Y học cổ truyền động kinh (đông y)

2013-07-26 12:09 PM

Đặc điểm chủ yếu của bệnh là lên cơn đột ngột, ngắn và tái phát nhiều lần, có những rối loạn về ý thức, cảm giác và chức năng thần kinh thực vật, giữa 2 cơn hoạt động của cơ thể là bình thường.

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Động kinh là một loại bệnh thần kinh thường gặp và khó trị. Triệu chứng lâm sàng của bệnh rất đa dạng, có những biểu hiện từng cơn về rối loạn ý thức, vận động, cảm giác, ngôn ngữ … tái phát nhiều lần, có những lúc bình thường tùy theo đặc điểm tổn thương bệnh lý của não. Tỷ lệ phát bệnh theo thống kê các nước Âu Mỹ là 2 - 7%, của Trung Quốc là 4,7%, của nước ta là 2% (báo cáo của bộ môn Thần kinh, trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh 1992). Theo giới tính thì nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ 1,7/1. Tỷ lệ phát bệnh ở những người cùng trong một gia đình có người bệnh động kinh cao hơn ở những gia đình khác là 4 - 7,2 lần. Có ít nhất 40% bệnh nhân không rõ nguyên nhân. Đa số bệnh nhân có cơn đầu tiên dưới 19 tuổi (60,6%). Bệnh động kinh làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên và là bệnh rất khó trị, cho nên là một bệnh rất cần đến sự quan tâm của giới y học chúng ta.

Với những triệu chứng chủ yếu trên lâm sàng là những cơn co giật, những cơn rối loạn về ý thức và tinh thần, tái phát nhiều lần, bệnh thuộc phạm trù các chứng “giản”, chứng “điên” trong Đông y học. 

Nguyên nhân

Theo Y học hiện đại, động kinh có thể chia làm 2 loại: động kinh là cơn động kinh do tổn thương thực thể ở não gây ra và động kinh nguyên phát (vô căn) là cơn động kinh không do hoặc chưa tìm thấy tổn thương ở não.

Theo các Y văn cổ, phát sinh bệnh chủ yếu là do sự rối loạn chức năng của các tạng Tâm, Can, Tỳ, Thận gây nên sự rối loạn tạm thời của âm dương, sinh khí nghịch, đàm ủng tắc, hỏa viêm phong động, bế lấp thanh khiếu.

Về các nguyên nhân và sự thay đổi bệnh lý có thể nhận thức như sau:

Cơ thể vốn hư

Tâm chủ huyết mạch. Do lao động, nghĩ ngợi nhiều làm tổn hao tâm huyết, tâm huyết không đủ thì thần không được nuôi dưỡng, thận hư thì can huyết kém, tỳ hư vận hóa suy giảm, tinh khí không đủ dưỡng não đều là những nguyên nhân làm cho chức năng não rối loạn sinh bệnh.

Đàm trọc ứ tụ

Do ẩm thực không điều độ, tỳ khí hư thì đàm trọc nội tụ, tình khí không điều hòa, can khí uất thì can phong động sinh cơn co giật, can khí nghịch đưa đàm lên che lấp thanh khiếu (đàm mê tâm khiếu) sinh mê man bất tỉnh.

Ngoại cảm lục dâm

Ngoại phong kích động nội phong, can phong động sinh co giật. Can khí uất, tỳ khí suy giảm (can khắc tỳ) đàm trọc nội sinh, can khí uất hóa hỏa sinh phong, phong đàm nhiễu tâm, sinh hôn mê co giật.

Huyết ứ nội tụ

Té ngã, chấn thương sản khoa gây ứ huyết nội tụ gây tắc não khí, thần chí hôn mê, huyết ứ sinh huyết hư không dưỡng can, sinh can phong nội động gây co giật.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng bệnh động kinh rất phức tạp. Y học hiện đại hiện phân làm 5 loại, tóm tắt như sau:

Cơn lớn (grand mal)

Có đặc điểm chính là co giật toàn thân và mất ý thức. Đột quỵ, cơn không định kỳ, bất tỉnh, hàm răng nghiến chặt, mắt trợn ngược, sắc mặt tái nhợt hoặc tím xạm, mũi miệng phát âm tiếng dị thường, miệng sùi bọt mép, chân tay co giật, tiêu tiểu không tự chủ, một lúc sau tỉnh lại như người bình thường, không nhớ được những gì đã xảy ra.

Cơn nhỏ (petit mal)

Mất ý thức tạm thời rồi tỉnh, chân tay không co giật.

Cơn cục bộ

Có triệu chứng cục bộ như cơn co giật cơ cục bộ hoặc cảm giác khác thường.

Cơn tâm thần vận động

Đột nhiên có cơn trạng thái tinh thần hoặc vận động bất thường.

Cơn liên tục

Cơn lớn liên tục trong một thời gian ngắn, dễ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Chẩn đoán

Đặc điểm chủ yếu của bệnh là lên cơn đột ngột, ngắn và tái phát nhiều lần, có những rối loạn về ý thức, cảm giác và chức năng thần kinh thực vật, giữa 2 cơn hoạt động của cơ thể là bình thường và không nhớ được những gì đã xảy ra.

Thường lên cơn vào những lúc tinh thần bị kích động, căng thẳng, sợ hãi, lao động quá sức, ăn uống quá đà hoặc đến kỳ hành kinh.

Điện não đồ có thể giúp phân biệt các thể bệnh.

Hỏi kỹ bệnh sử, khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm máu, phân, nước tiểu, X quang, chụp mạch máu não, CT…có thể giúp phát hiện những nguyên nhân của bệnh, giúp xác định chẩn đoán.

Dùng thuốc trị cơn động kinh thường có kết quả tốt.

Cần phân biệt động kinh với cơn đột quỵ (do tai biến mạch não) và chứng kinh phong.

Đột quỵ phải được cấp cứu mới tỉnh và sau khi tỉnh thường kèm theo liệt nửa người và các triệu chứng thần kinh khác.

Kinh phong co giật thường thân mình co cứng, lưng đòn gánh và kèm theo sốt, khó tỉnh lại bình thường.

