- Trang chủ
- Sách y học
- Bệnh học và điều trị đông y
- Chức năng sinh lý tạng tâm (tâm bào, phủ tiểu trường, phủ tam tiêu)
Chức năng sinh lý tạng tâm (tâm bào, phủ tiểu trường, phủ tam tiêu)
Tâm thuộc Thiếu Âm, thuộc hành Hỏa, Tâm đứng đầu 12 khí quan nên gọi là Thiếu Âm quân chủ, Tâm có Tâm âm là Tâm huyết, Tâm dương là Tâm khí, Tâm hỏa.
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Theo Kinh Dịch, tạng Tâm ứng với quẻ Ly của Hậu thiên bát quái. Quẻ Ly ở phương Nam (đối xứng với quẻ Ly ở phương Bắc là quẻ Khảm, ứng với tạng Thận).
Quẻ Ly được viết bởi 2 vạch liền (Dương) và chính giữa 1 vạch đứt (Âm), giống như cái bếp có miệng lò, gọi là LY TRUNG HƯ, cái đức của nó là sáng, là văn minh.
Quẻ Ly thuộc Hỏa, chỉ mùa hạ, Quẻ Khảm thuộc Thủy. Thủy và Hỏa là 2 dạng vật chất căn bản đầu tiên tạo nên vũ trụ cũng như sự sống của con người.
Biểu tượng của Ly là mặt trời, là lửa, là nóng, là sáng.
Tâm tượng Ly vì cùng thuộc Hỏa, mang thuộc tính của Hỏa là nóng, là sáng. Do đó, Tâm là nơi xuất phát của thần minh, sự sáng suốt minh mẫn của mỗi con người.
Theo kinh dịch, phủ Tiểu trường ứng với quẻ Kiền của Hậu thiên bát quái.
Quẻ Kiền tượng trưng cho ánh sáng rực rỡ, là sức nóng. Có nghĩa là Phủ Tiểu trường và tạng Tâm có cùng 1 tính chất với nhau, có mối quan hệ với nhau.
Quẻ Kiền lấy tượng mùa hè và báo hiệu là mùa thu sắp đến, bắt đầu cho chu kỳ âm. Do đó, nếu so sánh với quẻ Ly (Hỏa) của tạng Tâm, thì cái hỏa của Tiểu trường là do Tâm truyền qua. Quẻ Kiền là nơi âm dương tranh chấp nhưng rồi cũng xuôi theo. Ứng với quẻ Kiền, quẻ Kiền là nơi thanh dương trọc âm cùng lẫn lộn, nhưng Tiểu trường có chức năng thanh trọc, cho nên rồi thì thanh sẽ thăng mà trọc cũng giáng.
Chức năng sinh lý tạng tâm
Tâm thuộc Thiếu Âm, thuộc hành Hỏa. Tâm đứng đầu 12 khí quan nên gọi là “Thiếu Âm quân chủ”. Tâm có Tâm âm là Tâm huyết; Tâm dương là Tâm khí, Tâm hỏa.
Tâm là Quân chủ, chủ thần minh:
Thiên tà khách, sách Linh khu: “Tâm là vị đại chủ của Lục phủ ngũ tạng, là chỗ cư trú của thần minh”. Tâm là chủ thể sự hoạt động sinh mệnh của cơ thể, đứng hàng đầu trong sự hoạt động của tạng phủ. Tất cả tinh thần, ý thức và tư tưởng đều quy vào công năng của Tâm, cho nên gọi Tâm là chức vụ quân chủ nói lên tính chất trọng yếu của tâm.
Các tạng trong cơ thể phân công hợp tác dưới sự thống lĩnh của Tâm mới có thể hoạt động theo quy luật nhất định được, vì thế ảnh hưởng của Tâm đối với sinh mệnh rất lớn.
Tâm chủ thần minh:
Tâm làm chủ thể cho hoạt động tinh thần, ý thức, tư duy. Trên lâm sàng, những triệu chứng có liên quan đến thần minh như hoảng sợ, nói sảng, nói mê, cười không nghỉ… phần nhiều quy vào bệnh của Tâm.
Tâm Tàng thần:
Thiên Lục tiết tạng tượng luận sách Tố Vấn: “Tâm là nguồn gốc của sinh mệnh, là nơi biến hóa của thần”. Thần là tiếng gọi chung về hiện tượng hoạt động sống của con người (bao gồm tinh thần, ý thức, tri giác, vận động). Thần tuy có khái niệm trừu tượng nhưng lại là cơ sở vật chất nhất định. Thần do tinh tiên thiên phối hợp với tinh hậu thiên mà sinh ra. Thần được tạo ra rồi tàng trữ ở Tâm.
