- Trang chủ
- Sách y học
- Bệnh học và điều trị đông y
- Y học cổ truyền viêm khớp dạng thấp
Y học cổ truyền viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính được coi là một bệnh tự miễn quan trọng thứ hai trong nhóm các loại bệnh tự miễn (sau bệnh Lupus đỏ hệ thống) và là bệnh quan trọng nhất trong nhóm bệnh khớp do Thấp.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Quan niệm y học hiện đại
Tần suất mắc bệnh
Tỷ lệ mắc bệnh (Prevalence):
Theo WHO (1992) tỷ lệ mắc bệnh chung là 0,5 - 3% dân số thế giới từ 15 tuổi trở lên, tỷ lệ này có thể lên đến 5% tùy chủng tộc như:
Tỷ lệ bệnh thấp hơn 0,5% ở người Nhật và Trung Quốc. Đặc biệt chỉ 0,1% quần thể người da đen ở Nam Phi và 0,18% ở Tây Bắc Hy Lạp. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 5% ở quần thể người da trắng và các bộ lạc da đỏ ở Bắc Mỹ.
Tỷ lệ mắc bệnh theo tuổi 0,3% ở người dưới 35 tuổi và đến trên 10% ở người trên 65 tuổi.
Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn hẳn ở nam giới. Tỷ lệ nam/nữ là 1/2,5. Ở lứa tuổi dưới 60, tỷ lệ này là 1/5-6 nhưng trên 65 tuổi, tỷ lệ này chỉ là 1/2.
Ở nước ta, theo nghiên cứu của các tỉnh phía Bắc, tỷ lệ này là 0,5% dân số và chiếm 20% số bệnh nhân khớp đến điều trị tại bệnh viện.
Tỷ lệ mới mắc bệnh (Incidence):
Hàng năm có khoảng 700 - 750 người mới mắc bệnh viêm khớp dạng thấp trên 1 triệu dân số tứ 15 tuổi trở lên. Viêm khớp dạng thấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung tới 80% vào lứa tuổi trung niên.
Ngoài ra, các yếu tố dịch tễ cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh như: tình trạng kinh tế, xã hội, các stress tâm lý và các trạng thái cơ thể như thai nghén, thuốc ngừa thai, mãn kinh…
Có thể nói về mặt dịch tễ học, viêm khớp dạng thấp là bệnh của phụ nữ ở tuổi trung niên, vì 70 - 80% bệnh nhân là nữ và 60 - 70% xuất hiện ở lứa tuổi trên 30.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính được coi là một bệnh tự miễn quan trọng thứ hai trong nhóm các loại bệnh tự miễn (sau bệnh Lupus đỏ hệ thống) và là bệnh quan trọng nhất trong nhóm bệnh khớp do Thấp. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, có nhiều giả thiết được đưa ra mặc dù đã tìm được sự hiện diện của nhóm kháng thể kháng globuline miễn dịch ở trong huyết thanh cũng như trong dịch khớp của người bệnh, gọi chung là nhân tố thấp.
Kháng thể có thể là: IgM anti IgG, IgG anti IgG, IgA anti IgG. Các kháng thể này tự nó không đủ giải thích các tổn thương bệnh học, và vì vẫn chưa giải thích được lý do sản xuất và hiện diện của nhân tố thấp, người ta xếp viêm khớp dạng thấp vào loại bệnh tự miễn với sự tham gia của nhiều nhân tố.
Các yếu tố tham gia
Yếu tố cơ địa: Bệnh có liên quan rõ đến giới tính và lứa tuổi.
Yếu tố di truyền: Bệnh viêm khớp dạng thấp có tính chất gia đình. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ viêm khớp dạng thấp ở những gia đình có cha mẹ bị bệnh cao hơn 2 - 3 lần so với gia đình khác, và cũng cho thấy mối liên quan giữa viêm khớp dạng thấp và yếu tố kháng nguyên phù hợp với tổ chức HLA DR4. Hệ thống HLA có mối liên hệ với hàng trăm bệnh khác nhau, trong đó có viêm khớp dạng thấp. Trên bệnh nhân, bệnh viêm khớp dạng thấp có tới 60 - 70% có HLA DR4, khi ở người bình thường, tỷ lệ này chỉ là 20 - 28%. Như vậy ở người mang HLA DR4 có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhiều gấp 4 - 5 lần so với người không mang HLA DR4. Mặc dù chưa xác định được vị trí gen đặc biệt dẫn đến sự phát triển bệnh, nhưng các dữ kiện đã chỉ ra rằng phức hợp hòa hợp tổ chức chính (Major Histocompatipility Complex - MHC) nằm trên nhiễm sắc thể thứ 6 là gen quan trọng dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp và các polypeptides liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp, điều khiển đáp ứng miễn dịch hoặc là có sự thiếu hụt đáp ứng miễn dịch thích hợp đối với một yếu tố gây bệnh của môi trường.
Yếu tố tác nhân gây bệnh
Có thể là một nhiễm khuẩn, nhiễm virus.
Một loại dị ứng nguyên từ ngoài vào hoặc nội sinh.
Một enzyme do thay đổi cấu trúc.
Các yếu tố thuận lợi có tính cách phát động gây bệnh
Cơ thể suy yếu do bất thường về dinh dưỡng và chế độ ăn uống, hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm khuẩn nặng.
Các yếu tố tâm lý, các stress, các trạng thái cơ thể (thai nghén, mãn kinh, dùng thuốc ngừa thai …), các rối loạn nội tiết.
Môi trường khí hậu lạnh và ẩm kéo dài.
Sau phẫu thuật.
Cơ chế sinh bệnh
Những kiến thức mới về miễn dịch học và sinh học phân tử đã làm sáng tỏ hơn cơ chế sinh bệnh viêm khớp dạng thấp.
Khởi đầu, tác nhân gây tác động vào cơ thể đã có sẵn cơ địa thuận lợi và những yếu tố di truyền dễ tiếp nhận, tác nhân này làm thay đổi tính kháng nguyên của màng hoạt dịch khớp, sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, rồi cũng chính kháng thể này trở thành tác nhân (kháng nguyên IgG) kích thích cơ thể sinh ra một số kháng thể chống lại nó, gọi là tự kháng thể IgM anti IgG, kháng thể lúc đầu (kháng nguyên IgG) và tự kháng thể (IgM anti IgG) với sự có mặt của bổ thể kết hợp với nhau trong dịch khớp tạo thành những phức hợp kháng nguyên kháng thể.
Những phức hợp kháng nguyên kháng thể này được thực bào bởi bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào. Sau đó các bạch cầu này sẽ bị phá hủy bởi chính các men tiêu thể mà chúng giải phóng ra để tiêu các phức hợp kháng nguyên kháng thể nêu trên.
Sự hiện diện của phức hợp kháng nguyên kháng thể, và hiện tượng thực bào, tác động đến tất cả các hoạt động sinh học: hệ bổ thể nhất là từ C1 đến C6 hoạt hóa hệ Kinin, hệ tiêu Fibrin, hệ đông máu phối hợp với các Cytokinines của tế bào lympho T sinh ra collagen và transin-stromalysin gây biến đổi và tạo quá trình viêm, cũng như sinh các proteoglycan ở khớp về tác động hủy xương dưới sụn và hủy sụn. Các mô ở khớp tăng sinh tổng hợp Kinin, Prostaglandine, yếu tố Hagemen là các yếu tố tích cực gây nên hiện tượng viêm.