Biện chứng luận trị

Bệnh động kinh có thể điều trị theo các thể bệnh sau:

Can phong đàm trọc

Triệu chứng chủ yếu: Trước khi lên cơn, bệnh nhân có cảm giác váng đầu, chóng mặt, ngực tức, mệt mỏi, tinh thần nôn nao, đột nhiên kêu lên và ngã gục, bất tỉnh, sắc mặt tái nhợt, hàm răng nghiến chặt, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, tay chân run giật, tiêu tiểu không tự chủ, tạm thời mất ý thức, hai mắt dại, không nói được, vật đang cầm buông rơi, chất lưỡi hồng nhạt, rêu nhầy, mạch huyền hoạt.

Phép trị: Hóa đàm, tức phong, khai khiếu, định kinh.

Bài thuốc: Định giản hoàn gia giảm.

Thiên ma, Đởm Nam tinh, Bán hạ, Trần bì, Mạch động đều 10g, Phục thần, Viễn chí, Xương bồ đều 15g, Bạch cương tàm 12g, Toàn yết 6g, Hổ phách 12g (hòa uống), đàm khó khạc gia Toàn qua lâu 30g, đàm rãi loãng trong gia Can khương 5g.

Can hỏa hạp đàm

Triệu chứng chủ yếu: Ngày thường tính tình nóng nảy, bứt rứt khó ngủ, miệng đắng, họng khô, đại tiện táo kết, lúc lên cơn ngã bất tỉnh chân tay co giật, miệng đầy nước rãi, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền sác.

Phép trị: Thanh can tả hỏa, hóa đàm, khai khiếu.

Bài thuốc: Long đởm tả can thang hợp Đạo đàm thang gia giảm.

Long đởm thảo, Đởm nam tinh, Chỉ thực, Bán hạ đều 10g, Phục thần, Viễn chí, Thạch xương bồ đều 15g, Bạch cương tàm 12g, Câu đằng 20g, Toàn yết 6g. Đại tiện táo gia sinh Đại hoàng 5g (cho sau), đàm dính gia nước Trúc lịch 10 ml hòa uống.

Huyết che thanh khiếu

Triệu chứng chủ yếu: Có tiền sử té ngã hoặc đột quỵ, đầu đau như kim đâm, vị trí thường cố định, lúc lên cơn hôn mê ngã quỵ, chân tay co giật, chất lưỡi tím thâm hoặc có ban tím, mạch sáp hoặc khẩn.

Phép trị: Hoạt huyết hóa ứ, tức phong chỉ kinh.

Bài thuốc: Thông khiếu hoạt huyết thang.

Xích thược 15g, Xuyên khung 12g, Đào nhân 10g, Thiên ma 10g, Cương tàm 20g, Toàn yết 6g, Ngô công 4 con, Đơn sâm 20g. Đại tiện táo gia sinh Đại hoàng 5g (cho sau), đàm nhiều gia Đởm nam tinh 12g.

Can thận âm hư

Triệu chứng chủ yếu: Thời gian mắc bệnh đã lâu, lưng đau gối mỏi, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ nhiều mộng, trí nhớ giảm sút, hồi hộp bứt rứt, lòng bàn chân tay nóng, miệng lưỡi khô táo, đại tiện bón, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.

Phép trị: Tư thận dưỡng can, tiềm dương, tức phong.

Bài thuốc: Đại định phong châu thang gia giảm.

Sinh địa 30g, Mạch môn 12g, A giao 10g (hòa tan uống), Kê tử hoàng 1 cái, Quy bản (tẩm giấm) 30g, sinh Mẫu lệ 20g, Miết giáp (tẩm giấm) 30g, Bạch thược 15g, Ngũ vị tử 10g, Hỏa ma nhân 10g. Bứt rứt, người nóng gia Long đởm thảo 10g, Đăng tâm thảo 3g, ăn kém tiêu gia Sơn tra, sao Mạch nha, Thần khúc đều 10g.

Vị hư nhược

Triệu chứng chủ yếu: Động kinh kéo dài đã lâu, người bệnh mệt mỏi, sắc mặt xạm, hoa mắt chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng, chất lưỡi hồng nhạt, mạch tế nhược.

Phép trị: Kiện tỳ ích khí, hòa vị giáng nghịch.

Bài thuốc: Lục quân tử thang gia vị.

Đảng sâm 15g, Bạch truật 12g, Phục linh 20g, Bán hạ 10g, Quất hồng 10g, Sinh long 30g, Mẫu lệ 30g, Câu đằng 30g, Cương tàm 15g, Cam thảo 6g. Đàm nhiều gia Thạch xương bồ 12g, Đởm nam tinh 12g, Viễn chí 6g, nôn ói bụng đầy gia Chỉ xác 10g, Trúc nhự 6g.

Tâm huyết hư suy

Triệu chứng chủ yếu: Người bệnh vốn hụt hơi, hồi hộp, mất ngủ, nhiều mộng, váng đầu hay quên, miệng đắng họng khô, lúc lên cơn tinh thần bối rối, đi lại vu vơ, miệng nói lẩm nhẩm hoặc hưng phấn bực bội, không nhận ra là ai, chất lưỡi nhạt, mạch tế sác.

Phép trị: Dưỡng huyết an thần, bình can tức phong.

Bài thuốc: Toan táo nhân thang hợp Cam mạch đại táo thang gia giảm.

Toan táo nhân, Phục thần, Sinh địa, Tiểu mạch đều 30g, Đương quy 12g, Đảng sâm 12g, Cam thảo 12g, Đại táo 10 quả, Hoàng liên 6g, co giật nhiều gia Toàn yết 10g, Cương tàm 15g, Ngô công 4 con, đại tiện táo gia sinh Đại hoàng 6g, Mang tiêu 10g hòa uống, Chỉ xác 10g.

Tuy trong lâm sàng điều trị bệnh thường gặp 6 thể bệnh trên đây, nhưng cũng cần tìm hiểu kỹ những nguyên nhân của bệnh một cách chính xác như bệnh động kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như di chứng của những bệnh não: viêm não, não úng thủy, tai biến mạch máu não, sán lãi ở não, chấn thương sọ não do té ngã, do sinh, do vết thương chiến tranh hoặc không rõ nguyên nhân, đều cần được xác định trong chẩn đoán để có sự kết hợp Đông Tây y trong điều trị thì kết quả mới được như mong muốn. 

Bài thuốc kinh nghiệm

Thanh nhiệt trấn kinh thang gia giảm

(Thượng Tích Xương, Tập nghiệm phương hay trị những bệnh khó, Bắc Kinh, nhà xuất bản Hoa Linh, 1990).

