Y học cổ truyền viêm loét dạ dày tá tràng

2013-07-14 02:34 PM

Loét dạ dày tá tràng là một bệnh khá phổ biến, với chừng 5 - 10% dân số có viêm loét dạ dày tá tràng trong suốt cuộc đời mình và nam giới hay gặp gấp 4 lần nữ giới .

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Định nghĩa

Loét dạ dày tá tràng là sự mất chất của niêm mạc dạ dày tá tràng.

Dịch tễ học

Loét dạ dày tá tràng là một bệnh khá phổ biến, với chừng 5 - 10% dân số có viêm loét dạ dày tá tràng trong suốt cuộc đời mình và nam giới hay gặp gấp 4 lần nữ giới (tại bắc Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh ước tính 5 - 7% dân số), thường gặp 12 - 14% trong các bệnh nội khoa và chiếm 16% trong tổng số các ca phẫu thuật trong 1 năm.

Ngoài ra nhờ nội soi, người ta còn phát hiện khoảng 26% bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng mà không hề có triệu chứng đau, cũng như khoảng 30 - 40% có đau kiểu loét dạ dày tá tràng nhưng lại không tìm thấyổ loét.

Loét dạ dày tá tràng có những đợt tiến triển xen kẽ với những thời kỳ ổn định mà chu kỳ thay đổi tùy người, hàng năm trung bình có khoảng 50% người bị loét có đợt đau phải điều trị và trong đợt tiến triển có thể có những biến chứng nguy hiểm như chảy máu, thủng, hẹp … và dù có phẫu thuật cấp cứu, tỷ lệ tử vong vẫn cao khoảng 22%.

Cơ chế bệnh sinh theo y học hiện đại

Loét dạ dày tá tràng là kết quả của sự mất cân bằng giữa 1 bên là yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày tá tràng và 1 bên là yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng.

Yếu tố phá hủy niêm mạc: HCl và Pepsine.

Yếu tố bảo vệ niêm mạc: chất nhày, HCO3 và hàng rào niêm mạc dạ dày.

Theo đó, những nguyên nhân gây hoạt hóa yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày tá tràng có thể kể đến:

Sự căng thẳng thần kinh do các stress tâm lý kéo dài gây nên trạng thái cường phó giao cảm, mà kết quả sẽ gây tăng tiết HCl và tăng bóp cơ trơn dạ dày.

Sự hiện diện của xoắn khuẩn Helicobacter Pylori (HP) sẽ hủy hoại tế bào D ở niêm mạc dạ dày tá tràng (là tế bào tiết Somatostatine có tác dụng ức chế tiết Gastrine) qua đó sẽ gây tăng tiết HCl.

Ngược lại, những nguyên nhân làm suy giảm yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng lại là:

Sự căng thẳng thần kinh do các stress tâm lý kéo dài sẽ làm các tế bào nhày ở niêm mạc dạ dày tá tràng giảm bài tiết HCO3.

Rượu và các thuốc chống đau giảm viêm NSAID, ngoài việc thông qua cơ chế tái khuếch tán ion H+ còn ức chế sự tổng hợp Prostaglandine, do đó vừa đồng thời làm tăng tiết HCl, vừa hủy hoại tế bào niêm mạc dạ dày tá tràng, cũng như làm giảm sự sinh sản tế bào niêm mạc dạ dày.

Corticoid và các dẫn xuất của nó qua cơ chế giảm tổng hợp Glucoprotein (một thành phần cơ bản của chất nhày) sẽ làm giảm yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Vai trò tưới máu của hệ mao mạch dạ dày tá tràng đối với sự bền vững của hàng rào niêm mạc dạ dày tá tràng. Theo đó sự xơ vữa hệ mao mạch dạ dày tá tràng (kết quả từ hiện tượng sản sinh các gốc tự do) sẽ làm cản trở sự tưới máu niêm mạc dạ dày tá tràng, được dùng để giải thích cho cơ chế viêm dạ dày mạn tính cũng như giải thích lý do tại sao có nhiều ổ loét to và bất trị ở người có tuổi.

Sự hiện diện của xoắn khuẩn HP ở niêm mạc dạ dày tá tràng sẽ sản sinh ra NH3 vừa cản trở sự tổng hợp chất nhày vừa làm biến đổi cấu trúc phân tử chất nhày từ dạng hình cầu sang dạng hình phiến mỏng, khiến cho lớp chất nhày dễ bị tiêu hủy bởi Pepsine. Ngoài ra, chính HP còn tiết ra protease, phospholipsae, độc tố 87 KDA protein và kích thích tiết interleukin  gây tổn thương trực tiếp lên tế bào niêm mạc dạ dày.