Các bạch cầu đa nhân trung tính tập trung trong dịch khớp, các tế bào nội mạc điều chỉnh hoạt động đông máu, tiêu Fibrin và tiết dịch cũng như giải phóng các phần tử dính mạch máu, và các tế bào đại thực bào sau khi thực bào giải phóng các chất trung gian…gây nên một hiện tượng viêm đặc trưng của viêm khớp dạng thấp.
Nhìn một cách tổng thể thì lympho T là tác nhân điều hành chủ yếu của đáp ứng miễn dịch và các cytokines có vai trò bản lề trong điều hòa các đáp ứng miễn dịch trong một khởi phát viêm, cũng như duy trì màng hoạt dịch của viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra còn có vai trò của Interleukin, Interferon, nồng độ RNA thông tin cho sự tổng hợp Interleukin tác động đến việc tăng tiết Prostaglandine E2, Thromboxan trong viêm khớp dạng thấp.
Tổn thương bệnh học
Tổn thương bệnh lý đầu tiên trong bệnh viêm khớp dạng thấp là sự hoạt hóa và sự thương tổn các tế bào nội mạc của các vi mạch máu màng hoạt dịch, điều đó gợi ý yếu tố gây bệnh hoặc khởi phát hiện đến màng hoạt dịch bằng đường mạch máu.
Tổn thương căn bản của bệnh viêm khớp dạng thấp là hiện tượng viêm không đặc hiệu của màng hoạt dịch bao gồm:
Tăng sinh tế bào hình lông và lớp liên bào phủ gây dày màng hoạt dịch.
Giãn mạch và phù nề màng hoạt dịch.
Lắng đọng chất tơ huyết ở màng trên tế bào hình lông hoặc dưới lớp liên bào phủ.
Thâm nhập nhiều lymphocyte và plasmocyte, có khi tạo thành những đám dày đặc, gọi là nang dạng thấp.
Phần màng hoạt dịch bám vào phần đầu xương chỗ tiếp giáp với sụn gọi là màng máu (pannus) có thể xâm lấn vào xương gây nên các hình ảnh bào mòn xương trên X quang.
Các tổn thương này tuần tự qua 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Màng hoạt dịch phù nề, xung huyết, xâm nhập nhiều tế bào viêm, đặc biệt là Neutrophile.
Giai đoạn 2: Hiện tượng phù nề được thay thế bằng quá trình tăng sinh và phì đại của các tế bào hình lông và lớp liên bào phủ. Các tế bào viêm có thành phần chính là lymphocyte và plasmocyte. Quá trình tăng sinh này ăn sâu vào đầu xương dưới sụn gây nên tổn thương xương.
Giai đoạn 3: Sau một thời gian dài, tổ chức xơ phát triển thay thế cho hiện tượng viêm, dẫn đến dính khớp và biến dạng khớp.
Tổn thương bệnh học cũng có thể xảy ra ở mô dưới da, dưới hình thức “nốt thấp” đặc biệt của bệnh. Nốt thấp thường có ở khuỷu tay, mặt lưng, da đầu hoặc ở nội tạng như phổi, van tim. Tổn thương cũng có thể xảy ra ở mạch máu có đường kính nhỏ và trung bình. Mạch máu này bị viêm dẫn đến tình trạng kém dinh dưỡng ở những vùng mạch máu tận cùng như đầu chi, sinh ra tê bì, đau. Hiện tượng viêm các mạch máu hiện nay được coi là hiện tượng khởi đầu cho các “nốt thấp” về sau.
Triệu chứng lâm sàng
Đa số trường hợp bệnh bắt đầu từ từ tăng dần, nhưng có khoảng 15% bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính. Trước khi dấu hiệu khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, ra mồ hôi nhiều, rối loạn vận mạch, đau nhức và khó cử động ở khớp khi ngủ dậy. Giai đoạn này có thể dài hàng tuần hàng tháng.
Biểu hiện ở tại khớp:
Giai đoạn bắt đầu:
Vị trí ban đầu: 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm 1 khớp - trong đó 1/3 bắt đầu bằng viêm 1 trong các khớp nhỏ ở bàn tay (cổ tay, bàn ngón, đốt ngón gần), 1/3 khớp gối và 1/3 các khớp còn lại.
Tính chất: sưng đau rõ, ngón tay hình thoi, dấu hiệu cứng khớp buổi sáng thấy từ 10 - 20%. Bệnh diễn tiến kéo dài đến vài tuần vài tháng, rồi chuyển sang giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn toàn phát:
Vị trí khớp viêm: bàn tay 90%, cổ tay 90%, khớp đốt ngón gần 80%, bàn ngón 70%. Khớp gối 90%. Bàn chân 70%, cổ chân 70%, ngón chân 60%. Khớp khuỷu 60%. Các khớp khác: háng, cột sống, hàm, ức đòn hiếm gặp và thường xuất hiện muộn.
Tính chất viêm: đối xứng 95%. Sưng, đau, hạn chế vận động, ít nóng đỏ, có thể có nước ở khớp gối. Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng. Đau tăng nhiều về đêm (gần sáng). Các ngón tay hình thoi, nhất là các ngón 2, 3, 4.
Diễn biến: các khớp viêm tiến triển tăng dần và nặng dần, phát hiện thêm các khớp khác. Các khớp viêm dần dẫn đến tình trạng dính và biến dạng, bàn ngón tay dính và biến dạng, ở tư thế nửa co và lệch trục về phía trụ, khớp gối dính ở tư thế nửa co.
Triệu chứng toàn thân và ngoài khớp:
Toàn thân: gầy sút, mệt mỏi, ăn kém, da xanh nhợt do thiếu máu, rối loạn thần kinh thực vật.
Ở da và mô dưới da: 20% trường hợp bệnh nhân có những “nốt thấp” ở da và mô dưới da. Đó là những hạt hay cục nổi lên khỏi mặt da, chắc, không đau, không di động và dính vào nền xương ở dưới. Kích thước từ 5 - 20 mm đường kính. Vị trí hay gặp nhất là trên xương trụ ở gần khớp khuỷu, hoặc trên xương chày ở gần khớp gối, hoặc lưng ngón tay; mặt sau da đầu; các nơi xương lồi dưới da. Số lượng từ 1 đến vài hạt. Nốt thấp thường có cùng với giai đoạn bệnh tiến triển và có thể tồn tại hàng tuần hàng tháng. Da khô, teo và xơ nhất là các chi. Gan bàn tay, bàn chân giãn mạch đỏ hồng. Rối loạn dinh dưỡng và vận mạch có thể gây loét vô khuẩn ở chân, phù một đoạn chi, nhất là chi dưới.
