- Trang chủ
- Sách y học
- Bệnh học ngoại khoa
- Bệnh học ngoại chấn thương mạch máu ngoại biên
Bệnh học ngoại chấn thương mạch máu ngoại biên
Hậu quả lâm sàng của chấn thương động mạch không hằng định, nhưng khi có hậu quả trên lâm sàng là một tiêu chuẩn nặng của chấn thương động mạch.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Đại cương
Chấn thương động mạch là những thương tổn liên quan đến 3 lớp của thành mạch, gây nên chảy máu trong lòng mạch ra ngoài da hoặc chỉ ở dưới da, có khi chỉ làm rối loạn lưu thông trong lòng mạch.
Việc chẩn đoán thường không khó khăn, nhưng vì luôn luôn có ấn tượng cho rằng chỉ những vết thương chảy máu mới là vết thương mạch máu, nên đã bỏ sót một số bệnh nhân khá lớn các vết thương khô, nhất là chấn thương kín.
Điều trị một vết thương mạch máu đòi hỏi phải sớm, kịp thời trong đó khâu vận chuyển đóng vai trò hết sức quan trọng.
Cơ chế và tác nhân gây chấn thương
Tác nhân gây chấn thương động mạch có thể phân thành 2 nhóm:
Tác nhân gây chấn thương động mạch từ ngoài vào trong.
Tác nhân gây chấn thương động mạch từ trong ra ngoài.
Những tác nhân gây chấn thương động mạch từ ngoài vào trong
Chiếm phần lớn các trường hợp, bao gồm:
Các vết thương do vật sắc nhọn
Gây thương tổn 3 lớp của thành động mạch, bờ vết thương thường sắc gọn. Những vết thương do đụng giập xé rách như trong những thương tổn do chất nổ hoặc do đạn có tốc độ xuyên thấu thấp; các vết thương do vết cắn, hoặc trong những chấn thương gãy xương hở với vết thương rách động mạch do đầu xương gãy đâm thủng. Tất cả những chấn thương này thường kèm theo tình trạng nhiễm trùng vết thương động mạch. Những vết thương do biến chứng phẫu thật chỉnh hình hoặc các thủ thuật nội mạch thường là vô trùng.
Những chấn thương trực tiếp
Gây nên thương tổn giập nát nhất là các động mạch ở nông, đường đi của động mạch gần xương như tam giác Scarpa, hõm khoeo, ống cánh tay Cruveilhier, nếp khuỷu. Thường là thương tổn lớp nội mạc hoặc lớp nội mạc và lớp giữa.
Do cơ chế giảm tốc
Gây thương tổn các động mạch có kích thước lớn và đặc biệt động mạch chủ ngực hoặc các thân động mạch trên quai động mạch chủ. Trong quá trình chấn thương, các động mạch bị tác động mạnh bởi các lực từ nhiều hướng khác nhau gây nên thương tổn đứt hoàn toàn hoặc những thương tổn lớp giữa và lớp nội mạc do bị xé rách hoặc bị xoắn vặn động mạch.
Những thương tổn động mạch do kéo dãn
Gây nên thương tổn lớp giữa và lớp nội mạc hoặc gây vỡ hoàn toàn thành động mạch. Cơ chế này thường gặp trong các trường hợp trật khớp, chấn thương chi trên hoặc chấn thương bụng gây co kéo các cuống mạch (như ở gan và ruột non).
Các thương tổn do đạn
Thường có tốc độ xuyên thấu lớn, có vận tốc cao (trên 1000m/s) như do đạn M16 US, AK47 gây nên các thương tổn hoàn toàn hoặc thương tổn lớp nội mạc và lớp giữa. Do tốc độ đạn lớn nên khi nó đi qua giải phóng một năng lượng động rất lớn dưới dạng sóng trong tổ chức mô gây nên các thương tổn động mạch ở xa đường đi của đạn.
Các tác nhân gây thương tổn từ trong ra ngoài
Hiếm gặp hơn, thường do thầy thuốc gây nên như các thủ thuật trong lòng mạch. Lấy huyết khối động mạch bằng sonde Fogarty có thể gây nên các thương tổn nội mạc rộng, gây nên các flap nội mạc và tắc mạch. Các loại sonde nội mạch có thể gây thương tổn nội mạc, lớp giữa và lớp nội mạc gây nên bóc tách thành động mạch hoặc gây thủng thành động mạch. Các thủ thuật plastie trong lòng mạch bằng nội soi mạch có thể gây nên thương tổn lớp giữa nội mạc hoặc gây biến chứng thủng.
