngón tay, nếu ở đầu ngón là thoát vị bẹn thể gián tiếp, nếu ở mặt múp ngón là thoát vị bẹn trực tiếp.
“Thủ thuật Zieman”: Dùng 3 ngón tay để xác định loại thoát vị. Khám bên nào thì dùng bàn tay bên đó: Ngón trỏ ở nếp bụng-mu thấp, ngón giữa theo nếp bẹn còn ngón nhẫn ở hõm bầu dục ở đáy tam giác Scarpa. Rồi bảo bệnh nhân ho mạnh: Nếu cảm giác chạm ở ngón trỏ là thoát vị bẹn trực tiếp, nếu ở ngón giữa là thoát vị bẹn gián tiếp còn nếu ở ngón nhẫn là thoát vị đùi.
Ngoài ra còn có một số nghiệm pháp khác như nghiệm pháp lăn thừng tinh của Ladd (rolling test), dấu hiệu cọ xát của lụa...
Soi đèn:
Soi bằng đèn bấm, trong phòng tối. Soi từng bên bìu và so sánh với bên đối diện. Trong trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn, tràn dịch ống Nuck hay nang nước thừng tinh, nang ống Nuck thì có hiện tượng thấu sáng. Trong trường hợp thoát vị bẹn thì giảm sáng so với bên đối diện.
Siêu âm:
Nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò của siêu âm trong chẩn đoán thoát vị. Siêu âm cho thấy hình ảnh của các quai ruột hay mạc nối bên trong khối phồng.
Đôi khi siêu âm còn cho phép đo được đường kính lỗ bẹn sâu.
Nội soi ổ bụng:
Cho phép thấy được lỗ bẹn sâu rộng, tạng thoát vị chui qua lỗ bẹn sâu.
Chẩn đoán xác định
Lâm sàng.
Siêu âm.
Nội soi ổ bụng.
Chẩn đoán phân biệt
Tràn dịch màng tinh hoàn
Da bìu căng.
Lỗ bẹn nông không rộng.
Không sờ được tạng trong túi thoát vị.
Soi đèn.
Siêu âm.
Nang nước thừng tinh
Lỗ bẹn nông.
Siêu âm.
Dãn tĩnh mạch thừng tinh
Lỗ bẹn nông.
Sờ cảm giác như búi giun.
Siêu âm.
Phân biệt thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp
Tuổi.
Tiền sử, bệnh sử.
Nghiệm pháp “chạm ngón”
Phân biệt thoát vị bẹn nghẹt với xoắn tinh hoàn
Nếu là xoắn tinh hoàn thì:
Tiền sử không có thoát vị bẹn.
Da bìu có thể nề đỏ.
Tinh hoàn bên bị xoắn lên cao hơn bình thường.
Các nghiệm pháp.
Siêu âm, Doppler.
Tiến triển
Nếu không được điều trị kịp thời thì thoát vị ngày càng to và thành bụng ngày càng yếu, khả năng phục hồi thành bụng càng khó và dễ tái phát.
Một số biến chứng thường gặp:
Nghẹt: Triệu chứng sớm nhất là đau ở cổ túi thoát vị. Nếu tạng thoát vị là quai ruột thì bệnh nhân có các triệu chứng của tắc ruột. Trường hợp chỉ nghẹt một thành của quai ruột, bệnh nhân không có các triệu chứng của tắc ruột nhưng rất dễ gây thủng ruột và viêm phúc mạc, được gọi là thoát vị của Rickter.
Viêm dính tạng thoát vị với bao thoát vị.
Chấn thương khối thoát vị làm thương tổn tạng bên trong.
Điều trị
Nguyên tắc là điều trị ngoại khoa. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tuổi và tình trạng toàn thân của bệnh nhân mà có chỉ định can thiệp ngoại khoa hay không và nếu có thì nên can thiệp ngoại khoa khi nào.
Trẻ em
Vấn đề băng treo bìu:
Không có chỉ định trong điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em. Nếu như chưa can thiệp phẫu thuật vì một lý do gì đó (tuổi, bệnh lý kèm theo.. ..) thì chỉ nên theo dõi. Việc băng treo bìu hay băng ép vùng bẹn sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành cũng như chức năng của tinh hoàn sau này.