Thiên bản thần, sách Linh khu nói: “Cái đến cùng sự sống là tinh, hai tinh tác động lẫn nhau tạo ra thần”. Thần biểu hiện sức sống, cho nên thần thịnh hay suy đều tiêu biểu cho sức sống mạnh hay yếu. Thần còn thì sống, Thần mất thì chết. Chính vì Tâm là chủ của 12 khí quan, có đủ khả năng thống nhất lãnh đạo các tạng phủ, điều hòa hoạt động lẫn nhau nên tạng phủ mới làm tròn trách nhiệm của nó là giữ gìn sức khỏe của cơ thể. Trái lại tâm tạng có bệnh, thì sự hoạt động của các tạng phủ khác cũng sinh rối loạn, mà sinh bệnh. Linh Lan bí điểm luận sách Tố Vấn viết: “Chủ sáng suốt thì dưới yên lành, chủ không sáng suốt thì 12 khí quan suy khốn”.
Tâm khí và Tâm huyết đầy đủ thì tinh thần sáng suốt, tỉnh táo. Tâm huyết không đầy đủ sẽ sinh chứng hồi hộp, mất ngủ, hay mê, hay quên. Tâm huyết nhiệt sinh chứng mê sảng, hôn mê…
Tâm chủ huyết mạch, vinh nhuận ra mặt:
Trung tiêu bẩm thụ khí, giữ lại trấp dịch. Tâm khí biến hỏa đỏ ra gọi là huyết. (Thiên quyết khí luận, sách Linh khu). Mạch là 1 trong ngũ thể, mạch bao bọc huyết dịch chu lưu toàn thân không ngừng. Thiên Lục tiết tạng trọng luận, sách Tố Vấn nói: “Tâm là gốc của sinh mệnh, vinh nhuận ra ở mặt, làm đầy đủ ở huyết mạch”.
Huyết do Tâm làm chủ, mạch là đường ống của huyết lưu hành, Tâm với huyết mạch phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Trong sự thúc đẩy vận hành huyết dịch, Tâm và mạch hợp tác hỗ trợ cho nhau, nhưng Tâm vẫn là tác nhân chủ động. Vì thế, tuy huyết có công năng dinh dưỡng, vẫn phải nhờ sự hoạt động của Tâm mạch. Nếu công năng của Tâm được kiện toàn, huyết dịch được thịnh vượng thì sắc mặt hồng nhuận sáng láng, trái lại thì nhợt nhạt kém tươi. Nếu huyết vận hành bị trở ngại, ngưng trệ thì sắc mặt kém tươi. Nếu huyết vận hành bị trở ngại, ngưng trệ thì sắc mặt tím đen; nếu huyết ngưng đọng không lưu thông thì chẳng những sắc mặt sạm đen mà còn khô như củi nữa. Tâm chủ thần minh, Thần nhờ huyết mà tươi sáng, huyết khí thất thường thì thần minh cũng bất thường. Cho nên Tâm khí hư thì thần sút kém, buồn bã. Tâm khí thịnh thì thần khỏe mạnh, cười luôn. Hoạt động của thần minh cũng ảnh hưởng đến huyết mạch, lo buồn quá độ cũng tổn thương tâm khí.
Sự hoạt động của ngũ tạng lục phủ lại cần nhờ vào sự nuôi dưỡng của khí huyết, vì thế nói rõ được Tâm là chủ thể sự hoạt động sinh mệnh, là chỉ toàn thân.
Tâm thần Quân Hỏa:
Sức sống con người nhờ Tâm khí, Tâm huyết tưới nhuần đến mọi chỗ, không nơi nào không được hưởng sự nóng ấm ấy. Lục phủ ngũ tạng nhờ vào sự nóng ấm ấy mà phát sinh, phát triển. Hỏa của Tâm là quân Hỏa, trong khi đó Hỏa của Tâm bào, Tam tiêu của Thận đều là tướng hỏa. Tất cả nhằm bổ sung và hỗ trợ cho quân hỏa.
Tâm khai khiếu ra lưỡi:
Lưỡi và Tâm có quan hệ mật thiết với nhau. Tâm biểu hiện ra lưỡi. Lưỡi nói lên tình trạng của Tâm.
Lưỡi linh hoạt là Tâm khí tốt.
Lưỡi lệch vẹo, nói năng ngọng nghịu là Tâm thần bệnh.
Chót lưỡi thuộc Tâm.
Chót lưỡi hồng, nhuận là Tâm huyết đủ.