Cơ, gân và bao khớp: teo cơ rõ rệt ở vùng quanh khớp tổn thương: cơ liên cốt và cơ giun bàn tay, cơ ở đùi, cẳng chân. Teo cơ là hậu quả do không vận động.
Viêm gân: Hay gặp viêm gân Achille.
Bao khớp: Có thể phình ra thành các kén hoạt dịch như ở vùng khoeo.
Nội tạng: Rất hiếm gặp trên lâm sàng.
Tim: Có thể có dấu chứng viêm màng ngoài tim.
Phổi: Có thể có dấu chứng thâm nhiễm hay tràn dịch, xơ phế nang.
Hạch: Hạch nổi to và đau ở mặt trong cánh tay.
Xương: Mất vôi, gãy tự nhiên.
Thận: Amyloid có thể xảy ra ở bệnh nhân bệnh đã tiến triển lâu ngày và có thể dẫn tới suy thận.
Thần kinh: Có thể bị viêm đa dây thần kinh ngoại biên.
Mắt, chuyển hóa:
Viêm giác mạc, viêm mống mắt thể mi.
Thiếu máu nhược sắc.
Triệu chứng cận lâm sàng
Xét nghiệm chung:
Công thức máu: hồng cầu giảm, nhược sắc; bạch cầu có thể tăng hoặc giảm.
Tốc độ lắng máu tăng.
Xét nghiệm định lượng Haptoglobin, Seromucoid và phản ứng C- Protein có thể dương tính.
Xét nghiệm miễn dịch:
Nhằm phát hiện yếu tố dạng thấp ở trong huyết thanh (tự kháng thể) đó là một globulin miễn dịch IgM có khả năng ngưng kết với globulin IgG. Nhân tố thấp hoặc yếu tố dạng thấp là tên gọi chung của một nhóm globulin miễn dịch tìm thấy trong huyết thanh và trong dịch khớp bệnh nhân. Nhân tố thấp gồm: IgM anti IgG, IgG anti IgG, IgA anti IgG. IgM anti IgG có thể xác định bằng 1 trong 2 phương pháp:
Waaler-Rose: Dùng hồng cầu người hoặc cừu tiến hành phản ứng. Waaler-Rose (+) khi ngưng kết ở hiệu giá < 1/16.
Latex: dùng hạt nhựa. Latex (+) khi < 1/32.
Yếu tố dạng thấp thường thấy ở 70 - 80% trường hợp và thường xuất hiện muộn sau khi mắc bệnh trên 6 tháng, và nó cũng xuất hiện trong một số bệnh tự miễn khác như: Lupus đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể, hội chứng Sjogren, một số bệnh nhiễm trùng.
Ngoài phản ứng ngưng kết, yếu tố dạng thấp còn được phát hiện bằng các phương pháp đo độ đục Elisa và miễn dịch phóng xạ. Với phương pháp Elisa có thể phát hiện được các yếu tố dạng thấp IgM, IgA, IgG và IgE nên nhạy hơn với phương pháp ngưng kết và đặc hiệu tới 98%.
Dịch khớp:
Lượng Mucine giảm rõ rệt, dịch khớp lỏng, giảm độ nhớt, có màu vàng nhạt.
Lượng tế bào tăng nhiều 20.000/mm3 nhất là đa nhân trung tính, thấy xuất hiện những bạch cầu đa nhân trung tính mà trong bào tương có nhiều hạt nhỏ, đó là những tế bào đã thực bào những phức tạp kháng nguyên kháng thể mà người ta gọi là những tế bào hình nho, khi tế bào hình nho chiếm trên 10% số tế bào dịch khớp thì có giá trị chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.
Lượng bổ thể trong khớp giảm.
Phản ứng Waaler-Rose, Latex có độ (+) sớm hơn và cao hơn so với máu.
Có tế bào hình nho (ragocyte hay cell rheumatoid arthritis).
Fibrinogen trong máu thường cao, là biểu hiện gián tiếp của hiện tượng viêm nhiễm.
Điện di đạm: α globulin và γ2 globulin tăng.
Sinh thiết:
Màng hoạt dịch: Trong viêm khớp dạng thấp có 5 tổn thương:
Sự tăng sinh tế bào hình lông của màng hoạt dịch.
Tăng sinh của lớp tế bào phủ hình lông, từ một lớp phát triển thành nhiều lớp.
Xuất hiện những đám hoại tử giống như tơ huyết.
Tăng sinh nhiều mạch máu tân tạo ở phần tổ chức đệm.
Thâm nhập nhiều tế bào viêm quanh các mạch máu mà chủ yếu là lympho bào và plasmocyte.
Hạch dưới da: Ở giữa là một đám hoại tử dạng tơ huyết. Xung quanh bao bọc bởi rất nhiều tế bào loại lympho bào và plasmocyte.
X quang khớp
Ở giai đoạn đầu chỉ thấy sưng mô mềm, xương mất vôi ở khoảng gần khớp. Ở giai đoạn sau có loét bờ xương, sụn khớp bị hủy, khoảng cách 2 đầu xương hẹp lại, bờ xương nham nhở, trục khớp bị lệch. Khe khớp hẹp dần rồi dính khớp. Không thấy tổn thương ở khớp đốt ngón xa.
Chẩn đoán
Dựa trên 7 tiêu chuẩn chẩn đoán ARA (Hội Thấp khớp học - Mỹ) 1987:
Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
Sưng đau kéo dài trên 6 tuần, tối thiểu 3 vị trí trong số 14 khớp: khớp ngón tay gần (2), bàn ngón tay (2), cổ tay (2), khuỷu (2), gối (2), cổ chân (2), bàn ngón chân (2).
Sưng đau 1 trong 3 vị trí: khớp bàn ngón tay gần, khớp bàn ngón và khớp cổ tay.
Sưng khớp đối xứng.
Có hạt dưới da.
Phản ứng tìm yếu tố thấp dương tính.
Hình ảnh X quang điển hình.
Chẩn đoán xác định khi có từ 4 tiêu chuẩn trở lên (4/7). Từ tiêu chuẩn 1 đến tiêu chuẩn 4 thời gian tối thiểu phải kéo dài trên 6 tuần.
Riêng ở nước ta, qua nghiên cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, Quân y viện 108 và một tỉnh phía Bắc, các tác giả rút ra đặc điểm của bệnh viêm khớp dạng thấp ở nước ta như sau:
Bệnh viêm khớp dạng thấp chiếm 20% các bệnh khớp và 5% các bệnh nội khoa nói chung trong môi trường bệnh viện. Bệnh gặp ở nữ với tỷ lệ 80 - 87%. Lứa tuổi thường gặp là 30 - 60.
Dấu hiệu cứng khớp buổi sáng gặp ở 80 - 82% bệnh nhân. Tính chất đối xứng rất thường gặp 90 - 100%.
Các khớp bị ảnh hưởng là: khớp cổ tay 80%, khớp bàn ngón tay 76%, khớp cổ chân 63%, các khớp vai và háng thường ít gặp hoặc nếu có chỉ ở giai đoạn sau.
Thay đổi dịch khớp cũng giống như tài liệu nước ngoài.
Nốt thấp chỉ gặp trên vài bệnh nhân, tỷ lệ 4 - 6% trong khi thế giới tỷ lệ này là 20 - 25%.