Yếu tố thể tạng: nhóm máu O có tần suất loét cao hơn các nhóm máu khác, điều này có lẽ liên quan đến sự ưu tiên kết hợp giữa nhóm máu O và HP, sự liên quan giữa HLA B5 antigen với tần suất loét tá tràng.

Vai trò của thuốc lá trong việc ức chế tiết HCO3 của tuyến tụy, gia tăng sự thoát dịch vị vào tá tràng và đưa đến sự nhiễm HP.

Cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền

Bệnh loét dạ dày tá tràng với biểu hiện lâm sàng là đau vùng thượng vị cùng với một số rối loạn tiêu hóa, được xếp vào bệnh lý của Tỳ Vị với bệnh danh là Vị quản thống mà nguyên nhân có thể là:

Những căng thẳng tâm lý kéo dài như giận dữ, uất ức khiến cho chức năng sơ tiết của tạng Can mộc bị ảnh hưởng, từ đó cản trở tới chức năng giáng nạp thủy cốc của Vị.

Những căng thẳng tâm lý kéo dài như lo nghĩ, toan tính quá mức cũng như việc ăn uống đói no thất thường sẽ tác động xấu tới chức năng kiện vận của tạng Tỳ và ảnh hưởng xấu tới chức năng giáng nạp thủy cốc của Vị.

Trên cơ sở đó, thời tiết lạnh hoặc thức ăn sống lạnh mà y học cổ truyền gọi là Hàn tà sẽ là yếu tố làm khởi phát cơn đau. Trong giai đoạn đầu, chứng Vị quản thống thường biểu hiện thể Khí uất (trệ), Hỏa uất hoặc Huyết ứ, nhưng về sau do khí suy huyết kém chứng Vị quản thống sẽ diễn tiến theo thể Tỳ Vị hư hàn.

Chẩn đoán theo y học hiện đại

Nói chung các triệu chứng cơ năng và dấu hiệu lâm sàng của bệnh loét dạ dày tá tràng thường nghèo nàn, chỉ trong những đợt tiến triển bệnh nhân thường có:

Những cơn đau vùng thượng vị

Kéo dài từ 15 phút - 1 giờ, có thể khu trú ở bên trái nếu là loét dạ dày hoặc bên phải nếu là loét tá tràng. Cơn đau có thể lan ra vùng hông sườn phải, hoặc có thể chói ra sau lưng (nếu loét ở thành sau dạ dày).

Cơn đau có tính chu kỳ và trở nên đau dai dẳng liên tục nếu là loét lâu ngày hoặc loét xơ chai.

Cơn đau thường xuất hiện lúc đói, về đêm và giảm ngay sau khi uống sữa hoặc dung dịch Antacid nếu là loét tá tràng, cũng như thường xuất hiện sau khi ăn hoặc ít thuyên giảm với Antacid nếu là loét dạ dày. Đau có tính chất quặn thắt hoặc nóng rát hoặc nặng nề âm ỉ. Trong cơn đau, khám có thể phát hiện thấy vùng thượng vị đề kháng khi sờ nắn.

Những rối loạn tiêu hóa

Táo bón rất thường gặp.

Nôn mửa, buồn nôn xảy ra trong trường hợp loét dạ dày, nhưng nôn mửa thường ít xảy ra trong loét tá tràng nếu không có biến chứng. Bệnh nhân ăn vẫn ngon miệng nhưng có cảm giác chậm tiêu, thường là nặng, chướng bụng hoặc ợ hơi, ợ chua sau các bữa ăn. Để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng, người ta có thể dùng phương pháp:

Gián tiếp như hút dịch vị cho thấy có tăng HCl tự do 2 giờ sau khi kích thích dạ dày trong trường hợp loét tá tràng. Ngược lại, tình trạng vô acid dịch vị sau khi kích thích bằng Pentagastrine gợi ý đến một khả năng ung thư dạ dày nhiều hơn.

Trực tiếp như X quang dạ dày tá tràng với những hình ảnh trực tiếp như hình chêm, hình ổ hoặc cứng ở một đoạn hoặc đôi khi là 1 túi Hawdeck với 3 mức baryte, nước, hơi, cùng với những hình ảnh gián tiếp như tăng trương lực, tăng nhu động. Ngoài ra, trong những trường hợp loét ở tá tràng còn có hình ảnh dấu ách chuồn hoặc tampon của toa xe lửa.