Chót lưỡi đỏ là tâm huyết nhiệt.
Chót lưỡi nhợt nhạt là Tâm huyết hư.
Chót lưỡi tím là Tâm huyết ứ.
Tâm có Tâm bào lạc là ngoại vệ của Tâm, bảo vệ Tâm đồng thời chấp hành mệnh lệnh của Tâm:
Thiên Tà khách sách Linh khu nói: “Tâm là vị đại chủ của Ngũ tạng lục phủ, ngoại tà không thể lọt vào được, nếu lọt vào được thì Tâm thương, Tâm bị thương thì Thần đi mất, Thần mất thì chết, cho nên mọi thứ tà khí vào đều ở Tâm bào”. Đó là nói rõ Tâm bào lạc có tác dụng bảo vệ Tâm tạng.
Những vùng trên cơ thể có liên quan đến tạng Tâm:
Do đường kinh Tâm có đi qua hoành cách mô, Tiểu trường, Phế, cổ họng, thực quản, mắt nên trong bệnh lý tạng Tâm thường xuất hiện những triệu chứng có liên quan đến mối liên hệ trên.
Quan hệ giữa Tâm với Tiểu trường là quan hệ giữa Biểu và Lý, giữa Tạng và Phủ. Thông qua sự liên hệ của kinh mạch mà Tạng và Phủ có quan hệ lẫn nhau.
Quan hệ giữa Tâm và Phế là mối quan hệ.
Vị trí cơ thể: cùng ở thượng tiêu, bệnh lý của tạng này sẽ ảnh hưởng tạng kia và ngược lại.
Công năng hoạt động: Phế chủ khí và Tâm chủ huyết. Khí và huyết là 2 dạng vật chất cơ bản cho hoạt động Tạng Phủ và cơ thể.
Những quan hệ với các Tạng Phủ khác:
Tâm và Tỳ có mối quan hệ tương sinh: Tâm hỏa sinh Tỳ thổ.
Tâm và Phế có mối quan hệ tương khắc: Tâm hỏa khắc Phế kim.
Tâm chỉ hỏa, quẻ Ly. Thận chỉ Thủy, quẻ Khảm. Hai quẻ này chồng lên nhau thành quẻ Thái, ý nghĩa là thủy hỏa ký tế. Tâm hỏa và Thận thủy giao hòa nhau tạo quân bình cho cơ thể.
Chức năng sinh lý tạng tâm bào
Cơ thể có ngũ Tạng nhưng lại có đến lục Phủ. Trong mối quan hệ biểu lý giữa tạng và phủ thì do Tâm có chức năng quân chủ, là vị vua (tối quan trọng) nên cần phải có sự bao bọc, bảo vệ bên ngoài Tâm. Vai trò này được thực hiện bởi Tâm bào. Tâm bào lạc thuộc tướng hỏa, vì Tâm bào là thần sứ của Tâm. Tâm bào là màng bao của Tâm, còn gọi là Thủ Tâm chủ, vì được ví như tay của Tâm, thay mặt Tâm mà hành sự. Tâm quan hệ biểu lý với Phủ Tam tiêu.
Chức năng sinh lý của Tâm bào.
Tâm bào là tổ chức ngoại vệ của Tâm:
Bao bọc tạng Tâm để bảo vệ cho Tâm, ngăn cản tà khí xâm nhập vào Tâm. Tà khí xâm nhập vào cơ thể, nói chung từ ngoài vào trong, từ biểu vào lý. Nên chức năng chính của Tâm bào là bảo vệ cho Tâm.
Những vùng có thể có liên quan đến Tâm bào:
Do đường kinh của Tâm bào có đi qua những vùng ngực, sườn, hõm nách, dọc bờ trong cánh tay giữa 2 kinh Tâm, Phế và xuống cơ hoành và bụng liên lạc 3 tầng Thượng, Trung, Hạ của Tam tiêu, nên trong bệnh lý Tâm bào có xuất hiện những triệu chứng có liên quan đến mối quan hệ nêu trên.
Tâm bào lạc và Tam tiêu có liên quan biểu lý về Tạng phủ và trên đường kinh.
Tâm chủ quân hỏa mà Tâm bào lại là Tướng Hỏa, trên lâm sàng các triệu chứng bệnh hay cùng xuất hiện và hay được phối hợp để chữa bệnh.