Thành phần: Câu đằng 12g, Chu sa 1g, Thiên trúc hoàng 5g, Long đởm thảo 9g, Sài hồ 7g, Mộc thông 3g, Hoàng liên 4g, Đăng tâm 2g, Trúc diệp 6g, Cam thảo 5g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh thể Can hỏa hạp đàm. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Ngũ sinh hoàn

(Thượng Tích Xương, Tập nghiệm phương hay trị những bệnh khó, Bắc Kinh, nhà xuất bản Hoa Linh, 1990).

Thành phần: Sinh Nam tinh, sinh Bán hạ, sinh Xuyên ô, Bạch phụ tử, Hắc đậu, lượng bằng nhau.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh chứng âm, lưỡi sắc nhợt, mạch trầm nhỏ hoặc trầm trì. Trộn nước Gừng hồ hoàn, mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần.

Long đởm tả can thang

(Lang Thất bí tàng)

Thành phần: Long đởm thảo, Sinh địa, Đương quy đều 1g, Sài hồ 3g, Trạch tả 3g, Xa tiền tử 1,5g, Mộc thông 1,5g, Hoàng cầm, Chi tử, Cam thảo.

Chỉ định và cách dùng: Thể Can hỏa đàm nhiệt. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Tả thanh hoàn

(Tiểu nhi dược chứng trực quyết)

Thành phần: Đương quy, Băng phiến, Xuyên khung, Chi tử, Đại hoàng (giấy thấm nước bọc nướng), Khương hoạt, Phòng phong lượng bằng nhau.

Chỉ định và cách dùng: Thể Can hỏa uất, khó ngủ dễ giật mình. Tán thành bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 1/2 đến 1 hoàn (bằng viên Khiếm thực) với nước sắc Trúc diệp, cho thêm ít đường.

Đương quy long hội đoàn

(Đan Khê tâm pháp)

Thành phần: Đương quy, Long đởm thảo, Chi tử, Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm đều 30g, Đại hoàng 15g, Lô hội 15g, Mộc hương 4,5g, Xạ hương 2,5g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh thể Can Đởm thực hỏa. Tán bột mịn, hồ hoàn hoặc mật hoàn, mỗi lần uống 6g.

Bạch kim hoàn

(Hà Thị và CS. Tạp chí nội khoa Trung Hoa, 1977)

Thành phần: Bạch phàn, Uất kim lượng bằng nhau.

Chỉ định và cách dùng: Thể đàm mê tâm khiếu. Các vị thuốc tán bột mịn, dùng nước sắc Bồ kết trộn làm hoàn. Mỗi lần uống 3 - 6g, ngày uống 1 - 2 lần.

Hoàng kỳ xích phong thang

(Y lâm cải thác, quyển hạ)

Thành phần: Hoàng kỳ sống 60g, Xích thược 3g, Phòng phong 3g.

Chỉ định và cách dùng: Thể Khí hư huyết ứ. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Tả quy hoàn

(Cảnh Nhạc toàn thư, quyển 51)

Thành phần: Thục địa 250g, Sơn dược (sao) 120g, Kỷ tử, Sơn thù, Lộc giao (đập vụn, sao với Chu sa), Quy giao (đập vụn sao Chu sa), Thỏ ty tử đều 120g, Xuyên ngưu tất 90g (rửa rượu chưng chín).

Chỉ định và cách dùng: Thể Thận tinh suy. Các vị thuốc tán mịn, cùng trộn với nước cao Thục địa, trộn đều cho mật làm hoàn bằng hạt Ngô đồng, uống lúc đói với nước muối nhạt, hoặc nước sắc Cổn đàm thang 100 hạt.

Lục quân tử thang

(Thế y đắc hiệu phương, quyển 5)

Thành phần: Nhân sâm (bỏ cuốn), Chích cam thảo, Bạch phục linh, Bạch truật, Trần bì, Bán hạ, lượng bằng nhau.

Chỉ định và cách dùng: Thể Tỳ hư đàm thịnh. 

Dùng bột thô mỗi lần 5g, sắc với 150 ml nước, còn 100 ml, uống bất kỳ lúc nảo.

Tư âm ninh thần thang

(Y học nhập môn).

Thành phần: Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược, Thục địa, Nhân sâm, Phục thần, Bạch truật, Viễn chí đều 3g, Toan táo nhân 5g, Cam thảo 5g, Hoàng liên (sao rượu) 1,2g.

Chỉ định và cách dùng: Thể âm huyết dư. Thuốc trên gia thêm Sinh khương sắc uống ấm. Mỗi ngày 1 thang chia 2 lần.

Từ chu hoàn

(Bị cấp thiên kim yếu phương).

Thành phần: Thần khúc 120g, Từ thạch 60g, Chu sa 30g.

Chỉ định và cách dùng: Thể Tâm thận bất giao. Ba vị tán bột mịn, luyện mật làm hoàn bằng hạt Ngô đồng, mỗi lần uống 3 hạt, ngày uống 3 lần.

Đại bổ nguyên tiễn

(Cảnh Nhạc toàn thư).

Thành phần: Nhân sâm 3 - 6g nhiều dùng 30 - 60g, Sơn dược sao 6g, Thục địa 6 - 9g dùng nhiều 60 - 90g, Đỗ trọng 6g, Đương quy 6 - 9g (tiêu chảy không dùng), Sơn thù 3g (trường hợp sợ chua và ợ chua không dùng), Kỷ tử 6 - 9g, Cam thảo 3 - 6g. 

Chỉ định và cách dùng: Thể Khí huyết hư nhược.

Đổ nước 400 ml sắc còn 280 ml, uống nóng và lúc đói.

Tinh hương nhị trần thang

(Giản ninh Trung y nội khoa học)

Thành phần: Đại Nam tinh, Mộc hương, Trần bì, Bán hạ, Phục linh, Từ thạch anh, Cam thảo, Sinh khương.

Chỉ định và cách dùng: Thể Phong đàm. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Triệu thị đàm giản nghiệm phương

(Triệu Tâm Ba nhi khoa lâm sàng kinh nghiệm tuyển biên).

Thành phần: Thanh mông thạch 10g, Thạch quyết minh 12g, Thiên ma, Đởm Nam tinh, Cương tàm đều 6g, Thiên trúc hoàng 10g, Câu đằng 3g, Toàn yết 2,4g, Đại giá thạch 10g, Nam hồng hoa 5g, Đào nhân 3g, pháp Bán hạ 15g.