Thương tổn giải phẫu
Thương tổn thành động mạch được phân chia thành 3 loại thương tổn:
Thương tổn nội mạc.
Thương tổn lớp giũa và lớp nội mạc.
Thương tổn hoàn toàn 3 lớp của thành mạch.
Nhắc lại chức năng lớp nội mạc và lớp giữa
Chức năng lớp nội mạc
Chuyển hoá: Tạo ra prostacyclin, kháng nguyên tố VIII và những yếu tố góp phần tổng hợp các thành phần dưới nội mạc.
Tính không thấm: Ngăn chặn sự đi qua của máu vào trong thành mạch.
Chống sự hình thành huyết khối: Các tế bào nội mạc tạo thành một lớp ngăn cách giữa tuần hoàn máu và tổ chức liên kết gây nghẽn mạch dưới nội mô.
Hiệu quả chống tạo huyết khối được góp phần bởi những hoạt động chuyển hoá của các tế bào nội mô do các chức năng tiểu cầu và chức năng đông máu tạo ra prostacyclin. Trong chấn thương động mạch, lớp nội mạc bị mất chức năng hoặc do thương tổn giải phẫu đưa đến tình trạng tăng yếu tố gây thuyên tắc.
Chức năng của lớp giữa
Đóng vai trò co mạch trong các trường hợp co thắt mạch, đặc biệt các mạch máu nhỏ.
Khả năng tăng sinh và di chuyển của lớp giữa về phía lớp nội mạc và tạo ra chất gian bào ngoài tế bào.
Thương tổn giải phẫu
Thương tổn nội mạc
Thương tổn nội mạc có thể được xem xét dưới các phương diện sau:
Tùy thuộc vào mức độ lan rộng và kích thước của động mạch bị thương tổn: Một vết thương đáng kể của động mạch có kích thước nhỏ có nguy cơ cao gây tắc mạch; trái lại một vết thương nhỏ của động mạch có kích thước lớn có ít nguy cơ gây biến chứng.
Tùy thuộc vào hình thái: Một vết thương dài, lớp bong nội mạc nhỏ, bập bềnh trong động mạch, song song với trục động mạch có thể không có biểu hiện gì về đại thể; một vết thương cả chu vi động mạch, mất nội mạc cả chu vi có thể tạo ra lớp bong nội mạc gây lấp mạch: gây tắc lòng mạch và huyết khối.
Tùy thuộc vào chẩn đoán X quang chụp động mạch và đối chiếu với tiến triển lâm sàng. Có những trường hợp tiến triển lâm sàng cho thấy có thương tổn trong lòng mạch nhưng không phát hiện trên X quang chụp mạch. Trên hình ảnh X quang chụp mạch khó phân biệt giữa trường hợp thương tổn nội mạc đơn thuần và thương tổn nội mạc và lớp giữa. Nhưng khi có hình ảnh X quang chụp mạch có bong nội mạc và không có biểu hiện thuyên tắc ngay sau đó, thì tiến triển thường nhẹ.
Tùy thuộc vào nguyên nhân: Đặc biệt do thầy thuốc gây ra, những thủ thuật nội mạch (cathéter, hoặc lấy cục thuyên tắc bằng sonde Fogarty) thường gây chấn thương nội mạc.
Thương tổn lớp giữa và lớp nội mạc
Là những thương tổn lớp nội mạc kết hợp với thương tổn lớp giữa. Các sợi
đàn hồi dưới thương tổn thường bị đứt hoặc phồng lên và gây chảy máu trong lòng mạch. Hình ảnh đặc trưng của thương tổn nội mạc và lớp giữa là khối máu tụ trong thành mạch. Thuyên tắc trong lòng mạch luôn luôn phối hợp.