Tuy nhiên chính xác nhất vẫn là nội soi dạ dày - tá tràng bằng ống mềm (fibroscope) và sinh thiết ổ loét để chẩn đoán phân biệt với loét ung thư hóa (97% trường hợp). Ngoài ra, hiện nay với quan niệm về vai trò của HP trong bệnh sinh loét dạ dày tá tràng (hiện diện 80 - 100% trong những ổ loét không do Steroid hoặc NSAID), người ta còn chẩn đoán sự nhiễm HP bằng các test chẩn đoán nhanh như Rapid urease test, Campylobacter organism, nuôi cấy mẫu sinh thiết dạ dày hoặc13C hoặc 14C Labelled Urea Breath test và chẩn đoán bằng huyết thanh miễn dịch.

Các test chẩn đoán nhiễm Helicobactẻ Pylory:

Loại test

Độ nhạy cảm

Lời khuyên

1- Test chẩn đoán huyết thanh
- Urease 13C hoặc 14C Labelled Urea Breath test.
-Qua mẫu sinh thiết.
-Rapid Urease test.
-C.L.O test

90 - 95%

90 - 98%

Đơn giản dùng để theo dõi

Cần đến nội soi

2- Mô học

70 - 90%

Cần đến nội soi và thuốc nhuộm đặc biệt.

3- Cấy

90 - 95%

Cần đến nội soi nên dùng cho trường hợp kháng thuốc.

4- Huyết thanh

95%

Không phân biệt mới nhiễm hay nhiễm từ lâu.

Biến chứng

Thông thường trong những đợt tiến triển, mỗi đợt đau có thể kéo dài vài ngày hoặc 2 - 3 tuần lễ rồi tự nhiên hết, nhưng cũng có khoảng 10 - 20% trường hợp thường xảy ra các biến chứng như:

Xuất huyết tiêu hóa:

Chiếm 25% trong loét dạ dày, thường là những ổ loét ở thành sau dạ dày, lúc đó bệnh nhân đột nhiên có cảm giác khó chịu, mệt muốn xỉu, khát nước, vã mồ hôi lạnh, dấu hiệu choáng, đôi khi nôn ra máu và sau đó mới đi cầu ra phân đen. Trong những trường hợp chảy máu rỉ rả, không ồ ạt, bệnh nhân chỉ có dấu hiệu thiếu máu và đi cầu phân đen. Khám bệnh nhân trong lúc này nên tìm kiếm triệu chứng toàn thân như choáng và thăm trực tràng để tìm dấu hiệu cầu phân đen.

Thủng:

Hay xảy ra trong loét tá tràng nhưng tỷ lệ tử vong ít hơn thủng dạ dày 3 lần. Có thể thủng vào màng bụng tự do với biểu hiện đau như dao đâm ở vùng hông sườn phải. Lúc đầu mạch và huyết áp còn ổn định nhưng bệnh nhân thở sâu nông. Sau đó xuất hiện trạng thái choáng với dấu hiệu viêm phúc mạc, nếu khám bụng thấy có dấu hiệu co cơ đề kháng tại chỗ, vài giờ sau đau lan tỏa khắp bụng, có khi chói lên 2 bờ vai, 2 cơ thẳng bụng nổi rõ lên, sờ nắn thấy có dấu hiệu bụng gỗ, bệnh nhân nôn mửa và không trung tiện được. Thăm trực tràng khi chạm vào túi cùng Douglas rất đau. Chụp X quang bụng không sửa soạn cho thấy tràn khí màng bụng kèm liềm hơi trước gan hoặc trên gan. Sau 12 giờ bụng căng chướng và bệnh nhân rơi vào trạng thái nhiễm trùng nhiễm độc. Lúc đó có can thiệp cũng vô ích, thường thì bệnh nhân sẽ chết sau 3 ngày.

Ngược lại, trường hợp thủng vào màng bụng có vách ngăn thường khó chẩn đoán, hay xảy ra ở các trường hợp loét mạn tính và biểu hiện bằng những triệu chứng và dấu hiệu của một abcès dưới cơ hoành.

Hẹp:

Có thể định khu ở môn vị, giữa dạ dày hoặc tá tràng, nguyên nhân có thể do co thắt, viêm và phù quanh ổ loét hoặc co rút do lên sẹo, viêm quanh tạng. Lúc này đau thay đổi tính chất và trở nên liên tục, bệnh nhân thường nôn mửa ra thức ăn hôm trước. Khám bụng thấy có dấu óc ách sóng vỗ lúc đói và hút dạ dày lúc đói sẽ có được một lượng dịch dạ dày khoảng 50 - 100 ml lẫn những mảnh vụn thức ăn. X quang và nội soi sẽ giúp xác định vị trí và nguyên nhân hẹp.