Chỉ định và cách dùng: Chứng động kinh thể đàm trọc, can phong nội động. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Triệu thị kinh giản nghiệm phương

(Triệu Tâm Ba nhi khoa lâm sàng kinh nghiệm tuyển biên)

Thành phần: Thạch quyết minh 12g, Thiên ma 6g, Thạch xương bồ 6g, Ngô công 2 con, Quảng Uất kim, Thần khúc, Tang chi đều 10g, Nam hồng hoa, Long đởm thảo 5g, Toàn yết 3g, Chu sa 1,2g (hòa uống).

Chỉ định và cách dùng: Động kinh chứng đàm nhiệt gặp u uất thì lên cơn. 

Sắc nước uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Định súc hóa phong đinh

(Cảnh Nhạc toàn thư).

Thành phần: Toàn yết 20 con, Cát cánh, Hoàng liên, Cam thảo đều 10g, Thuyền thoái, Phòng phong, Khương hoạt, Đại hoàng, Khương tàm, pháp Bán hạ đều 15g, Ma hoàng 3g.

Chỉ định và cách dùng: Thể Đàm nhiệt hạp phong. Trừ Toàn yết, tất cả tán bột thật mịn rồi cho Toàn yết vào, trộn đều, tán mịn rây. Cứ mỗi 300g thuốc cho vào 30g Chu sa, Băng phiến 10g, Ngưu hoàng 5g, Xạ hương 5g, tán bột trộn mật làm hoàn nặng 3g, mỗi lần uống 1 - 3 hoàn, ngày uống 2 lần.

Sài hồ long mẫu thang

(Thương hàn luận)

Thành phần: Sài hồ 12g, Long cốt, Hoàng cầm, Diên đơn, Nhân sâm, Quế chi (bỏ vỏ), Mẫu lệ đều 4,5g, Bán hạ 6g, Đại hoàng 6g, Đại táo 6 quả.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh, suy nhược thần kinh, rối loạn tiền đình, huyết áp cao có chủ chứng là ngực đầy tức. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Quế thược trấn giản phiến

(Trần Tuấn Ninh và CS, nghiên cứu Trung thành dược, 1982).

Thành phần: Sài hồ, Đảng sâm, Cam thảo, Bán hạ, Quế chi, Sinh khương, Hoàng cầm, Thược dược, Đại táo đều bằng nhau.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh cơn lớn và nhỏ, uống 6 viên mỗi lần, ngày uống 3 lần, cơn nhỏ giảm liều.

Tam trung thang

(Tôn Thị và CS, Cát lâm Trung y dược 1983).

Thành phần: Ngô công 2,5g, Toàn yết 7,5g, Cương tàm 15g, Uất kim 15g, sinh Thạch quyết minh 2,5g, Quy bản 2,5g, Đào nhân 10g, Thạch xương bồ 10g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh cơn lớn. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Trấn giản tán

(Tôn Thị và CS, Cát lâm Trung y dược 1983).

Thành phần: Toàn yết 50g, Bạch phàn, Nam tinh, Uất kim đều 25g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh cơn dày. Mỗi tối uống 10g, cơn nhiều mỗi sáng uống thêm 5g, trẻ nhỏ giảm liều.

Điên giản hoàn

(Lộ Vạn Nguyên, Tạp chí Trung y Liêu Ninh, 1984).

Thành phần: Chích Mã tiền tử 100g, Thiên trúc hoàng 50g, Địa long 50g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh thể phong đàm. Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn to bằng hạt đậu nành, người lớn uống 5 - 7 hoàn một lần, ngày 2 lần, 3 tháng là 1 liệu trình.

Ngưu hoàng điên giản hoàn

(Lộ Vạn Nguyên, Tạp chí Trung y Liêu Ninh, 1984).

Thành phần: Đởm tinh, Minh phàn, Cam thảo, Hổ phách, Kim bạc đều 10g, thanh Bán hạ, Bạch linh, Khô phàn, Chu sa, Uất kim đều 15g, Ngưu hoàng 5g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh thể đàm nhiệt. Tất cả tán bột mịn, trộn bột đậu xanh hồ làm hoàn, mỗi hoàn nặng 5g, mỗi lần uống 1 hoàn, ngày uống 2 lần.

Kháng giản tán

(Tiêu Nguyên, Tạp chí Trung y Hồ Bắc 1985)

Thành phần: Bạc hà 0,2g, Phòng phong, Hoàng liên, Kinh giới, Đởm nam tinh, thanh Bán hạ đều 0,3g, Kim ngân hoa 0,7g, Ba đậu (bỏ vỏ bỏ đầu) 2 hạt.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh cơn lớn.

Tất cả tán bột mịn, gia Bột mì 400g, mè 120g, nướng thành bánh nướng chia 3 lần ăn hết trong ngày, chưa khỏi tiếp tục uống.

Hùng hoàng đình giản hoàn

(Trương Hồng Hải, Tạp chí Trung y dược Thượng Hải 1987).

Thành phần: Câu đằng, chế Nhũ hương đều 25g, Hổ phách, Thiên trúc hoàng, Thiên ma, Toàn yết, Đởm nam tinh, Uất kim, Hoàng liên, Mộc hương đều 19g, Kinh giới tuệ, Minh phàn, Cam thảo đều 13g, Trân châu 2g, Băng phiến 2g, Đậu xanh 200 hạt.

Chỉ định và cách dùng: Chứng động kinh bất kỳ.

Tất cả thuốc tán bột mịn, chế thành viên bằng hạt đậu xanh. Lấy Hùng hoàng 25g và Chu sa 5g làm áo. Người lớn mỗi lần uống 4 - 6g, trẻ em 1 tuổi uống 1 - 1,5g, tùy theo tuổi lớn lên mà gia giảm, mỗi ngày 2 lần uống với nước sôi nóng. Liệu trình đối với trẻ là 1 tháng, người lớn 3 tháng.

Vương thị điên giản hoàn

(Vương Tống Khởi, Trung y dược Cát Lâm 1988).

Thành phần: Ba đậu sương 5g, Hạnh nhân 20g, Xích thạch chi, Đại giá thạch đều 50g.

Chỉ định và cách dùng: Chứng điên giản.