Nguyên nhân bệnh sinh thương tổn nội mạc do thầy thuốc gây ra trong các thủ thuật tạo hình trong lòng mạch trong đó cơ chế chính xác của chấn thương là do thương tổn nội mạc (thương tổn bong các mảng xơ vữa) kết hợp với chấn thương lớp giữa. Các thương tổn hình thành cục máu đông tại chỗ trong lòng mạch và bóc tách lớp giữa tuỳ theo mức độ thương tổn.
Thương tổn 3 lớp thành mạch
Thương tổn 3 lớp thành mạch có nhiều hình thái lâm sàng khác nhau. Người ta phân biệt những thương tổn sắc gọn, những thương tổn do đụng giập, thành mạch bị xé rách và mất tổ chức thành mạch. Vết thương động mạch hoàn toàn, đứt đôi lòng mạch hoặc vết thương bán phần lòng mạch: vết thương bên. Dấu hiệu lâm sàng tại chỗ là chảy máu, khối máu tụ hoặc chảy máu ra ngoài thường gặp. Trong những trường hợp đứt đôi hoàn toàn động mạch cơ có đường kính nhỏ hoặc những thương tổn đầu chi có các biểu hiện như co thắt mạch, co kéo và cầm máu: gọi là vết thương khô.
Hậu quả và sinh lý bệnh
Hậu quả lâm sàng của chấn thương động mạch không hằng định, nhưng khi có hậu quả trên lâm sàng là một tiêu chuẩn nặng của chấn thương động mạch.
Thiếu máu do tắc mạch hoặc do nghẽn mạch: Mức độ trầm trọng phụ thuộc vào hình thái động mạch bị thương tổn, có hoặc không có tuần hoàn phụ.
Chảy máu dưới dạng máu phun thành tia hoặc tạo khối máu tụ hoặc tắc mạch.
Hậu quả thương tổn giải phẫu phụ thuộc vào thương tổn động mạch và kích thước động mạch bị thương tổn.
Hẹp động mạch
Hẹp động mạch do cơ chế phì đại. Thường gặp chủ yếu các động mạch cơ như động mạch vành sau plastie động mạch. Theo Clowes và cộng sự, nguyên nhân gây hẹp động mạch do sự tăng sinh nội mạc. Có 4 điểm chính sau:
Do bong nội mạc dẫn đến thuyên tắc tại chỗ do sự tập trung của tiểu cầu.
Các tế bào cơ trơn của lớp giữa được kích thích và tạo ra quá trình tiến triển trong ba giai đoạn: sự tăng sinh tế bào cơ trơn vào trong lớp nội mạc 24 giờ sau khi bị chấn thương. Tiếp theo là sự di trú của tế bào lớp giữa vào lớp nội mạc. Cuối cùng là sự tăng sinh của các tế bào trong lớp nội mạc từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 14 sau khi bị chấn thương.
Quá trình này tuân theo đáp ứng tiến triển ảnh hưởng thành mạch, liên quan chặt chẽ giữa chấn thương ban đầu và sự dày lên của lớp nội mạc do hiện tượng thuyên tắc tại chỗ ngay sau chấn thương cùng với sự tạo ra các yếu tố sinh trưởng. Các yếu tố tăng trưởng này là nguồn gốc tiểu cầu nhưng cũng được tạo ra từ những tế bào cơ.
Những yếu tố khác được tạo ra từ những tế bào cơ trơn, những tế bào nội mạc hoặc những đại thực bào được tạo ra trong những tế bào di trú. Đó là những phân tử như chất tăng trưởng phát sinh từ tiểu cầu; yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi và yếu tố tăng trưởng Insulin.
Sự ngưng tăng trưởng vẫn còn chưa được sáng tỏ, nhưng có thể còn phụ thuộc các phân tử ức chế như Interféron gamma. Cùng với các tế bào cơ trơn, những tế bào nội mạc cũng tăng trưởng sau khi chấn thương.
Co thắt mạch
Co thắt mạch là hậu quả của co thắt các tế bào cơ trơn của lớp giữa. Chủ yếu thường xảy ra ở các động mạch nhỏ.Các tế bào cơ trơn có thể được kích thích cơ học, điện học hoặc hóa học. Những kích thích này tạo ra các hoạt động tiềm tàng trên bề mặt màng tế bào. Những hoạt động tiềm tàng tạo ra co thắt tế bào.