Nên về chẩn đoán, có tiêu chuẩn Việt Nam 1984 được phổ biến và sử dụng ở các bệnh viện phía Bắc trên 10 năm nay, gồm 6 tiêu chuẩn:
1/ Sưng đau kéo dài trên 2 tháng từ 1 khớp trở lên cho các vị trí sau: cổ tay, bàn ngón tay, khớp liên đốt gần (2 điểm).
2/ Sưng đau kéo dài trên 2 tháng từ 1 khớp trở lên cho các vị trí sau: gối, cổ chân, khuỷu tay (1 điểm).
3/ Sưng đau có tính chất đối xứng (1 điểm).
4/ Cứng khớp buổi sáng (1 điểm).
5/ Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp dương tính (1 điểm).
6/ Hình ảnh X quang thấy điển hình tổn thương ở bàn tay (bào mòn, hốc, hẹp khe khớp (1 điểm).
Tổng cộng 7 điểm. Chẩn đoán xác định khi có > 4 điểm.
Đến năm 1995, dựa trên thực tế ở Việt Nam có thể sử dụng ở những nơi không có các điều kiện làm xét nghiệm hoặc chụp X quang.
Tiêu chuẩn chẩn đoán gồm 1 tiêu chuẩn chính và 3 tiêu chuẩn phụ:
Tiêu chuẩn chính (bắt buộc, không thể thiếu):
Sưng đau kéo dài trên 6 tuần từ 4 khớp trở lên, trong đó bắt buộc có 1 trong 3 khớp ở bàn tay, có tính chất đối xứng (khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp ngón gần bàn tay hai bên).
Tiêu chuẩn phụ (có thể thiếu hoặc thay thế cho nhau):
Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
Phản ứng Waaler-Rose hay Latex dương tính.
Dấu hiệu X quang các khớp ở bàn tay có tổn thương từ giai đoạn III trở lên.
Chẩn đoán xác định khi có 1 tiêu chuẩn chính và 1 trong 3 tiêu chuẩn phụ.
Tuy nhiên tiêu chuẩn này cần sự kiểm định của thực tế.
Chẩn đoán phân biệt
Hội chứng Reiter:
Thường gặp ở nam. Bệnh nhân có viêm kết mạc, viêm đa khớp kinh niên (khớp háng, khớp gối, khớp bàn đốt, liên đốt gần …), tiểu ra mủ, tổn thương da niêm.
Viêm đa khớp trong bệnh Lupus:
Ban đỏ cánh bướm, ban dạng đĩa.
Tìm thấy tế bào LE.
Kháng thể kháng nhân dương tính với hiệu giá cao.
Theo dõi lâu ngày thấy có biến chứng nhiều nội tạng.
Thoái hóa khớp:
Giai đoạn không ổn định, có sưng, đau.
Gặp ở người lớn tuổi. Người lao động nặng tay chân lâu ngày.
Thường xảy ra ở khớp chịu lực nhiều. Không tiến triển, không cứng khớp buổi sáng (nếu có chỉ xảy ra vài phút).
X quang: có hiện tượng đậm đặc xương và mòn xương.
Dịch khớp: ít tế bào, độ nhớt tăng.
Viêm cứng cột sống:
90% gặp ở nam dưới 30 tuổi. Thường xảy ra ở cột sống, ở háng, vai, đầu gối. Không có nốt thấp dưới da.
Viêm khớp xảy ra dưới dạng cấp tính:
Cần phân biệt với thấp khớp cấp. Viêm khớp lớn ngoại biên. Di chuyển. Không để lại di chứng (thoáng qua ở khớp). Thường xảy ra ở khoảng 7 - 15 tuổi, hiếm gặp trên 30 tuổi.
Thường biến chứng ở tim, bệnh van tim.
Dự hậu
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, tiến triển kéo dài bằng những đợt cấp tính. Không tiên lượng được thời gian xảy ra các đợt cấp tính hoặc ngưng tiến triển. Các đợt ngưng tiến triển xảy ra ở giai đoạn đầu nhiều hơn. Phần lớn bệnh nhân bị hạn chế cử động khớp nhưng vẫn có thể cử động chút ít được trong sinh hoạt. Chỉ 10% trường hợp là bị tàn phế.
Các yếu tố tiên lượng xấu. Không có yếu tố riêng lẻ nào có thể tiên lượng được bệnh mà cần kết hợp nhiều yếu tố:
Tuổi già, giới nữ.
Tổn thương nhiều khớp.
Tổn thương X quang nặng và sớm.
Nốt thấp.
Yếu tố dạng thấp dương tính cao.
Yếu tố HLA DR4 dương tính.
Các biểu hiện ngoài khớp, đặc biệt là viêm mạch máu.
Tuổi thọ trung bình: Trung bình bệnh nhân viêm khớp dạng thấp giảm thọ từ 3 đến 7 năm, điều này có liên quan đến thời gian và mức độ bệnh, tuổi và giới, phương pháp điều trị và liều Corticosteroids sử dụng.
Điều trị theo y học hiện đại
Mục đích của việc điều trị là nhằm duy trì khả năng hoạt động của bệnh nhân: giảm đau, duy trì chức năng khớp, ngăn cản biến dạng khớp.
Các mục tiêu điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp
Điều trị triệu chứng: các thuốc kháng viêm và giảm đau.
Điều trị cơ bản: Các thuốc chống thấp khớp có thể cải thiện được bệnh DMARDs.
Chỉnh hình, dự phòng, phẫu thuật, phục hồi chức năng.
Điều trị các biến chứng do thuốc điều trị. (biến chứng tiêu hóa, loãng xương, nhiễm trùng).
Giải quyết các vấn đề xã hội kinh tế cho bệnh nhân.
Các biện pháp áp dụng trong điều trị
Điều trị hỗ trợ:
Giáo dục cho người bệnh và những người xung quanh hiểu về bệnh, cách tiến triển, cách dự phòng và cách sử dụng thuốc được coi là rất quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của việc điều trị.
Cần cho bệnh nhân ăn uống điều độ và nghỉ ngơi từng giai đoạn ngắn liên quan tới các giai đoạn phát triển cấp tính.
Tập luyện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng…là các biện pháp không thể thiếu trong mọi chiến lược điều trị kể cả trước đây, hiện nay và sau này. Tập luyện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.
Phẫu thuật chỉnh hình để sửa chữa các thương tổn không thể phục hồi của bệnh.
Giải quyết các vấn đề tâm lý, tình cảm xã hội cho người bệnh.
Các loại điều trị:
Điều trị triệu chứng:
Salicylates và các thuốc kháng viêm không phải là Steroids (NSAIDs). Các dược phẩm được sản xuất ngày càng nhiều với mong muốn có tác dụng kháng viêm cao nhất mà ít tác dụng phụ nhất, nhưng vẫn chưa có loại thuốc nào thật sự an toàn, và nhóm này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng đơn thuần chứ không thay đổi được diễn tiến tự nhiên của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Các Glucocorticoids: Được coi như thần dược kể từ khi được tổng hợp 1948. Nhưng sau hơn 30 năm sử dụng, từ đầu những năm 80 người ta đã nhận định được rằng tác dụng của Glucocorticoids đối với bệnh viêm khớp dạng thấp cũng chỉ là điều trị triệu chứng đơn thuần. Nếu có cũng chỉ làm thay đổi rất ít diễn tiến tự nhiên của bệnh. Chỉ định của thuốc là làm chiếc “cầu nối” trong lúc chờ đợi các thuốc điều trị cơ bản có tác dụng.