Ba đậu bỏ vỏ và ép hết dầu, lấy xác chế thành Ba đậu sương, trộn với các thuốc khác tán mịn, chế mật làm hoàn bằng hạt đậu đỏ. Người lớn mỗi ngày uống 3 hạt, chia làm 3 lần sau khi ăn, nếu không có phản ứng gì khó chịu thì gia lượng dần cho đến 5 viên mỗi lần. Trẻ nhỏ giảm liều. Trường hợp cơn nhiều, khoảng cách ngắn, liệu trình là 1 tháng. Cơn ít, khoảng cách dài thì liệu trình là 2 tháng.

Mã nam thang

(Trương Gia Khánh, báo Trung y Tứ Xuyên 1988).

Thành phần: Linh dương giác, Thiên Nam tinh, Toàn yết, Địa long, Xương bồ, Bán hạ, Khương tàm, Tạo giác, Thiên ma, Sài hồ, Mộc nhĩ, Mã tiền tử (hòa uống).

Chỉ định và cách dùng: Chứng động kinh.

Mã tiền tử sắc trước 90 phút, lấy ra bỏ vỏ, dùng dầu mè đốt nướng cho vàng, tán bột cất dùng, mỗi lần uống 3g. Các loại thuốc khác sắc nước uống ngày 1 lần. Thời kỳ không lên cơn, các loại thuốc đều tán bột uống, 1 liệu trình 3 tháng.

Thông mạch dụ giản hoàn

(Tăng Tuần Huy, báo tân Trung y, 1987).

Thành phần: Xích thược, Đào nhân, Xuyên khung đều 30g, Đan sâm 90g, pháp Bán hạ, sinh Nam tinh, Mông thạch nướng đều 45g, Thạch xương bồ 20g, Nhục quế 15g, Đương quy, Tử hà sa, Hoàng kỳ, Đảng sâm đều 60g, Thiên ma 50g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh do chấn thương não.

Các vị thuốc đều tán mịn, luyện mật làm hoàn nặng 10g, mỗi lần 1 hoàn, ngày uống 3 lần với nước Gừng. Trẻ em giảm liều. Liệu trình 1 tháng.

Viên bọc kháng giản trẻ em

(Khâu Tĩnh Trụ, báo Trung y Thiểm Tây 1990).

Thành phần: Nhân sâm, Bạch linh, Bán hạ, Đởm nam tinh, Thạch xương bồ đều 10g, Quất hồng 6g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh trẻ em. 

Tất cả thuốc tán mịn cho vào viên bọc. Mỗi viên 0,5g, mỗi lần uống 15 viên, ngày uống 3 lần. Co giật nhiều dùng thuốc thang.

Chỉ giản linh

(Vương Doãn Vinh, tạp chí Trung y 1986).

Thành phần: Hoàng kỳ, Hoàng tinh, Sài hồ, Xương bồ đều 10g, Tam lăng, Nga truật, Xuyên khung, Hoàng cầm đều 6g, Đơn sâm, thanh Mông thạch, sinh Mẫu lệ, Trân châu mẫu đều 15g, Nhị sửu 3g, bột Xuyên liên 3g, Ngô công 3g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh.

Các vị trên đều chế thành thuốc nước, mỗi bao có hàm lượng 2 thang thuốc. Mỗi lần uống 1/4 bao, ngày uống 2 lần, nếu cơn về đêm, uống 1/2 bao trước lúc ngủ.

Mã yết tán

(Ngô Bảo Tín, tạp chí Trung y dược Thượng Hải 1986).

Thành phần: Mã tiền tử 120g, Toàn yết, Quảng địa long, Thạch xương bồ, Chế bán hạ, Cương tàm, Nhũ hương, Một dược, sinh Cam thảo đều 40g, Đậu xanh 60g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh các thể.

Cho Mã tiền và Đậu xanh, nước vào nồi sành nấu sôi đến lúc đậu xanh nứt ra là được. Bỏ đậu xanh lấy Mã tiền tử, bỏ vỏ thái mỏng sấy khô giòn, tán bột mịn. Nhũ hương, Một dược được đặt trên miếng ngói mới, nung bỏ dầu, để nguội đập vụn. Các loại thuốc khác đều tán bột, rây kỹ, trộn đều với bột Mã tiền và Nhũ hương. Một dược xong bỏ vào lọ thủy tinh nâu đậy kín. 

Liều dùng: Trẻ em dưới 3 tuổi: uống mỗi ngày 0,5g, từ 4 - 7 tuổi: lượng mỗi ngày 0,7 - 1,2g, từ 8 - 15 tuổi: lượng mỗi ngày 1,2 - 1,8g, từ 16 tuổi trở lên: lượng mỗi ngày 1,8 - 2,4g, lượng lớn nhất không quá 3 g mỗi ngày, mỗi tối uống trước ngủ 30 phút với nước sôi ấm, người lớn có thể uống với rượu. Có thể cho thuốc vào nang nhựa để dùng, 45 ngày là 1 liệu trình. Trong liệu trình đầu còn phải phối hợp với thuốc Tây, qua liệu trình 2 dùng 1/2 liều thuốc tây, liệu trình 3 giảm 2/3 thuốc tây, liệu trình 4 ngưng thuốc tây hoàn toàn. Thời gian khống chế cơn còn phải uống tiếp trong 1 năm.

Ninh giản tán

(Trương Thịnh Dung, Học báo Trung y học viện An Huy 1982).

Thành phần: Tàm hưu, Xuyên Uất kim, Bạch phàn đều 15g, quảng Mộc hương, chế Hương phụ đều 9g, Thần sa 1,5g.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh. Lượng thuốc trên tán bột mịn chia thành 10 bao. Người lớn ngày uống 1 bao, trẻ em 1/2 liều. Cơn ban ngày uống vào buổi sáng, cơn về đêm uống vào trước lúc ngủ, một liệu trình 3 tháng.

Ninh giản tán

(Thang Thiết Thành, Trung Quốc y dược học báo, 1989).

Thành phần: Binh lang, Hắc sửu, Tạo giác đều 30g, Đại hoàng tẩm rượu 25g, chế Nam tinh 120g.

Chỉ định và cách dùng: Chứng động kinh.