Ung thư hóa:

Ít khi xảy ra cho loét tá tràng trong khi 90% loét dạ dày bờ cong nhỏ đều có khả năng hóa ung thư, các dấu hiệu nghi ngờ ác tính là:

Dấu hiệu lâm sàng và X quang vẫn còn tồn tại sau nhiều tuần lễ điều trị.

Đau trở thành liên tục.

Luôn luôn có dấu hiệu ẩn máu trong phân.

Vô acid dịch vị.

Nhưng chẩn đoán xác định vẫn là nội soi và sinh thiết.

Chẩn đoán theo y học cổ truyền

Chứng Vị quản thống được chia làm 4 thể lâm sàng sau đây:

Thể Khí uất (trệ)

Với triệu chứng đau thượng vị từng cơn lan ra 2 bên hông sườn kèm ợ hơi, ợ chua, táo bón.

Yếu tố khởi phát cơn đau thường là nóng giận, cáu gắt. Tính tình hay gắt gỏng.

Rìa lưỡi đỏ, rêu vàng nhày, mạch huyền hữu lực.

Thể Hỏa uất

Với tính chất đau dữ dội, nóng rát vùng thượng vị, nôn mửa ra thức ăn chua đắng.

Hơi thở hôi, miệng đắng.

Lưỡi đỏ sẫm, mạch hồng sác.

Thể Huyết ứ

Đau khu trú ở vùng thượng vị, cảm giác châm chích.

Chất lưỡi đỏ tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch hoạt.

Nặng hơn thì đi cầu phân đen hoặc nôn ra máu bầm.

Thể Tỳ Vị hư hàn

Hay gặp ở loét dạ dày tá tràng mạn tính, tái phát nhiều lần hoặc ở người già với triệu chứng đau vùng thượng vị mang tính chất âm ỉ liên tục hoặc cảm giác đầy trướng bụng sau khi ăn.

Yếu tố khởi phát thường là mùa lạnh hoặc thức ăn tanh lạnh làm đau tăng.

Lưỡi nhợt bệu, rêu trắng dày nhớt. Mạch nhu hoãn vô lực.

Điều trị theo y học hiện đại

Nguyên tắc điều trị

Làm lành ổ loét.

Loại bỏ xoắn khuẩn Helicobacter Pylori.

Phòng chống tái phát.

Theo dõi và phát hiện trạng thái ung thư hóa.

Việc điều trị nội khoa một trường hợp loét dạ dày tá tràng bao gồm:

Chế độ ăn uống

Cho đến nay, việc thực hiện chế độ ăn uống gồm các thức ăn mềm, không gia vị, nhiều trái cây không ích gì cho việc làm lành ổ loét, cũng như chế độ ăn sữa và kem cũng không làm cho tình trạng loét xấu hơn. Do đó tốt nhất bệnh nhân nên tránh những thức ăn nào gây đau hơn hoặc gây rối loạn tiêu hóa xấu hơn, đồng thời bệnh nhân phải kiêng cà phê, thuốc lá và rượu.

Thuốc

Nhóm Antacid: cụ thể như Maalox với liều sử dụng 30 ml uống sau bữa ăn từ 1 - 3 giờ và trước khi ngủ, thời gian điều trị nên kéo dài từ 1 - 2 tháng. Các thuốc thuộc nhóm này cũng có tác dụng ngăn ngừa tái phát, cần chú ý các Antacid có thể gây tiêu chảy (do có Mg) hoặc táo bón (do có Al) hoặc gây nhuyễn xương và hội chứng Milk - Alkali.

Sucralfate: có tác dụng bao phủ ổ loét và gắn kết với Pepsine nên dùng 1g trước bữa ăn 1 giờ và trước khi đi ngủ hoặc dùng 2g x 2 lần/ngày. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa tái phát. Cần chú ý thuốc gây táo bón và có thể gắn kết với thuốc khác nếu dùng chung.

Misoprostol: được tổng hợp từ Prostaglandine E1 có tác dụng tăng tiết Bicarbonate và ức chế tiết HCl, thuốc có hiệu quả trong loét do NSAID, liều thường dùng là 200 mg x 4 lần/ngày, thường gây phản ứng phụ là tiêu chảy và co thắt tử cung.

Nhóm H2 Receptor Antagonist:

Cimetidine với liều sử dụng 300 mg x 4 lần/ngày, hoặc 400 mg x 2 lần/ngày hoặc 800 mg uống vào lúc đi ngủ. Thuốc có tác dụng phụ là chống Androgen ở liều cao, giảm chuyển hóa gan và tăng men Transaminase.