Điều trị cơ bản:
Muối vàng.
Thuốc chống sốt rét.
Hai nhóm thuốc này lúc chọn lựa để sử dụng điều trị viêm khớp dạng thấp theo quan điểm hoàn toàn khác với quan niệm về nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh hiện nay, nhưng vì tính an toàn dễ sử dụng, lại có hiệu quả cho những thể nhẹ, nên vẫn được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn ổn định và đặc biệt phối hợp với các thuốc khác trong nhóm.
Sulfasalazine: sản xuất năm 1942, hiện nay đang là loại thuốc được chọn lựa đầu tiên để điều trị cơ bản bệnh viêm khớp dạng thấp. Thuốc rất được ưa chuộng ở Anh.
D.Penicillamine: Có quá nhiều tác dụng phụ nên chỉ được chỉ định trong các trường hợp có tiên lượng nặng như: có nốt thấp, viêm động mạch, yếu tố dạng thấp dương tính cao.
Các thuốc điều hòa miễn dịch: Có tác dụng đáp ứng ức chế miễn dịch cả thể dịch và trung gian tế bào của cơ thể. Từ đầu thập niên 80, các thuốc này được coi là các thuốc trong nhóm chống thấp khớp có thể cải thiện được bệnh (DMARDs) và chiếm một vai trò quan trọng trong điều trị cơ bản của bệnh, đặc biệt là nên sử dụng sớm để ngăn chặn tổn thương hủy hoại xương và sụn của bệnh viêm khớp dạng thấp như Methotrexate, Azathioprine, Cyclosporine A.
Nguyên tắc chọn lựa điều trị viêm khớp dạng thấp hiện nay:
Sử dụng ngay từ đầu những thuốc có thể ngăn chặn được sự hủy hoại xương và sụn có thể thay đổi được diễn tiến của bệnh: dùng các thuốc chống thấp khớp có thể cải thiện được bệnh.
Điều trị triệu chứng đồng thời với điều trị cơ bản và giảm dần thuốc điều trị triệu chứng khi thuốc điều trị cơ bản có hiệu quả.
Các thuốc điều trị cơ bản có thể sử dụng lâu dài nếu không có tác dụng phụ. Và ngoài ra ngay từ đầu có thể áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ song song.
Hướng điều trị trong tương lai:
Ngoài các biện pháp điều trị hỗ trợ tiếp tục được nghiên cứu, các điều trị tương lai sẽ tập trung vào:
Can thiệp trực tiếp vào các lympho T bằng cách dùng vaccin đối với thụ thể của lympho T.
Can thiệp vào các kháng thể đơn dòng.
Cải tạo môi trường sống.
Can thiệp vào gen (DNA) tức cải thiện cơ địa người bệnh và loại trừ nguyên nhân gây bệnh.
Quan niệm y học cổ truyền
Bệnh danh theo y học cổ truyền
Triệu chứng bệnh lý của viêm khớp dạng thấp theo y học hiện đại nêu trên cũng được mô tả trong phạm vi các bệnh chứng của y học cổ truyền như:
Chứng tý: Tam tý, Ngũ tý, Chu tý.
Lịch tiết phong, hạc tất phong.
Chứng tý là một trong những chứng chủ yếu của y học cổ truyền, Tý đồng âm với Bí, tức bế tắc lại không thông. Tý vừa được dùng để diễn tả biểu hiện của bệnh như là tình trạng đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt … ở da thịt, khớp xương, vừa được dùng để diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết.
Nguyên nhân và bệnh sinh
Chủ yếu là do 2 nhóm nguyên nhân Ngoại cảm và Nội thương.
Nhóm Ngoại cảm đơn thuần do 3 thứ tà khí Phong, Hàn, Thấp lẫn lộn đến xâm nhập vào cơ thể. Các tà khí này gây rối loạn sự vận hành khí huyết, làm cho khí huyết bế tắc, lưu thông không điều hòa mà sinh bệnh. Các tà khí này lại bị tắc lưu lại ở kinh lạc hoặc tạng phủ gây sưng, đau, nhức, tê buồn, nặng, mỏi ở một vùng cơ thể hay các khớp xương.
Nhóm Ngoại cảm phối hợp với Nội thương gây bệnh: Điều kiện để 3 khí tà Phong, Hàn, Thấp gây bệnh được là cơ thể có Vệ khí suy yếu, hoặc có sẵn Khí huyết hư, hoặc tuổi già có Can thận hư suy.
Ngoài ra, điều kiện thuận lợi để 3 tà khí xâm nhập gây bệnh cho cả 2 thể loại trên là sống và làm việc trong môi trường ẩm thấp, ngâm tẩm thường xuyên dưới nước, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, làm việc mệt nhọc lại bị mưa rét thường xuyên.
Dự hậu và tiên lượng
Nguyên nhân gây ra các chứng nêu trên đều do 3 tà khí Phong, Hàn, Thấp. Trời có 6 thứ khí, mà bệnh lý khớp xương đã bị 3 thứ khí làm bệnh, tất nhiên là bệnh nan trị, vì Phong thì đi nhanh, Hàn thì vào sâu, mà Thấp thì ướt đẫm và ứ đọng.
Tà khí còn ở ngoài bì phu thì bệnh còn nhẹ, dễ phát tán, thuộc phần dễ trị.
Tà khí đã thâm nhập vào nội tạng làm cho tạng khí suy kiệt, thuộc phần bất trị.
Tà khí vào khoảng gân xương, không còn ngoài bì phu cũng chưa vào nội tạng, thuộc phần khó trị.
Theo sách Tố Vấn Nội kinh: chứng Tý phạm thẳng vào Tạng sẽ chết, nếu lưu niên ở gân xương thì lâu khỏi, nếu chỉ ở khoảng bì phu thì chóng khỏi.
Điều trị theo y học cổ truyền
Viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp tính:
Phép trị: Thanh nhiệt khu phong, hóa thấp.