Tất cả thuốc tán bột mịn, trộn thêm ít đường cát, uống vào thời kỳ không lên cơn, uống mỗi ngày vào sáng sớm lúc bụng đói, người lớn mỗi lần 6g, trẻ em 3g, lúc lên cơn cho thêm ít Xạ hương uống với nước Gừng, liều lượng như lúc không lên cơn. Liệu trình uống thuốc phải trên 1 tháng.

Gia vị Từ chu hoàn

(Vương Hồng Phạm, báo Trung y Cát Lâm 1981).

Thành phần: Nam tinh, sinh Giá thạch, Chu sa, Toàn trùng đều 100g, Bán hạ 15g, Từ thạch 10g, Ngô công 30 con, Bạch thược, Thần khúc, Cam thảo đều 200g.

Chỉ định và cách dùng: Chứng động kinh.

Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn nặng 15g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 hoàn, trẻ em giảm 1/2 liều. Liệu trình 90 ngày, thường phải uống 90 ngày đến 1/2 năm.

Gia giảm Ôn đởm thang

(Trần Phát Di, báo Y trung cấp, 1987).

Thành phần: Bán hạ, Phục linh, Trúc nhự, Trần bì, Chỉ xác, Thái tử sâm, Táo nhân, Viễn chí, Xương bồ, Cam thảo.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh có rối loạn tâm thần.

Sắc uống ngày 1 thang, 30 ngày là 1 liệu trình.

Ức giản hoàn

(Hoắc Tông Tín và CS. Tạp chí Trung y Sơn đông 1992).

Thành phần: Thiên ma 30g, Toàn yết 330g, Đơn sâm 90g, Đương quy 150g, Bằng sa 100g, Mật ong 1.000g.

Chỉ định và cách dùng: Trị chứng động kinh.

4 vị đầu sấy khô cùng với Bằng sa, tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, Chu sa làm áo, mỗi hoàn nặng 9g, mỗi lần uống 1 hoàn, ngày uống 3 lần. Uống liên tục 6 tháng là 1 liệu trình.

Viên bọc kháng giản

(Hướng Dương, Trung Quốc y dược học báo 1992).

Thành phần: Thái tử sâm, Phục linh, Thạch xương bồ, Đởm tinh, Bán hạ, Quất hồng, Chỉ xác, Trầm hương, Thanh quả, Thiên ma ...

Chỉ định và cách dùng: Tất cả tán bột mịn cho vào nang nhựa, mỗi viên có hàm lượng thuốc sống là 4,5g. Từ 1 - 3 tuổi: 4 viên, từ 4 - 6 tuổi: 5 viên, từ 7 - 10 tuổi: 8 viên, trên 10 tuổi: 10 viên, ngày uống 3 lần, nếu cơn dày đổi dùng thuốc thang, uống ngày 1 thang. Kiêng ăn những chất tanh, cay, nóng.

Hùng hoàn đình giản hoàn

(Lưu Trung Tuyển, Tạp chí Trung y Sơn Đông 1983).

Thành phần: Minh hùng hoàng, Câu đằng sao, Nhũ hương đều 25g, Hổ phách, Thiên trúc hoàng, Toàn yết, Đờm nam tinh, Uất kim, Hoàng liên, Mộc hương đều 19g, Kinh giới tuệ 13g, Chu sa 5g, Minh phàn 13g, Trân châu 2g, Cam thảo 13g, Băng phiến 2g, Đậu xanh 200 hạt.

Chỉ định và cách dùng: Động kinh.

Trừ Hùng hoàng và Chu sa, tất cả đều tán bột mịn, chế nước hoàn bằng hạt đậu xanh, dùng Hùng hoàng và Chu sa làm áo. Người lớn sáng tối mỗi lần uống 4 - 6g, trẻ 1 tuổi trở lại uống sáng tối mỗi lần 1 - 1,5g và theo tuổi mà tăng giảm.

Nghiệm phương đơn giản

Thạch xương bồ 15 - 30g, sắc uống. Trị các loại động kinh.

Viên kháng điên giản: Thanh đại 5.000g, Bằng sa 15.000g, Sơn dược 30.000g, tán bột, chế viên nặng 0,5g. Mỗi lần uống 4 - 8 viên, ngày uống 3 lần.

Bột điên giản: Uất kim 400g, Toàn yết nướng, Ngô công đều 140g, Ba đậu nấu (dấm) 50g, Hương phụ (sao dấm) 250g. Tất cả tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 3g với nước ấm lúc bụng đói. Uống xong trong 6 giờ nhịn đói.

Điều trị bằng châm cứu theo 2 thời kỳ

Lúc lên cơn:

Phép trị: Trừ đàm, khai khiếu, giải kinh, bình can tức phong.

Chọn huyệt: Bách hội, Phong phủ, Đại chùy, Hậu khê, Yêu kỳ.

Biện chứng phối huyệt: Hôn mê gia Nhân trung, Thập tuyên, Dũng tuyền; hàm răng nghiến chặt gia Hạ quan, Giáp xa; cơn về đêm gia Chiếu hải, ban ngày gia Thân mạch, cơn nhỏ phối hợp Thần môn, Nội quan, Thần đình; cơn cục bộ phối hợp Hợp cốc, Thái xung, Cự khuyết.

Cách châm: Tùy theo tình hình bệnh, mỗi lần chọn 4 - 5 huyệt, đang lúc lên cơn dùng kích thích mạnh, hết cơn có thể châm bổ hay tả tùy tình hình bệnh, châm mỗi ngày hay 2 ngày 1 lần, có thể phối hợp điện châm.

Giải thích tác dụng của huyệt: 

Bạch hội là huyệt hội các kinh dương, nơi thanh dương hội tụ nên có tác dụng tỉnh não khai khiếu.

Phong phủ thuộc Đốc mạch có tác dụng tức phong giải kinh.

Đại chùy là huyệt giao hội của 6 kinh dương tay chân với Đốc mạch, có tác dụng thanh tiết giáng nghịch.

Hậu khê là huyệt kinh nghiệm trị động kinh.

Yêu kỳ là huyệt ngoài kinh, vị trí ở mạch Đốc chuyên trị động kinh.

Ban ngày lên cơn là bệnh ở Dương kiểu nên dùng huyệt Thân mạch, ban đêm bệnh ở Âm kiểu thì huyệt Chiếu hải. Cơn nhỏ phối hợp Thần môn, Nội quan, Thần đình để an thần tỉnh não; cơn cục bộ phối hợp Hợp cốc, Thái xung để khai tứ quan điều hòa khí huyết thêm Dương lăng tuyềnđể thư cân, Tam âm giao điều khí của 3 kinh âm. Cơn tâm thần vận động dùng Phong long để thông ngực giáng đàm, Giản sử để tỉnh thần.