Sự co thắt mạch cũng phải nghi khi chấn thương dưới nội mạc. Thật vậy, nội mạc có vai trò điều hòa họat động co thắt các tế bào cơ trơn của lớp giữa.
Sự điều hòa co dãn động mạch qua cơ chế thể dịch giữa tế bào nội mạc và tế bào cơ. Lớp nội mạc tạo ra 2 loại sản phẩm: dãn đối với các tế bào cơ phía dưới, yếu tố dãn mạch được giải phóng từ nội mạc có khả năng là NO. Một chất khác gây co các tế bào cơ trơn là tế bào nội mạc, nhưng vai trò không được rõ ràng. Người ta cho rằng vai trò dãn mạch của tế bào nội mạc là do tạo ra acetycholin.
Rò động - tĩnh mạch
Rò động tĩnh mạch là do vết thương xuyên thành động mạch và tĩnh mạch đi kèm. Do thương tổn 3 lớp của thành động mạch và tạo ra sự thông thương giữa động mạch - tĩnh mạch. Thời gian hình thành rò động - tĩnh mạch do chấn thương thường khác nhau, thường từ 2-16 giờ đến 9 ngày. Trong một số trường hợp thời gian có thể dài hơn từ 3-9 năm. Trong 60% trường hợp rò động - tĩnh mạch phối hợp với giả phình động mạch.
Hậu quả huyết động: Thông động - tĩnh mạch dẫn đến sự gia tăng lưu lượng máu trong đoạn động mạch trên chỗ rò và giảm dưới chỗ rò. Kích thước của động mạch phù hợp với sự thay đổi lưu lượng dòng máu, tăng đường kính đoạn động mạch ở trên chỗ rò và giảm dưới chỗ rò.
Hậu quả hình thái: Những thay đổi cấu trúc của thành động mạch vì thương tổn lớp nội mạc do gia tăng đáng kể và đột ngột áp lực động mạch. Thương tổn nội mạc lúc đầu làm kích thích sự tăng trưởng các tế bào nội mạc.
Giả phình động mạch
Là hậu quả của mất chức năng tính căng của thành mạch. Giả phình
động mạch cấp do thương tổn hoàn toàn lớp nội mạc - lớp giữa. Lớp vỏ và tổ chức xơ nâng đỡ đảm bảo sức căng thành mạch tạm thời. Giả phình động mạch tiến triển mãn tính là do thương tổn đâm chọc làm thương tổn hoàn toàn thành động mạch (do chọc rò động mạch). Cả hai tình huống trên đều có nguy cơ tiến triển vỡ túi phình. Có 2 hình thái giả phình động mạch là hình túi hoặc hình thoi.
Khối máu tụ bóc tách và bóc tách động mạch
Khối máu tụ bóc tách là hậu quả của thương tổn lớp giữa nội mạc bán phần, tạo ra lớp bóc tách trong lớp giữa. Thương tổn này có thể không lan rộng, không gây tắc mạch và diễn tiến mạn tính dưới dạng của tổ chức sẹo xơ hóa ở giữa cấu trúc đàn hồi thành mạch. Trái lại, thương tổn này có thể lan xa khi có lỗ ra, tạo sự thông thương giữa đường hầm ngoài với đường hầm trong, chảy máu trong thành mạch dưới dạng bóc tách vòng.
Chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng gợi ý khi có vết thương
Máu chảy ra ngoài, theo nhịp đập tim, khối máu tụ đập hoặc không; có choáng mất máu; rối loạn vận động cảm giác do thiếu máu cấp, thiếu máu tương đối. Nhưng có đặc điểm lâm sàng cần phải biết. Những chấn thương ban đầu dường như không trầm trọng và cần phải kết hợp với các yếu tố có giá trị khác:
Trong trường hợp vết thương gần mạch máu cần xác định đường đi của đạn và để chắc chắn cần mổ thăm dò ngoại khoa một cách hệ thống.
Có thương tổn phối hợp trong đó yếu tố mạch máu bị che khuất như những dấu hiệu thần kinh có trong 25-67% các chấn thương động mạch nách, dưới đòn, gãy xương sườn thứ nhất hoặc gãy xương đòn cần phải tìm kiếm các dấu hiệu thương tổn động mạch.