Bài Bạch hổ quế chi thang gia vị gồm Thạch cao 40g, Quế chi 6g, Tri mẫu 12g, Hoàng bá 12g, Thương truật 8g, Kim ngân 20g, Tang chi 12g, Phòng kỷ 12g, Ngạnh mễ 12g, Cam thảo 8g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc |
Tác dụng y học cổ truyền |
Vai trò |
Thạch cao |
Thanh Dương minh kinh nhiệt. |
Quân |
Quế chi |
Ôn kinh thông mạch |
Thần |
Tri mẫu |
Thanh nhiệt lương huyết, nhuận táo |
Thần |
Hoàng bá |
Thanh nhiệt giải độc |
Tá |
Thương truật |
Ôn trung hóa đàm |
Tá |
Kim ngân |
Thanh nhiệt giải độc |
Tá |
Tang chi |
Trừ phong thấp, thông kinh lạc |
Tá |
Phòng kỷ |
Trừ phong, hành thủy, tả thấp nhiệt |
Tá |
Ngạnh mễ |
Ôn trung hòa vị |
Tá |
Cam thảo |
Giải độc. Điều hòa các vị thuốc. |
Sứ |
Nếu có nốt thấp hoặc sưng đỏ nhiều gia thêm Đan bì 12g, Xích thược 8g, Sinh địa 20g. Bạch hổ thang vốn là bài thuốc thanh nhiệt ở khí phận, nhiệt tà thịnh ở kinh Dương minh. Dương minh thuộc Vị, quan hệ với Tỳ chủ cơ nhục bên ngoài, nên có biểu hiện: sốt, phiền táo khát, mồ hôi ra nhiều, các khớp xương cơ nhục sưng nóng đỏ, mạch phù hoạt. Nên dùng bài thuốc này là lúc bệnh đại nhiệt, lấy mạch hồng sác hoặc phù hoạt, còn nếu có kèm theo sợ lạnh, không có mồ hôi hoặc sốt mà không khát, hoặc ra mồ hôi mà sắc mặt trắng bệch, hoặc mạch tuy hồng đại mà ấn sâu thấy hư, thì không dùng bài thuốc này, hoặc nếu dùng phải gia thêm các thuốc Dưỡng âm.
Bài Quế chi thược dược tri mẫu thang gồm Quế chi 8g, Ma hoàng 8g, Bạch thược 12, Phòng phong 12g, Tri mẫu 12g, Kim ngân 16g, Bạch truật 12g, Liên kiều 12g, Cam thảo 6g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc |
Tác dụng y học cổ truyền |
Vai trò |
Quế chi |
Ôn kinh thông mạch, giải biểu |
Quân |
Bạch thược |
Liễm âm dưỡng huyết |
Thần |
Tri mẫu |
Thanh nhiệt chỉ khát nhuận táo |
Tá |
Bạch truật |
Kiện vị, hòa trung, táo thấp |
Tá |
Ma hoàng |
Phát hãn, giải biểu |
Quân |
Phòng phong |
Phát biểu, trừ phong thấp |
Tá |
Kim ngân hoa |
Thanh nhiệt giải độc |
Tá |
Liên kiều |
Thanh nhiệt giải độc |
Tá |
Cam thảo |
Ôn trung hòa vị |
Sứ |
Nếu các khớp sưng đau kéo dài, sốt nhẹ, nhiều mồ hôi, miệng khô lưỡi đỏ, mạch tế sác. Đó là thấp nhiệt thương âm, thì phương pháp chính là bổ âm thanh nhiệt, mà phụ là khu phong trừ thấp. Vẫn dùng các bài thuốc nêu trên, bỏ Quế chi gia thêm các vị thuốc dưỡng âm thanh nhiệt như Sinh địa, Huyền sâm, Địa cốt bì, Sa sâm, Miết giáp, Thạch hộc…
Dùng thuốc đắp bó ngoài khớp sưng: Ngải cứu, Dây đau xương, Lưỡi hổ. Giã nát, sao lên với dấm đắp hoặc bó ngoài khớp sưng. Hoặc Ngải cứu, Râu mèo, Gừng. Giã nát sao với rượu đắp lên khớp sưng.
Châm cứu: Châm các huyệt quanh hoặc lân cận khớp sưng đau. Toàn thân: châm Hợp cốc, Phong môn, Huyết hải, Túc tam lý, Đại chùy.
Viêm khớp dạng thấp đợt mạn tính
Các khớp còn sưng đau, nhưng hết đỏ, hết sốt. Các khớp dính, cứng khớp hoặc biến dạng, teo cơ.
Phép trị: Khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp, tán hàn.
Bài Độc hoạt tang ký sinh thang gồm Độc hoạt 12g, Ngưu tất 12, Phòng phong 12g, Đỗ trọng 12g, Tang ký sinh 12g, Quế chi 8g, Tế tân 8g, Thục địa 12g, Tần giao 8g, Bạch thược 12g, Đương quy 8g, Cam thảo 6g, Đảng sâm 12g, Phục linh 12g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc |
Tác dụng y học cổ truyền |
Vai trò |
Độc hoạt |
Khử phong thấp, giải biểu tán hàn |
Quân |
Tế tân |
Tán phong hàn, hành khí khai khiếu |
Quân |
Thục địa |
Bổ huyết, bổ thận |
Thần |
Đương quy |
Dưỡng huyết, hoạt huyết |
Thần |
Xuyên khung |
Hành khí hoạt huyết, trừ phong chỉ thống |
Thần |
Phòng phong |
Phát biểu, trừ phong thấp |
Tá |
Tang ký sinh |
Thanh nhiệt lương huyết, trừ thấp |
Tá |
Ngưu tất |
Thanh nhiệt, trừ thấp |
Tá |
Tần giao |
Trừ phong thấp, thi cân hoạt lạc |
Tá |
Bạch thược |
Dưỡng huyết, chỉ thống |
Tá |
Đỗ trọng |
Bổ Can thận, mạnh gân cốt |
Tá |
Quế chi |
Ôn kinh thông mạch |
Tá |
Phụ tử |
Ôn kinh, Trừ phong thấp |
Tá |
Cam thảo |
Ôn trung, hòa vị |
Sứ |
Châm cứu:
Tại chỗ, châm các huyệt quanh hoặc lân cận khớp sưng đau. Toàn thân: Hợp cốc, Phong môn, Túc tam lý, Huyết hải, Đại chùy.
Xoa bóp:
Tại các khớp bằng các thủ thuật ấn, day, lăn, véo các khớp và cơ quanh khớp.
Vận động: vừa xoa bóp vừa tập vận động khớp theo các tư thế cơ năng từng bước, động viên bệnh nhân chịu đựng và tập vận động tăng dần.
Viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm
Chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Viêm khớp chưa quá 6 tháng. Khớp có viêm, có sưng, có đau nhức nhưng không nóng đỏ. Trên lâm sàng, nếu triệu chứng bệnh lý khớp thiên về Phong, về Hàn hay về Thấp mà có cách dùng thuốc khác nhau.
Thể Phong tý:
Đau nhiều khớp, đau di chuyển chạy từ khớp này sang khớp khác. Sợ gió, rêu lưỡi trắng, mạch phù.
Phép trị: Khu phong là chính, tán hàn trừ thấp là phụ, kèm hành khí hoạt huyết.