Lúc bệnh ổn định:

Cần phân biệt hư thực. Đối với thực chứng dùng phép tức phong hóa đàm là chính, đối với hư chứng thì lấy kiện tỳ dưỡng tâm làm chủ.

Phép châm:

Chọn huyệt:

Chứng hư: Thần môn, Nội quan, Túc tam lý, Âm lăng tuyền, Tam âm giao, Thái khê, Trung quản, Cự khuyết.

Thực chứng: Phong phủ, Đại chùy, Cưu vỹ, Phong long, Thái xung.

Tùy chứng phối huyệt:

Sau khi lên cơn, người mệt: cứu Khí hải; trí lực giảm sút, tinh thần lú lẫn: gia Thận du, Quan nguyên (cứu). Mỗi lần chọn 4 - 5 huyệt. Cưu vỹ, Cự khuyết: châm nông, kích thích nhẹ.

Tác dụng của huyệt:

Thần môn là nguyên huyệt của Tâm, dưỡng tâm an thần.

Nội quan: huyệt lạc của kinh Tâm bào thông với Âm duy mạch, lý khí thông trung tiêu.

Túc tam lý là huyệt hợp của kinh Vị, huyệt cường tráng cơ thể, có tác dụng bổ trung, cường tráng, hóa đàm lợi thấp.

Âm lăng tuyền: huyệt của kinh Tỳ, hợp dùng với Tam âm giao có tác dụng kiện tỳ hóa đàm, thông điều can thận.

Thái khê: huyệt nguyên của kinh Thận có tác dụng kiện thận bổ não.

Trung quản là mộ huyệt của Vị, hòa vị khoát đàm.

Cự khuyết: mộ huyệt của Tâm, dưỡng tâm an thần.

Cưu vỹ thuộc mạch Nhâm, giáng khí giải uất là huyệt chủ yếu trị động kinh.

Phong long, Thái xung: hóa đàm, bình can.

Phép cứu:

Chọn huyệt: Đại chùy, Thận du, Túc tam lý, Phong long, Giản sử, Yêu kỳ.

Cách cứu: Mỗi lần chọn dùng 1 - 2 huyệt, dùng cách cứu làm chủ, 30 ngày cứu 1 lần, chọn dùng thay đổi các huyệt trên, 1 liệu trình 4 lần cứu.

Điện châm:

Chọn huyệt như thể châm.

Mỗi lần chọn 1 - 2 nhóm huyệt, dùng xung điện kích thích 20 - 30 phút, cách nhật. Một liệu trình 10 lần điện châm, nghỉ 1 - 2 tuần, tùy tình hình bệnh mà tiếp tục liệu trình tiếp theo.

Thủy châm:

Chọn huyệt: Nội quan, Túc tam lý, Phong long, Tam âm giao, Đại chùy, Thận du.

Cách thủy châm: Thường dùng các loại thuốc như Vitamin B1, Vitamin B12, Becozyme hoặc các dịch chích thuốc Đông y như Sinh địa, Bổ cốt chỉ, Đương quy ... mỗi lần chích 0,5 - 1 ml, mỗi lần chọn dùng 2 - 3 huyệt, chích thuốc cách nhật, 1 liệu trình 10 lần chích.

Nhĩ châm:

Chọn huyệt: Tâm, Can, Thận, Tỳ, Vị, Thần môn, Chẫm, Thân não, Dưới vỏ não.

Cách châm: Mỗi lần chọn châm 2 - 3 huyệt, thỉnh thoảng vê kim hoặc dùng điện châm, chôn kim lưu 2 - 5 ngày.

Đầu châm: 

Tùy theo tình hình lên cơn, chọn các khu động kinh, vận động, khu cảm giác ... dùng kim 2 thốn số 28, lưu kim 30 phút, trong thời gian lưu kim, vê kim hoặc thêm điện châm tăng cường kích thích.

Thực liệu

Trong chế độ ăn chú ý thanh đạm, kiêng ăn các chất cay nóng như tiêu, ớt, chất mỡ béo, không nên ăn nhiều thịt, chú ý chế độ rau tươi trái cây, lượng vừa phải, không để no đói thất thường, kiêng các thứ uống có chất kích thích như rượu, cà phê, nước trà đậm, các loại nước ngọt …

Đậu nành 30g, nấu chín với giun đất, bỏ giun ăn đậu, ngày 1 lần.

Bào thai dê 1 bộ, nấu chín sấy khô tán bột, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần.

Óc chó 1 bộ, nấu chín ăn 2, 3 ngày 1 lần, thường dùng (3 bài thuốc này theo sách Bài thuốc Thức ăn của Diệp Quất Tuyền, NXB Khoa kỷ Giang Tô, 1980).

Điều trị động kinh cần chú ý:

Động kinh có thể do tổn thương thực thể ở não (động kinh triệu chứng) hoặc không có tổn thương não (động kinh vô căn, nguyên phát), phần lớn bệnh kéo dài rất khó trị. Tây y có nhiều loại thuốc trị triệu chứng có hiệu quả nhưng cũng chỉ là thuốc trị chứng, dùng lâu có độc cho cơ thể. Thuốc Đông y trị động kinh có trường hợp giảm hoặc khỏi (theo nhiều báo cáo trong và ngoài nước) nhưng không chắc chắn và thời gian điều trị thường là kéo dài, cho nên biết kết hợp Đông y Tây y vẫn là phép trị tốt hơn cả.

Bài viết cùng chuyên mục

Y học cổ truyền viêm phế quản (đông y)

Có thể gặp viêm phế quản cấp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là ở trẻ em và người cao tuổi. Thường gặp viêm phế quản cấp khi trời lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết đột ngột.

Y học cổ truyền huyết áp thấp (đông y)

Chứng huyết áp thấp do bất kỳ nguyên nhân nào, theo y học cổ truyền đều thuộc chứng Hư, Nhẹ thì do Tâm dương bất túc, Tỳ khí suy nhược, nặng thì thuộc thể Tâm.