Chức năng sinh lý phủ tiểu trường
Phủ Tiểu trường và Tạng Tâm có mối quan hệ biểu lý với nhau. Đó là mối quan hệ giữa cái sáng rực rỡ và cái nóng, thuộc dương. Do đó, Tâm và Tiểu trường rất sợ nhiệt. Mối quan hệ này biểu hiện như Tâm nhiệt ảnh hưởng Tiểu trường gây tiểu đỏ…
Thiên Bản thần sách Linh khu viết: “Tâm hợp với Tiểu trường”. Hợp tức là quan hệ lẫn nhau, ảnh hưởng lên nhau giữa 2 Tạng Phủ, như nguyên nhân của lưỡi đỏ và nứt đều là do Tâm hỏa vượng thịnh (Tâm khai khiếu ra lưỡi) nhưng chứng lưỡi đỏ mà nứt thường có cả những chứng tiểu tiện đỏ và ít, thậm chí tiểu tiện ra huyết, đó chính là phù hợp với câu trong sách Sào thị bệnh nguyên “Tâm chủ huyết hợp với Tiểu Trường, nếu Tâm nhiệt huyết kết lại ở Tiểu trường thì tiểu tiện ra huyết”.
Phủ Tiểu trường giữ chức phận phân biệt thanh trọc:
Tiểu Trường tiếp thụ đồ ăn uống đã được làm chín nhừ ở Vị. Chất tinh vi của thức ăn chín nhừ này được Tỳ khí hóa thành chất tinh để đưa đến ngũ tạng lục phủ giúp tạng phủ hoạt động. Còn lại chất thủy dịch của cặn bã đưa đến Bàng quang. Chất trọc của cặn bã đưa đến Đại trường và bài tiết ra ngoài để hoàn thành chức năng “hóa vật”. Điều đó nói rõ, Tiểu trường có công năng phân biệt thanh trọc làm cho thủy dịch và cặn bã được phân chia ra rành rọt. Vì thế nếu công năng Tiểu Trường không được kiện toàn thì sẽ ảnh hưởng đến đại tiểu tiện. Thế nên chứng đi lỏng mà thủy cốc không phân biệt được và tiểu tiện ra nhiều hay ít, đậm hay nhạt đều có quan hệ với Tiểu trường.
Tiểu trường giúp dẫn dắt hỏa của Tâm giao xuống đến Thận và bàng quang:
Tiểu trường ngoài nhiệm vụ đưa trọc dịch xuống Bàng quang, còn nhiệm vụ đưa Hỏa của Tâm xuống Thận và Bàng quang, giúp khí hòa lẫn nửa trọc dịch chứa ở Bàng quang trước khi tiểu tiện ra ngoài.
Phần khí được hóa này:
Một là sẽ bốc theo con đường của Tam tiêu lên đến hung cách yết hầu… Đây là con đường hô hấp, thở ra ngoài.
Hai là thâm nhập ra ngoài cơ biểu tứ chi xuất ra ở bì mao. Đó cũng chính là vệ khí bảo vệ mặt ngoài của thân thể (Thái dương chủ về lớp ngoài cùng của cơ thể con người). Đây là con đường mà Bàng quang và Tiểu trường đóng vai hóa khí để bảo vệ bên ngoài được gọi chung là Thái dương kinh.
Vùng cơ thể do kinh Thái dương Tiểu trường chi phối:
Vùng bờ ngoài ngón út bàn tay, cẳng tay, cánh tay, vai, quanh bả vai.
Tâm.
Phủ Tiểu trường.
Cổ, góc hàm, đuôi mắt.
Trong tai.
Mũi, đầu mắt.
Do khu vực chi phối và quan hệ này mà khi có bệnh ở Thái dương Tiểu trường sẽ có các triệu chứng như đau họng, sưng dưới góc hàm, cứng cổ, ù tai, mắt vừng, đau nhức cằm, vai, cánh tay…
Chức năng sinh lý phủ tam tiêu
Đại cương:
Chữ Tiêu có nghĩa là cháy khét, nhưng nó lại đứng trước chữ Tam, nên ý nghĩa là đứng đầu, là to lớn như chữ Nguyên. Cho nên nói Tam tiêu phân ra Thượng tiêu, Trung tiêu và hạ tiêu. Mỗi tiêu có một đường khí đạo cũng giống như Tam Nguyên là Thiên, Địa, Nhân, mỗi ngôi có 1 nguyên khí.
Chữ Tiêu ngày xưa có ý nghĩa là màng mỡ. Tam Tiêu chính là màng mỡ khắp trên cơ thể con người, là con đường hành thủy (Thương hàn luận).