Phẫu thuật:
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: Theo dõi cho đến 1 tuổi, nếu không tự khỏi thì mổ, ngoại trừ khi có biến chứng.
Trẻ trên 1 tuổi: Mổ thắt cao túi thoát vị (ống phúc tinh mạc), không cần tái tạo thành bụng.
Người trưởng thành
Vấn đề băng treo bìu có thể áp dụng cho những người quá già yếu, hay bệnh lý nội khoa nặng nề, không có chỉ định phẫu thuật. Phương pháp này chống chỉ định khi cổ túi thoát vị nhỏ và đôi khi nó có thể làm cho một trường hợp thoát vị không nghẹt nhưng “cầm tù” trở nên nghẹt.
Phẫu thuật: Nhằm 2 mục đích.
Khâu cổ túi và cắt bỏ túi thoát vị
Tái tạo thành bụng.
Các phương pháp phục hồi thành bụng trước thừng tinh: ít dùng.
Các phương pháp phục hồi thành bụng sau thừng tinh: Bassini, Shouldice.
Đặt tấm nhân tạo (Prothèse).
Mổ nội soi trước phúc mạc hay trong phúc mạc.
Bài viết cùng chuyên mục
Bệnh học ngoại khoa viêm ruột thừa cấp
Viêm ruột thừa cấp là một trong những bệnh lý cấp cứu ngoại khoa hay gặp nhất. Tần suất viêm ruột thừa cấp song hành với tần suất của quá trình phát triển của mô bạch huyết, với tỷ lệ cao nhất ở giai đoạn đầu của thập niên.
Bệnh học ngoại u xương
Ung thư xương là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào của xương, trong đó hay gặp nhất là ung thư liên kết tạo xương và tạo sụn. Đây là loại ung thư thường gặp ở thiếu niên và thanh niên trẻ.
Bệnh học ngoại khoa thủng dạ dày tá tràng
Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Chẩn đoán thường dễ vì trong đa số trường hợp các triệu chứng khá điển hình, rõ rệt.
Phẫu thuật điều trị bỏng
Khớp lớn của chi bị nhiễm trùng nặng do bỏng, là nguốn gốc của nhiễm trùng toàn thân, không thể sử dụng phẫu thuật mở bao khớp, dẫn lưu hay cắt đoạn.
Bệnh học ngoại khoa phi đại hẹp môn vị
Hẹp phì đại môn vị là một bệnh ngoại khoa thường gặp ở giữa độ tuổi sơ sinh và bú mẹ (3 tuần-6 tháng). Bệnh có biểu hiện lâm sàng bằng hội chứng nôn do hẹp lòng môn vị bởi sự phì đại thái quá của lớp cơ vùng môn vị.
Chẩn đoán độ sâu của tổn thương bỏng
Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán diện tích, độ sâu của tổn thương bỏng, cùng với sự phát triên khoa học và công nghệ. Trong phạm vi bài giảng, chỉ đề cập những phương pháp cơ bản, dễ áp dụng trong thực tế.
Bệnh học ngoại dị dạng bẩm sinh vùng rốn
Thoát vị cuống rốn là một dị dạng bẩm sinh trong đó một số tạng bụng trồi ra ngoài ổ bụng qua lỗ hổng của vành đai rốn tạo thành một khối phình được bọc kín bởi lớp phúc mạc nguyên thuỷ và lớp màng ối ở vùng rốn.
Bệnh học ngoại chấn thương mạch máu ngoại biên
Hậu quả lâm sàng của chấn thương động mạch không hằng định, nhưng khi có hậu quả trên lâm sàng là một tiêu chuẩn nặng của chấn thương động mạch.
Bệnh học ngoại gẫy xương cẳng chân
Gãy xương cẳng chân là các trường hợp gãy thân xương chày từ dưới hai lồi cầu đến trên mắt cá trong, có hoặc không kèm gãy xương mác từ cổ tới trên mắt cá ngoài.
Bệnh học ngoại thông động tĩnh mạch
Thông động tĩnh mạch là có sự lưu thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Nguyên nhân phần lớn do chấn thương mạch máu. Vấn đề chẩn đoán cần phát hiện sớm và có thái độ xử trí kịp thời để tránh những biến chứng về tim mạch.