Y học cổ truyền tăng huyết áp

Ở châu Âu và Bắc Mỹ tỷ lệ người lớn mắc bệnh từ 15-20%. Theo một công trình của Tcherdakoff thì tỷ lệ này là 10-20%. Ở Việt Nam tỷ lệ người lớn mắc bệnh tăng huyết áp là 6-12%.

Y học cổ truyền ung thư cổ tử cung (cổ tử cung nham)

Điều trị bệnh vừa phối hợp thuốc uống trong, vừa phối hợp dùng ngoài, nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể, phù chính, bồi bản, tiêu lưu kháng nham.

Y học cổ truyền liệt mặt nguyên phát (đông y)

Sau khi rời thân não, dây thần kinh mặt, có kèm theo dây phụ Wrisberg, động mạch và tùng tĩnh mạch, chạy xuyên qua xương đá trong một ống xương: vòi Fallope.

Y học cổ truyền thiếu máu huyết tán miễn dịch

Nguyên nhân chủ yếu là tiên thiên bất túc lại phục cảm thấp nhiệt, ngoại tà hoặc do tỳ vị hư tổn thấp trọc nội sinh, uất mà hóa ứ.

Bệnh học ngoại cảm

Bệnh ngoại cảm bao gồm tất cả các bệnh có nguyên nhân từ môi trường khí hậu tự nhiên bên ngoài; do khí hậu, thời tiết của môi trường bên ngoài trở nên thái quá.

Vị nham: ung thư dạ dày

Bản chất bệnh thuộc về bản hư tiêu thực, phương pháp trị liệu thường phải kết hợp chặt chẽ giữa phù chính với trừ tà, nhằm kéo dài đời sống.

Y học cổ truyền chứng bất lực (đông y)

Ngoài vai trò của tủy sống đáp ứng lại kích thích cường dương bằng sờ mó còn có vai trò quan trọng của não bộ trong việc điều hòa các kích thích thông qua phản xạ tủy.

Băng lậu: huyết ở âm đạo ra nhiều hoặc lai rai không dứt

Băng lậu có cùng gốc nhưng thể hiện chứng trạng có khác nhau, nếu băng lậu lâu ngày không cầm, thế bệnh nặng dần sinh ra băng.

Bệnh học can đởm

Gió và sấm sét là hiện tượng tự nhiên cùng xuất hiện. Sấm sét tượng cho quẻ Chấn, Do đó, người xưa cho là Can Đởm có quan hệ với nhau.

Y học cổ truyền nhiễm trùng tiết niệu (đông y)

E. Coli chiếm 80% trong các nhiễm trùng tiểu không do thủ thuật niệu khoa, không do bất thường giải phẫu học hệ niệu và không do sỏi.

Y học cổ truyền thiếu máu cơ tim

Bệnh cơ tim thiếu máu có thể xuất hiện với bệnh cảnh đau ngực (với rất nhiều mức độ khác nhau) hoặc không có biểu hiện lâm sàng.

Bệnh học ngoại cảm lục dâm: thấp nhiệt đại trường

Tính chất nhiệt tà làm tổn khí và hao tân dịch. Tính chất của Nhiệt tà làm trở trệ khí, Khi 2 yếu tố này liên kết nhau thì 1 yếu tố gây bạo chú, ói ỉa, 1 yếu tố gây trở trệ như mót rặn.

Hư lao: suy nhược cơ thể

Tâm quí kiên vong, huyền vựng, sắc mặt gầy bệch, khí đoản gầy gò, ngủ hay mơ, dễ tỉnh giấc,ăn không ngon miệng, hoặc bụng đau tiện lỏng, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch tế nhược.

Phân loại thuốc y học cổ truyền

Thuốc thanh nhiệt là nhóm thuốc có tác dụng thanh nhiệt giáng hoả, thanh nhiệt lương huyết và thanh nhiệt giải độc.

Thống kinh: điều trị bằng y học cổ truyền

Đau bụng kinh là sự ngăn trở vận hành khí và huyết. Vì kinh nguyệt là do huyết hóa ra, huyết lại tùy vào khí để vận hành, do đó khi khí huyết hòa thuận, sung túc thì không gây đau bụng khi hành kinh.

Bệnh học thận bàng quang

Con người mới sinh ra đầu tiên là nhờ tinh khí tiên thiên mà sống và phát triển. Do đó Thận chủ tiên thiên.

Viêm khớp phong thấp tính (viêm khớp dạng thấp tiến triển)

Bản chất bệnh là phản ứng tự kháng nguyên - kháng thể, yếu tố thấp là một IgM; yếu tố thấp chiếm đa số ổ 80% các trường hợp, còn kháng thể kháng nhân chiếm 20%.

Y học cổ truyền hen phế quản (đông y)

Có thể có triệu chứng báo hiệu hắt hơi, sổ mũi, ho khan, tức ngực, Chủ yếu khó thở thì thở ra, cơn nặng phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn có thể kịch phát hoặc liên tục.

Bệnh học ngoại cảm lục dâm: nhiệt kết đại trường

Nhiệt tà có tính chất tổn khí và hao tân dịch, do đó sẽ ảnh hưởng đến chức năng truyền tống của phủ Đại trường cũng như hao tổn âm dịch của phủ Đại trường.

Bệnh học tỳ vị

Tất cả vị khí tinh ba của ngũ tạng đều từ đó mà có, Thiên Linh Lan bí điển luận viết Tỳ Vị giã, thương lẫm chi quan, ngũ vị xuất yên..

Y học cổ truyền rối loạn hấp thu (đông y)

Tiêu phân mỡ 10 - 40 g/ngày, sinh thiết ruột non cho thấy dãn nở hệ bạch dịch và lacteat trong lớp lamina propia, các nhung mao có hình như dùi trống.

Chức năng sinh lý tạng tâm (tâm bào, phủ tiểu trường, phủ tam tiêu)

Tâm thuộc Thiếu Âm, thuộc hành Hỏa, Tâm đứng đầu 12 khí quan nên gọi là Thiếu Âm quân chủ, Tâm có Tâm âm là Tâm huyết, Tâm dương là Tâm khí, Tâm hỏa.

Tiết niệu kết thạch (sỏi hệ thống tiết niệu)

Xét nghiệm nước tiểu có vi khuẩn niệu, tế bào mủ; định lượng can - xi niệu, systin niệu, axit uric niệu và tồn cặn oxalat, phosphat... Nếu có protein niệu là có viêm thận - bể thận.