Ranitidine với liều sử dụng 150 mg x 2 lần/ngày hoặc 300 mg uống lúc đi ngủ. Thuốc ít có tác dụng phụ hơn Cimetidine.

Famotidine uống 1 lần 40 mg vào lúc đi ngủ.

Nizatidine uống 1 lần 30 mg vào lúc đi ngủ.

Các thuốc trên dùng trong 1 liệu trình từ 4 - 6 tuần và nếu dùng ½ liều tiêu chuẩnliên tục trong 1 năm có thể ngăn ngừa được sự tái phát đến 70% trường hợp.

Nhóm ức chế bơm Proton (H+ - K+ATPase):

Omeprazol 20 mg uống 1 lần vào buổi sáng.

Lansoprazol 30 mg uống 1 lần vào buổi sáng.

Có tác dụng phụ làm giảm men gan, thông thường hiệu quả tối đa của thuốc xảy ra trong 2 giờ và kéo dài đến 72 giờ. Liệu trình điều trị có thể kéo dài từ 4 - 8 tuần.

Ngoài ra, trong trường hợp loét dạ dày, các thầy thuốc cho rằng Omeprazol có hiệu quả làm lành ổ loét hơn là nhóm H2 receptor antagonist. Một số tác giả khác còn sử dụng đến các dược phẩm có tác dụng kích thích sự tổng hợp

Glucoprotein, Phospholipid và Prostaglandine E2, I2 như Carbenoxolone hoặc Teprenone (Selbex) 50 mg với liều uống 1 viên x 3 lần/ngày sau mỗi bữa ăn.

Cần chú ý là thời gian điều trị loét dạ dày thường dài hơn điều trị loét tá tràng và bắt buộc phải kiểm tra ổ loét bằng nội soi và sinh thiết. Nếu kích thước ổ loét sau 3 tháng điều trị mà không nhỏ đi thì phải nghĩ đến ung thư hóa (70%).

Và đối với những trường hợp loét có nhiễm HP, loét tái phát nhiều lần, loét có biến chứng chảy máu, các thầy thuốc nội khoa sẽ phải sử dụng đến những phác đồ sau đây:

(1) Triple Therapy với Bismuth Subcitrate 2 viên x 4 lần/ngày, cùng với Amoxicilline hoặc Tetracycline 500 mg x 3 lần/ngày, cùng với Metronidazol 250 mg x 3 lần/ngày. Thời gian điều trị là 2 tuần, kết hợp với nhóm H2 receptor antagonist hoặc nhóm ức chế bơm Proton. Thuốc có hiệu quả tới 91% trường hợp nhưng hiện nay chỉ còn 63% do có tình trạng HP kháng với Metronidazol. Thuốc gây bất lợi như tiêu chảy, viêm ruột kết giả mạc (30% trường hợp).

(2) New-Triple Therapy với Omeprazol 20 mg x 2 lần/ngày, cùng với Clarithromycine 250 mg x 2 lần/ngày và Metronidazol 500 mg x 2 lần/ngày, uống trong 1 tuần, ít gây phản ứng phụ nhưng đắt tiền hơn.

(3) Ranitidine 150 mg x 2 lần/ngày, Bismuth Citrate 400 mg x 2 lần/ngày, uống trong 4 tuần và Clarithromycine 500 mg x 3 lần/ngày uống trong 2 tuần. Phác đồ này hiệu quả 85% nhưng thuốc có vị khó chịu, gây ỉa chảy.

(4) Quadruple Therapy với công thức Colloidal Bismuth Subcitrate + Tetracycline + Metronidazol + Famotidine hoặc Omeprazol, hoặc Ranitidine với liệu trình 1 - 2 tuần sẽ có hiệu quả làm sạch HP từ 89 - 97% trường hợp, trong đó liều sử dụng của:

Colloidal Bismuth Subcitrate là 108 mg x 4 lần/ngày.

Tetracycline 500 mg x 4 lần/ngày.

Metronidazol (hoặc Tidinazol) 500 mg x 2 lần/ngày.

Omeprazol 20 mg x 2 lần/ngày.

Điều trị theo y học cổ truyền

Thể Khí uất (trệ)

Phép trị: Sơ Can, lý khí, giải uất, an thần.

Với mục đích: an thần, chống co thắt cơ trơn tiêu hóa và chống tiết HCl dịch vị hoặc trung hòa acid.

Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:

Bài thuốc Sài hồ sơ can thang (Tân biên Trung y kinh nghiệm phương) gồm Sài hồ 12g, Xích thược 8g, Xuyên khung 6g, Trần bì 12g, Hương phụ 12g, Chỉ xác 8g, Cam thảo bắc 4g.

Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc

Dược tính y học cổ truyền

Vai trò

Sài hồ

Đắng, lạnh, sơ Can giải uất

Quân

Xích thược

Đắng, chua, lạnh. Hoạt huyết, chỉ thống

Thần

Xuyên khung

Cay, ôn.
Hoạt huyết, chỉ thống, hành khí, khu phong

Thần

Trần bì

Cay, đắng. Ấm lý khí, điều trung

Thần

Hương phụ

Cay, ngọt, đắng, bình. 
Sơ can, lý khí, chỉ thống.

Thần

Chỉ xác

Đắng, cay, lạnh. Phá khí, tiêu tích

Cam thảo bắc

Ngọt, bình. Bổ trung ích khí, hòa trung

Tá - Sứ

Bài thuốc Tiêu dao gia Uất kim gồm Sài hồ 8g, Bạch thược 8g, Phục linh 10g, Đương quy 8g, Bạch truật 8g, Sinh cam thảo 8g, Uất kim 6g.

Nếu bệnh nhân lo lắng, gắt gỏng nên bội thêm Sài hồ, Phục linh hoặc gia thêm Toan táo nhân (sao đen) 10g. Nếu cơn đau mang tính chất quặn thắt kéo dài, nên bội thêm Bạch thược, Cam thảo. Nếu có triệu chứng lợm giọng, buồn nôn, bội thêm Bạch truật. Nếu có cảm giác nóng rát, cồn cào bội thêm Đương quy, gia Đại táo 3 quả, bỏ Uất kim.

Bài thuốc Điều hòa Can Tỳ gồm Sài hồ, Mộc hương, Hương phụ, Chỉ xác, Hoài sơn, Liên nhục, Sa nhân, Trần bì, Bán hạ.

Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ gồm Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g.

Nếu bệnh nhân đau nhiều bội thêm Hương phụ 16g. Nếu đau kèm theo cảm giác nóng rát thì bội Mã đề 20g. Nếu có cảm giác đầy chướng, ợ hơi, ợ chua bội thêm Xương bồ 12g.

Phương huyệt Trung quản, Túc tam lý, Lãi câu, Hành gian, Thiếu phủ, Thái xung, Thần môn ± Nội quan.

Kỹ thuật: bình châm Trung quản 15 phút, châm tả Lãi câu, Hành gian, Thái xung, Thần môn 5 phút.

Động tác phình thót bụng của phương pháp Dưỡng sinh.

Thể Hỏa uất

Phép trị: Thanh hỏa trừ uất.

Với mục đích: chống co thắt, chống tiết HCl, kháng sinh, kháng viêm bằng cơ chế bền thành mạch hoặc ức chế Leucotrien.

Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:

Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ gồm Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g. Nhưng tăng liều Mã đề 20g hoặc gia thêm Bối mẫu 16g, Nhân trần 20g, Chi tử 12g, Bồ công anh 20g.

Bài thuốc Hóa can tiễn hợp với Tả kim hoàn.

Bài thuốc Thanh cao ẩm.

Phương huyệt như trong thể Khí uất (trệ), nhưng châm tả thêm Hợp cốc, Nội đình 1 phút.

Thể Huyết ứ

Phép trị: Hoạt huyết, tiêu ứ, chỉ huyết.

Với mục đích: chống xung huyết và cầm máu ngoài tác dụng chống co thắt và chống tiết HCl dạ dày.

Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:

Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ gồm Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g. Gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.

Bài thuốc Tiêu dao gia Uất kim gồm Sài hồ 8g, Bạch thược 8g, Phục linh 10g, Đương quy 8g, Bạch truật 8g, Sinh cam thảo 8g, Uất kim 6g. Gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.

Bài Tứ vật đào hồng gồm Đương quy, Bạch thược, Xuyên khung, Sinh địa, Đào nhân, Hồng hoa gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.

Cụ thể trong chứng Vị quản thống thể Huyết ứ nên dùng bài Tiêu dao gia Uất kim hoặc Hương cúc bồ đề nghệ nhưng tăng liều Uất kim hoặc Khương hoàng 12g, Cỏ mực (sao đen) 12g, Trắc bá diệp (sao đen) 12g.

Về phương huyệt nên châm tả Thái xung, Huyết hải, Hợp cốc. Nếu bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa có kèm rối loạn huyết động nên xử trí cấp cứu bằng y học hiện đại.

Thể Tỳ Vị hư hàn

Phép trị: Ôn trung kiện tỳ.