Không có mạch máu ngoại biên dưới thương tổn là dấu hiệu luôn luôn có (70-90% các trường hợp) trong chấn thương động mạch. Cần phải bắt mạch một cách hệ thống và so sánh với bên đối diện. Đặc biệt, mạch ngoại vi có thể bình thường hoặc giảm nhẹ có thể gặp trong những thương tổn mạch máu nặng:
Vết thương bên hoặc đứt nhánh bên kèm theo khối máu tụ lớn.
Thương tổn nội mạc do chấn thương kín, lúc ban đầu lưu lượng máu động mạch bình thường hoặc giảm nhẹ trước khi bị tắc.
Trong những chấn thương kín các trường hợp gãy xương gần khớp hoặc trật khớp như khớp vai, khớp háng, khớp gối, khớp khuỷu cần phải thăm khám mạch máu ngoại biên một cách hệ thống.
Hệ thống tuần hoàn phụ nhiều, có thể bắt được mạch ngoại biên mặc dù thương tổn tắc động mạch chính.
Vai trò của cận lâm sàng
Siêu âm doppler mạch có giá trị đặc hiệu cao trên 95% các trường hợp.
Chụp mạch vẫn còn là một xét nghiệm rất quan trọng để xác định thương tổn động mạch, loại thương tổn, vị trí, tính chất thương tổn. Tỷ lệ âm tính giả 0,3% và dương tính giả 0,7%. Chụp động mạch không phải luôn luôn thực hiện một cách hệ thống vì làm mất thời gian. Đôi khi không có lợi; chẳng hạn như trong trường hợp chảy máu nặng hoặc có rối loạn cảm giác vận động do thiếu máu cấp nhiều giờ. Trái lại nó được chỉ định khi chưa xác định chính xác hình thái thương tổn động mạch như gãy xương nhiều tầng... và khi chẩn đoán chưa rõ ràng, đặc biệt trước một chấn thương kín.
Chụp cắt lớp vi tính ngực hoặc bụng tìm kiếm sự tụ dịch quanh động mạch chủ, sau phúc mạc hoặc trung thất, gợi ý hình ảnh vỡ hoàn toàn hoặc từng phần của thành mạch. IRM không có vai trò trong cấp cứu.
Những yếu tố nặng trong thương tổn động mạch
Cơ chế chấn thương
Vì nó quyết định loại thương tổn động mạch và thương tổn phối hợp. Chấn thương do thầy thuốc gây ra ít gặp (5% và ít trầm trọng hơn). Các vết thương do vật sắc nhọn hoặc do đạn có tốc độ xuyên thấu thấp thường nhẹ nhất. Các trường hợp nặng nhất thường do chấn thương kín (10%) vì các chấn thương thường mạnh, có các thương tổn phối hợp, đặc biệt thương tổn xương khớp. Những vết thương do đạn có tốc độ xuyên thấu lớn gây nên các thương tổn ở xa đường đi của đạn.
Vị trí của động mạch thương tổn
Các vết thương động mạch chủ ngực, các thân động mạch trên động mạch chủ hoặc động mạch trong thận thường rất nặng vì gây chảy máu trầm trọng và khó khăn hoặc không thể cầm máu tạm thời trong giai đoạn trước khi đến viện. Mức độ thiếu máu dưới thương tổn phụ thuộc vào hệ thống tuần hoàn phụ.
Thời gian điều trị
Thời gian kể từ khi bị thương tổn đến lúc phẫu thuật ảnh hưởng đến tiên lượng sống và chức năng. Theo lý thuyết, nếu phẫu thuật tái tạo sự lưu thông mạch máu ở các trường hợp thiếu máu trên 6 giờ thường thất bại. Khi tái lập lưu thông mạch máu muộn có biểu hiện hội chứng tái tưới máu do hội chứng chèn ép khoang và hội chứng chuyển hóa với tăng Kali máu, toan chuyển hóa, bệnh lý thận và tai biến hô hấp - tim mạch do hoạt động các gốc tự do.
Thương tổn phối hợp
Đóng một vai trò quan trọng. Những thương tổn phối hợp ảnh hưởng đến tiên lượng tại chỗ và chức năng trong những chấn thương động mạch ngoại biên.