Bệnh học ngoại trật khớp vai
Trật khớp vai là loại trật khớp phổ biến nhất trong các loại trật khớp và thường gặp ở người lớn trẻ khỏe chiếm khoảng 50 - 60 % tổng số trật khớp. Nguyên nhân và cơ chế gây trật khớp thường thấy nhất do ngã chống bàn tay hoặc chống khuỷu trong tư thế tay dạng, đưa ra sau, và xoay ngoài.
Bệnh học ngoại chấn thương ngực kín
Nguyên nhân gây chấn thương ngực kín: Do tai nạn giao thông chiếm 70% trường hợp và 25% trường hợp chết tại chỗ. Tỷ lệ tử vong thứ phát do 2 rối loạn: Suy hô hấp và suy tuần hoàn.
Bệnh học ngoại khoa teo thực quản
Bệnh teo thực quản là hậu quả của rối loạn trong quá trình tạo phôi giữa tuần thứ 4 và tuần thứ 6, điều này giải thích cho hiện tượng teo thực quản thường kèm theo nhiều dị tật phối hợp khác.
Bệnh học ngoại chấn thương cột sống
Chấn thương cột sống nói chung chiếm khoảng 4-6% so với tất cả các chấn thương. Trong thực tế khám chấn thương cột sống là khám tổn thương ở đốt sống, đĩa đệm, dây chằng.
Bệnh học ngoại u não
U não là một từ ngữ được các thầy thuốc lâm sàng gọi tên có tính cách quy ước để chỉ các u trong sọ vì thực sự u trong mô não chỉ chiếm trên dưới 50% u trong sọ.
Bệnh học ngoại chấn thương niệu đạo
Khi dương vật mềm, niệu đạo dài khoảng 16cm, trong đó, đoạn tiền liệt tuyến dài khoảng 2,5-3cm, đoạn màng khoảng 1,2cm và đoạn xốp khoảng 12cm.
Bỏng chiến tranh
Khi cháy tạo ra sức nóng cao, cháy lâu, có chất khi cháy tạo ra nhiều chất độc cho cơ thể, có chất gây bỏng đồng thời là chất độc cho cơ thể.
Bệnh học ngoại ống phúc tinh mạc
Sự tồn tại của ống phúc tinh mạc là một loại bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em mà bệnh cảnh lâm sàng thường biểu hiện bằng hai hình thái: Hình thái cấp tính đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật như thoát vị bẹn.
Bệnh học bỏng điện
Bỏng điện thường sâu, tổn thương tại chỗ biểu hiện ở điểm vào và ra của luồng điện, vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân. ở trẻ em có thể bỏng miệng, môi, lưỡi do ngậm vào cực điện.
Bệnh học ngoại vết thương sọ não hở
Vết thương sọ não hở là loại vết thương gặp cả trong chiến tranh và trong thời bình. Nhưng trong chiến tranh chiếm tỷ lệ cao hơn (khoảng từ 7-10% các loại vết thương do chiến tranh).
Bệnh học ngoại gẫy hai xương cẳng tay
Kéo theo trục cẳng tay với lực kéo liên tục và tăng dần, đến khi hết di lệch chồng thì nắn các di lệch sang bên, gập góc còn lại
Bệnh học ngoại gẫy thân xương đùi
Gãy xương đùi được phân loại theo giải phẫu học và vị trí đường gãy: 1/4 trên, 2/4 giữa, 1/4 dưới. Đối với gãy 1/4 trên sát mấu chuyển thì khó phân biệt gãy mấu chuyển.
Bệnh học ngoại khoa ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng là một bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Khoảng 8000 trường hợp ung thư trực tràng ở Pháp mỗi năm. Tỷ lệ nam/nữ là 1,5.
Bệnh học ngoại gẫy xương hở
Gãy xương hở do nhiều nguyên nhân và chiếm hàng đầu là tai nạn lưu thông do các loại xe mô tô và ô tô. Trong thời bình tỷ lệ gãy xương hở chiếm khoảng 8-10% các tổn thương cơ quan vận động.
Lâm sàng và điều trị thời kỳ suy mòn của bệnh bỏng
Nếu tính cả thải Protein qua phân, nước tiểu... mất Protein có thể đạt tới 100-200g/24h. Bỏng sâu mất Protein qua vết bỏng đạt 10mg/cm2/24h.