Bài thuốc Phòng phong thang gia giảm gồm Phòng phong 12g, Bạch thược 12g, Khương hoạt 12g, Đương quy 12g, Tần giao 8g, Cam thảo 6g, Quế chi 8g, Ma hoàng 8g, Phục linh 8g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc |
Tác dụng y học cổ truyền |
Vai trò |
Phòng phong |
Phát biểu, trừ phong thấp |
Quân |
Đương quy |
Bổ huyết, dưỡng huyết |
Thần |
Xích linh |
Hành thủy, lợi thấp nhiệt |
Quân |
Hạnh nhân |
Nhuận tràng thông tiện, ôn phế |
Tá |
Tần giao |
Trừ phong thấp, thư cân hoạt lạc |
Tá |
Hoàng cầm |
Thanh nhiệt giải độc |
Tá |
Cát căn |
Giải biểu, sinh tân dịch |
Tá |
Khương hoạt |
Phát biểu, tán phong, trục thấp |
Quân |
Quế chi |
Ôn kinh thông mạch |
Tá |
Cam thảo |
Ôn trung, hòa vị |
Sứ |
Có bài không dùng Khương hoạt mà lại dùng Độc hoạt và Ma hoàng.
Bài Quyên tý thang gồm Khương hoạt 20g, Phòng phong 16g, Khương hoàng 12g, Chích thảo 10g, Đương quy 16g, Xích thược 16g, Hoàng kỳ 16g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc |
Tác dụng y học cổ truyền |
Vai trò |
Khương hoạt |
Phát biểu, tán phong, trục thấp |
Quân |
Phòng phong |
Phát biểu, trừ phong thấp |
Quân |
Hoàng kỳ |
Bổ khí cố biểu |
Tá |
Đương quy |
Hoạt huyết, hòa doanh |
Thần |
Khương hoàng |
Ôn trung, tán hàn |
Sứ |
Chích thảo |
Ôn trung, hòa vị |
Sứ |
Xích thược |
Liễm âm, dưỡng huyết, hoạt huyết |
Tá |
Khương hoạt để khu phong thấp ở trên, Phòng phong để khu phong, Khương hoàng để phá ứ thông kinh lạc phong tý, đau vai tay. Đương quy, Xích thược để dưỡng huyết, hoạt huyết, thông kinh lạc. Hoàng kỳ cố vệ, Cam thảo để điều hòa các vị thuốc. Hợp lại có tác dụng: Ích khí hòa doanh, khu phong thắng thấp, thông kinh hoạt lạc.
Châm cứu: Tại chỗ: châm các huyệt tại khớp sưng hoặc tại huyệt lân cận. Toàn thân: Hợp cốc, Phong môn, Phong trì, Huyết hải, Túc tam lý, Cách du.
Thể Hàn tý:
Đau dữ dội ở một khớp cố định, không lan, trời lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau. Tay chân lạnh, sợ lạnh, rêu trắng. Mạch huyền khẩn hoặc nhu hoãn.
Phép trị: Tán hàn là chính. Khu phong trừ thấp là phụ, hành khí hoạt huyết.
Bài thuốc gồm Quế chi 8g, Ý dĩ 12g, Can khương 8g, Phụ tử chế 8g, Xuyên khung 8g, Thiên niên kiện 8g, Ngưu tất 8g, Uy linh tiên 8g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc |
Tác dụng y học cổ truyền |
Vai trò |
Quế chi |
Ôn kinh, thông mạch |
Quân |
Can khương |
Ôn trung, tán hàn |
Quân |
Phụ tử chế |
Ôn thận hỏa, khử hàn thấp, giảm đau |
Thần-Sứ |
Thiên niên kiện |
Trừ phong thấp, mạnh gân xương |
Thần |
Uy linh tiên |
Khử phong thấp, thông kinh lạc, giảm đau |
Tá |
Ý dĩ |
Lợi thủy, thanh nhiệt, kiện tỳ |
Tá |
Thương truật |
Ôn trung hóa đàm |
Tá |
Xuyên khung |
Hoạt huyết chỉ thống |
Tá |
Ngưu tất |
Bổ Can, ích Thận |
Tá |
Châm cứu:
Cứu Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Tam âm giao.
Châm bổ:
Ôn châm các huyệt tại chỗ và lân cận khớp đau.
Thể Thấp tý:
Các khớp nhức mỏi, đau một chỗ cố định, tê bì, đau các cơ có tính cách trì nặng xuống, co rút lại, vận động khó khăn. Miệng nhạt, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoãn.
Phép trị: Trừ thấp là chính. Khu phong, tán hàn là phụ, hành khí hoạt huyết.
Bài thuốc Ý dĩ nhân thang gia giảm gồm Ý dĩ 16g, Thương truật 12g, Ma hoàng 8g, Ô dược 8g, Quế chi 8g, Huỳnh kỳ 12g, Khương hoạt 8g, Cam thảo 6g, Độc hoạt 8g, Đảng sâm 12g, Phòng phong 8g, Xuyên khung 8g, Ngưu tất 8g.
Phân tích bài thuốc:
Vị thuốc |
Tác dụng y học cổ truyền |
Vai trò |
Ý dĩ |
Lợi thủy, thanh nhiệt, kiện tỳ |
Quân |
Ô dược |
Thuận khí, ấm trung tiêu |
Quân |
Thương truật |
Ôn trung hóa đàm |
Tá |
Hoàng kỳ |
Bổ khí, cố biểu, tiêu độc |
Thần |
Ma hoàng |
Phát hãn, giải biểu |
Thần |
Cam thảo |
Ôn trung, hòa vị |
Sứ |
Quế chi |
Ôn kinh, thông mạch |
Thần |
Đảng sâm |
Bổ tỳ, kiện vị, ích khí |
Tá |
Khương hoạt |
Phát biểu, tán phong, trục thấp |
Tá |
Xuyên khung |
Hành khí hoạt huyết, trừ phong, chỉ thống |
Tá |
Độc hoạt |
Trừ phong thấp, chỉ thống, giải biểu |
Tá |
Phòng phong |
Phát biểu, trừ phong thấp |
Tá |
Ngưu tất |
Bổ Can, ích Thận, cường cân, tráng cốt |
Tá |
Châm cứu:
Tại chỗ, châm các huyệt quanh khớp sưng đau và lân cận. Toàn thân: Túc tam lý, Tam âm giao, Tỳ du, Thái khê, Huyết hải.
Điều trị duy trì đề phòng viêm khớp dạng thấp tái phát
Bệnh do các yếu tố Phong, Hàn, Thấp nhân lúc Vệ khí hư mà xâm nhập, trong cơ thể có sẵn âm hư mà gây bệnh. Khi bệnh đã phát ra, tình trạng âm hư huyết nhiệt càng nhiều, Can Thận hư không nuôi dưỡng cân, xương được tốt là điều kiện để Phong, Hàn, Thấp xâm nhập mà gây tái phát bệnh. Nên khi bệnh tạm ổn, nên tiếp tục dùng phép Bổ can thận, lương huyết, khu phong trừ thấp.
Bài Độc hoạt tang ký sinh thang gia Phụ tử chế (xem viêm khớp dạng thấp đợt mạn) gồm Độc hoạt 12g, Ngưu tất 12g, Phòng phong 12g, Đỗ trọng 12g, Tang ký sinh 12g, Quế chi 8g, Tế tân 8g, Thục địa 12g, Tần giao 8g, Bạch thược 12g, Đương quy 8g, Cam thảo 6g, Đảng sâm 12g, Phụ tử chế 6g, Phục linh 12g.