Với mục đích: kích thích tiết dịch vị, điều hòa nhu động dạ dày ruột, cải thiện tuần hoàn niêm mạc dạ dày và kích thích tổng hợp Glucoprotein và Prostaglandine E2, I2.

Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:

Bài Hoàng kỳ kiến trung thang (Kim quỹ yếu lược) gồm Hoàng kỳ 10g, Can khương 6g, Cam thảo chích 8g, Bạch thược 8g, Hương phụ 8g, Cao lương khương 8g, Đại táo 3 quả. Gia Đại hồi 4g, Ích trí nhân 8g, Bạch đậu khấu 4g, Thảo quả 6g. 

Nếu bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, lợm giọng bội Hoàng kỳ 16g, Cam thảo chích 12g. Nếu bệnh nhân đầy chướng bụng, tiêu sệt bội thêm Can khương 8g, Cao lương khương 8g.

Vị thuốc

Dược tính y học cổ truyền

Vai trò

Hoàng kỳ

Ngọt, ấm. Bổ Tâm khí, thăng dương khí của Tỳ

Quân

Cao lương khương

Cay, nóng. Ôn Tỳ vị

Thần

Can khương

Cay, ấm. Trợ dương, cứu nghịch, trừ hàn, chỉ thống, chỉ nôn, chỉ huyết.

Thần

Cam thảo chích

Ngọt, ấm. Bổ Tỳ thổ, bổ trung khí

Thần

Hương phụ

Cay, ngọt, đắng, bình. Sơ can, lý khí, chỉ thống

Thần

Bạch thược

Đắng, chua, hơi hàn. 
Dưỡng huyết, liễm âm. Lợi tiểu, nhuận gan.

Đại táo

Ngọt, ấm. Bổ trung ích khí, hòa hoãn dược tính.

Phương huyệt: gồm Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Thái bạch, Phong long, Tỳ du, Đại đô, Thiếu phủ. Ôn châm hoặc cứu các huyệt nói trên.

Dưỡng sinh: phương pháp Xoa trung tiêu.

Bài viết cùng chuyên mục

Y học cổ truyền bệnh tiểu đường (đông y)

Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường rất khác nhau bởi nó phụ thuộc vào các yếu tố: địa lý, chủng tộc, lứa tuổi, mức sống, thói quen ăn uống sinh hoạt và tiêu chuẩn chẩn đoán.

Chữa chứng nấc cụt

Kích thích mũi họng bằng kéo lưỡi, nâng lưỡi gà bằng thìa, dùng ống thông kích thích vùng mũi họng và ăn một thìa nhỏ đường kính khô hoặc một mẫu chanh lạnh.

Băng lậu: huyết ở âm đạo ra nhiều hoặc lai rai không dứt

Băng lậu có cùng gốc nhưng thể hiện chứng trạng có khác nhau, nếu băng lậu lâu ngày không cầm, thế bệnh nặng dần sinh ra băng.

Thoát cốt thư: viêm tắc động mạch chi

Giải phẫu bệnh lý: thấy lòng động mạch hẹp, thành dày lên, soi thấy trắng cứng, lớp cơ và nội mạc dày lên, có máu cục dính hay máu cục đã xơ hóa dính chặt vào thành động mạch.

Bệnh học ngoại cảm lục dâm: nhiệt kết bàng quang (thấp nhiệt bàng quang)

Bài thứ nhất có xuất xứ từ Chứng trị chuẩn thằng, dùng tả Can hỏa và tư âm huyết. Bài thứ 2 xuất xứ từ Y tông kim giám, dùng trị mục nhọt vùng eo lưng.

Bệnh học thận bàng quang

Con người mới sinh ra đầu tiên là nhờ tinh khí tiên thiên mà sống và phát triển. Do đó Thận chủ tiên thiên.

Y học cổ truyền huyết áp thấp (đông y)

Chứng huyết áp thấp do bất kỳ nguyên nhân nào, theo y học cổ truyền đều thuộc chứng Hư, Nhẹ thì do Tâm dương bất túc, Tỳ khí suy nhược, nặng thì thuộc thể Tâm.

Can nham (ung thư gan nguyên phát)

Y học cổ truyền cho rằng, bản chất can nham là đặc điểm bản hư và tiêu thực. Điều trị chủ yếu lấy “Công bổ kiêm thi” hoặc công tà là chủ hoặc phù chính là chủ.