Nội kinh viết: “Tam tiêu là quan năng khai ngòi nước, thủy đạo xuất ra từ đây”. Như vậy, Tam tiêu chủ về khí đạo, ví như 1 vị quan trông coi điều khiển việc khơi xẻ đường thủy đạo cho lưu thông (Quyết độc chi quan) vì không có khí thì thủy không hóa, và Tam tiêu cũng là con đường vận hành nước trong cơ thể con người. Chương 31, sách Nạn kinh viết: “Tam tiêu là đường lối của thức ăn, là chỗ khí luân chuyển đi về” đã nói lên chức năng của Tam tiêu là đưa khí huyết tân dịch của thức ăn đi chu lưu khắp da dẻ và tạng phủ. Thiên Ngũ lung tân dịch biệt luận, sách Linh khu viết: “Đồ ăn có 5 vị vào miệng đều dồn vào bể chứa của nó, tân dịch được tạo ra và theo đường lối riêng, Tam tiêu đưa khí ra làm ấm áp bắp thịt, tân dịch ra nuôi dưỡng bì phu…”. Thiên bản thần, sách Linh khu lại nói: “Tam tiêu là phủ trung độc (chỗ hội tụ của đường nước) đường nước do đó mà ra, thuộc với Bàng quang”.
Vậy tóm lại, Tam tiêu là đường nguyên khí phân bổ thức ăn, uống chuyển hóa ra vào, chủ khí, chủ thủy coi toàn bộ hoạt động khí hóa trong cơ thể con người.
Tam tiêu có 2 công năng chính:
Chủ trì các khí, lưu thông khí huyết tân dịch.
Thông điều đường nước.
Phân biệt bộ vị của Tam tiêu và công năng của mỗi bộ vị:
Thiên Dinh vệ sinh hội, sách Linh khu phân cơ thể ra:
Thượng tiêu: từ miệng trên của Vị (bí môn) đến dưới lưỡi; bao gồm cả bộ phận lồng ngực và 2 tạng Tâm Phế.
Trung tiêu: từ miệng trên của Vị (bí môn) đến miệng dưới của Vị (u môn) bao gồm cả bộ phận bụng trên và Tỳ Vị đều thuộc phạm vi của Trung tiêu.
Hạ tiêu: từ miệng dưới của Vị xuống đến tiền âm, hậu âm; bao gồm cả bộ phận bụng dưới, Can, Thận, Đại tiểu trường, Bàng quang đều thuộc phạm vi của hạ tiêu.
Điều 31, sách Nạn kinh viết: “Thượng tiêu từ dưới lưỡi xuống đến cách mô ngang chỗ miệng trên của Vị, chủ nạp mà không chủ xuất, Trung Tiêu là ngang giữa trung quản của Vị, không cao không thấp, chủ việc ngấu nhừ thức ăn. Hạ tiêu ngang với miệng trên của bàng quang, chủ xuất mà không chủ nạp để truyền tống cặn bã”.
Thượng tiêu:
Thiên Dinh vệ, sách Linh khu viết: “Thượng tiêu như sương mù…”. Nói sương mù là hình dung Thượng tiêu nhiều khí.
Thiên Quyết khí, sách Linh khu viết: “Thượng tiêu phân bổ khí ngũ cốc đi khắp nơi làm ấm da dẻ, nuôi thân thể, mượt tóc như sương mù rơi xuống gọi là khí”.
Sách Trương thị loại kinh giải thích: “Tỳ tán tinh khí ra, khí ấy như sương mù và quy về Phế, nên nói Thượng tiêu như sương mù”.
Chính vì Thượng tiêu đưa khí đi khắp toàn thân mà có tác dụng làm ấm ngoài da, mượt lông tóc, vì thế phần cơ biểu được dinh dưỡng và do đó phát sinh được công năng bảo vệ ở ngoài (gọi là Vệ khí). Nếu cơ năng của Thượng tiêu mất bình thường, sự phân bố bị trở ngại, da dẻ không được sự ôn nhuận của Vệ khí, lỗ chân lông mở đóng không thuận lợi sẽ sinh ra hiện tượng rét run phát nóng.
Ngoài ra Thượng tiêu còn có công năng chủ việc thu nạp. Nạp bao gồm thu nhận cả hô hấp và ăn uống, bởi vì Vị chủ việc tiếp nạp đồ ăn không để nôn ra ngoài, Phế chủ việc hô hấp. Cả 2 tạng phủ ấy đều khai khiếu ở Thượng tiêu cho nên nói Thượng tiêu có công dụng chủ việc thu nạp.