Những thương tổn phần mềm bao gồm: Làm gián đoạn tuần hoàn phụ do chấn thương trực tiếp các động mạch cơ, phù sau chấn thương do garrot bên trong ảnh hưởng cả sự lưu thông máu động mạch và tĩnh mạch làm nặng thêm hoại tử thiếu máu cơ do chấn thương trực tiếp, gây nên nung mủ sâu, thậm chí viêm cơ sinh hơi nặng.
Làm gián đoạn sự hồi lưu tĩnh mạch do chấn thương trực tiếp có thể gây ảnh hưởng đến kết quả tái lập lưu thông động mạch và để lại hậu quả ảnh hưởng đến chức năng (phù và đau).
Thương tổn thần kinh không ảnh hưởng trực tiếp đến tiên lượng sớm nhưng đó là yếu tố quan trọng để quyết định cắt cụt sớm hoặc muộn.
Khi có thương tổn xương khớp chứng tỏ đây là chấn thương mạnh và thường thương tổn phần mềm trầm trọng.
Những thương tổn phối hợp xa có ảnh hưởng lớn đến tiên lượng sống của bệnh nhân, đặc biệt ở các bệnh nhân đa chấn thương (thương tổn ổ bụng, ngực, não-sọ não) hoặc đa vết thương
Sơ cứu chấn thương mạch máu
Cần phải hồi sức ngay, cầm máu tạm thời và rút ngắn thời gian ngắn nhất có thể được từ khi bị chấn thương đến khi phẫu thuật tái lập lưu thông mạch được tiến hành. Bồi phụ thể tích tuần hoàn được bắt đầu càng sớm càng tốt.
Nói chung, vấn đề cầm máu tạm thời chỉ được đặt ra đối với những chấn thương hở. Các thủ thuật này tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân. Nghiêm cấm không được sử dụng kẹp mạch máu mà không thấy rõ cũng như các loại sonde có bóng vì có thể làm nặng thêm tương tổn. Chèn ép bằng tay trên đường đi của động mạch trên thương tổn không phải luôn luôn có thể thành công. Băng ép hoặc chèn ép các vùng hố trên đòn hoặc dưới vùng nách có thể thực hiện được. Đối với các thương tổn động mạch ở chi cầm máu bằng băng ép luôn tỏ ra hiệu quả. Sơ cứu cuối cùng là garrot, chỉ thực hiện khi các phương tiện cầm máu trên thất bại, cần phải tuân theo các quy định sau:
Băng làm garô phải đàn hồi, bản rộng.
Đặt garô ngay trên thương tổn, không được đặt ở gốc chi.
Đặt garô đủ chặt không làm cản trở tuần hoàn tĩnh mạch và đặt ngay tại vị trí cầm máu được xác định.
Ngoài ra người ta còn sử dụng loại quần chống sốc hoặc MAST (Military Antishork Trouser) trong các trường hợp chấn thương xương chậu nặng và chấn thương chi.
Tại bệnh viện, khi tình trạng rối loạn huyết động nặng không đáp ứng với hồi sức, truyền máu, cần phải tiến hành cầm máu bằng phẫu thuật đặc biệt đối với những chấn thương mạch máu lớn sau phúc mạc hoặc ngực, cổ.
Nguyên tắc điều trị tại khoa
Gây mê toàn thân ngay cả đối với chấn thương mạch máu tứ chi, chống sốc, giảm đau. Theo dõi CTM Hct, Hb chức năng đông máu, kháng sinh phổ rộng SAT.
Đường mổ:
Rộng rãi, chuẩn bị chi để lấy tĩnh mạch để ghép khi cần thiết.
Kỹ thuật:
Cầm máu tạm thời bằng đè ép trong thời gian bộc lộ đầu trên và đầu dưới động mạch bị thương tổn.
Tìm huyết khối đoạn động mạch dưới thương tổn bằng nhìn và sờ dọc động mạch. Trong những trường hợp đụng giập động mạch, nhìn đại thể động mạch bình thường nhưng có thể tắc mạch thứ phát do cục máu đông hình thành (trong trường hợp có thương tổn nội mạc) trong trường hợp có thương tổn nội mạc). Trường hợp không chụp mạch trước mổ, nếu có điều kiện nên chụp động mạch kiểm tra trong mổ.