Bệnh học ngoại cảm lục dâm: hội chứng nhiệt nhập tâm bào

Tâm bào lại là ngoại vệ của Tâm, bảo vệ cho Thiếu âm quân hỏa, Do đó, dù ngoại tà là loại gì, khi vào đến quyết âm gây bệnh thì hội chứng của nó sẽ biểu hiện mang thuộc tính của phong, của Hỏa.

Y học cổ truyền viêm phế quản (đông y)

Có thể gặp viêm phế quản cấp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là ở trẻ em và người cao tuổi. Thường gặp viêm phế quản cấp khi trời lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết đột ngột.

Rối loạn kinh nguyệt: sinh lý bệnh và cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền

Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt về thời gian, tần số và lượng máu mất trong ngày hành kinh, cùng với những triệu chứng khác kèm theo.

Tiết niệu kết thạch (sỏi hệ thống tiết niệu)

Xét nghiệm nước tiểu có vi khuẩn niệu, tế bào mủ; định lượng can - xi niệu, systin niệu, axit uric niệu và tồn cặn oxalat, phosphat... Nếu có protein niệu là có viêm thận - bể thận.

Y học cổ truyền viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính được coi là một bệnh tự miễn quan trọng thứ hai trong nhóm các loại bệnh tự miễn (sau bệnh Lupus đỏ hệ thống) và là bệnh quan trọng nhất trong nhóm bệnh khớp do Thấp.

Y học cổ truyền thiếu máu cơ tim

Bệnh cơ tim thiếu máu có thể xuất hiện với bệnh cảnh đau ngực (với rất nhiều mức độ khác nhau) hoặc không có biểu hiện lâm sàng.

Chi khí quản háo suyễn (hen phế quản)

Hen phế quản dị ứng (90% ở tuổi < 30, 50% tuổi > 40). Do hít phải nấm, bụi nhà: ở Việt Nam nguyên nhân do bụi chiếm tới 60% trong số các nguyên nhân.

Tâm giao thống (xơ vữa động mạch vành)

Ngực đầy tức, đau trước ngực tâm quí, đoản khí, sắc mặt nhợt nhạt, gầy gò, vô lực, sợ lạnh, chi lạnh, tự hãn, ngủ không yên, ăn kém, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng nát, lưỡi bệu nhợt mềm.

Y học cổ truyền viêm màng não do não mô cầu

Khả năng kháng thuốc của màng não cầu rất mạnh, ngoài khả năng kháng lại hầu hết các thuốc kháng sinh thông thường.

Tim mạch và phong thấp nhiệt tý (thấp tim)

Viêm tim có thể gây tử vong, nhưng thường là để lại các di chứng ở van tim mà chủ yếu là van 2 lá và/hoặc van động mạch chủ.

Bệnh học ngoại cảm

Bệnh ngoại cảm bao gồm tất cả các bệnh có nguyên nhân từ môi trường khí hậu tự nhiên bên ngoài; do khí hậu, thời tiết của môi trường bên ngoài trở nên thái quá.

Thống phong (bệnh goutte)

Để cân bằng, hàng ngày acid uric được thải trừ ra ngoài, chủ yếu theo đường thận và một phần qua đường phân cùng với các đường khác 200 mg.

Y học cổ truyền bại não (đông y)

Mặc dù bất thường về vận động là dấu hiệu nổi bật nhất, nhưng rất thường gặp kèm theo những sa sút về trí thông minh, về phát triển tình cảm, ngôn ngữ và nhận thức.

Thống kinh: điều trị bằng y học cổ truyền

Đau bụng kinh là sự ngăn trở vận hành khí và huyết. Vì kinh nguyệt là do huyết hóa ra, huyết lại tùy vào khí để vận hành, do đó khi khí huyết hòa thuận, sung túc thì không gây đau bụng khi hành kinh.

Đởm lạc kết thạch, cảm nhiễm (sỏi và viêm đường dẫn mật)

Sỏi đường mật cần được chẩn đoán phân biệt với u đầu tuỵ, viêm tuỵ mạn thể tắc mật, ung thư bóng Vater, viêm vi quản mật tiên phát và những trường hợp hoàng đản.

Y học cổ truyền tăng huyết áp nguyên phát (đông y)

Tăng huyết áp ác tính chiếm 2 - 5% các trường hợp tăng huyết áp. Tất cả các loại tăng huyết áp do nguyên nhân khác nhau đều có thể chuyển thành tăng huyết áp ác tính.

Viêm sinh dục nữ: bệnh học y học cổ truyền, đông y

Đặc điểm lâm sàng khởi đầu bằng tình trạng viêm niêm mạc cơ quan sinh dục nữ, gây viêm tại chỗ sau đó lan theo chiều dài bộ phận sinh dục.