Trung tiêu:
Thiên Dinh vệ sinh hội , sách Linh khu nói: “Trung tiêu như bọt nước sủi lên”. Bọt nước sủi lên là chỉ vào trạng thái hóa sinh của Tỳ Vị. Bởi vì, nhìn vào phạm vi của Trung tiêu và công năng của Tạng phủ ở trong đó thì chủ yếu là vận hóa thủy cốc và chưng bốc khí huyết tân dịch để nuôi dưỡng khắp toàn thân. Trong quá trình ấy, động lực của 1 loạt hoạt động hóa sinh, trừ công năng của Tỳ Vị ở Trung tiêu ra, thì hạ tiêu cũng góp 1 phần tác dụng nhất định trong đó.
Chức năng Trung tiêu bao gồm: thu nạp cốc khí, lọc cặn bã, chưng tân dịch, làm thành tinh hoa đưa lên Phế mạch biến hóa ra sắc đỏ gọi là Huyết. Tác dụng của Trung tiêu chủ yếu là hóa thủy cốc thành ra khí huyết tân dịch, là chất có đủ tác dụng dinh dưỡng. Sở dĩ gọi như bọt nước sủi lên là muốn nói đến hoạt động sinh lý như làm chín thức ăn uống, chưng hóa tân dịch, tiếp thu tinh khí của thủy cốc, hóa sinh ra khí.
Hạ tiêu:
Thiên Dinh vệ, sách Linh khu nói: “Hạ Tiêu như ngòi rãnh”. Sách Trương thị loại kinh nói “Ngòi rãnh là chỗ chảy nước ra” ý nói Hạ tiêu chủ việc xuất chứ không chủ nạp. Cho nên công năng chủ yếu của hạ tiêu là thấm thủy dịch xuống, gạn lọc ra thanh trọc và bài tiết ra đại tiểu tiện ở tiền âm và hậu âm.
Như vậy, hoạt động của Tam tiêu có thể tóm tắt lại như sau:
Con đường vận hành nước (thông điều đường nước) trong cơ thể đều theo con đường của Tam Tiêu.
Khi ta ăn uống vào, Vị là bể chứa và làm chín nhừ. Từ Vị các vật chất ở dạng gọi là nước sẽ thấm và tản theo màng mỡ, thấm và tản được vào trong màn mỡ là nhờ sự tuyên bổ của Phế khí. Nước từ màng mỡ sẽ thấm xuống Bàng quang, phần nước ở trong Tiểu trường cũng phát tán theo con đường của hạ tiêu vào Bàng quang khi nó chưa hóa khí.
Con đường hóa khi hay chủ trì các khí của Tam tiêu.
Thủy dịch từ khi ăn uống vào đến bất cứ tạng phủ nào để giúp cho hoạt động đều có quá trình khí hóa để tạo ra dạng vật chất cho Tạng phủ đó, kể cả khi thấm vào màng mỡ, hoặc từ Tiểu trường đi ra đều bị hỏa chưng cất hóa thành khí. Còn các nước chưa hóa được nhập vào Bàng quang, dưới đáy Bàng quang là khí hải cũng có tên là huyết thất. Qúa trình khí hóa ở Bàng quang bắt nguồn từ huyết thất này bốc lên thành khí (nước không hóa được sẽ được thải ra ngoài). Khí được hóa này sẽ bốc lên theo con đường của Tam tiêu lên đến hung cách, yết hầu. Đây là con đường hô (thở ra ngoài). Phần khí theo màng mỡ ra ngoài đến tứ chi sẽ theo con đường cơ nhục, xuất ra ở bì mao, đó chính là Vệ khí bảo vệ mặt ngoài của cơ thể.
Như vậy ta biết rằng sự liên hệ giữa tạng phủ với nhau do con đường của Tam tiêu, Tam tiêu là màng mỡ. Gốc của nó phát ra từ Thận hệ tức Mệnh môn. Phần trên của nó quy kết ở Tâm bào lạc, Tam tiêu bao gồm cả lục phủ ngũ tạng, 12 kinh mạch, có những công dụng hô hấp, tiêu hóa thức ăn uống hấp thụ, bài tiết, hóa sinh khí huyết nên mới nói Tam tiêu có quan hệ với công năng khí hóa của toàn bộ cơ thể.
Các quan hệ của Tam tiêu:
Tam Tiêu thuộc kinh Thủ Thiếu dương trong 12 kinh:
Khởi đầu từ chót ngón tay nhẫn phía ngón út lên dọc theo ngoài cổ tay, lên khuỷu tay, dọc phía ngoài cánh tay lên vai ra sau giao với kinh mạch Túc Thiếu dương, vào hõm vai, tỏa ra ở chiên trung liên lạc với Tâm bào xuống cách mô rồi đến tam tiêu.