Lấy huyết khối bằng sonde Fogarty.
Truyền dung dịch lạnh 40C (Ringer lactat) phối hợp với héparin và manitol phía dưới đoạn chi bị thiếu máu trong những trường hợp thiếu máu kéo dài có thương tổn động mạch và tĩnh mạch mục đích để hạn chế và làm giảm phù, tắc mạch chi.
Cắt gọn 2 đầu động mạch lành trước khi nối. Cố gắng bảo tồn các nhánh bên của động mạch.
Khâu mũi rời đối với vết thương bên.
Khâu có miếng vá đối với các vết thương bên mất mô thành động mạch.
Khâu nối tận - tận đối với đoạn động mạch bị cắt bỏ < 2cm.
Trường hợp động mạch mất đoạn > 2cm tiến hành ghép động mạch.
Bài viết cùng chuyên mục
Bệnh học ngoại chấn thương niệu đạo
Khi dương vật mềm, niệu đạo dài khoảng 16cm, trong đó, đoạn tiền liệt tuyến dài khoảng 2,5-3cm, đoạn màng khoảng 1,2cm và đoạn xốp khoảng 12cm.
Bệnh học bỏng điện
Bỏng điện thường sâu, tổn thương tại chỗ biểu hiện ở điểm vào và ra của luồng điện, vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân. ở trẻ em có thể bỏng miệng, môi, lưỡi do ngậm vào cực điện.
Bệnh học ngoại nhiễm khuẩn tiết niệu
Nhiễm khuẩn tiết niệu không đặc hiệu (Non- specific infection) là loại nhiễm khuẩn thường gặp của đường tiết niệu do các loại trực khuẩn gram (-) hoặc cầu khuẩn gram (+) gây nên.
Bệnh học ngoại chấn thương ngực kín
Nguyên nhân gây chấn thương ngực kín: Do tai nạn giao thông chiếm 70% trường hợp và 25% trường hợp chết tại chỗ. Tỷ lệ tử vong thứ phát do 2 rối loạn: Suy hô hấp và suy tuần hoàn.
Bệnh học ngoại khoa hẹp môn vị
Loét dạ dày-tá tràng là nguyên nhân hay gặp nhất. Tất cả mọi vị trí của ổ loét ở dạ dày hay tá tràng, ở gần hay xa môn vị, đều có thể gây nên hẹp môn vị tạm thời hay vĩnh viễn.
Bệnh học ngoại thông động tĩnh mạch
Thông động tĩnh mạch là có sự lưu thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Nguyên nhân phần lớn do chấn thương mạch máu. Vấn đề chẩn đoán cần phát hiện sớm và có thái độ xử trí kịp thời để tránh những biến chứng về tim mạch.
Bệnh học ngoại tắc ruột sơ sinh
Tắc ruột sơ sinh là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp trong lĩnh vực ngoại nhi. Bệnh thường xảy ra trong 15 ngày đầu của đời sống. Bệnh liên quan mật thiết đến các ngành sản khoa và nhi khoa.
Bệnh học ngoại khoa ung thư gan
Ung thư gan nguyên phát ở các nước Âu - Mỹ rất hiếm gặp chiếm khoảng 1-2% các loại ung thư. Trong khi châu á, Phi rất hay gặp. Đây là loại ung thư tiến triển rất nhanh và điều trị đang còn gặp nhiều khó khăn.
Bệnh học ngoại gãy thân xương cánh tay
Gãy giữa chỗ bám của cơ ngực lớn và chỗ bám của cơ delta: Đầu trên khép (do cơ ngực lớn kéo), đầu dưới di lệch lên và ra ngoài (do cơ delta kéo).
Bệnh học ngoại vết thương ngực
Các rối loạn hô hấp tuần hoàn trong vết thương ngực hở do hậu quả hô hấp đảo ngược và lắc lư trung thất dẫn đến thiếu O2 trầm trọng, tình trạng toàn thân của bệnh nhân thay đổi nhanh chóng.
Bệnh học ngoại khoa vết thương thấu bụng
Thực tế khi có vết thương trực tiếp vào thành bụng mà không xuất hiện hội chứng mất máu cấp tính hoặc hội chứng viêm phúc mạc, chúng ta chỉ cần mở rộng thăm dò tổn thương thành bụng.