Phụ phương: Bài Tam tý thang là bài Độc hoạt tang ký sinh thang bỏ vị Tang ký sinh, gia Hoàng kỳ, Tục đoạn và Gừng tươi, để dùng chữa viêm khớp dạng thấp biến chứng cứng khớp, chân tay co quắp.
Bài viết cùng chuyên mục
Rối loạn kinh nguyệt: sinh lý bệnh và cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền
Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt về thời gian, tần số và lượng máu mất trong ngày hành kinh, cùng với những triệu chứng khác kèm theo.
Y học cổ truyền nhiễm trùng tiết niệu (đông y)
E. Coli chiếm 80% trong các nhiễm trùng tiểu không do thủ thuật niệu khoa, không do bất thường giải phẫu học hệ niệu và không do sỏi.
Y học cổ truyền huyết áp thấp (đông y)
Chứng huyết áp thấp do bất kỳ nguyên nhân nào, theo y học cổ truyền đều thuộc chứng Hư, Nhẹ thì do Tâm dương bất túc, Tỳ khí suy nhược, nặng thì thuộc thể Tâm.
Y học cổ truyền viêm thận tiểu cầu thận cấp tính
Viêm thận cấp tính không phải do các nguyên nhân viêm nhiễm trực tiếp kể trên gây nên, mà là sau viêm nhiễm do phản ứng miễn dịch phức hợp giữa kháng nguyên.
Y học cổ truyền xơ vữa động mạch
Trong một thời gian dài, tiến triển của xơ vữa động mạch rất yên lặng, không triệu chứng và đơn thuần chỉ là những thay đổi về giải phẫu.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: nhiệt kết đại trường
Nhiệt tà có tính chất tổn khí và hao tân dịch, do đó sẽ ảnh hưởng đến chức năng truyền tống của phủ Đại trường cũng như hao tổn âm dịch của phủ Đại trường.
Y học cổ truyền tai biến mạch não
Về tạng phủ mắc bệnh, các học giả Đông y đều cho rằng sách Nội kinh nói Đại nộ tắc hình khí tuyệt mà huyết tràn lên trên, và “huyết khí cùng thượng nghịch.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: thấp nhiệt đại trường
Tính chất nhiệt tà làm tổn khí và hao tân dịch. Tính chất của Nhiệt tà làm trở trệ khí, Khi 2 yếu tố này liên kết nhau thì 1 yếu tố gây bạo chú, ói ỉa, 1 yếu tố gây trở trệ như mót rặn.
Y học cổ truyền viêm loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày tá tràng là một bệnh khá phổ biến, với chừng 5 - 10% dân số có viêm loét dạ dày tá tràng trong suốt cuộc đời mình và nam giới hay gặp gấp 4 lần nữ giới .
Y học cổ truyền viêm đa dây thần kinh (đông y)
Phần lớn các trường hợp là tổn thương sợi trục dẫn đến bệnh cảnh rối loạn cảm giác, hoặc rối loạn cảm giác vận động, rất hiếm khi chỉ biểu hiện rối loạn vận động.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: hội chứng nhiệt nhập tâm bào
Tâm bào lại là ngoại vệ của Tâm, bảo vệ cho Thiếu âm quân hỏa, Do đó, dù ngoại tà là loại gì, khi vào đến quyết âm gây bệnh thì hội chứng của nó sẽ biểu hiện mang thuộc tính của phong, của Hỏa.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: can đởm thấp nhiệt
Đau vùng hông sườn hoặc các triệu chứng ở bộ phận sinh dục, vùng quản lý của Can mang tính chất Thấp và Nhiệt.
Y học cổ truyền xơ gan (đông y)
Hình ảnh lâm sàng của xơ gan xuất phát từ những thay đổi hình thái học sẽ phản ảnh mức độ trầm trọng của tổn thương hơn là nguyên nhân của các bệnh đưa tới xơ gan.
Y học cổ truyền nhược năng tuyến giáp (viêm tuyến giáp Hashimoto)
Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của nó là tinh thần uất ức kéo dài, tình chí thất thường, can mất điều hoà dẫn đến can khí uất kết, khí trệ huyết ứ.
Tiết niệu kết thạch (sỏi hệ thống tiết niệu)
Xét nghiệm nước tiểu có vi khuẩn niệu, tế bào mủ; định lượng can - xi niệu, systin niệu, axit uric niệu và tồn cặn oxalat, phosphat... Nếu có protein niệu là có viêm thận - bể thận.
Y học cổ truyền thiếu máu cơ tim
Bệnh cơ tim thiếu máu có thể xuất hiện với bệnh cảnh đau ngực (với rất nhiều mức độ khác nhau) hoặc không có biểu hiện lâm sàng.
Thống kinh: điều trị bằng y học cổ truyền
Đau bụng kinh là sự ngăn trở vận hành khí và huyết. Vì kinh nguyệt là do huyết hóa ra, huyết lại tùy vào khí để vận hành, do đó khi khí huyết hòa thuận, sung túc thì không gây đau bụng khi hành kinh.
Phế nham (ung thư phế quản)
Phế nham thời kỳ sau: dùng các thuốc tây y không hiệu qủa; điều trị thuốc Trung y lại thấy không ít bệnh nhân tiến triển đột biến tốt, thời gian sống thêm tương đối dài.
Bế kinh: điều trị bằng y học cổ truyền
Phần nhiều là âm huyết bất túc, huyết hư do mất máu nhiều, đổ mồ hôi trộm, phòng lao, sinh đẻ nhiều hoặc Tỳ Vị hư yếu nên không sinh huyết hoặc trùng tích.
Y học cổ truyền bệnh tiểu đường (đông y)
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường rất khác nhau bởi nó phụ thuộc vào các yếu tố: địa lý, chủng tộc, lứa tuổi, mức sống, thói quen ăn uống sinh hoạt và tiêu chuẩn chẩn đoán.
Bệnh học thận bàng quang
Con người mới sinh ra đầu tiên là nhờ tinh khí tiên thiên mà sống và phát triển. Do đó Thận chủ tiên thiên.
Kinh nguyệt ít: điều trị bằng y học cổ truyền
Tạng Thận khai khiếu ở tiền âm, hậu âm lại là chủ tể của cơ quan sinh dục, cho nên khi các chức năng của các tạng trên rối loạn đều có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Đởm lạc kết thạch, cảm nhiễm (sỏi và viêm đường dẫn mật)
Sỏi đường mật cần được chẩn đoán phân biệt với u đầu tuỵ, viêm tuỵ mạn thể tắc mật, ung thư bóng Vater, viêm vi quản mật tiên phát và những trường hợp hoàng đản.
Y học cổ truyền liệt mặt nguyên phát (đông y)
Sau khi rời thân não, dây thần kinh mặt, có kèm theo dây phụ Wrisberg, động mạch và tùng tĩnh mạch, chạy xuyên qua xương đá trong một ống xương: vòi Fallope.
Bì phu nham (ung thư da)
Bì phu nham phát sinh và phát triển chủ yếu là do hỏa độc ngoại xâm tỳ trệ mất kiện vận, thấp trọc nội sinh dẫn đến khí trệ hỏa uất