Quan hệ giữa Tam tiêu và Tâm bào:
Tâm bào là ngoại vệ bao bọc Tâm nhưng được coi là 1 tạng. Tam tiêu là Phủ. Quan hệ giữa Tâm bào và Tam tiêu là quan hệ giữa tạng và phủ.
Hơn thế nữa, Tam tiêu là bộ phận bảo vệ ở ngoài Tạng Phủ, Tâm bào lạc là bảo vệ ở ngoài cho Tâm, cũng như hai lần thành của cửa nhà vua. Cho nên đều thuộc dương và đều gọi là tướng hỏa.
Vì thế Tam bào và Tam tiêu về công dụng là biểu lý thông nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau.
Triệu chứng bệnh của Tam tiêu:
Bệnh của Tam tiêu chủ yếu là về mặt thủy khí vận chuyển phát sinh chướng ngại.
Nếu Thượng tiêu không thông lợi thi sinh suyễn đầy.
Trung tiêu không thông lợi thì thủy ẩm ngưng trệ mà bụng đầy.
Hạ tiêu không thông lợi thì thấy phù nề.
Mặt khác, do mỗi bộ phận của Tam tiêu đều bao bọc một số tạng khí nên chứng trạng Thượng tiêu luôn bao gồm chứng trạng của Tâm Phế; chứng trạng Trung tiêu bao gồm chứng trạng của Tỳ Vị và chứng trạng hạ tiêu bao gồm cả Can Thận, Đại tiểu trường.
Chứng trạng Thượng tiêu quan hệ chặt chẽ với bệnh biến của Tâm và Phế.
Hư hàn: tinh thần không yên, đoản hơi. Nói không ra tiếng.
Thực nhiệt: ngực bế tắc, đổ mồ hôi trán. Lưỡi khô, họng sưng, suyễn đầy.
Chứng trạng Trung tiêu quan hệ chặt chẽ với Tỳ, Vị.
Hư hàn: bụng đau, ruột sôi. Tiêu lỏng mà không thông. Bụng đầy, ưa nắn bóp.
Thực nhiệt: bụng đầy trướng. Không mửa. Không đi cầu. Suyễn cấp.
Chứng trạng hạ tiêu quan hệ chặt chẽ với Can, Thận, Đại tiểu tràng.
Hư hàn: đại tiện lỏng không dứt.Tiểu tiện trong dài, hoặc són đái. Bụng đầy, phù nề.
Thực nhiệt: đại tiểu tiện không thông. Đi ngoài ra máu.
Bài viết cùng chuyên mục
Y học cổ truyền viêm phế quản (đông y)
Có thể gặp viêm phế quản cấp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là ở trẻ em và người cao tuổi. Thường gặp viêm phế quản cấp khi trời lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết đột ngột.
Bệnh học phế đại trường
Chức năng của Đại trường là tống chất cặn bã ra ngoài. Linh lan bí điển luận/Tố vấn viết: “Đại trường giả tiền đạo chi quan, biến hóa xuất yên”.
Y học cổ truyền thoái hóa khớp xương
Thoái hóa khớp là bệnh của toàn bộ thành phần cấu tạo khớp như sụn khớp, xương dưới sụn, bao hoạt dịch, bao khớp, thường xảy ra ở các khớp chịu lực nhiều.
Đại cương ngoại cảm ôn bệnh
Bệnh ngoại cảm ôn bệnh diễn tiến có quy luật và đi từ ngoài vào trong, đi từ nhẹ đến nặng, Theo Diệp Thiên Sỹ bệnh sẽ diễn biến từ Vệ phận đến Khí phận, Dinh phận và cuối cùng là Huyết phận.
Bệnh học can đởm
Gió và sấm sét là hiện tượng tự nhiên cùng xuất hiện. Sấm sét tượng cho quẻ Chấn, Do đó, người xưa cho là Can Đởm có quan hệ với nhau.
Y học cổ truyền đại tràng kích thích (đông y)
Đau bụng với cảm giác quặn thắt và giảm sau khi đi xong, bệnh nhân thường táo bón hoặc xen kẽ với tiêu chảy và tiêu chảy nếu có thường xảy ra sau khi ăn phải một số thức ăn.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: phong hàn thúc phế
Phong là dương tà có đặc điểm biến hóa nhanh, là nhân tố hàng đầu của mọi bệnh, và thường kết hợp với các tà khác để gây bệnh.
Y học cổ truyền viêm tiểu cầu thận mạn tính
Y học cổ truyền mô tả bệnh viêm cầu thận mạn tính trong chứng: thủy thũng, niệu huyết, yêu thống; thời kỳ sau thường là phạm trù hư lao.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: táo khí thương phế
Táo tà là dương tà có tính chất làm thương tổn âm dịch của Phế, do đó khi Phế âm bị thương tổn thì Phế khí cũng bị thương tổn theo.