Bỏng chiến tranh
Khi cháy tạo ra sức nóng cao, cháy lâu, có chất khi cháy tạo ra nhiều chất độc cho cơ thể, có chất gây bỏng đồng thời là chất độc cho cơ thể.
Bệnh học ngoại khoa thoát vị bẹn
Thoát vị là tình trạng các tạng bên trong ổ phúc mạc đi ra ngoài ổ phúc mạc trong một túi thừa phúc mạc gọi là “túi thoát vị”, qua các điểm yếu tự nhiên của thành bụng. Các điểm yếu này có thể là bẩm sinh hay mắc phải.
Bệnh học ngoại chấn thương thận
Chấn thương thận bao gồm tất cả các thương tổn của nhu mô thận, đường bài xuất nước tiểu trên và cuống thận. Giới nam thường bị hơn nữ, chiếm 75-80%, do đặc trưng về nguyên nhân của loại chấn thương này.
Bệnh học ngoại xơ vữa động mạch
Tổn thương khu trú ở lớp nội mạc, lớp nội mạc dày lên vừa phải. Các tế bào đặc trưng có chứa các tổ chức mỡ (tế bào bọt). Lớp áo giữa và áo ngoài bình thường.
Bệnh học ngoại khoa tắc ruột
Tắc ruột do liệt ruột gặp trong các trường hợp: sỏi tiết niệu, chấn thương cột sống hoặc khung chậu (tụ máu sau phúc mạc), viêm phúc mạc, viêm phúc mạc mật, tràn dịch tiêu hóa hoặc dịch tụy trong ổ phúc mạc.
Bệnh học bỏng trẻ em
Tính diện tích bỏng dựa theo bảng của Lund và Browder hoặc của Berkow chia bề mặt các phần cơ thể thành các đơn vị diện tích phù hợp với tuổi nhằm giúp chẩn đoán chính xác diện tích bỏng.
Công tác thay băng điều trị bỏng
Tuỳ theo tình trạng của vết thương, nếu vết thương diện rộng, nhiều dịch mủ, thay băng hàng ngày, nếu diện hẹp, ít mủ thay băng hai ngày một lần 2. kỹ thuật thay băng.
Bệnh học ngoại trật khớp khuỷu
Chỉ gặp trật khớp khuỷu ra trước khi có gẫy mỏm khuỷu, các dây chằng bị đứt các cơ nhị đầu, cơ bám vào mỏm trên lồi cầu bị đụng giập hoặc rách.
Bệnh học ngoại khoa ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những ung thư ống tiêu hóa thường gặp, trong thực tế tiên lượng vẫn không thay đổi nhiều từ nhiều năm nay. Thời gian sống đến 5 năm của ung thư dạ dày khoảng 15% và thời gian sống 5 năm sau phẫu thuật triệt căn khoảng 30%.
Bệnh học ngoại viêm xương
Viêm xương có thể tự nhiên, nhưng chấn thương đóng vai trò nào đó của sự khu trú tắc mạch xương trên một cơ quan bị nhiễm khuẩn.
Bệnh học ngoại khoa thủng dạ dày tá tràng
Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Chẩn đoán thường dễ vì trong đa số trường hợp các triệu chứng khá điển hình, rõ rệt.
Bệnh học ngoại tắc động mạch cấp tính ở chi
Mảng xơ vữa bị loét: Các mảng xơ vữa này sau đó bị cục máu đông phủ lên trên, sự di chuyển của các cục huyết khối có thể tạo ra từng đợt gây thuyên tắc.
Xử trí thời kỳ đầu vết thương bỏng
Ngâm vùng bỏng vào nước lạnh (16-200C) trong vòng 20-30 phút. Đặc biệt có hiệu quả trong 20 phút đầu, nếu để sau 30 phút mới ngâm nước lạnh thì không còn giá trị nữa.
Bệnh học ngoại khoa chấn thương bụng kín
Chấn thương bụng kín hay gọi là chạm thương bụng bao gồm cả những tổn thương về bụng, tổn thương có thể chỉ ở ngoài thành bụng nhưng có thể tổn thương các tạng đặc trong ổ bụng (như gan, lách, tụy...).