Phế nham (ung thư phế quản)
Phế nham thời kỳ sau: dùng các thuốc tây y không hiệu qủa; điều trị thuốc Trung y lại thấy không ít bệnh nhân tiến triển đột biến tốt, thời gian sống thêm tương đối dài.
Bệnh học ngoại cảm
Bệnh ngoại cảm bao gồm tất cả các bệnh có nguyên nhân từ môi trường khí hậu tự nhiên bên ngoài; do khí hậu, thời tiết của môi trường bên ngoài trở nên thái quá.
Bệnh học ngoại cảm lục dâm: hàn thấp khốn tỳ
Ngoài tính chất hàn tà làm dương khí tụ lại, thấp tà làm cản trở hoạt động của khí đưa đến ngăn trở công năng hoạt động của Tỳ Vị.
Bệnh học thận bàng quang
Con người mới sinh ra đầu tiên là nhờ tinh khí tiên thiên mà sống và phát triển. Do đó Thận chủ tiên thiên.
Thống phong (bệnh goutte)
Để cân bằng, hàng ngày acid uric được thải trừ ra ngoài, chủ yếu theo đường thận và một phần qua đường phân cùng với các đường khác 200 mg.
Y học cổ truyền hen phế quản (đông y)
Có thể có triệu chứng báo hiệu hắt hơi, sổ mũi, ho khan, tức ngực, Chủ yếu khó thở thì thở ra, cơn nặng phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn có thể kịch phát hoặc liên tục.
Ngải tư bệnh (HIV, AIDS)
Chính khí hư dễ dẫn đến ngoại tà, tà độc phục cảm và dẫn đến chính hư tà thực thì bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng và dẫn đến tử vong.
Y học cổ truyền thấp tim tiến triển
Tức ngực tâm quí, suyễn khái khí súc, hông sườn chướng đau, thiện án; đàm đa sắc trắng, thậm chí có bọt sắc hồng.
Thống kinh: điều trị bằng y học cổ truyền
Đau bụng kinh là sự ngăn trở vận hành khí và huyết. Vì kinh nguyệt là do huyết hóa ra, huyết lại tùy vào khí để vận hành, do đó khi khí huyết hòa thuận, sung túc thì không gây đau bụng khi hành kinh.
Y học cổ truyền động kinh (đông y)
Đặc điểm chủ yếu của bệnh là lên cơn đột ngột, ngắn và tái phát nhiều lần, có những rối loạn về ý thức, cảm giác và chức năng thần kinh thực vật, giữa 2 cơn hoạt động của cơ thể là bình thường.
Rối loạn kinh nguyệt: sinh lý bệnh và cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền
Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt về thời gian, tần số và lượng máu mất trong ngày hành kinh, cùng với những triệu chứng khác kèm theo.
Bế kinh: điều trị bằng y học cổ truyền
Phần nhiều là âm huyết bất túc, huyết hư do mất máu nhiều, đổ mồ hôi trộm, phòng lao, sinh đẻ nhiều hoặc Tỳ Vị hư yếu nên không sinh huyết hoặc trùng tích.
Viêm khớp phong thấp tính (viêm khớp dạng thấp tiến triển)
Bản chất bệnh là phản ứng tự kháng nguyên - kháng thể, yếu tố thấp là một IgM; yếu tố thấp chiếm đa số ổ 80% các trường hợp, còn kháng thể kháng nhân chiếm 20%.
Viêm sinh dục nữ: bệnh học y học cổ truyền, đông y
Đặc điểm lâm sàng khởi đầu bằng tình trạng viêm niêm mạc cơ quan sinh dục nữ, gây viêm tại chỗ sau đó lan theo chiều dài bộ phận sinh dục.
Hư lao: suy nhược cơ thể
Tâm quí kiên vong, huyền vựng, sắc mặt gầy bệch, khí đoản gầy gò, ngủ hay mơ, dễ tỉnh giấc,ăn không ngon miệng, hoặc bụng đau tiện lỏng, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch tế nhược.
Y học cổ truyền viêm gan mạn tính hoạt động
Viêm gan cấp tính điều trị không triệt để hoặc không được điều trị, bệnh tà lưu lại ở cơ thể, thấp nhiệt tích tụ ở can tỳ hoặc trung tiêu, khí cơ uất trệ, tạng phủ hư tổn, khí - huyết bất túc nặng hơn.